ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VÀ NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM
Giuse Phạm Đình Ngọc
SJ
Các bạn
trẻ thân mến,
Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo
hội những Đức Giáo Hoàng tuyệt vời, lãnh đạo Giáo hội như lòng Chúa ước mong.
Lúc này chúng ta hướng đến vị Giáo Hoàng đương vị Phanxicô. Dưới đây là chút tiểu
sử của ngài:
- Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge
Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, nước
Argentina.
- Tuy có bằng thạc sĩ hóa học, ngài đã quyết định
không gắn bó với chuyên môn này mà muốn trở thành một linh mục. Ngài vào nhà tập
Dòng Tên ở Cordoba ngày 11 tháng 3 năm 1958 và khấn lần đầu trong Dòng ngày 12 tháng 3 năm 1960.
- Thầy Bergoglio đã làm hai năm thực tập tông
đồ tại hai trường Inmaculada ở Santa Fe và Salvador ở Buenos Aires (môi trường
người trẻ).
- Thầy đã học thần học tại chủng viện San
Miguel, từ năm 1967 đến năm 1970.
- Thầy Bergoglio chịu chức linh mục vào ngày
13 tháng 12 năm 1969.
- Sau đó cha từng lãnh chức vụ: Giám tập, rồi
Giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina khi mới 36 tuổi.
- Ngày 28 tháng 2 năm 1998 nhận chức vụ Tổng
Giám Mục Buenos Aires.
- Ngày 21 tháng 02 năm 2001, Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài.
- Sau cái chết của thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, Đức Hồng Y Bergoglio đã được nhiều người coi là một ứng viên sáng
giá cho ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005.
- Sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ chức,
Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, danh
hiệu là Phanxicô.
Chúng ta có thể xem phim ngắn về cuộc đời của ngài tại đây: link 1, link 2
* * * * *
Dẫn nhập
Tôi muốn bắt đầu buổi chia sẻ này với các bạn
bằng một thông báo: Hoãn tổ chức Đại Hội Giới Trẻ giáo tỉnh Hà Nội.
“Vì tình
hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sau khi đã tham khảo những người hữu
trách, Đức Cha Giám Quản Tông Tòa giáo phận Hưng Hóa Phêrô Nguyễn Văn Viên đã
trình bày với Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên xin hoãn tổ chức Đại Hội và được Đức
Tổng chấp thuận.”[1]
Như thế, năm nay rất nhiều người trẻ không thể
gặp nhau để vui chơi, chia sẻ, hội thảo, cầu nguyện và có những sinh hoạt đông
người. Virus Covid-19 đã đảo lộn mọi hoạt động của chúng ta. Tuy sức đề kháng
người trẻ mạnh, nhưng chúng ta vẫn bị ảnh hưởng của dịch bệnh từ nhiều khía cạnh
khác nhau: vấn đề tâm lý, xã hội giãn cách, học tập, công ăn việc làm, kinh tế
khó khăn, nhiều sinh hoạt tôn giáo còn hạn chế, v.v.
Tuổi trẻ trước dịch bệnh vốn đã gặp nhiều vất
vả khó khăn, nay thách thức ấy chắc hẳn tăng lên bội phần. Tuy nhiên phải nói
ngay rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang gửi thông điệp mạnh mẽ đến với người trẻ
trên thế giới, với các bạn trẻ Việt Nam: “Xin
các con đường bỏ cuộc. Hãy trỗi dậy và mơ về một tương lai tươi sáng, vì chúng
con có Thiên Chúa, có Giáo hội và chúng ta cần bước đi cùng nhau.”[2]
Là tu sĩ trẻ, tôi hạnh phúc dấn thân đồng hành
với các bạn trẻ. Tạ ơn Chúa vì tôi nhận được nhiều hướng dẫn từ Giáo Hoàng
Phanxicô trong lãnh vực này. Tôi có thể nói rằng một trong những bận tâm nhất của
vị Giáo Hoàng này là người trẻ. Vì những lý do sau:
- Ngài từng trải qua nhiều năm với người trẻ tại
Argentina, một đất nước từng rất xinh đẹp, nhưng bị tàn phá bởi nhiều lý do
khác nhau. Nhìn đến thân phận người trẻ trong bối cảnh đó, ngài đã dấn thân hết
sức để vực dậy tinh thần của người trẻ để dựng xây tương lai.
- Ngài viết nhiều sứ điệp, gửi nhiều video đến
người trẻ; trong đó phải kể đến Tông huấn Christus
Vivit - Chúa Kitô đang sống. Một trong những thông điệp chính từ các tài liệu
này là: “Các bạn trẻ thân mến, các con
hãy tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô và can đảm làm chứng cho Chúa giữa một thế giới
nhiều đổ vỡ.”
- Nếu ai đọc các sứ điệp của ngài, chúng ta thấy
cách hành văn và lời lẽ luôn đơn sơ, mộc mạc, thực tế và mang tâm tình của một
người cha với người con, ngôn ngữ của người trẻ. Đức Giáo Hoàng muốn đồng hành
với từng người chúng ta.
- Sau cùng nhưng chưa hết, Giáo Hoàng Phanxicô
là người rất thực tế, không bắt buộc người trẻ phải làm điều này, tránh làm điều
kia. Trên hết, ngài mời gọi người trẻ cùng với Đức Giêsu để nhìn nhận và giải
quyết vấn đề cùng với Chúa và với nhau.
Sau khi đọc những Sứ điệp, Tông huấn và các lần gặp gỡ của Giáo Hoàng Phanxicô với người trẻ, chúng ta có thể đưa ra vài điểm chính sau:
1. Đừng sợ, vì chúng ta có Đức Giêsu là người
trẻ 2. Hy vọng và ước mơ với Thiên Chúa và Giáo Hội |
1. Đừng sợ, vì chúng ta có Đức Giêsu
là người trẻ
Đừng sợ là chủ đề chính trong Sứ điệp Ngày Giới
trẻ Thế[3]
giới lần thứ 33, tại Panama vào tháng 1 năm 2019! Lưu ý rằng trong tất cả các lần
trò chuyện với người trẻ, Đức Giáo Hoàng cố gắng đồng hành với người trẻ để
cùng nhau vượt qua nỗi sợ rất thật từ mỗi người trẻ chúng ta:
a. Sợ mình không được yêu
Ở trong gia đình, giáo xứ hay trong nhóm bạn,
chắc mỗi người đều có cảm giác bất an này. Mình có được người thân đón nhận, nhất
là khi mình phạm lỗi lầm nào đó. Mình có đủ tài năng để giúp cho gia đình, hoặc
không biết mình có đủ quảng đại để phục vụ anh chị em trong nhóm hoặc giáo xứ?
Mình sợ người khác chê bai. Tiếc là ở Việt Nam, nạn bắt nạt, chê trách, miệt thị
đang thực sự đáng lo, nhất là trên không gian mạng. Đó những nỗi sợ “tiềm tàng”
của nhiều bạn: sợ mình không được yêu, không được ái mộ hay không được chấp nhận
trong tình trạng như mình hiện là. Tôi có nằm trong trường hợp này? Đừng quên
trong Kinh Thánh, Thiên Chúa không ngừng nhắc chúng ta “Đừng sợ!”. Chúa muốn
chúng ta thoát khỏi sợ hãi. Bằng cách nào?
Đức Giáo Hoàng nhắn: “Ân sủng của Thiên Chúa chạm cuộc sống của các bạn, nắm lấy các bạn
trong tình trạng hiện nay của các bạn, với tất cả những nỗi sợ hãi và giới hạn
của các bạn. Ân sủng Chúa cũng cho thấy những kế hoạch diệu kỳ của Người! Hỡi
các bạn trẻ, các bạn phải biết rằng có những người thực sự tin tưởng nơi các bạn:
xin hãy biết rằng Đức Giáo Hoàng có lòng tin nơi các bạn, Giáo Hội tin tưởng
các bạn! Về phần mình, các bạn hãy tin tưởng vào Giáo Hội!”[4]
b. Sợ không thể tìm được một vị trí nghề nghiệp
Công ăn việc làm là chủ đề chính người trẻ ước
muốn và bận tâm. Có lẽ điều này càng đúng trong và sau đại dịch. Nhiều doanh
nghiệp phá sản, nên ở thành phố hay về quê, v.v luôn là những điều ảnh hưởng đến
nghề nghiệp của bạn trẻ. Tiếc là xã hội Việt Nam hiện nay (trên thế giới cũng
thế), tình trạng thất nghiệp gia tăng, lương lao động thấp và mức độ cạnh tranh
ngày càng khốc liệt. Thậm chí tôi có nhiều dịp gặp các bạn trẻ đang phải lao động
trong môi trường khắc nghiệt. Bóc lột sức lao động và xem người trẻ như một món
đồ để mua bán. Nhiều bạn trẻ phải bỏ quê xuất khẩu lao động. Nơi đó không thiếu
những hình thức loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Điều này khiến các bạn
trẻ nghèo hoàn nghèo. Hệ quả là tình trạng thiếu công ăn việc làm đã cướp đi khả
năng mơ ước và hy vọng. Không biết tôi có trong nhóm này?
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ: “Mặc dù công việc có thể không giúp các con
thực hiện các ước mơ của mình, nhưng điều quan trọng là những người trẻ phải nuôi
dưỡng một cái nhìn, học cách làm việc
theo cách thật sự cá nhân và đầy đủ cho đời sống của mình, và tiếp tục phân định
ơn gọi của Thiên Chúa.”[5]
c. Nỗi sợ đối diện với khó khăn
Ai cũng thích ngồi mát ăn bát vàng. Nhiều người
muốn làm giàu mà không chịu đương đầu với thách đố. Dù tuổi trẻ là thời gian
nhiều nhiệt huyết, muốn khám phá và chấp nhận những sai sót, nhưng không ít bạn
sợ giải quyết các vấn đề. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân về những trở ngại
từng gặp phải. Sau khi xem video về những cách thay đổi bản thân như kỹ năng đọc
sách, làm việc đúng giờ, phản tỉnh cá nhân, tôn trọng, xin lỗi, cảm ơn... thì
máu anh hùng trong tôi đã nổi lên. Tôi muốn tập, tập và tập một cách điên cuồng.
Tuy vậy, tập được vài ngày thì ngựa lại quen đường cũ. Sống theo phong cách mới
sao khó quá! Đúng là anh hùng rơm không thắng nổi những đòi hỏi của quá trình
rèn luyện bản thân. Đơn giản bởi chúng ta thích dễ dãi và nuông chiều theo bản
tính tự nhiên, hơn là chịu khuôn mình vào những giá trị cao quý. Đó là nỗi sợ cần
can đảm chịu khó vượt qua. Xin đừng kêu than, tìm mọi lý do để biện minh, tại,
bởi, vì, do, v.v. Tôi cũng nhiều lần rơi vào nhóm này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ: “Đây là sự an toàn của chúng ta: Chúa Giêsu
đang sống. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ sống và vượt qua tất cả
các hình thức chết chóc và bạo lực đang rình rập chúng ta trên đường.”[6]
d. Sợ đi xưng tội
Đức Giáo Hoàng chưa một lần lên án người trẻ,
dù chúng ta thường xuyên phạm tội, hoặc mắc lỗi lầm. Thay vào đó, ngài thường
nhắc người trẻ mạnh dạn đến với tòa giải tội. Nơi đó không phải là tòa phán
xét, nhưng là để chúng ta được chữa lành yêu thương. Vì vậy, đừng bao giờ quên,
mỗi khi chúng ta đi xưng tội, trên thiên đàng có một lễ hội. Điều này cũng xảy
ra như vậy trên mặt đất! Là tội nhân, có khi tôi sợ chạy đến với linh mục để nhận
ơn tha thứ của Chúa. Không ít lần tôi lười đi xưng tội vì mặc cảm tội lỗi, vì
ngại ngùng lười biếng; phần khác vì tôi nghĩ xưng tội rồi lại phạm tội, hoặc
tôi hẹn lần, chờ dịp thuận tiện mới xưng. Cuối cùng tôi vẫn quen với “con ma
nhà họ hứa”.
Để chữa lãnh nỗi sợ này, Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy chăm chú nhìn vào vòng tay rộng mở của
Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy để mình được Chúa cứu đi cứu lại. Và khi các con
đi xưng tội của mình, các con hãy tin chắc vào lòng thương xót của Người, là điều
giải thoát các con khỏi mặc cảm tội lỗi.”[7]
“Lòng
thương xót của Thiên Chúa rất thực tế và chúng ta được gọi mời đích thân trải
nghiệm. Khi cha mười bảy tuổi, lòng thương xót Chúa đã xảy ra vào một ngày khi
cha đi ra ngoài với vài người bạn, cha quyết định dừng lại để vào nhà thờ trước
đã. Cha gặp một linh mục, người đã gợi cho cha niềm tin tưởng lớn lao, và cha
thấy ước mong mở lòng mình trong bí tích Hòa Giải. Lần gặp gỡ đó đã thay đổi đời
cha! Chúng con đang nghĩ: Tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia…. Đừng sợ!
Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con! Thiên Chúa hằng tha thứ cho chúng ta!”[8]
e. Sợ đưa ra quyết định
Đây là
điều không phải ai cũng để ý. Tôi có nhiều dịp chia sẻ với các bạn trẻ về vấn đề
này, nhiều bạn chần chừ, lo lắng và sợ quyết định. Khó là vì khi đã quyết định
điều gì đó, ví dụ lập gia đình[9],
đi làm, đi tu[10]
hoặc thực hiện kế hoạch với nhóm bạn, thường phải mang lấy trách nhiệm. Tiếc là
càng sợ lại càng tạo ra một loại tê liệt về quyết định. Giáo hội chỉ ra tình trạng
giới trẻ hiện nay: “Tuổi trẻ không thể ngừng
lại ở một thời gian lơ lửng: đây là tuổi của những chọn lựa, và sự quyến rũ
cùng nhiệm vụ lớn nhất của nó nằm ở chính tuổi này. Những người trẻ đưa ra những
quyết định trong các lĩnh vực chuyên nghiệp, xã hội, chính trị và các lĩnh vực
khác, rất căn bản, là điều đem lại cho cuộc đời các em một hướng đi quyết định.”[11]
Tôi thường được giúp nhiều với lời khuyên này
của Đức Giáo Hoàng: “Hãy mạo hiểm, ngay cả
khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như
thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm
tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy
cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm
ơn đừng về hưu non.”[12]
2. Hy vọng và ước mơ với Thiên Chúa và
Giáo Hội
Nếu hỏi Đức Giáo Hoàng vào lúc này về người trẻ,
chắc ngài phải nói với chúng ta rằng: đừng từ bỏ ước mơ và hãy hy vọng về một
tương lai tươi sáng. “Hãy dám ước mơ! Tự
tin để vượt qua khủng hoảng”, cũng là cuốn sách Giáo Hoàng viết tặng mỗi
người để vượt qua lần đại dịch này[13].
Trước đó, trong tông huấn Đức Kitô sống, ngài cũng không ngừng lay động người
trẻ hãy chịu khó ước mơ và hy vọng; để từ đó, người trẻ mới có được hạnh phúc,
thành công và bình an.
Giáo Hội ý thức rằng “người trẻ là chủ thể chứ
không chỉ là đối tượng chăm sóc mục vụ của Giáo Hội; “người trẻ là hiện tại chứ không chỉ là tương lai của Giáo Hội”; “Mục vụ
giới trẻ là phải đồng hành và lắng nghe hơn là dạy dỗ”[14].
Như thế, người trẻ chúng ta phải là hiện tại sống động, chúng ta không thuộc về
thế hệ tương lai mơ hồ nào đó. Đức Giáo Hoàng tuy nhắn với người trẻ về ước mơ
và hy vọng, nhưng ngài luôn đặt người trẻ trong hiện tại; nghĩa là chúng ta phải
bắt đầu từ lúc này.
Dù ở lứa tuổi nào, nhóm bạn hoặc môi trường
nào, chúng ta luôn có quyền xây dựng ước mơ, có quyền hy vọng ngay từ ngày hôm
nay. “Khi các con đấu tranh để biến ước
mơ của mình thành hiện thực, hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, cho đi tất cả và từng
giây phút lấp đầy nó bằng tình yêu. Bởi vì thật sự là ngày hôm nay của tuổi trẻ
của các con có thể là ngày cuối cùng, và như thế thật đáng giá để sống nó với tất
cả ước muốn và tất cả chiều sâu có thể.”[15]
Thật thú vị là khi Đức Giáo Hoàng viết cho giới trẻ thế giới, nhưng lại trích lời
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, để nhắn với chúng ta rằng: “Hãy chọn sống giây phút hiện tại bằng cách lấp
đầy nó với tình yêu”; và “hãy nắm bắt những cơ hội phát sinh mỗi ngày, để thực
hiện những hành động bình thường một cách phi thường.”[16]
Về mặt tâm lý, hy vọng và mơ ước cho người ta
động lực, sinh ra những năng lượng tích cực. Từ đó, chúng ta có nhiều sáng kiến
và hăng say làm việc. Về mặt thiêng liêng, Đức Giáo Hoàng luôn nhắc với người
trẻ rằng chúng ta có Thiên Chúa luôn ở với con người. Thiên Chúa yêu thương người
trẻ; đó là sự thật. Trong tình yêu này, Chúa muốn từng người hãy đặt niềm hy vọng
vào Thiên Chúa và Giáo hội để sống và làm việc. Tôi cũng như bạn, không dễ để
chỉ ra ước mơ của mình. Người ước có xe hơi, nhà lầu, có đủ tiện nghi, vợ đẹp
con ngoan, lấy được chồng giàu sang, hoặc cuộc sống phải sang chảnh, v.v. Bạn
nghĩ sao về những ước mơ này?
Có thể nói ước mơ càng rõ ràng, hy vọng càng mạnh
mẽ, thì bạn càng dễ xác định được những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu ấy.
Ví dụ có bạn sinh viên mới ra trường xác định trong 2 năm đầu sẽ tìm được một
công việc ổn định và phù hợp với bản thân. Tiếp đến bạn đó có thể xác định một
mức lương mình mong muốn trong thời điểm đó. Sau đó mới đến kế hoạch khác như lập
gia đình, sinh con, mua đất, mua nhà, mua xe hơi… Tùy từng mục tiêu[17]
đặt ra lớn hay nhỏ mà bạn đặt ra khoảng thời gian dài hay ngắn để đạt được. Đừng
quên Đức Giáo Hoàng nói: “những giấc mơ đẹp
nhất chỉ đạt được bằng hy vọng, kiên nhẫn, quyết tâm, và không vội vàng.”[18]
Về điểm này, người trẻ Việt chúng ta dường như đang sống vội, muốn cái gì là phải
có cho bằng mọi giá. Đừng quên, để thực hiện ước mơ luôn cần cầu nguyện, học tập,
làm việc nỗ lực không ngừng!
Mơ ước đâu phải trả tiền, nên cứ ước mơ cho thật
lớn. Có thể bạn bật cười khi nghĩ rằng điều ấy không thể hiện sự khiêm nhường.
Người Công giáo phải trở nên nhỏ bé, vì Chúa mời gọi như thế. Không! Dường như
nhiều bạn trẻ đã hiểu lầm lời khuyên này của Đức Giêsu. Bạn nghĩ sao khi Đức
Giáo Hoàng nhắn chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ vĩ đại. Hơn nữa mới đây ngài
còn kêu gọi người trẻ đừng mơ những ước mơ “nhỏ mọn” nhưng hãy “phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn và biến
những khát vọng đó thành những hành động cụ thể và ý nghĩa”[19].
Chúa muốn chúng ta mạnh dạn và vui vẻ chạy đua, hướng tới những mục tiêu cao cả.
Chúng ta không được tạo dựng để mơ về những kỳ nghỉ hay các cuối tuần, nhưng để
thực hiện những ước mơ của Thiên Chúa trên thế giới này. Thiên Chúa ban cho
chúng ta khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm choàng lấy vẻ đẹp của cuộc sống.[20]
Người trẻ là vậy, dám nghĩ, dám làm và dám lên đường thực hiện ước mơ. Nhớ là
hãy ước mơ với Thiên Chúa và với Giáo hội.
Thật may mắn vì chúng ta là người Công giáo. Bạn
thử tưởng tượng sau bao nhiêu cuộc họp của các giám mục trên thế giới về người
trẻ, sau cùng Đức Giáo Hoàng thay mặt cho cả Giáo Hội nhắn với người trẻ với
câu đầu tiên. “Đức Kitô đang sống! Người
là niềm hy vọng của chúng ta, và bằng một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến
cho thế giới của chúng ta, và mọi sự Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới
mẻ và tràn đầy sức sống.”[21]
Đây là lý do để chúng ta có quyền hy vọng và ước mơ. Đó là lý do tại sao Đức
Giáo Hoàng không ngừng thúc giục các người trẻ đừng để mình bị cướp mất hy vọng.
Với các con, cha nhắc lại: “Đừng để ai
coi thường tuổi trẻ của con.” (1 Tim 4,12). Ngay cả khi các con sai lầm,
các con luôn luôn có thể đứng lên và bắt đầu lại, vì không ai có quyền đánh cắp
hy vọng của các con.[22]
Nhất là với người trẻ Việt Nam, chúng ta tuy có ước mơ và hy vọng, nhưng dễ bị
mất khi gặp thách đố và lời ra tiếng vào. Đã đến lúc chúng ta phải đứng vững
như kiềng ba chân. Mở ngoặc nơi đây, cả Giáo hội và mỗi người hãy nâng đỡ, chăm
sóc cho từng ước mơ của mỗi người. Lời động viên, cầu nguyện và cộng tác thì
quý hơn là thái độ trù dập những ước mơ của người khác.
3. Gắn kết với truyền thống
Đây là thông điệp khiến người trẻ Việt Nam ngạc
nhiên. Là người Việt Nam, chưa chắc nhiều người có văn hóa và truyền thống Việt
Nam. Đó là những giá trị, là cội rễ của con người nói chung và người Việt nói
riêng. Ví dụ: tình yêu, tình người, công bằng, bác ái, tôn trọng, tự do, sự thật,
tình bạn, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống gia đình, niềm tin tôn
giáo, nhân bản, lịch sự, văn minh...Những mảnh đất màu mỡ ấy cần cho bộ rễ người
trẻ bám vào để lớn lên. Tiếc là hiện nay có những trào lưu đòi bỏ dần nguồn gốc
để hòa chung vào sự phát triển của quốc tế. Đó là một mối nguy cho sự thành đạt
của người trẻ. Tại sao?
Bạn có kinh nghiệm thấy một cây tươi tốt vươn
lớn như thổi, nhưng sẽ sụp đổ sau cơn mưa bão, nếu gốc rễ của nó không ăn sâu
vào lòng đất. Từ nơi lòng đất đó, rễ không chỉ hút dưỡng chất, mà còn tạo thế đứng
an toàn cho cây. Những bộ rễ nông cạn sẽ dễ dàng khiến cây đổ ngã, chết dần chết
mòn. Cũng vậy, từ truyền thống dân tộc, tôn giáo và văn hóa, người trẻ có thể
kín múc được biết bao điều, để bước vào đời mà không sợ lạc lõng, chơi vơi. Khi
lớn lên, không biết mình là ai, nguồn cội lịch sử dân tộc mình là gì, xem nhẹ
truyền thống ngàn đời của ông bà tổ tiên, không ai dám chắc người ấy sống thành
công hạnh phúc. Ví dụ, chúng ta quen với câu: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ
không lớn nổi thành người.” Hoặc nói như ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng: “Người
ta không thể lớn lên nếu không có những rễ mạnh mẽ giúp họ đứng vững và gắn chặt
vào lòng đất. Thật dễ dàng để bị “cuốn đi” khi người ta không có nơi nào để gắn
bó, để bám chặt lấy”[23]
Tôi rất nể những bạn dám dành giờ để trò chuyện
với ông bà cha mẹ. Khi làm xa về, nhiều bạn trẻ tranh thủ đến thăm ông bà, họ
hàng. Họ nói về những ký ước tuổi thơ, về những kỷ niệm làm nên tuổi trẻ của họ.
Tôi tin là từ kinh nghiệm sống động này, người trẻ ấy biết mình cũng có truyền
thống gia đình, họ hàng và giáo xứ. Từ đó, họ lớn lên mà không bị mang tiếng là
mất gốc.
Khi viết tới đây, tôi nhớ đến nhân vật Hà Lan
trong Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sau khi lên thành phố học, Hà Lan
đã bỏ lại ngôi làng Đo Đo. Nơi đó có biết bao truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt
nơi đó có cha mẹ Hà Lan, vốn là những người sâu sắc, sống có nghĩa, có tình. Hà
Lan đã nhiều lần khóc nức nở vì tình yêu. Ngạn là người lắng nghe những tâm sự
của cô. Có lần Ngạn trách thầm Hà Lan không bén rễ sâu ở ngôi làng, nơi gia
đình. Kết quả là...
Chắc như Hà Lan trên đây, người trẻ có tự do
làm mọi thứ, và nhiều người trẻ cũng tin như thế. Tự do gạt bỏ cả những giá trị
ngàn đời là dấu hiệu của người mất gốc. Họ núp trong vỏ bọc của cái gọi là “tôn
thờ tuổi trẻ”, chạy theo thời thượng. Có khi xã hội thôi thúc người trẻ “cháy hết
mình” nơi những trò vô bổ. Họ chăm chút vẻ đẹp bên ngoài hơn là những giá trị
bên trong. Chúng ta cần khiêm tốn nhận rằng hào nhoáng bên ngoài có ảnh hưởng đến
tôi. Đây không chỉ là tình trạng tại Việt Nam, nhưng tuổi trẻ trên thế giới
cũng mắc phải. Ví dụ người trẻ sành điệu phải uống cà phê Starbucks, ăn ở
Mcdonald, xài điện thoại quả táo, mặc hàng hiệu, chau chuốt đến vẻ đẹp bên
ngoài, Facebook phải có tích xanh, v.v. Tự nhiên nhóm người này tạo ra một đẳng
cấp khác. Đức Giáo Hoàng cho rằng nhiều người trẻ như thế đang bị xỏ mũi bởi lối
sống hời hợt, lầm lẫn vẻ đẹp tâm hồn với hình thức ngoại hình. Thay vào đó:
“Các con
nên ý thức rằng có một vẻ đẹp nơi những người lao động trở về nhà bẩn thỉu và lếch
thếch, nhưng với niềm vui vì đã kiếm được cơm bánh cho con cái. Có một vẻ đẹp
phi thường trong sự hiệp thông của gia đình quây quần quanh bàn ăn và trong cơm
bánh được chia sẻ cách quảng đại, ngay cả khi cái bàn rất nghèo. Có một vẻ đẹp
trong người vợ đầu tóc bù xù và có phần già đi, nhưng vẫn tiếp tục chăm sóc cho
người chồng ốm đau, bất chấp sức mạnh và sức khỏe của chính mình.”[24]
Một khía cạnh quan trọng khác thể hiện sự mất
gốc của người trẻ chúng ta đó là vấn đề tôn giáo. Tôi nghe nhiều bạn chia sẻ rằng
tôn giáo hiện nay không quá quan trọng nữa. Họ không hẳn là không tin vào Thiên
Chúa, nhưng niềm tin một khi không quan trọng, họ sẽ phớt lờ và từ đó, họ sẽ bị
mất gốc, mất liên lạc với Đấng tạo ra họ. Có thể điều này chưa hẳn là do lỗi của
người trẻ, nhưng Đức Giáo Hoàng chỉ ra một nguyên nhân khác: “Ở
các nước không thuộc Phương Tây, việc toàn cầu hóa mang đến các hình thức thực
dân nền văn hóa, nó lôi những người trẻ ra khỏi các liên hệ văn hóa và tôn
giáo mà từ đó các em đến.”[25]
Nhận xét trên cũng đúng trong bối cảnh tại Việt
Nam. Người trẻ đổ về các khu công nghiệp, thành phố lớn để học tập và làm việc.
Cuộc sống cơm áo gạo tiền đã kéo rất rất nhiều bạn trẻ ra khỏi môi trường làng
xã, giáo xứ. Nơi đất khách quê người, nhiều bạn trẻ đã mất liên lạc với Giáo hội,
với Thiên Chúa. Nhìn thấy mối nguy này, nên Đức Giáo Hoàng tha thiết nhắc các
Giáo hội địa phương hãy đồng hành với người trẻ trong việc chuyển tiếp này mà
không đánh mất những đặc điểm quý giá nhất của căn tính của các em[26]. Một trong những giải pháp mà Đức Giáo
Hoàng đưa ra trước vấn đề này là: Hãy giữ mối liên hệ với người già!
Thật may vì văn hóa Việt Nam còn duy trì 2-3
thế hệ chung sống trong một gia đình. Hoặc ít ra truyền thống đạo hiếu vẫn còn
đủ mạnh nơi người trẻ. Nhất là trong lần đại dịch này, gia đình là nơi để người
trẻ chúng ta tìm về nguồn gốc của mình. Còn nhớ lần Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh
Miền Bắc năm 2019, lời tâm huyết Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho người trẻ
Công giáo Việt Nam, đó là: “Hãy về nhà”. Trong đó, chúng ta có thể thấy 5 điểm
chính mà Đức Giáo Hoàng tha thiết nhắn với người trẻ Việt Nam[27]:
- Đào sâu di sản truyền thống và văn hoá
- Đào sâu di sản đức tin
- Chứng tá Tin Mừng
- Nhân cách của một người trẻ Công Giáo
- Con có một Tổ Quốc
Ước sao những lời nhắn này giúp chúng ta một lần
nữa không ngần ngại đào sâu đức tin ngay trong gia đình, truyền thống và văn
hóa người Việt Nam. Nơi đó luôn có những bài học sống động giúp người trẻ đến
được với Đức Giêsu, Đấng cũng có một gia đình, họ hàng và truyền thống văn hóa
tôn giáo Do Thái.
4. Chăm sóc ngôi nhà chung
Từ khi sống ở trời Âu, tôi mới nhận thức rõ
hơn: Tại sao Châu Âu và người dân ở đây luôn ý thức bảo vệ môi trường? Họ được
học, được tập và được nhắc nhở từ thuở đến trường. Lớn lên một chút, lời căn dặn
ấy trở thành thói quen[28].
Đó còn là cách hành xử của người lịch sự. Điều này quan trọng, vì khi bước vào
xã hội, môi trường kinh tế, kinh doanh sản xuất và trong mọi lãnh vực, họ thường
ý thức môi trường xanh sạch là xu thế toàn cầu.
Bởi đó, những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên,
những công ty ít tác động đến môi trường thường được nhà nước và người dân ủng
hộ. Hơn nữa, từ khi Giáo hội Công giáo ban hành Tông Huấn “Laudato si'”, người ta lại càng nhắc nhau bảo vệ môi trường hơn.
Đối với người trẻ Việt, có lẽ từ Latinh trên đây
khá lạ lẫm. Nếu hiểu nghĩa nó, thì thử hỏi mấy ai nhắc nhau bảo vệ môi trường bằng
cụm từ này? Dẫu sao, Laudato si' có nghĩa là: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên
chính của Tông Huấn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm
2015. Bên dưới Tông Huấn có phụ tựa: Chăm
sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, Laudato si' cũng gợi cho người đọc
nhớ đến một vị thánh nổi tiếng thân thiện và luôn chăm sóc thiên nhiên: Thánh
Phanxicô Assisi. Chẳng hạn bài ca về Thiên Nhiên nổi tiếng của ngài âm vang:
“Chúc tụng
Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất,
là người nuôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa
trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây.” (Laudato si’ số 1).
Tôi không muốn đi vào nội dung Tông Huấn, vì
chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc bản Tiếng Việt trên Internet hoặc trong sách. Ở
đây, điều thú vị là nếu chúng ta nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, thì ngôi nhà
chung Việt Nam của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều.
Đức Giáo Hoàng báo cho người trẻ một tin vui: “Nơi nhiều thanh thiếu niên, việc tiếp xúc với
các thụ tạo gây ra một sức thu hút đặc biệt, và các em rất nhạy cảm với việc bảo
vệ môi trường, như trong trường hợp các hướng đạo sinh và các nhóm khác, là các
nhóm tổ chức những ngày ở giữa thiên nhiên, cắm trại, leo núi, du ngoạn và các
chiến dịch cho môi trường.”[29]
Sẽ là thoái lui nếu cứ mang thành kiến: nhắc nhau thì được gì, quan trọng là
làm. Đúng vậy! Nhưng trước khi hành động, người ta cần ý thức và nhắc nhau về một
vấn nạn khủng hoảng môi trường đang xảy ra[30].
Từ đó chính người nhắc cũng có thêm động lực để bảo vệ môi trường nơi những điều
cụ thể.
Hãy tưởng tượng từ thuở học sinh, các em được
thầy cô dạy bảo, nhắc nhở và tập cho những việc làm nho nhỏ bảo vệ thiên nhiên;
từ từ các em sẽ có thói quen gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Đúng là thà
thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng đêm. Bắt đầu từ suy nghĩ,
từ bản thân và từ gia đình! Phải thừa nhận rằng chính lời kêu gọi bảo vệ ngôi
nhà chung của Đức Giáo Hoàng đã ảnh hưởng đến rất nhiều chính sách của các quốc
gia. Mục đích là: Hãy cứu lấy hành tinh của
chúng ta.
Chắc có người cho rằng nhắc nhau như thế cũng
chẳng đi đến đâu, bởi môi trường thiên nhiên ở Việt Nam hiện quá ô nhiễm. Các
thông tin báo chí thường đưa tin đây đó ô nhiễm nguồn nước, không khí và thực
phẩm. Vì các dự án, nhiều hàng cây xanh bị chặt hạ, nhiều cánh rừng biến mất.
Vì nhiều tư lợi, các công ty ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải. Hoặc
chính mỗi người cũng cảm thấy môi trường bị ô nhiễm đang bào mòn sức sống người
Việt. Nhiều người đùn đẩy trách nhiệm ấy cho nhà nước. Bởi, để giải quyết vấn đề
này cần mang tầm mức quốc gia. Điều ấy đúng! Nhưng thực tế mỗi người trẻ, mỗi
gia đình cũng có thể làm được chút nào đó góp phần bảo vệ môi trường.
Tại nhiều nước tiên tiến, người ta đánh giá mức
độ văn minh của một người khi nhìn vào cách người ấy đối xử với môi trường như
thế nào. Xả rác bừa bãi dĩ nhiên là một người bất lịch sự. (Tiếc là điều này lại
thường xảy ra nơi người trẻ!). Gây tổn hại đến thiên nhiên, nơi công ích cũng
là người thiếu văn minh. Lãng phí khi sử dụng đồ ăn, thức uống cũng là người
chưa văn hóa. Theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng, ngày nay chúng ta đang sống
trong “nền văn hóa vứt bỏ”. Văn hóa
này cũng đang lan tràn tại Việt Nam!
“Ai làm sao, tôi làm vậy” không còn hợp thời nữa!
Nhất là trong khi chung sống với Mẹ Thiên Nhiên, nhiều người làm sai, nhưng tôi
hẳn là không muốn đi vào lối mòn ấy. Khi viết về môi trường, Đức Giáo Hoàng cho
rằng: “Người trẻ đòi một sự thay đổi. Họ
đang tự hỏi làm thế nào mà bất kỳ ai có thể tuyên bố là đang xây dựng một tương
lai tốt đẹp hơn mà lại không nghĩ đến sự khủng hoảng về môi trường và nỗi đau khổ của những người bị loại trừ.”[31]
Nói thì dễ, nhưng để thay đổi không phải một sớm một chiều. Tuy vậy, người
trẻ Việt Nam cũng cần nhắc nhau, cần nói trên phương tiện truyền thông, cần bàn
trong những kế hoạch dự án, cần tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường. Khi đó người
Việt mới có hy vọng được hít thở bầu không khí trong lành, được sử dụng nguồn
nước trong sạch và môi trường sống xanh tươi.
Nếu nước Nhật hiện nay là văn minh, phát triển
và xanh sạch, thì chúng ta hãy nhớ họ đã từng nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường.
Họ đã từng là nước ô nhiễm trầm trọng, nhất là sau hai cuộc thế chiến. Tuy
nhiên, ngoài chính sách vĩ mô, tại Nhật:
“Có hàng
nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ
báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp
nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy
phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng
lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu
xanh cho thế hệ mai sau.”[32]
Ngoài ra, giáo dục về vấn đề này ở trường lớp
cũng nằm trong chính sách của cả nước Nhật. Nếu người Việt cũng muốn hưởng môi
trường sống như thế, mỗi người cần bắt đầu với việc nhắc nhau và chung tay làm
những điều có thể. Bạn cứ yên tâm dấn thân, vì sau bạn luôn có sự ủng hộ của Đức
Giáo Hoàng và Giáo Hội. Bởi mới đây nhất, ngài viết cho người trẻ: “Phong trào người trẻ quan tâm bảo vệ môi
trường cũng là một minh chứng cho thấy chúng con có khả năng lắng nghe tiếng
khóc của Trái đất.”[33]
Nếu được mở rộng vấn đề, ta còn thấy Đức Giáo
Hoàng thường không do dự nói về “sự ô nhiễm tinh thần”. Số là các mạng xã hội bị
ô nhiễm bằng sự leo thang lời nói, những phát biểu hận thù thường được thốt ra
cách ẩn danh. “Ngay cả nơi các môi trường
Công giáo, người ta có thể vượt quá các giới hạn, người ta có thói quen tầm thường
hóa sự phỉ báng và vu không, và tất cả đạo đức cũng như tất cả sự tôn trọng
thanh danh của người khác dường như bị loại bỏ”[34],
Đức Thánh Cha nhận xét ở số 115 của tông huấn Exsultate Et Gaudete. Điều này đáng để người trẻ Việt Nam chúng ta
suy nghĩ trong thời đại công nghệ này!
5. Quan tâm đến người nghèo
Khi biết mình được làm Giáo Hoàng, ý hướng mục
vụ đầu tiên của ngài là: hãy quan tâm đến người nghèo. Vì lý do này, Đức Giáo
Hoàng liền chọn cho mình một danh hiệu là thánh Phanxicô, vì thánh của người
nghèo. Cũng năm 2013, chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng không ngừng cải tổ Giáo hội
thành Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.
Khi trò chuyện với người trẻ, Đức Giáo Hoàng
không ngại chia sẻ rằng Đức Giêsu đang ở với người nghèo. Chính Chúa dạy người
trẻ nơi những người đói khổ lầm than, bệnh tật, tội lỗi và những người bị xã hội
khai trừ[35].
Từ kinh nghiệm có thấy một mặt người trẻ chúng ta dễ có lòng trắc ẩn với người
yếu thế cô thân. Chúng ta muốn làm gì đó giúp họ. Mặt khác chúng ta thường rơi
vào lối mòn này: người nghèo nhiều thế sao tôi giúp hết được. Không! Đức Giáo
Hoàng nhấn mạnh về vai trò của người trẻ chúng ra là: “Người trẻ có thể giúp giữ cho Hội Thánh trẻ trung. Các em có thể ngăn
cản Hội Thánh khỏi kiêu căng và bè phái, giúp cho Hội Thánh nghèo hơn và làm chứng
tốt hơn, đứng về phía những người nghèo và những người bị ruồng bỏ, đấu tranh
cho công lý và khiêm tốn để cho mình được thử thách.”[36]
Suốt thời gian đại dịch vừa qua, chúng ta thấy
biết bao “phép lạ” mà mỗi người đang làm cho nhau khi giúp đỡ anh chị em đồng
loại. Trong số họ có biết bao người trẻ dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch. Phải
thừa nhận rằng nhiều người trẻ được gợi hứng từ lời kêu gọi của Giáo Hội: hãy
bác ái với người nghèo. Thật tuyệt vời vì ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng nhận ra “các nhóm trẻ từ các giáo xứ, trường học,
phong trào hoặc các đại học có thói quen đồng hành với những người già cả và bệnh
tật, hoặc đến thăm các khu dân nghèo, hay cùng nhau giúp đỡ người nghèo”.
Trong việc giúp đỡ này, Đức Giáo Hoàng nói chúng ta nhận được nhiều hơn là cho
đi, bởi người nghèo có thể giúp chúng ta khám phá ra những giá trị mà chúng ta
không nhìn thấy.
Khi nói chuyện với người trẻ Slovakia (tháng
9, 2021) về nhóm người nghèo ở quốc gia này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Xã hội,
người nghèo đang chờ đợi các con!” Với các bạn trẻ Việt Nam, chắc hẳn
ngài cũng lặp lại một thông điệp như thế. Việt Nam nằm trong nước đang phát triển,
nghĩa là người nghèo chiếm đa số. Do đó, nếu mỗi người chúng ta đang có ước mơ
làm giàu, đang muốn khởi nghiệp thành công, hoặc đang có công việc ổn định, xin
nhớ đến người nghèo. Lý do là khi phát biểu tại diễn đàn quy tụ các nguyên thủ
quốc gia, đại diện các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu, Đức Giáo hoàng
Phanxicô nhấn mạnh điều này: “Thật quan
trọng để đầu tư vào những người trẻ. Người trẻ là thế hệ tiếp theo của các nhà
kinh tế và doanh nhân. Họ sẽ là những nhân vật chính của nền kinh tế trong nay
mai. Phải đào luyện cho các em, người trẻ nam nữ, được chuẩn bị để phục vụ cộng
đồng và tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ.”[37]
Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng còn kêu gọi người trẻ:
“Hãy trỗi dậy và bảo vệ công bằng xã hội,
sự thật và lẽ phải, nhân quyền, những người bị bách hại, những người nghèo và
người dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội, những người
nhập cư.”[38]
Tôi tin Thiên Chúa có cách để đồng hành và giúp người trẻ chúng ta can đảm
giang rộng vòng tay nhân ái đến với những ai cần giúp đỡ.
Kết luận
Các bạn
trẻ thân mến,
Có thể ai đó cho rằng 5 điểm trên đây vĩ đại
quá, sao con làm được! Đó là thái độ của người chưa có ước mơ lớn. Hãy tập ước
mơ và từ từ hoàn thành ước mơ của mình mỗi ngày. Ước mơ ấy một khi hòa chung nhịp
đập của Giáo hội, (những điều trên Giáo hội quan tâm), chắc chắn bạn không lạc
lõng. Thử tưởng tượng ai cũng có ước mơ và hy vọng theo đuổi một trong những điểm
thú vị mà Đức Giáo Hoàng đề nghị, chắc chắn đời sống của người trẻ sẽ thay đổi,
đổi thay rất nhiều.
Đã đến lúc chúng ta được Giáo Hoàng, được Giáo
Hội hoan hô cổ vũ để cộng tác trong cuộc sống này. Tôi và bạn là những người trẻ
Công giáo, nghĩa là chúng ta có Đức Giêsu trẻ trung, muốn kết thân với chúng
ta. Đức Giêsu luôn có một kế hoạch cho từng người. Ngay cả trước khi chúng ta
hiện hữu, chúng ta đã ở trong kế hoạch yêu thương của Ngài.
Để kết thúc, chúng ta nghe lại lời chia sẻ của
Đức Giáo Hoàng dành cho người trẻ thế giới, cho từng người trẻ Việt Nam: “Chúa Giêsu lấp đầy các con bằng những món
quà khác, mà cộng đồng được mời gọi trân quý, để các con có thể khám phá ra kế
hoạch yêu thương của Người dành cho từng người chúng con.”[39]
[2] Xem Sứ điệp mới nhất của ĐTC Phanxicô cho
Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/su-diep-dtc-phanxico-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-36.html
[3] Toàn văn: https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/youth/documents/papa-francesco_20180211_messaggio-giovani_2018.html
[9] Về đời sống hôn nhân, ĐGH viết: “Hãy mơ ước,
không lo sợ về việc xây dựng một gia đình, sinh dưỡng và nuôi dạy con cái, trải
nghiệm cuộc sống và chia sẻ tất cả với một người khác. Đừng xấu hổ về những lỗi
lầm và yếu đuối của các con, vì có một người sẵn sàng chấp nhận và yêu chúng, một
ai đó sẽ yêu các con như các con là.” (Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp gỡ giới
trẻ tại sân vận động Lokomotiva ở Košice, 14/9/2021).
[10] Về đời sống hiến dâng, ngài viết: Niềm vui
Tin Mừng là điều khiến chúng ta không được phép lưỡng lự và biếng nhác, nhưng mở
ra để gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị mình. Niềm vui sẽ không lấp đầy trái tim ta
nếu chúng ta cứ đứng ở cửa sổ chờ mong cho, mà không chấp nhận những rủi ro cho
chính quyết định của chúng ta hôm nay. Ơn gọi bắt đầu từ hôm nay! (x. Sứ điệp
ĐGH Phanxicô gửi cho giới trẻ nhân Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018)
[17] Xem thêm: Lê Đắc Thắng, S.J và Phạm Đình Ngọc,
S.J, Khởi nghiệp với thánh I Nhã, Tôn
Giáo, 2020, tr. 15-18.
[19] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-phanxico-nguoi-tre-dien-dan-luong-thuc-the-gioi-fao.html
[20] Trích bài giảng của Đức Giáo hoàng trong
Thánh lễ kính trọng thể Chúa Ki-tô Vua vũ trụ tại Rô-ma, Chủ nhật ngày
22/11/2020.
[23] Huấn Từ trong Buổi Canh Thức, Ngày Giới Trẻ
Thế Giới XXXIV tại Panama, (26 tháng 1, 2019): L’Osservatore Romano, 28-29
tháng 1, 2019, 6.
[26] Tài Liệu Kết Thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục
Thường Kỳ Thứ XV, 60, số. Tài liệu tiếng
Việt tại: http://www.giaoly.org/vn/tlktthdgt/.
[27] Ý được tóm theo Lm. Cao Gia An, SJ: (nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-11/hay-ve-nha-loi-tam-huyet-dgh-phanxico-danh-cho-nguoi-tre-vn.html)
[28] Tôi rất thích câu nói của triết gia Hy Lạp
Aristotle: “Những thói quen tốt ta hình thành khi còn trẻ không tạo nên khác biệt
nhỏ nào, đúng hơn, chúng tạo ra tất cả khác biệt.” Hoặc chúng ta quen với danh
ngôn này của Samuel Smiles: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt
thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.”
[30] Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo 10 mối
đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019: Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, các bệnh
không lây nhiễm, đại dịch cúm toàn cầu, khu vực sống mong manh và dễ bị tổn
thương, kháng kháng sinh, ebola và các tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, công
tác chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém, sự e ngại trong tiêm phòng vắc–xin, sốt
xuất huyết, HIV. (Xem thêm: https://www.who.int/vietnam)
[33] https://tgpsaigon.net/bai-viet/su-diep-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-thu-35-nam-2020-cua-duc-thanh-cha-phanxico-59867
[34] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mang-xa-hoi-va-chu-nghia-tieu-thu-truyen-thong-canh-bao-cua-duc-phanxico-42858
[37] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-dien-dan-european-house-ambrosetti-kinh-te.html
[38] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/su-diep-dtc-phanxico-ngay-gioi-tre-the-gioi-lan-36.html
[39] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 149, Đức Giáo
hoàng ký nhận những lời này tại Đền Thờ Loreto, ngày 25 tháng 3, năm 2019, năm
thứ bảy của triều đại giáo hoàng của ngài.