ĐỐI THOẠI NHƯ LÀ SỰ CHUẨN NHẬN ƠN GỌI HIẾN DÂNG
Hungary, 15-11-2022
Giuse Phạm Đình Ngọc
SJ
WHĐ (21.11.20022) -
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một câu hỏi rất thường gặp: “Làm sao để biết mình có
ơn gọi hiến dâng?” Trong câu hỏi này, chúng ta muốn biết Thiên Chúa có muốn
mình đi tu không? Hoặc kể cả những tu sĩ, chủng sinh, câu hỏi này cũng nên lặp
lại như là cơ hội để thấy động lực ơn gọi mình mạnh yếu ra sao? Để trả lời cho
những thắc mắc này, truyền thống tu đức cho rằng đối thoại sẽ đóng một vai trò
quan trọng trong việc Thiên Chúa chuẩn nhận cho ơn gọi của đương sự.
Ai cũng rõ đi tu là
bước theo Chúa Giêsu (sequela Christi),
dấn thân vào mối tình với Thiên Chúa. Thách đố là Thiên Chúa vô hình, Ngài dùng
ngôn ngữ khác để mời gọi người ta, so với ơn gọi của những nghề nghiệp. Hẳn
nhiên đi tu không phải là một nghề, nhưng là một ơn gọi giữa tôi và Thiên Chúa.
Vì ý nghĩa này mà việc phân định ơn gọi tu trì cũng diễn ra hơi khác so với việc
đi tìm nghề nghiệp hoặc chọn học một trường nào đó. Bài viết dưới đây tôi mon
men đi vào chủ đề đối thoại để nhận ra nơi đó Thiên Chúa có thực sự mời gọi
đương sự đi tu hay không?
1. Không gian của đối thoại
Hầu hết chúng ta đồng
ý rằng đối thoại nghĩa là có người nói và người nghe. Trong đó khoảng không
gian của thinh lặng để lắng nghe đòi hỏi người ta cần để ý. Thinh lặng không có
nghĩa là thụ động, bịt tai khép kín con tim. Ngược lại, ở đây chúng ta nói đến
thinh lặng tích cực, nghĩa là sẵn lòng lắng nghe người khác. Về khung cảnh bên
ngoài, thinh lặng giúp cho tiếng nói của một ai đó rõ hơn, vang xa và sâu hơn.
Nhờ đó, chúng ta có thể đón nhận được thông điệp một cách chính xác hơn. Nhiễu
âm là do tiếng ồn, hoặc do khoảng cách quá xa giữa hai người đang đối thoại.
Như thế, xét về khoảng cách cũng quan trọng để chúng ta có thể lắng nghe, chiêm
ngắm và cảm nhận được thông điệp và cả những biểu hiện của người nói.
Với thinh lặng
trên, chúng ta có thể hiểu đó là thời gian của cầu nguyện. Thinh lặng của cầu
nguyện giúp người ta dễ dàng đối thoại với nhau. Trong việc phân định ơn gọi,
thái độ thinh lặng này lại càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, đây là một thách
đố không nhỏ đối với các bạn trẻ đang tìm hiểu đời tu. Không sao! Nếu các em được
giúp, hoặc chính các em ý thức điều này, với thời gian và thực hành, các em
cũng có thể bước vào việc đối thoại với bầu không khí của nguyện cầu.
Có thể quý độc giả
nghĩ ngay rằng tôi đang viết về việc đối thoại với Thiên Chúa. Điều ấy rất
đúng, nhưng chưa đủ. Kể cả khi chúng ta đối thoại với nhau hoặc với chính mình,
thinh lặng ấy cũng giúp rất nhiều để chúng ta nhận ra ơn gọi đích thực của
mình. Do đó, thật quý để mỗi người tạo cho nhau khoảng không gian thánh[1],
chúng ta tạm gọi như thế. Không gian thánh nghĩa là ở đó có Thiên Chúa, có sự
hiện diện của Chúa Thánh Thần. Trong thinh lặng, cả tiếng nói của Chúa và tiếng
nói của con người sẽ được đón nhận. Chúng ta gọi đó là sự thấu hiểu nhau trong
những cuộc đối thoại. Bởi nói như thánh Charles de Foucauld: “Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải
đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi
để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm
theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.” (Youcat
342).
Trong không gian và
thời gian thánh thiêng này, chúng ta bắt đầu đi vào mối tương quan giữa chủ thể
và Thiên Chúa.
2. Đối thoại với
Thiên Chúa
Ơn gọi dâng hiến
luôn phát xuất từ một tiếng gọi đến từ Thiên Chúa. Tiếng gọi ấy lúc đầu thường
là rất nhẹ nhàng và bất ngờ. Hầu như không ai biết chính xác tiếng gọi ấy có từ
lúc nào. Nhưng phải thừa nhận rằng đến một lúc đương sự cảm nhận được hình như
Thiên Chúa đang mời gọi tôi làm điều gì đó, hoặc muốn tôi bước vào đời tu (hoặc
chủng viện). Bước khởi đầu này chính là điểm xuất phát để người ấy lên đường
khám phá ơn gọi của mình. Tất cả những người giúp về ơn gọi đều mời gọi đương sự
tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa. Đây là con đường quan trọng nhất để người ấy
biết mình có ơn gọi hay không. Hẳn nhiên không ai dám quả quyết người ấy có ơn
gọi dâng hiến 100%, ngoại trừ Thiên Chúa.
Đối thoại với Thiên
Chúa tức là nói cho Ngài biết những khao khát và thắc mắc của mình. Bên cạnh đó
bạn cũng cần lắng nghe Chúa đang nói điều gì. Vế đầu hình như rất dễ thực hiện,
nhưng vế sau thường thách đố cho mỗi người. Lắng nghe Thiên Chúa nghĩa là để ý
trong tâm hồn mình đang diễn ra những gì. Linh đạo của thánh I-nhã cho rằng cảm
xúc hoặc những cảm nhận cũng cho thấy Thiên Chúa đang muốn nói với bạn điều gì.
Chẳng hạn trong hoặc sau giờ cầu nguyện, trò chuyện với Thiên Chúa, bạn cảm thấy
vui vẻ hạnh phúc hay sầu buồn chán nản. Theo từ chuyên môn, bạn đang gặp sầu khổ
hay an ủi thiêng liêng. Sầu khổ thiêng liêng nghĩa là “sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp
hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng,
trông cậy, lòng mến; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị
lìa xa Đấng Tạo Hóa.”[2].
Ngược lại, “an ủi thiêng liêng là an ủi
khi trong linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa
kính mến Ðấng Tạo Hóa và Chúa mình, (...). Ðó cũng là trường hợp linh hồn chảy
nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương
khó của Ðức Kitô. (...). Sau cùng, an ủi mọi gia tăng của lòng tin- cậy- mến,
cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời
và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình
trong Ðấng Tạo Hóa và Chúa mình”[3].
Qua những “kênh này” bạn có thể đối thoại với Thiên Chúa, nghe tiếng Chúa rõ
hơn. Nếu ai đó hỏi sao bạn biết mình cầu nguyện được, bạn có thể kể cho người ấy
cảm xúc của mình đã diễn ra trong và kể cả sau khi đối thoại trò chuyện với
Thiên Chúa. Cũng giống như bạn gặp gỡ một người bạn, hoặc người yêu, chắc chắn
bạn phải có cảm xúc nào đó khi lắng nghe, đối thoại. Chúng ta không phải là
rô-bốt, nhưng là con người có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Do đó chúng ta
cũng cảm nhận được Thiên Chúa qua cung bậc cảm xúc này.
Bạn càng khao khát
gặp Thiên Chúa, cung bậc cảm xúc của bạn càng rộn ràng hơn. Nhất là khi bạn trò
chuyện với Chúa về khao khát ơn gọi của bạn, Thiên Chúa chắc chắn sẽ có cách để
cho bạn cảm nhận được. Cứ mạnh dạn bàn bạc với Chúa về những nỗi niềm của bạn.
Nói cách khác, để cảm nhận rõ ơn gọi của mình, không còn cách nào khác là bạn cần
gặp Chúa. Chính Thiên Chúa cũng muốn gặp bạn để đối thoại về khao khát của bạn.
Có khi sau cuộc đối thoại đó, bạn biết mình có ơn gọi dâng hiến hoặc là không.
Dù kết quả nào đi nữa, bạn cần tạ ơn Chúa. Ơn gọi nào cũng tốt, miễn là Thiên
Chúa muốn trao cho bạn món quà ơn gọi này. Chỉ như thế người tu sĩ (hoặc chủng
sinh) mới hy vọng sống hạnh phúc trong đời tu.
Một khó khăn đối với
người đang tìm hiểu ơn gọi là họ khó cầu nguyện. Lý do là bạn trẻ ấy chưa có
nhiều kinh nghiệm trong cầu nguyện, hoặc không phân biệt được tiếng Thiên Chúa
hoặc tiếng ai đó muốn mình đi tu. Thánh Têrêxa Avila chia sẻ với bạn rằng: “Theo ý kiến tôi, cầu nguyện không khác gì một
cuộc đối thoại với một người bạn mà ta thích gặp riêng tư với nhau, để nói với
nhau vì bạn yêu ta.” (Youcat 469). Nếu chưa rõ, bạn cũng cần bình tĩnh để đối
diện vấn đề này[4].
Trên hành trình đối thoại này, bạn không cô đơn, nhưng luôn có Thiên Chúa.
Chính Ngài sẽ gửi những người có kinh nghiệm để giúp bạn trò chuyện với Chúa.
Do đó, chúng ta chuyển sang cuộc đối thoại thứ hai.
2. Trò chuyện với người khác
Bạn đừng gặp ai
cũng hỏi ý kiến về nỗi băn khoăn ơn gọi của mình. Như thế, bạn sẽ vướng vào trường
hợp “lắm thầy nhiều ma”. Ở đây bạn
nên hỏi những người có kinh nghiệm về đời tu. Người này sẽ trò chuyện với bạn
như một người đồng hành. Cuộc đối thoại này dĩ nhiên cũng diễn ra trong không
gian của nguyện cầu. Cả hai tin rằng Thiên Chúa vẫn đang ở với họ, giúp họ phân
định ơn gọi. Cụ thể, người này có thể là người phụ trách ơn gọi của một hội
dòng nào đó bạn thích, hoặc một chủng viện bạn muốn vào. Họ vừa am hiểu về đường
hướng của chủng viện hoặc nhà dòng, vừa được đối thoại với bạn.
Bạn có thể biết nhà
dòng hoặc chủng viện qua một người giới thiệu hoặc qua Internet. Những nơi ấy
luôn mở cửa chào đón bạn. Tôi tin những người giúp các bạn trẻ nhận định ơn gọi
luôn sẵn lòng đối thoại với bạn. Trong cuộc đối thoại này, họ sẽ trình bày cho
bạn những nét sơ lược về hội dòng hay chủng viện của họ[5].
Chẳng hạn bạn là nam muốn trở thành tu sĩ, dĩ nhiên bạn phải chọn một dòng nam.
Người của nhà dòng sẽ lắng nghe những khao khát của bạn. Trong cầu nguyện, câu
chuyện của bạn và người ấy dần dần sẽ đi đến một kết luận mà hai người có thể
thấy được. Kết luận ấy có thể:
1.) Bạn cảm thấy hợp
với dòng này, nhà dòng cũng cảm thấy bạn đáp ứng đủ nhu cầu.
2.) Bạn cảm thấy hợp,
nhưng nhà dòng không thấy tốt cho bạn, nếu bạn vào dòng này.
3.) Người ấy thấy bạn
hợp với dòng, nhưng bạn không thấy thú vị với linh đạo của nhà dòng.
Cả ba trường hợp
trên, cả phía nhà dòng và bạn cần thời gian để đối thoại. Tiến trình này thường
được gọi là giai đoạn tìm hiểu ơn gọi. Vì tìm hiểu nên cả nhà dòng và bạn đều tự
do đối thoại, chia sẻ những tác động trong lòng mình. Có khi lúc đầu bạn cảm thấy
linh đạo dòng này không hợp, nhưng về sau bạn thấy thú vị với nó. Hoặc cảm giác
ban đầu của bạn đã đúng, bởi càng tìm hiểu bạn càng thấy linh đạo này không thú
vị với bạn. Thời gian sẽ cho bạn câu trả lời thỏa đáng với những lần trò chuyện.
Tôi nhớ lúc ở giai đoạn này, một cha lo về ơn gọi hẹn gặp tôi mỗi tháng một lần.
Ngài mời gọi tôi chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ và băn khoăn về ý định ơn gọi
của tôi. Qua đó, ngài tiếp tục giúp tôi bóc tách vấn đề và mở ngỏ những gợi ý
giúp tôi tiếp tục suy nghĩ. Cứ như thế tiến trình này lặp lại nhiều lần. Tạ ơn
Chúa càng ngày tôi càng cảm nhận rõ hơn ý định của Thiên Chúa muốn trên cuộc đời
mình.
Trò chuyện với người
khác mang đến tính khách quan hơn cho bạn. Nếu bạn cảm thấy thích đi tu, thích
vào chủng viện chẳng hạn, thì khi đối thoại với người khác, bạn thấy ý định ấy
sáng lên hay tối dần. Người khác cũng chất vấn, chia sẻ với bạn để chính bạn tự
nói ra những khao khát thầm kín và sâu thẳm của mình. Nhiều khi chính nhờ đối
thoại, nhờ đối tượng ngoài bạn, nên bạn có cơ hội khám phá ra nhiều điều. Do
đó, bạn cũng mạnh dạn chia sẻ ý định ơn gọi với những ai bạn tin cậy. Họ có thể
là cha xứ, bạn thân, quý cha hoặc quý thầy. Đừng quên tất cả những ý kiến của họ
chỉ mang tính tham khảo. Chính họ cũng không thể quyết định thay cho bạn. Dẫu
sao nhờ họ, phần trăm lắng nghe được tiếng Chúa sẽ lớn hơn nhiều.
3. Đối thoại với chính mình
Thoạt đầu nghe có vẻ
lạ khi để động từ “đối thoại” đứng chung với “chính mình”. Tuy nhiên, đây lại
là bước rất quan trọng để bạn nhận ra ý Chúa. Khi đối thoại với chính mình, bạn
sẽ hiểu bạn hơn. Những thông tin bạn nghe từ người khác, những cảm nhận bạn có
được từ lần trò chuyện với Chúa, giờ đây bạn đưa ra cho chính mình. Một mình bạn
với bạn mà thôi. Tôi không thích dùng từ độc thoại trong trường hợp này. Đối
thoại vẫn đúng khi bạn muốn nói với chính mình, băn khoăn, trăn trở và ưu tư về
khao khát của chính mình.
Đây là thời gian bạn
nên dùng ngôn ngữ của con tim để đối thoại. Truyền thống tu đức khuyên bạn dành
giờ ở một mình. Có thể bạn ở với Chúa một mình, mà tôi đã chia sẻ trên đây.
Nhưng nhiều khi chính Thiên Chúa cũng muốn cho bạn có không gian riêng để suy nghĩ.
Phải nói rằng đây là nét đẹp của một nhân vị (person), nghĩa là con người có hồn và xác, có lý trí, lương tâm, ý
chí và tự do. Đồng thời con người cũng có trách nhiệm trên quyết định của mình;
và người ấy cũng có khả năng tự nhìn về chính mình. Ngôn ngữ triết học và linh
đạo tu đức gọi là tự phản tỉnh, hoặc phản tỉnh (reflection). Theo Hán Việt, phản nghĩa là trở lại, tỉnh là xét. Như
thế phản tỉnh là nhớ lại, xét hỏi linh hồn mình (chính mình), nghiền ngẫm thường
xuyên. Hoặc theo từ điển tiếng Anh “a reflection
man” là người suy nghĩ sâu xa và thấu đáo về một vấn đề gì đó[6].
Như vậy trong trường hợp này, khi đối thoại với chính mình, bạn sẽ suy nghĩ thấu
đáo về câu hỏi ơn gọi hiến dâng của chính mình.
Trong khung cảnh đối
thoại này, thật tốt để bạn chú ý đến những chuyển động bên trong mình. Chuyển động
ít nhiều sẽ xảy ra. Các nhà tu đức khuyên chúng ta chú ý đến những chuyển động
thiêng liêng. Rõ ràng bạn cũng nhận ra ở đây có một bước nhảy từ đối thoại với
chính mình sang trò chuyện với Thiên Chúa. David L. Fleming, SJ, gọi đây là cuộc
hoán cải (conversion), một bước ngoặt
từ bạn đến Thiên Chúa.[7]
Từ đây, bạn lại có thêm chất liệu để đối thoại với Thiên Chúa. Trong cuộc đối
thoại này, chúng ta đừng quên Thiên Chúa luôn có cách để cho chủ thể có được
câu trả lời cho riêng mình. Nói thế không phải chúng ta ra lệnh cho Thiên Chúa,
nhưng với lòng khao khát và cộng tác, chúng ta hy vọng Thiên Chúa thương ban
cho bạn câu trả lời thỏa đáng.
Điều thú vị là ơn gọi
hiến dâng thường đòi đương sự phải can đảm đưa ra quyết định. Khi bạn trò chuyện
với chính mình, cũng là lúc bạn mong có được sự can đảm này. Bởi qua tiến trình
suy nghĩ, nhận định kỹ lưỡng bao nhiêu có thể, bạn đã có câu trả lời và chính bạn
thực thi câu trả lời ấy. Một lần nữa, không ai dám chắc bạn có ơn gọi 100%! Tất
cả nỗ lực của chúng ta để giúp cho bạn đối thoại một cách hiệu quả và chân thành.
Hơn nữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lần nhắn với các bạn trẻ rằng: “Để phân định ơn gọi của mình, chúng ta phải
nhận ra rằng đây là lời mời gọi của một người bạn: Chúa Giêsu.”[8]
Trước đó ngài khuyến khích các bạn trẻ cần chấp nhận, mạo hiểm, liều lĩnh để đáp
lại ơn Chúa gọi[9].
Sự liều lĩnh này có cơ sở trên những lần đối thoại với Thiên Chúa, tha nhân và
với chính mình.
Tạm kết
Trong nỗ lực chung
của giáo hội hiệp hành, tôi muốn chia sẻ chút tâm tình trên đây về chủ đề đối
thoại. Hy vọng giúp phần nào đó cho những ai đang trăn trở về ơn gọi dâng hiến
của mình. Cả ba khía cạnh đối thoại trên đều quan trọng và liên kết chặt chẽ với
nhau. Suy cho cùng, chính Thiên Chúa có cách nào đó để giúp đương sự tổng hợp
và vươn đến một kết quả chung cuộc. Vì là Giáo hội hiệp hành nên chúng ta không
thể đòi Giáo hội quyết định thay cho mình. Chúng ta tin rằng tiến trình đối thoại
như là việc chuẩn nhận cho ơn gọi hiến dâng của mình. Gọi là chuẩn nhận bởi
chính bạn cảm nhận rõ hơn ý định của Thiên Chúa muốn cho cuộc đời bạn. Nếu
không có đối thoại, đương sự mãi mãi không biết ý định này của Thiên Chúa.
Giáo hội tiếp tục khuyến khích người trẻ mạnh dạn đối thoại. Càng gặp gỡ
và trò chuyện với Chúa, chúng ta càng biết cách đối thoại với nhau và với chính
mình. Nhất là trong thời hiện đại này, đối thoại luôn luôn được đề cao trong hầu
hết các lãnh vực. Thiết tưởng trong lãnh vực tôn giáo nói chung, ơn gọi dâng hiến
nói riêng, đối thoại phải là chìa khóa để người trẻ mở ra cánh cửa, hướng đi
cho cuộc đời mình. Nơi đó, người trẻ luôn có Thiên Chúa và Giáo hội đi cùng.
- Nếu là người đang
trăn trở ơn gọi hiến dâng, cầu chúc bạn sớm có câu trả lời cho riêng mình.
- Nếu bạn là người
tu sĩ hoặc chủng sinh, cầu chúc bạn tiếp tục đối thoại với Chúa để mỗi ngày là
một niềm vui của đời hiến dâng.
- Tôi cũng cảm ơn
quý sơ hoặc quý cha lo về ơn gọi luôn biết đối thoại với Thiên Chúa và với người
trẻ. Để qua đó, các ngài biết cách đồng hành, hiệp hành với các bạn trẻ. Hy vọng
cánh đồng sứ mạng luôn có nhiều ơn gọi.
[1] Khi viết cho người trẻ, Đức giáo hoàng
Phanxicô đề nghị với các vị chủ chăn của giáo hội: “Sự gần gũi tạo điều kiện
cho Hội Thánh trở thành không gian đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ hấp
dẫn”. (Christus Vivit 38).
[4] Theo ý tưởng trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô
khuyến khích các bạn trẻ rằng: “Khi Thiên Chúa yêu cầu các con điều gì hoặc đơn
thuần để cho các con gặp những thử thách trong cuộc đời, Ngài mong các con nhường
chỗ để Ngài đẩy các con về phía trước, động viên các con, giúp các con trưởng
thành. Ngài không phiền hà khi các con trình bày những thắc mắc của mình với
Ngài. Điều khiến Ngài lo lắng là các con không nói với Ngài, không mở lòng ra một
cách chân thành để đối thoại với Ngài. Thánh Kinh nói rằng ông Giacob đã vật lộn
với Thiên Chúa (x. St 32,25-31), nhưng điều ấy đã không làm cho ông tránh đi
theo con đường của Chúa. Thật ra, chính Chúa khuyến khích chúng ta: “Hãy đến
đây, ta cùng nhau tranh luận!” (Is 1:18). Tình yêu của Ngài rất thật, rất chân
chính, rất cụ thể đến nỗi nó mang đến cho chúng ta một mối liên hệ đầy đối thoại
chân thành và hiệu quả. Cuối cùng, hãy tìm vòng tay của Cha Trên Trời của các
con trong khuôn mặt yêu thương của các nhân chứng can đảm của Ngài trên thế
gian!” (Christus Vivit 117).
[5] Cần chú ý rằng: “Ý nghĩa của cuộc đối thoại hệ
tại ở hai bên tham dự, chứ không hệ tại ở lượng kiến thức như một thứ trung
gian xen giữa. Đối thoại ở đây đồng nghĩa với hiệp nhất với nhau.” (x. Đgh
Bênêđíctô, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm
dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr. 280.)
[6] Xem. Oxford Advanced Learner's Dictionary 8th
edition (New York: Oxford University Press 2010), tr. 1278-79.
[9] Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần
thứ 56 của Đức Thánh Cha Phanxicô.