CÔNG BỐ LỜI CHÚA TRONG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ CÁC GIỜ
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
WHĐ (13.01.2022) - Tuy bàn về “Công bố Lời Chúa trong cử
hành Phụng Vụ Các Giờ”, nhưng bài này chỉ giới hạn vào một tiểu tiết là xem xét
hai thực hành vẫn còn tranh cãi đến nay: (1) Một là đọc Lời Chúa luôn mà không
đọc câu trích dẫn Lời Chúa từ Sách/Thư nào; (2) Hai là trước khi công bố Lời
Chúa thì đọc lời trích dẫn: “Lời Chúa trong….” Vậy đâu là thực hành đúng theo
truyền thống và ý định của Hội Thánh?
Nên đọc câu trích dẫn?
Những người ủng hộ thực hành phải đọc câu trích dẫn nguồn
Sách Thánh trước khi công bố Lời Chúa thường nại vào ba lý do sau:
- Lý do thứ nhất, giống như trong
Thánh lễ, Lời Chúa luôn luôn phải được công bố với lời trích dẫn nguồn Sách
Thánh trước đó;
- Lý do thứ hai, những người tham
dự nên biết Lời Chúa đang công bố được trích dẫn từ đâu;
- Lý do thứ ba, đại đa số các
giáo xứ và dòng tu đang theo thực hành này.
Ba lý do nêu trên, nếu không muốn nói là nhầm lẫn, thì cũng
hoàn toàn không thuyết phục ở chỗ:
- Lý do thứ nhất chỉ đúng đối với
trường hợp công bố Lời [Chúa] trong Kinh Sách mà thôi. Thật vậy, Kinh Sách có 2
Bài đọc [dài] giống như các Bài đọc trong Thánh lễ, chúng được đưa vào Phụng Vụ Các Giờ hiện nay theo đúng truyền
thống và ý định của Hội Thánh đối với Kinh Sách là “ít Thánh vịnh hơn, nhưng
Bài đọc lại dài hơn”.[1] Còn đối với các Giờ Kinh
khác như: Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối, thì sau các ca vịnh
chúng ta có một Bài đọc ngắn chứ không phải Bài đọc dài.[2]
Giống như trong Thánh lễ, khi đọc Bài đọc thứ nhất của giờ Kinh Sách vốn được
trích từ Kinh Thánh, chúng ta phải đọc một câu dẫn trước đó để cho biết nguồn/tựa
của bản văn Sách Thánh. Dĩ nhiên, Hội Thánh tuân thủ truyền thống này và làm
cho mọi tín hữu dễ dàng đọc câu trích dẫn nguồn Sách Thánh ấy bằng cách in ra
cách rõ ràng như trong Sách Bài đọc [trong
Thánh lễ] vậy, không để cho người công bố muốn đọc thế nào cũng được. Ví dụ: Mỗi Sách/Thư trong Kinh Sách đều có một câu
trích dẫn phù hợp chứ không phải đánh đồng hết là “Lời Chúa trong….”. Chẳng hạn,
chúng ta thấy các câu sau: Trích sách các
Vua quyển 1; Dẫn vào sách ngôn sứ Amốt; Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô
tông đồ gửi ông Timôthê… Ngay cả Bài đọc 2 của Kinh Sách, dầu không có nguồn
từ Kinh Thánh, nhưng vì là Bài đọc dài, nên chúng ta vẫn phải đọc câu trích dẫn
như đã được in ra. Ví dụ: Trích bài giảng
của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien; Trích thư của thánh Phanxicô Xaviê linh mục
gửi thánh Inhaxiô; Trích bài chú giải ngôn sứ Isaia của Đức Cha Êuxêbiô, giám mục
Xêdarê; Trích bài giảng của thánh Anxenmô, giám mục… Tuy nhiên, đối với các
Bài đọc ngắn, không bao giờ cần đọc câu trích nguồn/tựa đề Sách Thánh trước khi
công bố Lời Chúa như chúng ta sẽ bàn tiếp dưới đây.
- Lý do thứ hai là mong ước hay
đòi buộc người tham dự biết Lời Chúa được trích dẫn từ đâu chỉ đúng trong trường
hợp của Thánh lễ hoặc của giờ Kinh Sách (như vừa trình bày ở trên) vì đó là những
Bài đọc dài. Còn đối với Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối, công bố
Lời Chúa được thực hiện như thế nào? (1) Một mặt, người nghe cũng là người đang
đọc kinh, họ thực sự đang cầm cuốn Các Giờ
Kinh Phụng Vụ trong tay, cho nên
nếu muốn, họ chỉ cần lướt nhìn là biết đoạn Kinh Thánh đó từ đâu mà không cần
người công bố Lời Chúa phải đọc lên. (2) Mặt khác, theo ý định của Hội Thánh,
Bài đọc ngắn [với chỉ 1-2 câu hoặc quá lắm là 3 câu] nhắm đến thái độ lắng nghe
chăm chú hơn là truyền đạt thông tin, vì thế, theo một truyền thống từ rất lâu
trong Hội Thánh, nó được công bố “theo dạng thuộc lòng” (người đọc vẫn nhìn vào
bản văn), nghĩa là nhắm đến mục đích: để cho Lời Chúa thấm vào lòng người nghe
đến độ thuộc lòng, để cho Lời ấy được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí người nghe
như tiếng chuông âm vang cả ngày mà không cần quan tâm chúng được trích dẫn từ
đâu.[3]
- Về lý do thứ ba, trong lãnh vực phụng vụ ở Việt Nam, với
nhiều nguyên nhân đến từ hoàn cảnh đất nước khiến chúng ta như bị “tách rời với
thế giới” nhiều năm (từ sau 1975). Thực tế này dẫn đến tình trạng một số các
văn kiện/tài liệu phụng vụ liền trước và sau Công đồng Vatican II chưa được
chuyển dịch sang tiếng Việt, đến độ, nhiều thực hành Hội Thánh giữ lại, chúng
ta đã không biết mà bỏ đi, còn nhiều thực hành khác Hội Thánh đã bỏ đi, đã thay
đổi, chúng ta lại không cập nhật mà giữ lại y như cũ. Kết quả là một số thực
hành đã trở nên phổ biến nhưng lại là những thực hành không đúng/không cần thiết/chưa
cập nhật, chẳng hạn như: cô dâu chú rể đọc Sách Thánh;[4]
cộng đoàn cùng đọc Tin Mừng với phó tế/linh mục trong Thánh lễ;[5] nêu “một lô” ý lễ trong Kinh
Nguyện Thánh Thể;[6] đem hoa và nến trong cuộc rước
tiến lễ;[7] rung chuông đang khi chủ tế
rước lễ;[8] v.v… Vậy không phải cứ có đa
số nơi thực hành thì đảm bảo đó là một thực hành chuẩn mực mà là phải dựa trên
công ý, tập tục, truyền thống, ý định và hướng dẫn của Hội Thánh.[9]
Không cần thiết đọc
câu trích dẫn?
Lý do quan trọng hơn rất nhiều, và là lý do chính khiến
chúng ta không cần phải đọc câu trích dẫn khi công bố Lời Chúa trong cử hành Phụng
Vụ Các Giờ, theo như cha Edward Mcnamara, là vì thực hành như thế mới đúng là tập
tục của Hội Thánh.
Quả thực, vị giáo sư phụng vụ và thần học bí tích này (Đại học
Regina Apostolorum) đã nhận được 2 câu hỏi về cùng một vấn đề như sau:
- Câu hỏi 1: Trong Phụng
Vụ Các Giờ, khi đọc Bài đọc vắn, có nơi bắt đầu với câu “Bài đọc Thánh Kinh” và
khi kết thì đọc “Đó là Lời Chúa” […] Ở nhiều nơi khác, người đọc tiến đến giảng
đài, đọc Lời Chúa, rồi trở về chỗ của mình mà không đọc gì thêm. Vậy cách nào mới
đúng với hướng dẫn? Vì không có gì được đề cập một cách rõ ràng khiến đôi lúc tạo
ra bối rối.[10]
- Câu hỏi 2: Trong giờ
Kinh Sáng (Kinh Ca Ngợi), sau ba bài Thánh vịnh (Thánh vịnh và điệp ca) là đến
Bài đọc vắn. Liệu người ta có phải bắt đầu đọc với câu như trước các Bài đọc
Thánh lễ: “Bài trích sách [tên cuốn sách Kinh Thánh]”, hoặc người ta đọc ngay
bài mà không đọc: “Bài trích sách...” không? Thứ hai, khi kết thúc Bài đọc, liệu
người ta phải đọc “Đó là Lời Chúa” và sau đó đọc xướng đáp, hoặc người ta đọc
ngay xướng đáp mà không đọc “Đó là Lời Chúa” không?[11]
Trước 2 câu hỏi trên, cha Edward Mcnamara đã có cùng một câu
trả lời dứt khoát rằng theo tập tục của Hội Thánh, các Bài đọc vắn trong Phụng
Vụ Các Giờ được đọc hoặc hát, mà không có dẫn nhập hay kết thúc nào cả. Người đọc
chỉ đơn giản công bố chính bản văn Lời Chúa/Bài đọc mà thôi. Do đó người đọc hoặc
ca viên đi đến giảng đài (hoặc thậm chí từ nơi người ấy đang đứng trong nhà
nguyện), và chỉ đơn giản là hát hay đọc Bài đọc vắn. Khi người ấy đọc xong, mọi
người giữ một chút thinh lặng hay nghe một bài giảng, và sau đó đọc xướng đáp.
Câu xướng đáp ngắn này tạo thành lời đáp cho Bài đọc ngắn nên người đọc cũng
không nói gì thêm (Đó là Lời Chúa)
khi kết thúc Bài đọc.[12]
Việc đọc lời trích dẫn trước Bài đọc vắn có lẽ mới chỉ xuất
hiện gần đây khi người ta tự suy ra từ thực hành công bố Lời Chúa trong Thánh lễ.
Còn theo sau Quy luật của Tôn sư, Quy luật
của Thánh Biển Đức,[13] thực hành đã trở thành tập
tục - xét như là nguồn và sự diễn dịch tốt nhất của luật[14]
- là thế này: (1) Người ta đã phân biệt ra 2 loại Bài đọc trong Giờ Kinh: Bài đọc
dài và Bài đọc ngắn; (2) Kể cả Thần vụ Biển Đức lẫn Thần vụ Rôma đều dự trù cho
mỗi Giờ kinh (không phải Giờ Kinh Đêm) một Bài đọc [ngắn] được giảm xuống chỉ
còn vài câu, ngay sau các Thánh vịnh; (3) Bài đọc ngắn/Đoản huấn (lectio brevis/capitulum) này được đọc
“theo dạng thuộc lòng” với ý thức rằng đó là Lời Chúa mà không cần quan tâm chúng
được trích dẫn từ đâu. Từ thời xưa và chắc chắn là bây giờ cũng vậy, Bài đọc ngắn
được công bố “theo dạng thuộc lòng” và nhắm mục đích là để cho những Lời ấy được
nhắc đi nhắc lại trong tâm hồn người nghe như tiếng chuông âm vang cả ngày.[15]
Tập tục này đã trở thành chuẩn mực cho thực hành đọc Kinh Thần
Vụ thời kỳ tiền Công đồng như được minh định trong Quy chế Tổng quát Sách nguyện Rôma (1960) như sau:[16]
- Đối với Bài đọc (lectio)
của các Giờ Kinh Đêm “Matituna”,[17] Quy chế 1960 dạy rằng: “Các
Bài đọc từ Kinh thánh được đọc với cả tiêu đề của Sách Thánh mà chúng được
trích ra, trừ khi có chú thích rõ ràng điều ngược lại. Tương tự như vậy, các
Bài đọc trích từ một bài giảng hoặc một khảo luận hoặc một văn kiện của giáo
hoàng cũng phải được đọc với tiêu đề và tên của tác giả; tên tác giả được đặt
trước các Bài đọc trích từ bài giảng về Phúc Âm trong ngày.”[18]
- Đối với các Bài đọc vắn/Đoản huấn (lectio brevis/capitulum), Quy chế 1960 [cũng như các sách hướng dẫn
cử hành Kinh Thần Vụ khác][19] chỉ nói đơn giản rằng chúng
được công bố trong tất cả giờ kinh khác ngoại trừ các Giờ Kinh Đêm “Matituna”
mà không đề cập gì đến việc phải đọc câu trích dẫn như áp dụng cho các Bài đọc
của Giờ Kinh Đêm “Matituna”.[20]
Cách trình bày của Sách
Nguyện Triđentinô (1962) là một minh họa cho thấy sự thống nhất và bảo toàn
tập tục được chuẩn hóa trong Quy chế Tổng
quát Sách nguyện Rôma (1960) liên quan đến việc công bố Lời Chúa trong Kinh Thần Vụ. Chẳng hạn, đối với Bài đọc
[dài] của các Giờ Kinh Đêm, sau Bài đọc 1 là câu trích cho chúng ta đọc trước
khi đi vào công bố bản văn. Ví dụ: Trích
từ Sách Các Vua quyển thứ (De libro tértio Regum I); sau Bài đọc 4 cũng có
ghi câu trích. Ví dụ: Trích từ Sách
“Thành đô Thiên Chúa” của thánh Augustinô, Giám mục Hippo (Ex libro sancti
Augustíni Epíscopi de Civitáte Dei)… Còn đối với Bài đọc ngắn (lectio brevis), Sách Nguyện Triđentinô tuyệt nhiên không ghi câu trích nào cả.[21] Nếu đã không in ra câu
trích mà có ai đó “cố tình” muốn đọc dẫn nhập trước Bài đọc Lời Chúa, điều mà Hội
Thánh không muốn, thì gần như đó là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi vì lúc bấy giờ,
họ phải ghi nhớ và đọc lên bằng tiếng Latinh.
Sau Công đồng Vatican II, mục đích của việc công bố Lời Chúa
thật vắn gọn (= Bài đọc vắn) trong các giờ Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và
Kinh Tối vẫn là để cho những Lời ấy được nhắc đi nhắc lại trong tâm hồn người
nghe như tiếng chuông âm vang cả ngày.[22]
Chủ trương này tiếp tục được nhắc lại trong Văn
kiện Trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1971) như sau:[23]
- Bài đọc vắn được chọn theo ngày trong tuần, theo mùa hay theo ngày lễ.
Phải đọc và nghe bài này như đích thực là một bản công bố Lời Chúa. Bài đó nhấn
mạnh đến vài ý tưởng của Kinh Thánh, và làm sáng tỏ một vài lời vắn tắt, mà nhiều
khi nghe đọc trong những bài dài liên tục người ta không để ý mấy.[24]
- Các Bài đọc vắn cũng có tầm quan trọng trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Vì
thế, đã chọn những bài này để trình bày một ý tưởng hay nhắn nhủ đôi lời một
cách vắn tắt rõ ràng.[25]
- Sau Bài đọc vắn cũng có những câu xướng đáp vắn, nhưng đơn sơ hơn, tựa
như một lời tung hô, khiến lời Chúa ăn sâu hơn vào tâm trí người đọc hay người
nghe.[26]
Củng cố cho một thực
hành đúng
Tập tục không đọc câu dẫn nhập hay kết thúc nào cả đối với
các Bài đọc vắn chính là mấu chốt của vấn đề chúng ta đang bàn. Cách trình bày
trong cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã cho thấy rõ ý định của Hội
Thánh là muốn duy trì tập tục này:
1/ Tất cả những chữ
in đỏ như: Giáo đầu, Thánh thi, Ca vịnh (Tv 121 (122) Thành thánh Giêrusalem/Tv 129 (130) - Tiếng kêu từ vực thẳm/Tc Pl 2,6-11 - Đức Kitô, tôi trung của
Thiên Chúa), Xướng đáp, Thánh ca Tin Mừng “Linh hồn tôi ngợi khen Đức
Chúa” (Magnificat), Lời cầu, Kinh Lạy Cha mọi người cùng đọc, Lời
nguyện… và chắc chắn là cả Lời Chúa ………
2Pr 1,19-21 đều chỉ là để nhìn, để biết như một thông tin hay là hướng dẫn cử
hành phụng vụ cho chính xác, dễ dàng và tràn đầy ân sủng. Chúng có màu đỏ để
“thu hút sự chú ý và phân biệt chúng với những bản văn như lời nguyện, dẫn giải
và các Bài đọc” chứ không phải để đọc lên.[27]
Vì thế, chúng ta không được đọc “Lời Chúa trong ….” ngoại trừ các chữ đen sau
đó như: Trích sách các Vua quyển 1; Dẫn
vào sách ngôn sứ Amốt; Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi ông
Timôthê…vốn chỉ có trong Kinh Sách mà thôi.
2/ Đúng vậy, chỉ trong giờ Kinh Sách, sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ mới ghi những lời
trích nguồn cho cả Bài đọc 1 (như: Trích
sách các Vua quyển 1; Dẫn vào sách ngôn sứ Amốt; Trích thư thứ nhất của thánh
Phaolô tông đồ gửi ông Timôthê…) và Bài đọc 2 (như: Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien; Trích thư của
thánh Phanxicô Xaviê linh mục gửi thánh Inhaxiô; Trích bài chú giải ngôn sứ
Isaia của Đức Cha Êuxêbiô, giám mục Xêdarê; Trích bài giảng của thánh Anxenmô,
giám mục…); Còn trong các giờ kinh khác, chúng ta không thấy ghi gì cả ngoại
trừ chữ đỏ với phía bên trái là từ Lời Chúa, còn phía bên phải là chữ viết tắt
nguồn của Bài đọc Sách Thánh. Ví dụ: Lời Chúa……Dc 8,7; Lời Chúa……1 Cr 7,32-34;
Lời Chúa……Xh 23,20-21. Điều này hàm ý rằng trong thực hành, chúng ta nên đơn sơ
và đơn giản hóa mọi vấn đề bằng cách sách Các
Giờ Kinh Phụng Vụ ghi [chữ màu đen] gì thì chúng ta đọc nấy, không nên tự ý
thêm bớt hay thay đổi điều gì đúng như Hiến
chế Phụng Vụ Thánh đã dạy: “Tuyệt
đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi
một điều gì trong phụng vụ.”[28]
3/ Cách trình bày trong cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ với phía bên trái là từ Lời Chúa, còn phía
bên phải là chữ viết tắt nguồn của Bài đọc Kinh Thánh cũng giống như cách trình
bày trong Sách Lễ Rôma cho phần ca nhập
lễ và ca hiệp lễ và Sách Bài đọc cho
phần Tung hô Tin Mừng.
- Nhìn vào bản văn phụng vụ trong Sách Lễ Rôma, chúng ta thấy phía bên trái trang sách là từ Ca nhập
lễ/Ca hiệp lễ, còn phía bên phải là chữ viết tắt nguồn của bản văn Thánh Kinh.
Ví dụ: Ca nhập lễ………. Is 9,6; Ca hiệp lễ……… 1Ga 4, 9. Trong trường hợp không thể
hát ca nhập lễ/ca hiệp lễ, thì tất cả hoặc một vài người giáo dân hoặc một độc
viên, đọc ca nhập lễ/ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ. Nếu không có ai đọc, thì
chính vị tư tế đọc.[29] Khi đọc lên, chắc chắn
chúng ta chỉ đọc bản văn ca nhập lễ/ca hiệp lễ, chứ không bao giờ xướng lên
câu: “Ca nhập lễ trích trong sách tiên tri Isaia” rồi mới đọc bản văn: “Một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người
Con đã được ban cho chúng ta. Người nhận lãnh vương quyền trên vai, và Người sẽ
được gọi là Cố Vấn kỳ diệu” (Is 9,6); cũng không bao giờ xướng trước câu:
“Ca hiệp lễ trích trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ” rồi mới vào đọc bản
văn: “Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống
thế gian, để nhờ Người chúng ta được sống.”(1Ga 4, 9)[30]
- Nhìn vào Sách Bài đọc
cũng vậy, phía bên trái trang sách là chữ “Tung hô Tin Mừng”, còn phía bên phải
trang sách là ký hiệu tên nguồn của câu Tung hô Tin Mừng (ví dụ: Lc 7,16). Khi
hát/đọc Tung hô Tin Mừng, chúng ta sẽ không xướng lên trước: “Tung hô Tin Mừng
trích trong….” rồi mới tiến hành hát/đọc Alleluja + bản văn Sách Thánh: “Alleluja. Alleluja. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất
hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Alleluja.” (Lc
7,16)[31]
4/ Cách trình bày trong cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Việt Nam với phía bên trái trang sách là
từ Lời Chúa, còn phía bên phải là chữ viết tắt nguồn của Bài đọc Kinh Thánh (ví
dụ như: Dc 8,7; Cr 7,32-34; Xh 23,20-21…) khiến chúng ta cứ thế theo thói quen
mà đọc là “Lời Chúa trong….”. Thực ra, đối với các giờ Kinh Sáng, Kinh Trưa,
Kinh Chiều và Kinh Tối, bản gốc Latinh sẽ ghi ở phía bên trái là từ Lectio
brevis (= Bài đọc vắn) chứ không phải là từ Lời Chúa. Điều này hàm ý là không cần
đọc trích dẫn gì cả vì đó là Bài đọc vắn. Ngoài chính bản văn Lời Chúa [được in
bằng chữ đen] ở đây, cuốn Các Giờ Kinh Phụng
Vụ cũng chẳng ghi thêm chữ nào như trong phần Bài đọc 1 / Bài đọc 2 của
Kinh Sách để chúng ta dựa vào đó mà đọc trích dẫn nguồn. Ý định rõ ràng của Hội
Thánh ở đây là nhằm tạo sự dễ dàng cho người công bố Lời Chúa. Nếu Hội Thánh muốn
chúng ta đọc gì thì sẽ ghi ra/in ra cho chúng ta đọc, vì thế ngay cả câu “Đó là
Lời Chúa” sau các Bài đọc trong Thánh lễ cũng phải được in ra. Đó là nguyên tắc
hết sức cơ bản cho buổi cử hành phụng vụ cộng đồng. Vô tình, chính chúng ta lại
gây khó khăn và đặt gánh nặng trên vai người khác bằng việc bắt người công bố Lời
Chúa phải thuộc lòng câu “Lời Chúa trong…”, tức phải thông thạo các ký hiệu viết
tắt tên các sách Kinh Thánh/Thánh Thư. Liệu thực hành này có phù hợp với nhiều
thành phần Dân Chúa không (chẳng hạn các cụ của Dòng Ba Đaminh hay các em dự tu
mới vào nhà dòng…) và có đánh đố họ không khi Phụng Vụ Các Giờ đã trở thành kinh
nguyện của toàn thể Giáo Hội.[32] Chính mắt tôi đã thấy một số
người, và theo chia sẻ của nhiều người, họ đã phải dùng bút chì mà ghi cẩn thận
vào cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ của họ câu đầy đủ “Lời Chúa
trong….” để khỏi mất tự tin và đọc sai trật khi được phân công lên công bố Lời
Chúa. Nhẽ ra họ chẳng bao giờ bị áp lực và phải lo lắng đến thế!
Kết luận
Với tất cả những gì vừa trình bày, chúng ta nên loại bỏ bất
cứ thực hành nào (1) do tự mình nghĩ ra, (2) không thuộc về tập tục, truyền thống
và ý định của Hội Thánh, (3) cũng như gây áp lực cho người cử hành. Bởi vậy,
chúng ta chọn thực hành như sau:
- Đối với các Bài đọc vắn của Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều
và Kinh Tối, người đọc chỉ công bố bản văn Lời Chúa mà không có dẫn nhập hay kết
thúc nào cả.
- Đối với các Bài đọc 1 và
Bài đọc 2 của Kinh Sách, người đọc phải đọc lên câu trích dẫn nguồn của bản văn
được công bố theo đúng những gì đã được in ra ngay trước bản văn.
[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế
Phụng Vụ Thánh [Sacrosanctum
Concilium], số 89c; Bộ Phụng Tự, Văn kiện
Trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1971), các số 57, 63-68.
[3] X. Pius Parsch, The Breviary
Explained, trans. William Nayden & Carl Hoegerl (New York: B. Herder
Book. Co., 1952), 100-103; Văn kiện Trình
bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1971), các số 45, 156, 172.
[4] X. Phạm Đình Ái, SSS, Nhìn Lại
Các Vấn Đề Phụng Vụ Tại Việt Nam, tập 1 (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016),
110-116.
[7] X. Phạm Đình Ái, SSS, Nhìn Lại
Các Vấn Đề Phụng Vụ Tại Việt Nam, tập 2 (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2020),
231-244
[8] X. Notitiae 8 (1972) 343; Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, các số
86, 150, 159; Nghi thức Thánh lễ, số
136; Lễ nghi Giám mục, số 163; Ritus Servandus in celebratione Missae 1962,
“De oratione dominica et aliis usque ad factam Communionem,” n. 6; Edward McNamara, “Có cần
rung chuông khi Truyền phép không?” (24/08/2005), dg. Nguyễn Ngọc Đa, http://giaophanthanhhoa.net/phung-vu/co-can-rung-chuong-khi-truyen-phep-khong-27292.html.
[9] X. Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 22; Bộ Giáo Luật, 23-28, 838§2-4, 381§1,
835§1; ĐGH Gioan Phaolô II, Pastor bonus,
aa. 62-75; Văn kiện Trình bày và Quy định
Các Giờ Kinh Phụng Vụ, các số 37, 43, 71, 74-75, 80, 110, 112, 126, 202,
207, 265…
[10] Edward McNamara, “New Priests
Blessing Bishops” (28 April 2009), https://www.ewtn.com/catholicism/library/new-priests-blessing-bishops-4472.
[11] Edward McNamara, “Morning Prayer and the Our Father” (5 September 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/morning-prayer-and-the-our-father-4866.
[12] X. Edward McNamara, “New
Priests Blessing Bishops” (28 APRIL 2009); “Morning Prayer and the Our
Father” (5 September 2017).
[13] Benedictus
Nursiae, Regula Sancti Benedicti, translated
into English, A Pax Book, preface by
W.K. Lowther Clarke (London: S.P.C.K., 1931).
[15] X. A. G. Martimort, “The Liturgy of the Hours”, trong The Church at Prayer: The Liturgy and Time,
vol. IV, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The
Liturgical Press, 1986), 221-222; Pius Parsch, The Breviary Explained, 100-103.
[17] Sau Công đồng Vatican II, những đặc nét của Giờ Kinh Đêm
(Matituna/Matins) trước đây đã được thay đổi và chuyển thành Kinh Sách của Phụng
Vụ Các Giờ ngày nay.
[18] Rubricae, “Rubricae
generales breviarii romani” (1960), các
số 215, 220; X. Bernard A. Hausmann, Learning
the Breviary (Cincinnati: Benziger Brothers, 1961), số 25.
[19] Chẳng hạn cuốn vừa trích dẫn: Bernard A. Hausmann, Learning the Breviary (Cincinnati:
Benziger Brothers, 1961).
[21] Trích theo Giờ Kinh Ad Matutinum - Tridentine
1570 - “Dominica VIII Post Pentecosten ~ Semiduplex Dominica minor”.
[23] X. A. M Roguet, OP, The Liturgy
of the Hours: The General Instruction with Commentary, trans. Peter
Coughlan & Peter Purdue (Collegeville: The Liturgical Press, 1971), 119.
[27] Anscar J. Chupungco, OSB, Phụng
Vụ Là Gì? dg. Nguyễn Thế Lân (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2019), 326.
[28] Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số
22; X. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 31.
[29] X. Quy chế Tổng quát Sách Lễ
Rôma, các số 47-48, 87, 198; Ủy ban Thánh Nhạc – HĐGMVN, Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số133b.
[32] X. Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 100; ĐGH Phaolô VI, Tông Hiến Laudis Canticum, số 1; Văn kiện
Trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, các số 23, 27, 40; Bộ Giáo Luật, 1174 §2.