WHĐ (05.03.2024) – Sáng hôm mồng 01.03, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Người Nam-Người Nữ: Hình ảnh của Thiên Chúa. Hướng tới một nhân học về ơn gọi”, do Trung tâm Nghiên cứu và Nhân học về Ơn gọi (the Centre for
Research and Anthropology of Vocations - CRAV) tổ chức tại Vatican từ ngày mồng
01 đến mồng 02.03.2024.
Vì Đức Thánh Cha vẫn còn bị cảm, nên bài Diễn
văn đã được soạn sẵn của ngài do Đức ông Filippo Ciampanelli tuyên đọc.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn và lời chào tự phát của Đức Thánh Cha dành cho những người hiện diện:
Lời chào tự phát của Đức Thánh Cha trước
bài Diễn văn:
Xin chào quý vị! Tôi nhờ người khác đọc bài diễn văn của tôi để tôi đỡ mệt; Tôi vẫn còn bị cảm nên chỉ đọc một lúc là thấy mệt. Nhưng tôi
muốn nhấn mạnh một điều: điều rất quan trọng việc tiến hành cuộc gặp gỡ này, cuộc
gặp gỡ giữa người nam và người nữ, bởi vì ngày nay mối nguy hiểm tồi tệ nhất là
ý thức hệ về giới
tính, vốn loại bỏ những khác biệt. Tôi yêu cầu nghiên cứu về hệ tư tưởng xấu xa
này của thời đại chúng ta, một hệ tư tưởng xóa bỏ sự khác biệt và khiến mọi thứ
trở nên giống nhau; xóa bỏ sự khác biệt là xóa bỏ tính nhân văn. Mặt khác, người
nam và người nữ đang ở trong tình trạng “căng thẳng” phong nhiêu. Tôi nhớ
đã đọc một cuốn tiểu thuyết từ đầu thập niên 1900, tác giả là con trai của Tổng
giám mục Canterbury: Chúa tể của thế giới. Cuốn tiểu thuyết nói về tương
lai và mang tính tiên tri, bởi vì nó cho thấy xu hướng xóa bỏ mọi khác biệt. Thật
thú vị khi đọc cuốn truyện này, nếu quý vị có giờ, bởi vì nó có những vấn đề
này của ngày nay; tác giả thực là một nhà tiên tri.
DIỄN
VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH
CHO CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI THẢO QUỐC TẾ
“NGƯỜI NAM-NGƯỜI NỮ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA. HƯỚNG TỚI MỘT NHÂN HỌC VỀ ƠN GỌI”
Ngày mồng
01.03.2024
Thưa anh chị em!
Tôi rất vui được tham dự Hội thảo này do Trung tâm Nghiên cứu và Nhân học về Ơn gọi tổ chức, trong đó các học giả từ nhiều nơi trên thế giới, mỗi người có chuyên môn riêng, sẽ thảo luận về chủ đề “Người Nam-Người Nữ: Hình ảnh của Thiên Chúa. Hướng tới một nhân học về ơn gọi”. Tôi chào tất cả các tham dự viên, và cảm ơn Đức Hồng y Ouellet vì những lời của ngài: chúng ta chưa phải là những vị thánh, nhưng chúng ta hy vọng sẽ luôn ở trên đường trở thành một vị thánh - đây là ơn gọi đầu tiên mà chúng ta đã lãnh nhận! Và trên hết, tôi xin cảm ơn quý vị vì cách đây vài năm, cùng với những người có tầm ảnh hưởng khác và đang tìm kiếm một liên minh tri thức, quý vị đã thành lập Trung tâm này để khởi xướng nghiên cứu học thuật quốc tế nhằm ngày càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của ơn gọi trong Giáo Hội và xã hội.
Mục đích của Hội thảo này trước hết là xem xét
và đánh giá chiều kích nhân học của mọi ơn gọi. Điều này đưa chúng ta đến một
chân lý cơ bản và nền tảng mà ngày nay chúng ta cần tái khám phá với tất cả vẻ
đẹp của nó: cuộc sống của con người là một ơn gọi. Chúng ta đừng quên điều này:
Chiều kích nhân học, vốn làm nền tảng của mọi ơn gọi trong cộng đoàn, gắn liền
với một đặc tính thiết yếu của con người: đó là chính con người là một ơn gọi.
Mỗi người chúng ta, cả trong những lựa chọn quan trọng liên quan đến một bậc sống
cũng như trong vô số cơ hội và tình huống trong đó những lựa chọn này được thể hiện và hình thành,
đều khám phá và thể hiện bản thân như một người được kêu gọi, như một người nhận ra mình trong việc lắng nghe và đáp trả, chia sẻ chính
mình và tài năng của mình với người khác vì ích chung.
Khám phá này đưa chúng ta ra khỏi sự cô lập của một cái tôi tự quy chiếu, và giúp chúng ta nhìn bản thân mình như một căn tính mang tính tương quan: Tôi hiện hữu và sống mối tương quan với những người đã sinh ra tôi, với thực tại siêu việt, với tha nhân và với thế giới xung quanh, trong đó tôi được mời gọi thực hiện một sứ mạng cụ thể và cá vị với niềm vui và trách nhiệm.
Chân lý mang tính nhân học này là nền tảng vì nó đáp ứng trọn vẹn ước muốn đạt được sự viên mãn và hạnh phúc của con người đang ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Trong bối cảnh văn hóa ngày nay, đôi khi thực tại này có xu hướng bị lãng quên hoặc bị che khuất, với nguy cơ giản lược con người thành những nhu cầu vật chất hoặc những nhu cầu cơ bản, như thể con người chỉ là một vật thể không có lương tâm và ý chí, đơn thuần bị cuộc sống kéo lê như bộ phận của một thiết bị cơ khí. Trái lại, người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng và là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa; nghĩa là con người mang trong mình niềm khao khát về sự vĩnh cửu và hạnh phúc mà chính Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn và được mời gọi thực hiện qua một ơn gọi cụ thể. Do đó, trong chúng ta tồn tại một sự căng thẳng nội tâm lành mạnh mà chúng ta không bao giờ được dập tắt: đó là chúng ta được mời gọi đến hạnh phúc, đến sự sống sung mãn, và đến điều gì đó cao cả mà Thiên Chúa đã dự định cho chúng ta. Cuộc đời của mỗi chúng ta, không có ngoại lệ, và không hề ngẫu nhiên; Sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới không phải là kết quả của sự tình cờ, mà đúng hơn, chúng ta là một phần của kế hoạch tình yêu, và chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình, hoàn thành cuộc đời mình đối với bản thân và tha nhân.
Vì lý do này, nếu quả thật mỗi người chúng ta
đều có một sứ mạng, nghĩa là chúng ta được mời gọi góp phần mình để hoàn thiện
thế giới và định hình xã hội, thì tôi luôn muốn nhớ rằng đó không phải là một
nhiệm vụ bên ngoài được giao phó cho cuộc đời chúng ta, nhưng là một chiều kích
liên quan đến chính bản chất của chúng ta, cấu trúc của con người nam - nữ của chúng ta
theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ được giao phó một sứ mạng,
mà mỗi người chúng ta cũng là một sứ mạng:
“Tôi là một sứ mạng, luôn luôn; bạn là một sứ mạng,
luôn luôn; mỗi người nam người nữ đã chịu phép rửa là một sứ mạng. Những người
đang yêu thì không bao giờ ở yên; họ được kéo ra khỏi con người họ; họ được thu
hút bởi người khác và họ thu hút người khác; họ hiến mình cho người khác và xây
dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa,
không ai là vô ích hay vô nghĩa.” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền
giáo năm 2019).
Đức Hồng Y Newman, một nhân vật trí thức và nhà
tu đức lỗi lạc, đã có những lời soi sáng về điều này. Tôi trích dẫn một vài câu:
“Tôi được tạo dựng
để làm một điều gì đó hoặc để trở thành một người nào đó mà không ai khác được
dựng nên để trở thành. Tôi có một vị trí trong những ý định của Thiên Chúa,
trong thế giới của Thiên Chúa, nơi mà không ai khác có được; dù tôi giàu hay
nghèo, bị người đời khinh khi hay quý trọng, điều đó không quan trọng,
vì Thiên Chúa biết tôi và gọi đích danh tôi. Thiên Chúa đã dựng nên tôi để thực
hiện cho Ngài một mục đích rõ ràng nào đó; Ngài đã giao phó cho tôi một công việc
mà Ngài chưa giao cho ai khác. Tôi có sứ mạng của mình… Ở một khía cạnh nào đó,
tôi cần thiết cho những mục đích của Ngài”.
Và thánh nhân tiếp tục:
“Thiên Chúa đã
không dựng nên tôi một cách vô ích. Tôi sẽ làm tốt, tôi sẽ thực hiện công việc
của Ngài; Tôi sẽ là một thiên thần hòa bình, một người rao giảng chân lý nơi mà
Ngài đã dành cho tôi mà tôi không hề hay biết, miễn là tôi tuân giữ các giới răn của Ngài và
phục vụ Ngài trong ơn gọi của mình” (J. H. Newman, Meditations
and Devotions).
Thưa anh chị em, việc nghiên cứu, học tập và đặc biệt là những cơ hội thảo luận này rất cần thiết và quan trọng, để truyền bá nhận thức về ơn gọi mà mỗi người được Thiên Chúa mời gọi, trong những bậc sống khác nhau và nhờ vào nhiều đặc sủng của riêng mình. Những cơ hội thảo luận này cũng hữu ích trong việc cật vấn chúng ta về những thách đố hiện nay, cuộc khủng hoảng nhân học đang diễn ra, và việc cổ võ cần thiết các ơn gọi nhân bản và Kitô giáo. Và điều quan trọng là sự luân chuyển ngày càng hiệu quả giữa các ơn gọi khác nhau được phát triển, cũng nhờ vào sự đóng góp của quý vị, để những công việc xuất phát từ đời sống giáo dân nhằm phục vụ xã hội và Giáo hội, cùng với hồng ân của thừa tác vụ chức thánh và đời sống thánh hiến, có thể góp phần tạo ra niềm hy vọng trong một thế giới đang tràn ngập những trải nghiệm nặng nề về sự chết.
Việc tạo ra niềm hy vọng này, và việc dấn thân phục vụ
Nước Thiên Chúa để xây dựng một thế giới rộng mở và huynh đệ là một nhiệm vụ được
giao phó cho mọi người nam nữ trong thời đại chúng ta. Cảm ơn sự đóng góp của
quý vị về vấn đề này. Cảm ơn quý vị đã làm việc trong những ngày này. Tôi phó
thác công việc của quý vị cho Chúa qua lời cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Đức
Maria, Biểu tượng của ơn gọi và là Mẹ của mọi ơn gọi. Và xin quý vị cũng nhớ cầu
nguyện cho tôi.
Lời của Đức Thánh Cha ngay sau bài Diễn
văn:
Tôi chúc quý vị tiến hành công việc cách tốt đẹp
nhất! Và đừng sợ những khoảnh khắc rất phong phú này trong đời sống Giáo hội.
Chúa Thánh Thần đòi chúng ta một điều quan trọng: đó là sự trung thành. Nhưng sự
trung thành phải phát triển, điều này cũng có nghĩa là đòi chúng ta phải chấp
nhận rủi ro. “Sự trung thành trong viện bảo tàng” không phải là trung
thành. Hãy can đảm tiến về phía trước để phân định và mạo hiểm trong việc tìm
kiếm ý Chúa. Chúc quý vị những điều tốt đẹp nhất. Hãy can đảm tiến bước, và đừng
đánh mất khiếu hài hước của mình!
Nt.
Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng
Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ
từ: vatican.va (01. 03. 2024)