ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN NÓI CHUYỆN TRONG NGÀY HỘI NGỘ TRUYỀN THÔNG GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG NĂM 2023

WGPĐN (22.05.2023)Trong Ngày Hội ngộ Truyền thông Giáo phận Đà Nẵng năm 2023, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận, đã có bài nói chuyện về truyền thông cho các tham dự viên. Sau đây là bài nói chuyện của ngài.

Bài nói chuyện về truyền thông Giáo phận Đà Nẵng năm 2023
Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên, 21/5/2023

Kính thưa quý Cha và anh chị em thân mến,

Đây là lần đầu tiên Đức cha nói chuyện với những người đã và đang hướng tới phục vụ trong mảng truyền thông Công giáo, đặc biệt tại các giáo xứ, giáo họ và Giáo phận Đà Nẵng thân yêu của chúng ta.

Chắc chúng ta cũng biết, ngày nay truyền thông là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người (ngay từ khi thức dậy, hay trước khi đi ngủ, nhiều người có thói quen xem tin tức gì mới nhất trong đêm hoặc trong ngày). Truyền thông nâng cao đời sống tinh thần và đạo đức cũng như tri thức, sự hiểu biết về thế giới, về đất nước và mọi người. Nhưng truyền thông cũng có mặt trái của nó, nó có thể đẩy con người vào hận thù và tội lỗi. Đối với riêng chúng ta, những người làm và mong làm truyền thông công giáo, ngoài nhiệm vụ của một nhà truyền thông bình thường còn có bổn phận đối với xác tín niềm tin của mình. Chính vì vậy, hôm nay chúng ta cần phải định hướng qua hướng dẫn của Giáo hội về phương diện truyền thông liên quan tới sứ mạng và chứng tá niềm tin của truyền thông Công giáo.

Chúng ta cùng nhìn lại sự hướng dẫn của các Đức Giáo hoàng gần nhất của chúng ta: Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI; Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II; Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô.

* Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI: Ngày thế giới truyền thông xã hội được tổ chức lần đầu tiên năm 1967, Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói rằng: “Trong một hiện trạng rộng khắp và phức tạp của các mạng xã hội hiện đại, chẳng hạn như báo chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình, ở đó bày tỏ và hiện thực hóa một kế hoạch tuyệt vời bởi sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng mang đến cho nhân loại những cách thức mới mẻ chưa từng có để đạt đến sự trọn hảo và cùng đích tối hậu.” Tuy nhiên, ngài cảnh báo rằng: “Dù xuất sắc đến đâu đi nữa, người ta cũng không thể bỏ qua sự nguy hiểm và thiệt hại mà những phương tiện này có thể gây ra cho cá nhân và xã hội, khi chúng không được sử dụng bởi những người có tinh thần trách nhiệm hoặc có ý hướng lương thiện, phù hợp với trật tự đạo đức khách quan”.

* Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khởi đầu triều đại Giáo hoàng năm 1979 bằng câu nói nổi tiếng: “Đừng Sợ: đừng sợ mở cửa đón Chúa Kitô, đừng sợ phải làm chứng cho Niềm Tin của mình”. Ngài đã sống và loan báo Tin Mừng của Sự Thật: Chính sự thật giải phóng anh em, như lời Chúa Giêsu Kitô đã dạy các môn đệ. Ngài không sợ biểu lộ tâm tư, suy nghĩ và sự xác tín của ngài.  Đối với Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tư: Nếu tôi sống dưới mắt của “đấng đầu tiên đã nhìn thấy tôi” thì tôi còn gì đâu mà sợ phải dấu diếm, ngay cả trước mắt người trần. Đó là bí quyết và bí mật của can đảm và tính trung thực của Gioan Phaolô II. Ngài là một nhà truyền thông trung thực và rất đáng tin cậy. Chính ngài biết rất rõ cái gì ngài muốn nói và không thay đổi để làm đẹp lòng truyền thông báo chí. Điều quan trọng đối với ngài là dân chúng có hiểu sứ điệp của ngài hay không! Ví lý do đó ngài muốn tiếp xúc với truyền thông để hiểu rõ truyền thông. Ngài coi vấn đề này rất quan trọng và ngài có một “cái nhìn” rất tích cực về truyền thông.

Ngày nay, các mạng xã hội và các phương tiện đi kèm trong việc truyền tải thông tin đang phát triển nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nắm bắt. Vào Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 36 năm 2002, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặc biệt nhắc đi nhắc lại về internet khi ngài nói: “Giáo hội tiếp cận phương tiện mới mẻ này với thái độ thực tiễn và tin tưởng. Cũng như những phương tiện truyền thông khác, đây là một phương tiện chứ không phải là cùng đích tự thân. Internet có thể ban tặng những cơ hội tuyệt vời để loan báo Tin Mừng nếu nó được sử dụng cách thành thạo và khi ta ý thức rõ đến mặt mạnh và mặt yếu của nó”.

* Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Kinh nghiệm thâm sâu nhất có được nơi Đức Bênêđictô XVI -lời cha Lombardi kể- là ngài nhất quyết phát triển sự thật và trong sáng. Đức Bênêđictô XVI, một tư tưởng gia và nhà thần học đã luôn luôn nhấn mạnh về sự thật và đi tìm kiếm sự thật nơi các đấng bậc “to khỏe”; đồng thời qua cuộc sống và tư cách, ngài là một chứng nhân vĩ đại về sự thật trong sáng với đức khiêm tốn và niềm khổ đau cá nhân riêng tư. Ngài đã sẵn sàng để chia sẻ Lời Chúa ngày Chúa Nhật trong 3 phút với Radio Vatican. Sẵn sàng trong đối thoại và chỉ chấp nhận sự thật dù sự thật có khi phải trả bằng giá đắt.

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 năm 2013 với chủ đề: “Các mạng xã hội: những cánh cửa sự thật và đức tin; những không gian mới của việc rao giảng Tin Mừng”Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chia sẻ: Sự phát triển của các mạng lưới truyền thông cũng mời gọi một sự dấn thân: mọi người phải dấn thân xây dựng các mối tương quan và tình bạn, trả lời các câu hỏi trong niềm vui, và hơn hết là tìm kiếm những khích lệ về mặt trí thức, chia sẻ thông tin và kiến thức. Những mạng lưới này ngày càng trở thành một phần quan trọng của cơ cấu xã hội, vì chúng giúp mọi người đến với nhau trên cơ sở của những nhu cầu cơ bản ấy. Như thế, các mạng lưới xã hội cần được nuôi dưỡng bởi những gợi hứng vốn cắm rễ sâu trong trái tim con người. Văn hóa của các mạng lưới xã hội và những thay đổi trong các phương tiện cũng như cách thế truyền thông đưa ra những thách đố lớn lao cho những ai muốn nói về chân lý và các giá trị. Cũng như những phương tiện truyền thông xã hội khác, tầm quan trọng và hiệu quả của các phương thức diễn tả khác nhau dường như được xác định bởi sự nổi tiếng của chúng hơn là bởi giá trị và tầm quan trọng vốn có. Tính đại chúng thường liên kết với tiếng tăm và các chiến lược nhằm thuyết phục người khác hơn là logic của lập luận. Ðôi khi tiếng nói nhẹ nhàng của lý trí có thể bị đè bẹp bởi sự ầm ĩ của những thông tin mang tính phóng đại, và do đó không thể lôi cuốn như những thứ khác vốn có một cách diễn tả thuyết phục hơn.

Mạng lưới truyền thông xã hội thực sự cần sự dấn thân của tất cả những ai ý thức về giá trị của đối thoại, những cuộc tranh luận tri thức và lập luận logic, cũng như của những người nỗ lực nuôi dưỡng những hình thức đàm thoại và diễn đạt vốn lôi cuốn những khát vọng cao đẹp của những ai tham gia vào tiến trình truyền thông. Các cuộc đối thoại và thảo luận có thể được dưỡng nuôi và lớn lên khi chúng ta đối thoại với và quan tâm đến những người mà quan điểm của họ đôi khi khác với quan điểm của chúng ta.

* Đức Thánh Cha Phanxicô: Ngài thích bất ngờ đối thoại và lắng nghe. Khi nói chuyện, Đức Thánh Cha Phanxicô cho nhà báo muốn hỏi gì thì cứ việc hỏi. Ngài không yêu cầu được biết trước câu hỏi để chuẩn bị. Ngài thích trả lời tự phát, ngay cả những vấn đề ngài chưa nghiên cứu đầy đủ, vì để đối thoại có đầy đủ ý nghĩa, mọi người phải cùng nhau tìm kiếm sự thật, từng bước một lắng nghe nhau. Không phải tất cả mọi trả lời đều là lời cuối cùng, nhưng trong đối thoại, chúng ta có thể cùng nhau rút ra được sự thật gần hơn, sâu xa hơn và lớn lao hơn. Từ chỗ gần gũi nhau và lắng nghe nhau người ta mới phát sinh ra thứ ngôn ngữ cụ thể và dễ hiểu do kinh nghiệm trong cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nói về “văn hóa sống chung” để chúng ta nhận thức rõ quan điểm của ngài là chuyển tải một quan niệm vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải nói về chính mình, đi vào cuộc đối thoại để người ta hiểu là chúng ta sẵn sàng cho họ một mảnh cuộc đời của chúng ta, tất cả con người chúng ta. Lúc đó họ mới cảm thấy họ được mời gọi thực sự để chia sẻ những điều thâm sâu nhất và quý hóa nhất để cùng nhau xây đắp tương lai.

Sau khi suy xét việc sử dụng các mạng xã hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Khi sử dụng các công nghệ hiện đại và các mạng xã hội, điều quan trọng là phải biết cách đối thoại và phân định để biểu lộ một sự hiện diện đầy lắng nghe, thân tình và khích lệ. Các con đừng sợ! Hãy để mình hiện diện theo cách này, hãy biểu lộ bản sắc Kitô hữu của mình khi các con trở thành công dân của thế giới kỹ thuật số. Một Giáo hội bước theo con đường này là một Giáo hội học được cách đi cùng với tất cả mọi người”.

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội vào ngày 27 tháng 6 năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi: “Một lục địa kỹ thuật số rộng lớn không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn bao gồm những người nam và nữ thực sự với niềm hy vọng, nỗi đau khổ, mối quan tâm và cuộc đi tìm chân thiện mỹ. Bằng niềm hân hoan và hy vọng, chúng ta cần mang Chúa Kitô đến cho họ giống như Mẹ Maria mang Chúa Kitô đến trong tâm hồn của mọi người;… Nhiệm vụ của các mục tử là giảng dạy và hướng dẫn các tín hữu để họ đạt đến ơn cứu độ và sự hoàn thiện của bản thân, cũng như của toàn thể gia đình nhân loại. Với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông này, nhiệm vụ của các vị mục tử sẽ đạt hiệu quả hơn. Hơn nữa, các tín hữu phải cố gắng làm cho tinh thần Kitô giáo thấm đượm vào những phương tiện truyền thông này, để chúng có thể hoàn toàn đáp ứng những kỳ vọng lớn lao của nhân loại và đúng theo ý định của Thiên Chúa.”

Khi đại dịch covid.19 xảy ra, Đức Thánh Cha đã từng mời gọi giới truyền thông: “Đức Thánh Cha nói về tầm quan trọng của thông tin trong xã hội, đặc biệt những thông tin có chất lượng. Và điều này cần phải được chú ý hơn nữa đối với các phương tiện truyền thông Kitô, chuyên cung cấp thông tin có chất lượng về đời sống của Giáo hội trên thế giới, có khả năng góp phần vào việc huấn luyện lương tâm.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói về tên gọi của Tuần báo có mối liên hệ đến Tông thư “Ngàn năm Thứ ba Đang đến” của Thánh Gioan Phaolô II, nhằm chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Đức Thánh Cha nói: “Tham chiếu này, không chỉ là một lời mời gọi hy vọng, nhưng nhắm làm cho tiếng nói của Giáo hội và của giới tri thức Kitô được lắng nghe trong một thế giới truyền thông ngày càng bị tục hóa”.

Từ những nhận định trên, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, đối với Giáo hội, truyền thông là một sứ vụ quan trọng. Các Kitô hữu dấn thân vào lĩnh vực này được kêu gọi thực hiện một cách cụ thể lời mời gọi của Chúa đi vào thế giới và loan báo Tin Mừng (Mt 16,15). Vì lương tâm nghề nghiệp, các nhà báo Kitô được khuyến khích trao ban một chứng tá mới trong thế giới truyền thông, không che giấu sự thật, không bóp méo thông tin.

Về điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Vì thế, nhà báo Kitô phải là người mang niềm hy vọng và tin tưởng vào tương lai. Bởi vì chỉ khi tương lai được đón nhận là một thực tế tích cực và có thể xảy ra, thì hiện tại cũng trở nên đáng sống. Những suy tư này cũng có thể giúp chúng ta, đặc biệt là ngày nay, nuôi dưỡng hy vọng trong hoàn cảnh đại dịch mà thế giới đang trải qua. Anh chị em là những người gieo hy vọng này cho một ngày mai tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh khủng hoảng này, điều quan trọng là các phương tiện truyền thông xã hội đóng góp giúp mọi người không bị rời vào trình trạng cô đơn và có thể nhận được một lời an ủi”.

Từ những suy tư và định hướng của các Đức Giáo hoàng, chúng ta rút ra điều quan trọng chính là: truyền thông công giáo phải hội tụ những điểm quan trọng sau: truyền thông là hiệp nhất; là sự thật, là vẻ đẹp của đức tin và cuộc sống, và sự thiện. Chúng ta cùng đọc và suy tư các Sứ điệp ngày thế giới truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô các năm gần đây:

1. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54 năm 2020: “Ðể ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) – Cuộc sống trở thành câu chuyện

2. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55 năm 2021: “Hãy đến và xem” (Ga 1,46)

3. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56 năm 2022: Lắng nghe bằng trái tim”

4. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 năm 2023: Nói bằng trái tim “Sự thật trong tình yêu” (Ep 4,15)

Anh Chị em và các bạn thân mến,

Từ định hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể cùng nhau suy tư các Sứ điệp của Ngài trong Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội để chính chúng ta thực hiện nơi sứ mệnh Kitô hữu trong việc Loan Báo Tin Mừng Sự thật và Tình yêu.

1. Để cuộc sống trở thành câu chuyện

Con người là sinh vật kể chuyện. Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta đã thèm nghe kể chuyện giống như thèm ăn vậy. Cho dù ở dạng cổ tích, tiểu thuyết, phim ảnh, bài hát, tin tức những chuyện kể luôn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không luôn nhận ra điều đó. Chúng ta thường quyết định điều gì đúng hay sai là dựa trên các nhân vật và các câu chuyện đã thẩm thấu vào trong ta. Những chuyện kể để lại dấu ấn trên chúng ta, định hình những xác tín và hành vi của ta, giúp ta hiểu và cho ta biết mình là ai… “Khi nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần.” (x. St 3,5): Cơn cám dỗ của con rắn đã đưa vào cấu trúc lịch sử một nút thắt khó tháo gỡ. “Nếu bạn sở hữu, bạn sẽ trở thành, bạn sẽ đạt được”. Ðây cũng chính là lời thì thầm của những người đương thời đang sử dụng các chuyện kể để lợi dụng. Có bao nhiêu câu chuyện dụ dỗ chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng, để hạnh phúc, chúng ta cần liên tục chiếm lấy, sở hữu và tiêu thụ. Chúng ta thậm chí có thể không nhận ra mình đang ham hố trò chuyện tán gẫu, hoặc đang tàn ác giả dối đến mức nào. Thông thường trên các diễn đàn truyền thông, thay vì những câu chuyện mang tính xây dựng nhằm củng cố mối quan hệ xã hội và kết cấu văn hóa, chúng ta lại tìm thấy những câu chuyện mang tính hủy diệt và khiêu khích làm sờn đi và cắt đứt những sợi chỉ mong manh gắn kết chúng ta với nhau. Khi chắp vá các thông tin chưa được kiểm chứng, lặp lại các lập luận vô nghĩa và thiếu thuyết phục, gây tổn thương với các lời nói hận thù, người ta không kết dệt lịch sử nhân loại, mà chỉ hủy hoại phẩm giá con người.

Nhưng, trong khi những câu chuyện được sử dụng với mục đích chiếm đoạt có tuổi thọ rất ngắn, thì một câu chuyện tốt lành có thể vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Nhiều thế kỷ sau, nó vẫn hợp thời, vì nó nuôi dưỡng sự sống.

Trong thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong deepfake – tin giả thâm hiểm), chúng ta cần khôn ngoan để có thể đón nhận và tạo ra những câu chuyện tươi đẹp, chân thực và tốt lành. Chúng ta cần can đảm loại bỏ những câu chuyện sai lạc và xấu xa. Chúng ta cần kiên nhẫn và suy xét để tái khám phá những câu chuyện giúp ta không lạc lối giữa bao nhiêu rắc rối của ngày hôm nay. Chúng ta cần những câu chuyện soi sáng cho chúng ta biết chúng ta thực sự là ai, ngay cả trong những nỗ lực anh hùng âm thầm của cuộc sống hằng ngày.

Kinh Thánh là chuyện tình vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người. Ở trung tâm là Chúa Giêsu, câu chuyện của Ngài mang đến sự hoàn thành cho cả tình yêu Thiên Chúa đối với con người và tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. Kể từ đó, con người, từ đời này sang đời kia, được kêu gọi kể lại và ghi nhớ những tình tiết quan trọng nhất của Chuyện kể về các câu chuyện, là những câu chuyện tỏ lộ ý nghĩa của các sự kiện. Kinh nghiệm Xuất hành dạy chúng ta rằng những hiểu biết về Chúa được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu bằng những chuyện kể về cách Thiên Chúa tiếp tục hiện diện. Thiên Chúa của sự sống tỏ mình cho chúng ta thông qua câu chuyện về cuộc sống.

Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng qua những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hằng ngày. Ở đấy, cuộc sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện trở thành cuộc sống: câu chuyện đi vào cuộc sống của người nghe và biến đổi cuộc sống ấy. Cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà các Tin Mừng cũng là những câu chuyện. Khi nói với chúng ta về Chúa Giêsu, các Tin Mừng thể hiện về Chúa Giêsu; làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Tin Mừng đòi hỏi người đọc chia sẻ cùng một đức tin để chia sẻ cùng một sự sống. Tin Mừng Gioan nói cho chúng ta biết rằng người kể chuyện xuất sắc là Ngôi Lời đã trở thành câu chuyện: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã kể cho chúng ta nghe” (Ga 1,18).

Kể cho Chúa nghe chuyện đời ta, đó là điều không hề vô ích bao giờ: ngay cả khi các diễn biến vẫn như cũ, ý nghĩa và viễn ảnh luôn thay đổi. Kể chuyện đời ta cho Chúa nghe là đi vào cái nhìn thương xót của Ngài dành cho ta và cho người khác. Chúng ta kể lại cho Ngài nghe những câu chuyện đời mình, mang đến cho Ngài những con người và những tình huống tràn đầy trong cuộc sống của ta. Với Ngài, ta có thể dệt lại mảnh vải đời ta, vá lại những vết rách đời mình. Chúng ta cần làm điều này biết bao!

Với cái nhìn của Ðấng kể chuyện tuyệt vời – Ðấng duy nhất có cái nhìn tối thượng – chúng ta có thể tiếp cận các nhân vật khác, là anh chị em của chúng ta, những người là diễn viên cùng với chúng ta trong câu chuyện của ngày hôm nay. Vâng, vì không ai là vai phụ trên sân khấu thế giới, và tất cả mọi người đều có thể thay đổi câu chuyện. Ngay cả khi kể về điều ác, chúng ta cũng cần học cách dành chỗ để nói về ơn cứu độ; ở giữa cái ác, chúng ta vẫn có thể thấy sự thiện đang hoạt động và hãy dành chỗ để nói về điều này.

Vì vậy, không phải chỉ đơn giản là kể chuyện suông, hay quảng cáo cho bản thân, mà là nhớ rằng ta là ai và là gì trong mắt Chúa, để làm chứng cho những gì Thánh Linh viết trong lòng chúng ta và tỏ lộ cho mọi người rằng câu chuyện của người ấy chứa đựng những điều kỳ diệu (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54, năm 2020).

2. Hãy đến và xem (Ga 1,46)

Lời mời gọi “đến và xem” trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc giữa Chúa Giê-su và các môn đệ cũng là phương pháp cho mọi cách thông tin đích thực của con người. Ðể có thể thuật lại chân lý của cuộc sống, điều làm nên lịch sử (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54, 24/01/2020), cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn, cho rằng chúng ta “đã biết” điều gì đó. Thay vào đó, chính chúng ta cần đi và nhìn thấy chúng, dành thời gian ở bên người dân, lắng nghe những câu chuyện của họ và so sánh với thực tế, điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên dưới một khía cạnh nào đó. Chân phước Manuel Lozano Garrido khuyên các nhà báo đồng nghiệp: “Hãy mở mắt ngạc nhiên với những gì bạn thấy, và để cho đôi bàn tay chạm vào sự tươi mát và sinh động của sự việc, để khi người khác đọc điều bạn viết, chính họ cũng có thể chạm vào điều kỳ diệu của cuộc sống”. Lời mời gọi “hãy đến và xem”, điều có thể là một gợi ý cho mọi cách truyền thông muốn trở nên rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong việc giảng dạy hàng ngày của Giáo hội cũng như trong giao tiếp chính trị hoặc xã hội. “Hãy đến và xem!”. Ðây luôn là cách mà đức tin Kitô được truyền đạt, từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên bên bờ sông Giođan và hồ Galilê (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2021).

Internet, với vô số biểu thức truyền thông xã hội của nó, có thể gia tăng khả năng tường thuật và chia sẻ: nhiều đôi mắt nhìn thế giới hơn, một dòng thác hình ảnh và chứng từ. Công nghệ kỹ thuật số mang lại cho chúng ta khả năng có thông tin trực tiếp và kịp thời, thường rất hữu ích. Chúng ta có thể nghĩ về những trường hợp khẩn cấp nhất định mà internet tường thuật tin tức đầu tiên và truyền đạt các thông báo chính thức. Nó là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người sử dụng và người tiêu thụ. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành nhân chứng của những sự kiện mà các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ không để ý tới, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm những câu chuyện tích cực. Nhờ internet, chúng ta có cơ hội để kể những gì chúng ta thấy, những gì xảy ra trước mắt chúng ta, và chia sẻ với người khác.

Ðồng thời, nguy cơ thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội đã trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người. Từ lâu, chúng ta đã biết tin tức và thậm chí cả hình ảnh dễ bị thao túng như thế nào, vì hàng nghìn lý do, thậm chí đôi khi chỉ vì lòng tự ái tầm thường. Ðiều quan trọng ở đây không phải là xem internet là xấu xa, đe dọa, mà là có khả năng phân định cao hơn và ý thức trách nhiệm trưởng thành hơn, đối với nội dung chúng ta gửi cũng như nhận. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về truyền thông mà chúng ta thực hiện, về thông tin chúng ta chia sẻ, về sự kiểm soát mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện đối với tin tức giả, bằng cách vạch mặt chúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành nhân chứng của sự thật: đi, xem và chia sẻ.

Tin mừng của Phúc Âm đã lan rộng khắp thế giới nhờ những cuộc gặp gỡ giữa người với người, từ trái tim đến trái tim, với những người nam nữ, những người chấp nhận lời mời “đến và xem”, và bị đánh động bởi tình người mạnh mẽ, tỏa sáng qua cái nhìn, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô.

3. “Lắng nghe bằng trái tim”

Từ những trang Kinh thánh, chúng ta biết rằng lắng nghe không chỉ có nghĩa là cảm nhận âm thanh, mà về cơ bản được liên kết với mối quan hệ đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người.

Lắng nghe tương ứng với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa. Ðó là hành động để Thiên Chúa có thể bày tỏ mình là Ðấng, bằng cách nói ra, đã tạo ra người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài, và bằng cách lắng nghe nhìn nhận họ là đối tác của Ngài trong cuộc đối thoại. Thiên Chúa yêu thương loài người: đó là lý do tại sao Ngài ngỏ lời với họ, và tại sao Ngài “nghiêng tai” để lắng nghe họ.

Ngược lại, con người có xu hướng trốn tránh các mối quan hệ, quay lưng lại và “bịt tai” để không cần phải lắng nghe.

Do đó, khi tìm kiếm sự giao tiếp thực sự, kiểu lắng nghe đầu tiên cần được khám phá lại là lắng nghe bản thân, những nhu cầu chân thật nhất của bản thân, những nhu cầu được khắc sâu trong tâm hồn mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe điều khiến chúng ta trở nên độc nhất trong sáng tạo: đó là mong muốn được ở trong mối quan hệ với Chúa và với những người khác. Chúng ta không được tạo ra để sống tách biệt như các nguyên tử, nhưng sống cùng nhau.

Trong Giáo Hội cũng vậy, rất cần lắng nghe lẫn nhau. Ðó là món quà cuộc sống quý giá nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau. Vì vậy, ai không biết lắng nghe anh chị em mình thì chẳng bao lâu nữa sẽ không thể nghe Thiên Chúa được nữa. Trao ra một chút thời gian của riêng mình một cách nhưng không để lắng nghe mọi người là hành động bác ái đầu tiên. Sự hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trên sự lắng nghe lẫn nhau giữa anh chị em.

4. “Nói bằng trái tim “Sự thật trong tình yêu” (Ep 4,15)

Sau khi đã trình cuộc sống trở thành câu chuyện, chúng ta đã đến và xem, để lắng nghe bằng trái tim thì giờ đây khi trình bày hãy nói bằng trái tim là sự thật tình yêu. Chính trái tim đã thôi thúc chúng ta đi, để nhìn và để lắng nghe, và chính trái tim đã đưa chúng ta đến với cung cách truyền thông cởi mở và niềm nở.

Một khi chúng ta đã thực hành lắng nghe, vốn đòi hỏi phải chờ đợi và kiên nhẫn, cũng như từ bỏ khẳng định quan điểm của mình một cách tiên quyết, thì chúng ta có thể đi vào cuộc đối thoại và chia sẻ cách năng động, vốn chính là sự năng động khi giao tiếp bằng trái tim.

Sau khi lắng nghe người khác bằng con tim trong sáng, chúng ta cũng có thể nói theo sự thật trong tình yêu (x. Ep 4,15). Chúng ta đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có bác ái, không có trái tim. Bởi vì như Đức Bênêđictô XVI đã viết, “chương trình của Kitô hữu là ‘một trái tim biết nhìn’”. Một trái tim với nhịp đập của nó sẽ tỏ lộ sự thật về bản thân chúng ta và chính vì thế mà cần phải được lắng nghe.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ: Như tôi đã nhấn mạnh, trong Giáo hội cũng vậy, rất cần lắng nghe và nghe lẫn nhau. Đó là món quà trao tặng sự sống quý giá nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau. Lắng nghe không thành kiến, chăm chú và cởi mở, sẽ đưa đến cung cách nói của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Trong Giáo hội, chúng ta rất cần một nền truyền thông vỗ về các tâm hồn, đó là dầu xoa dịu những vết thương và soi sáng hành trình của anh chị em chúng ta.

Tôi mơ ước Hội Thánh có một nền truyền thông biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một nền truyền thông dịu dàng và đồng thời mang tính ngôn sứ, biết tìm ra những cách thức và phương tiện mới cho sứ mạng loan báo tuyệt vời mà Hội Thánh được mời gọi thi hành trong thiên niên kỷ thứ ba. Một nền truyền thông đặt trọng tâm vào mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt là với những người túng thiếu nhất, và biết cách thắp lên ngọn lửa đức tin hơn là cứ giữ lấy đống tro tàn của một căn tính tự quy chiếu. Một hình thức giao tiếp dựa trên thái độ khiêm tốn lắng nghe và thẳng thắn trong lời nói, vốn không bao giờ tách rời sự thật khỏi lòng bác ái… Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng vận mệnh của hòa bình được định đoạt nhờ tâm hồn hoán cải, vì vi rút chiến tranh phát xuất từ trong tâm hồn con người. Những lời đúng đắn từ trái tim sẽ xua tan bóng tối của một thế giới khép kín và chia rẽ và xây dựng một nền văn minh tốt đẹp hơn nền văn minh mà chúng ta đã nhận được. Đây là một nỗ lực đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tham gia, nhưng đặc biệt kêu gọi tinh thần trách nhiệm của những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông phải tác nghiệp như là thi hành một sứ mạng vậy.

Sau khi chúng ta cùng nhau lược đọc lại các Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể gợi ý một vài công việc:

4.1. Yêu mến sự thật

Từ những lời huấn giáo của các Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, chúng ta nhìn vào xã hội ngày nay, bên cạnh những tin đúng, thì căn bệnh gian dối, thành tích, kiếm tiền bằng truyền thông đã làm những chuẩn mực đạo đức, các bậc thang giá trị, kể cả đạo làm người, đạo làm con Chúa cũng bị lôi kéo theo cơn lốc của thời đại mà đánh mất phẩm giá tốt đẹp của cuộc đời. Chính lúc này mời gọi giới truyền thông công giáo hãy “yêu mến sự thật” để chuyển tải những gì là sự thật, là chính thống, là đích thực không dối trá; đem lại một sự giải độc cho những tin giả, hoặc tình trạng bóp méo sự thật, để trả lại cho tính khách quan, công bình, bác ái và lương thiện trong truyền thông.

Chúng ta phải nhớ rằng, đây không chỉ là một nghề để kiếm sống (nếu có), nhưng còn là thực thi một sứ mệnh: sự thật sẽ giải phóng con người chúng ta.

4.2. Xây đắp văn minh tình yêu

Nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy hai hiện tượng đáng lo ngại đang lan rộng: vô cảm và bạo lực. Đó là biểu hiện của một nền văn hóa chết chóc như cách nói của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cũng như hy vọng của Thánh Giáo hoàng là hãy xây đắp nền văn minh tình yêu.

Khi nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta cảm thấy e ngại: sự “vô cảm” đang lan ra mức toàn thế giới về mọi giai tầng xã hội, kể cả các tôn giáo. Chiến tranh, bạo lực lan tràn. Trong khi giới truyền thông thay vì loan tin sự thật, tin tốt đẹp, với những tín hiệu tích cực để truyền cảm hứng cho những giá trị tốt đẹp của cuộc đời lại loan tin tiêu cực, giật gân, bi thảm, tuyệt vọng và vô cảm. Chính lúc này, chúng ta nhớ rằng: “Sức mạnh của chúng ta dựa trên những tin mừng, tin vui mà chính Chúa Giêsu làm cho mắt chúng ta phải ngước nhìn để chiêm ngưỡng Chúa trong phụng vụ ngày lễ Chúa Lên Trời. Dù có thể bây giờ Chúa có vẻ xa chúng ta hơn, nhưng chân trời hy vọng lại mở rộng hết mức. Bởi như lời Ngài mời gọi…Nhờ ‘quyền năng của Chúa Thánh Thần’ chúng ta có thể trở thành chứng nhân và những ‘nhà truyền thông’ của nhân loại mới và được cứu chuộc “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,78)”.

4.3. Mạnh dạn làm truyền thông bằng con tim yêu thương

Thế giới hôm nay bị tác động sâu rộng bởi các phương tiện kỹ thuật số, nhất là internet. Chúng ta cần “mạnh dạn” can đảm làm truyền thông bằng con tim yêu thương và lan tỏa lòng bác ái chân thành.

Chúng ta hãy nhắc lại tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội: “Tôi mơ ước Hội Thánh có một nền truyền thông biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một nền truyền thông dịu dàng và đồng thời mang tính ngôn sứ, biết tìm ra những cách thức và phương tiện mới cho sứ mạng loan báo tuyệt vời mà Hội Thánh được mời gọi thi hành trong thiên niên kỷ thứ ba. Một nền truyền thông đặt trọng tâm vào mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt là với những người túng thiếu nhất, và biết cách thắp lên ngọn lửa đức tin hơn là cứ giữ lấy đống tro tàn của một căn tính tự quy chiếu. Một hình thức giao tiếp dựa trên thái độ khiêm tốn lắng nghe và thẳng thắn trong lời nói, vốn không bao giờ tách rời sự thật khỏi lòng bác ái.

Lời mời gọi nói bằng trái tim chất vấn thời đại chúng ta cách triệt để, vốn dễ đi đến sự dửng dưng và phẫn nộ, thậm chí đôi khi dựa trên cơ sở thông tin sai lệch bóp méo và công cụ hóa sự thật”. Đức Phanxicô cảnh giác như thế để mời gọi hãy “Nói bằng trái tim. Theo sự thật trong tình bác ái”.

Đây là lời căn dặn của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho những người làm truyền thông:

1/ Hãy hỗ trợ Giáo hội bằng khả năng của mình.

2/ Hãy đưa tin với sự thật và công lý yêu thương.

3/ Hãy khiêm tốn trong đối thoại và phân định.

4/ Đừng quên nạn nhân của các cuộc chiến và các cuộc khủng hoảng.

5/ Hãy loan tin tốt lành, tin của tình yêu và hy vọng.

Để kết thúc chúng ta cùng hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô trong lời nguyện kết thúc Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55 năm 2021:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con đi ra khỏi chính mình,
và lên đường tìm kiếm sự thật.
Xin dạy chúng con đi và nhìn xem,
xin dạy chúng con lắng nghe,
không nuôi dưỡng những thành kiến,
hay đưa ra những kết luận vội vàng.
Xin dạy chúng con đi đến nơi mà không ai muốn đi,
dành thời gian để hiểu,
chú ý đến điều thiết yếu,
không bị phân tâm bởi những thứ không cần thiết,
phân biệt vẻ ngoài lừa dối với sự thật.
Xin ban cho chúng con ân sủng để nhận ra nơi cư ngụ của Ngài trên thế giới của chúng con
và sự trung thực để nói với người khác những gì chúng con đã thấy.

NOTE: Xin chân thành cám ơn quý Cha, quý Tu sĩ, và anh chị em làm truyền thông của Giáo phận, các ban ngành Giáo phận, Giáo xứ, giáo họ đã hy sinh, cố gắng cộng tác với Giáo phận trong việc loan báo Tin vui, loan báo lời các Mục tử trong Giáo hội và các tin tức chính thống, với sự can đảm, may mắn và chính xác; góp phần đem lại niềm vui và hy vọng cho Dân Chúa và những ai quan tâm tới tin tức Giáo hội. Xin Chúa Thăng Thiên luôn ở cùng và ban muôn ơn lành cho tất cả chúng ta.

+Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục Giáo phận Đà Nẵng

Nguồn: giaophandanang.org