Nữ tu Nathalie Becquart, thư ký của Thượng Hội đồng và Linh mục Giacomo Costa, SJ, cố vấn Tổng thư ký Thượng Hội đồng trong Hội nghị ngày 26. 8. 2022

CÔNG ĐỒNG VATICAN II VÀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG:
SỰ CỞI MỞ VỚI THẦN
KHÍ MANG LẠI SỰ HÒA HỢP

Cindy Wooden

WHĐ (17.10.2022) - Hôm 14. 10. 2022, ngay trước khi ban lãnh đạo cao nhất của Thượng Hội đồng có cuộc gặp gỡ riêng với Đức Giáo hoàng Phanxicô, nữ tu Nathalie Becquart, phó Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, đã có cuộc nói chuyện với Catholic News Service.

Nathalie cho biết: Sự phát triển hướng tới việc trở thành một “Giáo hội hiệp hành”, trong đó tất cả những người đã chịu phép Rửa đón nhận và chia sẻ trách nhiệm về sự hiệp nhất và sứ mệnh của họ, dù thực tế có thể nảy sinh sự lộn xộn, nhưng vẫn không khiến mọi người sợ hãi. Theo Sơ Nathalie Becquart,

Những gì chúng ta thấy với Thượng Hội đồng là Giáo hội đang học để đối diện, đặt tên và hòa mình với những căng thẳng, những phân cực và sự đa dạng được tìm thấy giữa những người Công giáo trong các giáo xứ và trên toàn cầu, chứ không phải cố gắng để che đậy những điều bất lợi ấy.

Giống như các kỳ họp của Công đồng Vatican II, tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục cũng được đánh dấu bởi những khác biệt về thần học, văn hóa và thực tiễn, nhưng Nathalie tin tưởng rằng bằng việc lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe nhau một cách kiên nhẫn, thì sự đồng tâm nhất trí sẽ chiếm ưu thế như đã từng xảy ra tại Công đồng Vatican II.

Nhằm nêu bật ý tưởng từ sự giải thích của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuốn sách “Let Us Dream (Chúng ta hãy ước ), Sơ Nathalie nhấn mạnh:

Hiệp hành là con đường phía trước. Chúng ta cần tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau, bước ra khỏi ý thức hệ và những chương trình nghị sự được xác định trước. Mục đích không phải là để đạt được sự tán thành bằng những biện pháp đấu tranh giữa những đối lập, mà là để cùng nhau bước đi trên hành trình tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, cho phép những khác biệt đạt được sự hòa hợp. Điều quan trọng nhất đối với tất cả đó là tinh thần hiệp hành: gặp gỡ nhau với sự tôn trọng và tín nhiệm, tin tưởng vào sự hiệp nhất, và đón nhận điều mới mẻ mà Thần Khí muốn mạc khải cho chúng ta.

Vào khoảng cuối tháng 10, văn phòng Thượng Hội đồng sẽ phát hành “Tài liệu dành cho giai đoạn Châu lục”, phản hồi những chủ đề nổi bật từ các bản tổng hợp quốc gia của các phiên lắng nghe cấp giáo phận, những đóng góp của các dòng tu, phong trào Công giáo, thánh bộ Vatican,Sứ thần toà thánh từ khắp nơi trên thế giới.

Theo Sơ Nathalie,

Tài liệu dành cho giai đoạn Châu lục là một tài liệu làm việc. Những người đã tham gia các buổi lắng nghe sẽ được yêu cầu đọc, cầu nguyện, và chia sẻ phản ứng của họ về Tài liệu này với các điều phối viên Thượng Hội đồng quốc gia của họ. Sau đó, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đại diện cho Giáo hội của mỗi quốc gia sẽ gặp gỡ các đại diện của các quốc gia khác trong khu vực để thảo luận về những gì “đánh động” họ hoặc những gì họ cho là còn thiếu.

Hơn nữa, Sơ Nathalie còn cho thấy,

Thượng Hội đồng không chỉ là một tiến trình một chiều từ dân chúng lên đến “cấp cao nhất”, khi đó là Đại hội của Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10. 2023 và những khuyến nghị của Đại hội gửi tới Đức giáo hoàng. Đúng hơn, Thượng Hội đồng là một tiến trình “bàn tròn”, bởi vì phần chủ chốt của “Giáo hội học về tính hiệp hành xuất phát từ Công đồng Vatican II” nhận ra “mối tương quan nội tại giữa các giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ” và nhằm mục đích đào sâu mối tương quan đó.

Trong tài liệu dành cho giai đoạn Châu lục, văn phòng Thượng Hội đồng gửi những kết quả trở lại cho cấp địa phương, đảm bảo chắc chắn rằng họ đã được lắng nghe, và yêu cầu họ mở rộng suy với dân chúng thuộc các nước láng giềng.

Thượng Hội đồng Giám mục, nhất là, tầm nhìn củatính hiệp hành là một trong những thành quả của Công đồng Vatican II”, nhưng chúng cũng là những hướng đi có thể giúp Giáo hội và các thành viên của Giáo hội tiếp nhận và trải nghiệm những nhận thức thấu đáo về Công đồng.

Sơ Becquart chia sẻ thêm,

với tất cả các giám mục Công giáo trên toàn thế giới quy tụ tại Rôma trong 4 phiên họp từ năm 1962 đến năm 1965, công đồng là kinh nghiệm cụ thể nhất chưa từng có về việc Giáo hội trở nên phổ quát như thế nào. Việc tập trung vào Giáo hội như là “dân Chúa” thay vì chủ yếu như là một tổ chức, việc nhấn mạnh đến phẩm giá và trách nhiệm của mọi tín hữu đã chịu phép Rửa đang được tái khám phá trong tiến trình Thượng Hội đồng.

Và, trong khi 16 văn kiện đã được Công đồng Vatican II ban hành những tài liệu chính yếu để đọc, nhưng mọi người đừng quên rằng đối với các tham dự viên, Công đồng là “một kinh nghiệm nhân bản, thiêng liêng, và giáo hội”, điều này đã được minh chứng từ nhiều nhật ký được xuất bản của rất nhiều tham dự viên Công đồng.

Các bản báo cáo quốc gia cũng cho thấy điều tương tự đã xảy ra đối với nhiều người tham gia các buổi lắng nghe cấp địa phương.

Khi tiến trình Thượng hội đồng tiếp tục, không thể tránh khỏi​ những va chạm bởi vì “đó là một cách thế mới để liên kết với nhau, một phương thức truyền thông và tương quan mới năng động trong Giáo hội,” đặc biệt là giữa giám mục và giáo dân. Vâng, như chúng ta vẫn nói, đây là một công việc đang được tiến hành.

Được biết, cuộc họp giữa ban lãnh đạo của Thượng Hội đồng và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã diễn ra 3 ngày sau khi Ngài cử hành thánh lễ kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công đồng II. Trong dịp này, Đức Thánh Cha mời gọi người Công giáo chống lại những cám dỗ của sự chia rẽ: “chỉ trích, bất hoà, và bất mãn”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: osvnews.com (14. 10. 2022)