ĐỂ GIÚP TRẺ LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
WHĐ (03.12.2022) - Các gia đình Công giáo không chỉ được mời gọi
thực hành đức tin qua việc đi nhà thờ, mà còn phải mang tinh thần của Giáo
hội vào trong cuộc sống gia đình. Thật vậy, “gia đình Kitô Giáo là nơi con cái tiếp nhận lời
rao giảng đầu tiên về đức tin” và đây là lý do gia đình được gọi là “Giáo hội tại gia” (GLCG 1666).
Như là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái”, (GLCG 1656) việc dạy dỗ trẻ nhận biết, yêu mến và cầu nguyện với Chúa là bổn phận cấp thiết của bậc cha mẹ. Nhưng trong cuộc sống bận rộn, hối
hả và nhộn nhịp hàng ngày, thật khó để sắp xếp thời gian và không gian để
quây quần như một gia đình trong lời cầu nguyện. Tuy nhiên, nếu bạn giới thiệu con cái mình với Đức Kitô và
khuyến khích trẻ tiếp tục mối tương quan này,
bạn có thể ngạc nhiên trước sự gắn bó của trẻ với Người. Và
khi bạn duy trì sự cầu nguyện chung trong gia đình và dạy trẻ cầu nguyện bạn có thể ngạc nhiên trước hoa trái mà đời sống đức tin mang lại.
Sau đây là một vài gợi
ý để bậc cha mẹ có thể giúp trẻ lớn lên trong đời sống đức tin khi nuôi dưỡng sự thân thiết với Chúa và biết cầu nguyện
cách chân thành.
1. Nuôi dưỡng sự thân thiết với Chúa
Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, “Trở thành Kitô
hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả,
nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người mang lại cho cuộc sống một
chân trời mới và một hướng đi quyết định”. Thật vậy, chia sẻ đức tin với con cái không chỉ là vấn đề cha mẹ cho
trẻ tiếp xúc với nhiều ý tưởng khác nhau mà còn là vun trồng mối tương
quan mật thiết với Chúa. Hãy kể cho trẻ nghe đức tin đã mang đến cho cuộc sống của bạn “chân trời mới” như thế nào, đồng
thời giúp trẻ gặp gỡ con người Đức Kitô và học cách yêu mến Ngài như
bạn.
(1) Cha mẹ hãy
nêu gương tình yêu thương của Chúa
Trẻ em học được nhiều điều từ việc quan sát và bắt chước hành động của
cha mẹ hơn là từ bất kỳ lời khuyên suông nào. Hơn nữa, bậc
cha mẹ được mời gọi không chỉ để nói sứ điệp Tin Mừng cho con cái mà còn trung thành
sống giới răn yêu thương và hy sinh của Chúa Kitô. Do đó, hãy cho trẻ thấy thế nào là yêu mến Đức Kitô qua
lời nói và hành động của bạn!
(2) Giữ truyền
thống đạo đức theo lịch Phụng
Vụ.
Việc dựa theo năm Phụng vụ là cách đơn giản nhưng rất hữu hiệu để dạy đức tin cho trẻ. Hãy mang
các truyền thống của Giáo hội hoàn vũ vào giáo hội tại gia! Chắc chắn, những truyền thống này không chỉ ảnh hưởng đến gia đình của bạn trong hiện tại mà còn được ghi nhớ và trở thành một phần bản sắc của trẻ mai này. Ví dụ:
- Giữ thói quen cầu nguyện trước
bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Trong Mùa Vọng, trong giờ đọc kinh tối, nên hát thêm “Trời cao hãy đổ sương xuống”. Nếu có thể, hãy làm một hang đá nhỏ, để giúp trẻ hình dung sinh nhật của Chúa Giêsu như thế nào.
- Trong Mùa Chay, dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc kiêng thịt
vào thứ Sáu, như là một hình thức hy sinh, dành dụm chút ít tiền để giúp trẻ em
nghèo. Mỗi khi trẻ làm được điều gì tốt, có thể cho một hạt đậu vào chiếc lọ; vào Chúa nhật Phục sinh, hãy kiểm lại xem chiếc lọ được nhiều đậu như thế nào.
- Vào tháng 10, cả nhà cùng đọc ít là 10 Kinh Mân Côi,
và nhắc trẻ về lòng yêu mến Đức Mẹ.
- Vào tháng 11, cả nhà cùng đọc thêm Kinh vực
sâu để cầu nguyện cho những người
thân yêu đã qua đời;
- Nhắc nhớ về ngày lễ bổn mạng của người trong gia đình,
có thể đi lễ hoặc thêm một món ăn để mừng lễ.
(3) Đọc và đặt mình vào bối cảnh của bài Tin mừng
Vào Chúa nhật, gia đình có thể làm điều gì đó đặc
biệt để tôn vinh Ngày của Chúa, Chẳng hạn như đọc bài Tin Mừng, và khuyến
khích trẻ lắng nghe cẩn thận xem Chúa
đang nói gì. Đây không phải là một bài giáo lý mà là một buổi
cầu nguyện, hướng dẫn trẻ lắng nghe Chúa nói với mình.
Sau đó, có thể hỏi trẻ:
“Con đã nghe gì?” “Con nghĩ Chúa đang nói gì với con?” Hãy để cho trẻ đưa
ra câu trả lời mà không cần điều chỉnh hay góp ý. Rất có thể trẻ nói điều gì đó mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến! Vì thực, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh theo
nhiều cách khác nhau.
Ngoài ra, có một cách tiếp cận khác, là
khuyến khích trẻ nghĩ về cảm giác sẽ như thế nào khi ở đó với Chúa Giêsu, nhắm
mắt lại và hình dung mình trong khung cảnh của bài Tin Mừng, đặt những câu hỏi như: Thời tiết như thế nào?, Bối cảnh lúc đó như thế nào? nghe như thế nào?... Rồi cả nhà cùng cầu nguyện chung với
nhau.
Chắc chắn việc đọc và
lắng nghe Tin Mừng như thế sẽ mang lại nhiều hoa trái thiêng
liêng cho trẻ và cả gia đình.
(4) Nhắc trẻ về những người bạn Thánh thiện.
Cha mẹ có thể giúp trẻ thân thiết hơn với vị Thánh Bổn mạng hoặc Thiên thần bản mệnh. Mỗi tối, nhắc trẻ cầu nguyện và cám ơn Thiên thần luôn ở bên con, bảo vệ con, nhắc nhở con làm điều tốt, tránh làm
điều xấu… Thậm chí, dạy trẻ thầm thĩ “Xin thánh Antôn giúp con!” khi bạn cần tìm một thứ gì đó là một cách tuyệt
vời để dạy trẻ biết hướng về Chúa trong những lúc khó khăn.
2. Dạy trẻ cầu nguyện cách chân thành
Theo kinh nghiệm của nhiều tín hữu, những lời cầu nguyện chúng ta học được khi còn nhỏ thường gắn bó cho đến khi trưởng thành và có sức nâng đỡ khi chúng ta cần sự an ủi nhất. Thực sự, những lời cầu nguyện như Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng rất quan trọng, nhưng nếu dạy cho trẻ biết thêm một chút về cầu nguyện qua việc nói chuyện với Chúa, cũng rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng. Có thể thực hành vài bước đơn giản như sau:
(1) Chuẩn bị trái tim của trẻ với sự ngạc nhiên
Chính sự ngạc nhiên giúp chúng ta dễ dàng thờ phượng, cảm tạ và cầu nguyện với Chúa, Đấng tạo thành muôn vật mà chúng ta không bao giờ khám phá hết. Đặc biết, trẻ em rất tò mò, và có
xu hướng thích thú và ngạc nhiên về những gì trẻ nhìn thấy. Cha mẹ hãy cùng ngạc nhiên với trẻ để
giúp chúng thấy thế giới xung quanh tuyệt vời như thế nào. Đồng thời kiên nhẫn và dành thời gian trả lời những câu hỏi “Tại sao” của trẻ.
(2) Hướng dẫn trẻ với
lời cầu nguyện chân thành
Ngoài việc đọc kinh, thỉnh thoảng hãy thử ngồi với trẻ trước bàn thờ và giải thích đơn giản
rằng thay vì đọc kinh như thường
lệ, sẽ cùng nói chuyện với Chúa
Giêsu một cách đơn sơ như đang nói với người bạn. Ví dụ, sau khi cùng nhau làm dấu thánh giá, hãy hỏi trẻ muốn nói với Chúa về điều gì, hoặc bạn có thể gợi ý với trẻ: “Bây giờ con hãy nhắm mắt lại và chúng ta sẽ nghĩ về Chúa. Chúa ở khắp mọi nơi nhưng Chúa đang ở
trong lòng con. Chúa yêu con rất nhiều. Con hãy nói là con cám ơn Chúa và con cũng yêu
Chúa nhiều lắm…”
Chắc chắn, những giây phút và lời cầu nguyện như vậy sẽ trở thành một phần ăn sâu trong tâm thức của
trẻ.
(3) Hãy Kiên trì!
Thiên Chúa không đòi chúng ta hoàn hảo, nhưng đòi chúng ta phải trung
thành. Hãy
cố gắng kiên trì nhất quán trong lời cầu nguyện gia đình, và đừng
lo lắng nếu nó không luôn diễn ra như bạn mong muốn. Hơn nữa, hãy cho trẻ thấy rằng thời
gian bạn dành để cầu nguyện là điểm nổi bật trong ngày và Chúa là trung tâm của
cuộc đời bạn. Vì thế, bạn hãy tiếp tục cầu nguyện với trẻ ngay
cả khi trẻ cảm thấy lạ lẫm, không chú ý, hoặc có vẻ không hiểu. Ngay cả khi mọi thứ rối
ren, thì sự trung thành của bạn trong lời cầu nguyện và
dạy con cái cầu nguyện là cơ
hội giúp những lời cầu nguyện có
thời gian thấm nhuần và có sức
định hình đời sống đức tin của trẻ.
***
“Gia đình nào cầu nguyện
cùng nhau thì ở bên nhau”.
Từng chút một, chắc hẳn
mỗi hành động yêu thương và lời cầu
nguyện đơn sơ chân thành không chỉ góp phần tạo nên văn hóa Kitô
trong gia đình, và Giáo hội tại
gia phát triển cách, nhẹ nhàng, vui vẻ, thánh thiện mà còn giúp trẻ lớn lên trong đức tin, trở thành người như Thiên Chúa muốn và mời gọi chúng trở thành.
Theo: aleteia.org (11. 10. 2018) ;
aleteia.org (30. 7. 2020);
và aleteia.org (29. 11. 2022)