ĐÔI NÉT VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Ngày 17/10/2021, các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới tổ chức khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI cấp giáo phận. Thượng Hội đồng này đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô khai mạc tại Vatican ngày 9-10/10 vừa qua ở mức độ toàn cầu với sự tham dự của các Giám mục đại biểu. Thánh lễ long trọng khai mạc tại Vương cung thánh đường thánh Phê-rô với sự tham dự của đông đảo mọi thành phần dân Chúa. Tại Việt Nam, các Đức Giám mục đã thống nhất sẽ khai mạc vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng tới đây.

Để cùng thực hiện bổn phận của mỗi tín hữu là tham gia vào Thượng Hội đồng, cách đặc biệt ở giai đoạn cử hành tại Giáo hội địa phương, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về Thượng Hội đồng này trong 3 phần: Hình thức của Thượng Hội đồng, Nội dung và diễn tiến của Thượng Hội đồng, Cách thức tham gia vào Thượng Hội đồng. 


1. Hình thức của Thượng Hội đồng (Synodus Episcoporum) 1

2. Nội dung của Thượng Hội đồng. 3

      a. Tính Hiệp thông. 5

      b. Tính Tham gia. 6

      c. Tính Sứ vụ. 7

3. Diễn tiến và Tham gia vào Thượng Hội đồng. 8

      a. Diễn tiến. 8

      b. Tham gia vào Thượng Hội đồng lần này


1. Hình thức của Thượng Hội đồng (Synodus Episcoporum)

Gọi một cách đầy đủ thì đây là: Thượng Hội đồng Giám mục thông thường lần thứ XVI.

Cụm từ “Thượng Hội đồng Giám mục” được dịch từ nguyên ngữ “Synodus Episcoporum” tiếng Anh là Synod of Bishops. Trong lịch sử của Giáo hội chữ Synodus và chữ Concilium được dùng gần như đồng nghĩa để chỉ về việc các Đức Giám mục trên toàn thế giới hay tại một vùng nào đó họp nhau lại để bàn thảo và đưa ra những quyết định quan trọng cho Giáo hội. Thường thì cả hai chữ này đều được dịch là “Công đồng”. Chẳng hạn: Concilium Vaticanum II – Cồng đồng Vatican II; Synodus Tunquinensis – Công đồng Miền Bắc Kỳ.

Kể từ sau Công đồng Vatican II, hai chữ này được phân định rõ ràng hơn và mang 2 hình thức khác nhau. Ngày 15 tháng 9 năm 1965 trong khi Công đồng Vatican II còn đang diễn tiến thì Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố thành lập một thể loại mới mang tên “Synodus Episcoporum” qua tự sắc Apostolica Sollicitudo.

Thể loại mới này nhằm đưa ra giải pháp mà các nghị phụ trong Công đồng thao thức: Xã hội thì biến chuyển mau lẹ, việc triệu tập Công đồng rất khó khăn và lâu, làm sao để các Giám mục có thể thường xuyên hội lại cùng Đức Giáo hoàng để xử lý công việc của Giáo hội kịp thời. 

Khi có thể loại mới này thì hai chữ Concilium và Synodus mang 2 nội dung khác nhau. Chữ “Concilium” được dịch ra tiếng Việt là “Công đồng” và chữ “Synodus” ở đây được dịch là “Thượng Hội đồng”. Tuy nhiên, cùng một chữ Synodus này nhưng trong mức giáo phận thì lại được dịch là “Công nghị”. Trong Giáo luật các điều 460 – 468 nói về “Synodus Dioecesana – Công nghị giáo phận”[1]. Cho nên dịch là “Công nghị các Giám mục thế giới” thì thuận hơn là “Thượng Hội đồng Giám mục”. Tuy nhiên, ngôn ngữ chỉ là quy ước chung của xã hội.

Theo Giáo luật, thể loại Concilium (các điều 336 – 341) và Synodus (các điều 342 – 348) khác nhau căn bản ở hình thức tổ chức và tính pháp lý trong quyết định sau cùng. Về hình thức tổ chức, Công đồng bao gồm tất cả các Giám mục trên thế giới có bổn phận tham dự với quyền biểu quyết; còn Thượng Hội đồng chỉ bao gồm một số Giám mục đại diện cho các Giám mục trên toàn thế giới được tham dự với quyền biểu quyết. Về tính pháp lý, văn kiện cuối cùng của Công đồng được các Nghị phụ biểu quyết mang tính chung kết và Đức Giáo hoàng quyết định trong tư cách hiệp đoàn với các Giám mục nghị phụ (đ. 341); còn Văn kiện cuối cùng của Công nghị (Thượng Hội đồng) thì cũng được các Đức Giám mục biểu quyết nhưng kết quả biểu quyết chỉ có tính tham vấn cho Đức Giáo hoàng mà thôi và chính Đức Giáo hoàng mới là người đưa ra quyết định cuối cùng cũng như ký ban hành văn kiện với tư cách Giáo hoàng.

Ngày 18 tháng 9 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành Tông hiến “Episcopalis comminio” nói về cơ cấu của Thượng Hội đồng Giám mục. Khoản 17 và 18 trong Tông hiến này có quy định mới về văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng. 

Trước đây thì văn kiện chung kết được gửi tới Đức Giáo hoàng rồi tùy ngài quyết định và thông thường các Đức Giáo hoàng dựa vào bản văn này để soạn ra một Tông huấn hậu Thượng Hội đồng. Nhưng theo Tông hiến mới này, văn kiện chung kết được soạn thảo kỹ lưỡng và được các Đức Giám mục bỏ phiếu, cố gắng có sự đồng thuận cao trước khi trình lên Đức Giáo hoàng. 

Tới đây có hai khả thể xảy ra: thứ nhất, Đức Giáo hoàng phê chuẩn văn kiện này và như vậy nó trở thành giáo huấn thông thường của Đấng kế vị Thánh Phê-rô; thứ hai, nếu Đức Giáo hoàng trao quyền cho khóa họp Thượng Hội đồng quyết định, theo như quy định trong Giáo luật điều 343, thì khi Đức Giáo hoàng phê chuẩn và công bố văn kiện chung kết, văn kiện này trở thành giáo huấn thông thường của Đấng kế vị thánh Phê-rô. Nhưng trong trường hợp này, văn kiện chung kết được ký bởi Đức Giáo hoàng và các Giám mục tham dự Thượng Hội đồng. Điều này có nghĩa, văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng ở khả thể thứ hai này có giá trị như một văn kiện của Công đồng chung.

Việc triệu tập Công đồng là rất khó khăn nên trong lịch sử Giáo hội hơn 2000 năm qua mới có 21 Công đồng chung. Nhưng việc triệu tập Thượng Hội đồng các Giám mục thì đơn giản hơn nên tính từ năm 1965 đến nay đã có 30 Thượng Hội đồng các thể loại.

Thượng Hội đồng Giám mục có 3 loại Đại hội chung: thông thường, ngoại thường và đặc biệt (đ. 345):

Đại hội chung đặc biệt nhằm thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến một hoặc nhiều miền nhất định. Đã có 11 Thượng Hội đồng loại này, lần gần nhất là năm 2019 bàn về vùng Amazon.

Đại hội chung ngoại thường bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích của toàn Giáo hội có tính cấp bách cần có giải pháp ngay. Đức Giáo hoàng sẽ triệu tập tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi. Đã có 3 Thượng Hội đồng loại này, lần gần nhất là năm 2014 bàn về gia đình.

Đại hội chung thông thường bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích của toàn Giáo hội và được cử hành 3 năm 1 lần. Trên thực tế thì khoảng 3 hoặc 4 năm cử hành 1 lần. Đã có 15 Thượng Hội đồng thuộc loại này và lần thứ 16 đang diễn ra bàn về “Vì một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Tính từ năm 1965 đến nay thì trung bình cứ 3,5 năm có một Thượng Hội đồng Giám mục thông thường.

2. Nội dung của Thượng Hội đồng

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề cho Thượng Hội đồng lần này là “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ – For a Synodal Church: Communion, Participation, Mission”. Chủ đề chính yếu là tính “hiệp hành” trong Giáo hội. Chủ đề này được đào sâu dưới 3 khía cạnh là “hiệp thông”, “tham gia” và “sứ vụ”.

Chủ đề này có thể được diễn tả một cách nôm na: Tất cả mọi người cùng nắm tay nhau, dìu dắt nâng đỡ nhau tiến thẳng về Trời.

Những giáo huấn về tính hiệp hành đã được bàn giải từ lâu trong Giáo hội và Thượng Hội đồng lần này không muốn đi vào luận bàn những tư tưởng thần học liên quan đến chủ đề. Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn đề ra những phương thế cụ thể để sống tính hiệp hành này trong Giáo hội. Đoạn văn cuối cùng của Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này đã khẳng định: Thượng Hội đồng không nhằm mục đích tạo ra những tài liệu nhưng là để băng bó vết thương, khơi lên niềm tin và hy vọng cho con người[2].

Hiệp hành, hay cùng đồng hành với nhau trên con đường theo Chúa Giêsu tiến về trời mới đất mới, là đặc tính cốt yếu của Giáo hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định con đường hiệp hành đã được khởi xướng từ Công đồng Vatican II và được xác định là “Con đường mà Thiên Chúa mong đợi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba này”[3].

Giáo hội đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử phát triển. Một giáo hội học theo mô hình kim tự tháp đã bị bãi bỏ và một mô hình mới được triển khai trong Công đồng Vatican II, mô hình giáo hội đồng tâm. Giáo hội được diễn tả là Dân Thiên Chúa. Trong Giáo hội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá nhưng mỗi người có bổn phận khác nhau tùy theo bậc sống của mình[4].

Một số tác giả đã nói về một mô hình giáo hội kim tự tháp ngược của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tài liệu chuẩn bị cho Thượng hội đồng này, từ số 17 đến 20, đề cập đến một Giáo hội mà trong đó có 3 tuyến nhân vật: Chúa Giêsu, đám đông dân chúng, các tông đồ. Tài liệu khẳng định “đây là hình ảnh và là mầu nhiệm của Giáo hội”[5].

Điều đặc biệt ở đây là Tài liệu triển khai mối tương quan hỗ tương giữa 3 tuyến nhân vật này: Không một ai trong 3 tuyến nhân vật này có thể bị tách bỏ. Nếu Chúa Giêsu vắng mặt thì Giáo hội thành một thứ giao kèo giữa các tông đồ với đám đông dân chúng và nó sẽ kết thúc như một trò chơi chính trị; Nếu không có các tông đồ thì mối tương quan với chân lý Tin Mừng bị phá vỡ và Chúa Giêsu chỉ còn là một huyền thoại hay một ý thức hệ; Nếu không có đám đông dân chúng thì tương quan giữa Chúa Giêsu và các tông đồ sẽ bị suy thoái và trở thành một giáo phái dần sụp đổ.[6]

Tương quan hỗ tương của ba tuyến nhân vật này được trình bày ở các số 13 – 15. Tài liệu trích dẫn Công đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium số 9 và số 12 để cho thấy Chúa Giêsu ngỏ lời với các tông đồ và Ngài cũng ngỏ lời trực tiếp với đám đông dân chúng. Từ đó Tài liệu mời gọi các giám mục lắng nghe tiếng Chúa đồng thời cũng phải lắng nghe tiếng dân để phân định Thánh Ý Chúa. “Việc thỉnh ý dân Chúa không hàm ý là Giáo hội tiếp thu những trào lưu dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số.” “Các giám mục được mời gọi phân định những gì Chúa Thánh Linh nói với Giáo hội, không phải chỉ có các ngài đơn độc, nhưng bằng cách lắng nghe dân Chúa vốn ‘cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô’”[7].

Tuy nhiên, ở số 21 của Tài liệu nhắc đến một tuyến nhân vật thứ tư xen vào với vai trò phản diện và âm mưu chia rẽ ba tuyến nhân vật trên: “Những hình thức nghiêm ngặt của tôn giáo, bó buộc của luân lý còn gắt gao hơn cả lệnh truyền của Chúa Giêsu, hoặc những hình thức quyến rũ của một thứ khôn ngoan chính trị thế gian”. Để không bị ảnh hưởng bởi tuyến nhân vật thứ tư này, Tài liệu nói đến việc phải hoán cải thường xuyên.

Đoạn trích Kinh Thánh trong sách Công Vụ Tông Đồ (CV 10) được trình bày như là mô hình cho việc hoán cải thường xuyên trong Giáo hội. Thánh Phêrô Tông đồ đã lắng nghe tiếng Chúa và ngài đã rất khó khăn để chấp nhận và làm theo Ý Chúa. Nhưng rồi ngài đã đón nhận, đã hoán cải trước khi ngài cất bước tới gặp người ngoại giáo Cornelio. Ông Cornelio cũng đã nghe thấy tiếng Chúa và ông đã kể lại tất cả kinh nghiệm của mình về Chúa cho ông Phêrô nghe. Thánh Tông đồ Phêrô, sau khi đã lắng nghe, ngài cũng trình bày chính kinh nghiệm hoán cải của mình cho ông Cornelio nghe. Cả hai cùng phân định ý Chúa và sau cùng ông Cornelio và đám đông đã lãnh nhận Phép Rửa. Như vậy người tông đồ đã lắng nghe Chúa và hoán cải chính mình trước rồi mới đến với người ngoại, cả hai cùng chia sẻ kinh nghiệm về Chúa và lắng nghe nhau, sau cùng là bước hoán cải của người ngoại trở về với Chúa.

Từ những cái nhìn trên, Thượng Hội đồng này đặt nặng tính “lắng nghe”. Giai đoạn đầu của tiến trình Thượng Hội đồng lần thứ XVI được cử hành tại các Giáo hội địa phương mang tên “Giai đoạn lắng nghe”. Trong giai đoạn này mọi thành phần dân Chúa được mời gọi lắng nghe Chúa nói và lắng nghe nhau nói. Cách đặc biệt là hàng giáo phẩm lắng nghe tiếng nói của giáo dân và giáo dân can đảm lên tiếng nói về hoàn cảnh của mình.

a. Tính Hiệp thông

Thần học về tính hiệp thông trong Giáo hội được phát triển dần sau Công đồng Vatican II. Giáo hội tiếp tục đào sâu nghiên cứu vì việc triển khai mục vụ sau Công đồng Vatican II có những đổ vỡ nhất định do không hiểu đúng hay chưa đủ về các văn kiện của Công đồng. Thượng Hội đồng Giám mục năm 1985 đã khẳng định “Cốt lõi của cuộc khủng hoảng nằm trong lãnh vực giáo hội học”. Các Đức Giám mục cũng nhận định “Ý tưởng về Giáo Hội – Hiệp thông chưa thấm vào lòng dân kitô giáo.”[8]

Những suy tư làm sáng tỏ về tính hiệp thông trong cuộc sống thực tế của Giáo hội vẫn tiếp tục được suy tư. Khái niệm Giáo hội Chúa Kitô, một Giáo hội tồn tại trong Giáo hội Công giáo được đào sâu và mở ra mối tương quan rộng khắp trong tình hiệp thông.[9] Tự sắc “Omnium in mentem” (26/10/2009) đã thay đổi ít nhiều thực tiễn áp dụng tính hiệp thông trong Giáo hội. Tính đoạn tuyệt trong tình hiệp thông không còn trong Giáo hội mà chỉ còn là hiệp thông nhiều hay ít, hiệp thông trọn vẹn hay chỉ là một phần.

Khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi và ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội lẫn Giáo hội,  đời sống Đức tin cũng bị giản lược vào mối tương quan cá vị với Chúa. Việc tin hay không tin là chuyện của mỗi người tự do quyết định cho chính mình, nó không liên quan gì đến người khác. Các Đức Giáo hoàng đã lên tiếng cảnh báo về một đời sống Đức tin khập khiễng như thế, đồng thời các ngài tìm mọi cách để trình bày về khía cạnh cộng đoàn trong đời sống Đức tin. Năm Đức tin được mở năm 1967 do Đức Giáo hoàng Phaolô VI; Sách Giáo lý năm 1992 với trục chính là Đức tin trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, cùng với thông điệp “Đức tin và lý trí” năm 1998 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II; Năm Đức tin được khai mở bởi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI với Tông thư “Porta Fidei – Cánh cửa Đức Tin” và được đóng lại bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 24/12/2013 với Thông điệp “Lumen Fidei – Ánh sáng Đức Tin”.

Thông điệp “Laudato Si – Hãy chúc tụng Ngài” được Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành năm 2015 là tiếng kêu thống thiết mời gọi con người tìm lại mối hiệp thông nguyên tuyền thuở ban đầu của tạo dựng. Thông điệp không chỉ dừng lại ở vấn đề môi sinh của trái đất, nhưng đưa ra giải pháp tận căn là tìm lại mối hiệp thông tốt lành thuở ban đầu giữa con người với Thiên Chúa, con người với tạo vật, con người với thiên nhiên và con người với con người.

Trong khi trải nghiệm Đại dịch COVID-19, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về viễn cảnh của cuộc sống hậu COVID-19 cần phải có là tình hiệp thông huynh đệ. Thông điệp “Fratelli Tutti – Tất cả anh em” về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội được Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành ngày 03/10/2020 là tiếng kêu mời gọi mọi người đi vào sống tình hiệp thông huynh đệ.

Tất cả cho thấy Giáo hội đang nỗ lực kéo con người đi vào trong quỹ đạo hiệp thông với Chúa và với nhau. Một cuộc hành trình sẽ dở dang nếu như các thành viên không đồng tâm hiệp lực, hay thiếu đi tính hiệp thông với nhau. Đó là khía cạnh trước hết của một Giáo hội hiệp hành.

b. Tính Tham gia

Khi Công đồng Vatican II trình bày về Giáo hội như là một Dân Thiên Chúa quy tụ quanh Chúa Kitô thì vấn đề phẩm giá và vai trò của mỗi thành phần trong Giáo hội cũng được nhìn nhận khác đi. Nếu như trước đó phẩm giá của hàng giáo sỹ được nhìn nhận cao hơn giáo dân bởi chức thánh thì giờ đây mọi thành phần trong Dân Thiên Chúa, những người đã chịu phép Rửa tội, đều có phẩm giá và hành động ngang bằng nhau.[10]

Cái nhìn thần học là thế, nhưng thực hành trong mục vụ vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Việc giáo dân được mời gọi tham gia vào các công việc văn hóa, chính trị, xã hội, những việc không phù hợp với đời sống giáo sỹ và tu sỹ, là điều dễ dàng; Những việc liên quan đến các bí tích, đến việc ban phát ơn thánh thuộc về những người đã lãnh nhận chức thánh là điều hiển nhiên. Nhưng vấn đề giáo dân tham gia vào những công việc quản trị của Giáo hội lại là điều còn cân nhắc. Quyền cai quản có buộc phải có thánh chức hay không?

Đón nhận sự tham gia của mọi thành phần cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tính tập trung quyền lực. Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu điều hành Giáo hội thì công việc ưu tiên đầu tiên của ngài là cải tổ Giáo triều Roma. Lúc đó người ta tưởng công việc sửa đổi bộ máy Giáo triều sẽ sớm hoàn thành trong vài tháng. Thế nhưng công việc đã không đơn giản, với nhóm 8 Hồng Y cố vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định không sửa Tông hiến hiện hành nữa mà bỏ hẳn Tông hiến này để xây dựng một Tông hiến mới về Giáo triều. Đã hơn 8 năm trôi qua, công việc soạn thảo vẫn đang tiếp tục.[11] Tuy nhiên, những thay đổi cụ thể từng mảng đã được triển khai. 

Một quyết định rõ nhất liên quan đến việc nhìn nhận phẩm giá sự tham gia của giáo dân là ngày 17/8/2016, với Tự sắc “Sedula Mater – Người Mẹ ân cần”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chính thức thành lập Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Trước đó trong Giáo triều đã có Bộ Giám mục, Bộ Giáo sỹ, Bộ Tu sỹ, còn Giáo dân chỉ là một Hội đồng Giáo hoàng. 

Gần đây Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành tự sắc “Spiritus Domini – Thần khí Chúa” thay đổi Giáo luật điều 230 §1 để phụ nữ có thể chính thức lãnh nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ ngày 11/01/2021; và ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc “Antiquum ministerium – Thừa tác vụ cổ kính”thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên ngày 11/5/2021.

Đứng trước những vấn nạn thời đại và sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống giáo dân tại các giáo xứ, Hội đồng Giám mục Đức và Úc đã quyết định mở “Con đường Công nghị” để thảo luận nhằm tiến tới những quyết định liên quan đến vai trò của giáo dân trong việc tham gia vào công việc quản trị của Giáo hội. Đặc biệt là “Con đường Công nghị giáo hội Đức” đưa ra thảo luận 4 vấn đề: thực thi quyền bính trong Giáo Hội theo hướng dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, đặc biệt là việc phụ nữ chịu chức thánh; cải tổ luân lý tính dục của Giáo; và sau cùng là luật độc thân giáo sĩ. Với những đề tài này, nó đã làm dấy lên những mối lo ngại trong toàn Giáo hội về một cuộc cách mạng có tính ly khai.

Để đáp lại thực trạng của các giáo xứ tại các nước đang khan hiếm linh mục, ngày 20/07/2020, Bộ Giáo sĩ đã ban hành Huấn thị về việc “Hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội”. Huấn thị nhấn mạnh đến sự đồng trách nhiệm của những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội.

Những động thái sửa đổi và thêm vào liên quan đến sự tham gia của giáo dân vào công việc chung của Giáo hội gần đây dường như chỉ là những phương thuốc chữa trị cấp thời. Để có một giải pháp tổng thể thì cần phải được suy tư, lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm từ mọi thành phần dân Chúa khắp Giáo hội hoàn vũ. Vấn đề tham gia trên con đường hiệp hành là vấn đề cấp bách và là yếu tố thứ hai mà Thượng Hội đồng này nhắm tới.

c. Tính Sứ vụ

Số đầu tiên của Văn kiện chuẩn bị Thượng Hội đồng lần thứ XVI này đã xác định sứ vụ được nói đến ở đây là sứ vụ truyền giáo. Giáo hội đã xác tín việc truyền giáo là bản chất của Giáo hội.

Công đồng Vatican II đã đề cập đến bản chất truyền giáo của Giáo hội trong Hiến chế “Lumen Gentium – Ánh sáng muôn dân” và dành riêng một Sắc lệnh để nói về chính việc Truyền giáo “Ad Gentes – Đến với muôn dân”. Tuy nhiên Công đồng gần như không đề cập đến việc truyền giáo cho những cộng đoàn đã và đang bị mai một đời sống Đức tin. 

Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII tổ chức năm 2012 đã bàn về việc Tân Phúc âm hóa. Hoa trái của Thượng Hội này là Tông huấn “Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng”. Vấn đề truyền giáo không được bàn tới dưới khía cạnh là bổn phận hay nghĩa vụ của người đã lãnh nhận Phép Rửa. Ở đây Tông huấn nói đến việc truyền giáo là lẽ tất yếu của một đời sống Đức tin sống động, gắn bó mật thiết với Chúa và cảm nếm được tình yêu và lòng tha thứ của Chúa. Việc truyền giáo đơn giản là việc chia sẻ chính kinh nghiệm của mình, chia sẻ chính niềm vui của mình khi được gặp gỡ Chúa. Xuất phát từ chính niềm vui của Tin Mừng mà tôi có được và lòng khao khát giúp người khác được hạnh phúc mà tôi lên đường rao giảng Tin Mừng.

Trong chiều hướng ấy, Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2021 này của Đức Giáo hoàng Phanxicô mang một thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Ngay câu đầu tiên của Sứ điệp, ngài đã tóm kết nguyên nhân và nội dung của việc loan báo Tin Mừng: “Một khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, một khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe”[12].

Loan báo Tin Mừng là sự sống còn của Giáo hội, đồng thời cũng là thước đo cho một đời sống Đức tin sống động đến mức nào. Sứ vụ này gắn chặt với những người lữ hành trên dương thế, những người đang tiến bước trong một Giáo hội hiệp hành.

Như vậy, cả ba khía cạnh then chốt của Giáo hội hiệp hành là hiệp thông, tham gia và sứ vụ đều là những điều đã được bàn đến từ lâu và đang được đào sâu ý hướng mà các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đã đặt để. Với Đức Giáo hoàng Phanxicô, một vị Giáo hoàng không bàn nhiều về lý thuyết nhưng đi vào thực hành mục vụ nhiều hơn, dường như muốn đặt tất cả lên bàn để nhìn lại một cách tổng thể, để từ đó cùng với toàn thể Giáo hội tiến bước với những hành động cụ thể của từng tín hữu trong cuộc sống thường ngày.

Những giải pháp được đưa ra trong những năm qua chỉ để đáp lại phần nào hoàn cảnh thực tiễn. Thượng Hội đồng lần này dường như là một giải pháp tổng thể cho tất cả. Và nếu Văn kiện đúc kết Thượng Hội đồng được Đức Giáo hoàng quyết định trao quyền cho các Nghị phụ như quy định trong khả thể thứ 2 của  khoản 18 trong Tông hiến “Episcopalis comminio”  thì Văn kiện có giá trị như một văn kiện của Công đồng.

3. Diễn tiến và Tham gia vào Thượng Hội đồng

a. Diễn tiến

Thượng Hội đồng được chính thức khai mạc tại Roma ngày 9-10/10/2021 và sẽ kết thúc vào tháng 10/2023. Toàn bộ Thượng Hội đồng được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn I được tổ chức ở cấp giáo hội địa phương cũng như các tổ chức tương đương, giai đoạn II được tổ chức ở cấp Châu Lục; giai đoạn III được tổ chức ở cấp Giáo hội hoàn vũ.

Tuy nhiên còn có 1 giai đoạn không chính thức nữa, theo nghĩa là nó có trước khi khai mạc Thượng Hội đồng, đó là giai đoạn tiền chuẩn bị. Đức Giáo hoàng bổ nhiệm một Ban Thư ký và Ban này soạn thảo Tài liệu hướng dẫn chuẩn bị cho Thượng Hội đồng. Trong Thượng Hội đồng lần này, có 2 tài liệu được gửi tới mọi thành phần dân Chúa trên toàn thế giới: Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang Thượng Hội đồng.

Giai đoạn I bắt đầu từ ngày 17/10/2021 và kết thúc vào ngày 15/8/2022[13]. Đây được gọi là giai đoạn lắng nghe. Tại mỗi giáo phận hay các đơn vị tương đương, Đức Giám mục triển khai công tác tổ chức để có các buổi cử hành việc lắng nghe trong giáo phận của mình. Trong những lần hội thảo này, mọi thành phần dân Chúa từ giáo dân, tu sỹ, đến giáo sỹ cùng lắng nghe tiếng Chúa và cùng lắng nghe nhau để nhận ra những chỉ dấu mà Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt. Đặc biệt, Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội đồng mời gọi Đức Giám mục và hàng giáo sỹ trong giáo phận lắng nghe tiếng nói của những người nghèo, những người yếu đuối, những người dường như bị gạt ra bên lề của cộng đoàn, đồng thời các ngài tìm cách khuyến khích họ để họ can đảm lên tiếng giãi bày về những thực trạng và khát vọng của họ. Giai đoạn này là nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo.

Mỗi giáo phận sẽ đúc kết các kinh nghiệm lắng nghe cũng như những ước vọng của mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận thành một bản văn và gửi về Hội đồng Giám mục địa phương. Bản đúc kết “không chỉ nhấn mạnh những trải nghiệm tích cực mà còn cho thấy những trải nghiệm mang tính thách thức và tiêu cực”[14].

Sau khi nhận được các bản văn đúc kết từ các giáo phận, Hội đồng Giám mục sẽ nhóm họp các giám mục để bàn thảo, phân định ý Chúa để đúc kết thành một bản văn tổng hợp và gửi về Ban Thư ký của Thượng Hội đồng.

Tại Roma, Ban Thư ký tiếp nhận các bản tổng hợp từ các Hội đồng Giám mục, các Công nghị Giáo hội Công giáo Đông phương làm cơ sở để viết ra Tài liệu làm việc số 1 (Instrumentum laboris 1). Tài liệu này phải hoàn thành vào tháng 9/2022 và được gửi đến các giám mục trên toàn thế giới.

Giai đoạn II bắt đầu từ tháng 9/2022 (sau khi có Tài liệu làm việc số 1) và kết thúc vào trước tháng 3/2023. Đây là giai đoạn thảo luận dựa trên Tài liệu làm việc 1 và thực trạng của mỗi Châu lục để đi đến một bản văn đúc kết gửi về cho Ban Thư ký. Trong giai đoạn này, những cuộc họp quốc tế được tổ chức tại 7 vùng trên toàn thế giới: Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, và Trung Đông. Đại diện các Hội đồng Giám mục và những cơ cấu tương đương thuộc mỗi vùng sẽ nhóm họp tại vùng của mình để cùng nhau làm việc dựa trên Tài liệu làm việc 1.

Tại Roma, Ban Thư ký tiếp nhận các bản tổng hợp từ 7 vùng kể trên làm cơ sở để soạn thảo Tài liệu làm việc 2. Tài liệu này phải hoàn thành trong tháng 6/2023. Đây sẽ là Tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội đồng.

Giai đoạn III là những Cuộc họp toàn thể chính thức của Thượng Hội đồng. Trong tháng 10/2023 Đức Giáo hoàng sẽ công bố ngày triệu tập và quyết định ngày kết thúc. Các giám mục đại diện từ khắp thế giới sẽ nhóm họp tại Roma và bàn thảo dựa trên Tài liệu làm việc 2. Bản văn đúc kết sau cùng của Thượng Hội đồng sẽ được chuyển tới Đức Giáo hoàng để làm tài liệu tham khảo cho ngài viết ra Tông huấn hậu Thượng Hội đồng lần này, hoặc, nếu Đức Giáo hoàng ủy quyền, các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng cùng Đức Giáo hoàng đồng ký và Bản văn đúc kết trở thành Văn kiện chính thức mang tính giáo huấn của Đức Giáo hoàng.

b. Tham gia vào Thượng Hội đồng lần này

Là một mô hình mới xuất hiện sau Công đồng Vatican II, Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức theo những quy định được nói đến trong Tông thư dưới dạng Tự sắc “Apostolica Sollicitudo” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Theo đó, những thành viên chính thức tham dự Thượng Hội đồng thường kỳ gồm: Các thành viên theo chức vụ: Các Thượng phụ, Tổng Giám mục trưởng và Tổng Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương; Các Hồng y trong Giáo triều Roma; Các thành viên do chọn lựa: Các Giám mục được chọn bởi Hội đồng Giám mục. Số Giám mục được chọn tùy theo số lượng Giám mục thành viên của mỗi Hội đồng Giám mục: chọn 1 nếu có dưới 25 thành viên, chọn 2 nếu không quá 50 thành viên, chọn 3 nếu có trên 100 thành viên; 10 tu sỹ được chọn từ Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp để đại diện cho các dòng tu giáo sỹ; Các thành viên do Đức Giáo hoàng tự do chọn lựa: có thể là Giám mục, Linh mục, Tu sỹ, Chuyên viên, Quan sát viên.[15]

Ngày 15/9/2018 Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ra Tông hiến “Episcopalis Communio”, thay thế Thông thư dưới dạng Tự sắc “Apostolica Sollicitudo”, mở rộng những quy định về Thượng Hội đồng Giám mục ngay trước thềm Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ được tổ chức từ 03-28/10/2018.

Nếu Thượng Hội đồng về gia đình năm 2015 chỉ có 270 vị tham dự thì Thượng Hội đồng về giới trẻ năm 2018 có tới 410 tham dự viên.

Trước Tông hiến “Episcopalis Communio” thì Thượng Hội đồng chủ yếu diễn ra trong những ngày họp Đại hội toàn thể. Mặc dù trước đó, Ban Thư ký có gửi bản dự thảo tới các giám mục trên toàn thế giới để xin ý kiến giúp cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội đồng, nhưng đó là giai đoạn chuẩn bị cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc.

Với Tông hiến “Episcopalis Communio”, Thượng Hội đồng đã được mở rộng tới mọi thành phần ở mọi miền trên thế giới. Giai đoạn I và II là phần được mở rộng do sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Trong Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng lần thứ XVI này cho biết mục đích của việc mở rộng này: “Trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là biện phân, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta.”[16]

Việc tham gia vào Thượng Hội đồng không đơn thuần nhằm đóng góp ý kiến để Giáo hội có được những quy định tốt nhất. Nhưng trước hết, mọi thành phần dân Chúa được mời gọi sống chính những suy tư, nhìn nhận mà mình có được trong khi lắng nghe và phân định ý Chúa.

Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, đặc biệt trong giai đoạn I này, mời gọi mọi thành phần dân Chúa cùng ngồi xuống với nhau, cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng, cùng lắng nghe Chúa, cùng lắng nghe nhau để cùng xác quyết về một Giáo hội hiệp hành: cùng hiệp thông với nhau, cùng tham gia với tinh thần trách nhiệm, cùng thực thi sứ mệnh loan truyền Tin Mừng. Mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội và ngoài Giáo hội cùng nắm tay nhau, nâng đỡ dắt dìu nhau tiến về Nước Trời.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org



[1] Chữ “Công nghị” trong các Tu Hội lại được dịch từ một chữ khác: “Capitulum”. “Capitulum Generale” là Tổng Công nghị trong các Tu Hội. (Giáo luật các điều 631 – 633)

[2] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng số 32

[3] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng số 1

[4] Hiến chế Tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium, số 32

[5] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng số 20

[6] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng số 20

[7] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng số 14

[8] Lm. Phêrô Trần Văn Hội, Giáo hội, Mầu nhiệm hiệp thông theo Công đồng Vatican II, tham luận tại Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010

[9] Hiến chế Tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium, số 8

[10] Hiến chế Tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium, số 31 – 32

[12] Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2021 của Đức Giáo hoàng Phanxicô

[13] Ngày 29/10/2021 Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng đã ra thông báo quyết định rời thời hạn cuối cùng của việc nộp bản tổng kết từ các Hội đồng Giám mục và các Công nghị Giáo hội Công giáo Đông phương đến ngày 15/8/2022, tức là gia hạn thêm 4 tháng so với thời hạn ban đầu đưa ra là tháng 4/2022.

[14] Vademecum của Thượng Hội đồng lần thứ XVI phần 4.1

[15] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông thư dưới dạng Tự sắc Apostolica Sollicitudo, V, VIII, X.

[16] Vademecum của Thượng Hội đồng lần thứ XVI phần 2.2