ĐỒNG HÀNH ĐỨC TIN VỚI NHỮNG NGƯỜI TRẺ DI DÂN

Lm. Giuse Nguyễn Minh Phúc, MF

WHĐ (6.11.2020) – Trong những năm trở lại đây, xã hội Việt Nam chứng kiến những cuộc di chuyển của nhiều bạn trẻ công giáo từ nông thôn đổ xô về các thành thị để học tập, tìm kiếm những cơ hội việc làm, phát triển bản thân và gia đình. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với những người trẻ, mở ra nhiều vận hội và cơ may giúp họ dễ dàng thăng tiến nhiều lĩnh vực cuộc sống của mình. Việc bước vào sân chơi mới giúp họ mở rộng tầm nhìn, mở rộng tầm hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan…

Trong lãnh vực đời sống kinh tế, họ có nhiều cơ hội làm ra của cải để phục vụ cho những nhu cầu về đời sống vật chất của mình. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế giúp nâng cao đời sống vật chất, họ được hưởng nhiều dịch vụ xã hội do sự phát triển đem lại. Có thể nói, so với nguồn thu nhập từ nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, vốn bấp bênh và không ổn định thì nguồn thu nhập từ nền kinh tế thị trường trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp… đem lại cho người trẻ nhiều hứa hẹn phát triển về nhiều mặt.

Tuy nhiên, trong lãnh vực đời sống thiêng liêng, những người trẻ công giáo này phải đối diện với một thực tế hoàn toàn mới mẻ và khác biệt với môi trường gia đình, nơi có những người thân thương, bạn bè. Khi bước vào một sân chơi mới với những cơ hội phát triển, những thách đố về chính bản thân những người tham gia cuộc chơi cũng không thiếu, như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói, song song với việc mở toang cánh cửa sổ để đón nhận những ‘luồng gió mới’, những ‘bụi bặm’ và những ‘cơn gió độc’ của trần thế cũng có thể thừa cơ để len lỏi vào căn nhà của mình.

Điều này phản ánh quy luật về tính hai mặt của một vấn đề. Mọi cuộc chơi đều có luật chơi và những đòi hỏi nhất định của nó. Việc chuyển đổi từ một sân chơi ở cấp ‘làng - xã’ sang một sân chơi mà biên độ của nó không còn giới hạn trong những định chế, khuôn khổ của ‘lệ làng’ nữa thì bản lĩnh tối thiểu của những người tham gia cuộc chơi nhất thiết phải có. Ở sân chơi mới này, luỹ tre làng hay những quy ước phía sau luỹ tre làng sẽ không còn đủ sức che chắn trước những đợt sóng gió thình lình bao trùm lên những người tham gia cuộc chơi. Nói chung, những ràng buộc từ bên ngoài như các quy ước hay lệ làng khó có thể bảo vệ những người trẻ trong sân chơi mới này, mà phải cần đến những nội lực xuất phát từ bên trong, mới có thể bảo vệ và gìn giữ trước những giông tố của đời họ.

Nội lực từ bên trong này, một phần là hoa trái của việc đồng hành đức tin của những người có trách nhiệm và những cộng đoàn giáo xứ mà những người trẻ di dân sinh sống, một phần là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô là Đấng đem lại niềm hy vọng cho hiện tại, Đấng thôi thúc lên đường, giúp mở lòng đón nhận thực tại mới, để làm chứng cho con người ngày nay bằng một di sản phong phú trong giáo hội nhờ kinh nghiệm trong cộng đoàn.

Những Người Trẻ Di Dân

Những người trẻ di dân ở đây được hiểu là những người là có cùng lứa tuổi, cùng sống trong một khoảng thời gian, trong những không gian, với những điều kiện xã hội, kinh tế nhất định[1]. Họ có chung mong muốn và khát vọng thay đổi cuộc sống hiện tại của bản thân. Theo Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, họ là những người “có chung một thế giới khách thể, cùng chia sẻ phn nào thế giới nghĩa thể, với những cảm nghĩ, thao thức, trăn trở trước cuộc sống. Vì cùng sống, phát triển và chịu ảnh hưởng của thời đại, mỗi thế hệ có những biểu lộ độc đáo về cuộc đời, lối sống, nếp nghĩ, thái độ, hành vi ứng xử, cách thế nhìn đời…”[2]. Bước ra khỏi lũy tre làng để đi tìm một cuộc mưu sinh tại các thành thị, họ cố gắng cởi bỏ bộ áo nông dân để hòa nhập vào nhịp sống của xã hội. Họ chập chững lần mò để tìm một điểm quy chiếu có thể làm hướng đi và là ánh sáng hướng dẫn đời sống, hầu làm lắng đọng một chút nào những xáo trộn đang khuấy đục nguồn sinh lực đời mình. Tác giả cuốn sách Để Họ Lớn Lên nhìn nhận họ như những người “bị cuốn hút trong vòng xoáy nghiệt ngã của thời đại, nên ngày càng trở thành bất nhất: thay đổi như chong chóng, từ cực tả sang cực hữu và ngược lại, vui đó rồi buồn đó, hăng say nhiệt thành thật nhưng cũng dễ nản chí, bất mãn, chán nản, buông xuôi hoặc quậy phá… Một số bạn trẻ khác bị áp lực của công việc, khó khăn của cuộc sống đô thị, sự căng thẳng của học tập, của gia đình… làm cho mắc phải căn bệnh mới của xã hội công nghiệp: bệnh “stress”, suy nhược tâm thn, đãng trí[3].

Do vậy, họ cần có điều kiện để trở nên trung thực với chính mình, để trở nên những con người trưởng thành và mạnh mẽ hầu có thể tự khẳng định mình trước những thách thức và đòi hỏi của xã hội cũng như cư xử với xã hội[4] dựa trên những chuẩn mực và giá trị của Tin mừng.

Hệ quả của đời sống thiêng liêng nơi những người trẻ sống xa gia đình này tùy thuộc vào khả năng đồng hành của những người có trách nhiệm, cách đặc biệt, những cộng đoàn giáo xứ nơi họ sinh sống, hầu dẫn đưa họ đi đến cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, chạm được Đức Kitô, thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô và học được nghệ thuật nhận diện dấu chỉ của Thiên Chúa giữa những gì dung dị nhất hằng ngày. Trong một bối cảnh xã hội ngày càng xa rời các giá trị nhân bản, tôn giáo, thì việc đồng hành này lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, để những người trẻ này, không những có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt đức tin, làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình giữa cộng đồng bằng đời sống của mình, mà còn làm cho người khác cũng cảm nhận được Thiên Chúa hiện diện[5]. Hơn ai hết, họ là những người cần đến một cuộc đồng hành đức tin hầu đem lại niềm hy vọng trong hiện tại.

Niềm Tin Đem Lại Hy Vọng Trong Hiện Tại

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã diễn tả mối liên hệ giữa niềm tin và hy vọng như sau: “Hy vọng, thực ra, là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ “đức tin” và “hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau[6]. Trong khi đó, tác giả Lý Minh Tuấn trình bày: “Hy vọng là tình trạng tâm thức hướng về một tương lai tốt đẹp có nền tảng vững vàng, chắc chắn. Khi có tình trạng tâm thức hiện diện, người ta cảm thấy lạc quan, yêu đời, và sẵn sàng chịu đựng gian khổ trong hiện tại để thăng tiến đến tương lai. Bởi vì thế gian này không có gì vững vàng, chắc chắn, trường tồn, cho nên hy vọng thường được hướng về một nền tảng siêu hình, vĩnh cửu”[7].

Một cách nào đó, giữa những choáng ngợp và bỡ ngỡ trong môi trường mới với những thói quen và nếp nghĩ mới, những con người này đang phải mò mẫm để tìm một ý nghĩa và một hướng đi cho cuộc sống trong bối cảnh hiện tại. Dữ kiện này có thể được xem như một “mảnh đất” để có thể gieo trồng hạt giống Lời, như quan điểm của Rousseau: “Người ta uốn nắn cây nhờ vun trồng, và đào luyện con người nhờ giáo dục[8]. Niềm tin đạt được sự thật là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô” (Ga 14,1) khi niềm tin đó trở thành nguồn gốc, động lực và cùng đích cho những chọn lựa đời sống. Sự chọn lựa này đưa đến những quyết định làm cho cuộc sống của bản thân luôn luôn được quy chiếu dựa trên những hệ giá trị mà Đức Kitô đã sống, nghĩa là họ luôn luôn làm những điều đó trong hiện tại, mà không phải là tương lai hay quá khứ. Họ hành động vì họ có niềm hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin cậy đến nỗi có thể đối diện với những thực tại ngổn ngang của đời họ, vì nó dẫn đến một cùng đích, và cùng đích đó đủ sức biện minh cho nỗ lực cam go của hành trình đời họ[9]. Ở điểm này, Bruno Chenu cho rằng: “Là kẻ tin, tức bao hàm sự dấn thân sâu sắc nhất của cả toàn thân con người trong sự tự do và năng động của mình, cùng với lịch sử cụ thể, với những liên đới và những dự tính của mình[10]. Một sự dấn thân toàn vẹn, nhưng con người cũng ý thức được rằng, họ không thể tự mình soi dẫn con đường cho chính mình, mà phải cần một “ai đó”, một “tha thể”. Con người không thể tự nói lời soi dẫn cho chính mình, mà cần có một lời khác biệt để một đàng, giúp họ đi đến những quyết định trong những hành động cụ thể, đàng khác, không thay thế vai trò của họ trong từng hoàn cảnh cụ thể. Họ có tự do hoàn toàn để có những chọn lựa cho cuộc đời họ, vì biết rằng không có lý do nào khiến họ phải chọn lựa điều này hay điều kia như là cùng đích. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, chính họ tạo ra ra lý do đó và thừa biết lý do đó không đầy đủ để giải thích lựa chọn của chính mình. Và do đó, theo tự nhiên, họ cần đến một “ai đó” đón nhận và tôn trọng họ ngay trong bản chất tương đối của họ, làm cho họ không cảm thấy bị lóa mắt trước chân lý. Họ mong đợi một điều chân thật, có thể nghe và hiểu được, có thể cảm thấu và lĩnh hội được, có thể khơi gợi trong họ khả năng đáp trả và dấn thân cách tự do[11].

Cũng như tình yêu chỉ sống trong hiện tại, những người trẻ này cũng cần được hướng dẫn cách nào đó để, trong mỗi hoàn cảnh và mỗi khi phải quyết định, hành động của họ được coi là thích hợp với những giá trị và chuẩn mực đáng tin cậy. Điểm quy chiếu đáng tin cậy tuyệt đối là con người của Đức Giêsu vì Ngài biểu thị Thiên Chúa, Ngài nói về Thiên Chúa, Ngài nói trong Thiên Chúa. “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thy nghe được nơi Cha Thy, Thy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Niềm Tin Thôi Thúc Lên Đường

Cho đến nay, có không ít những người trẻ phải đối diện với những căng thẳng, những xung đột và giằng co giữa tâm linh – thế tục, đạo đời. Có rất nhiều người trẻ phải khổ tâm vì hố cách biệt quá sâu rộng giữa những gì tiếp thu ở nhà trường, nơi sở làm, hay ngoài xã hội với nếp sống trong gia đình và xứ đạo. Hệ quả là họ phải hình thành một thứ tư duy và bản lĩnh gọi là “bản lĩnh đối phó”. Làm thế nào để dung hòa những giá trị truyền thống với những biến đổi của môi trường đang sống hiện nay[12].

Triết gia Emmanuel Kant cho rằng, mục tiêu của việc giáo dục có một sứ mạng rất quan trọng là phải làm sao để phát triển nơi cá nhân tất cả sự toàn hảo mà họ có thể có được, để từ đó, họ có khả năng “tự trị” trong cuộc đời của họ mà không bị chi phối bởi những quyền lực từ bên ngoài mỗi khi hành động. Bởi ông cho rằng Thiên Chúa đã sáng tạo con người có tự do và trí năng của con người có thể đạt đến một sự hiểu biết nhất định, và chính khi cá nhân sống hết mình cho niềm say mê của mình, họ xứng đáng và có quyền đón nhận phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. Theo ông, mục tiêu đó phải giúp người trẻ đạt đến việc hoặc là họ quyết định hành động vì họ đã được giáo dục như thế, hoặc là vì họ ý thức được rằng Thiên Chúa muốn họ phải làm như thế, hoặc là vì họ muốn tìm lợi ích và hạnh phúc, hoặc là tự nhiên họ cảm thấy ưa thích đưa ra những ứng xử như thế vì muốn đạt tới điều tốt lành[13].

Khi đời sống đức tin của những người trẻ này được đồng hành và tiếp nhận đúng mức, họ sẽ cảm thấy một sự thôi thúc lên đường. Niềm tin, một khi đã được bén rễ, luôn bao hàm một sự rời bỏ quá khứ để lên đường, như ông “Abraham đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Với ông, ông xác tín rằng, phần của ông, ông chỉ việc nghe và làm theo hướng dẫn của Đức Chúa là đủ. Đó không chỉ là khám phá ra lời mời gọi lên đường mà còn là lời mời gọi một cuộc vượt qua khác, vượt qua chính bản thân mình, để cho “ai đó” bước vào trong hành trình cuộc đời của mình. Khi họ khám phá ra tiếng mời gọi cụ thể phù hợp với hoàn cảnh và tình huống cụ thể của mình, thì họ cũng đồng thời khám phá ra một tiếng huyền nhiệm mở ra một khoảng không để bước tới, hầu đạt đến Đấng đã mời gọi mình. Ở đây, hoa trái của việc đồng hành đức tin không còn dừng lại ở những công thức soạn sẵn, mà họ chỉ cần áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể đa dạng, nhưng là hành động cụ thể để khám phá lời mời gọi và những đòi hỏi của Tin mừng từ những hoàn cảnh cụ thể riêng biệt của mình. Và như vậy, họ có khả năng đón nhận những khác biệt trong cuộc sống hơn mà không bị choáng ngợp.

Một điểm khác ở đây là khi niềm xác tín được thiết lập và lớn dần theo thời gian với Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi họ, có nghĩa là họ bước vào một mối tương quan thân tình và cá vị, họ được Thiên Chúa quyến rũ qua những dấu chỉ, họ sẽ “nôn nóng” tìm kiếm Đấng đang hiện diện phía sau những dấu chỉ. Điều này giúp họ lớn lên trong sự nhìn nhận thực tại và đứng vào chỗ phải lựa chọn là quyết định theo những mục tiêu có giá trị cứu cánh tự thân, vốn kéo theo quyền lợi và hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là sự trưởng thành toàn diện, bao hàm một sự thôi thúc ý chí vừa làm ra luật và vừa phải thi hành luật cho chính bản thân trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Tác giả cuốn sách Huấn Giáo “Niềm Tin Của Người Công Giáo” nói rằng: “Điều quyết định đối với tất cả những người ấy là đừng tuân theo cái bên ngoài của dấu hiệu và chiều kích lớn nhỏ của điều thấy được (Ga 2,23-25), sợ rằng vì làm như thế, mà bỏ lỡ cơ may nắm bắt được điều trọng yếu, là khuôn mặt luôn luôn kín đáo của Thiên Chúa. Nếu niềm tin thường diễn đạt bằng những dấu hiệu và ngôn từ, nó vẫn nhắm đến những gì vượt qua những điều này, là thực tại cuối cùng đang luồn vào trong các điều ấy và vượt các điều ấy[14].

Hệ quả, niềm tin này thấm nhập vào con người của họ, thôi thúc họ phải có những bước chuyển động và đi đến những quyết định, đồng thời đáp trả bằng một thái độ phó thác toàn vẹn bản thân. Điều này cũng giúp họ định hướng và xây dựng tất cả cuộc đời của mình trên nền tảng là Thiên Chúa, cụ thể qua con người Đức Giêsu và những giáo huấn của Ngài. Hơn nữa, họ cũng làm cho ý thức và trách nhiệm về cuộc sống của họ ngày càng lớn lên trong mối tương quan với Đấng mà họ tin. Đạt đến ngưỡng cửa này, niềm tin mà họ có được không còn là một ý kiến thuần túy lý trí hay một xúc động theo cảm tính, mà là một quyết định có tính cách sinh tồn, dẫn đến một thái độ trung thành đích thực, đúng như triết gia Henri Bergson đã nói, phải là trung thành sáng tạo của một cơ thể sống động, tiếp thu và tiêu hóa những yếu tố lấy từ bên ngoài mà vẫn duy trì được bản chất. Thái độ đó giúp phá tan đi những rào cản của thủ cựu để đưa nước nguồn chảy về hiện tại, để luôn giải thoát họ khỏi những tập tục thuần túy nhân loại, để soi sáng và dẫn đưa họ bước đi trên hành trình tìm chân lý[15]. Điều này lý giải việc nhận thức về một Thiên Chúa qua những hình thức trình bày sống động hơn, được biểu lộ rõ nét hơn, và gần gũi hơn với cuộc sống của họ. Do đó, nhiệm vụ của những người đồng hành cũng được mời gọi sống gần gũi với những con người đương thời, để có thể hiểu được lối suy nghĩ và cảm nhận của người trẻ, hầu có thể hướng dẫn nếp sống và giáo lý Kitô giáo, để cảm thức tôn giáo nơi những người trẻ này cũng lớn lên và song hành với kiến thức khoa học và kỹ thuật đang ngày càng tiến bộ. Nhờ vậy, những người trẻ này có thể nhận định và giải thích các sự kiện, biến cố trong cuộc đời của họ bằng một tâm thức Kitô giáo đích thực, và luôn mở lòng đón nhận những thực tại mới trong ánh sáng niềm tin đã lãnh nhận[16].

Mở ra đón nhận thực tại mới

Người trẻ luôn luôn là những con người của ước mơ, hy vọng và quảng đại. Họ luôn hướng về tương lai, đưa ra những dự kiến, đặt kế hoạch cho tương lai của mình, và háo hức để làm cho kế hoạch đó thành hiện thực. Nếu không có sự sắp đặt và chuẩn bị trước cho tương lai, người trẻ khi đối diện với những gì bất ngờ xảy đến, sẽ gặp phải thách đố. Từ kinh nghiệm của bản thân, họ nhận thấy rằng, nếu chỉ đơn thuần áp dụng lại các giải pháp có thể có hiệu quả trong quá khứ, thì chưa hẳn giúp họ đảm nhận được cách hiệu quả những cái hiện tại[17]. Nhà xã hội học E. Durkheim cho rằng sứ mạng của giáo dục là phải chuẩn bị nơi cá nhân những thích ứng với xã hội chính trị và môi trường riêng mà cá nhân đó sẽ sống. Bởi lẽ, suốt cuộc đời, con người tham gia vào rất nhiều loại hình cơ cấu trong xã hội. Trong những cơ cấu này, họ phải hoàn tất việc hội nhập của mình để tồn tại. Lối ứng xử của con người với tư cách cá nhân phản ánh vai trò và vị trí của họ trong cộng đồng. Ông còn cho rằng, giáo dục là hoạt động không chỉ riêng của một người hay một nhóm người nhưng là của cả một cộng đoàn đối với một thế hệ để đảm bảo cho thế hệ đó tồn tại và phát triển không ngừng[18]. “Trong các xã hội hiện đại, nhu cầu thay đổi trở nên thúc bách, căn cứ vào các phát minh khoa học và kỹ thuật. Ai không thể thích nghi, sẽ nhanh chóng bị loại ra ngoài, và không làm chủ được tương lai[19]

Thực ra, sẽ không có giải pháp chung cho mọi vấn đề, bởi mọi vấn đề nảy sinh đều có giải pháp và mọi giải pháp đều nảy sinh vấn đề. Điều có thể thực hiện là một sự hướng dẫn để giúp họ luôn động não, cố gắng suy nghĩ, kiếm tìm và, sau khi cầu nguyện, can đảm chọn lựa một giải pháp thích hợp nhất cho vấn đề. Điều quan trọng không phải là phải nhồi nhét, học thuộc bài như “vẹt”, nhưng là giúp hiểu vấn đề, và tìm ra những giải đáp mới phù hợp trong tình hình hiện tại.

Mặc khải của Kitô giáo cho thấy một Thiên Chúa luôn quan tâm đến thân phận con người, đến mức ràng buộc chính Người Con duy nhất của mình trong thân phận ấy. Nơi Người Con, người ta khám phá ra một sự liên lụy đến từng phận người; thay vì giải thoát ra khỏi những nhiệm vụ trần thế, Đức Giêsu đã đưa ra lời mời gọi đối với những ai đến với Ngài là hãy noi gương Ngài để trở thành men mới giữa cả khối bột nhân loại dày cộm này. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Cũng nơi Người Con, người ta khám phá ra sức mạnh để đối diện với những điều mới mẻ, những điều chưa biết mà đôi khi khiến họ lo âu, vì những điều này đòi hỏi người ta chấp nhận mất đi một phần nào những tiện nghi êm ấm và sự an nhàn trong hiện tại, vốn dễ dàng đưa đến thái độ cam chịu sống trong thói quen, trong sự hẹp hòi, và dễ dàng rơi vào tình trạng xơ cứng. Dám đảm nhận sự bấp bênh của ngày mai là thái độ can đảm đáp trả và dấn thân của Abraham với Thiên Chúa (x. Dt 11,8)[20]. Khoa tâm lý học hiện đại chứng mình rằng, người ta có thể không tin những gì họ thấy nhưng họ sẽ thấy những gì họ tin. Những gì mong muốn thấy, họ sẽ thấy. Nếu họ có mong muốn Thiên Chúa mặc khải chính Người trong Đức Giêsu, họ sẽ thấy, vì Ngài vẫn hiện diện. Chính Đức Giêsu đã chỉ cho hai môn đệ thấy vấn đề cốt yếu của họ nằm ở con tim, chứ không phải ở việc hiểu biết.

Như vậy, việc đồng hành đức tin nhất thiết phải đạt đến mục đích là duy trì trong mỗi người trẻ khả năng đón nhận thật sự cái tương lai, luôn “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” (1Pr 3,15), không đóng khung mọi hành vi cư xử vào một hệ thống khép kín, mà quên đi yếu tố nhân loại đang tiến triển từng ngày. Trong chiều hướng này, cộng đoàn giáo xứ, nơi những người trẻ di dân sinh sống, trở thành tác nhân đồng hành khi giúp các thành viên lớn lên trong sự trung thành với Thiên Chúa, phù hợp với địa vị làm con của họ trong lòng giáo hội. Tất nhiên, về phía những người trẻ, họ cũng phải cùng nhau làm sáng tỏ lý do hiện hữu và mục tiêu nền tảng của mình.

Kết luận

Nếu cùng đích của giáo dục, như quan điểm của Henri, có mục đích giúp con người hoàn toàn làm chủ bản thân và sử dụng đúng mức tất cả mọi khả năng của mình trong xã hội trần thế, thì việc hình thành một mô hình nhân cách trọn vẹn, một thái độ trưởng thành nhân bản Kitô giáo là trách nhiệm của cộng đồng giáo xứ, nơi những người trẻ sinh sống, hầu có thể mong muốn có được những con người có thể góp phần vào vận mệnh của dân tộc.

Sứ mạng đồng hành đức tin với những người trẻ di dân đòi hỏi người có trách nhiệm đồng hành, đặc biệt là lãnh vực nhân bản Kitô giáo, cần phải có được cái tâm của Thầy Giêsu, để giúp những người trẻ này có được một bản lĩnh cần thiết. Nghĩa là sứ mạng này đòi hỏi nơi họ những hy sinh âm thầm khi gieo trồng những mầm cây trên mảnh đất tâm hồn con người, và tất nhiên cần phải luôn biết chăm sóc, vun xới cho cây ngay cả những lúc cây chưa sinh hoa kết trái (x. Lc 13, 8), để tạo ra một sự trưởng thành và quân bình đầy đủ nơi những người trẻ này. Đặc biệt, trong bối cảnh khi xã hội Việt Nam đã gia nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới, tinh thần của Đức Giêsu phục sinh cần phải được áp dụng cách cụ thể hơn, đó là tinh thần của người dám bỏ lại 99 con để đi tìm một con chiên lạc (x. Mt 18, 12) chứ không phải là tinh thần của những người ngồi một chỗ để chờ chiên tìm đến xin gia nhập đàn.

Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus cho thấy, Đức Giêsu phục sinh đã không hiện diện với một người nhưng với một nhóm người, với cộng đoàn, và dĩ nhiên Ngài có khả năng hiện với từng người. Điều này chỉ ra rằng khi những con người cùng chia sẻ một niềm tin tụ họp với nhau, cùng “tham dự bẻ bánh” với nhau, tâm trí sẽ bừng sáng lên niềm hi vọng, niềm tin vào cuộc sống và sức sống cho hành trình của mình. Việc hai môn đệ “nài ép” Đức Giêsu (x. Lc 24, 29) cho thấy rằng, trong mọi tình huống của đời sống, khi người ta biết dành thời gian để hiện diện với Đức Giêsu, thì họ luôn luôn có sẵn nguồn sức mạnh tối thượng có thể giúp họ phá tan mọi nguy nan và tăm tối, và điều này làm nên sự khác biệt trong mọi hoàn cảnh, bởi vì cùng đích của sự sống con người, theo thánh Irênê, là được nhìn thấy Thiên Chúa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 1965.

ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi. 2007.

ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến. 1996.

Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên. TPHCM: Đức tin & Văn hóa, 2005.

Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã Hội Học, TPHCM: ĐHQGPHCM, 2017.

Trần Thái Đỉnh, Triết Học Kant. TPHCM: VHTT/TPHCM, 2005.

Lý Minh Tuấn, Niềm Tin và Hy Vọng, 2004.

Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques, Phạm Minh Thiên và các dịch giả khác dịch. TPHCM: Tôn Giáo, 2009.

Jean Jacques Rousseau, Émile Hay Là Về Giáo Dục, Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch, Hà Nội, NXB Tri Thức, 2010.

Larson, B., & Ogilvie, L. J. (1983), Vol. 26: The Preacher’s Commentary Series, Volume 26: Luke. Formerly The Communicator’s Commentary. The Preacher’s Commentary series (347), Nashville, Tennessee: Thomas Nelson Inc.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)



[1] x. Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên, (TPHCM: NXB Đức tin & Văn hoá, 2005), tr. 75.

[2] x. Nguyễn Thái Hợp, sđd., tr. 75.

[3] x. Nguyễn Thái Hợp, sđd., tr. 82.

[4] x. Jean Jacques Rousseau, Emile Hay Là Về Giáo Dục, Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch, (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2010), tr. 17.

[5] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 68.

[6] Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 2.

[7] Lý Minh Tuấn, Niềm Tin và Hy Vọng, 2004, tr. 21.

[8] Jean Jacques Rousseau, Émile Hay Là Về Giáo Dục, sđd., tr. 32.

[9] x. Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 1.

[10] Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques. Phạm Minh Thiên và các dịch giả khác dịch. (TPHCM: Tôn Giáo, 2009), tr. 204.

[11] x. Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques. sđd., tr. 212.

[12] x. Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên, sđd., tr. 138.

[13] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Kant, (TPHCM: NXB Văn hóa & Thông tin, 2005), tr. 247-255.

[14] Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques. Sđd. tr. 215.

[15] x. Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên, sđd., tr. 142-143.

[16] x. Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 62.

[17] x. Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques. Sđd. tr. 442.

[18] x. Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã Hội Học (TPHCM: NXB ĐHQGTPHCM, 2017), tr. 35-37.

[19] Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques. Sđd. tr. 442.

[20] x. Bruno Chenu & tgk. La foi des Catholiques. Sđd. tr. 442-443.