ĐÂU LÀ THÁI ĐỘ CẦN CÓ KHI THAM GIA TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
Lm. Antôn Hà Văn
Minh
Mục lục I. Tầm quan trọng của Thượng Hội đồng Giám mục
lần thứ XVI II. Thái độ cần có khi tham gia tiến trình hiệp
hành |
Dẫn nhập
Hơn bao giờ hết, Giáo hội Chúa Kitô
đang đối diện với nhiều thách đố lớn lao về sứ vụ loan báo của mình khi bước
vào Thiên niên kỷ mới, đặc biệt ngày càng có nhiều người chống lại Giáo hội, rời
xa Giáo hội. Giáo hội như đang đánh mất dần tính khả tín của mình, vì con cái
Giáo hội có “thái độ sống đạo cách mơ hồ,
không có khả năng nắm vững vấn đề chân lý”, và vì thế họ dễ dàng “nhuốm phải bầu khí của phong trào tục hóa
(secularism) và khuynh hướng đạo lý tương đối (ethical relativism)”[1]
Hiểu được điều đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nỗ lực canh tân Giáo hội. Cuộc
canh tân trước tiên khởi sự từ việc lắng nghe và hoán cải, điều mà vị tiền nhiệm,
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư Tertio Millennio Adveniente đã
đề nghị một cuộc khảo sát lương tâm:
“Lời của Thiên Chúa đã trở nên hồn sống của thần học và
là nguồn hứng cho cả cuộc sống Kitô hữu, trọn đầy hơn nữa đến mức nào, theo như
Dei Verbum (hiến chế về Mạc Khải)? Phụng vụ có được sống như là nguồn mạch và
là thượng đỉnh của sinh hoạt thuộc về Hội Thánh không, theo giáo huấn của
Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ)? Giáo hội học về việc hiệp thông
được diễn giải trong Lumen Gentium (Hiến chế về Giáo hội) có được làm cho vững
mạnh nơi Giáo hội hoàn vũ cũng như nơi các Giáo hội riêng biệt không? Những đặc
sủng, những sứ vụ và những hình thức tham dự khác nhau của dân Thiên Chúa có được
thể hiện chăng, một thể hiện không bị ảnh hưởng bởi ý hệ dân chủ và tính cách
xã hội tương phản với quan niệm của Giáo hội cũng như với tinh thần chân thực của
Công đồng chung Vaticanô II? Một vấn đề quan trọng khác được nêu lên là bản chất
của việc liên hệ giữa Giáo hội và thế giới. Những chỉ dẫn của Công đồng - được
phác họa trong Gaudium et Spes (Hiến chế Mục Vụ) và các văn kiện khác - về việc
đối thoại một cách cởi mở, tôn trọng và thân tình, vẫn còn hiệu lực và mời gọi
chúng ta phải dấn thân hơn nữa, tuy nhiên, nó phải được đi kèm với một nhận thức
rõ ràng cùng với việc can đảm làm chứng cho chân lý”[2]
Cuộc khảo
sát lương tâm theo đề nghị của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô được Đức Phanxicô
coi đó như động lực để làm một cuộc canh tân trong Giáo hội nhân dịp Thượng Hội
đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI khai mở với chủ đề: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.
Trong bài giảng của thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng, Đức thánh cha đã thao thức:
“Hôm nay, khi khai mạc hành trình Thượng
Hội đồng này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tự vấn bản thân - tất cả chúng ta,
Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - liệu chúng ta, cộng đồng Kitô
giáo, có thể hiện ‘phong cách' này của Thiên Chúa, Đấng đang bước đi trong lịch
sử và chia sẻ những nỗi thăng trầm của nhân loại hay không? Chúng ta có sẵn
sàng mạo hiểm bước vào cuộc hành trình này chưa? Hay chúng ta sợ hãi những điều
chưa biết, thích trốn tránh với những lý do như “chẳng lợi ích gì” hoặc “đã
quen làm như thế rồi”? ”[3]
Vâng, tất cả
những người đã nhận Bí tích Rửa tội cùng bước trên một con đường, con đường
Giêsu, và vì thế Đức thánh cha Phanxicô mời gọi tất cả cùng tham dự Thượng Hội
đồng Giám mục lần thứ XVI với tất cả sự thao thức của mọi thành phần trong Giáo
hội.
I. Tầm quan trọng của Thượng Hội đồng
Giám mục lần thứ XVI
Giáo hội
đang bước vào một giai đoạn có nhiều khủng hoảng, sự khủng hoảng bắt nguồn từ
việc con người thời đại đang muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. “Con người ngày nay cho rằng, họ có thể làm
được tất cả mà trước đây họ chỉ trông đợi vào Thiên Chúa. Theo lối nghĩ được
coi là khoa học đó, người ta coi những gì thuộc đức tin là cổ hủ, hão huyền, là
thứ thuộc về văn minh quá khứ. Tôn giáo, dĩ nhiên là Kitô giáo, được coi là cặn
bã của quá khứ. Ngay cả trong thế kỷ XVIII, Khai Sáng đã tuyên bố, tới một ngày
nào đó, Giáo hoàng, ông Dalai Lama của Châu Âu, sẽ biến mất. Khai Sáng sẽ quét
sạch những rác rưởi hão huyền đó”[4].
Thiên Chúa bị coi như mối quan tâm đảng phái của một nhóm nhỏ và không còn có
thể trở thành nguyên tắc hướng dẫn cho toàn thể cộng đồng. Thiên Chúa đã trở
thành chuyện riêng tư của một thiểu số. Điều đáng ngạc nhiên là đứng trước khủng
hoảng này, thay vì tìm cách để giúp Giáo hội vững bước vượt qua khủng hoảng để
giữ trọn căn tính của mình, thì lại xuất hiện sự chia rẽ trong hàng ngũ giáo phẩm,
tạo ra hoang mang cho các Kitô hữu trong việc thực thi giáo huấn của Giáo hội
trong các lãnh vực liên quan đến đời sống đức tin của mình[5],
và hầu như sứ vụ loan báo Tin Mừng như đang bị nhấn chìm dưới những cuộc tranh
luận mang nặng óc bè phái, chính trị đảng phái.
Cần phải nhắc
lại tầm quan trọng sứ vụ loan báo của Giáo hội, cho nên qua việc triệu tập Thượng
Hội đồng Giám mục lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội suy
tư về một chủ đề mang tính quyết định đối với đời sống và sứ vụ của mình: “Con đường hiệp hành này chính là con đường
Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba'. Hành trình này,
theo ý hướng ‘canh tân' Giáo hội được Công đồng Vaticanô II khởi xướng, chính
là một ân phúc mà cũng là một nhiệm vụ: bằng cách cùng nhau cất bước hành trình
và cùng nhau suy nghĩ về hành trình đã thực hiện, Hội Thánh sẽ có thể học biết,
qua kinh nghiệm của mình, đâu là những tiến trình có thể giúp Hội Thánh sống hiệp
thông, thực hiện sự tham gia và mở ra cho việc thi hành sứ vụ. Quả thực, việc
chúng ta ‘cùng nhau cất bước hành trình' là điều thể hiện và chứng tỏ rõ nhất bản
chất của Hội Thánh như là dân Chúa lữ hành và truyền giáo”[6].
Thượng Hội
đồng lần này không đơn giản chỉ quy tụ một nhóm giám mục do Đức thánh cha triệu
tập cùng các bài tham luận mang tính thần học cao xa, trừu tượng, nhưng là một
cuộc hiệp hành với sự tham gia của mọi người nam và nữ đã lãnh nhận Bí tích Rửa
tội, sự tham gia này không đánh dấu bằng hình thức nhưng là đức tin, Đức thánh
cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tham gia là một
đòi hỏi của đức tin đã nhận được trong Bí tích Thánh Tẩy”[7].
Vì thế Đức
thánh cha Phanxicô mong muốn Thượng Hội đồng lần này có nhiều thay đổi, đặc biệt
trong tiến trình thực hiện mang tính hiệp hành thích hợp với tinh thần của Công
đồng Vaticanô II. Theo Đức hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám
mục: “thay đổi cụ thể đó là mọi người, mọi
thành phần Dân Chúa sẽ có thể lên tiếng nói. Thượng Hội đồng Giám mục là điểm hội
tụ của tiến trình lắng nghe được tiến
hành ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội. Điều này có nghĩa là lắng nghe tiếng
nói của hiệp hành, đặc biệt là các Hội đồng Giám mục, nơi các giám mục thực hiện
chức năng phân định của mình, và cuối cùng ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ”[8].
Việc thay đổi
hình thức Thượng Hội đồng lần này ở chỗ: thay vì là một sự kiện, lại trở thành
một tiến trình với ba giai đoạn: chuẩn bị, cử hành và thực hiện. Giai đoạn chuẩn
bị của Thượng Hội đồng lần thứ XVI chính là tham vấn ý kiến của Dân Chúa tại
Giáo hội địa phương, bởi Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng, Dân Thiên
Chúa dự phần vào sứ vụ tiên tri của Chúa Kitô, vì vậy Thượng Hội đồng cần tham
vấn ý kiến của toàn thể Dân Chúa. Nói như Đức hồng y Mario Grech: Nguyên tắc điều
hành của cuộc tham vấn này của Dân Thiên Chúa được bao hàm trong nguyên tắc cổ
xưa “cái nào đụng chạm đến tất cả phải được tất cả mọi người chấp thuận” (Quod omnes tangit ab omnibus approbari
debet)[9].
Việc tham vấn
ý kiến Dân Chúa là nhằm hiện thực điều Công đồng Vaticanô II nói đến, đó là
thăng tiến vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Họ như là “chủ thể của sứ mệnh rao truyền của Dân Chúa
trong Giáo hội và trên thế giới”[10].
Thượng Hội đồng muốn cho ý niệm “giáo sĩ trị” từng đâm rễ sâu trong lòng Giáo hội
cần được thanh luyện, để canh tân vai trò người giáo dân, khuyến khích họ tham
gia vào công việc của Giáo hội, bởi chính Đức Kitô sai phái họ. Người giáo dân
có chỗ đứng trong Giáo hội không phải vì tham dự vào các chức vụ của hàng giáo
phẩm, nhưng nhờ tham dự vào các chức vụ của Đức Kitô. Do đó, người giáo dân có
nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế. Họ thể hiện sự ủy thác của Chúa Kitô qua
Giáo hội. Vì thực thi sứ mệnh của toàn Dân Chúa, nên họ là Giáo hội. Họ có được
một chỗ đứng công khai trong Giáo hội. Họ là Giáo hội hiện diện trong thế giới[11].
Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng nhấn mạnh: “Nhờ được xức dầu Thánh Thần khi chịu phép Rửa, toàn thể các tín hữu
‘không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức
siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến những
người bé mọn nhất trong các tín hữu' đều đồng thuận về những điều liên quan đến
đức tin và phong hóa'. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các tín hữu ‘tới sự thật
toàn vẹn”[12].
Cuốn cẩm nang cho Thượng Hội đồng chỉ rõ các thành phần Dân Chúa cần được tham
vấn ý kiến: “Toàn thể Dân Chúa qua Bí
tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi. Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng
ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội Thánh. Trong các
giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu
trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, trẻ già, tất cả chúng ta được mời
gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đến để hướng
dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta, thổi sinh khí vào Hội Thánh và dẫn
chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trong thế giới”.[13]
Để việc tham vấn ý kiến trong Dân Chúa đạt tới kết quả tốt đẹp, Tài liệu chuẩn
bị Thượng Hội đồng đã đề ra nguyên tắc làm việc theo tinh thần hướng tới một Hội
Thánh hiệp hành với ba bước: lắng nghe, phân định và tham gia. Đây là ba cột trụ
cho tiến trình hiệp hành: lắng nghe là phương pháp, phân định là mục đích và
tham gia là con đường[14].
II. Thái độ cần có khi tham gia tiến
trình hiệp hành
1. Lắng nghe
Tiến trình
hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng đặt trên nền tảng Đức tin. Việc tham vấn
ý kiến không phải là thu thập dữ liệu, cũng không phải trưng cầu ý dân, càng
không phải là những cuộc họp thảo luận mang tính nghị trường, nhưng việc tham vấn
ở đây thể hiện tính hiệp hành trong một sợi chỉ xuyên suốt: hiệp thông, tham
gia và sứ vụ.
Khởi sự của
tiến trình này chính là lắng nghe nhau. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức
thánh cha Phanxicô đã đưa ra nhận định: “Chúng
ta phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một phần các tín hữu đã rửa tội của chúng ta thiếu
ý thức thuộc về Hội Thánh, đó cũng là do một số cơ cấu và một số bầu khí thiếu
thân thiện cởi mở tại một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hoặc cũng do
tính quan liêu trong cách xử lý các vấn đề đơn sơ hay phức tạp trong đời sống
các tín hữu của chúng ta. Tại nhiều nơi, phương thức quản trị lấn lướt phương
thức mục vụ, cũng như sự tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các
hình thức truyền giáo khác”[15].
Chính điều này đã làm cho Giáo hội trở nên xơ cứng và không nhận ra những nhu cầu
của người thời đại, thiếu vắng sự đối thoại là phương thế để canh tân chính
mình hầu trở nên tiếng nói cho thế hệ hôm nay nghe về Tin Mừng.
Trong cuộc
đối thoại cần phải có, yếu tố lắng nghe là yếu tố thiết yếu để khơi mở cho cuộc
canh tân hoán cải chính mình. “Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống
đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì
Chúa đang nói với chúng ta”[16].
Đức giáo hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe
là: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu
của Dân Ngài; lắng nghe Dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà
Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó”[17].
Lắng nghe để đi ra khỏi chính mình, khỏi lâu đài ích kỷ của “cái tôi” hầu kiến
tạo mối tương giao với người khác, những người chúng ta thích và những người xa
lạ cũng như người đối nghịch với chúng ta. Chúng ta lắng nghe những người cùng
quan điểm và không cùng quan điểm, và đặc biệt trong tiến trình hiệp hành này
yêu cầu chúng ta cần phải quan tâm và lắng nghe những người mà chúng ta xem thường,
những kẻ như bị lãng quên trong các mối tương giao của chúng ta.
a/ Lắng nghe tiếng
Chúa
Theo Đức
thánh cha Phanxicô, tiến trình hiệp hành không phải thu thập ý kiến, không phải
cuộc điều tra, nhưng là một hành vi đức tin vì thế, trước tiên phải cầu nguyện
để nghe tiếng Chúa: chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đang hoạt động
trong Giáo hội. Lắng nghe tiếng Chúa để “hiểu
thấu được sự hiện diện của Người, nhận ra đường đi và hơi thở ban sự sống của
Người”[18].
Để nghe được
tiếng Chúa, chúng ta phải tìm đến sự tĩnh lặng trong cầu nguyện. Tiên tri Êlia
đã cho chúng ta kinh nghiệm điều này khi ngài khám phá ra rằng: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng
trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất,
nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa
cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông
Êlia lấy áo choàng che mặt” (I Các Vua 19:11-13). “Đấy là cách Chúa nói với chúng ta. Và chính vì ‘tiếng gió hiu hiu' này
- tiếng gió mà các nhà chú giải diễn dịch là ‘tiếng nói mỏng manh của im lặng'
và một ai khác nói là ‘một hơi im lặng vang dội' - mà chúng ta phải chuẩn bị
đôi tai của mình sẵn sàng để nghe làn gió này của Thiên Chúa”[19].
Vâng, để
nghe được tiếng Chúa, sự thinh lặng chính là không gian rất cần thiết, vì Thiên
Chúa nói với chúng ta trong thinh lặng. Đức hồng y Sarah đã chia sẻ: “Nhiều người thuộc thời đại chúng ta không
thể chấp nhận được sự thinh lặng của Thiên Chúa. Họ không chấp nhận đi vào sự
hiệp thông bằng một cách thức nào khác ngoài bằng lời nói, cử chỉ hoặc hành động
cụ thể và hữu hình. Trong khi Thiên Chúa nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự
thinh lặng của Thiên Chúa là một lời nói. Ngôi Lời của Người là cô tịch”[20].
Không lắng
nghe được tiếng Chúa không thể nào khởi sự tiến trình hiệp hành theo đúng hướng
đi của Đức thánh cha khi khai mở Thượng Hội đồng lần thứ XVI. Bởi “Ý nghĩa cuộc hành trình mà tất cả chúng ta
được mời gọi thực hiện, trước hết, chính là ý nghĩa hành trình tái khám phá
khuôn mặt và hình thức của một Hội Thánh hiệp hành, trong đó mỗi người đều có
điều gì đó để học biết Trong
hành trình cùng nhau cất bước, chúng ta cầu xin Chúa
Thánh Thần giúp chúng ta khám phá ra rằng việc hiệp thông, vốn kết hiệp các ân
ban, đặc sủng, và tác vụ khác nhau lại, là để thi hành sứ vụ: Hội Thánh hiệp
hành là Hội Thánh ‘ra đi', Hội Thánh truyền giáo là ‘Hội Thánh luôn mở rộng cửa'”[21].
b/ Lắng nghe nhau
Tại cuộc gặp
gỡ phái đoàn đông đảo đại diện cho Giáo phận Rôma tại đại sảnh Phaolô VI vào
ngày 18-9-2021, Đức thánh cha Phanxicô đã nói về tiến trình hiệp hành: “Hành trình này được quan niệm như một năng
động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, tôi muốn nhấn mạnh điều này: một năng động
tính của việc lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi bình diện của Giáo hội,
bao gồm toàn bộ Dân Chúa. Đức hồng y Đại diện và các Giám mục Phụ tá phải lắng
nghe nhau, các linh mục phải lắng nghe nhau, các tu sĩ phải lắng nghe nhau,
giáo dân phải lắng nghe nhau. Và sau đó, mọi người cùng lắng nghe nhau. Lắng
nghe chính anh chị em; nói chuyện và lắng nghe nhau”[22].
Đây là điểm
mới của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới: Mọi tín hữu đều được mời gọi phát biểu,
đóng góp ý kiến. Đức Phanxicô kêu gọi: “Anh
chị em sẽ phải cố gắng tự phát biểu, trên con đường hiệp hành này. Nếu không có
Chúa Thánh Thần, thì đó sẽ là một Hội nghị giáo phận, chứ không phải là Thượng
hội đồng.
Chúng ta không lập Hội nghị giáo phận, chúng ta không
nghiên cứu điều này hay điều khác, không: chúng ta đang thực hiện một cuộc hành
trình lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần, thảo luận và cùng thảo
luận với Chúa Thánh Thần, vốn là một cách cầu nguyện”[23].
Thế nhưng để
có thể lắng nghe nhau, chúng ta phải noi theo Đức Kitô bài học về sự hiền lành
và khiêm nhường. Bởi sự lắng nghe là lời mời gọi đi ra khỏi chính mình, khỏi
tính tự ái kiêu căng. Một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình để lắng nghe
người khác chính là chúng ta đang nói với người khác, lời được cất lên trong
thinh lặng nơi môi miệng, và được nói ra từ tâm trí của sự thấu hiểu với thái độ
tôn trọng và nhã nhặn, đây là tiếng nói của trái tim mà âm vang của nó được
phát ra từ tấm lòng khiêm cung.
Khởi sự lắng
nghe là lời khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn can đảm, can đảm để lắng nghe
nhau. Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành nhấn mạnh: “Mọi người đều có quyền được người khác lắng
nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ
thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn
lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người
khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người”[24].
Cuối cùng
là học cách lắng nghe trong sự kiên nhẫn. Đức Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ
khai mạc Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã nói: “Chúng ta lắng nghe thế nào? “Thính giác” của con tim chúng ta ra sao?
Chúng ta có để cho người khác tự bày tỏ, được bước đi trong đức tin dù hành
trình cuộc sống của họ có khó khăn trắc trở, và được góp phần vào đời sống cộng
đoàn mà không bị cản trở, từ chối hoặc phán xét hay không? [...]. Học cách lắng
nghe lẫn nhau [...] hẳn là bài tập chậm chạp và nhọc nhằn[...]. Đừng cách âm
con tim, đừng bảo bọc chúng ta trong những điều chắc chắn. Đã bao phen chúng ta
bị khóa chặt trong những điều chắc chắn. Hãy lắng nghe lẫn nhau”[25].
2. Phân định
Đức giáo
hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Thượng Hội đồng là một tiến trình của sự phân định
tâm linh, sự phân định của Giáo hội, diễn ra trong sự tôn thờ, trong cầu nguyện
và đối thoại với Lời Chúa. Lời Chúa hiệu triệu chúng ta đến với sự phân định và
mang lại ánh sáng cho quá trình đó. Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội đồng, ngăn
không cho nó trở thành một Đại hội của Giáo hội, một nhóm học tập hay một cuộc
tụ họp chính trị, một quốc hội, nhưng đúng hơn là một sự kiện đầy ân sủng, một
tiến trình chữa lành được hướng dẫn bởi Thánh Linh. Trong những ngày này, Chúa
Giêsu kêu gọi chúng ta, như đã từng kêu gọi người đàn ông giàu có trong Tin Mừng,
hãy trút bỏ chính mình, hãy giải thoát mình khỏi tất cả những gì thuộc về thế
gian, kể cả những mô hình mục vụ hướng nội và hướng ngoại của chúng ta; và tự hỏi
Chúa muốn nói gì với chúng ta trong thời điểm này, và hướng đi nào Chúa muốn dẫn
dắt chúng ta”.[26]
Dựa vào
linh đạo của cha thánh Ignatiô về con đường phân định tâm linh, đó là một tiến
trình của một tâm hồn biết mở lòng với Chúa Thánh Thần, rồi để tâm suy xét
trong đức tin và đức ái, về những cảm xúc cá nhân và những lý lẽ đúng đắn, để rồi
đưa ra một quyết tâm và hành động cụ thể hữu ích cho bản thân và cho người
khác, Đức Phanxicô đã trình bày về tính phân định trong tiến trình tiến tới một
Giáo hội hiệp hành. Yếu tố phân định được coi là yếu tố quan trọng của tiến
trình hiệp hành. Vì lắng nghe để đưa tới sự phân định rõ ràng hầu có được một
quyết định đúng đắn nhằm hoán cải, để thi hành hành đời sống Kitô hữu đúng với
bản chất của Hội Thánh.
“Sự phân định phải được thực hiện trong một
không gian cầu nguyện, suy niệm, suy tư và nghiên cứu, mà chúng ta cần nghe tiếng
nói của Chúa Thánh Thần; bằng đối thoại chân thành, thanh thản và khách quan với
anh chị em chúng ta; bằng việc chú ý đến các kinh nghiệm và thách thức thực sự
của mọi cộng đồng và mọi tình huống; trong việc trao đổi các ơn phúc và trong
việc hội tụ mọi năng lực nhằm xây dựng Thân Thể Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng;
trong việc tổng hợp các cảm quan và ý nghĩ giúp chúng ta hiểu thánh ý Chúa; bằng
việc tìm kiếm cách để được Tin Mừng giải phóng khỏi mọi trở ngại có thể làm suy
yếu sự cởi mở của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần”.[27]
Dĩ nhiên việc
phân định cũng đòi hỏi một sự can đảm loại bỏ định kiến in sâu trong trí não
chúng ta. Bởi định kiến là chìa khóa khóa chặt tâm hồn không cho phép chúng ta
mở rộng lòng để lắng nghe người khác. Định kiến luôn có sẵn một khuôn đúc, và
nó không chấp nhận bất cứ một quan điểm nào khác với cái khuôn đúc có sẵn đó. Định
kiến cũng là hố sâu chôn vùi tiếng nói của Chúa Thánh Thần, và làm cho Giáo hội
mất đi khả năng đối thoại với người khác. Đức Phanxicô trong bài nói chuyện với
hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô vào thứ Tư ngày 23/10/2019 đã
nhấn mạnh: “Qua sách Tông đồ Công vụ ta
thấy nổi bật bản chất của Giáo hội, không phải là một pháo đài, nhưng là một
cái lều có khả năng mở rộng không gian của mình, và để mọi người có thể đến được.
Giáo hội hoặc đi ra ngoài hoặc không phải là Giáo hội, là ‘một Giáo hội với những
cánh cửa mở rộng', ‘được kêu gọi luôn luôn là nhà mở rộng của Chúa Cha. [...]
Vì thế nếu có ai muốn theo sự thúc đẩy của Thánh Linh và đến gần, tìm kiếm
Thiên Chúa, thì họ không gặp cánh cửa khép kín lạnh lùng'”[28].
Vâng, định kiến giết chết tình yêu mà Chúa Kitô muốn mọi môn đệ của Người phải
thi hành: yêu thương hết mọi người ngay cả kẻ thù.
Tiến trình
hiệp hành trong việc đối thoại cần “loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu sẵn:
Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu
tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và
khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ”[29].
3. Phát biểu
“Trong cuộc hành trình này của Dân Thiên Chúa với các vị
chủ chăn của mình, trong tiến trình Thượng Hội đồng, mọi người đều tham gia, mỗi
người tùy theo chức năng của mình - Dân Thiên Chúa, Hội đồng Giám mục, Giám mục
Rôma... Giáo hội tiến bước trên con đường của mình dưới sự hướng dẫn của Thánh
Linh. Chúng ta không được giấu giếm sự thật rằng, có lẽ trong quá khứ, đã quá
chú trọng đến sự hiệp thông phẩm trật, đến mức nảy sinh ý tưởng rằng sự hiệp nhất
trong Giáo hội chỉ có thể đạt được bằng cách củng cố thẩm quyền của hàng giáo
sĩ... Tuy nhiên, đó không thể là cách sống thông thường của sự hiệp thông trong
Giáo hội, vốn đòi hỏi sự tuần hoàn, có đi có lại, đồng hành với nhau liên quan
đến các chức năng khác nhau của Dân Thiên Chúa. Do đó, hiệp thông trở thành sự
tham dự của tất cả mọi người vào đời sống của Giáo hội, mỗi người tùy theo tình
trạng và chức năng cụ thể của mình. Quy trình Thượng Hội đồng chứng minh điều
này rất rõ ràng”[30].
Như vậy,
toàn thể Dân Chúa được mời gọi tham gia vào tiến trình của Thượng hội đồng như
là chủ thể của đời sống Giáo hội, do đó mỗi người cần phải phát biểu với ý thức
về việc đồng trách nhiệm trong việc xây dựng Hội Thánh Chúa. Tiến trình hiệp
hành tiến tới Thượng Hội đồng luôn cần đến sự tham vấn của mọi thành phần Dân
Chúa, mỗi người cần phải thể hiện tính công giáo mà mình “là”. “Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang
những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo hội,
để tất cả và mỗi người được vững mạnh nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực
đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hiệp nhất”[31].
Phát biểu
luôn cần phải quan tâm đến những điều mà tập Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về
tính hiệp hành nói là các cám dỗ: muốn tự mình dẫn dắt mình thay vì để Thiên
Chúa dẫn dắt; chỉ tập trung vào mình và những mối quan tâm tức thời của chúng
ta; chỉ nhìn thấy “những vấn đề”; chỉ chú trọng đến cơ cấu; không nhìn quá những
ranh giới hữu hình của Giáo hội; lơ là các mục tiêu của tiến trình hiệp hành;
gây xung đột và chia rẽ; coi Thượng
Hội đồng như một kiểu nghị trường; chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động
trong Giáo hội[32].
Điểm chính
yếu của việc phát biểu là chia sẻ kinh nghiệm qua việc lắng nghe Lời Chúa và lắng
nghe nhau, từ đó đưa tới một hành động thiết thực mang lại lợi ích cho việc
loan báo Tin Mừng. “Như Phêrô đã được biến
đổi bởi kinh nghiệm của ngài với Cornêliô, chúng ta cũng phải để chính mình được
biến đổi bởi những gì Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta. Với tiến trình hiệp
hành, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường hoán cải thông thường đó là
qua những gì chúng ta cùng nhau trải nghiệm. Thiên Chúa thường đến với chúng ta
qua người khác và Ngài đến với người khác qua chúng ta theo những nẻo đường bất
ngờ”.[33]
Theo sự chỉ
dẫn của Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, việc chia sẻ
kinh nghiệm không chỉ gói gọn trong những cảm nghiệm tích cực mà còn cho thấy
những trải nghiệm mang tính thách thức và tiêu cực. Trong việc phát biểu cũng
nên truyền đạt điều gì đó về kinh nghiệm của cuộc hiệp hành: thái độ của những
người tham dự, niềm vui và những thách thức khi cùng nhau phân định[34].
Kết
Thượng Hội
đồng Giám mục lần thứ XVI mong muốn Dân Chúa thể hiện vai trò đồng trách nhiệm
trong đời sống của Hội Thánh như là chủ thể được biểu tỏ trong các cuộc tham vấn
qua tiến trình hiệp hành. Trong việc tham vấn này Đức giáo hoàng Phanxicô ước mong
mọi người được nói và được lắng nghe, bởi sự lắng nghe chính là tiến trình hoán
cải mục vụ của Giáo hội. Tiến trình hiệp hành đòi hỏi người tham dự phải biểu lộ
sự tin tưởng, thẳng thắn và can đảm “bước
vào chân trời mở rộng của Thiên Chúa” để “bảo đảm cho một bí tích hợp nhất hiện
diện trong thế giới và nhờ đó, con người không bị buộc phải phân tán và nhầm lẫn”.[35]
Đức giáo
hoàng Phanxicô đã minh định: “cùng nhau tiến bước là con đường cấu thành Giáo hội;
là hình tượng cho phép chúng ta giải thích thực tại bằng con mắt và trái tim của
Thiên Chúa; là điều kiện để theo chân Chúa Giêsu và là tôi tớ phục vụ sự sống
trong thời bị thương tích này. Hơi thở và nhịp độ của Thượng Hội đồng cho thấy
chúng ta là gì, và sự năng động của hiệp thông vốn làm sinh động các quyết định
của chúng ta; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thực sự đổi mới thừa tác vụ
mục vụ của mình và thích nghi nó với sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày
nay”.[36]
Vì thế mỗi người cần ý thức trách nhiệm và chỗ đứng của mình đối với Thượng Hội
đồng Giám mục lần thứ XVI, để thái độ tham gia của chúng ta thể hiện trọn vẹn
tâm tình mến yêu Giáo hội cách chân thành, qua việc chúng ta thực hiện sự hiệp
hành đúng theo tinh thần mà Đức Thánh Cha đã đề ra.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente,
ban hành ngày 10-11-1994, tại Roma, số 36
[3] Đức Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục XVI vào ngày
10-10-2021, bản dịch Việt Ngữ Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, trong Hiệp Thông
số này (127).
[4] Đức Bênêđictô XVI, Licht der Welt, bản Việt ngữ: Ánh
Sáng Thế Gian, do Phạm Lam Hồng chuyển ngữ, Phaolô Thiện Bản phát hành,
2011, tr.172
[5] Lm. Antôn Hà Văn Minh, Hãy mang nụ cười lại cho Mẹ Giáo hội, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hay-mang-nu-cuoi-ve-lai-cho-me-giao-hoi-42117
[6] Tài liệu
chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 1, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-42903
[7] Vatican News, nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-xvi.html
[8] Cardinal Grech: Transformation of Synod to create space for People of God, nguồn: https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-05/cardinal-grech-interview-synod-secretariat-changes.html
[13] Cẩm
nang cho Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành, số 1.2, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-
giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941
[17] Đức Phanxicô, Diễn từ mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục
(17.10.2015).
[20] Hồng y Robert Sarah, La Force du silence, bản Việt ngữ: Sức mạnh của Thinh lặng, do Dòng Phaolô thành Chartres Saigon chuyển
ngữ, Nhà xuất bản Đồng Nai 2020, tr 154.
[22] Đức Phanxicô, Bài nói chuyện với Giáo phận Roma ngày 18-9- 2021, bản tiếng Việt
do Vũ Văn An chuyển ngữ, nguồn: http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/271325
[25] Đức thánh cha Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành
ngày 10-10-2021 tại Roma, bản dịch Việt Ngữ Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng,
trong Hiệp Thông số này (127).
[27] Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, công bố ngày
2-3-2018 tại Roma. Bản Việt ngữ do Vũ Văn An, nguồn: http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/248032
[30] Cardinal Grech: Transformation of Synod to create space for People of God, nguồn: https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-05/cardinal-grech-interview-synod-secretariat-changes.html
[36] Đức thánh cha Phanxicô, Diễn văn Khai mạc phiên họp
toàn thể lần thứ 70 của Hội đồng Giám
mục Ý, 22 tháng 5, 2017.