ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ - ĐƯỜNG GIAO ƯỚC MỚI

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

WHĐ (01.01.2022) - Trong tiếng Do-thái, từ ‘בְּרִית (berith) có nghĩa là giao ước (covenant). Từ này tương đương với từ ‘διαθηκη’ (diatheke) của Hy-lạp. ‘Giao ước’ là chủ đề chính yếu của nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Từ ‘giao ước’ xuất hiện hơn 300 lần trong Kinh Thánh. So với các sách khác trong bộ Tân Ước, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái là người dùng từ giao ước (διαθηκη) nhiều nhất. Theo nghĩa thông thường, giao ước được hiểu như là sự ràng buộc giữa hai hay nhiều thực thể, bao gồm quyền lợi, trách nhiệm và chế tài liên quan. Xã hội loài người có nhiều loại giao ước, chẳng hạn như giao ước giữa hai bên có cùng vị thế, giao ước giữa một bên có vị thế cao hơn và một bên có vị thế thấp hơn hoặc giao ước hỗn hợp giữa nhiều bên với quyền lợi, nghĩa vụ và chế tài khác nhau.

Trong các giao ước thuộc mặc khải Ki-tô Giáo có những giao ước có điều kiện (conditional covenant) và những giao ước vô điều kiện (unconditional covenant). Giao ước có điều kiện là giao ước trong đó mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau, chẳng hạn như giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do-thái qua trung gian Mô-sê là giao ước có điều kiện (Đnl 11,1-32). Giao ước có điều kiện đòi hỏi sự đáp ứng của các bên, nếu vi phạm, hiệu quả của giao ước sẽ không thể trở thành hiện thực. Còn giao ước vô điều kiện là giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, chẳng hạn như giao ước giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham hay giao ước giữa Thiên Chúa và Đa-vít (St 17,7; 2 Sm 7,8-16). Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham cũng như Đa-vít và Người luôn giữ lời. Điều này có nghĩa rằng dù tình trạng đức tin, luân lý hay hành động của Áp-ra-ham và Đa-vít như thế nào đi nữa thì lời hứa của Thiên Chúa vẫn thành tựu viên mãn. Quả thực, Áp-ra-ham và Đa-vít đã nhiều phen lầm lỗi nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương và chu toàn lời hứa của Người (St 12,10-20; St 16,1-6; 2 Sm 24,10-25).

Chúng ta biết rằng từ ‘giao ước’ không xuất hiện trong những chương đầu của sách Sáng Thế (St 1-3). Tuy nhiên, ‘lời hứa và chúc lành’ là tiền đề và cũng là cách thế mặc nhiên diễn tả giao ước. Các trình thuật sách Sáng Thế gợi lên trong chúng ta hình ảnh giao ước giữa Thiên Chúa và Nguyên Tổ loài người cả trước và sau khi Nguyên Tổ sa ngã. Chẳng hạn, trước khi sa ngã, trong cuộc đối thoại giữa con rắn và người đàn bà, con rắn hỏi: “Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3,1). Người đàn bà đáp: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3,2-3). Sau sa ngã, Thiên Chúa nói với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Khi giao ước bị vi phạm cũng là khi Nguyên Tổ bị trục xuất khỏi vườn địa đàng. Tuy nhiên, sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng giao ước giữa Thiên Chúa với Nguyên Tổ không hoàn toàn bị triệt tiêu bởi vì hậu duệ của Nguyên Tổ được mời gọi thực thi thánh ý Thiên Chúa, chẳng hạn như Ca-in và A-ben vẫn phải tiến dâng lễ vật cho Thiên Chúa để diễn tả sự tùng phục và cầu xin ơn lành của Người. Khi sự ác của con cái gia đình nhân loại lên tới đỉnh điểm và bị trừng phạt nặng nề là đại hồng thủy, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Nô-ê và mọi người trong gia đình ông: “Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi; ngươi hãy vào tàu, ngươi cùng với các con trai ngươi, vợ ngươi và vợ của các con trai ngươi" (St 6,18).

Có nhiều hình thức giao ước trong Kinh Thánh, trong đó năm giao ước đáng để chúng ta quan tâm nhất là: (1) Giao ước giữa Thiên Chúa và Nô-ê (St 6,18; St 9,11); (2) Giao ước giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham (St 15,18; St 17,7); (3) Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do-thái qua trung gian là Mô-sê (Xh 19,5-8; Xh 34,27); (4) Giao ước giữa Thiên Chúa và Đa-vít (2 Sm 7,8-16; Tv 89,3-4); (5) Giao ước mới giữa Thiên Chúa và gia đình nhân loại qua Trung Gian là Đức Giê-su (Mt 26,28). Trong bốn giao ước thuộc Cựu Ước (kể từ Áp-ra-ham), giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do-thái qua trung gian là Mô-sê đóng vai trò rất quan trọng. Đây là hình thức giao ước được diễn tả cách sống động và đầy đủ nhất, bởi vì giao ước này được Thiên Chúa ‘viết’, còn các giao ước khác thì Thiên Chúa ‘nói’. Đặc biệt, giao ước này có ảnh hưởng lớn đối với những người thuộc Do-thái Giáo, Ki-tô Giáo, Hồi Giáo cũng như nhiều người thành tín khác trong gia đình nhân loại.

Lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do-thái cũng là lịch sử diễn tả sự khoan hồng, nhân từ, nhẫn nại của Thiên Chúa đối với họ là những người ích kỷ, phản loạn, bất trung (Lv 26,14-17; Đnl 29,25; Gs 7,11). Biết bao lần Thiên Chúa tha thứ cho họ vì vi phạm giao ước nhưng họ vẫn ‘tật nào chứng đó’. Chẳng hạn, dân Do-thái đã bội ước bằng việc đúc bê vàng để thờ lạy, nghĩa là dân Do-thái tự định dạng và tạo thần thánh cho họ, bất tuân huấn lệnh của Thiên Chúa (Xh 32,1-6). Vì thế, Mô-sê đã đập vỡ các tấm bia Chứng Ước khi thấy cảnh dân Do-thái thờ ngẫu tượng. Tuy nhiên, sau đó, Mô-sê đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ. Cuối cùng, Thiên Chúa truyền cho Mô-sê đẽo các bia đá giống như trước và Người ghi lại nội dung tương tự như được ghi trong những tấm bia mà Mô-sê đã đập vỡ (Đnl 4,13; Đnl 10,4). Việc vi phạm giao ước vẫn tiếp tục xảy ra dưới thời các vua (sau Sa-lô-môn) và hậu quả là vương quốc bị phân chia thành vương quốc Giu-đê-a ở phía Nam và vương quốc Ít-ra-en ở phía Bắc (928 tCN). Sau đó, vương quốc Ít-ra-en ở phía Bắc bị xâm chiếm bởi đế quốc đế quốc Át-sua (721 tCN). Đến lượt, vương quốc Giu-đa ở phía Nam cũng bị thôn tính và dân Do-thái phải lưu đày Ba-by-lon (587 tCN). Những đau khổ và bấp bênh của dân Do-thái trong lịch sử được xem là hậu quả tất yếu của việc vi phạm giao ước giữa họ với Thiên Chúa.

Dân Do-thái nhiều lúc sa đọa đến nỗi Thiên Chúa nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Còn ngươi, ngươi đừng chuyển cầu cho dân này, đừng cất tiếng than vãn và dâng lời nguyện xin cho chúng, cũng đừng nài nỉ Ta, vì Ta sẽ chẳng nghe ngươi đâu” (Gr 7,16). Bởi vì, dân Do-thái không chỉ vi phạm giao ước một hay vài lần mà ‘vi phạm có hệ thống’. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa lại nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a về dân Do-thái những lời nặng nề như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là những lời cuối cùng của Thiên Chúa đối với dân này, bởi vì, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi” (Tv 103,8-9). Mặc dù dân Do-thái lắm phen bội ước, bất trung và vi phạm giao ước, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ và tương quan giao ước giữa Thiên Chúa với họ không bao giờ bị mai một.

Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a minh chứng cho sự khoan hồng, quảng đại của Người qua việc thiết lập giao ước mới: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: Hãy học cho biết Đức Chúa, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,31-34). Trong các sách Cựu Ước, Gr 31,31 là nơi duy nhất chúng ta tìm được hạn từ ‘giao ước mới’ (בְּרִ֥ית חֲדָשָֽׁה / διαθήκην καινήν). Dưới nhãn quan của người Do-thái, giao ước mới kiện toàn các giao ước cũ và được áp dụng cho họ chứ không phải muôn dân muôn nước. Tuy nhiên, mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng giao ước mới chính là giao ước được Đức Giê-su thực hiện và giao ước này dành cho mọi người, trong mọi thời và khắp mọi nơi. Đỉnh điểm của giao ước mới được diễn tả nơi Biến Cố Thập Giá của Đức Giê-su mà Người loan báo trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Có hai điều mà chúng ta cần quan tâm ở đây, đó là ‘máu giao ước’ và ‘tha tội’, không chỉ tội trong quá khứ, mà còn trong hiện tại và mai ngày, có nghĩa rằng tội của mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Trong đoạn văn song song với Mt 26,28, thánh Lu-ca trình thuật lời của Đức Giê-su: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Tương tự, thánh Phao-lô trình thuật lời của Đức Giê-su: “Đây là chén máu Thầy, máu đổ ra để lập giao ước mới” (1 Cr 11,25).

Câu khởi đầu của Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu, cũng là câu khởi đầu của bộ Tân Ước, gợi lên trong tâm trí chúng ta hai giao ước gắn liền với hai nhân vật quan trọng bậc nhất của lịch sử Do-thái là Áp-ra-ham và Đa-vít. Thánh nhân viết: “Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1,1…). Theo dòng lịch sử, Đức Giê-su ra đời sau Áp-ra-ham khoảng hai ngàn năm và sau Đa-vít khoảng một ngàn năm. Khi viết ‘Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham’, thánh Mát-thêu muốn nhắc nhở độc giả rằng Thiên Chúa đã thiết lập giao ước vô điều kiện với Áp-ra-ham và Đa-vít. Hơn nữa, Người giữ lời giao ước bằng việc sai Con của Người đến với hậu duệ của Áp-ra-ham và Đa-vít để thiết lập giao ước mới hầu cứu độ và giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết.

Khi thiết lập giao ước với Áp-ra-ham, Thiên Chúa nói với ông về tương quan giữa Người và dân Do-thái: “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (St 17,8). Tương tự như vậy, trong hành trình về với Đất Hứa, khi đề cập giao ước với Mô-sê, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa” (Xh 6,7). Điệp khúc ‘Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của ta’ vang vọng ở nhiều cuốn sách khác của bộ Cựu Ước, chẳng hạn như Gr 11,4; Ed 37,23; Dcr 8,8. Trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa phán: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước muôn đời: Ta sẽ không bỏ chúng nữa, sẽ tiếp tục theo dõi và không ngừng thi ân cho chúng, cũng như ban cho chúng lòng kính sợ Ta để chúng không xa rời Ta nữa. Ta lấy làm vui mà thi ân cho chúng, và đem hết sức hết lòng mà trồng chúng vững chắc trên đất này” (Gr 32,40-41). Trực tiếp hay gián tiếp, điệp khúc ‘Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của ta’ cũng được diễn tả trong Tân Ước, chẳng hạn như 1 Cr 15,28; Dt 8,10; Kh 21,1-8, nhưng dân của Thiên Chúa ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa rộng là mọi người trong gia đình nhân loại.

Khi diễn giải Hiến Chương Nước Trời (Tám Mối Phúc), Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người đến trần gian để kiện toàn lề luật Mô-sê và lời các ngôn sứ (Mt 5,17). Điều này cũng có nghĩa rằng Người kiện toàn các giao ước trong quá khứ. Quả thực, ngay trong Biến Cố Truyền Tin, sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a: “Người [Đức Giê-su] sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Sau Biến Cố Truyền Tin, Đức Ma-ri-a lên đường tới nhà chị họ là Ê-li-sa-bét. Tràn ngập niềm vui mừng, cảm tạ, Đức Ma-ri-a cất lên bài ca ‘Ngợi Khen’ (Magnificat), trong đó có đoạn: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54-55). Chúng ta biết rằng với giao ước mới, Áp-ra-ham không chỉ là cha của dân Do-thái mà còn là cha của những ai đặt niềm tin vào Đức Giê-su và theo Đường Giao Ước Mới của Người (Rm 4,1-25; 1 Ga 2,6). Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng bởi tin vào lời hứa của Thiên Chúa, Áp-ra-ham được kể là người công chính chứ không phải nhờ việc cắt bì (St 15,6; St 17,23-27). Khi diễn tả tương quan giữa sự công chính, niềm tin và việc cắt bì (như là dấu chỉ giao ước), thánh Phao-lô biện luận: “Áp-ra-ham được kể là người công chính khi nào? Trước hay sau khi ông được cắt bì? Không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì! Ông nhận được phép cắt bì như dấu hiệu chứng thực rằng: Nhờ tin mà ông được trở nên công chính, trước khi được cắt bì. Như vậy, ông là cha của mọi kẻ tin mà không được cắt bì, và vì tin nên được kể là công chính” (Rm 4,10-11). Qua những lời này, thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Đức Giê-su hơn là những dấu chỉ bên ngoài, chẳng hạn như việc cắt bì của dân Do-thái (St 17,9-27).

Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng giao ước mới không được khởi xướng bởi con người nhưng bởi sự quan phòng của Thiên Chúa. Đây là giao ước mà Đức Giê-su thực hiện bằng cách trút bỏ chính mình để đảm nhiệm và kiện toàn. Điều đáng để chúng ta quan tâm là giao ước mới mà Đức Giê-su thiết lập không làm cho các giao ước cũ vô giá trị, cũng không hoàn toàn thay thế các giao ước cũ. Điều đáng nói ở đây là tinh thần của giao ước Đức Giê-su thiết lập là tinh thần mới. Cách thức Đức Giê-su thiết lập là cách thức mới. Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng giao ước này không khắc trên bia đá nhưng trong lòng con người. Hơn nữa, Thiên Chúa lên án những người cắt bì nhưng sống giả tạo. Người đề cao việc ‘cắt bì trong lòng’ như là điều cần thiết để minh chứng mình thuộc về Thiên Chúa (Gr 4,4; Gr 9,24-25).

Tương quan trong giao ước được Đức Giê-su thiết lập đặt nền tảng trên ‘tình yêu tự hiến’ qua sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Nếu như giao ước cũ (nhất là giao ước Si-nai) đặt nền tảng trên lề luật và việc tuân giữ lề luật thì giao ước mới đặt nền tảng trên tình thương và ân sủng của Thiên Chúa. Điều chi phối con người trong giao ước mới không phải là lề luật (law) mà là tình yêu (love) và mục đích của lề luật và tình yêu là cho sự sống của con người (life). Giao ước mới của Đức Giê-su giúp con người nhận ra hai điều quan trọng: (1) Tội lỗi con người và hậu quả của tội lỗi; (2) Cách thức Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi con người và hiệu quả của cách thức này. Theo thánh Phao-lô: “Khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3). Như thế, giao ước Đức Giê-su gọi là giao ước mới vì được diễn tả bởi tình yêu mới, tình yêu vượt quá sự nhận thức của mọi người trong gia đình nhân loại. Máu giao ước mới là máu tẩy rửa con người sạch muôn vàn tội lỗi, kéo con người ra khỏi số phận phải chết đời đời bởi vì Đức Giê-su đã chết và tiêu diệt sự chết một lần cho tất cả. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,10).

Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô và tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, mỗi giao ước trong lịch sử Do-thái mang những đặc tính khác nhau. Điều các ngài quan tâm nhất là Mô-sê và Đức Giê-su đại diện cho hai giao ước: (1) Giao ước cũ qua trung gian là con người; giao ước mới qua Trung Gian là Con Thiên Chúa. (2) Giao ước cũ đề cao việc làm; giao ước mới đề cao niềm tin. (3) Lề luật của giao ước cũ được khắc vào bia đá; lề luật giao ước mới (là lề luật tình yêu) được khắc vào tâm hồn. (4) Giao ước cũ lệ thuộc vào không gian, thời gian; giao ước mới vừa diễn ra trong không gian, thời gian, vừa siêu vượt không gian, thời gian. (5) Giao ước cũ tạm thời; giao ước mới trường cửu. (6) Giao ước cũ liên quan đến một dân tộc (dân tộc Do-thái); giao ước mới liên quan đến mọi dân tộc. (7) Giao ước cũ đòi hỏi sự vâng phục của dân Do-thái; giao ước mới lại là sự vâng phục của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, nhân danh toàn thể nhân loại. (8) Mô-sê là mục tử chăn chiên (gia súc); Đức Giê-su là Mục Tử Nhân Lành của đoàn chiên là gia đình nhân loại. (9) Mô-sê có sứ mệnh đưa dân Do-thái vào Đất Hứa; Đức Giê-su có sứ mệnh đưa mọi người vào Quê Hương Vĩnh Cửu. (10) Giao ước cũ được thiết lập với lễ vật là máu dê bò; Giao ước mới được thiết lập với lễ vật là máu Đức Giê-su (Dt 9,12). (11) Mô-sê chết cách tự nhiên trong tuổi già; Đức Giê-su hy sinh tính mạng vì ơn cứu độ nhân loại (Ga 10,11-15; Ga 10,15).

Giao ước mới của Đức Giê-su là giao ước ân sủng như thánh Phao-lô diễn tả: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9). Giao ước ân sủng giúp mọi người nhận biết Thiên Chúa, nhận biết chính mình, nhận biết muôn vật muôn loài cách tỏ tường hơn. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái trình bày về sự trổi vượt của giao ước mới, giao ước ân sủng, so với giao ước cũ bởi vì Đấng Trung Gian của giao ước mới trổi vượt hơn đấng trung gian của giao ước cũ bội phần. Theo ngài: “Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Trung Gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn. Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế” (Dt 8,6-7) hay: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben” (Dt 12,24). Giao ước này không ghi trên bia đá, giấy tờ hay bất cứ hình thức vật chất nào nhưng ghi vào lòng trí con người để mọi người nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, với giao ước này, Thiên Chúa sẽ tẩy rửa mọi người khỏi muôn vàn tội lỗi (Dt 8,10-12).

Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái khẳng định rằng ơn cứu độ trước hết không hệ tại ở việc cử hành các nghi lễ hiến tế gia súc nhưng hệ tại ở sự tự hiến của Đức Giê-su, Người là Lễ Vật đẹp lòng Thiên Chúa: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,6-7). Như vậy, lễ vật để thực thi thánh ý Thiên Chúa không phải là gia súc nhưng là Đức Giê-su. Người tế lễ không phải là tư tế thuộc dòng tộc Lê-vi nhưng là Đức Giê-su. Bàn thờ hiến tế không làm bằng gỗ hay đá nhưng là Đức Giê-su. Nói cách khác, sự trổi vượt của giao ước mới so với giao ước cũ không hệ tại ở sự tự chủ của con người nhưng là sự tự hiến của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, là Tư Tế, Lễ Vật và Bàn Thờ của giao ước mới.

Các tư tế Do-thái đóng vai trò quan trọng trong việc cử hành các nghi thức để nhắc nhở mọi người về giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với cha ông họ. Theo các học giả Kinh Thánh, việc nhìn nhận Đức Giê-su là Tư Tế như được diễn tả trong thư gửi tín hữu Do-thái là điều hoàn toàn mới mẻ của Tân Ước. Bởi vì, đối với dân Do-thái, tư tế phải là người phát xuất từ dòng tộc Lê-vi, trong khi đó Đức Giê-su phát xuất từ dòng tộc Giu-đa. Hơn nữa, các tư tế ít giao du với những người khác, nhất là những thành phần bất hảo trong xã hội. Họ cũng tách mình khỏi những thứ có thể ảnh hưởng không tốt đến việc tế tự, chẳng hạn như thầy tư tế gặp người bị nạn trên đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô đã không dừng lại giúp nạn nhân vì sợ ô uế việc thánh (Lc 10,29-37). Đức Giê-su thì ngược lại: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,17-18). Thánh Phao-lô diễn tả rõ hơn về điểm này: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Nhờ vậy, Người trở thành hy lễ hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa. Đây thật là điều lạ lùng không chỉ đối với tâm thức của những người Do-thái mà còn đối với muôn người qua mọi thời đại.

Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su không chỉ là tư tế hay thượng tế như nhiều người khác theo truyền thống mà là Thượng Tế siêu phàm (Dt 4,14). Người là Thượng Tế muôn đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê chứ không theo phẩm trật Lê-vi (dựa vào huyết tộc). Người trở nên Thượng Tế “không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt” (Dt 7,16). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái biện luận: “Chức vụ tư tế Lê-vi là nền tảng của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho Dân. Vậy giả như người ta đạt được sự hoàn thiện nhờ chức vụ tư tế đó rồi, thì còn cần chi phải đặt lên một tư tế khác theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, thay vì theo phẩm trật A-ha-ron” [A-ha-ron thuộc chi tộc Lê-vi] (Dt 7,11). Hơn nữa, cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi” (Dt 10,11). Đức Giê-su vừa nhân danh Thiên Chúa mà đến với con người, đồng thời, nhân danh con người để hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa hầu đem lại ơn tha thứ và hòa giải cho mọi người. Hơn nữa, khi so sánh phẩm vị tư tế của Đức Giê-su và các tư tế thuộc dòng tộc Lê-vi, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái còn khẳng định rằng các vị này trở thành tư tế mà không có lời thề. Còn Đức Giê-su thì có lời thề: “Đức Chúa đã thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế” (Dt 7,21). Các tư tế Lê-vi ‘nay còn mai mất’ bởi vì họ phải chết, còn Đức Giê-su là Đấng hằng sống nên phẩm vị tư tế của Người muôn đời tồn tại. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, nhân loại được lãnh nhận ơn cứu độ, được đến cùng Thiên Chúa và chung hưởng sự sống vĩnh cửu với Người (Dt 7,22-25).

Chúng ta biết rằng máu là biểu tượng của sự sống. Các giao ước trong lịch sử thường đi liền với việc đổ máu gia súc (Xh 24,1-8). Trong bối cảnh Do-thái Giáo, khi tưởng nhớ giao ước, vị tư tế lấy một phần máu rảy trên bàn thờ và một phần máu rảy trên dân chúng. Giao ước mới được Đức Giê-su thiết lập cũng là giao ước đổ máu. Tuy nhiên, máu của giao ước mới không phải là máu chiên, máu bò hay bất cứ máu loài vật vô thức nào đó mà là máu châu báu của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm người (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25). Nói cách khác, cái chết đổ máu của Đức Giê-su làm phát sinh giao ước mới. Theo thánh Phao-lô: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3,25). Còn tác giả thư gửi tín hữu Do-thái thì viết: “Thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20). Như vậy, giao ước diễn tả bằng máu gia súc trong Cựu Ước như là dấu chỉ hướng về giao ước mới nhờ máu chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su trên thập giá.

Trong Tân Ước, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca) không đề cập hạn từ ‘Chiên Thiên Chúa’ (Ἀμνὸς τοῦ Θεοῦ). Hạn từ này chỉ xuất hiện trong trình thuật Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an. Lần đầu tiên gặp Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả thốt lên: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Thánh Gio-an Tẩy Giả gọi Đức Giê-su là ‘Chiên Thiên Chúa’ và ‘Đấng xóa tội trần gian’ hầu giúp mọi người nhớ đến giao ước cũ mà Thiên Chúa thiết lập với cha ông họ. Theo đó, chiên hiến tế là dấu chỉ diễn tả tâm tình sám hối của dân chúng để xin ơn tha thứ tội lỗi và phúc lành của Thiên Chúa. Nghi thức của giao ước cũ gắn liền với việc giết chiên. Nghi thức của giao ước mới cũng gắn liền với việc giết chiên, nhưng đây là Chiên Thiên Chúa, Đức Giê-su, trong thân phận tôi tớ vâng phục Thiên Chúa, hiến dâng chính mình hầu đem lại ơn tha thứ và hòa giải cho muôn người.

Hành trình thực thi giao ước mới của Đức Giê-su luôn có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như Chúa Thánh Thần hiện diện trong Biến Cố Đức Giê-su nhập thể hay khi Người chịu phép rửa, trải qua bốn mươi đêm ngày chay tịnh trong sa mạc, khởi đầu loan báo Tin Mừng, chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại (Lc 1,26-35; Lc 4,1-2; Lc 4,16-19; Ga 19,30; Ga 20,22-23). Viết thư cho tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô quả quyết: “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ giao ước mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6). Dưới nhãn quan phụng tự, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái diễn giải: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo. Điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy” (Dt 10,14-15). Như vậy, một trong những điều quan trọng làm cho giao ước mới của Đức Giê-su trổi vượt hơn các giao ước trong lịch sử là giao ước này thấm đượm máu của Người cùng với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham: “Đây là giao ước của Ta với ngươi: Ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc... Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi… Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này” (St 17,4-7). Lời của Thiên Chúa trở nên trọn vẹn nơi Đức Giê-su (Lc 1,55; Dt 13,20). Quả thực, Đức Giê-su không chỉ thiết lập giao ước mới mà còn là giao ước vĩnh cửu bởi vì giao ước này cho phép mọi người được kết hợp với Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu ngay trong hành trình trần thế này. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Người là Trung Gian của một giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15). Công Đồng Vatican II khẳng định: “Nhiệm cuộc Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải chung [công] nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang” (DV 4). Điều này có nghĩa rằng mặc khải của Thiên Chúa qua Biến Cố Đức Giê-su là mặc khải cao trọng, chung quyết, tròn đầy và chứa đựng những yếu tố cần thiết giúp mọi người có được bình an đích thực giữa biển đời đầy tăm tối và sóng gió trên hành trình về với Quê Hương Vĩnh Cửu.

Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a đề cập đến giao ước bền vững giữa Người và dân Do-thái mà Giê-ru-sa-lem là biểu tượng: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay” (Is 54,10). Quả thực, giao ước được Đức Giê-su thực hiện đem lại bình an cho mọi người, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng (Ga 14,27). Điều này ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en rằng: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta” (Ed 37,26-27). Còn thánh Phao-lô thì khẳng định: “Nhờ máu Người [Đức Giê-su] đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Như vậy, giao ước Đức Giê-su thực hiện không chỉ đem lại bình an nội tâm cho mỗi người mà còn cho các hình thái xã hội của gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài. Khi con người có bình an của Đức Giê-su cũng là khi con người có được niềm hy vọng đích thực cho hành trình dương thế của mình.

Chúng ta biết rằng nói đến giao ước là nói đến hy vọng. Những nhân vật nổi bật trong Cựu Ước như Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít luôn đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa và lời hứa của Người. Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, hậu duệ của Áp-ra-ham hy vọng vào “một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời” (Dt 11,16) hay hy vọng vào “gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15). Hơn ai hết, Đức Giê-su là Hy Vọng của gia đình nhân loại bởi vì Người vừa là Đấng quy tụ các hình thức hy vọng trong lịch sử, vừa diễn tả niềm hy vọng thâm sâu nhất của con người, vừa thiết lập giao ước mới để ban niềm hy vọng trường cửu cho muôn dân (1 Tm 1,1; 1 Pr 1,3-5). Giao ước mới cho phép con người hướng về một tương lai tốt đẹp hơn giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với con người và giữa con người với muôn vật muôn loài. Nhờ giao ước mới được Đức Giê-su thiết lập, mọi người trong gia đình nhân loại có được niềm hy vọng vững chắc vào sự vinh thắng của Thiên Chúa trên ma quỷ cũng như muôn hình thức tối tăm và sự dữ đang hoành hành trong thế giới thụ tạo.

Dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, giao ước mới cũng là giao ước cánh chung. Điều này có nghĩa là Biến Cố Đức Giê-su ở trần gian, nhất là việc Người chịu đau khổ, chịu chết và sống lại là Biến Cố của ‘thời viên mãn’ (Dt 2,8; Dt 9,28; Dt 12,26-27; Dt 13,14). Tác giả sách Khải Huyền dùng hình ảnh hôn lễ Con Chiên để diễn tả tương quan giữa Đức Giê-su và dân giao ước mới trong cảnh ‘trời mới, đất mới, Giê-ru-sa-lem mới’: “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19,7-8). Trong bối cảnh cánh chung, điệp khúc giao ước cũ và mới hòa quyện: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kh 21,3; Gr 31,31-34). Các thành phần của giao ước mới được chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa, bởi vì: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Với tác giả sách Khải Huyền, quê hương cánh chung chính là quê hương đầy ánh sáng của Đức Giê-su, Đấng thiết lập giao ước mới (Kh 22,4-5).

Một trong những đòi hỏi của các hình thức giao ước là sự trung tín của các thực thể tham dự. Đối với Thiên Chúa, trung tín thuộc về bản tính của Người (1 Ga 1,9; 2 Tm 2,13; 2 Tx 3,3). Do đó, dù là giao ước có điều kiện hay vô điều kiện, Thiên Chúa luôn trung tín. Đối với con người, như đã được đề cập ở trên, con người thường bội ước với Thiên Chúa và chạy theo các hình thức ngẫu tượng. Để thiết lập giao ước mới, Đức Giê-su đã trở thành ‘Thượng Tế nhân từ và trung tín’ (Dt 2,17). Người trở thành mẫu gương cho mọi người trong việc thiết lập tương quan bền vững với Thiên Chúa và luôn có cảm thức bén nhạy với anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, bị loại trừ hay bị bỏ rơi trong xã hội. Nhân từ và trung tín là hai đặc tính căn bản mà mọi người cần phải học hỏi, suy niệm và thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, những ai đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, được mặc lấy Đức Giê-su, được trở thành con cái ánh sáng và được tham dự thừa tác vụ tư tế, ngôn sứ và quản trị của Người, thì càng phải quan tâm hơn tới hai đức tính này.

Đức Giê-su đi Đường Giao Ước Mới để đến với nhân loại và Người mời gọi mọi người hãy đi trên Đường này trong hành trình trần thế của mình. Câu hỏi đặt ra là ‘con người đi trên Đường Giao Ước Mới bằng cách nào?’ Thưa, bằng cách cộng tác với Thiên Chúa, với Đức Giê-su trong việc biến đổi bản thân sao cho trái tim mình luôn chung nhịp với trái tim Đức Giê-su, trái tim quảng đại, tha thứ, yêu thương như Người diễn tả trong hành trình trần thế, đặc biệt trong Biến Cố Thập Giá. Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en giúp chúng ta hiểu thêm về điều này: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 11,19-20). Biến đổi trái tim theo Đường Giao Ước Mới của Đức Giê-su vừa cho phép con người đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, vừa nhận ra sự yếu đuối của bản thân mình, vừa ý thức hơn về việc đến với anh chị em mình theo cách thức mà Đức Giê-su diễn tả trong hành trình trần thế của Người. Điệp khúc giao ước ‘Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta’ nhắc nhở dân Do-thái xưa kia cũng như mọi người hôm nay rằng để có thể là thành phần của giao ước mới, mọi người được mời gọi luôn ý thức về thân phận yếu đuối của bản thân và phải kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Bao lâu còn trong hành trình dương thế, bấy lâu con người cần cộng tác với Thiên Chúa, cộng tác với nhau trong việc biến đổi và làm mới tâm hồn mình cũng như các hình thức cộng đoàn nơi mình hiện diện và hoạt động.

Là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su, chúng ta không chỉ chiêm ngắm Đường Giao Ước Mới của Đức Giê-su mà còn sống và hành động theo Đường này nữa. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy để Đức Giê-su luôn đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Đặc biệt, chúng ta hãy ý thức hơn về việc luôn ở lại trong Người. Bởi vì, nếu không ở lại trong Người, tự thân, chúng ta sẽ không thể làm được bất cứ điều gì tốt đẹp như Người căn dặn các môn đệ thân tín trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). ‘Ở lại trong Đức Giê-su để sinh hoa kết trái dồi dào’ trở thành phương châm sống động cho mọi người thuộc dân giao ước mới mà Đức Giê-su thiết lập.

Như đã được đề cập ở trên, với giao ước mới, Đức Giê-su đã thiết lập tương quan mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Tương quan này đặt nền tảng trên ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa mà chính Đức Giê-su đã loan báo và diễn tả bằng đời sống, sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Giao ước mới này chi phối mọi người như thánh Phao-lô quả quyết: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3,27-28). Khi chúng ta nhận thức rằng Đường Giao Ước Mới kiện toàn đường giao ước cũ cũng là khi chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc loan báo Đức Giê-su và Đường Giao Ước Mới của Người cho anh chị em đồng loại.

Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại là chủ đề căn bản của nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Cựu Ước cho chúng ta biết một số hình thức giao ước, trong đó giao ước giữa Thiên Chúa với Nô-ê, với Áp-ra-ham, với Mô-sê, với Đa-vít đáng được chúng ta quan tâm nhất. Bởi vì, các giao ước này cung cấp ánh sáng cho chúng ta nhận thức rõ hơn về giao ước mới mà Đức Giê-su thiết lập. Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Giao Ước Mới. Đường này ứng nghiệm lời các ngôn sứ và kiện toàn các giao ước trong lịch sử. Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người trong gia đình nhân loại hãy đi Đường Giao Ước Mới của Người để biến đổi bản thân hầu có thể sống tốt hơn mối tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Là thành phần của Giáo Hội (dấu chỉ, khí cụ và Thân Thể mầu nhiệm Đức Giê-su), chúng ta hãy chú tâm suy niệm, học hỏi và hành động theo Đường Giao Ước Mới trong mọi hoàn cảnh. Ước gì ‘lời chào cuối cùng’ của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái luôn in đậm trong tâm hồn mỗi người chúng ta hôm nay và luôn mãi: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giê-su, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giê-su là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu. Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Đức Ki-tô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men” (Dt 13,20-21).