CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG PHỤNG VỤ
Phêrô Lê Tùy Vũ Đức Anh, SSP
WHĐ (14.10.2023) – John Donne, một trong những nhà thơ lớn ở
thế kỷ 17 của Anh, đã có một câu nói rất nổi tiếng như sau: “No man is an island - Không ai là một hòn đảo”.
Thật thế, tự nơi bản chất, con người đã mang xã hội tính và dưới lăng kính của
ngành tâm lý học, con người có nhu cầu được thuộc về (The Need to Belong), họ mong muốn bản thân được chấp nhận trong những
mối tương quan với người khác và là một phần của các nhóm xã hội. Tuy nhiên, thật
lạ lùng khi chúng ta bắt gặp câu nói của Đức Giêsu trong Ga 17, 14-16: “Con đã truyền
lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian,
cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế
gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng
như con đây không thuộc về thế gian.”
Trong thực tế, nhiều người không cùng chung chia niềm tin với
chúng ta có thể ngộ nhận rằng “Người Công
giáo không sống trọn vẹn ở cuộc sống này, họ đi lễ, đi nhà thờ, cam chịu mọi
đau khổ một cách đầy mù quáng để rồi mong ước sẽ được trả công ở một cõi thiên
đàng xa xôi nào đó...”. Thêm nữa, khi chứng kiến đời sống của chính những
người Công giáo, từ các vị mục tử cho đến những anh chị em tín hữu, có khi, người
ta nhận thấy một sự khác biệt giữa lối sống “bên trong” và “bên ngoài” nhà thờ,
trên tòa giảng và trong đời thường, để rồi đưa ra nhận định rằng “Giáo hội chẳng khác gì một cơ cấu, một thể
chế trần tục, nói thì hay, làm thì dở, một tổ chức chỉ biết co cụm trong cộng đồng,
trong nhóm của mình mà thôi...”. Dường như các môn đệ của Đức Giêsu hơn hai
nghìn năm trước và các tín hữu của ngày hôm nay, những người tin vào Ngài vẫn
phải đối diện với một mối giằng co giữa việc “sống trong thế gian” và “thuộc
về thế gian”.
Trước Công đồng Vatican II, việc cử hành phụng vụ dường như
là chuyện riêng của vị tư tế và chú giúp lễ, giáo dân ở phía dưới chỉ lo đọc
kinh hay làm những việc đạo đức bình dân, miễn sao không ai làm phiền đến ai. Mỗi
người tham dự vào phụng vụ một cách độc lập, ai lo việc nấy. Thế rồi, kể từ sau
Công đồng Vatican II, qua Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), Giáo hội mời gọi các tín hữu tham gia tích
cực vào cử hành phụng vụ và ý thức hơn đến tính cộng đoàn trong phụng vụ. Trong
những năm gần đây, nơi các hiến chế và tông huấn, người ta thấy từ “Hiệp thông”
được lặp đi lặp lại dưới nhiều góc nhìn, nhiều chiều kích khác nhau. Đặc biệt,
Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI được triệu tập với chủ đề “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp
thông, tham gia và sứ vụ”. Liệu rằng, đó có phải là một thứ băng rôn, biểu
ngữ sáo rỗng, một câu nói chỉ được áp dụng trong một “cộng đồng” cá biệt?
Câu trả lời chắc chắn là không.
Có thể Giáo hội vẫn còn đó những gương mù gương xấu, những
giới hạn trong việc thực hành niềm tin của mình, thế nhưng điều vô cùng quan trọng
và đóng vai trò tiên quyết chính là sự chủ động của Thiên Chúa. Thật thế, Thiên
Chúa đã hạ mình xuống, đã đi bước trước để bày tỏ tình yêu đối với con người.
Thế nên, sự đổ vỡ và giới hạn của con người không thể phá đổ kế hoạch tình yêu,
kế hoạch cứu độ của Ngài. Điều này sẽ được khắc họa một cách rõ nét nơi các số
đầu của Tông thư Desiderio Desideravi
mà chúng ta sẽ trình bày sau. Không gì khác, (I) CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG PHỤNG VỤ
ĐƯỢC QUY TỤ BỞI SỰ QUYẾN RŨ CỦA CHÍNH THIÊN CHÚA. Nếu như Thiên Chúa là Đấng đã
đi bước trước thì con người cũng được mời gọi để đáp lại qua việc cử hành điều
mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Họ được mời gọi tháp nhập trong (II) “MẦU NHIỆM
HỘI THÁNH” để rồi trở nên CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỚI
NHAU, trở nên thân mình của Đức Kitô. Thêm nữa, sau khi đã gặp gỡ Chúa và gặp gỡ
nhau qua Bí tích và Phụng vụ, các Kitô hữu không được phép giữ lại cho riêng
mình điều họ đã lãnh nhận. Đúng hơn, họ được mời gọi để biến đổi, để giới thiệu
cho người khác khuôn mặt của vị Thiên Chúa mà họ đã gặp gỡ và rảo bước trên
hành trình tìm gặp vị Thiên Chúa ấy nơi những người anh chị em mà họ đã, đang
hoặc sẽ gặp gỡ trong cuộc đời. Và như thế, sự hiệp thông trong cộng đoàn Giáo hội
không dẫn người ta đến sự co cụm hay giới hạn trong một nhóm nhỏ, cũng không
đưa người ta rời xa thực tế hay quên lãng thế giới mà họ đang sống, nhưng sống
trọn vẹn và (III) HOA TRÁI NHƯ LÀ HỆ QUẢ TẤT YẾU CỦA SỰ HIỆP THÔNG PHỤNG VỤ
ĐÍCH THỰC.
Có thể tạm ví đây như là một tiến trình khép kín và đa chiều,
khởi đi từ sự hạ mình của Thiên Chúa từ trên xuống, sự vươn lên của con người từ
dưới lên và sự lan tỏa của con người với nhau theo chiều rộng/ chiều ngang. Sau
đây chúng ta sẽ cùng quan sát từng phần của tiến trình này.
I. CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ ĐƯỢC QUY TỤ BỞI SỰ QUYẾN RŨ CỦA
CHÍNH THIÊN CHÚA
1. Trong Cựu Ước
Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã có một kế hoạch yêu thương
dành cho con người, Ngài khát khao gặp gỡ và muốn thông chia sự sống của mình
cho họ. Chúng ta bắt gặp những hình ảnh rất đẹp nơi những trang đầu của cuốn
Kinh Thánh:
Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên
Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính
mình nặn ra. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông
thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn (St 2,8-9)
Ở nơi ấy, Thiên Chúa là trung tâm, là điểm quy tụ, sự hiện
diện của Ngài ở giữa con người. Con người được Thiên Chúa quyến rũ để giơ tay
hái “trái trường sinh” và “ăn”, họ sống bằng sự sống của chính Thiên Chúa.
Sau này, hình ảnh của vườn Ê-đen cũng được coi như khuôn mẫu
cho các mô tả khác trong Kinh Thánh về lều hội ngộ và về đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Như chúng ta đã biết, sách dân số cho thấy Lều hội ngộ luôn ở vị trí trung tâm
và các chi tộc đóng trại quanh lều; Xuất hành 29, 43-46 tỏ lộ cho chúng ta ý
nghĩa sâu xa của cuộc xuất hành và ý nghĩa của việc dựng lều hội ngộ. Thật thế,
cuộc xuất hành không chỉ đơn thuần là một cuộc di chuyển về phương diện địa lý
từ nơi này sang nơi khác, nhưng còn là một cuộc di chuyển để Ít-ra-en xích lại
gần Thiên Chúa, để Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài và để họ thuộc trọn về Ngài.
ĐỨC CHÚA phán với ông
Mô-sê và ông A-ha-ron rằng: “Con cái Ít-ra-en sẽ đóng trại, mỗi người theo cờ
hiệu và huy hiệu của gia tộc mình. Chúng sẽ đóng trại ở vòng ngoài, hướng về Lều
Hội Ngộ.” (Ds 2,1-2).
“Chính đó là nơi Ta gặp
gỡ con cái Ít-ra-en, Ta sẽ lấy vinh quang của Ta mà thánh hiến nơi đó. Ta sẽ
thánh hiến Lều Hội Ngộ và bàn thờ, Ta cũng sẽ thánh hiến A-ha-ron và các con
ông làm tư tế phục vụ Ta. Ta sẽ ngự giữa con cái Ít-ra- en và sẽ là Thiên Chúa
của chúng. Và chúng sẽ biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng, Đấng
đã đưa chúng ra khỏi đất Ai-cập để ngự giữa chúng, chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên
Chúa của chúng.” (Xh 29,43-46)
Xuyên suốt Cựu Ước, qua cách diễn tả của các tác giả Kinh
Thánh, Thiên Chúa không ngừng hiện diện và thông ban sức sống của Ngài qua lều
hội ngộ và qua đền thờ. Thế nên, còn gì đau xót hơn khi đền thờ bị phá hủy, dường
như lúc ấy Thiên Chúa đã ẩn mặt đi, đã “cất đi” sự hiện diện và sự sống trước tội
lỗi cũng như sự bội phản
của dân Ngài. Và rồi cảnh phân tán, sự đau khổ trong cảnh
lưu đày nơi đất khách quê người như một hệ quả của việc thiếu vắng sự sống, thiếu
vắng sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Thế nhưng, dầu cho dân có bội phản, dầu
cho họ không sống được như lời đã cam kết thì Thiên Chúa qua lời các ngôn sứ vẫn
mang đến cho họ một niềm hy vọng, niềm hy vọng được trở lại quê cha đất tổ, được
giải phóng nhờ Đấng Mê-si-a, được chung hưởng bữa tiệc cánh chung và điều quan
trọng nhất ẩn sau tất cả những điều ấy chính là được ở trong sự hiện diện và sự
sống của Thiên Chúa mãi mãi.
Bởi thế, này Ta sẽ quyến
rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để
cùng nó thổ lộ tâm tình.
Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại
vườn nho của nó,
biến thung lũng A-kho
thành cửa khẩu hy vọng.
Ở đó, nó sẽ đáp lại
như buổi thanh xuân,
như ngày nó đi lên từ
Ai-cập. (Hs 2,16-17)
Trong những ngày ấy,
vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một
mầm non,
một Đấng Công Chính để
nối nghiệp Đa-vít;
Người sẽ trị nước theo
lẽ công bình chính trực.
Trong những ngày ấy,
Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư
lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ
đặt cho thành:
“ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta!”
(Gr 33,15-16)
ĐỨC CHÚA các đạo binh
sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc:
tiệc thịt béo, tiệc rượu
ngon,
thịt béo ngậy, rượu
ngon tinh chế.
Trên núi này, Người sẽ
xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân,
và tấm màn trùm lên
muôn nước.
Người sẽ vĩnh viễn
tiêu diệt tử thần.
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng
sẽ lau khô dòng lệ
trên khuôn mặt mọi người,
và trên toàn cõi đất,
Người sẽ xóa sạch
nỗi ô nhục của dân Người.
ĐỨC CHÚA phán như vậy. (Is 25,6-8)
Tông thư Desiderio
Desideravi cũng đã khẳng định rằng: tất
cả thụ tạo, tất cả lịch sử - mà chung cuộc cũng là lịch sử cứu độ - đều tham dự
vào cuộc chuẩn bị quy mô cho bữa tiệc này - bữa tiệc cứu độ (số 3). Như thế,
không gì khác, chính Thiên Chúa là Đấng quy tụ chúng ta, quy tụ cộng đoàn phụng
vụ. Ngài quyến rũ chúng ta bằng sự hiện diện và sự sống của chính Ngài.
2. Trong Tân Ước
Qua thời Tân Ước, chúng ta khám phá ra rằng mọi sự được quy
tụ và được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Lều hội ngộ, đền thờ
Giê-ru-sa-lem, các hình thức hiến tế xưa không còn nữa, Thiên Chúa đã thông ban
sự sống và sự hiện diện của Ngài qua Ngôi Lời, qua Mình và Máu của Đức Giêsu đổ
ra nơi hy tế Thập Giá. Và giờ đây, ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho Ít-ra-en
cũ, một dân tộc được tuyển chọn để trở nên “Vương quốc tư tế” qua giao ước Xi-
nai, thế nhưng ơn cứu độ là lời mời gọi dành cho hết thảy mọi người thuộc mọi
dân tộc và ngôn ngữ.
Không ai tự kiếm được
một chỗ ngồi trong bữa tiệc này, nhưng ai cũng được mời, hay nói đúng hơn, tất
cả đều bị lôi cuốn bởi nỗi khao khát mãnh liệt của Chúa Giêsu muốn ăn Lễ Vượt
Qua với họ: Người biết mình là Con Chiên Vượt Qua, và là chính Lễ Vượt Qua. Tuy
nhiên, khát vọng vô hạn của Người muốn tái lập mối hiệp thông với chúng ta, đã
và vẫn là dự định từ đầu của Người, sẽ không được thoả mãn cho đến khi mọi người,
thuộc mọi chi họ, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia (Kh 5,9) được ăn Thịt và uống
Máu của Người: đó là lý do tại sao chính bữa tiệc này phải được hiện tại hóa
trong việc cử hành Thánh Thể, cho đến khi Người trở lại. (Tông thư Desiderio
Desideravi, số 4).
Trước khi chúng ta đáp
lại lời mời, thì từ rất lâu trước đó, Chúa đã khao khát muốn gặp chúng ta. Có
thể chúng ta không nhận thức đủ, nhưng lý do chính để chúng ta đi tham dự Thánh
lễ, là vì chúng ta bị thu hút bởi sự khao khát của Chúa dành cho chúng ta. Về
phần chúng ta, câu trả lời của chúng ta - cũng là điều đòi hỏi chúng ta phải hy
sinh nhiều nhất - đó là luôn để cho Người yêu thương chúng ta, để cho Người thu
hút chúng ta. Việc rước Mình Máu Chúa Kitô chắc chắn là điều Người đã muốn
trong Bữa Tiệc Ly. (Tông thư Desiderio Desideravi, số 6)
Ý định tình yêu của Thiên Chúa đã được tỏ lộ, qua sự hiện diện
và sự sống của Ngài, Thiên Chúa đã quy tụ một dân riêng, Ngài đã thay thế
Ít-ra-en cũ bằng Ít-ra-en mới mà chúng ta gọi là “Hội Thánh”. Sau đây, chúng ta
sẽ cùng chiêm ngắm “Mầu nhiệm Hội Thánh”, nơi dân Thiên Chúa - Cộng đoàn phụng
vụ thể hiện tính đa chiều là hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau.
II. “MẦU NHIỆM HỘI THÁNH” - CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ HIỆP
THÔNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỚI NHAU
1. Mầu nhiệm Hội Thánh
“Các tín hữu chuyên cần
nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ
bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần
đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.
Họ ca tụng Thiên Chúa.” (Cv 2, 42.46-47a)
Công vụ Tông đồ 2, 42.46-47a đã tóm lược những yếu tố chính
yếu của tinh thần cộng đoàn hiệp thông phụng vụ, một cộng đoàn thể hiện niềm
tin vào Chúa Kitô Phục sinh, sống tình bác ái huynh đệ, sống theo lý tưởng của
Tin Mừng. Chúng ta biết rằng sự họp nhau của các tín hữu luôn đóng một vai trò
quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa. Chính Người đã triệu tập dân của
Người trong Đức Giêsu Kitô. Như vậy, cộng đoàn phụng vụ vừa là thực tại hữu
hình gồm những con người cụ thể, đồng thời cũng là thực tại vô hình bởi vì tại
đó, mầu nhiệm Giáo hội của Chúa Kitô được thể hiện. Thật thế “các lời nói và cử chỉ của Người, tính cụ thể
của Ngôi Lời Nhập Thể, tất cả những gì thuộc về Người đã được chuyển thể qua
cách cử hành các bí tích.” (Tông thư Desiderio Desideravi, số 9). Đi xa
hơn, những Bí tích này được gìn giữ và thông truyền qua Giáo hội là thân mình
và Hiền thê của Đức Kitô.
Trong thực tế, như đã nói đến ở phần trước, Thiên Chúa có ý
định bày tỏ tình yêu của Ngài nên đã mời gọi, quy tụ con người bằng sự hiện diện
và bằng sự sống của chính Thiên Chúa. Điều này cũng dẫn đến việc có những con
người sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng vươn lên đáp trả, họ chọn lựa bước theo sự
quyến rũ của Thiên Chúa để được Ngài quy tụ và trở nên dân riêng của Ngài.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tập họp dân của Ngài thành một nhóm người được tuyển
chọn. Nhóm người này được thánh hiến nhờ máu các hy lễ và trở nên một dân tư tế.
Qua thời Tân Ước, Tin Mừng giới thiệu Đức Giêsu như là Đấng được Thiên Chúa ủy
thác để rao giảng và thực hiện nhiệm vụ tập họp dân mới như lời Cựu Ước đã loan
báo. Dân Ít-ra-en mới này xuất phát từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, được
ký kết bằng máu của Ngài và được hoàn trọn khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Qua
đó, Giáo hội trở nên một mầu nhiệm, một bí tích của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Tông
thư Desiderio Desideravi số 14 -15 đã
khẳng định như sau:
Như Công đồng Vatican
II đã nhắc nhở chúng ta (x. Sacrosanctum Concilium 5) khi trích dẫn Kinh Thánh,
cùng với các Giáo phụ và Phụng vụ, là những trụ cột của Truyền thống đích thực:
chính từ cạnh sườn Chúa Kitô. đang ngủ giấc ngủ của cái chết trên cây thánh
giá, mà bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh đã được khởi sinh. Không có sự kết
hợp này, sẽ không có khả năng sống trọn vẹn việc phụng thờ Thiên Chúa. Thật vậy,
chỉ có một hành động thờ phượng hoàn hảo và đẹp lòng Chúa Cha, đó là sự vâng phục
của Chúa Con đến độ chết trên thập giá. Cách duy nhất để thông phần vào hiến lễ
của Người là trở thành “những người con trong Chúa Con”. Đây là món quà mà
chúng ta đã lãnh nhận. Chủ thể duy nhất hoạt động trong Phụng vụ luôn luôn là
Chúa Kitô-Hội Thánh, Nhiệm thể của Người.
2. Phụng vụ trong mầu nhiệm Hội Thánh - Nơi gặp gỡ
Thiên Chúa
Trong mầu nhiệm Hội Thánh, chúng ta sẽ cùng khám phá hai chiều
kích của cuộc gặp gỡ, đó là (1) gặp gỡ Thiên Chúa qua Lời và qua Thánh Thể của
Ngài (Qua các bí tích) và (2) gặp gỡ nhau. Điều này cũng được phát biểu một
cách rõ ràng qua số 11 và 19 của Tông thư Desiderio
Desideravi:
Phụng vụ bảo đảm cho
chúng ta có được cuộc gặp gỡ đó. Một ký ức trống rỗng về Bữa Tiệc Ly sẽ chẳng
ích gì cho chúng ta. Chúng ta cần hiện diện trong bữa ăn này, để có thể nghe Lời
Chúa, để ăn Mình và uống Máu Người. Chúng ta cần Người. Trong bí tích Thánh Thể
và trong tất cả các bí tích, chúng ta chắc chắn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm
nhận được quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua. Quyền năng cứu độ của hy tế, của từng
lời nói, từng cử chỉ, từng dáng vẻ, từng tâm tình của Chúa Giêsu, đến với chúng
ta qua việc cử hành các bí tích. Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân
nhưng thuộc về Đức Kitô-Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức
Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi”. Phụng vụ không để chúng ta
đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên
Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn
chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta.”
Giáo hội chính là nhiệm thể Chúa Kitô, qua bí tích Thánh Tẩy,
mọi tín hữu đã được trở thành con Thiên Chúa. Khi cử hành phụng vụ, mọi con cái
Thiên Chúa đều hiệp thông với nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và nơi
mầu nhiệm Giáo hội, chúng ta cảm nếm chiều sâu của tình yêu Ba Ngôi Chí Thánh
dành cho chúng ta. Khi bước vào trong giờ phụng vụ, cộng đoàn đức tin được quy
tụ để trở thành một thân mình và một tiếng nói chung cùng nhau công bố sứ điệp
Lời Chúa và phụng thờ Thiên Chúa.
Thực ra, chính Lời của Thiên Chúa là sức mạnh thúc đẩy, lôi
kéo và quy tụ chúng ta. Điều quan trọng đó là trong mầu nhiệm Giáo hội, chúng
ta có dám đáp lại tình yêu của Chúa Cha, dám để Thánh Thần tác động và kết nối
chúng ta với Đức Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể Người: “Đức Kitô hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói với chúng
ta khi chúng ta đọc trong Giáo hội các bản văn Kinh Thánh. Người ở đó hiện diện
khi Giáo hội cầu nguyện và hát Thánh vịnh...” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium,
số 7). Đức Kitô hiện diện và nối kết chúng ta trong Lời của Người. Và như
thế, khi cộng đoàn được triệu tập quy tụ quanh vị giám mục hay linh mục, đó là
sự triệu tập nhân danh Chúa Kitô. Các ngài nói và làm không phải vì chính mình
nhưng là nhân danh Chúa Kitô để cùng với mọi thành phần con cái của Giáo hội làm
cho Lời Chúa được vang lên, cho dù là tham dự thánh lễ hay cử hành bất cứ một
bí tích nào. Như vậy, tất cả mọi người
tham dự đều được Lời Thiên Chúa triệu tập. Một khi nghe Lời Chúa, mọi thứ hỗn độn,
xô bồ của những người tham dự phụng vụ đều trở nên ổn định và có trật tự để ai
nấy đều ý thức về ơn gọi cũng như chu toàn phận vụ của chính mình.
Ý thức về tầm quan trọng của việc gặp gỡ Thiên Chúa qua Lời
của Ngài, trong bức Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa - VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH, số
5a, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã nhắn nhủ như sau:
“Mối hiệp thông giữa
các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh
đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời
Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là
loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị
bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị
em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.”
Bên cạnh việc gặp gỡ Thiên Chúa qua Lời của Ngài, cộng đoàn
hiệp thông phụng vụ còn được Thiên Chúa quy tụ cách đặc biệt qua cử hành Bí
tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Nơi thánh lễ, cộng đoàn “được liên kết với nhau trong tình hợp nhất nhờ thông hiệp với Mình Máu
Chúa Kitô” (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 5). Hội đồng Giám mục Việt
Nam trong bức Thư Chung 2022 số 5b đã khẳng định như sau:
Bí tích Thánh Thể là
nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được
hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1Cr 10, 16-17). Vì thế, các
tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng
cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu
biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông thư về đào tạo Phụng
vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.
Trong thực tế, việc hiệp thông Thánh Thể hay rước lễ không
thể tách rời khỏi sự hiệp thông trong mầu nhiệm Giáo hội. Chính trong sự quy tụ,
mà các tín hữu của Đức Kitô sống cách tràn đầy sự hiệp thông với Đức Kitô, Đấng
luôn luôn là sự tròn đầy của sự khát khao của một hữu thể được hiện thực trong
chân lý, trong Vương Quốc. Lòng khát khao hiệp thông ấy phải quy hướng về tấm
bánh được thánh hiến và trở nên thân thể bí tích của Đức Kitô và về với cộng
đoàn vốn là một hình mẫu khác của thân thể Đức Kitô là Giáo hội. Ngay sau đây,
chúng ta sẽ cùng khám phá chiều kích cộng đoàn hay phụng vụ như là nơi để người
ta gặp gỡ nhau dưới lăng kính của mầu nhiệm Hội Thánh.
3. Phụng vụ trong mầu nhiệm Hội Thánh - Nơi gặp gỡ
nhau
Thực ra, khi nói rằng trong mầu nhiệm Hội Thánh, cộng đoàn
hiệp thông phụng vụ chính là nơi gặp gỡ nhau thì chúng ta cũng cần lưu ý một
vài điểm sau. Thứ nhất cụm từ “gặp gỡ nhau” diễn tả các mối tương quan hay tầm
mức của mầu nhiệm Hội Thánh. Hội thánh ở đây không chỉ nhằm ám chỉ cộng đoàn hữu
hình tại chỗ mà thôi, thế nhưng còn muốn nói đến một cộng đoàn rộng lớn trong
nhiệm thể Giáo hội, một cộng đoàn siêu vượt không bị giới hạn bởi không gian và
thời gian (Hiến chế Lumen Gentium, số 50).
Nghĩa là cộng đoàn ấy bao gồm cả Giáo hội Vinh Thắng, Giáo hội Thanh Luyện và
Giáo hội Lữ Hành. Ở đây, chúng ta khám phá đặc tính hiệp thông vô cùng nổi bật
nơi “mầu nhiệm Hội Thánh”. Với Giáo hội Vinh Thắng, sự hiệp thông giữa các
thánh nêu bật chiều kích cánh chung của Giáo hội.Với Hội Thánh Lữ Hành và Thanh
Luyện, sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau làm nổi bật mối tương quan gắn kết
khắng khít và mối liên hệ đối với những kho tàng thiêng liêng của Giáo hội. Nơi
“Mầu nhiệm Hội Thánh” chúng ta cũng khám phá sự hiệp thông giữa các giáo hội địa
phương với giáo hội phổ quát, giữa các phẩm trật với các thành phần trong lòng
Hội Thánh.
Thứ hai cụm từ “gặp gỡ nhau” còn diễn tả phương thế gặp gỡ
giữa các tín hữu, một phương thế xây dựng tình hiệp thông huynh đệ. Nhờ Thánh
Thần thúc đẩy, mọi người đều đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời Chúa mở ra
đời sống cộng đoàn, tạo nên mối tình hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời
khám phá tính cộng đoàn khi mọi người cùng đọc, cùng hát, cùng cầu nguyện.
Chính Đức Kitô ở đó khi chúng ta cử hành phụng vụ. Từ đó, chúng ta hiệp thông
cách thiêng liêng với những người anh chị em của mình trong Đức Kitô và Thân Thể
của Người là Hội Thánh. Do đó, khi cử hành phụng vụ, không phải chỉ có một người
cử hành nhưng là tất cả cộng đoàn. Trong cộng đoàn này, mọi người thể hiện mình
là anh em con cùng một Cha, chia sẻ cùng một nguồn ân sủng, cùng một đức tin, một
phép rửa, đồng thời hy vọng ngày sau sẽ được họp mặt cùng các thánh trên trời để
tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn của phụng vụ Thiên Quốc. (Hiến chế Lumen Gentium, số 32)
Chúng ta có xu hướng
nghĩ là chủ đề này chỉ liên quan đến các thừa tác viên đã lãnh chức thánh đang
thực hiện nhiệm vụ của vị chủ sự. Nhưng trên thực tế, đó là một thái độ mà tất
cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi để sống. Tôi nghĩ đến tất cả các
cử chỉ và lời nói thuộc về cộng đoàn: quy tụ, nghiêm trang đi trong đoàn rước,
ngồi, đứng, quỳ, hát, im lặng, tung hô, nhìn, nghe. Có nhiều cách để cộng đoàn,
tất cả như một (Nhm 8,1), thông phần vào
việc cử hành. Tất cả cùng làm một cử chỉ như nhau, tất cả cùng chung một giọng
nói - điều này truyền tải cho mỗi cá nhân năng lượng của toàn thể cộng đoàn. Đó
là sự đồng nhất không làm chết đi mà trái lại, dạy cho từng cá nhân tín hữu
khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân vị, không phải trong thái độ cá
nhân chủ nghĩa nhưng trong nhận thức về việc tất cả là một thân thể. (Tông thư
Desiderio Desideravi, số 51)
III. HOA TRÁI NHƯ LÀ HỆ QUẢ TẤT YẾU CỦA SỰ HIỆP
THÔNG PHỤNG VỤ ĐÍCH THỰC
Chúng ta sẽ đi đến giai đoạn cuối cùng của tiến trình này,
sau khi Thiên Chúa hạ mình xuống để chia sẻ, để thông phần sự hiện diện và sự sống
của Ngài cho chúng ta qua các Bí tích (HIỆP THÔNG); sau khi chính chúng ta đã
dám đáp lại Thiên Chúa bằng cách thông dự trong mầu nhiệm của Hội Thánh để rồi
gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong phụng vụ (THAM GIA), giờ đây, chúng ta
được mời gọi để loan báo chính những điều chúng ta đã nhận lãnh hay nói cách
khác, đảm nhiệm sứ vụ làm chứng cho Tin mừng trong thế giới hôm nay (SỨ VỤ).
Một điều vô cùng thú vị đó là bố cục của sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo hay sách Youcat thể hiện rất rõ tiến trình này. Nếu như cuốn
sách bao gồm 4 phần, thì Phần I - Tuyên
Xưng Đức Tin nhằm diễn tả những điều phải tin hay đúng hơn diễn tả kế hoạch
cứu độ, kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, một kế hoạch mà qua
đó Ngài muốn ở gần và thông chia sự sống cho họ; Phần II - Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo diễn tả cách mà con người đáp
lại lời mời gọi của Thiên Chúa, con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau
trong mầu nhiệm Hội Thánh, qua việc cử hành Phụng vụ và Bí tích; Phần III - Sống Trong Đức Kitô nhằm diễn
tả chiều kích sứ vụ của chúng ta khi chúng ta được đặt trong cộng đồng nhân loại,
trong tương quan thực tế đối với những anh chị em đồng loại, cả những người
cùng niềm tin và không cùng niềm tin với chúng ta; Phần IV - Kinh Nguyện Kitô giáo là điểm kết nối những điểm trên, bởi
lẽ đây là một tiến trình dài hơi, một tiến trình khép kín, do đó, người ta
không thể ngừng gặp gỡ Thiên Chúa, ngừng cử hành phụng vụ hay ngừng hiệp thông
với nhau, dĩ nhiên, con người cần sự trợ lực của Thiên Chúa qua cầu nguyện để
có thể không mệt mỏi vươn lên nắm lấy bàn tay của Thiên Chúa và bàn tay của tha
nhân đang giơ ra trước mặt họ.
Thật thế, Tông huấn Christifideles
Laici (1988) cũng muốn liên kết giữa chiều kích “hiệp thông và sứ vụ”. Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, là nguồn
mạch của sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa loài người, đồng thời cũng là nguồn
mạch của việc loan báo Tin mừng, nghĩa là công bố Vương quốc Thiên Chúa giữa
loài người. Hiệp thông và sứ vụ ảnh hưởng lẫn nhau: sự hiệp thông (hợp nhất) là
dấu chỉ hữu hiệu cho việc truyền giáo (x.Ga 17,21), và làm cho Giáo hội biểu lộ
như là bí tích của sự hợp nhất.
Do đó, sau khi đã gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong phụng
vụ, trong tư cách là một cộng đoàn hiệp thông, chia sẻ trong tinh thần bác ái
huynh đệ, cộng đoàn có chức năng đón nhận hồng ân bác ái đích thực do Đức Kitô
ban cho chúng ta qua Giáo hội và qua các Bí tích, đồng thời, đảm nhận trách nhiệm
dẫn đưa những anh em còn ở xa hay đã bỏ Giáo hội trở về với tình thương của
Chúa. Quả vậy, đời sống Kitô hữu là một hành trình tăng trưởng liên tục, không
ngừng nghỉ. Chúng ta được mời gọi để được Thiên Chúa đào luyện trong niềm vui
và trong tình hiệp thông. Sự hiệp thông với Chúa và với anh em, sự hiệp thông
được thể hiện cả ở khía cạnh hữu hình lẫn vô hình; hợp nhất trong đa dạng. Tông
thư Desiderio Desideravi số 65 đã khẳng
định như sau:
Việc cử hành ngày Chúa
nhật giúp cho cộng đoàn Kitô hữu được đào tạo bởi bí tích Thánh Thể. Hằng tuần,
lời của Chúa Phục Sinh soi sáng sự hiện hữu của chúng ta, để hoàn tất nơi chúng
ta điều Chúa muốn khi gửi lời của Người cho chúng ta (x. Is 55,10-11). Hằng tuần,
việc rước Mình và Máu Chúa Kitô cũng muốn làm cho cuộc sống của chúng ta trở
nên của lễ đẹp lòng Chúa Cha, trong tình hiệp thông huynh đệ chia sẻ, hiếu
khách, phục vụ. Hằng tuần, năng lượng của tấm Bánh được bẻ ra nâng đỡ chúng ta
trong việc loan báo Tin Mừng, trong đó thể hiện tính xác thực của việc cử hành
phụng vụ.
Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bức Thư Chung 2022 số 5c và
d cũng đã lưu ý đến chiều kích sứ vụ này:
Sự hiệp thông trong
Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương
ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa
những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay,
với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng
tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi,
người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật,
người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên
tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài,
nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa
Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ
chính Chúa (x. Mt 25, 31-46). Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền
thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng
các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến
thức và học hỏi Lời Chúa. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến
lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền
thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải
để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường
cùng.
TẠM KẾT
Qua phần trình bày trên, chúng ta nhận thấy rằng Cộng đoàn
hiệp thông Phụng vụ là một tiến trình không ngừng, một tiến trình mà ở nơi ấy
Thiên Chúa hạ mình xuống, con người vươn lên để kết nối với Thiên Chúa cũng như
với tha nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần khẳng định người Công giáo không sống
trên mây trên gió, họ không sống với một ảo vọng xa vời, nhưng với chiều kích sứ
vụ được trao phó, họ được mời gọi để sống một cách trọn vẹn, ở đây và ngay lúc
này.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta vô tình gây ngộ nhận cho người
khác qua đời sống của chính mình thì hãy giữ một thái độ quân bình. Một mặt, cần
tránh sự tự ti thái quá bởi chính Thiên Chúa là người đi bước trước trong tiến
trình này, Giáo hội là Giáo hội của Chúa, một Giáo hội có thể bị bầm giập, bị
thương tích nhưng không bao giờ gục ngã. Mặt khác, chúng ta cũng cần tránh thái
độ tự tôn thái quá để rồi lạm dụng lòng thương xót của Chúa, của Giáo hội,
không đủ khiêm tốn để nhận ra mình cần được Chúa thương xót và chữa lành, cần
được anh chị em yêu thương, hoán cải và biến đổi.
Ước gì mỗi chúng ta không ngừng cảm nhận được vị ngọt ngào
nơi lời mời gọi bước vào trong sự hiện diện, sự sống của Thiên Chúa. Ước gì
chúng ta không bao giờ cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong một gia đình Giáo hội,
một gia đình nhân loại. Ước gì trái tim của chúng ta không ngừng bừng cháy để
trở nên chứng nhân sống động của Thiên Chúa trong lòng thế giới hôm nay, một thế
giới cần sự hiện diện của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Và ước gì sau mỗi lần vấp
ngã, chúng ta lại có đủ can đảm để đứng lên, để bắt đầu và lại bắt đầu.
Sau tất cả, sau mọi sự bất toàn, giới hạn và chưa trọn vẹn,
chúng ta được mời gọi để phó thác nơi Thiên Chúa và rồi đắm mình trong mầu nhiệm,
Mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mầu nhiệm Giáo Hội và mầu nhiệm của chính con người
chúng ta.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)