Đời tông đồ: Những nguy cơ và gương sáng

14/01/2023


ĐỜI TÔNG ĐỒ: NHỮNG NGUY CƠ VÀ GƯƠNG SÁNG

Linh mục Mỹ Sơn,
Giáo phận Long Xuyên

WGPLX (14.01.2023) - Bốn bài suy niệm sau đây mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống linh mục với những nguy cơ suy đồi có thể xảy đến để đề phòng. Các bài này cũng giúp chúng ta suy gẫm về lời khuyên các kỳ mục của thánh Phêrô và về đời sống tông đồ dấn thân quên mình của thánh Phaolô, để chúng ta ngày một tiến xa hơn trên con đường tông đồ phục vụ và trong đời sống thiêng liêng[1].

Tuy chủ đề dành đặc biệt cho các linh mục, nhưng cũng thích hợp với mọi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, vì tất cả chúng ta đều là những người đang thi hành sứ vụ tông đồ trong ơn gọi riêng của mình. 


        1. Tham lam vô độ. 1

        2. Đam mê sắc dục. 3

BÀI 2 - BỘ MẶT LÃNH ĐẠO HÈN NHẤT, KIÊU CĂNG VÀ TRÌ TRỆ CỦA NICÔĐÊMÔ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI NHỜ GẶP GỠ CHÚA GIÊSU. 4

        1. Một con người hèn nhát. 5

        2. Một con người kiêu căng. 6

        3. Một con người thụ động, lười biếng, trì trệ. 8

        4. Nicôđêmô, một con người được sinh lại nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu. 9

BÀI 3 - KHUÔN MẶT NGƯỜI MỤC TỬ ĐÍCH THỰC THEO THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ.. 10

        1. Tinh thần tự nguyện. 10

        2. Không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. 12

        3. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. 14

BÀI 4 - KHUÔN MẶT NGƯỜI TÔNG ĐỒ BIẾN HÌNH TOẢ SÁNG CỦA THÁNH PHAOLÔ.. 14

        1. Ba tâm tình bên trong của cuộc biến hình. 15

        2. Hai thái độ bên ngoài của cuộc biến hình.


BÀI 1: BỘ MẶT TƯ TẾ SUY ĐỒI CỦA KHÓP-NI VÀ PIN-KHÁT THỜI ÊLI[2]

Theo sách Samuel I, chương 2, tư tế Êli có 2 người con cũng là tư tế, phục vụ tại đền thờ ở Silô thuộc vương quốc Israel phía Bắc. Nếu theo từng chi tiết do sách Samuel I thuật lại, thì đây đúng là 2 tên vô lại, gian tham, chứ không phải là tư tế. Hai người này có tên là Khóp-ni và Pin-khát. Họ là người thế nào?

1. Tham lam vô độ

Đây là hai tư tế tham lam vật chất được biểu lộ qua việc cướp những miếng thịt cúng tế tại đền thờ Silô. Tham lam làm cho họ trở nên trơ trẽn, trâng tráo, ngạo mạn, không biết xấu hổ. Tham lam làm cho họ trở nên những tên cướp cạn giữa ban ngày. Tham lam làm cho họ là những tư tế phục vụ Chúa, lại trở nên những tư tế tôn thờ miếng thịt, phục vụ một vị Chúa khác là vật chất, là tiền bạc. Họ khinh dể Chúa vì hình như Chúa không hiển lộ quyền thế của Ngài. Chúng ta cùng nhau nghe đoạn sách 1 Samuel sau đây:

“Các con trai ông Ê-li[3] là những tên vô lại, chúng không biết gì đến ĐỨC CHÚA và đến quyền lợi các tư tế được hưởng trên dân. Mỗi khi có ai dâng hy lễ, thì đầy tớ của tư tế đến, tay cầm xiên ba răng, trong lúc người ta đang nấu thịt. Nó thọc vào vạc, vào nồi, vào chảo hay vào niêu; hễ xiên đưa lên được miếng nào, thì tư tế lấy cho mình. Chúng vẫn làm như thế với tất cả những người Ít-ra-en đến đó, tại Si-lô. Cả trước khi người ta đốt mỡ cho cháy nghi ngút, thì đầy tớ của tư tế đến và bảo người dâng hy lễ: "Đưa thịt đây để quay cho tư tế! Người không lấy thịt ông đã nấu đâu, chỉ lấy thịt sống thôi!" Người kia có nói: "Để người ta đốt mỡ cho cháy nghi ngút trước đã, rồi anh thích gì thì cứ lấy", thì nó bảo: "Không, phải đưa ngay bây giờ! Nếu không, tôi dùng sức mạnh mà lấy." Tội của những người thanh niên này rất lớn trước nhan ĐỨC CHÚA, vì những người ấy khinh thường lễ phẩm dâng ĐỨC CHÚA.” (1Sm 2,12-17)

Theo Luật, các tư tế được hưởng một phần của lễ người ta đem dâng. Hai tư tế con của Êli đã thay đổi luật này khi chọn và lấy cho mình phần ngon nhất của con vật trước khi nó được dâng cho Chúa làm của lễ hi sinh. Chúng ta nên nhớ, vào thời đó, thịt là một thức ăn cao lương mỹ vị đối với nền kinh tế nông nghiệp trên vùng đất đai khô chồi ở Israel.

Suy nghĩ

Nhìn vào Khóp-ni và Pin-khát, hai bộ mặt tư tế tệ hại của Cựu Ước tượng trưng cho sự suy đồi và biến chất trong hàng tư tế, chúng ta có suy nghĩ gì?

Ngày nay, linh mục chúng ta cũng dễ rơi vào sự suy thoái đạo đức và biến chất như thời cựu ước, có khi còn dễ hơn. Xã hội chúng ta sống là xã hội “tôn thờ” sự thành công về kinh tế, tiền của và tiêu dùng hưởng thụ. Sống trong môi trường xã hội như vậy, chúng ta cũng bị ảnh hưởng không nhiều thì ít. Những lời kêu trách chúng ta về cách gom góp, sử dụng tiền bạc; lối sống tiện nghi, giàu sang; cũng như thái độ cư xử khác biệt giữa người giàu và người nghèo, v.v. không phải không có.

Những lời kêu trách ấy có thể đúng, có thể sai. Nhưng rõ ràng đó là lời nhắc nhở chúng ta phải tỉnh táo trước vấn đề thu tích và sử dụng tiền bạc. Không ai trong chúng ta muốn trở nên những tư tế tệ hại như Khóp-ni và Pin-khát.

Hơn nữa, sự ham mê tiền của, thích hưởng thụ còn được nâng đỡ và khích lệ bởi cá nhân chủ nghĩa ích kỷ nếu chúng ta là những người chỉ biết sống cho mình. Đã ích kỷ chỉ biết lo cho mình thì không thể sống dấn thân quên mình phục vụ được. Về lâu về dài, sự ham mê tiền của, thích hưởng thụ sẽ kéo theo những thói xấu khác làm chúng ta suy thoái và biến chất nếu không tỉnh thức và canh tân thường xuyên nhờ sức mạnh của ơn Chúa Thánh Thần.

2. Đam mê sắc dục

Điều tệ hại thứ hai của Khóp-ni và Pin-khát là đam mê sắc dục. Hai tư tế con của Êli đã du nhập lề thói vô luân của tôn giáo dân ngoại vào đền thờ Silô. Trong các đền thờ của người Canaan thời đó, có những gái điếm “đền thờ” theo lễ nghi phồn thực. Người Canaan tin rằng sự phì nhiêu, màu mỡ của con người và đất đai có liên quan với nhau một cách bí nhiệm. Sách Samuel I thuật lại như sau:

“Ông Ê-li đã già lắm. Ông nghe nói các con ông đối xử thế nào với toàn thể Ít-ra-en; ông còn nghe nói chúng nằm với những phụ nữ phục vụ ở cửa Lều Hội Ngộ. Ông nói với chúng: "Sao các con lại làm những điều ấy, những điều xấu mà cha nghe toàn dân nói? Không, các con ơi, tiếng kháo láo cha nghe dân ĐỨC CHÚA đồn thổi thì không tốt đẹp gì. Nếu một người có tội với một người, thì Thiên Chúa sẽ phân xử cho; nhưng nếu một người có tội với ĐỨC CHÚA thì ai sẽ cầu nguyện cho nó?" Nhưng chúng không chịu nghe lời cha chúng, vì ĐỨC CHÚA muốn làm cho chúng phải chết.” (1Sm 2,22-25).

Lối sống vô luân của Pin-khát và Khóp-ni đã làm cho Êli lo lắng, ông tha thiết khuyên nhủ hai con, nhưng chúng không nghe, có lẽ vì ông đã già cả, mắt đã mờ, chúng không còn sợ ông; cũng có lẽ vì lối sống vô luân của chúng đã thành tập quán, thành thói quen, thành thú vui nên không bỏ được.

Suy nghĩ

Xã hội ngày nay không chỉ là xã hội tiêu thụ, đề cao sự giàu sang, hưởng thụ mà còn đề cao tự do tình dục qua các trào lưu tư tưởng tự do về luân lý. Các trào lưu này ngày càng được các phương tiện truyền thông phổ biến rộng rãi, trực tiếp hay gián tiếp, kín đáo hay công khai.

Theo thời gian, với tính ù lì, với thói quen hưởng thụ, với tiền bạc, mọi người nói chung và linh mục chúng ta nói riêng, đều có thể đối mặt với một nguy cơ: đó là sự suy thoái đạo đức.

Suy thoái đạo đức thường diễn ra trên hai mặt. Một mặt, là đời sống đạo đức cá nhân: có thể chúng ta hầu như thường xuyên bỏ suy niệm cầu nguyện; làm các việc đạo đức cách uể oải và chiếu lệ; cử hành các bí tích cách vô hồn, máy móc, miễn cưỡng làm cho có; không còn thấy đời linh mục là niềm hạnh phúc mà chỉ còn là một gánh nặng muốn vất bỏ mà không sao vất bỏ được. Mặt khác, là đời sống tông đồ mục vụ: mọi hoạt động mục vụ giờ chỉ còn là những hoạt động tối thiểu phải có; những dấn thân tích cực không còn nữa; những sáng kiến thui chột hoàn toàn và dù có ai nêu ra thì cũng không để tâm, có khi còn cố ý bị gạt bỏ; nhà xứ, nhà thờ và tâm  hồn trở nên trống vắng, lạnh lẽo, vì thế chúng ta cảm thấy bị thôi thúc phải thoát ra, phải tìm cái gì đó để lấp vào khoảng trống vắng này.

Sự lấp đầy đó rất có thể những thái độ bẳn gắt, nóng giận khác thường. Cũng có thể là những đòi hỏi lạ thường nếu không nói là quá gắt gao đối với giáo dân. Cũng có thể là thái độ cửa quyền, cha chú. Cũng có thể là thái độ dùng thần quyền áp đặt mọi sự một cách độc đoán. Cũng có thể là tính khí thất thường trong cư xử hoặc hành động, trong cách điều hành và quản trị giáo xứ, giáo dân.

Sự lấp đầy đó cũng có thể là tự tìm kiếm những khoái lạc nơi bản thân, hoặc là những tình cảm, những giao du không bình thường. Càng lún sâu, càng khó thoát ra. Cho đến lúc, có thể chúng ta sẽ buông xuôi tất cả. Nguy cơ cho đời sống tông đồ, phục vụ nằm ở đó. Lúc ấy, chúng ta sẽ không còn tâm tình của một người mục tử, không còn thao thức của người mục tử và dĩ nhiên, cũng không sống đức ái mục tử. Theo kinh nghiệm, thường chính chúng ta đã đánh mất đời sống đạo đức và nhiệt tình tông đồ trước, rồi mới ngã đổ vào những chuyện tình cảm, chứ ít khi ngược lại. Cây cứng cát, mọc rễ sâu, thân không bị sâu mọt đục, khó có thể ngã trước những mưa giông của cuộc đời. Hai tư tế Khóp-ni và Pin-khát không chỉ là tham lam của cải vật chất mà còn sa vào những đam mê sắc dục. Có thể nói, tiền bạc và sắc dục thường đi đôi với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những con người mỏng dòn, rất nhiều yếu đuối, lỗi lầm, xin Chúa tha thứ. Chúng con rất cần Chúa. Xin Chúa hãy đến canh tân đời sống linh mục, tông đồ và tư tế của chúng con. Amen.

BÀI 2 - BỘ MẶT LÃNH ĐẠO HÈN NHẤT, KIÊU CĂNG VÀ TRÌ TRỆ CỦA NICÔĐÊMÔ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI NHỜ GẶP GỠ CHÚA GIÊSU[4]

Một nhân vật đáng lưu ý trong Phúc Âm thánh Gioan, đó là ông Nicôđêmô. Theo thánh Gioan thuật lại, Nicôđêmô là người Pharisêu, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông muốn gặp Chúa Giêsu. Ông khao khát tìm chân lý và muốn biết Đấng Cứu Thế là ai.

“Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?" Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?" Đức Giê-su đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?" Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa." (Ga 3, 1-21)

Chúng ta xem Nicôđêmô là người thế nào khi ông đến gặp Chúa Giêsu.

1. Một con người hèn nhát.

Thánh Gioan cho biết: “Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm”. Nicôđêmô là người Pharisêu và là một thủ lãnh của người Do Thái, thế mà ông không dám công khai gặp Chúa Giêsu ban ngày, trước mắt mọi người. Tại sao ông phải đến gặp Chúa Giêsu ban đêm? Có lẽ ông lo sợ cho tiếng tăm và danh dự là nhà lãnh đạo, là bậc thầy của mình trong dân Do Thái. Dĩ nhiên, ông là người thiện chí, muốn đi tìm chân lý, muốn tìm biết Đấng Cứu Thế là ai; nhưng nơi ông, tiếng tăm, địa vị đã trở thành một rào cản đi tìm chân lý. Đến gặp Chúa Giêsu đối với ông là cả một khó khăn. Tại sao? Vì Chúa là một người xuất thân bần hàn, tầm thường, từ một làng Nadarét xa xôi, hẻo lánh; một người tuy được quần chúng ca tụng và gọi là tiên tri, nhưng đám quần chúng đó chỉ là những người bình dân, ít học, đa số là nghèo khổ, đang mong chờ số phận đổi thay; một con người mà các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái bắt đầu nghi ngờ và e ngại. Gặp con người đó, ông có nguy cơ đánh mất tiếng tăm và địa vị lãnh đạo của mình; ông có thể bị nghi ngờ và loại trừ bởi những người thuộc nhóm Pharisêu của ông. Ông e ngại và sợ là phải. Ông phải tránh mọi người đến gặp Chúa Giêsu ban đêm cũng là đúng với tâm trạng của ông. Nhưng dù sao, điều đó cũng biểu lộ ông là con người thiếu can đảm, thậm chí có thể gọi là hèn nhát, vì có thiện chí đi tìm chân lý đó, nhưng lại rất rụt rè, lo sợ.

Suy nghĩ

Còn chúng ta, đâu là những lo sợ, e ngại của chúng ta? Càng có địa vị, càng có tiếng tăm, chúng ta càng dễ bị tổn thương và cũng càng dễ phải bảo vệ tiếng tăm, địa vị đó bằng mọi giá. Có khi nào chúng ta trở nên thiếu can đảm, sợ hãi không dám nói lên sự thật, không dám đi tìm sự thật không? Sự thật đó có thể là sự thật về chính mình; về những người và những việc mình có trách nhiệm do bổn phận được trao hoặc do tình liên đới huynh đệ; về tất cả những gì mình cần nói vì tôn trọng sự thật và lương tâm. Đâu là những cản trở làm chúng ta im lặng? Những cản trở đó có chính đáng hay không?

2. Một con người kiêu căng

Nicôđêmô không những là con người hèn nhát, mà còn là một người kiêu căng nữa. Tại sao ông lại đến gặp Chúa Giêsu ban đêm? Ở trên chúng ta đã nói đến những e sợ của ông. Nhưng rất có thể ông không chỉ e sợ, mà còn không muốn hoà mình vào đám quần chúng đông đảo luôn bao quanh Chúa Giêsu. Đó là một đám đông hỗn tạp, ít học, tầm thường, nghèo khổ, bệnh tật, có khi bất lương nữa. Người Pharisêu coi những người đó là hạ lưu, là tội lỗi. Nghèo đói, ít học, bệnh tật là gì nếu không phải là do Chúa phạt vì tội lỗi của bản thân, của cha ông. Người Do Thái thời Chúa Giêsu vẫn tin như thế. Đến gặp Chúa Giêsu giữa một đám người như vậy, thì còn gì là mặt mũi của một người Pharisêu, thuộc giai cấp lãnh đạo. Kiêu căng tự cho minh thuộc tầng lớp cao quí, đạo đức, trí thức đã trở thành một rào cản không nhỏ đối với Nicôđêmô trên con đường đi tìm chân lý, trên con đường thiêng liêng.

Suy nghĩ

Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta có cùng một não trạng kiêu căng như Nicôđêmô. Não trạng đó hình thành và thể hiện thế nào? Trước hết phải kể đến ý thức tiềm ẩn, nhưng rất sâu xa, cho mình thuộc về một tầng lớp ưu tú, có một địa vị, uy thế đặc biệt, thuộc về thế giới thần linh, thiêng liêng, vượt xa trên những gì thuộc lãnh vực trần thế. Ý thức sâu xa này cộng hưởng với một nguyên mẫu tiềm tàng từ xa xưa của hàng giáo sĩ: Giáo Hội là mẹ, linh mục là cha, giáo dân là con cái. Bị những sức mạnh tâm lý này trói buộc, linh mục chúng ta dễ đồng hoá mình với căn tính linh mục một cách thái quá mà quên đi căn tính nền tảng: mình cũng là một kitô hữu như những kitô hữu khác nhờ bí tích rửa tội. Vì thế, có khi chúng ta đòi phải được kính trọng, phải được vâng nghe cách đặc biệt. Bất cứ ai làm trái ý, kẻ đó đáng bị lên án. Hơn nữa, có thể chúng ta sẽ cho mình quyền xét xử người khác mà không ai có quyền góp ý hay nhận xét về mình. Nguy hiểm hơn, chúng ta sẽ ngày càng qui hướng mọi người và mọi sự về mình, trong khi đúng ra, là tông đồ, mục tử thay mặt Chúa, chúng ta phải qui hướng, phải dẫn đưa người khác đến với Ngài. Cuối cùng, sự tự cao thường gắn liền với tự ái, nên chúng ta rất dễ bị tổn thương, rất dễ đi đến ganh tị.

Ý thức tự cao thuộc tầng lớp ưu tú của hàng ngũ linh mục có thể càng phát triển theo năm tháng và chức vụ trong Giáo Hội. Nếu không có sự phân định thường xuyên nhờ ơn Chúa Thánh Thần, có thể chúng ta đi đến sự đánh giá sai lạc về bản thân, về bề trên, về anh em linh mục và giáo dân. Những đánh giá sai lạc đó, thường theo hướng vị kỷ và đề cao bản thân, nên thường qui lỗi cho người khác, để rồi cảm thấy mình bị cư xử tàn tệ, bất công và rơi vào tâm trạng chán nản, cay đắng, chua chát,  thất vọng và buông xuôi[5].

Tất cả những sức mạnh tâm lý trên có khi hoạt động trên tầng ý thức, có khi trong tiềm thức. Tuy không phải bao giờ chúng cũng điều khiển mọi thái độ và cách hành xử của chúng ta, nhưng tác động và ảnh hưởng của chúng quả là không nhỏ, nhất là khi chúng ta lơ là, không nhận ra và không thường xuyên luyện tập đức khiêm nhường, sự từ bỏ và phục vụ nhưng không vì tình yêu đối với Chúa và mọi người.

3. Một con người thụ động, lười biếng, trì trệ

Nicôđêmô không những hèn nhát, kiêu căng, mà còn là con người thụ động, lười biếng, trì trệ. Thánh Gioan thuật lại khi Chúa Giêsu trả lời Nicôđêmô: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?"

Phản ứng của Nicôđêmô cho thấy ông không nhận ra chiều kích siêu nhiên trong câu nói của Chúa Giêsu. Ông chỉ lưu ý đến sự sinh lại như một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, rất đòi hỏi vì sinh lại có nghĩa là khởi đi từ số không, là bắt đầu lại mọi sự. Một người trí thức, đầy kinh nghiệm sống như ông khó có thể chấp nhận sự từ bỏ tất cả để khởi đi từ số không.

Nicôđêmô là một người thiện chí, muốn đi tìm chân lý. Nhưng ông vẫn bị sa lầy và bị giam hãm trong những gì ông tin là mình biết rõ. Ông không thể vượt qua chướng ngại do những hiểu biết ông đã tiếp thu, do lối sống của giai cấp mà ông là thành phần. Hơn nữa, sự sinh lại đòi hỏi ông phải từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Từ bỏ những đặc quyền đặc lợi ông đang có: địa vị đáng kính trong xã hội, đời sống sung túc và ổn định. Ông ngại sự thay đổi. Ông ngán sự xáo trộn cho cuộc sống đang êm ấm của ông. Vì vậy, ông không thể hiểu những gì Chúa Giêsu nói. Đầy kinh ngạc, ông hỏi Chúa Giêsu: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?"

Suy nghĩ

Còn chúng ta thì sao? Với lòng chân thành và khiêm tốn, thái độ của Nicôđêmô sẽ giúp chúng ta khám phá những điểm yếu nơi bản thân. Những điểm yếu đó thế nào?

Đó có thể là sự thụ động, lười biếng, trì trệ nơi mỗi người chúng ta. Lười biếng, thụ động, trì trệ do năm tháng bào mòn sức trẻ, do tuổi đời ngày càng đè nặng nên mọi nhiệt tâm, mọi sáng kiến dần dần thui chột, do cuộc sống đơn điệu hằng ngày đã thành thói quen, do những thất bại, chán nản trong đời sống đạo đức cá nhân và trong công việc tông đồ. Tất cả đẽo gọt chúng ta thành những con người có “hình hài” rất khác với những buổi đầu hăng say và đầy lý tưởng. Những tích cực, nhiệt thành muốn thay đổi mọi sự giờ đây chỉ còn là thói quen thụ động làm sao cho xong nhiệm vụ. Những đổi thay làm chúng ta ngán ngại, thậm chí sợ hãi và muốn chống lại: thay đổi nhiệm sở, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi cách sống, thay đổi hoạt động tông đồ mục vụ, v.v. Thụ động, lười biếng, trì trệ sẽ làm ngọn lửa nhiệt tình yêu thương, phục vụ của người tông đồ, mục tử tàn dần và đến lúc nào đó sẽ nguội hẳn rồi tắt ngấm, nếu chúng ta không biết phân định và tìm lại sức sống mới, nói cách khác, không được sinh lại như Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô.  

4. Nicôđêmô, một con người được sinh lại nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu.

Nicôđêmô giúp chúng ta khám phá sự xơ cứng, trì trệ, lười biếng nơi bản thân. Nhưng câu truyện của ông không dừng lại đó. Chúng ta biết ông đã bênh vực Chúa Giêsu khi những người biệt phái và các thượng tế giận dữ vì các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu về tay không. Ông nói với họ: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" (Ga 7, 51). Rồi sau khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, ông đã đến đem theo thuốc thơm xức xác Chúa: “Sau đó, ông Giô-xép, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xép này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xép đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.” (Ga 19,38-39). Nicôđêmô đã vượt qua được sự trì trệ, sự sợ hãi đổi thay. Nhờ đâu?

Trước hết, ông là một người thiện chí, truy tìm chân lý. Khi nghe nói về Chúa Giêsu, ông đã cố gắng đến gặp Người, dù là gặp ban đêm vì còn nhát đảm.

Tuy cuộc đàm đạo với Chúa Giêsu không đem đến kết quả tức thời, nhưng chắc hẳn, Nicôđêmô cần thời gian và sự nỗ lực không ngừng của chính mình. Để rồi, cuối cùng, ông đã can đảm từ bỏ tất cả để sinh lại làm môn đệ Chúa Giêsu. Cuộc đàm đạo trong đêm tối đã gặt hái kết quả.

Còn chúng ta thì sao? Vào những ngày đầu chịu chức linh mục, chúng ta cương quyết theo Chúa Giêsu thế nào? Đầy ắp lý tưởng cùng nhiệt tình ra sao? Giờ đây, năm tháng trôi qua, biết bao nhiêu cám dỗ tự mãn, buông thả, xơ cứng, ngại dấn thân và đổi thay nảy sinh nơi bản thân, chúng ta có nhận ra không? Chúng ta có còn tin vào quyền năng Thiên Chúa như những buổi đầu không? Tin rằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta; Ngài có khả năng giải thoát và đổi mới, dù chúng ta yếu đuối, tội lỗi, dù chúng ta chán nản, mệt mỏi, muốn buông xuôi.

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài là Thần sức mạnh, là Thần Khôn ngoan và hiểu biết, xin hãy đến trợ giúp chúng con. Amen.

BÀI 3 - KHUÔN MẶT NGƯỜI MỤC TỬ ĐÍCH THỰC THEO THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1 Phêrô 5,1-4).

Thánh Phêrô đưa ra 3 lời khuyên cho các bậc kỳ mục coi sóc các cộng đoàn kitô hữu thuộc tỉnh Asia: chăn dắt đoàn chiên được trao phó 1/hoàn toàn tự nguyện; 2/ không vì lợi lộc thấp hèn; nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ và 3/ không lấy quyền mà thống trị, nhưng nêu gương sáng cho đoàn chiên. Chúng ta cùng suy nghĩ về 3 lời khuyên này.

1. Tinh thần tự nguyện[6]

“Lo lắng cho đoàn chiên không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn”. Đó là lời thánh Phêrô khuyên nhủ các kỳ mục thời đó, tức các linh mục ngày nay. Tinh thần tự nguyện là gì?

a. Tự nguyện là chọn lựa trong tự do và niềm vui.

Chính tôi muốn làm linh mục. Niềm vui của tôi là công việc tông đồ phục vụ của một linh mục. Sâu xa hơn, tôi phục vụ vì lòng yêu mến, trong tự do hoàn toàn. Đó là tính chất của người tông đồ linh mục: làm mọi sự vì tự nguyện, vì sẵn lòng, chứ không bị miễn cưỡng. Người tông đồ linh mục thi hành tác vụ linh mục cách sẵn lòng sẽ toả sáng niềm vui, toả sáng lòng yêu thương trong công việc tông đồ dù gặp muôn vàn những khó khăn, thử thách, đau khổ.

b. Tự nguyện là phục vụ nhiệt tình, dấn thân trọn vẹn.

Thánh Phaolô tông đồ dạy: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12, 6-8).

Người tông đồ làm việc phục vụ không vì lợi lộc vật chất, không mệt mỏi chán nản như bị bắt buộc; trái lại, luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ quên mình, không nề hà thời giờ, sức lực, tiền bạc. Nếu chỉ làm việc phục vụ vừa đúng bổn phận, tuy không ai trách móc được điều gì, nhưng người như vậy sẽ không sống đời tông đồ viên mãn, trọn vẹn được.

c. Tự nguyện là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô nói: “Hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Galát 5, 22-23).

Người tông đồ tự nguyện chắc chắn sẽ luôn bình an, vui tươi, nhân hậu, trung tín, hiền hoà, như thánh Phaolô nói trên. Vì sao? Thưa vì tinh thần tự nguyện của người tông đồ là hoa trái phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Người tông đồ làm việc phục vụ miễn cưỡng sẽ không có niềm vui, không bao giờ được bình an, dễ nóng giận, gay gắt, nạt nộ, trả thù, nhỏ mọn.

Suy nghĩ

1) Tôi sống và thi hành tác vụ linh mục tông đồ phục vụ thế nào? Cử hành các bí tích, nhất là dâng thánh lễ, ngồi toà giải tội ra sao? Miễn cưỡng hay tự nguyện trong niềm vui?

2) Đối với giáo dân trong giáo xứ, tôi cư xử thế nào? Có yêu thương, quan tâm đến giáo dân, nhất là đối với những người chống đối, khô khan, lạc đạo, nghèo khổ, bệnh tật, như Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành không?

3) Tôi có nhớ tác vụ linh mục và công việc tông đồ phục vụ của tôi được Chúa trao phó không? Tôi có coi tác nhân chính cho mọi hoạt động tông đồ phục vụ của tôi là Thiên Chúa không? Hay tôi coi đó là của riêng mình? Đâu là những dấu chỉ cho biết tôi coi Chúa là tác nhân chính hoặc ngược lại?

2. Không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.

Để hiểu rõ lời khuyên thứ hai của thánh Phêrô, chúng ta hãy nhìn vào đời sống tông đồ của thánh Phaolô, hầu khám phá quan niệm và cách sống của ngài về của cải vật chất[7].

“Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu” (Cv 20, 32-38).

Sống nghèo khó theo tinh thần phúc âm của thánh Phaolô

Thánh Phaolô tỏ lộ với các kỳ mục Êphêsô ở Milêtô: "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham”. Ngài muốn nói mình không tìm kiếm lợi lộc vật chất nào khi thi hành sứ vụ tông đồ. Ngài cũng cho biết: “những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp”. Ngài tự kiếm sống cho mình và những người cộng tác với ngài, chứ không muốn làm phiền đến ngân quỹ ít ỏi của cộng đoàn Êphêsô còn non trẻ về đức tin. Thánh nhân còn nhấn mạnh: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Trước hết, những người đau yếu đây được hiểu là những người nghèo. Ngài không những dệt vải lều để nuôi mình, các người đi theo, mà còn giúp đỡ những người nghèo trong cộng đoàn. Những người đau yếu đây cũng có thể được hiểu là những người có đức tin non yếu trong cộng đoàn Êphêsô. Đây là những người rất để ý đến vấn đề tiền bạc của tông đồ Phaolô và các cộng sự. Rất có thể trước đây, khi còn là người ngoại giáo, họ thường lui tới các đền thờ mà ở đó, các tư tế ngoại giáo buôn thần bán thánh gây gương mù cho họ. Thánh Phaolô làm việc để chứng tỏ lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của ngài không nhắm mục đích là kiếm tiền, hay lợi lộc vật chất. Có thể nói, thánh Phaolô thực sự sống sự khó nghèo Phúc Âm của người tông đồ. Còn linh mục chúng ta thì sao?

Suy nghĩ

a. Khó nghèo tiền bạc vật chất

Chúng ta đều trải qua kinh nghiệm không nhiều thì ít về tiền bạc. Những ngày đầu của đời linh mục, rất dễ sống khó nghèo vì lúc ấy, nhiệt tình của chúng ta còn mạnh mẽ và nhu cầu vật chất còn đơn giản. Nhưng rồi thời gian trôi qua, những nhu cầu trực tiếp hay gián tiếp, cần thiết hoặc cho là cần thiết phát sinh làm chúng ta thấy cần phải tích trữ tiền bạc, và thường khi đã bắt đầu, chúng ta sẽ có khuynh hướng tích trữ quá mức, vì chúng ta nghĩ để đáp ứng những nhu cầu trước mắt và nhất là tương lai thì tiền bạc bao nhiêu cũng không thừa. Dần dà, tính bất vụ lợi yếu đi, sự tin tưởng và niềm vui sống cho lý tưởng linh mục suy giảm, nhất là với thời gian, tuổi tác, sức khoẻ từ từ giảm sút, bệnh tật đến gần. Lúc ấy, sống từ bỏ, vô vị lợi vì lý tưởng tông đồ đòi một cố gắng và can đảm phi thường, và là một nhân đức không còn dễ thi hành nữa.

b. Khó nghèo tinh thần

Người tông đồ, linh mục, không chỉ sống sự khó nghèo Phúc Âm về tiền bạc, vật chất, mà còn tinh thần nữa. Khó nghèo tinh thần liên quan đến con tim, đến tấm lòng. Theo thánh Phaolô, khó nghèo tinh thần là trở nên người ‘nô lệ’ của Đức Kitô. Yêu thương đoàn chiên như Đức Kitô, với tình yêu của Đức Kitô, nghĩa là yêu thương đoàn chiên hoàn toàn vô vị lợi, đến sẵn sàng hi sinh mọi sự, kể cả mạng sống. Yêu thương để dẫn đoàn chiên về với Đức Kitô, chứ không phải về với bản thân linh mục. Linh mục chúng ta rất thường bị cám dỗ dùng sức mạnh tinh thần, kể cả sức mạnh của tình yêu, nhưng đây là tình yêu vị kỷ, để chiếm hữu đoàn chiên cho mình, thay vì đưa họ về với Chúa. Điều đáng quan ngại là nhiều khi sự chiếm hữu làm của riêng ấy lại khoác một bộ mặt đạo đức giả hình tinh tế, một dấn thân tích cực bề ngoài ít ai khám phá ra.

Một trong những khía cạnh của khó nghèo tinh thần mà chúng ta cần cảnh giác đó là ước muốn hay khao khát muốn thống trị, chiếm hữu người khác về tinh thần (la libido dominandi spirituelle). Ước muốn thống trị người khác khiến chúng ta muốn chiếm hữu họ để lấp đầy một trống vắng nào đó nơi ta, có thể đó là trống vắng tình cảm riêng tư chẳng hạn. Khởi đầu, thái độ này dễ sửa, nhưng khi đã thành thói quen, tập quán bám rễ sâu và che dấu bằng những biểu lộ bên ngoài tinh tế, khéo léo, thì hầu như vô phương thay đổi. Lúc ấy, ước muốn thống trị về tinh thần sẽ biểu ít là ở 2 phương diện sau:

- Những người chúng ta thống trị và chiếm hữu sẽ là của riêng, ta sử dụng họ theo những dự tính, ý đồ riêng của ta, thường có tính vị kỷ, phe nhóm đóng kín hơn là cởi mở đón nhận mọi người để phục vụ.

- Những người chúng ta thống trị và chiếm hữu có thể bị xúc phạm và tổn hại nghiêm trong cả về tinh thần lẫn thể lý. Ta sử dụng họ để thoả mãn nhu cầu, hoặc đam mê cá nhân của ta. Khi đó, hình ảnh linh mục sẽ méo mó, biến dạng thê thảm.

Chúng ta hãy tự hỏi: tôi đã thực hành sự nghèo khó Phúc Âm về vật chất và tinh thần thế nào?

Xin Chúa là Đấng đã đến trần gian sống khó nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất ban ơn trợ giúp chúng ta biết luôn sám hối và canh tân, hầu trở nên những linh mục tông đồ dấn thân phục vụ đoàn chiên không vì ham hố lợi lộc vật chất thấp hèn, nhưng hoàn toàn vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.

3. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.

Về lời khuyên thứ ba, xin mỗi người chúng ta hãy tự suy nghĩ và xét mình lại: đâu là những biểu hiện nơi chúng ta về thái độ dùng quyền thống trị đoàn chiên? Đâu là những gương sáng chúng ta đã nêu cho đoàn chiên noi theo? Xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, ban sức mạnh để chúng ta nhận ra con người mục tử của chính mình và quyết tâm đổi mới.

BÀI 4 - KHUÔN MẶT NGƯỜI TÔNG ĐỒ BIẾN HÌNH TOẢ SÁNG CỦA THÁNH PHAOLÔ[8]

Nhờ trải qua nhiều khổ đau, thánh Phaolô được thanh luyện tâm hồn và làm một cuộc biến hình, nghĩa là một sự thay đổi toàn bộ cuộc đời ngài. Suy tư về cuộc biến hình của thánh Phaolô cũng là suy tư về cuộc biến hình của chính linh mục chúng ta.

Như chúng ta biết, thánh Phaolô trải qua nhiều khổ đau trên con đường rao giảng Tin Mừng. Sau nhiều năm cùng nhau đi loan báo Tin Mừng, Thánh Phaolô và Barnaba chia tay vì bất đồng. Xung đột giữa thánh Phaolô với các cộng đoàn, nhất là những cộng đoàn mà thư thứ nhất gởi cho các tín hữu Côrintô nhắc đến, làm cho ngài lâm vào tình trạng nóng này, đau khổ và đơn độc; Xung khắc giữa Phaolô với Phêrô ở Antiôkia đưa ngài vào một tình thế lúng túng và khó khăn, v.v.

Chính nhờ trải qua những đau khổ, thánh Phaolô tông đồ đã làm một cuộc biến hình như Đức Kitô. Qua các thư ngài viết, chúng ta phải kinh ngạc trước ánh sáng rực rỡ từ tâm hồn ngài toả ra đến nỗi dù đã hơn 2000 năm, khi đọc những dòng chữ đó, chúng ta vẫn cảm nhận được ngài là một nhân vật đầy sức sống, phong phú, và rực sáng. Sự toả sáng của thánh Phaolô lôi cuốn mọi người và là một nét bí ẩn trong hoạt động tông đồ của ngài. Sự toả sáng đầy sức sống đó là thành quả của một hành trình dài nhiều thử thách cam go, đầy đau khổ nặng nề, với những lời cầu nguyện không ngừng đầy tin tưởng dù lâm cảnh thất vọng.

Linh mục chúng ta cũng được mời gọi hãy biến hình toả sáng như thánh Phaolô qua những đau khổ, thử thách, mệt mỏi, trong đời tông đồ, phục vụ đoàn chiên, nhờ ơn Chúa ban.

Sự tỏa sáng của thánh Phaolô thế nào? Thánh Phaolô toả sáng qua 3 tâm tình bên trong và 2 thái độ bên ngoài sau đây.

1. Ba tâm tình bên trong của cuộc biến hình

a. Tâm tình an vui.

“Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7,4). Thánh Phaolô liên kết niềm vui tràn đầy của ngài với muôn vàn những thử thách ngài đã trải qua. Đây không phải là niềm vui chóng qua của tình cảm hay khiên cưỡng của lý tưởng: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7). Ngài nhìn nhận niềm vui lạ lùng của mình phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không do bản tính tự nhiên vui vẻ, lạc quan; niềm vui đó không do người phàm mà có. “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4, 8-10).

Đây không phải là tâm trạng tĩnh mịch, mà là một niềm vui thực sự, đi liền với những lo âu đè nặng trên ngài, với tất cả những buồn phiền ngài chịu, với những hiểu lầm tạo thành bi kịch thường ngày. Do bản tính tự nhiên trời sinh, thánh Phaolô dễ bị suy nhược thần kinh, nên ngài hay rơi vào sự trầm cảm thái quá và chán nản. Dần dà, nhờ kinh nghiệm, ngài nhận ra rằng trong đời sống người tông đồ không giây phút chán nản nào mà không thể thắng vượt nhờ sức mạnh siêu nhiên Chúa ban. Niềm vui lạ lùng, siêu nhiên đó của ngài lan toả trên những ai cộng sự với ngài và trên cả cộng đoàn ngài rao giảng và thành lập dù đó không phải là những cộng đoàn lý tưởng, hoàn thiện.

b. Tâm tình tạ ơn

Thánh Phaolô thúc giục các kitô hữu vui mừng tạ ơn Chúa Cha (Col. 1, 12). Điểm đặc trưng của linh đạo thánh Phaolô là liên kết niềm vui với tạ ơn. Tất cả các thư của ngài đều bắt đầu bằng lời cầu nguyện tạ ơn trừ thư gởi các tín hữu Galata vì đó là thư khiển trách. Thánh Phaolô nhận biết mình phải tạ ơn và những lời tạ ơn của ngài không phải là trống rỗng, nhưng phát xuất từ những cảm nhận sâu xa của bản thân. Chính dòng đầu tiên của tất cả các sách Tân ước là những lời tạ ơn. Theo các nhà chú giải có lẽ thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi các tín hữu Thessalônica là bản văn cổ xưa nhất trong các sách Tân ước, có trước cả các sách Phúc Âm. Thư đó bắt đầu như sau: “Chúc anh em được ân sủng và bình an. Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em” (1Tx 1,1-2).

Nơi thánh Phaolô, không bao giờ chúng ta gặp thấy những lời than vãn vô bổ. Đôi khi ngài lên án, nhưng không bao giờ có thái độ biểu lộ sự cay đắng. Nhờ sự biến hình tỏa sáng của đời tông đồ, ngài được ơn luôn nhìn ra những điều tốt. Lá thư nào cũng bắt đầu bằng lời tạ ơn chứng tỏ ngài luôn nhận ra khía cạnh tích cực của cộng đoàn trước mọi khía cạnh khác, dù sau đó, ngài phải nói đến những vấn đề nghiêm trọng là những khía cạnh tiêu cực. Ví dụ, ngay đầu lá thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô, ngài ca ngợi cộng đoàn đã nhận được mọi ơn huệ và khôn ngoan Chúa ban; rồi mới khiển trách họ. Đây không phải là sự mâu thuẫn, rời rạc, không ăn ý trong một lá thư. Với con mắt đức tin, ngài thấy nơi những kitô hữu gốc dân ngoại mới trở lại dù chỉ là một đức tin non nớt, yếu kém thì đã là một ơn huệ quí giá xứng đáng được nhắc đến để họ ca tụng Thiên Chúa không ngừng rồi.

Một linh mục biết tạ ơn sẽ dễ dàng nhận biết những điều tốt đẹp xảy ra xung quanh mình là do ơn Chúa ban. Linh mục đó sẽ luôn khám phá ra khía cạnh tích cực của đoàn chiên dù họ có khuyết điểm, tiêu cực đến đâu đi nữa.

c. Tâm tình ngợi khen, ca tụng

Nơi thánh Phaolô, chúng ta tìm thấy những lời ca tụng tuyệt diệu bắt nguồn từ những lời chúc tụng thuộc Do Thái giáo. Với cái nhìn toàn bộ đời sống cộng đoàn là đời sống trong Đức Kitô nên ngài ca tụng Thiên Chúa không ngừng. “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep. 1,3). Lời cầu nguyện của thánh Phaolô qua các thư của ngài, trước hết, đều là những lời cầu nguyện ngợi khen, ca tụng. Chính nhờ đó, ngài có thể nhìn ra giá trị thiêng liêng của những giờ phút đen tối nhất trong cuộc đời ngài. “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Cr 1,3-4). Chúng ta có thể lấy những lời này để diễn tả tình cảm đạo đức sâu xa nhất của chính mình.

Xin Chúa cho chúng ta được ơn trở nên người tông đồ biến hình toả sáng như thánh Phaolô.

2. Hai thái độ bên ngoài của cuộc biến hình.

a. Kiên trì không mệt mỏi

Ngay khi trở lại, thánh Phaolô lập tức rao giảng ở Đamas và hậu quả là phải chạy trốn; khi đến Giêrusalem, ngài lại rao giảng ở đó, nhưng rồi người ta lại bắt buộc ngài phải ra đi; ngài trở về và ở lại quê hương Tarsô một thời gian rất lâu, không làm gì cho đến khi được kêu gọi lại, ngài lại lên đường, quên hết những đắng cay thất bại trước kia. Suốt hành trình truyền giáo, mỗi giai đoạn là một khởi đầu mới; rao giảng ở Antiôkia miền Psiđia, ngài bị săn đuổi, nên chạy đến Iconium; ở đó, ngài bị đe doạ mưu sát, người ta dự tính ném đá ngài, nên ngài chạy đến Lystra. Ở Lystra, ngài nhận một trận mưa đá. Chúng ta hãy nghe thánh Luca kể lại trong sách công vụ tông đồ: “Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba. Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a” (Cv 14, 19-21). Ở Athena, ngài bị các triết gia làm nhục, chê cười, nhưng ngay sau đó, ngài đi Côrintô và lại bắt đầu rao giảng. Sự kiên trì trong sứ vụ tông đồ của ngài không do sức loài người, mà do tình yêu Thiên Chúa đổ tràn tâm hồn ngài qua Chúa Thánh Thần (Rm 5,5). Đó là một ơn huệ Thiên Chúa ban nên ngài không chán nản, bỏ cuộc dù gặp chống đối, thất bại.

Ngài tiến lên phía trước không ngừng nghỉ: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5). Nếu những lời trên do một tân tòng tuyên bố trong những giờ phút đầu tiên đầy nhiệt tình, chúng ta có thể nghĩ họ thiếu kinh nghiệm; nhưng đây là những lời của một nhà truyền giáo đã trải qua 20 năm thử thách thì khác và đáng cho chúng ta suy nghĩ sâu xa. Không một sức mạnh nhân loại nào có thể khơi gợi một thái độ quật cường, kiên trì như vậy, nếu không phải là do tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy nhờ Thánh Thần được ban trong lòng.

b. Tự do tinh thần

Thánh Phaolô không chịu áp lực phải theo truyền thống vốn có. Ngài tự do hành động theo ơn Chúa thúc đẩy. Một ví dụ về tự do tinh thần của thánh Phaolô. Trong thư gởi các tín hữu Galata, ngài viết rằng về phương diện loài người, cắt bì cho Titô theo ý muốn những kitô hữu gốc Do thái có lẽ là khôn ngoan hơn, nhưng khi đến Giêrusalem, chính Titô là người Hy lạp cũng không bị ép phải cắt bì, nên ngài nói: “Nhưng với những người ấy, chúng tôi đã không chịu nhượng bộ, dù chỉ trong giây lát, để duy trì cho anh em chân lý của Tin Mừng” (Gl 2,5). Thánh Phaolô không a dua theo dư luận quần chúng, hoặc theo những ý tưởng có sẵn; thật khó giữ vững tư tưởng cá nhân biệt lập giữa một não trạng phổ biến, và một văn hoá thịnh hành có những quan điểm đối lập. Nhưng thánh Phaolô giữ vững tự do tuyệt đối vì nơi ngài, sức mạnh nội tâm do ơn Chúa thúc đẩy rất phong phú, dồi dào. Nhờ sức mạnh đó, ngài chỉ trích thái độ giả hình của Phêrô và Barnaba. “Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ” (Gl 2,11-13).

Tự do tinh thần của thánh Phaolô không phải là tuỳ tiện, cũng không phải tự phụ, nhưng do ý thức mình hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, là người phục vụ cho Đức Kitô và có thể nói là nô lệ của Chúa. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Phải, tôi đây, Phao-lô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô sẽ không có ích gì cho anh em. Một lần nữa, tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì là : người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật. Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng. Quả thật, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái. anh em đang chạy ngon trớn như thế mà ai đã ngăn cản anh em vâng phục chân lý? Lời dụ dỗ ấy không phát xuất từ Đấng kêu gọi anh em. Một chút men làm cả khối bột dậy men. Đối với anh em, trong Chúa, tôi tin tưởng rằng, anh em sẽ không nghĩ khác. Còn kẻ phá rối anh em thì phải chuốc lấy án phạt, bất kể người ấy là ai. Về phần tôi, thưa anh em, giả như tôi còn rao giảng phép cắt bì, thì tại sao tôi lại vẫn bị ngược đãi? Như thế, thập giá đâu còn là chướng ngại nữa! Những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, phải chi họ tự thiến cho xong! Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,1-13). Khó có thể diễn tả những gì thánh Phaolô nói bằng ngôn ngữ của chúng ta. Tốt hơn hết, chúng ta hãy để những lời do Thánh Thần linh ứng mà thánh Phaolô viết ra, tác động trong tâm hồn chúng ta.

* Suy nghĩ

Cuộc biến hình toả sáng của thánh tông đồ Phaolô là khuôn mẫu cho linh mục chúng ta.

Đời tông đồ của ngài đã biến hình toả sáng, chính là nhờ ơn Chúa ban, chứ không phải là thành quả do nỗ lực của ngài. Nhìn nhận chỉ có Chúa mới biến đổi chúng ta do lòng thương xót của Người, đó là cách tốt nhất để đời tông đồ chúng ta toả sáng như thánh Phaolô.

1) Phương thế thứ nhất để nhận lãnh ơn Chúa là chiêm ngắm trái tim Chúa Giêsu bị đóng đinh qua Lời Chúa và Thánh Thể.

2) Phương thế thứ hai là nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, để chúng ta đón nhận ơn Chúa hầu có một con tim toả sáng trong niềm vui, trong lời ca tụng, tạ ơn, trong kiên trì và tự do như thánh Phaolô.

3) Phương thế thứ ba là chia sẻ trong tình hiệp thông huynh đệ linh mục. Khi bóng tối bao phủ, hãy đặt bàn tay lên vai những anh em còn thấy ánh sáng. Ở đây, có ý nói, chúng ta cần có cha linh hướng, cần sự hướng dẫn trong đời sống thiêng liêng, tông đồ, cần biết sám hối, xưng tội. Đây là những cách thế cụ thể để chúng ta khơi gợi và gìn giữ ơn huệ toả sáng biến hình của người tông đồ.

4) Phương thế thứ tư là tỉnh thức phúc âm“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ; tinh thần thì mau lẹ, nhưng xác thịt thì yếu đuối; hãy tỉnh thức và kiên vững trong đức tin”. Tự sức mình, con người chúng ta mau mệt mỏi, chán nản, vì thế dù là giáo dân hay linh mục, đều phải xác tín rằng: không ai chắc chắn mình sẽ kiên trì đứng vững; điều tệ hại nhất là nghĩ mình đã đạt đến mức độ ổn định đến nỗi sự cẩn trọng không còn cần nữa. Tân ước dạy cho biết rằng vào giờ chết, ma quỷ rình rập tìm cách giết chết niềm vui, đức tin và ước muốn ca tụng Thiên Chúa nơi ta. Hãy luôn tỉnh thức vì biết rằng cuộc chiến sẽ không có giây phút nào ngừng nghỉ và rất có thể bất ngờ chúng ta lại rơi vào tâm trạng chán nản, mệt mỏi, nóng giận, thất vọng; hoặc ngược lại, bị thú vui trần gian lôi cuốn hút. Thánh Phaolô thường xuyên nhắc đến sự tỉnh thức và kiên trì trong cầu nguyện.

Lạy Mẹ Maria xin chuyển cầu cho chúng con được tỉnh thức với Mẹ, với Chúa Giêsu, con Mẹ, với thánh Phaolô, để chúng con được biến hình, toả sáng trong đời sống tông đồ.

Nguồn: giaophanlongxuyen.org (12.01.2023)



[1] Những bài suy niệm này dựa trên các bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini.

[2] Theo cuốn “Samuel”, của ĐHY Martini.

[3] Tư tế Êli không chỉ lo việc tế tự, ông còn là thủ lãnh của dân vì thời đó chưa có vua. Sách 1 Samuel cho biết ông “làm thủ lãnh xét xử Israel bốn mươi năm” (1Sm 4,18).

[4] Khi đến gặp Chúa Giêsu lần đầu vào ban đêm.

[5] Trong cuốn “Những lá thư viết từ sa mạc”, ở chương 15 “cuộc nổi loạn của những người tốt bụng”, Carlo Carretto viết: “Việc tôi chọn chỗ rốt hết trong ơn gọi thực ra không có ý nghĩa gì hết. Điều đáng nói là mỗi ngày trong đời tôi, tôi cố gắng ở lại trong chỗ rốt hết ấy”. Carlô nhắc đến “căn bệnh cho mình là nạn nhân” ví dụ, trong một gia đình, mọi gánh nặng đều đè lên vai người mẹ. Người mẹ hi sinh mọi sự cho chồng con. Nhưng quả tim người mẹ đó có thể dần dần phát triển một khối u của căn bệnh “cho mình là nạn nhân” và đến một lúc bà gào lên: “Đủ rồi! Cho đến nay tôi đã phục vụ các người như một tên đầy tớ, thế mà các người không nhận ra!... Những điều đó xảy ra trong một cộng đoàn thì cơn giông tố càng lớn mạnh hơn nhiều… Rất hiếm khi trong cuộc đời dài lâu, trong rừng rậm nơi chúng ta vật lộn, chúng ta lại không là nạn nhân của một người khác và phải hứng chịu một hành động bất lương, một cú đá, thậm chí một phát súng nữa. Lúc đó, gập người dưới sức nặng của bất công hoặc nằm dài trên giường với nỗi đau khổ của mình, chúng ta bắt đầu nếm những thú vui của nạn nhân chủ nghĩa…” Anh Carlô nhắc đến Thiên Chúa hiến dâng con của Ngài là Đức Giêsu Kitô như một lễ vật. Đức Giêsu đã không kêu gào đòi công lý. Ngài chấp nhận cái chết để thiết lập luật tha thứ, luật của lòng thương xót. Anh viết tiếp: “Phải, cần vượt xa công lý, cho cả tôi nữa. Để chiến thắng chứng hoại thư của chủ nghĩa nạn nhân… như Chúa Giêsu, tôi phải khó nhọc leo ngược lên triền dốc của đau khổ và can đảm đi xuống gặp gỡ anh em tôi…” (“Những lá thư viết từ sa mạc”, Carlô Carrettô, trang 193-204). Ở đây, Carlô nói đến những bất công thực sự phải chịu. Còn trường hợp những bất công do chúng ta nghĩ hoặc tưởng tượng, hoặc phóng đại, tuy có khác, nhưng hậu quả vẫn là một.

[6] Theo ĐHY Martini, “Apôtre, projet de vie ou mandat?”, trang 72-78

[7] ĐHY Martini, “Prêtres quelques années après”, trang 150-153.

[8] ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul, face à lui-même”, trang 110-127.

LỊCH PHỤNG VỤ