ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG TÌNH BẠN
Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên
WHĐ (02.06.2023) - Tình yêu và tình bạn là hai chủ đề quan trọng của đời
sống con người và nhiều khi con người khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là tình
yêu và đâu là tình bạn. Văn hóa Hy-lạp thời cổ có nhiều khái niệm ‘yêu’ (love).
Trong đó, bốn khái niệm căn bản được sử dụng để diễn tả tình yêu trong Kinh
Thánh Ki-tô Giáo là: (1) ἔρως/ érōs (tình yêu xác thịt hay tình yêu vị kỷ), (2)
στοργή/ storgē (tình yêu gia đình giữa cha mẹ, con cái, anh chị em), (3) φιλία/
philia (tình yêu bạn bè hay tình bạn) và (4) ἀγάπη/ agápē (tình yêu hy sinh hay
tình yêu vô điều kiện). Trong Kinh Thánh, ἔρως/ érōs được sử dụng 2 lần trong
Cn 7,18 và Cn 30,16; στοργή/ storgē xuất hiện 2 lần trong 4 Mcb 14,13.17 (sách
3 Mcb và 4 Mcb thuộc Quy Điển của Chính Thống Giáo); φιλία/ philia được sử dụng
33 lần (32 lần trong Cựu Ước và 1 lần trong Tân Ước), cùng với động từ φιλέω/
phileō được sử dụng 54 lần (33 lần trong Cựu Ước và 21 lần trong Tân Ước); ἀγάπη/
agápē được sử dụng 124 lần (18 lần trong Cựu Ước và 106 lần trong Tân Ước),
cùng với động từ ἀγαπάω/ agapaō được sử dụng 378 lần (268 lần trong Cựu Ước và
110 lần trong Tân Ước). Bài viết này chủ yếu quan tâm chủ đề tình yêu φιλία/
philia (amicitia/ friendship/ amitié) trong tương quan với chủ đề tình yêu ἀγάπη/
agápē (caritas/ love/ amour). Hình thức động từ của danh từ φιλία/ philia là φιλέω/
phileō (yêu, thích, làm bạn); còn hình thức động từ của danh từ ἀγάπη/ agápē là
ἀγαπάω/ agapaō (yêu, ưa chuộng, quí mến). Trong Tân Ước, có khi tình yêu agape
được sử dụng phân biệt với tình yêu philia nhưng cũng có khi tình yêu agape được
sử dụng như tình yêu philia. Bản Bảy Mươi (Septuagint, bản dịch Kinh Thánh Cựu
Ước từ tiếng Do-thái sang tiếng Hy-lạp) dùng hai động từ φιλέω và ἀγαπάω trong
cùng một câu, chẳng hạn trong sách Châm Ngôn, Đức Khôn Ngoan minh định: “Kẻ yêu ta sẽ được ta yêu lại, người tìm ta ắt
sẽ gặp ta” [ἐγὼ τοὺς ἐμὲ φιλοῦντας ἀγαπῶ, οἱ δὲ ἐμὲ ζητοῦντες εὑρήσουσιν]
(Cn 8,17). Điều đáng để chúng ta quan tâm là cùng một động từ yêu (אהב/ ahab) của
tiếng Do-thái nhưng các tác giả Bản Bảy Mươi dịch Thiên Chúa yêu là tình yêu
agape, còn con người yêu là tình yêu philia. Như vậy, các tác giả Bản Bảy Mươi đã
‘hội nhập văn hóa’ khi dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Do-thái sang tiếng Hy-lạp
hầu giúp mọi người hiểu biết và phân biệt rõ ràng hơn giữa tình yêu của Thiên
Chúa và tình yêu của con người.
Chúng ta có thể khẳng
định rằng tình bạn xuất hiện cùng với sự xuất hiện của con người trên trái đất
này. Con người không thể có hạnh phúc thực sự nếu cuộc đời vắng bóng tình bạn. Các
hình thức tình bạn thật đa diện, chẳng hạn như tình bạn theo lứa tuổi, tình bạn
theo giới tính, tình bạn theo nghề nghiệp, tình bạn theo trường lớp, tình bạn
theo sở thích, tình bạn theo học thức, tình bạn theo tầng lớp xã hội, tình bạn
theo chí hướng, tình bạn theo tính nết, tình bạn theo sắc tộc. Nói cách khác,
có bao nhiêu hình thức phân loại trong xã hội loài người thì có bấy nhiêu hình
thức tình bạn. Chủ đề tình bạn được quan tâm từ rất sớm trong các truyền thống
triết học và tôn giáo thuộc thế giới Hy-lạp và Rô-ma với những nhân vật nổi tiếng
như Socrates (469-399 trước Công Nguyên), Plato (428-348 trước Công Nguyên),
Aristotle (384-322 trước Công Nguyên) hay Cicero (106-43 trước Công Nguyên). Nhu
cầu tình bạn thật là mãnh liệt: Có người cần tình bạn để bổ sung kiến thức; có
người cần tình bạn để giảm thiểu những sai lầm; có người cần tình bạn để nâng
cao chất lượng cuộc sống; có người cần tình bạn để dễ bề tâm sự trong lúc gặp
khó khăn; có người cần tình bạn để vui chơi; có người cần tình bạn cho một
tương lai tốt đẹp hơn.
Theo Diogenes Laërtius
(sống vào thế kỷ thứ ba, người viết tiểu sử các triết gia Hy-lạp) thì Aristotle
định nghĩa bạn bè chân thực, bạn bè tri kỷ là: “Một tâm hồn trong hai thân thể” [μία ψυχὴ δύο σώμασιν ἐνοικοῦσα]
(Diogenes Laërtius, The Lives and
Opinions of Eminent Philosophers, Book V,20). Aristotle đề cập ba hình thức
tình bạn chính yếu, đó là tình bạn lợi ích, tình bạn vui thú và tình bạn đức hạnh
(Aristotle, Nicomachean Ethics, Book
VIII,3): (1) Tình bạn đặt nền tảng trên lợi ích hay tình bạn thực dụng (friendship
of utility), nghĩa là đôi bên cùng có lợi, nếu không có bạn sẽ bị thiệt thòi;
(2) tình bạn đặt nền tảng trên vui thú hay sự hài lòng (friendship of pleasure),
nghĩa là mỗi người đều cảm nhận được vui thú trong tương quan tình bạn. Hai
hình thức tình bạn này hướng tới bản thân hơn là hướng tới người khác. Đây là
những hình thức tình bạn chóng qua, mau tàn, không bền vững bởi vì khi không
còn lợi ích hay vui thú nữa cũng là khi người ta buông bỏ tình bạn. Tình bạn
theo hai hình thức này nặng tính sở hữu ‘muốn có lợi ích, muốn có thú vui’, nhắm
tới ‘cái con người cần có’ (to have) hơn ‘cái con người là’ (to be); (3) tình bạn
đặt nền tảng trên đức hạnh hay sự tốt lành (friendship of virtue), nghĩa là đôi
bên đều quan tâm đến đức hạnh hay sự tốt lành của nhau, đôi bên đều hướng về sự
toàn thiện. Tình bạn đức hạnh quan tâm phẩm giá cao quý của con người so với vạn
vật, quan tâm ‘cái con người là’ hơn là ‘cái con người cần có’. Đây là tình bạn
cao quý, bền vững, đáng trân trọng hơn hai hình thức tình bạn trước đó.
Những trang đầu của sách
Sáng Thế cho chúng ta biết rằng, sau khi tác tạo A-đam, Thiên Chúa nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ
làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Thiên Chúa đã lấy xương
sườn của A-đam và làm thành người đàn bà (tên là E-và) và cả hai thành một
xương một thịt (St 2,21-24; St 3,20). Không chỉ A-đam và E-và trở thành bạn của
nhau mà cả hai còn có mọi súc vật, chim trời, muông thú làm bạn (St 2,19). Đặc
biệt, A-đam và E-và được sống thân tình với Thiên Chúa: Người đi dạo trong vườn
mà Người đã chuẩn bị cho họ (St 3,8). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Con người đầu tiên không phải chỉ được sáng
tạo tốt lành mà thôi, nhưng còn được đặt trong tình thân với Đấng Tạo Hóa, hài
hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân và sự hài hòa này chỉ
thua kém vinh quang của sáng tạo mới trong Đức Ki-tô” (GLGHCG 374). Sách
Sáng Thế cũng cho chúng ta biết rằng, vì tội lỗi của A-đam và E-và, tình thân hữu
giữa Thiên Chúa và con người trở nên méo mó, biến dạng. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn
hằng yêu thương con người. Lịch sử tình yêu đó được diễn tả cách cụ thể trong gia
đình nhân loại. Theo thánh I-rê-nê (130-202), chương trình mặc khải của Thiên
Chúa trong dòng lịch sử là chuẩn bị cho con người trở nên bạn hữu của Thiên
Chúa (Irenaeus, Against Heresies,
Book IV, Chapter 16,3-4).
Thiên Chúa trở thành Bạn
của con người. Bạn ở đây được hiểu là φίλος/ philós (φιλία/ philia - tình yêu bạn
bè hay tình bạn). Điều này vượt quá tâm thức của con người qua dòng lịch sử. Chẳng
hạn, tâm thức triết lý và tôn giáo của một số nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng lớn
ở Hy-lạp và nhiều nước quanh vùng Địa Trung Hải trước Biến Cố Nhập Thể của Đức
Giê-su là: Những gì thuộc thế giới linh tượng thì không thể là bạn của những gì
thuộc thế giới khả giác, do đó, không có chuyện tình bạn giữa thần thánh (thuộc
thượng giới) và con người (thuộc hạ giới). Bổn phận của con người là tìm cách
lìa bỏ đời sống hạ giới để về với đời sống thượng giới. Đối với Aristotle, nói
đến tình bạn là nói đến sự tương đồng. Khoảng cách giữa Thượng Đế và con người
xa nhau vời vợi. Vì vậy, tương quan giữa Thiên Chúa và con người không phải là
tương quan tình bạn (Aristotle, Nicomachean
Ethics, Book VIII, 7). Hầu hết các tôn giáo trên thế giới không bao giờ đề
cập tình bạn giữa con người và thần thánh. Chẳng hạn, đối với Hồi Giáo, không
có tình bạn giữa Đấng Allah và con người. Bổn phận căn bản của các tín hữu Hồi
Giáo là tuyên xưng đức tin (Allah là Đấng duy nhất và Muhammad là sứ giả của
Allah), cầu nguyện, bố thí, ăn chay và hành hương tới nhà của Allah (ở Mecca). Đấng
Allah hay các thần linh lại trở nên bạn của con người là điều không thể hiểu được
đối với anh chị em Hồi Giáo hay các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Tuy nhiên,
đây lại là mặc khải vô cùng quan trọng đối với Ki-tô Giáo.
Trở về với Cựu Ước,
chúng ta biết rằng những nhân vật điển hình trong Cựu Ước như Áp-ra-ham, Mô-sê
và Đa-vít được gọi là ‘bạn của Thiên Chúa’ bởi vì Thiên Chúa luôn đồng hành với
họ, nhờ đó, chương trình cứu độ của Người ngày càng được tỏ hiện. Chẳng hạn, tác
giả sách Sử Biên Niên trình thuật lời nguyện của vua Giơ-hô-sa-phát rằng: “Lạy Thiên Chúa chúng con, chẳng phải Ngài
là Đấng đã đuổi cư dân xứ này, bắt nhường chỗ cho Ít-ra-en dân Ngài và ban đất ấy
cho dòng dõi Áp-ra-ham, bạn thân của Ngài đến muôn đời đó sao?” (2 Sbn
20,7). Trong sách ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa phán: “Phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta, hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn,
dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta, Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận
cùng cõi đất, kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm” (Is 41,8-9). Trong Tân Ước,
thánh Gia-cô-bê gợi lại điều đó: “Ông
Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và
ông được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Gc 2,23). Tương tự như Áp-ra-ham,
Mô-sê cũng được gọi là bạn của Thiên Chúa. Chẳng hạn, theo sách Xuất Hành: “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt,
như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Đa-vít cũng luôn ý thức về sự gần
gũi, thân tình với Thiên Chúa như là Bạn của mình. Điều này được diễn tả trong
nhiều Thánh Vịnh, chẳng hạn: “Chúa là nguồn
ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời
tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27,1). Lời rao giảng của thánh Phao-lô cho
người Do-thái khẳng định tình thân hữu giữa Thiên Chúa với Đa-vít: “Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho
ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã
tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn
của Ta” (Cv 13,22).
Một trong những câu
chuyện đặc sắc nhất về tình bạn chân thành trong Cựu Ước là tình bạn giữa
Giô-na-than và Đa-vít. Giô-na-than là con vua Sa-un nhưng Giô-na-than không
màng đến danh vọng kế vị cha mình để được vinh dự, sang giàu với nhiều kẻ hầu
người hạ. Trong lịch sử nhân loại chưa có hoàng tử nào lại nói với bạn mình như
Giô-na-than nói với Đa-vít: “Chính anh sẽ
làm vua cai trị Ít-ra-en, còn tôi sẽ làm phó cho anh” (1 Sm 23,17).
Giô-na-than yêu Đa-vít như chính mình (1 Sm 18,1-3). Tình bạn đó còn được diễn
tả rất cụ thể: “Ông Giô-na-than cởi chiếc
áo khoác đang mặc mà cho ông Đa-vít, cho áo, cho cả gươm, cả cung, cả thắt lưng
của ông” (1 Sm 18,4). Tình bạn giữa Giô-na-than và Đa-vít đối diện với muôn
vàn thử thách gian truân, đặc biệt là
trong hoàn cảnh vua Sa-un thay lòng đổi dạ từ chỗ mến yêu Đa-vít tới chỗ
ghen ghét vì Đa-vít tuổi trẻ tài cao, được nhiều người mến yêu kính trọng. Vua
Sa-un muốn dùng tay người Phi-li-tinh để giết Đa-vít nhưng Đa-vít được Thiên
Chúa phù trợ và thoát khỏi mọi hiểm nguy, đồng thời, giành nhiều chiến thắng lừng
lẫy trước quân Phi-li-tinh. Vì ghen tương và sợ mất ngôi, chính vua Sa-un tự
tay cầm giáo để giết Đa-vít nhưng Đa-vít đã thoát nạn (1 Sm 19,8-10). Tình thế
biến đổi mau lẹ, Giô-na-than cùng các con của vua Sa-un đều bị giết, còn vua Sa-un
tự mình lao vào mũi gươm và đã chết. Đa-vít không hận thù vua Sa-un bởi vì vua là
người được Đức Chúa xức dầu tấn phong (2 Sm 1,14). Đa-vít đã làm văn tế khóc
thương vua Sa-un và Giô-na-than: “Sa-un
và Giô-na-than, ôi những con người dễ thương, dễ mến, sống chẳng xa nhau, chết
cũng chẳng rời, nhanh hơn chim bằng, mạnh hơn sư tử!” (2 Sm 1,23). Đặc biệt,
Đa-vít khóc thương Giô-na-than, người bạn thân thiết nhất đời mình: “Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì
anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh [ἀγάπησίς] đối với tôi thật diệu kỳ hơn
cả tình nhi nữ” (2 Sm 1,26). Theo ngôn ngữ của Aristotle, tình bạn giữa Giô-na-than
và Đa-vít không phải là tình bạn lợi ích hay tình bạn vui thú mà là tình bạn đức
hạnh định hướng về tình yêu ἀγάπη/ agápē của Tân Ước. Đây là hình ảnh giúp mọi
người có thể cảm nhận cách rõ ràng hơn tình bạn mà Đức Giê-su loan báo và minh
chứng bằng cuộc sống của Người.
Chúng ta biết rằng,
trong Cựu Ước, Khôn Ngoan hay Đức Khôn Ngoan không chỉ là ý niệm trừu tượng hay
là đặc tính của Thiên Chúa mà còn được nhân cách hóa (personification). Chẳng hạn,
Khôn Ngoan tiền hữu, bất biến, hợp nhất, sống động, sáng tạo, hiểu biết, cộng
tác, chỉ dẫn (Cn 8,27-29; Hc 1,9-10.26; Hc 24,7.12.19-22, Kn 6,18; Kn 1,7; Kn
8,4, Kn 9,9; Br 3,9–4,4); Đức Khôn Ngoan đứng đó, Đức Khôn Ngoan toàn năng, Đức
Khôn Ngoan phản ánh lòng nhân hậu của Thiên Chúa (Cn 3,17-18; Cn 8,2-4; Kn
7,25-26). Trong ngôn ngữ tình bạn giữa Thiên Chúa và con người, tác giả sách
Khôn Ngoan viết: “Đức Khôn Ngoan là kho
báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với
Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban”
(Kn 7,14). Cũng theo tác giả sách Khôn Ngoan: “Từ thế hệ này qua thế hệ khác, Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn
thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người” (Kn
7,27). Ai chiếm được Đức Khôn Ngoan, ai
có được Đức Khôn Ngoan là có tất cả. Với Tân Ước, chúng ta biết rằng Đức Giê-su
là Lời và cũng là Khôn Ngoan của Thiên Chúa Nhập Thể. Điều này có nghĩa rằng nhờ
Đức Giê-su trong hành trình trần thế, những trình thuật về Khôn Ngoan hay Đức
Khôn Ngoan trong Cựu Ước trở nên hiện thực (Cl 1,15; Ga 1,14).
Chúng ta thấy hình ảnh
của Giô-na-than và Đa-vít nơi thánh Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su là Lời và là
Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Giô-na-than nói với Đa-vít: “Chính anh sẽ làm vua cai trị Ít-ra-en, còn tôi sẽ làm phó cho anh”
(1 Sm 23,17). Còn Gio-an Tẩy Giả nói với các môn đệ về Đức Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ
đi” (Ga 3,30). Tại sao Đức Giê-su lại nổi bật như vậy? Theo trình thuật của
thánh Gio-an Tông Đồ, trước đó, thánh Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Giê-su
cho các môn đệ mình: "Đây là Chiên
Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới
khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”
(Ga 1,29-30). Thánh Gio-an Tẩy Giả vừa là vị tiền hô dọn đường cho Đức Giê-su,
vừa là bạn của Đức Giê-su như lời của thánh nhân: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó
nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm
vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29). Hơn nữa, khi nhận
ra Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian, thánh Gio-an Tẩy
Giả đã giới thiệu các môn đệ thân thuộc của mình cho Đức Giê-su để họ trở thành
môn đệ, tông đồ và là bạn của Người (Ga 1,36-37).
Khi loan báo Tin Mừng
Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su làm bạn với mọi người, đặc biệt, những người tội lỗi,
những người bị bỏ rơi hay bị những người quyền cao chức trọng trong xã hội
Do-thái khinh bỉ. Thánh Mát-thêu trình thuật lời của Đức Giê-su đối với những
người Do-thái: “Ông Gio-an đến, không ăn
không uống, thì thiên hạ bảo: Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống
như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và
phường tội lỗi” (Mt 11,18-19). Theo trình thuật của thánh Lu-ca, Đức Giê-su
giải thích lý do Người quan tâm những kẻ yếu thế: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không
đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”
(Lc 5,31-32). Như vậy, vấn đề đã rõ: Đức Giê-su làm bạn với những người như thế
để biến đổi họ trở nên giống Người chứ không phải làm cho Người trở nên giống họ.
Hơn nữa, lời của Đức Giê-su nhắc nhở những ai tự cho mình là công chính thánh
thiện thì cần phải xem lại bản thân trước khi dèm pha hay khinh thường người
khác. Quả thực, trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân và được mời gọi
không ngừng hoán cải để ngày càng gần gũi hơn với chính mình, với anh chị em, với
muôn vật muôn loài và với Thiên Chúa.
Câu chuyện người
Sa-ma-ri tốt lành cũng là câu chuyện giúp chúng ta hiểu biết hơn về tình người,
tình đời và tình bạn (Lc 10,29-37). Trong khi thầy tư tế và thầy Lê-vi là những
người đồng hương, đồng bào, đồng đạo thì không cứu giúp người bị nạn, còn người
Sa-ma-ri (dân Do-thái coi họ là dân ngoại) lại yêu thương người bị nạn. Đức
Giê-su muốn dùng câu chuyện này để nói về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa mà Đức
Giê-su diễn tả. Bởi vì, Đức Giê-su từ ‘môi trường xa lạ’, ‘môi trường Thiên
Chúa’ đến với môi trường con người, môi trường vĩnh cửu đến với môi trường thời
gian, môi trường vô biên đến với môi trường giới hạn. Người không chỉ đến với một
người, một nhóm người, một dân tộc, một quốc gia nào đó mà là đến với mọi người
trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Đức Giê-su đến để
mời gọi mọi người trở nên bạn của Thiên Chúa để được chung hưởng hạnh phúc muôn
đời. Sau khi kể dụ ngôn, để trả lời cho câu hỏi của người thông luật ‘ai là người
thân cận của tôi?’, Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông
hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37). Quả thực, trong dụ ngôn này,
người Sa-ma-ri xa lạ lại trở thành người bạn thân nhất của nạn nhân còn những
người ‘bạn thân’ của nạn nhân lại trở thành những người xa lạ.
Hành trình trần thế của
Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng, một mặt, Người đến với mọi người thuộc
mọi giai tầng trong xã hội, mặt khác, tình bạn của Người rất cụ thể. Câu chuyện
về mối tương quan giữa Đức Giê-su và ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô ở Bê-ta-ni-a
(cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số) giúp chúng ta hiểu thêm về tình bạn của Người.
Thánh Gio-an trình thuật rằng khi La-da-rô bị bệnh, hai cô Mác-ta và Ma-ri-a nhờ
người đến báo cho Đức Giê-su biết về bệnh tình của La-da-rô: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang
bị đau nặng" [Κύριε, ἴδε ὃν φιλεῖς ἀσθενεῖ] (Ga 11,3). Động từ thương
mến (yêu) dùng ở đây là ‘tình yêu bạn hữu (φιλεῖς từ φιλέω/ phileō). Khi nhận
được tin, Đức Giê-su còn lưu lại nơi Người đang ở hai ngày nữa. Sau đó, Người đến
quê hương của ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Khi Người tới thì La-da-rô
đã chết và người ta chôn cất anh bốn ngày rồi. Trước cảnh tượng đau buồn của
Mác-ta, Ma-ri-a và những người thân cận, Đức Giê-su khóc (Ga 11,35). Sau đó,
Người đã tới mồ gọi La-da-rô và La-da-rô được hồi sinh trước sự chứng kiến của
nhiều người. Câu chuyện này vừa cho chúng ta biết tình bạn thân thiết của Đức
Giê-su đối với ba chị em ở Bê-ta-ni-a, vừa cho chúng ta biết quyền năng cao cả
của Đức Giê-su là cho người chết hồi sinh. Với dấu chỉ cho La-da-rô hồi sinh, Đức
Giê-su mời gọi mọi người quan tâm hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người
là làm cho mọi người được sống lại trong ngày sau hết.
Giáo huấn của Đức
Giê-su về tình bạn vượt quá thông lệ văn hóa Do-thái cũng như các nền văn hóa khác
của xã hội loài người. Trong Cựu Ước, tác giả sách Châm Ngôn viết: “Bạn bè làm thương tổn, bạn bè vẫn chân
thành, kẻ thù có ôm hôn, kẻ thù cũng giả dối” (Cn 27,6). Còn tác giả sách
Huấn Ca viết: “Trong mọi chuyện lớn nhỏ,
đừng tỏ ra vô ý thức; đang là bạn, chớ trở nên thù” (Hc 5,15) hay: “Không buồn chết được sao khi bạn bè thân hữu
lại hóa nên thù địch?” (Hc 37,2). Còn theo luật báo phục của Cựu Ước, “nếu ai làm cho người đồng bào phải mang tật,
thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: Chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt,
răng đền răng; nó đã làm cho người khác mang tật thế nào, thì người ta cũng sẽ
làm cho nó như vậy” (Lv 24,19-20). Tuy nhiên, trong Tân Ước, Đức Giê-su mời
gọi mọi người hướng tầm nhìn vượt qua nhãn quan Cựu Ước về kẻ thù. Quả thực, với
Đức Giê-su, không ai trong gia đình nhân loại là kẻ thù của nhau hay kẻ thù của
Thiên Chúa. Khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói rằng Người đến
trần gian để kiện toàn lề luật (Mt 5,17). Với đồng loại và kẻ thù, Đức Giê-su
nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy
yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Quả thực, đối với
con người, thật khó để làm bạn với kẻ thù nhưng vì lắng nghe giáo huấn ‘yêu kẻ
thù’ của Đức Giê-su, các môn đệ của Người hãy làm bạn với kẻ thù. Người ta thường
nói rằng ‘chọn bạn mà chơi’. Còn Đức Giê-su thì chọn tất cả mọi người trong gia
đình nhân loại là bạn của Người và yêu thương mọi người (Ga 3,16). Như vậy, dõi
theo đời sống và giáo huấn của Đức Giê-su, biên độ tình yêu và tình bạn của các
Ki-tô hữu thật rộng lớn: Từ Thiên Chúa tới kẻ thù. Nói cách khác, tình yêu và
tình bạn của những ai theo Đức Giê-su đặt nền tảng trên tình yêu và tình bạn vô
biên vô lượng của Thiên Chúa.
Các môn đệ theo Đức
Giê-su nhưng không phải ai cũng thành tâm, tin tưởng và phó thác đời sống mình
cho Người. Chẳng hạn, như các môn đệ khác, Giu-đa cảm nhận được quyền năng và
tình bạn sâu thẳm của Đức Giê-su nhưng Giu-đa vẫn muốn tự mình định đoạt số phận
hơn là cậy dựa vào Người. Nhiều lần Đức Giê-su đã cảnh báo về sự phản bội của
Giu-đa (Mt 26,24–25; Mc 14,18–21; Lc 22,21–23; Ga 13,21–30). Đặc biệt, sau lời
tuyên xưng lòng tin của thánh Phê-rô, Đức Giê-su nói: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người
trong anh em lại là quỷ!” (Ga 6,70). Tuy nhiên, Giu-đa không hề nao núng với
ý định trao nộp Đức Giê-su cho những kẻ chống đối Người. Trong Cựu Ước, tác giả
Thánh Vịnh viết: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ
bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!" (Tv 41,10). Đức Giê-su đã chia cơm
sẻ áo với Giu-đa nhưng não trạng của Giu-đa là ‘đồng sàng dị mộng’, theo chương
trình riêng của mình chứ không theo chương trình của Đức Giê-su. Thánh Mát-thêu
trình thuật rằng, trong cuộc thương khó, khi Giu-đa Ít-ca-ri-ốt tiến lại hôn Đức
Giê-su thì Người bảo hắn: “Này bạn [Ἑταῖρε],
bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” (Mt 26,50). Trong trình thuật Tin Mừng
theo thánh Mát-thêu, trước khi gọi Giu-đa ‘này bạn’, Đức Giê-su dùng hạn từ
‘này bạn’ hai lần trong hai dụ ngôn khác nhau. Lần thứ nhất là trong dụ ngôn những
người thợ làm vườn nho. Ông chủ nói với một trong những người phàn nàn vì anh
ta làm mười một giờ mà tiền lương cũng bằng người làm một giờ: “Này bạn [Ἑταῖρε], tôi đâu có xử bất công với
bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20,13). Lần
thứ hai, trong dụ ngôn tiệc cưới, khi nhà vua, cũng là chủ tiệc cưới, thấy có
người dự tiệc nhưng không mang y phục lễ cưới thì nói với người đó: “Này bạn [Ἑταῖρε], làm sao bạn vào đây mà lại
không có y phục lễ cưới?” (Mt 22,12). ‘Này bạn’ trong hai dụ ngôn ở trên
không thể so sánh với ‘này bạn’ khi Đức Giê-su nói với Giu-đa. Bởi vì, Đức
Giê-su gọi ‘này bạn’ với người môn đệ sắp nộp Người cho kẻ dữ.
Câu đầu tiên trong Bữa
Ăn Cuối Cùng (the Last Supper) của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào
cuộc khổ nạn theo trình thuật của thánh Gio-an là: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ
thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở
thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Sau khi rửa chân cho
các môn đệ, Đức Giê-su loan báo Giu-đa sẽ phản bội và nói lời cáo biệt. Khi
Giu-đa ra đi, Đức Giê-su nói với mười một môn đệ còn lại: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức
Giê-su nói về ‘điều răn mới’ là yêu như Người đã yêu. Quả thực, trong khi các
môn đệ khó hiểu về căn tính, sứ mệnh cũng như giáo huấn của Đức Giê-su thì các
ngài hiểu được tình yêu và tình bạn mà Đức Giê-su dành cho họ. Đó là lý do tại
sao trong Ga 15,12-13, Đức Giê-su vừa lặp lại điều Người đã nói ở Ga 13,34 vừa
trình bày ‘tình yêu mới’ cách cụ thể hơn: “Đây
là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Dưới nhãn quan của các triết gia, chẳng
hạn như Aristotle, chết cho bạn mình là chết cho lý tưởng cao đẹp, cái chết của
‘tình bạn đức hạnh’. Trong lịch sử nhân loại có nhiều người yêu thương nhau đến
nỗi hy sinh tính mạng cho nhau, chẳng hạn như vợ chồng hy sinh tính mạng cho
nhau, người mẹ mang thai hy sinh tính mạng cho con được sống hay những người
lính sẵn sàng hy sinh mạng sống vì tổ quốc thân yêu. Tuy nhiên, việc Đức Giê-su
hy sinh tính mạng vì bạn hữu diệu kỳ hơn các hình thức hy sinh tính mạng trong
gia đình nhân loại.
Hai điều quan trọng
liên quan đến điều răn mới, điều răn yêu thương như Đức Giê-su yêu, yêu thương
đến nỗi hy sinh tính mạng vì bạn hữu đáng để chúng ta quan tâm: (1) Là Thiên
Chúa nhưng Đức Giê-su lại trở nên Bạn của con người. Thiên Chúa vô hình đã trở
nên hữu hình đến mức con người có thể lắng nghe, nhìn thấy, chiêm ngưỡng, đụng
chạm (1 Ga 1,1; Dt 1,1-2). Khi Đức Giê-su gọi các môn đệ là bạn, mặc nhiên, Người
cũng cho họ biết rằng họ là bạn của Thiên Chúa bởi vì sự hiện diện và hoạt động
của Đức Giê-su là sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa
không còn xa lạ nữa, Người là Đấng gần gũi với những ai liên kết mật thiết với
Đức Giê-su; (2) Là Thiên Chúa nhưng Đức Giê-su đã chết vì con người. Đức Giê-su
là Sự Sống nhưng lại chết dưới bàn tay con người. Thật nghịch lý, Đấng cả vũ trụ
không chứa nổi lại chịu chết và được táng trong mồ như mọi người trong gia đình
nhân loại; Đấng vĩnh cửu lại chết trong thời gian; Đấng trao ban ân sủng lại chết
như con người tội lỗi. Tình yêu, tình bạn và cái chết của Đức Giê-su là vô tiền
khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Thánh Phao-lô minh định: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa
may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì
chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên
Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).
Sau khi nói với các
môn đệ về giới răn yêu thương mới và khẳng định tình thương cao quý nhất là
tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu, Đức Giê-su lại nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực
hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,14). Như vậy, một mặt, Đức Giê-su mời
gọi các môn đệ trở thành bạn của Người, cũng là bạn của Thiên Chúa. Mặt khác, Đức
Giê-su mời gọi các môn đệ thực hiện những điều Người truyền dạy. Với Đức
Giê-su, món quà càng cao quý bao nhiêu thì trách nhiệm càng lớn lao bấy nhiêu.
Cũng trong bối cảnh Bữa Ăn Cuối Cùng, các trình thuật trước đó, Đức Giê-su đã nói
với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy,
anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15); “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”
(Ga 14,21); “Nếu anh em giữ các điều răn
của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,10). Như vậy,
ai là bạn của Đức Giê-su thì thực hiện những điều Đức Giê-su truyền dạy và ai
yêu Đức Giê-su thì tuân giữ các điều răn của Người. Ở đây, chúng ta nhận thức
được tương quan mật thiết giữa tình yêu, tình bạn và giới răn của Đức Giê-su.
Điều này có nghĩa rằng ai là bạn của Đức Giê-su thì yêu Đức Giê-su và yêu người
khác như Đức Giê-su đã yêu; ai là bạn của Đức Giê-su thì liên kết với Người
cách mật thiết như cành nho với cây nho để sinh nhiều hoa trái và trở thành môn
đệ Người (Ga 15,8); ai là bạn của Đức Giê-su thì tuân giữ giới răn của Người
như Người đã giữ các điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Chúa
Cha. Sau này, thánh Phao-lô diễn tả tình yêu mà Đức Giê-su trối lại cho các môn
đệ cách cụ thể hơn là “tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7). Quả thực,
điều răn yêu thương ‘cũ như trái đất’, điều răn này xuất hiện cùng với sự xuất
hiện của con người trên trái đất. Đây là điều răn phổ quát của mọi sắc tộc, quốc
gia, tôn giáo trong gia đình nhân loại. Tuy nhiên, với sự hiện diện và hoạt động
của Đức Giê-su, điều răn yêu thương trở thành điều răn mới. Điều răn này không
mới ở ‘nội dung yêu/ what’ nhưng mới ở ‘cách thế yêu/ how’. Mới ở đây được Đức
Giê-su diễn tả bằng đời sống, cái chết và sự phục sinh của Người hầu giải thoát
mọi người khỏi vòng nô lệ tội lỗi và sự chết.
Đức Giê-su nói với các
môn đệ: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất
cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga
15,15). Chúng ta biết rằng danh xưng ‘tôi tớ’ là danh xưng chỉ những người thấp
bé nhẹ cân trong xã hội; những người ‘vâng lời tối mặt’ đối với chủ mình. Tuy
nhiên, danh xưng tôi tớ trong tương quan giữa Thiên Chúa và loài người lại là
danh xưng cao quý vì người tôi tớ của Thiên Chúa là người lắng nghe, tin tưởng
và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đức Ma-ri-a thưa cùng sứ thần
Gáp-ri-en: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Trong xã hội loài
người, khoảng cách không gian giữa chủ và tôi tớ không lớn nhưng khoảng cách phẩm
trật giữa chủ và tôi tớ thật lớn. Tuy nhiên, khoảng cách phẩm trật giữa chủ và
tôi tớ lớn đến mức nào đi nữa thì cũng là phẩm trật giữa con người với nhau. Trong
khi đó, khoảng cách phẩm trật giữa Đức Giê-su và các môn đệ không chỉ là khoảng
cách giữa Thầy và trò, giữa người với người mà còn là khoảng cách giữa Thiên
Chúa toàn năng và con người yếu đuối, giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người
tội lỗi, giữa Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và con người là thụ tạo thấp hèn, giữa
Thiên Chúa vô biên và con người hữu hạn. Thế mà, Đức Giê-su đã gọi các môn đệ
là bạn. Khi Đức Giê-su nói ‘Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu’,
chắc rằng các môn đệ rất ngạc nhiên bởi vì những lời nói và việc làm của Người minh
chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến và sự hiện diện của Người là sự hiện diện
của Thiên Chúa. Chắc rằng trong các môn đệ sẽ có người thầm đặt câu hỏi: Thiên
Chúa lại là Bạn của con người sao? Như đề cập ở trên, một số nhân vật trong Cựu
Ước như Áp-ra-ham, Mô-sê hay Đa-vít được gọi là bạn của Thiên Chúa nhưng tình bạn
ở đây thật trừu tượng. Trong khi đó, tình bạn giữa Đức Giê-su và các môn đệ rất
cụ thể bởi vì các môn đệ của Người đã cảm nhận và đi vào mối tương quan thân mật
với Người trong hành trình loan báo Tin Mừng: Đồng bàn, đồng tâm, đồng hướng, đồng
hành... Đặc biệt, Người muốn các môn đệ đồng chịu khổ nạn để đồng hưởng vinh
quang với Người. Như vậy, chắc rằng các môn đệ ngạc nhiên về việc Đức Giê-su gọi
các ngài là ‘bạn’ chứ không ngạc nhiên về ‘nội hàm tương quan tình bạn’ giữa họ
và Người. Bởi vì, trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su tỏ cho mọi người
thấy sự hòa hợp giữa lời nói và việc làm của Người nhưng thông thường, Đức Giê-su
lại làm trước khi nói (Ga 6,1-58; Ga 13,1-15).
Tình yêu và tình bạn của
Đức Giê-su không kết thúc với cái chết của Người trên thập giá bởi vì Đức
Giê-su đã phục sinh. Người đã đánh bại tội lỗi, sự chết và trao ban sự sống
vĩnh cửu cho con người. Thánh Phao-lô viết: “Nếu
Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả
đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng
tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em…
Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là
những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,14-19). Sau khi sống lại
và hiện ra với các môn đệ bên bờ Biển Hồ Ga-li-lê, Đức Giê-su đã hỏi Phê-rô ba
lần về tình yêu của Phê-rô đối với Người. Hai lần đầu Đức Giê-su hỏi với động từ
diễn tả tình yêu hy sinh ἀγαπάω/ agapaō, còn lần thứ ba với động từ diễn tả
tình yêu bạn hữu φιλέω/ phileō. Ba câu trả lời của thánh Phê-rô đều với động từ
φιλέω/ phileō (Ga 21,15-19). Đức Giê-su nói tiếng A-ram (Aramaic language)
nhưng các tác giả Tin Mừng lại viết bằng tiếng Hy-lạp. Trình thuật này của
thánh Gio-an gây nhiều tranh luận giữa các nhà chú giải cũng như các nhà thần học.
Một số học giả Kinh Thánh cho rằng Phê-rô không dám trả lời theo ‘bậc tình yêu’
của Đức Giê-su, tình yêu hy sinh, tình yêu vô điều kiện (ἀγαπάω/ agapaō) mà
theo bậc tình yêu bạn hữu (φιλέω/ phileō) phù hợp với kinh nghiệm của thánh
nhân. Đó là lý do tại sao trong câu hỏi lần thứ ba, Đức Giê-su đã dùng động từ
diễn tả tình yêu bạn hữu (φιλέω/ phileō) cho phù hợp với kinh nghiệm của thánh
Phê-rô và thánh nhân cũng trả lời với động từ tương tự. Quả thực, sau ba năm chung
sống và chứng kiến sự hiện diện khiêm hạ của Đức Giê-su phục sinh, thánh Phê-rô
đã choáng ngợp với tình yêu của Người. Chắc rằng, theo dòng thời gian, thánh
nhân càng cảm nghiệm sâu đậm hơn tình yêu mà Đức Giê-su biểu lộ. Đồng thời,
thánh nhân cũng ngộ ra rằng, với Đức Giê-su, tình yêu của Người cũng là tình bạn
và ngược lại. Với khởi đầu bằng tình yêu bạn hữu (φιλέω/ phileō) như thế, thánh
nhân từng bước được biến đổi để cuối cùng đạt tới tình yêu hy sinh (ἀγαπάω/
agapaō) khi dấn thân sống và chết cho Thầy Giê-su và anh chị em đồng loại.
Đức Giê-su không chỉ
là Bạn của con người trong hành trình trần thế, Người luôn là Bạn của con người
sau khi phục sinh. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau là ví dụ điển hình.
Khi Đức Giê-su chịu nhiều đau khổ, chịu nạn, chịu chết và được an táng trong mồ
như bao người khác, hai môn đệ đó đã rời bỏ cộng đoàn được Đức Giê-su thiết lập
ở Giê-ru-sa-lem. Họ thất vọng trở về cố hương có tên là Em-mau, hướng Tây của
Giê-ru-sa-lem, hướng mặt trời lặn, hướng đêm tối. Họ về đó lúc ‘trời đã xế chiều
và ngày sắp tàn’. Đức Giê-su phục sinh đã xuất hiện và đồng hành với họ, giải thích
Kinh Thánh cho họ và lòng trí họ đã sáng ra. Sau đó, họ mời Người ở lại nhà
mình. Trong bữa ăn tối: “Người cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra
Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-31). Khi được sáng mắt, sáng
trí, sáng lòng, họ đã trở về Giê-ru-sa-lem, về hướng Đông, hướng mặt trời mọc,
hướng Đức Giê-su là Mặt Trời Công Chính và là Hy Vọng của mọi người (1 Tm 1,1).
Sau khi cùng với các môn đệ khác chia sẻ niềm vui vô bờ bến, họ đã lên đường
loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng Tình Bạn của Người cho anh chị em đồng loại.
Biến cố Em-mau trở
thành biến cố khuôn mẫu về tình bạn giữa Đức Giê-su và các Ki-tô hữu qua muôn
thế hệ. Chúng ta biết rằng tình bạn chân thành là tình bạn cùng chia sẻ các giá
trị, cùng chia sẻ thế giới quan, cùng chia sẻ chí hướng, cùng chia sẻ sự thật
và cụ thể nhất là cùng chia sẻ cơm bánh. Trong tiếng Anh, ‘companion’ có nghĩa
là bạn đồng hành. Từ này xuất phát từ tiếng La-tinh, trong đó ‘com-‘ có nghĩa
là cùng với (together with) và ‘panis’ có nghĩa là bánh (bread). Như vậy, bạn đồng
hành là người ăn cùng tấm bánh với nhau. Quả thực, bạn bè thân thuộc thường ăn
uống cùng nhau. Ba năm loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su cùng ăn uống với các môn đệ.
Trước khi bước vào cuộc khổn nạn, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại
và trở nên Của Ăn Của Uống thiêng liêng cho các tín hữu trong hành trình trần
thế (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25). Sau Biến Cố Phục
Sinh, vâng lời Đức Giê-su, các môn đệ “luôn
luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”
(Cv 2,42). Thánh Phao-lô trình bày Bí Tích Thánh Thể cách khúc chiết như sau: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên
Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh
Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm
Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng
ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Ở đây, thánh nhân cho các tín
hữu biết rằng Bí Tích Thánh Thể giúp các tín hữu ý thức hơn về tình thân hữu giữa
những người họp nhau nhân danh Đức Giê-su. Đặc biệt, thánh nhân nhắc nhở những
ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì không đồng lõa với ác thần và tránh xa các
hình thức ngẫu tượng: “Anh em không thể vừa
uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở
bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được” (1 Cr 10,21).
Như đề cập ở trên,
Aristotle định nghĩa bạn bè hay tình bạn là ‘hai thân thể một tâm hồn’. Tình bạn
giữa Đức Giê-su với các môn đệ Người còn sâu nhiệm hơn bội phần bởi vì Người
cho phép bạn mình ăn Người, ăn lấy Sự Sống vĩnh cửu ngay trong hành trình trần
thế (Ga 6,54-56). Nói đến Bí Tích Thánh Thể là nói đến sự hiệp nhất, nghĩa là
những ai tham dự Bí Tích Thánh Thể thì hiệp nhất với Đức Giê-su, hiệp nhất với
nhau và nhờ đó được hiệp nhất với Chúa Cha như lời nguyện cuối cùng của Đức
Giê-su với Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai
nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở
trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai
con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được
nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn
toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu
thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-23). Như vậy, Bí Tích Thánh Thể
là Bữa Ăn Tình Yêu, Bữa Ăn Tình Bạn, Bữa Ăn Hiệp Nhất. Đức Giê-su không chỉ là
Bạn bên cạnh các tín hữu mà là Bạn thân thiết và gần gũi nhất, gần gũi đến mức trở
nên ‘một xương một thịt’ với bạn mình. Hơn nữa, những ai tham dự sự sống của Đức
Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể thì được mời gọi sống tình hiệp nhất và cổ vũ
tình hiệp nhất trong gia đình nhân loại.
Qua dòng thời gian,
các môn đệ Đức Giê-su ngày càng ý thức hơn về tình bạn và tình yêu của Đức
Giê-su đối với họ cũng như với mọi người. Đồng thời, họ đã diễn tả tình bạn và
tình yêu của Đức Giê-su bằng chính cuộc sống mình. Chẳng hạn, việc gặp gỡ Đức
Giê-su phục sinh trên đường Đa-mát đã biến đổi cuộc đời của thánh Phao-lô luôn
mãi, từ kẻ thù địch (enemy) của các Ki-tô hữu thành bạn tâm giao (soulmate) của
Đức Giê-su và cũng là của các Ki-tô hữu (Gl 2,20; Pl 1,21). Ngài đã trở thành
khí cụ hữu hiệu trong việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị
em đồng loại. Đặc biệt, đối với thánh nhân, các Ki-tô hữu là những người bạn của
nhau: “Xin gửi lời thăm các bạn hữu cùng
một đức tin như chúng ta” (Tt 3,15) hay: “Anh Ê-páp-ra, người bạn tù với tôi trong Đức Ki-tô Giê-su, gửi lời
chào anh, cùng với các cộng sự viên của tôi là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và
Lu-ca” (Plm 1,23-24). Đặc biệt, thấm nhuần tinh thần của Đức Giê-su, trong
Thư gửi Phi-lê-môn, thánh nhân nói với Phi-lê-môn về việc giải thoát Ô-nê-xi-mô
từ thân phận nô lệ sang thân phận bạn bè. Thánh nhân viết cho Phi-lê-môn như
sau: “Nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo,
thì xin anh hãy đón nhận nó [Ô-nê-xi-mô] như đón nhận chính tôi. Nếu nó đã làm
thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả” (Plm
1,17-18). Hơn ai hết, thánh Phao-lô cảm nghiệm sâu xa về tình bạn của Đức
Giê-su đối với con người cũng như sự cần thiết của con người trong việc đáp lại
lời mời gọi của Người đối với mình. “Thật
vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho
Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây
giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người
Con ấy” (Rm 5,10). Dưới nhãn quan
của thánh Phao-lô, sống trong ‘môi trường Nguyên Tội’, mọi người đều là thù nghịch
của Thiên Chúa nhưng nhờ Đức Giê-su, mọi người được mời gọi trở nên bạn hữu của
Thiên Chúa trong hành trình trần thế và trong Quê Hương Vĩnh Cửu.
Như đề cập ở trên, ai
là bạn của Đức Giê-su thì người đó cũng là bạn của mọi người. Trong Cựu Ước,
tác giả sách Huấn Ca viết: “Người kính sợ
Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình vì bản thân mình thế nào, thì cận
thân mình cũng thế” (Hc 6,17). Người ta thường nói rằng hãy cho tôi biết bạn
thân với ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người thế nào. Nếu chúng ta thân với Đức
Giê-su, thì người khác sẽ biết chúng ta là người thế nào. Ai là bạn của Đức
Giê-su thì được mời gọi sống đời cầu nguyện, vâng phục, hy sinh, quên mình, từ
bỏ để ngày càng giống Đức Giê-su nhiều hơn. Sau khi nói với các môn đệ về điều
răn mới, điều răn yêu thương, Đức Giê-su cũng nói với họ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em
có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Khi khai triển bài giảng Tám Mối Phúc,
Đức Giê-su nói: “Chính anh em là ánh sáng
cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy
những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên
trời” (Mt 5,14-16). Như vậy, ai là môn đệ và là bạn của Đức Giê-su thì được
mời gọi đón nhận Người là ‘Ánh Sáng bởi Ánh Sáng’, sống theo Ánh Sáng của Người
và phản chiếu Ánh Sáng của Người cho anh chị em đồng loại.
Trong thế giới hôm
nay, nhiều người thích làm bạn với những gì thuộc thế giới ảo hơn là những gì
thuộc thế giới thật, với những gì trừu tượng hơn là những gì thực tế, với những
gì online hơn là những gì offline, với những gì vô cảm hơn là những
gì làm cho trái tim con người rung động. Hậu quả là các đặc tính xã hội của con
người bị băng hoại, nhiều người bị các chứng bệnh hoang tưởng, căng thẳng, rối
loạn, đối xử với anh chị em đồng loại như những gì vô tri vô giác. Các hình thức
tình bạn như thế có thể được liệt kê vào hai hình thức ‘tình bạn tầm thấp’ mà Aristotle
đề cập là tình bạn lợi ích và tình bạn vui thú chứ không phải là tình bạn đức hạnh
(friendship of virtue). Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, các hình thức tình bạn không
gia tăng đức hạnh hay không phù hợp với phẩm giá con người có thể đem lại lợi
ích hay lạc thú chóng qua hơn là đem lại cho con người niềm vui đích thực hầu
giúp con người được phát triển toàn diện.
Theo thánh
Tô-ma A-qui-nô, tình bạn đặt trên nền tảng lợi ích hay vui thú thì không
phải là tình bạn đáng mơ ước (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, q.26.a4). Thánh nhân khẳng định: “Tình bạn đích thực đặt nền tảng trên đức hạnh,
bất cứ điều gì trái với đức hạnh đều cản trở tình bạn và bất cứ điều gì là đức
hạnh đều là động lực xây dựng tình bạn” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ, q.106.a1). Đặc
biệt, thấm nhuần tinh thần của Đức Giê-su về tương quan giữa tình yêu và tình bạn,
thánh nhân đề cao tình yêu của tình bạn (the love of friendship) so với các
hình thức tình yêu khác, chẳng hạn tình yêu của con người đối với thứ gì đó mà
mình thích thú. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, tình yêu của tình bạn (the love
of friendship) gồm hai khía cạnh: Trước hết, đó là tình yêu dành cho bạn mình,
sau nữa, tình yêu dành cho những gì tốt lành mà mình mong muốn cho bạn (Thomas
Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ,
q.25, a.2). Theo thánh nhân, tình yêu của tình bạn đúng nghĩa là tình yêu đi ra,
tình yêu trút bỏ, tình yêu hy sinh vì bạn của mình. Trong khi đó, các hình thức
tình yêu khác chủ yếu phát xuất từ lòng ham muốn, tham vọng hay hoài bão của bản
thân, tình yêu vị kỷ, tình yêu hướng về mình chứ không phải vì người khác (Thomas
Aquinas, Summa Theologiae IIaIIæ,
q.26.a4).
Kinh nghiệm cuộc sống
cho chúng ta biết rằng không có tình bạn chân thành thì cuộc đời con người
không có ý nghĩa. Theo tác giả sách Giảng Viên: “Hai người thì hơn một, vì hai người làm việc cực khổ sẽ thu nhập khá
hơn. Người này ngã đã có người kia nâng dậy. Nhưng khi chỉ có một mình mà bị
ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả!” (Gv 4,9-10). Bạn bè chân
thành thì muốn điều tốt ở gần và điều xấu ở xa bạn mình. Bạn bè chân thành đau
với nỗi đau của bạn mình, vui với niềm vui của bạn mình, kiên nhẫn với những
kiên nhẫn của bạn mình. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng người hạnh
phúc nhất là người có tình bạn chân thành nhất. Điều này có nghĩa rằng không ai
có hạnh phúc đích thực lại không có tình bạn chân thành. Quả thực, trong hành
trình trần thế, hạnh phúc của con người không chỉ do mình mà có nhưng còn lệ
thuộc rất nhiều vào người khác. Đặc biệt, con người càng biết trút bỏ, càng biết
chia sẻ, càng biết mong muốn những điều tốt lành đến với người khác thì càng được
hạnh phúc hơn (St. Thomas Aquinas, Summa
Theologiae I-IIae, q.4, a.8). Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, con người cần
sự giúp đỡ của bạn bè để có thể làm việc tốt trong đời sống hoạt động cũng như
trong đời sống chiêm niệm [Indiget enim homo ad bene operandum auxilio amicorum,
tam in operibus vitae activae, quam in operibus vitae contemplativae] (St.
Thomas Aquinas, Summa Theologiae
I-IIae, q.4, a.8). Nói cách khác, trong môi trường tình bạn, đời sống hoạt động
cũng như chiêm niệm của con người mới thực sự có ý nghĩa.
Trong Cựu Ước, theo tác
giả sách Huấn Ca, người bạn trung thành là chỗ dựa vững chắc, là kho tàng vô
giá, là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, là không gì có thể thay thế được (Hc
6,14-16). Đồng thời, tác giả sách Huấn Ca đề cao tình bạn của những người nằm
gai nếm mật cùng nhau: “Đừng bỏ rơi người
bạn cố tri: Người mới đâu có giá bằng người cũ. Rượu mới thế nào, thì bạn mới
cũng vậy; để lâu rồi uống, mới thấy ngon” (Hc 9,10). Còn tác giả sách Châm
Ngôn thì viết: “Bạn của con hay bạn của
cha con, đừng nỡ bỏ rơi họ. Gặp ngày khốn quẫn, đừng đến nhà anh em con, vì anh
em xa không bằng láng giềng gần” (Cn 27,10). Theo Aristotle, tình bạn trung
thành hay tình bạn hoàn hảo “đòi hỏi thời
gian và sự thấu hiểu lẫn nhau như câu châm ngôn rằng ‘con người không thể biết
nhau cho đến khi ‘ăn muối cùng nhau’” (Aristotle, Nicomachean Ethics, Book VIII, 3). Tương tự như Aristotle, thánh Au-gút-ti-nô rất tâm đắc với ý tưởng
rằng tình bạn trung thành như ‘một tâm hồn trong hai thân thể’ (Augustine, Confessions, Book IV.6.11). Thánh nhân
nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn trung thành, theo ngài: “Trong thế giới có hai điều thiết yếu: Đời sống
lành mạnh và tình bạn. Thiên Chúa sáng tạo con người để con người tồn tại và sinh
sống: Đây là cuộc sống. Để không cô đơn, con người phải có tình bạn”
(Augustine, Sermon 299D.1). Cũng theo
thánh nhân, “Không có niềm an ủi nào lớn
hơn lòng trung thành không giả tạo và tình thương mến của những người bạn tốt
lành và chân thực” (Augustine, City
of God, Book XIX.8). Thánh nhân cho rằng tình bạn trung thành là điều kiện
cần thiết cho sự hiệp nhất trong xã hội: “Tình
bạn liên kết con người với nhau trong mối dây êm dịu thật là ngọt ngào đối với
chúng ta bởi vì nhiều tâm trí dệt nên sự hiệp nhất” (Augustine, Confessions, Book II.5.10). Đặc biệt,
ngài nhấn mạnh rằng tình bạn trung thành của con người đặt nền tảng trên tình bạn
của Thiên Chúa (Augustine, Confessions,
Book IV.4.7). Tư tưởng của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mặc Khải giúp
chúng ta hiểu thêm về nhận định của thánh nhân: “Với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài
người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất
với Ngài” (DV 2).
Như đề cập ở trên,
tình bạn trong môi trường nhân loại thường mang tính trao đổi ‘bánh ít trao đi,
bánh quy trao lại’, tình bạn theo kiểu ‘ăn xổi ở thì’, ‘được chăng hay chớ’; tình
bạn thay đổi theo không gian, thời gian, hoàn cảnh. Trong Cựu Ước, tác giả sách
Huấn Ca liệt kê một số hình thức tình bạn như vậy: “Có kẻ chỉ là bạn nhất thời, ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa.
Có người là bạn lại trở nên thù, và tiết lộ chuyện cãi nhau, khiến con phải xấu
hổ. Có người là bạn khi đồng hành với con, nhưng ngày con gặp nạn, nó chẳng còn
là bạn nữa. Khi con gặp may, thì nó chẳng khác nào chính con: gia nhân con, nó
tự do sai bảo. Nhưng lúc con sa cơ, nó liền chống lại và lánh mặt con luôn” (Hc
6,8-12). Chúng ta có thể diễn giải cách ngắn gọn hơn rằng tình bạn trong xã hội
loài người thường mang nghĩa ‘hợp đồng’ (contract friendship), trong khi đó,
tình bạn theo mặc khải Ki-tô Giáo, tình bạn theo giáo huấn của Đức Giê-su là tình
bạn mang nghĩa ‘giao ước’ (covenant friendship). Tương quan giữa Đức Giê-su, giữa
Thiên Chúa với con người luôn là tương quan giao ước. Đó là lý do tại sao giáo
huấn của Đức Giê-su mời gọi mọi người xây dựng tình bạn vượt qua não trạng thực
dụng, trao đổi hay quy ngã.
Tình bạn được Đức
Giê-su loan báo và minh chứng bằng cuộc sống của Người không chỉ là tình bạn bền
vững, lâu dài mà còn là tình bạn vĩnh cửu, tình bạn được thiết lập trên trần
gian nhưng hướng về Vương Quốc Thiên Chúa. Bởi vì, Đức Giê-su là Đấng vĩnh cửu
hiện diện trong thời gian để mời gọi con người trong thời gian trở thành bạn hữu
của Người trong vĩnh cửu. Là con người, không ai thỏa mãn với những gì chóng
qua mau tàn. Bao lâu con người chưa thiết lập tình bạn với Thiên Chúa theo giáo
huấn của Đức Giê-su thì bấy lâu con người vẫn không thể thỏa mãn với các hình
thức tình bạn mà mình có kinh nghiệm trong gia đình nhân loại. Trước khi gọi
các môn đệ là bạn, Đức Giê-su nói với họ: “Thầy
sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18). Câu chuyện Đức
Giê-su làm cho La-da-rô hồi sinh từ nấm mồ giúp mọi người nhận thức rằng Đức
Giê-su đến mời gọi mọi người từ cõi chết tới cõi sống muôn đời bởi vì chính Người
là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Người thì dù có chết cũng được sống
(Ga 11,25). Trong Cựu Ước, tác giả sách Diễm Ca viết: “Tình yêu mãnh liệt như tử thần” (Dc 8,6). Tuy nhiên, hành trình trần
thế của Đức Giê-su cho chúng ta thấy tình yêu mãnh liệt hơn tử thần, tình yêu mãnh
liệt hơn sự chết (love is stronger than death). Nhờ sự chết và phục sinh của
Người, Đức Giê-su tiêu diệt tội lỗi và sự chết một lần cho tất cả và ban tặng sự
sống vĩnh cửu cho muôn người (Rm 6,10; 1 Pr 3,18; Dt 9,26-28; Dt 10,14).
Trong xã hội loài người,
bạn bè đến với nhau cách tự nhiên hơn là chọn lựa. Chẳng hạn, những người cùng
bến cùng thuyền, cùng tuổi, cùng trình độ, cùng hoàn cảnh đến với nhau, làm bạn
với nhau mà không quan tâm chuyện ai là người khởi xướng. Điều này không giống
với Đức Giê-su, bởi vì chính Người đã chủ động chọn những ai theo Người là bạn.
Đây là sự khác biệt căn bản giữa tình bạn trong xã hội loài người và tình bạn
theo mặc khải Ki-tô Giáo. Chính Đức Giê-su chọn các môn đệ, đồng hành với họ, cắt
cử họ và sai đi, chứ không phải họ tự thân vận động. Quả thực, con người có khả
năng thiết lập tương quan tình bạn với anh chị em đồng loại nhưng không thể thiết
lập tương quan tình bạn với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao sau khi gọi các môn
đệ là bạn, Đức Giê-su cũng nói với họ rằng không phải họ chọn Người nhưng chính
Người đã chọn họ (Ga 15,16). Việc Đức Giê-su chọn gọi các môn đệ giúp mọi người
có được nhãn quan phổ quát hơn rằng tình bạn giữa Thiên Chúa và con người phát
xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả trong hành trình trần thế của
Đức Giê-su. Dĩ nhiên, tình bạn giữa Thiên Chúa và con người còn lệ thuộc vào sự
tự do tuân phục của con người nữa bởi vì nếu con người không đón nhận lời mời gọi
của Thiên Chúa thì họ không thể thiết lập tương quan tình bạn với Người. Nói
cách khác, tình bạn giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập nhờ ân sủng của
Thiên Chúa và sự tự do cộng tác của con người.
Dẫn xuất từ tình bạn
theo giáo huấn và đời sống của Đức Giê-su, tình bạn tâm linh (spiritual
friendship) là một trong những hình thức tình bạn phổ biến trong Ki-tô Giáo thuở
ban đầu (Cv 13,13; Cv 19,29). Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta nhận thức rằng
không ai nên thánh một mình. Điểm chung của các thánh là giúp nhau hướng tới sự
toàn thiện theo giáo huấn của Đức Giê-su. Điều này có nghĩa rằng đời sống thánh
thiện của một người được thêu dệt bởi muôn vàn sợi chỉ thánh thiện của người
khác và tất cả các sợi chỉ đó đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là Đấng thánh thiện
tuyệt đối, là nguồn của sự thánh thiện và cũng là Đấng chia sẻ sự thánh thiện
cho mọi người. Sự thánh thiện của các thánh chính là sự thánh thiện của những
người nhận ra thánh ý Thiên Chúa, sống theo thánh ý Thiên Chúa và cùng nhau hướng
về Thiên Chúa. Tình bạn trong Ki-tô Giáo không đặt ưu tiên về chuyện ‘ngang đôi
phải lứa’ nhưng đặt ưu tiên trong mục đích chung là mưu cầu sự sống vĩnh cửu
cho bản thân mình và anh chị em đồng loại. Có vô số nhân chứng tình bạn thánh
thiện trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử Giáo Hội, chẳng hạn như tình bạn
giữa thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a, giữa thánh Pê-pê-tu-a và thánh Fê-li-xi-ta,
thánh Phan-xi-cô Át-xi-di và thánh Đô-mi-ni-cô, thánh I-nha-xi-ô và thánh
Phan-xi-cô Xa-vi-ê, thánh Gio-an Thánh Giá và thánh Tê-rê-xa A-vi-la, thánh
Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II và thánh Tê-rê-xa Can-cút-ta. Các ngài đã giúp
nhau nhìn về một hướng trong khi mỗi người trung tín thực thi ơn gọi của mình
theo những đặc sủng được Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta có thể định nghĩa vị
thánh là người bạn trung tín của Đức Giê-su, của Thiên Chúa. Mọi người được mời
gọi làm bạn với Đức Giê-su như các thánh trong lịch sử Giáo Hội. Bạn của Đức
Giê-su không chỉ là người có nhiều kiến thức giáo lý về Người mà còn là người có
trái tim đồng nhịp với trái tim Người, nhờ đó, có thể đồng hình đồng dạng với Người
trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Tình bạn của con người
với Đức Giê-su không phải là tình bạn thiết lập một lần cho tất cả xét về phía
con người. Trong khi Đức Giê-su luôn trung tín thì con người lại hay bất tín
trong tình bạn bởi vì con người không thực thi các giới răn của Người, nhất là
giới răn yêu thương mới như Đức Giê-su đã yêu. Để là bạn của Đức Giê-su, con
người cần luôn trở về, luôn hoán cải, luôn cộng tác với Đức Giê-su trong việc
biến đổi bản thân mình. Mãnh lực của ma quỷ, thế gian, xác thịt thường làm cho
con người sao nhãng tình bạn với Đức Giê-su để theo đuổi các hình thức tình bạn
của thế giới ngẫu tượng. Tình bạn của con người với Đức Giê-su chỉ có thể bền vững
khi con người biết đón nhận ân sủng của Người, sống theo ân sủng của Người và
làm cho ân sủng đó được triển nở trong đời sống nội tâm cũng như trong hành động
bác ái đối với anh chị em đồng loại. Quả thực, tự thân, con người không thể duy
trì tình bạn luôn mãi với Người. Giáo huấn của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức
rằng con người chỉ có thể đi đúng hướng khi gắn bó với Người, duy trì tình bạn
với Người và cộng tác với Người trong việc thiết lập những chiếc cầu tình bạn với
anh chị em mình.
Trong Giáo Hội sơ
khai, trước Hội đồng A-rê-ô-pa-gô (Hy-lạp), thánh Phao-lô quả quyết: "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn
loài trong đó… Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người
mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói:
Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17,24-28). Quả thực, Thiên
Chúa là Nguồn Gốc và Cùng Đích của con người và vạn vật. Trong thế giới vĩ mô
hay vi mô, không thực thể nào lại tồn tại độc lập so với các thực thể khác. Các
thực thể trong vũ trụ đều là ‘bạn của nhau’ và cùng nhau tồn tại. Đối với xã hội
loài người, nói đến tình bạn là nói đến cộng đoàn, nói đến tập thể, nói đến lợi
ích chung: Chung nguyên khởi, chung lịch sử, chung truyền thống, chung cứu
cánh. Nói đến tình bạn là nói đến cộng tác: Sống chết có nhau, buồn đau chia sẻ,
mạnh khỏe cùng vui. Theo giáo huấn của Đức Giê-su, nói đến tình bạn là nói đến
ưu tiên đời sống cộng đoàn trên đời sống cá nhân, nghĩa là các cá nhân cần trút
bỏ chính mình cho vĩ nghiệp của cộng đoàn, của Giáo Hội mà Đức Giê-su thiết lập
giữa gia đình nhân loại và cho gia đình nhân loại (Cv 2,42-47). Trong Bữa Ăn Cuối
Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su không gọi mỗi môn đệ cách
riêng lẻ để nói với họ rằng Người là Bạn của họ mà nói với họ như là cộng đoàn
đang hiện diện trước mặt Người: ‘Thầy gọi
anh em là bạn hữu’. Như vậy, các môn đệ ý thức rằng bổn phận của họ là chăm
lo cho cộng đoàn những người bạn của Đức Giê-su và cũng là những chứng nhân
tình bạn của Người giữa dòng đời.
Những lời trăng trối của
Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, nhất là việc Người
nhấn mạnh rằng Người là Bạn của họ, gợi lên trong tâm trí họ sự cần thiết để cộng
tác với Người xây dựng nền văn hóa tình bạn trong gia đình nhân loại. Nền văn
hóa này chỉ có thể trở thành hiện thực khi mọi người biết quy chiếu tư tưởng, lời
nói và hành động của mình theo giáo huấn và đời sống của Đức Giê-su. Trong thế
giới hôm nay, chủ nghĩa cá nhân ngày càng lan rộng. Việc xây dựng nền văn hóa
tình bạn thật cần thiết hầu giúp mọi người biết đặt lợi ích của các hình thức tập
thể, của gia đình nhân loại, của thế giới thụ tạo trên lợi ích của các cá nhân hay
phe nhóm. Khi các Ki-tô hữu ý thức rằng mình là bạn của nhau, khi các tín hữu
thuộc các tôn giáo trên thế giới ý thức rằng mình là bạn của nhau, khi mọi người
trong gia đình nhân loại ý thức rằng mình là bạn của nhau cũng là khi nền văn
hóa tình bạn được thiết lập và đem lại hạnh phúc đích thực cho mọi người. Nhờ
đó, mọi người sống xứng đáng với phẩm giá của mình là thụ tạo được dựng nên chẳng
thua kém thần linh là mấy và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa (St
1,26-27; Tv 8,5; Dt 2,7; Ga 1,12).
Trước khi bước vào cuộc
khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng Người là Đường và không ai đến được
với Chúa Cha mà không qua Người (Ga 14,6). Suy niệm về căn tính, đời sống và sứ
mệnh của Đức Giê-su, chúng ta có thể nói rằng Đường của Người là Đường Tình Bạn.
Đường này khởi đầu với Biến Cố Nhập Thể, ngang qua muôn vàn hình thức đau khổ, tới
cao điểm là sự chết và phục sinh của Người. Với sự hiện diện và hoạt động của Đức
Giê-su trong gia đình nhân loại, tình bạn đích thực giữa Thiên Chúa và con người
được thiết lập. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đi trên Đường
Tình Bạn của Đức Giê-su bởi vì Đường này cho phép mọi người có được sự hòa hợp
trong đời sống nội tại cũng như trong các tương quan với anh chị em, với muôn vật
muôn loài trong thế giới thụ tạo và với Thiên Chúa. Đường Tình Bạn của Đức
Giê-su là Đường cho phép mọi người được tham dự sự sống của Thiên Chúa trong
hành trình trần thế này và được hưởng sự sống viên mãn mai ngày.
Trong Bữa Ăn Cuối
Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thật,
Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc
Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa
Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa
Cha được tôn vinh nơi người Con” (Ga 14,12-13). Khi loan báo Tin Mừng Tình
Bạn của Đức Giê-su, các môn đệ của Người luôn phải đương đầu với muôn vàn khó
khăn, thử thách. Tuy nhiên, lời nhắn nhủ của Đức Giê-su giúp các môn đệ vững
tâm trong mọi hoàn cảnh: "Thầy nói
cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân
xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa” (Lc 12,4). Quả thực, sau khi phục
sinh, với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần được Đức Giê-su gửi đến
từ Chúa Cha, các môn đệ đã ra đi loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng Tình Bạn của
Người tại Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê-a, Sa-ma-ri cho đến tận cùng trái đất
(Cv 1,8). Qua dòng thời gian, Đức Giê-su luôn mời gọi các môn đệ và đồng hành,
hướng dẫn họ tiếp tục sứ mệnh của Người. Do đó, ai là bạn của Đức Giê-su thì đồng
hình đồng dạng với Người về viễn kiến (vision) cũng như sống theo các giá trị
(values) mà Người loan báo và minh chứng bằng cuộc sống mình. Ai là bạn của Đức
Giê-su thì được mời gọi mặc lấy quyền năng của Người (quyền năng được diễn tả
qua sự trút bỏ, khiêm tốn, vâng phục) để trở nên khí cụ hữu hiệu của Người khi
đến với anh chị em mình.
Chúng ta có thể kết luận rằng, theo mặc khải Ki-tô Giáo, Thiên Chúa sáng tạo con người và đồng hành với con người nhưng con người đã phạm tội và tự mình tách khỏi tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm Người và sống thân tình với mọi người, nhất là những người tội lỗi, nghèo khó, bị bỏ rơi hay phải đương đầu với muôn vàn hình thức đau khổ trong cuộc sống. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã gọi các môn đệ là bạn của Người và cho họ biết rằng không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Hơn ai hết, chính Đức Giê-su đã thực thi điều đó: Là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ nhưng Đức Giê-su đã làm bạn với con người và chết vì con người. Nhờ Đức Giê-su, chúng ta biết rằng tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa cũng là tình yêu và tình bạn mà Người diễn tả trong hành trình trần thế. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ không chỉ yêu thương bạn mình hay yêu thương những ai yêu mình mà yêu thương hết mọi người. Do đó, ai đón nhận Đức Giê-su là Thầy và là Bạn thì hãy yêu thương mọi người như Đức Giê-su đã yêu, yêu cho đến tận cùng, yêu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết cho toàn thể nhân loại. Ước gì mọi người trong gia đình nhân loại biết đón nhận Đức Giê-su và luôn lắng nghe lời mời gọi đi vào mối tương quan tình yêu cũng là tương quan tình bạn với Người trong hành trình trần thế này, hầu mai ngày được chung hưởng tình yêu cũng là tình bạn vĩnh cửu với Người trong Nước Thiên Chúa.