ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
THEO THÁNH MÁC-CÔ
Giê-ru-sa-lem, Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su
2021
L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.
WHĐ (11.6.2021) – Trong chu kỳ phụng vụ năm B này, chúng ta đã
đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô từ Chúa nhật đầu Mùa Chay với trình thuật Chúa đối
đầu với Xa-tan trong sa mạc, lễ Lá và lễ Phục Sinh chúng ta đã đọc trình thuật
Thương Khó và Phục Sinh, và sẽ tiếp tục đọc sách Tin Mừng này mỗi Chúa nhật thường
niên.
Trong thánh lễ hàng ngày suốt
9 tuần đầu của Mùa Thường Niên vừa qua, chúng ta đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô, bắt đầu từ khi Chúa Giê-su khởi
sự rao giảng và gọi các môn đệ đầu tiên (1,14-20) cho tới chương 12, 38-44, kể
về bà góa dâng cúng hai đồng kẽm (trị giá một khúc bánh mì đủ thòm thèm một bữa),
nhưng được Chúa coi là “người dâng cúng
nhiều hơn cả, vì bà đã dâng cúng tất cả những gì bà có để sống.”
Trong thánh lễ Chúa nhật và trên các trang mạng không thiếu
bài giảng, bài suy niệm cho mỗi Chúa nhật. Tôi chỉ mời độc giả chú ý tới một điểm
có vẻ là nhỏ, nhưng thật ra là mấu chốt của sách Tin Mừng này. Đặc biệt đang
“mùa phong chức phó tế và linh mục”, là ông già chống gậy đã phục vụ 51 năm
trong sứ vụ linh mục, tôi xin viết ra để tặng các tân phó tế và tân linh mục.
1. Chúa Giê-su mở đầu bước đường rao giảng Tin Mừng
Tin Mừng Mác-cô kể
việc đầu tiên khi bắt đầu đi rao giảng, Chúa gọi bốn môn đệ đầu tiên là hai cặp
anh em: Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an, khi họ đang hành nghề chài lưới
trên Biển Hồ (1,14-20). Vài ngày sau, Chúa gọi người môn đệ thứ năm là một ông
thu thuế tên là Lê-vi (2,13-14). Tin Mừng Lu-ca
cũng cho tên là Lê-vi; riêng Tin Mừng Mát-thêu
cho tên ông là Mát-thêu (9,9); trong danh sách 12 người được chọn làm Tông Đồ
thì chúng ta thấy Mát-thêu kể tên
Mát-thêu và nói rõ là người thu thuế (Mt
10,3); còn Mc 3, 18 và Lc 6,15 chỉ kể tên Mát-thêu mà không chú
thích. Sách Công Vụ (1,15) kê khai
danh sách 11 tông đồ còn lại, cũng kể tên là Mát-thêu.
Hai sách Tin Mừng Mát-thêu
và Mác-cô kể về cách thức Chúa Giê-su
gọi năm môn đệ đầu tiên này giống nhau: Chúa Giê-su đi dọc bờ biển, Chúa thấy, Chúa gọi, và lập tức các ông
bỏ tất cả : lưới, thuyền - anh em nhà Dê-bê-đê bỏ cả cha mà đi theo[1].
Trong bốn sách Tin Mừng, thì Mác-cô là sách phanh phui không nể nang sự ngu dốt của Nhóm Mười
Hai Tông Đồ, nhưng đồng thời cũng là sách nói về sứ mạng rao giảng Tin Mừng phổ
cập nhất: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo” (16,15). Hai điều này phối hợp với nhau như thế nào?
2. Các ông không hiểu những điều then chốt trong đời
sống và lời rao giảng của Thầy.
Sau ngày “ra mắt” tại Hội Đường ở Ca-phác-na-um, Chúa rao giảng
và trừ quỷ, khiến mọi người bỡ ngỡ và tiếng đồn về Ngài vang đi rất mau, Thầy
trò về nhà hai anh em ông Si-môn và An-rê gần đó. Chúa chữa bà mẹ vợ ông Si-môn
đang lên cơn sốt, và bà dậy lo cơm nước cho cả nhà. Rồi vì đã hết ngày Sa-bát,
nên người ta đem mọi kẻ ốm đau, quỷ ám đến đầy trước nhà. Chúa chữa lành hết.
Sáng sớm, lúc trời còn tối
mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36Ông Si-môn và
các bạn kéo nhau đi tìm. 37Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy đấy !” 38Người
bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác,
đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt
để làm việc đó.” 39Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê,
rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ. (1,35-39)
Ngẫm nghĩ câu đầu tiên các môn đệ thưa với Thầy, và câu trả lời
của Thầy chúng ta có thể mỉm cười: nếu mọi người đang tìm Thầy thì sao lại muốn
Thầy đóng đô ở Ca-phác-na-um!
Ngay ngày đầu này các môn đệ đầu tiên đã tỏ ra không hiểu
ba điều:
1/ Nhịp sống: rao giảng Tin Mừng và cầu
nguyện là nhịp sống của Thầy;
2/ Vị trí : ở giữa đám đông để rao
giảng, chữa lành, và lánh ra nơi thanh vắng một mình để ở lại với Thiên
Chúa;
3/ Thầy được sai đến để đi gặp mọi người mà rao giảng Tin Mừng
và chữa lành chứ không phải để ngồi chờ
người ta đến tìm mình.
Đến cuối, khi Chúa đã hoàn tất phần sứ mạng của mình trong một
khoảng thời gian và không gian có giới hạn, Người sẽ trao cho các ông tiếp tục
sứ mạng không biên giới: ĐI KHẮP TỨ PHƯƠNG THIÊN HẠ, LOAN BÁO TIN MỪNG CHO MỌI
LOÀI THỌ TẠO.
3. Chúa Giê-su thiết lập Nhóm Mười Hai
Khi hai nhóm vốn đối nghịch nhau là Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, đã
liên kết với nhau đe dọa mạng sống của Chúa (3, 6), Người phản ứng ra sao? Dụ
ngôn “những người làm vườn nho sát nhân”
(12,1-7) lý giải cách ứng xử của Thiên Chúa: giết người này Thiên Chúa sai nhiều
người khác[2]... Họ mưu giết Chúa Giê-su
thì Chúa chuẩn bị Mười Hai Người để sai đi rao giảng với cùng một quyền
năng trừ quỷ, vốn là kẻ thù chính, đối thủ thật sự của Thiên Chúa từ ban đầu là
Xa-tan, muốn giành giật loài người từ tay Thiên Chúa. Trong Vườn Địa Đàng nó mượn
con mãng xà làm bình phong, trong lịch sử nó núp sau mọi người và mọi thứ có thể
dùng làm công cụ.
Sách Khải Huyền
khích lệ các tín hữu không phải bằng lời vuốt ve: “Không sao đâu, cứ yên trí, cuộc thử thách sắp chấm dứt thôi mà!”,
nhưng bằng cách cho biết là cuộc chiến sẽ ngày càng ác liệt hơn, và cuối cùng
Con Chiên sẽ thắng. Khi ngôn sứ Ê-li-a chạy trốn hoàng hậu Dê-da-ben, vì bà đã
thề sẽ giết ông nội ngày mai, sau một ngày đi trong hoang địa, ông mệt mỏi chán
chường, xin Chúa cho ông được chết, và ông nằm dưới bóng cây chờ chết. Thiên sứ
đến hai lần mang bánh và nước tăng sức cho ông để ông đi tới núi Khô-rép.
Tin Mừng Lu-ca kể
khi tới giờ chịu khổ nạn, Chúa Giê-su
xin: “Nếu Cha muốn, xin cất chén này xa
con, nhưng đừng cho ý con, mà ý Cha được thể hiện” (22,42); chén mà Chúa
Giê-su xin Cha cất xa mình là cái chết cay đắng trên thập giá. Có thiên sứ từ
trời đến tăng sức, nhưng bằng cách nào mà sau đó: “44Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin.
Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (22,43-44). Như
vậy thiên sứ tăng sức bằng cách cho Chúa Giê-su biết rõ ý Cha là Người phải chết,
không có “nếu...”. Chúa Giê-su chỉ
còn một lời để cầu nguyện: “Xin cho ý Cha
thể hiện”.
Trong Tin Mừng Mác-cô, khi
mạng sống của Chúa bị đe dọa, Người đối
phó bằng cách lập Nhóm Mười Hai:
Người lên núi và gọi
đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14Người lập Nhóm Mười Hai,
để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, 15với
quyền trừ quỷ. 16Người lập Nhóm Mười Hai... (3,13-16).
Ngoài năm môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em làm nghề chài lưới
và một ông thu thuế, cùng ở bờ biển hồ Ga-li-lê
- hai nghề chẳng thân thiện với nhau hơn hai phe Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê[3],
Mác-cô không cho ta biết những môn đệ
khác đã được gọi lúc nào và trong hoàn cảnh nào.
Mác-cô cũng không
cho chúng ta biết Chúa Giê-su dựa vào tiêu chuẩn nào mà chọn Mười Hai môn đệ
này : “Những kẻ Người muốn”, và nhóm
này không chỉ là tạm thời, nhưng là một nhóm được THIẾT LẬP vững chắc, cố định,
làm nòng cốt cho Hội Thánh của Chúa sau này. Khi Chúa đã Phục Sinh, Người sẽ tỏ
mình ra cho các ông và sai các ông đi. Các sách Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cũng
cho thấy rõ điều ấy, và sách Công Vụ sẽ kể rõ hơn.
Ngày Chúa Giê-su lập Nhóm Mười Hai là ngày Chúa thiết lập Hội
Thánh. Mác-cô và Lu-ca đều kể sự việc diễn ra trên núi.
Có lẽ gợi nhớ việc Thiên Chúa ngự xuống trên Núi Xi-nai để thiết lập Giao Ước,
qui tụ con cái Ít-ra-en và đám dân hỗn tạp đã theo Mô-sê ra khỏi ách nô lệ Ai cập
(x. Xh 12,38-24,8).
Sách Khải Huyền sẽ
nói tới 24 vị Kỳ Mục (4,10) phủ phục thờ lạy Đấng ngự trên ngai và trước mặt
Con Chiên, tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm (5,8) sau khi Con
Chiên được trao cuốn sách – tượng trưng cho quyền điều khiển lịch sử. Chương 21
sẽ nói rõ hơn ý nghĩa của 24 vị, tượng trưng cho 12 chi tộc Ít-ra-en và Mười
Hai Tông Đồ của Con Chiên (x. 21,10-12).
4. Nhóm Mười Hai không nắm được chìa khóa đưa vào mầu
nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô.
Mác-cô dùng phương
pháp kể chuyện để đưa người đọc vào mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, rất ít bài giảng;
nhiều lần nói đến Chúa giảng dạy trong các Hội Đường. nhưng không nói nội dung.
Một số cuộc tranh luận thì có nội dung. Bài giảng đầu tiên Mác-cô kể cho chúng
ta diễn ra ở bờ Biển Hồ, là các dụ ngôn, chủ yếu xoay quanh hạt giống và người
gieo giống. Chen vào giữa là hai dụ ngôn nhỏ về cái đèn và cái đấu. Dụ ngôn chiếm
vị trí quan trọng hơn cả là dụ ngôn mở đầu: người gieo giống (4,1-9), sau đó là
cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với những người thân cận và Nhóm Mười Hai
(4,10-13), rồi lời Chúa giải thích ý nghĩa (4,14-20).
Xin chú ý tới cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với các người
thân cận và Nhóm Mười Hai trong trình thuật của Mác-cô, vì có những khác biệt quan trọng với trình thuật của Mt (13,10-17) và Lc (8,9-10). Trong trình thuật của Mát-thêu và Lu-ca thì “các môn đệ hỏi về dụ ngôn người gieo giống”,
còn Mác-cô thì nói rõ “Khi còn một mình Đức Giê-su, những người
thân cận cùng với Nhóm Mười Hai hỏi Người về các dụ ngôn ấy”, ngay sau khi
kể dụ ngôn người gieo giống. Phần đầu câu trả lời của Chúa trong Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca giống nhau. Nhưng Mác-cô
có một, hay đúng hơn, hai điểm riêng: “Người
còn nói với các ông: “Anh em không hiểu
dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn. Người gieo giống đây là
người gieo Lời” (4,13-14).
Mác-cô kể thêm hai dụ
ngôn nữa về hạt giống:
1/ hạt giống gieo xuống đất, nếu không gặp những cản trở đã kể
trong dụ ngôn thứ nhất làm mất đi, thì đêm hay ngày, người gieo giống thức hay
ngủ, và cũng chẳng biết bằng cách nào, từ trong lòng đất, hạt giống sẽ nảy mầm và tự nó mọc lên từ trong lòng đất,
theo trình tự của cây lúa, dẫn tới mùa gặt.
3/ dụ ngôn hạt cải, với một nhập đề “long trọng”, khác thường
như để kéo sự chú ý. “Hạt giống nhỏ nhất
lúc gieo xuống đất, mọc lên thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá sum xê, đến
nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.
Trình thuật Chúa chịu cám dỗ đã gợi lại ba chương ở đầu sách Sáng Thế. Thiên Chúa dựng nên A-đam rồi
mới trồng một Vườn Cây và đặt con người vào đó. Trong vườn này Thiên Chúa tìm
cho A-đam một người bạn xứng hợp, trước hết là các loài thú vật, nhưng không
thú vật nào xứng làm bạn của A-đam. Cuối cùng Thiên Chúa mới lấy một chiếc
xương sườn của A-đam và làm nên người nữ, A-đam thức dậy sau một giấc ngủ dài,
vui mừng nhận ra người nữ là “xương tôi,
thịt tôi”. Đôi bạn xứng đôi vừa lứa dạo chơi trong vườn, có mọi loài cầm
thú vây quanh, thưởng thức mọi thứ trái cây trong Vườn. Xa-tan mượn con mãng xà
để xúi con người muốn trở nên ngang hàng với Thiên Chúa bằng cách ăn trái “cây biết
lành biết dữ” để tự mình định đoạt cái gì là tốt cái gì là xấu.
Kết quả là cả hai bị đuổi ra khỏi vườn, ra khỏi vườn
Thiên Chúa đã trồng tức là vào hoang địa, vì lúc đó “chưa có bụi cây nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ nào mọc lên ngoài đồng...”
Hai vợ chồng phải đổ mồ hôi tìm miếng ăn từ trong lòng đất, nhưng đất cũng nổi
loạn với con người, sinh ra gai góc cho
con người.
Khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa sai Thần Khí bay là
là trên mặt nước hoang sơ, và Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để cho mọi loài thọ
tạo xuất hiện trên trời, dưới biển và trên mặt đất. Nay Thiên Chúa đã xé trời,
gởi Thần Khí xuống dưới hình dạng chim bồ câu, đậu trên Đức Giê-su Na-da-rét vừa
chịu phép rửa từ tay ông Gio-an, từ dưới sông Gio-đan bước lên. Tiếng Thiên
Chúa từ trời vọng xuống xác nhận: “Con là
Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Nước và Thần Khí dưới hình dáng bồ câu gợi lại cuộc tạo dựng
và cuộc tái tạo sau nạn Hồng Thủy. Chúa Giê-su, một người từ Na-da-rét tới, hòa
mình giữa đám đông, hạ mình vâng phục, chịu phép rửa, được Thần Khí và Chúa Cha
chứng thực là con người mới, là người con đẹp lòng Thiên Chúa, là “khởi đầu” mới.
Mác-cô dùng lại kiểu
nói trong sách Sáng Thế: “Thần Khí liền đẩy
[ds theo St 3,23, đuổi] Người vào
hoang địa”, nơi A-đam đã bị đuổi vào sau khi muốn nên bằng Thiên Chúa. Người
Con đẹp lòng Thiên Chúa, với quyền năng Thần Khí, đến tìm con người để làm cuộc
khởi đầu mới cho loài người. Xa-tan đã nghe lời Thiên Chúa giới thiệu Con yêu dấu
lập tức đến thử xem có đúng không. Nhưng nó lại vờ xúi Chúa Giê-su thử xem Lời
Thiên Chúa đã nói có đúng không, như Mát-thêu
và Lu-ca kể: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì...”
Mác-cô không kể ba
chước cám dỗ như Mát-thêu và Lu-ca, nhưng cho chúng ta chứng kiến sự
đảo ngược tình thế sau khi Xa-tan ra tay: “Con
yêu dấu của Thiên Chúa” bây giờ lại “ở
giữa các loài dã thú” như A-đam ở trong Vườn. Thiên sứ đã cầm gươm lửa chặn
cửa Vườn, không cho A-đam trở lại, bây giờ đến “hầu hạ” Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Hoang địa trở lại làm thửa vườn
mới. Thế la Xa-tan đã biết sự thật. Và nó sẽ phá đám bằng cách mách lẻo để người
ta khỏi tha thiết nghe lời Chúa Giê-su nói và chứng kiến việc Người làm. Mỗi lần
Chúa lại ra lệnh cấm nó nói. Tin Mừng phải được người ta đích thân nhận ra bằng
cách nghe Lời Chúa nói và nhìn việc Chúa làm và tin.
Chúa Giê-su khởi đầu
lại lịch sử, đó là Tin Mừng, và con người
cũng phải chấp nhận khởi đầu lại với Người bằng cách hoán cải và tin vào Tin Mừng. Hoán cải và tin không thể tách rời
nhau, muốn tin phải chấp nhận hoán cải, và có tin thì mới biết đường mà hoán
cải. Chúa Giê-su bắt đầu đi rao giảng từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem, và
Nhóm Mười Hai sẽ phải tiếp tục từ Giê-ru-sa-lem đi khắp tứ phương thiên hạ, rao
giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Nhưng trước hết chính họ phải mở tai mà
nghe, mở mắt mà nhìn và mở lòng mà tin. Chúa sẽ phải vất vả huấn luyện họ, như
Thiên Chúa đã huấn luyện dân của Giao Ước Xi-nai.
5. Chúa Giê-su vừa là người gieo giống vừa là hạt giống
Cách thức Mác-cô kể
về việc Chúa gọi năm người môn đệ đầu tiên bằng một lời: “Hãy theo tôi”, và hiệu quả tức khắc, gợi cho ta nhớ Thiên Chúa tạo
dựng mọi sự bằng Lời Người phán: “Hãy có
ánh sáng, lập tức có ánh sáng...
“ (St 1,3)
Thánh vịnh 146/147
diễn tả bằng ngôn ngữ thi ca:
Người ấn định con số
các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một (câu 4)
Sách ngôn sứ Ba-rúc
cũng diễn tả:
Người sai ánh sáng,
ánh sáng liền đi;
gọi ánh sáng lại, ánh
sáng run rẩy vâng lời.
34Các tinh
tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng.
35Người gọi
chúng, chúng thưa: Có mặt,
và hân hoan chiếu sáng mừng
Đấng tạo nên mình. (3,33-35).
Nhưng hạt giống phải được gieo xuống đất và mọc lên từ trong
lòng đất (x. Ga 12,34)
Là hạt giống, Chúa
Giê-su phải đi vào trong lòng đất bằng cái chết.
Là người gieo giống,
Chúa phải chỗi dậy để tiếp tục gieo giống qua những người Chúa đã chọn và chuẩn
bị.
Dụ ngôn hạt giống tự nảy mầm và mọc lên... và dụ ngôn hạt cải
nói lên sự chiến thắng mà cái chết không cản được. Dụ ngôn cái đèn và cái đấu
nói về người nghe, đặc biệt là Nhóm Mười Hai và những người thân cận (các môn đệ)
của Chúa. Họ phải thành những ngọn đèn, nhưng muốn được như vậy họ phải thành
những cái đấu lớn để đón nhận Lời!
Vì thế nếu không hiểu dụ ngôn người gieo giống thì làm sao hiểu
được các dụ ngôn khác! Đó là chìa khóa để đi vào mầu nhiệm của Chúa Giê-su và
con đường Chúa phải đi để thực hiện ơn cứu độ với tư cách là ĐẤNG KI-TÔ CON
THIÊN CHÚA, mà Mác-cô đã đặt làm tựa đề cho cuốn sách, đồng thời hiểu được vai
trò và sứ mạng của mình với tư cách là những người đã được chọn để ở với Chúa
và để Chúa sai đi rao giảng với quyền trừ quỷ, và trở thành những ngọn đèn...
6. Điểm qua phản ứng của các giới thính giả, như những
mẫu đất khác nhau.
Như để chuẩn bị cách riêng những người sẽ tiếp tục công việc
“gieo Lời”, Chúa Giê-su kiên nhẫn kèm riêng cho các môn đệ, sau khi giảng cho
đám đông (4,34). Ngay sau buổi rao giảng bằng các dụ ngôn, đến chiều Người truyền
cho các môn đệ qua bờ bên kia. Họ được một kinh nghiệm đặc biệt trong đêm ấy. Như áp dụng dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên, đêm hay ngày, dù người gieo thức hay ngủ...”
Chúa ngủ trên thuyền, sóng gió nổi lên bất ngờ trong đêm. Các môn đệ hoảng hốt,
kêu cứu. Chúa ngăm đe gió và biển, gió liền tắt, biển lặng như tờ. Nhưng các
ông cũng đã biết thắc mắc: “Vậy người
này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” Câu trả lời đã nằm
trong câu hỏi: ai có quyền ra lệnh cho gió và biển? Họ đặt câu hỏi và dừng ở
đó. Dù sao đang khi người gieo ngủ thì hạt giống đã nảy mầm, tuy chưa mọc lên.
Chúa quở trách các ông là “chưa có lòng
tin”.
Qua bờ bên kia là bờ dân ngoại, ở phía Đông, Chúa ra lệnh
cho cả một đạo binh quỷ, chúng cũng tuân lệnh. Nhưng dân vùng đó lại lên tiếng
nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ. Nhưng chính kẻ được giải thoát khỏi quyền
lực đạo binh quỷ đã thành người được sai đi rao giảng có hiệu quả, bằng cách kể
lại kinh nghiệm bản thân được ơn cứu độ: “Anh
ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su
đã làm cho anh ta. Ai nấy đều kinh ngạc”.
Về lại bờ Ít-ra-en, gặp một ông trưởng Hội Đường và một
người phụ nữ có lòng tin.
Về quê hương Na-da-rét, Chúa Giê-su lấy làm lạ vì họ
không tin
Nhóm Mười Hai được sai đi thực tập rao giảng với quyền
trừ quỷ. Thành công.
Hê-rô-đê bị ám ảnh về cái chết của ông Gio-an Tẩy giả
và thắc mắc về Chúa Giê-su.
Nhóm Mười Hai trở về vui mừng kể những thành công khi họ
đi “gieo Lời”. Chúa Giê-su cho họ thực
tập một bước nữa: nuôi đám đông bằng bánh, như trong Cựu Ước. Thiên Chúa nuôi
dân bằng Bánh và Lời.
Một kinh nghiệm mới: lần này không phải là giông bão,
chỉ là gió ngược chiều làm các ông vất vả chèo chống. Chúa đi trên mặt nước đến
với các ông. Lần này thì Mác-cô nói
rõ: “lòng trí các ông còn ngu muội”.
Không hiểu về bánh và không hiểu sao Chúa lại đi trên mặt nước.
Các ông không hiểu cuộc tranh luận của Chúa với
Pha-ri-sêu về “cái gì làm cho người ta ra
ô uế.”
Chúa lên phần đất dân ngoại ở phía Bắc, gặp lòng tin
mãnh liệt và khiêm tốn của một người mẹ, Người cho con gái bà được lành vì những
lời bày tỏ lòng tin khiêm tốn của bà.
Sau khi bẻ bánh nuôi đám đông lần thứ hai, người Pha-ri-sêu
thử thách Chúa bằng cách xin một dấu lạ từ trời. Chúa từ chối và bỏ họ đó
mà xuống thuyền qua bờ bên kia.
Các môn đệ lại không hiểu lời Chúa căn dặn đề phòng men
Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê. Chúa quở trách họ: Lòng anh em ngu muội thế! 18Anh em có mắt mà không thấy,
có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao... Anh em chưa hiểu ư? (Mc
8,17-18.23; x. Đnl 29,3).
7. Tia chớp trong lóe lên trong ông Si-môn Phê-rô.
Mác-cô tổng kết giai
đoạn huấn luyện thứ nhất với lời quở trách của Chúa, gợi lại lời Mô-sê đã nói với
dân của Giao Ước Xi-nai sau 40 năm dạy dỗ họ từ Ai-cập cho tới bờ Đất Hứa,. Mác-cô như cho thấy Nhóm Mười Hai tỏ ra
“càng học càng ngu muội”. Chúa Giê-su
dẫn các ông đi lên phía Đông Bắc.
“Đức Giê-su và
các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường,
Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” 28Các ông
đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là
ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29Người lại hỏi các ông : “Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30Đức Giê-su liền
cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.” (8,27-30)
Hai điểm khiến chúng ta ngạc nhiên: Chúa vừa quở các ông là “ngu muội” sao bỗng dưng ông Phê-rô lại tỏ
ra hiểu biết như thế? Sao Chúa lại cấm ngặt các ông không được nói với ai về
Người?
Mác-cô không giải
thích trực tiếp, vì phương pháp của Mác-cô
là kể chuyện theo lối nghệ thuật “viết”[4] tranh ảnh thánh phương Đông,
đặt tất cả trên một mặt phẳng. Người xem phải nhìn kỹ, đúng hơn là chiêm ngắm để
đọc ra ý nghĩa của mỗi chi tiết và tự mình nối kết các chi tiết mà hiểu.
Trước khi Chúa quở trách Nhóm Mười Hai là “mê muội”. Mác-cô đã kể việc Chúa chữa một người vừa điếc vừa cà-lăm ở vùng Thập
Tỉnh, mở tai và miệng cho anh, khiến anh nói được rõ ràng, mọi người sửng sốt tột
cùng và nói: “Họ hết sức kinh ngạc, và
nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ
câm nói được.” (7,37; x. Is
29,18; 35,5).
Sau khi Chúa quở trách Nhóm Mười Hai, thì Mác-cô kể việc Chúa chữa một người mù tại Bết-sai-đa, sinh quán của
ông Si-môn. Một chút hóm hỉnh của Mác-cô!
Cả hai trường hợp chữa lành này Chúa đều đưa người bệnh riêng
ra xa đám đông, hoặc ra ngoài làng, và chỉ có Mác-cô kể thôi.
Liền sau việc chữa người mù ở Bét-sai-đa Mác-cô kể lời tuyên xưng của ông Phê-rô. Vậy thì ông Phê-rô thấy được
và mở miệng tuyên xưng được là do một ơn “chữa lành” của Chúa.
8. Đêm tối mù mịt hơn
Nhưng tất cả mới lóe lên như một tia chớp, rồi cả Nhóm Mười
Hai lại rơi vào đêm tối mù mịt hơn khi Chúa bắt đầu bài học mới:
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các
kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32Người
nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và
bắt đầu trách Người. 33Nhưng khi Đức Giê-su quay lại,
nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan ! Lui lại đằng
sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người”
Con người vừa mở miệng tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô” bỗng trở thành “phát ngôn viên của Xa-tan, kéo Thầy ra một bên để “cám dỗ” Thầy, xúi Thầy đừng đi con đường thập giá để là Ki-tô. Chúa đuổi ông trở về vị trí:
môn đệ thì đi đàng sau, đừng đòi đi ngang với Thầy hay đi trước [như Tôn Ngộ Không] để chỉ đường cho Thầy. Thập
giá là “tư tưởng của Thiên Chúa”,
Xa-tan thì xúi đi đường tắt như đã xúi con người trong Vườn xưa.
9. Ánh sáng trên núi
Nhưng Chúa Giê-su đã chọn Nhóm Mười Hai thì Chúa không lùi bước.
Chúa đưa Phê-rô và hai anh em nhà Dê-bê-đê vốn là bạn chài của Phê-rô theo, như
hai nhân chứng về đặc ân Chúa làm cho ông trên núi. Mác-cô không nói Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện như Lu-ca (9,28-36), cho ta cảm tưởng như
Chúa đưa Phê-rô và hai bạn theo lên núi chỉ với mục đích cho thấy ánh sáng vinh quang của Đức Ki-tô thôi.
Trong ánh sáng ấy có cả vị đại diện các ngôn sứ là Ê-li-a và người đã vào trong
mây với Thiên Chúa để đón nhận Luật Giao Ước ở núi Xi-nai, là Mô-sê tới đàm đạo
với Đức Ki-tô, như để làm chứng tiếng Thiên Chúa vang lên từ trong đám mây: “Đây
là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người”. Lời Người dạy mới là “TƯ TƯỞNG
CỦA THIÊN CHÚA”. Người đã nói con đường của Đức Ki-tô là con đường thập giá thì
đúng là đường lối, tư tưởng của Thiên
Chúa đấy.
10. Đêm tối mù mịt hơn: đi ngược chiều với Thầy
Từ trên núi xuống, Chúa nói lần thứ hai về con đường của Đức
Ki-tô, “nhưng các ông không hiểu lời đó,
và không dám hỏi”. Bấy lâu nay chuyện gì không hiểu cũng hỏi, sao lần này “không dám hỏi”? Sợ cái gì? Không phải sợ
Thầy không trả lời hay quở trách. Lần đầu Thầy đã quở trách Phê-rô trước mặt
anh em rồi!
Lần này tệ hơn nhiều! Không dám hỏi nhưng đi ngược chiều với
Thầy: dọc đường họ bàn tán với nhau... Thầy nghe thấy, nhưng cứ đi, chờ về đến
nhà mới sửa dạy. Chuyện gì cũng vừa đi vừa nói với các ông, nhưng chuyện này
quan trọng nên Thầy dạy long trọng hơn bao giờ:
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến
thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc
đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34Các ông làm
thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi
Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai
muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi
người.” 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa
các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37“Ai tiếp đón một em nhỏ như
em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải
là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (9,33-37).
Nghe Thầy hỏi là đã cúi mặt « ngậm miệng”, vì xấu hổ về
những gì đã bàn tán với nhau. Nhân dịp này Chúa long trọng dạy về ý
nghĩa của thập giá trong đời sống môn đệ: “Ai
muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi
người.” Thánh Phao-lô sẽ giải nghĩa và ứng dụng trong thư Phi-líp-phê 2,1-12.
11. Đỉnh cao của sự mê muội tự phơi bày
Tới gần Giê-ri-khô là trạm dừng chân cuối cùng trên đường lên
Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa sẽ thực hiện những gì đã loan báo hai lần cho Nhóm Mười
Hai, Chúa loan báo lần thứ ba rõ hơn, như vẽ ra trước mắt các ông những gì Chúa
phải chịu trước khi sống lại từ cõi chết. Lần này Mác-cô không kể phản ứng chung của nhóm, nhưng kể hành động của hai
anh em nhà Dê-bê-đê. Hai anh em đã được chọn làm nhân chứng về ánh sáng trên
núi, bây giờ thành hai kẻ đồng lõa mưu đồ tương lai riêng cho gia đình mình. Ỷ
vào sự ưu ái của Chúa, hai anh em đến nói nhỏ với Chúa để xin hai ghế quan trọng
nhất trong triều đình mà họ nghĩ Thầy sẽ thiết lập tại Giê-ru-sa-lem. Chúa ân cần
nghe và nhẹ nhàng ra điều kiện. Sự ngu muội của họ bộc lộ tột cùng. Họ tỏ ra chẳng
hiểu gì về sứ mạng của Chúa, về bản chất Nước Thiên Chúa, về con đường của Chúa
và con đường làm môn đệ, cũng chẳng hiểu ý nghĩa các điều kiện Chúa đặt ra bằng
những biểu tượng “chén” Chúa phải uống và “phép rửa” Chúa phải chịu. Hai anh em
chấp nhận hết mà không biết mình chấp nhận cái gì. Nhưng chắc phải chưng hửng
vì câu trả lời cuối cùng: “Đức Giê-su bảo:
“Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng
sẽ chịu. 40Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy
không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
(10,32-40) Chúa cho họ điều kiện họ đã đồng ý, bởi vì Chúa đã ưu ái chọn họ
vào Nhóm Mười Hai. Nhưng phần thưởng thuộc quyền Cha trên trời phân phát.
Trước đó ông Phê-rô đã hỏi Chúa về phần thưởng sẽ được vì đã bỏ mọi sự mà theo Chúa: “Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người :
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” 29Đức Giê-su đáp
: “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha,
con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng , 30mà ngay
bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng
đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi , và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. ”
(10,28-30).
Tuy hai anh em nói riêng với Chúa, nhưng không hiểu sao mười
ông kia cũng nghe thấy và phản ứng tức tối với hai anh em nhà này. Chúa dùng dịp
này để dạy lần cuối về con đường làm môn đệ:
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và
ông Gio-an. 42Đức Giê-su gọi các ông lại và nói
: “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống
trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43Nhưng
giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm
người phục vụ anh em ; 44ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy
tớ mọi người. 45Vì Con Người đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
(10,42-45)
12. Người mù được thấy và đi theo Người trên con đường
Người đi
Kết thúc giai đoạn thứ nhất
Chúa đã quở trách các ông “lòng ngu muội,
có mắt mà không thấy” ... (x.8,17-18). Cuối giai đoạn thứ hai, ta thấy tình
trạng tồi tệ hơn. Khi ra khỏi Giê-ri-khô, để bước vào giai đoạn cuối cùng trên
đường lên Giê-ru-sa-lem, một người mù ngồi ăn xin bên lề đường kêu xin Chúa
Giê-su với danh hiệu mới: “Lạy Con Vua
Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người cùng đi với Chúa gạt bỏ anh,
vì người mù vẫn bị coi là chịu hậu quả của tội lỗi (x. Ga 9,2), anh kêu to hơn. Chúa dừng lại và bảo gọi anh ta tới. Người
ta đổi giọng, khích lệ anh. “Cứ yên tâm,
đứng dậy, Người gọi anh đấy!” 50Anh mù liền vất áo choàng lại,
đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51Người hỏi: “Anh muốn
tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52Người
nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy
được và đi theo Người trên con đường Người đi. (10,46-52)
Chúa đã nói điều kiện để theo Chúa là bỏ hết mọi sự, không cứ
là nhiều hay ít mà “tất cả”. Anh mù ngồi ăn xin bên lề đường thì có gì ngoài
cái áo choàng, đêm làm mền đắp, ngày thì làm nệm ngồi. Anh vất cái áo choàng lại
là bỏ tất cả những gì anh có rồi. Anh chỉ xin cho được thấy. Chúa cho liền. Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi
theo Người trên con đường Người đi. Nhóm Mười Hai theo Chúa bấy lâu
nhưng có mắt mà không thấy; chân thì đi theo nhưng nhìn hướng khác và lòng đi
ngược với Chúa, còn anh mù nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người
đi. Từ kẻ ngồi ăn xin bên lề đường, anh đã trở thành người môn đệ chân chính.
Con đường Chúa đang đi là con đường lên Giê-ru-sa-lem đón nhận thập giá.
(10,47-52)
Anh còn đi trước dân Giê-ru-sa-lem một bước khi kêu cầu Chúa
Giê-su với danh hiệu Con Vua Đa-vít.
Dân Giê-ru-sa-lem sẽ tung hô: “Chúc tụng
triều đại đang tới, triều đại Vua Đa-vít, tổ phụ chúng tôi” (11,10).
Sự mê muội dẫn đến hậu quả là khi “hạt giống đã gieo xuống đất”, Thầy Giê-su bị bắt thì cả Nhóm Mười
Hai bỏ Người mà chạy trốn hết. Phê-rô muốn tỏ ra mình gan dạ hơn những người
khác, theo xa xa, rồi vào tận trong dinh thượng tế, chen vào ngồi sưởi chung giữa
đám thuộc hạ. Kết cục là bị cặp mắt dao
cau của một cô đầy tớ nhận diện, ông chối hai lần, nhưng vẫn nấn ná đứng giữa
đám thuộc hạ. Cái giọng Ga-li-lê của ông khiến bọn đàn ông cũng nhận ra và quả
quyết ông đúng là môn đệ của người đang bị xét xử, sỉ nhục ở trước Hội Đồng
trong phòng họp. Ông liền thề độc mà chối. Tiếng gà gáy lần thứ hai vang lên
đâu đó, nhắc ông nhớ lời Thầy đã báo trước sự việc này. Ông òa khóc như một đứa
trẻ và chạy ra ngoài. Chẳng ai thèm đuổi theo bắt ông...
Rồi Thầy bị kết án, một mình vác thập giá thì có ông Si-môn
Ky-rê-nê bị lính bắt vác đỡ. Khi Thầy bị treo lên thập giá thì chỉ có mấy phụ nữ
đã theo Thầy từ Ga-li-lê tới đây, đứng xa xa mà nhìn. Mác-cô chẳng nói có ông nào trong Nhóm Mười Hai bén mảng dọc đường
hay tới nơi Thầy bị treo.
Thầy tắt hơi trên thập giá, thì viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành
quyết chứng kiến và trở thành người tuyên xưng: Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”
Ông trả lời cho câu hỏi
các môn đệ đặt ra sau khi Thầy ra lệnh và sóng gió tuân phục (x.4,42). Ông chưa
bao giờ nghe Chúa giảng hay chứng kiến Chúa làm phép lạ, ra lệnh cho sóng gió
hay cả đạo binh quỷ. Ông chỉ là một sĩ quan nhận và thi hành lệnh chỉ huy cuộc
hành quyết tử tội Giê-su bằng thập giá. Ông phải kiêm cả vai trò chứng nhân xác
nhận là tử tội đã chết, nên ông phải nhìn rõ là tử tù đã trút hơi trên thập
giá.
Coi như đến đây Mác-cô
đã trình bày xong chủ đề: Khởi đầu Tin Mừng
Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa.
Tuy nhiên Mác-cô còn
kể tiếp “hạt giống rơi xuống đất” như thế nào với việc mai táng. Lại xuất hiện
một môn đệ ẩn danh, tên là Giô-xép, người thành A-ri-ma-thê. Ông có uy thế để dám một mình đi gặp Tổng Trấn Phi-la-tô,
xin lãnh xác tử tội Giê-su để mai táng. Tử tội bị xử treo thập giá thì người ta
chỉ xô xuống hố hay cứ treo đó, làm mồi cho thú dữ và ác điểu. Phi-la-tô ân cần
tiếp ông. Cho gọi viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quyết để xác nhận tử tội đã thật
sự chết. Biết chắc rồi, Phi-la-tô không ngần ngại trao cho ông Giu-se lo việc
mai táng.
Tuy là chiều áp lễ trước ngày sabbath, nhưng ông còn đủ thời
giờ đi mua tấm vải mới để liệm, và đặt xác Thầy vào ngôi mộ đã đục sẵn trong
núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. Chỉ thấy hai người phụ nữ là Ma-ri-a Mác-đa-la đi theo và bà Ma-ri-a mẹ
ông Giô-xết đi theo, “để ý nhìn xem
chỗ họ mai táng Người.”
Hạt giống đã rơi xuống đất. Đêm hay ngày... hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên...
13. “Sáng tới
rồi tuy vẫn còn đang đêm” (Is 21,12)
Câu trong sách I-sai-a trên
đây có thể dịch hai cách. Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chúng tôi chọn: “Sáng đến rồi và cả đêm cũng đến!” Dịch
cách nào thì cũng là một câu rất khó hiểu. Tôi chọn cách dịch trên đây để áp dụng
vào đoạn cuối của Tin Mừng Mác-cô.
Mác-cô mở đầu kể tiếp về từ lúc hai bà đã theo ông Giô-xép và để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người. Bây
giờ ta mới biết chủ đích của hai bà: hai bà rủ thêm bà Sa-lô-mê lo việc ướp xác
Thầy (16,1), vì lúc mai táng không kịp ướp[5].
Ngày xưa chưa có đồng hồ như ngày nay, nên khi mặt trời lặn và có thể thấy được
ba vì sao trên trời là hết ngày sabbath. Người ta có thể mua bán. Ba bà này đi
mua sẵn dầu thơm, chờ đến sáng trở ra mộ ướp xác Thầy.
2Sáng tinh
sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt
trời hé mọc, các bà ra mộ.
3Các bà bảo
nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” 4Nhưng vừa
ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.”
Chú ý tới yếu tố ánh
sáng chỉ có Mác-cô nói rõ “lúc mặt trời hé mọc”. Tuy ngày thứ
nhất bắt đầu từ chiều tối như đã nói trên, nhưng nghệ thuật kể chuyện của Mác-cô như nghệ thuật điện ảnh hay sân
khấu ngày nay, ánh sáng là yếu tố quan trọng. Ánh sáng nhẹ nhàng của mặt trời
hé mọc mở ra trước mắt người đọc một cái gì mới mẻ, vui tươi ngược với khi mai
táng hai ngày trước là lúc đêm xuống. Ánh sáng đã bắt đầu vươn lên, nhưng các
bà vẫn còn đi trong bóng tối của lúc đi theo ông Giô-xép và để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người. Trên
đường các bà mới chợt nhớ tới cửa mộ có tảng đá to lấp, và ước lượng ba người
phụ nữ xúm lại cũng không đủ sức lăn nó ra. Nhưng các bà cũng chưa nghĩ tới
quay về tìm người giúp thì đã tới nơi. Và điều bất ngờ đã xảy ra: các bà thấy tảng
đá đã lăn ra một bên rồi. Mác-cô còn
“ghi chú” thêm là “tảng đá ấy lớn lắm”.
Thấy cửa mộ đã mở, các bà cũng chẳng thắc mắc gì, cứ thế bước vào.
Bất ngờ lớn hơn. Lúc mai táng, hai bà (chứ không phải một!) đã
để ý nhìn xem chỗ họ mai táng, nên không thể vào lầm một ngôi mộ khác. Họ thấy
gì?
Vào trong mộ, các bà
thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các bà hoảng sợ. 6Nhưng
người thanh niên liền nói : “Đừng hoảng sợ ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét,
Đấng bị đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt
Người đây này ! 7Xin các bà về nói với môn đệ Người và
ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó,
các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.”
Ngôi mộ khoét trong vách đá thì bên trong người ta để bên tay
mặt cao, bên trái thì có lối vào rộng đủ cho hai người khiêng xác vào, đặt lên
bệ cao rồi đi ra, lăn tảng đá lấp cửa mộ. Người thanh niên áo trắng ngồi bên phải,
tức là trên nơi đặt xác. Người thanh niên nói cho hai bà biết là mình biết lý
do tại sao các bà vào đây, Người thanh niên còn tỏ ra mình là người được giao
nhiệm vụ ngồi chờ sẵn để giải thích cho các bà tại sao xác Đức Giê-su không còn
đó, bằng chứng là người thanh niên ngồi ngay “chỗ đã đặt xác Người” và chuyển
cho các bà nhiệm vụ “đi nhắn tin cho các
môn đệ và ông Phê-rô biết cả điểm
hẹn để gặp Người nữa!
Người thanh niên áo trắng này là ai? Tại sao tin nhắn lại kể
riêng ông Phê-rô? Xin hẹn bài khác.
Phản ứng của các bà:
8Vừa ra
khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói
gì với ai, vì sợ hãi.
Đến đây coi như người kể đã trình bày xong câu chuyện theo tựa
đề và áp dụng dụ ngôn hạt giống: hạt giống đã mọc lên và phơi mình dưới ánh mặt
trời. Người nghe có thể cười khi nhìn cảnh ba bà hoảng sợ, chạy trốn. Thật sự
thì các bà không nói họ cũng đã được Mác-cô
cho biết rồi.
Nhưng còn phải kể tiếp: làm sao hạt giống lớn lên và sinh nhiều
hạt lúa mới[6]. Đoạn tiếp theo tóm tắt những
lần Chúa Phục Sinh tỏ mình cho những người khác, có kể trong Tin Mừng Lu-ca (24,1-35 và Gio-an 20,1-18). Nhưng cốt cho thấy là Nhóm Mười Hai (đã mất một
người là Giu-đa), vẫn còn trong bóng đêm dày đặc:
Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất
trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a
Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10Bà đi
báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11Nghe
bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12Sau đó, Người
tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ
đang trên đường đi về quê. 13Họ trở về báo tin cho các ông
khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
Chú ý tới cái hài hước của Mác-cô:
Các bà theo Thầy từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem thì đứng xa xa nhìn Thầy bị
treo trên thập giá, rồi theo ông Giô-xép đi mai táng, sáng sớm đem dầu thơm ra
mộ để ướp xác, được sai đi báo Tin Mừng thì hoảng sợ và chạy trốn, không nói gì
với ai. Đàn ông là những người đã được “Chúa
tuyển chọn để ở với Người và để Người sai đi” (3,13-19) thì bỏ chạy khi
Chúa bị bắt, ông cầm đầu thì chối Thầy ba lần, rồi ngồi khóc trong đêm. Bây giờ
cả nhóm đóng cửa ngồi trong nhà, buồn bã khóc lóc, tiếp tục hòa chung tiếng
khóc của ông Phê-rô trong đêm. Những người đi ra thì thấy “Sáng tới rồi”, nhưng các ông ngồi trong nhà thì “vẫn đang còn trong đêm”, cái đêm của sự
hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn và chối Thầy.
14. Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thụ tạo.
Sau cùng, Người tỏ mình
ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển
trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã
được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.
Thế là kết thúc giai đoạn huấn luyện thứ hai Nhóm Mười Một có
vẻ mê muội thêm, rơi vào bóng đêm dày đặc không ai kéo ra được. Chúa Phục Sinh
đích thân đến, đem ánh sáng vào tận trong nhà đánh thức các ông, để hoàn thành
dự định của Chúa. Họ đã bỏ không ở lại với Chúa, nhưng Chúa không bỏ họ. Chúa đến
quở trách rồi lập tức sai đi, không phải đi thực tập như lần trước quanh vùng
Ga-li-lê, rồi quay về báo cáo, nhưng là đi khắp tứ phương thiên hạ; không chỉ
rao giảng cho đồng bào ở Ga-li-lê, mà cho mọi
loài thọ tạo. Chúa không ngồi chờ các ông ở Ga-li-lê, nhưng ngự bên hữu
Thiên Chúa ở trên trời. Các dấu lạ bây giờ
đi theo những người tin để xác nhận lòng tin của họ là đúng.
15Người
nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho
mọi loài thụ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ;
còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17Đây là những dấu lạ sẽ đi
theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những
tiếng mới lạ. 18Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc,
thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người
này sẽ được mạnh khoẻ.”
Có vẻ Chúa không trao cho các ông quyền trừ quỷ, chữa bệnh nữa,
nhưng Chúa đích thân làm để xác nhận lời rao giảng của các ông là đúng:
Nói xong,
Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20Còn
các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các
ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Hai “tông đồ” được Thánh Thần sai đi (Cv 13,1-5), không thuộc Nhóm Mười Hai: Phao-lô và Bác-na-ba, sẽ nói lên kinh nghiệm
này sau chuyến rao giảng đầu tiên cho dân ngoại:
Hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a,
là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để
làm công việc vừa mới hoàn thành.
27Khi tới
nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.” (Cv 14, 26-27).
Trong thư 1 Cô-rin-tô
thánh Phao-lô trở lại dụ ngôn hạt giống và hình ảnh xây nhà (x. Lc 6,46-49; Mt 7,24-27) và nói rõ hơn về vai trò của mỗi người và của thiên
Chúa:
Vậy A-pô-lô là
gì ? Phao-lô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức
tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. 6Tôi trồng,
anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên
Chúa mới làm cho lớn lên. 7Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. 8Kẻ
trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của
mình. 9Thật vậy, chúng
tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.
(1Cr 3, 5-9).
Vậy thì người được sai đi rao giảng có đạt kết quả cũng đừng hỉnh
mũi, ưỡn ngực. Những người đã đón nhận đức tin cũng đừng bám vào người đã được
sai đến rao giảng Tin Mừng cho mình. Đó
là hai nọc độc của Con Mãng Xà để gây chia rẽ, gieo cỏ lùng vào cánh đồng của
Thiên Chúa, và ngầm phá ngôi nhà của Thiên Chúa tận nền móng là Lời của Ngài,
Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chiến thắng Xa-tan và quyền lực của nó để lên ngự
bên hữu Thiên Chúa, để từ nay vừa là người gieo, vừa là hạt giống và cũng là Đấng
làm cho hạt giống mọc lên.
15. Tin Mừng cho mọi thọ tạo
Một chiều kích mới của ơn Cứu Độ và của việc loan báo Tin Mừng
mà chỉ có Mác-cô nói lên.
Khi kể việc Chúa Giê-su được Thánh Thần “đuổi vào hoang địa” để đương đầu với Xa-tan, kẻ thù đầu tiên và cuối
cùng của Thiên Chúa và loài người (1,1-13), Mác-cô
đã gợi cho chúng ta nhớ lại câu chuyện trong Vườn Địa Đàng và gợi lên hiệu quả của
ơn cứu độ mà Chúa Giê-su sẽ đem lại trong cuộc chiến thắng cuối cùng. Khi giết
được con người bằng nọc độc mãng xà của nó, nó phá cả ba mối tương quan Thiên
Chúa đã thiết lập trong công trình tạo dựng: giữa con người với Thiên Chúa, giữa
con người với nhau và với thọ tạo. Chúa Giê-su tái lập cả ba khi Phục Sinh và
lên ngự bên hữu Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô sẽ nói trong thư Rô-ma:
Muôn loài thụ tạo những
ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20Quả
thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng
là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21là
có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được
cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22Thật
vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn
quại như sắp sinh nở. 23Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng
ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu,
nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu
chuộc thân xác chúng ta nữa. (8,19-23)
16. Điều kiện để được sai đi rao giảng Tin Mừng
Đến đây chúng ta thấy Mác-cô
coi như điều kiện để được sai đi rao giảng Tin Mừng là đã thấy Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa sống lại.
Chúa quở các ông vì “không
chịu tin những người đã thấy Người sống lại”, và sau khi chính họ được thấy
Người đã sống lại thì lập tức sai họ đi... Và Chúa cùng hành động với họ bằng
quyền năng của Chúa.
Thấy Chúa sống lại đã thay đổi cuộc sống của họ, nên họ có thể
rao giảng như những người làm chứng bằng chính cuộc sống. Chúa gọi riêng một số
người để sai đi, nhưng tất cả những ai đã “thấy Chúa sống lại” nhờ con mắt đức
tin, mỗi người tín hữu và cả cộng đoàn tín hữu, cả Hội Thánh phải làm chứng bằng
đời sống.
Riêng người được trao sứ mạng rao giảng càng phải sống mãnh liệt
hơn, như lời giám mục nói khi trao Sách Tin Mừng cho tân phó tế sau khi đã đọc
lời nguyện phong chức:
Con hãy tin điều con đọc, giảng điều con tin
và sống điều con giảng.
Đọc – tin – sống – giảng:
đó là bốn bước (hiểu ngầm bước thứ năm là hiểu điều con đọc), coi
như bốn bước để có thể bước lên bục giảng.
Ước mong sao đừng vị nào nhảy thẳng lên bục giảng!
Chúc các tân phó tế và tân linh mục ghi nhớ và thực hành lời
căn dặn này suốt đời! AMEN.
[1] Lời kể với ba động từ làm tôi nhớ tới bức thư nổi tiếng của Cesar
gởi cho thượng viện Rô-ma báo tin đã chinh phục hòn đảo lớn nay là nước Anh: Veni, vidi, vici [tôi đã tới, tôi đã thấy và
tôi đã thắng.]
[2] Thời vua nước Anh ly khai, nhiều tu sĩ Dòng Tên bị giết hại.
Thánh Edmond Campion (lễ nhớ ngày 1/12) viết cho ban Tư Vấn của Nữ hoàng (khoảng
ngày 19/7/1580) bức thư nói lên 10 lý do tại sao Dòng Tên không lùi bước:
“Chúng tôi đã bắt đầu công trình; nó là của Thiên Chúa, không thể chống lại
đâu. Cái giá phải trả đã tính sẵn rồi. Bao lâu còn một người cho các vị treo cổ
ở Tyburn... chúng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận...
[3] Việc thu thuế thời đó giao cho “nhà thầu”, phục vụ cho những kẻ nắm
quyền đô hộ; Pha-ri-sêu là phe chống ách đô hộ của Rô-ma, còn Hê-rô-đê là tay
sai của Rô-ma, người Ê-đôm, vốn là cừu địch của dân Ít-ra-en, được giải thích
trong truyện Ê-sau và Gia-cóp (x. St
25,19-37,1). Hê-rô-đê đã trốn qua Rô-ma và vận động được hoàng đế Rô-ma phong
làm vua toàn vùng Ga-li-lê và Giu-đa năm 42 trước CGS. Được quân đội Rô-ma yểm
trợ ông dùng võ lực tiêu diệt dòng họ Mác-ca-bê vào năm 37 trước CGS. Ông theo
đạo Do Thái và xây lại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thật nguy nga, để lấy lòng người
Do Thái (x. Ga 2,18-20).
[4] Người phương Đông không nói vẽ
i-côn (tranh thánh) mà viết i-côn, bởi
vì i-côn như một chương sách về một đề
tài thần học.
[5] Xin đừng lộn với Tin Mừng Gio-an
19,39, ông Ni-cô-đê-mô đã đem tới một trăm cân dầu thơm để tẩm liệm.
[6] Các nhà nghiên cứu tranh luận nhiều về nguồn gốc đoạn kết dài
(16,9-20). Ở đây chúng ta chỉ dành tâm trí vào tìm hiểu như thấy trong sách mà
Hội Thánh trao cho chúng ta như là sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô, đọc trong phụng vụ.