CHỦ NGHĨA VÔ THẦN VÀ CHÍNH THỐNG
GIÁO TẠI NƯỚC NGA HIỆN ĐẠI
Thượng phụ Hilarion Alfeyev
WHĐ (23.6.2022) - Trong
bài nói chuyện này, tôi đề nghị phác họa lịch sử chủ nghĩa vô thần ở Nga trong
một trăm năm qua. Trước hết, tôi sẽ xem xét loại vô thần nào có mặt tại Nga trước
Cách mạng; sau đó sẽ nói một chút về sự phát triển của chủ nghĩa vô thần trong
thời Xô-Viết; cuối cùng sẽ trình bày một vài nhận định về bản chất của chủ
nghĩa vô thần hậu Xô-Viết.
Xin bắt đầu bằng những
câu hỏi: Làm thế nào trong một đất nước vốn được coi là “Nước Nga thánh thiện”
với lịch sử lâu dài của Kitô giáo Chính Thống, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn
đã bị những người Bônsêvích biến thành quốc gia vô thần hàng đầu của thế giới?
Tại sao chính những người đã được giáo dục về tôn giáo trong các trường trung học
ở thập niên 1910 lại có thể trở thành những người trực tiếp phá hủy các nhà thờ
và đốt các ảnh thánh trong thập niên 1920? Phải giải thích làm sao về sự kiện
Giáo Hội Chính Thống, vốn có quyền lực rất lớn trong đế quốc Nga, lại bị biến
thành số không do chính những thành viên trước đây của mình?
Tôi xin nói ngay là
không thể chỉ nhìn những gì xảy ra ở Nga năm 1917 như một tai nạn bất ngờ, với
sự kiện một nhóm nhỏ những kẻ xảo quyệt nắm được quyền lực. Đúng hơn, tôi nhìn
cuộc cách mạng Nga như hậu quả cuối cùng của tiến trình đã diễn ra trong xã hội
từ trước Cách mạng, do đó cũng diễn ra trong lòng Giáo Hội (bởi lẽ không có sự
tách biệt giữa Giáo Hội và xã hội). Tôi cho rằng cách mạng Nga là hệ quả của
chính nền quân chủ và của Giáo Hội tại Nga. Nên tìm kiếm gốc rễ của chủ nghĩa
vô thần hậu cách mạng từ trong xã hội Nga cũng như trong Giáo Hội.
Người ta nói rằng nước
Nga được rửa tội nhưng không được khai sáng. Thật vậy, trong thế kỷ 19, hiển
nhiên là chủ trương khai sáng luôn xung đột với tôn giáo: quần chúng nông dân
ít học vẫn giữ những niềm tin truyền thống, nhưng giới có học, kể cả những người
có gốc rễ tôn giáo, ngày càng rũ bỏ niềm tin và trở thành vô thần. Chernyshevsky
và Dobroliubov là những mẫu điển hình: cả hai đều xuất thân từ những gia đình
giáo sĩ, cả hai đều thành vô thần sau khi đã học thần học trong chủng viện. Với
những người như Dostoyevsky, tôn giáo là điều cần phải tái khám phá, sau khi bị
mất đi do hậu quả của giáo dục. Đằng khác, Tolstoy vươn đến niềm tin nào đó vào
Thiên Chúa nhưng vẫn xa cách với Giáo Hội Chính Thống. Khi nhìn vào giai đoạn
trước Cách mạng, rõ ràng có khoảng cách rất lớn giữa Giáo Hội và giới trí thức,
và khoảng cách đó ngày càng gia tăng.
Nhưng vào thời điểm
sát Cách mạng thì chủ nghĩa vô thần xâm nhập cả quần chúng bình dân. Berdyaev
vào thời đó viết rằng ngay cả một bà già nhà quê cũng trở thành vô thần và chủ
trương hư vô. Xin trích dẫn thêm những gì triết gia vĩ đại này đã viết năm
1917, ít tháng trước cuộc cách mạng tháng 10:
“Dân tộc Nga vẫn luôn
coi mình là dân Kitô giáo. Nhiều nhà tư tưởng và nghệ sĩ Nga còn nhìn nước Nga
như dân Kitô tuyệt hảo. Những người yêu văn hóa Slave đã cho rằng dân Nga sống
bằng đức tin Chính Thống giáo, được coi là đức tin chân chính duy nhất, chứa đựng
toàn bộ chân lý… Dostoyevsky rao giảng điều đó. Dân Nga là chứng nhân của
Chúa…Thế nhưng chính ở đây mà cách mạng bùng nổ…và nó cho thấy sự trống rỗng
thiêng liêng nơi người Nga. Sự trống rỗng này là hậu quả của tình trạng nô lệ
kéo dài quá lâu, của tiến trình đoạn tuyệt chế độ cũ đã đi quá xa, của sự tê liệt
nơi Giáo Hội Nga và sự xuống cấp đạo đức nơi hàng lãnh đạo Giáo Hội đã kéo dài
quá lâu. Từ lâu cái linh thánh đã bị trục xuất khỏi tâm hồn người dân, dù theo
phe hữu hay phe tả, và tình trạng đó chuẩn bị cho thái độ bài khích cái linh
thánh, sự bài khích đang phơi bày tất cả vẻ ghê tởm của nó”.
Berdyaev đã trách móc
chế độ Sa hoàng và Giáo Hội Chính Thống về những gì diễn ra vào năm 1917. Bây
giờ hãy nhìn vào vai trò của Giáo Hội trong giai đoạn trước Cách mạng. Một
đàng, Giáo Hội vẫn là Giáo Hội Nhà Nước, đầy quyền lực và ảnh hưởng, thấm nhập
mọi bình diện của đời sống xã hội. Vẫn có các vị thánh như thánh Gioan
Kronstadt và đời sống thiêng liêng vẫn nở hoa ít ra là trong một vài tu viện.
Đàng khác, Giáo Hội bị điều hành bởi chính quyền dân sự, kể cả những khuôn mặt
đáng ghét như Rasputin, và thật ra Giáo Hội đã bị tê liệt ở mức nào đó.
Tôi nhớ đã đọc một cuốn
sách của cha Georgy Shavelsky, Tổng tuyên úy của Lục quân và Hải quân Nga dưới
thời Nicholas II. Là một thành viên kỳ cựu của Hội Đồng điều hành Giáo Hội, ông
xác nhận rằng Hội Đồng xa rời đời sống người dân, đã làm rất ít (nếu không nói
là không làm gì) để ngăn cản làn sóng vô thần đang xâm nhập đời sống những người
dân thường. Ông đưa ra ví dụ: do sắc chỉ đặc biệt của nhà vua, khi việc tham dự
Phụng vụ không còn là điều bắt buộc đối với binh sĩ nữa, thì chỉ còn 10% tiếp tục
đến nhà thờ.
Một chứng từ khác
tương tự là của Thượng phụ Veniamin (Fedchenkov), sau này là giám mục của Bạch
quân thời hậu cách mạng. Ông viết rằng không có sinh viên nào ở trường Thần học
St. Petersburg đến thăm cha John Kronstadt và một vài sinh viên còn là người vô
thần. Ông mô tả bầu khí giá lạnh thiêng liêng và thiếu tính ngôn sứ trong Giáo
Hội Chính Thống. Ông cho rằng không phải tình cờ mà những người như Rasputin nổi
lên: trên nền sự dửng dưng tôn giáo, Rasputin xuất hiện như một khuôn mặt hấp dẫn
và trước hết được giáo quyền đón nhận, dọn đường cho ông bước vào dinh thự
hoàng cung.
Chứng từ thứ ba tôi muốn
nêu lên ở đây có tính riêng tư hơn, là chứng từ của cha Sergei Bulgakov. Là con
của một linh mục Chính Thống, sau khi học ở chủng viện thần học, ông trở thành
vô thần. Trong những ghi nhận tự thuật, ông tự hỏi sự việc đó diễn ra như thế
nào, và ông trả lời: “Điều đó xảy đến ngay lập tức và không lường trước được,
như cái gì đó thật tự nhiên… Khi tôi bắt đầu nghi nan thì những lập luận hộ
giáo truyền thống không đủ để làm thỏa mãn những suy nghĩ phê phán của tôi, ngược
lại tôi thấy nó kệch cỡm…Sự phản kháng của tôi lại càng mạnh hơn vì những việc
đạo đức bó buộc, những nghi thức rườm rà hình thức làm tôi khó chịu”. Cha
Bulgakov lúc đó đã từ bỏ đức tin tôn giáo cách dễ dàng, không phải chiến đấu
gì, cả gốc rễ giáo sĩ cũng như giáo dục thần học đều không giúp được ông chống
lại cơn cám dỗ của chủ nghĩa vô thần và hư vô.
Bức tranh chúng ta có
được khi đọc lại hồi ức của những người sống trong giai đoạn trước cách mạng là
bức tranh về sự suy thoái trầm trọng trong niềm tin tôn giáo. Mặc dù Kitô giáo
Chính Thống vẫn được duy trì như tôn giáo chính thức của chế độ quân chủ Nga,
nhưng cả xã hội lẫn Giáo Hội đều đã bị nhiễm độc trầm trọng do sự vô tín, chủ
nghĩa hư vô và vô thần. Kể cả các chủng sinh, những linh mục tương lai, cũng vật
vờ giữa tôn giáo và vô thần. Nhiều Kitô hữu bình dân, nếu không nói là đa số,
không còn đức tin nữa, và chính họ là những người quay ra chống Giáo Hội. Ngay
lập tức Giáo Hội mất đại đa số thành viên của mình, chỉ còn lại một đoàn chiên
nhỏ bé sẵn sàng chết cho Đức Kitô.
Chúng ta biết điều gì
đã xảy ra cho những tín hữu trung thành với Giáo Hội: hoặc là họ bị thủ tiêu hoặc
bị bách hại ác liệt, chỉ một thiểu số sống sót. Đã có một ít tiến bộ trong tình
hình của Giáo Hội trong và sau Đệ nhị thế chiến, tuy nhiên Giáo Hội không bao
giờ lấy lại được vị trí trong xã hội Nga như trước Cách mạng.
Loại vô thần nào chế độ
Xô-Viết đã áp đặt trên người dân Nga? Thật ra, đó không phải là sự vô tín,
nhưng đúng hơn, là niềm tin mạnh mẽ rằng Thiên Chúa không hiện hữu, đồng thời
tin vào tương lai hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, tin vào sự bất khả ngộ của
đảng Cộng sản và hệ ý thức duy vật của nó. Khuôn mặt Lênin được trình bày như
thần thánh (trong nhiều năm, được gắn chung với Stalin, rồi sau đó là một mình
Lênin), khuôn mặt đó thống trị mọi nơi, ở mọi chỗ, trong mọi phòng của mọi tòa
nhà, dù là nhà trẻ hay đại học, bệnh viện hay cửa hàng. Lênin được xem như thần
thánh, đảng được xem như giáo hội duy nhất, các lãnh đạo (trung ương đảng) như
hội đồng các thánh, lời của Lênin như Sách Thánh… Dân Xô-Viết không được trao tặng
chủ nghĩa vô thần nhưng là một tôn giáo giả hiệu, thứ tôn giáo của tên phản-Kitô.
Chính vì thế Berdyaev hoàn toàn chính xác khi nói về đặc tính tôn giáo trong chủ
nghĩa xã hội và vô thần của Nga.
Hệ ý thức vô thần này
được người dân chấp nhận tới mức độ nào, hoặc đúng hơn, có bao nhiêu người chấp
nhận hệ ý thức này và bao nhiêu người kháng cự lại? Vào thập niên 1920-1930, chủ
nghĩa vô thần Nga vươn đến mức mạnh mẽ nhất, rất hung hăng và kéo theo đám đông
quần chúng nhân dân. Thế nhưng đến cuối thập niên 1960, nó đã mất đi nhiều nhiệt
tình trước đó, phần đông coi nó như chuyện đương nhiên nhưng không còn nhiệt
tình và cuồng tín như xưa. Cho nên, về mặt phẩm chất, thập niên 1930 có thể coi
như đỉnh điểm. Nhưng về mặt số lượng thì tôi cho rằng thập niên 1960-1970 lại
đông hơn. Trong thập niên 1930 vẫn còn những người âm thầm giữ đức tin họ được
thừa hưởng từ thời Sa hoàng. Nhưng đến cuối thập niên 1970, hầu hết những người
này (được giáo dục từ thời trước Cách mạng) đã chết và được thay thế bằng những
người lớn lên dưới chế độ vô thần.
Tôi có thể minh họa điều
đã nói về phẩm chất của chủ nghĩa vô thần tại Nga bằng những ví dụ từ chính gia
đình tôi. Tất cả ông bà nội ngoại của tôi đều sinh ra trước Cách mạng, nhưng được
giáo dục sau Cách mạng: không ai trong số họ có đạo cả! Kể cả lúc đến tuổi 80,
khi hầu như mọi người trẻ trong gia đình tôi đều lần lượt đến nhà thờ và được rửa
tội, thì ông bà tôi vẫn không theo. Một trong các cụ nói với tôi: “Tao thấy mình
cứ như Robinson trên hòn đảo không người. Mọi người chung quanh đây đều đi nhà
thờ, còn tao thì không”. Bà từng là thành viên đảng Cộng sản hơn 50 năm và tôi
đoán ở tuổi 20, chắc bà là chiến sĩ vô thần rất hăng. Đến tuổi 80, bà không có
gì chống tôn giáo nữa, nhưng cũng không tha thiết gì đến đạo. Chủ nghĩa vô thần
nơi bà hoàn toàn thụ động, bà coi nó như chuyện đương nhiên và chẳng suy nghĩ
gì.
Cha mẹ tôi lớn lên
trong xã hội vô thần vào thập niên 1940-1950 và chưa bao giờ là chiến sĩ vô thần
cả. Trong thời tuổi trẻ, họ đã muốn phủ nhận hệ ý thức Xô-Viết và tìm kiếm sự
thật bên ngoài hệ ý thức đó. Thế nhưng vẫn còn đó sức ép rất lớn từ phía xã hội,
trong đó họ phải cố tồn tại, luôn sợ hãi bị phát hiện là mình không tin vào chế
độ và như thế sẽ bị trừng phạt. Mẹ tôi xin nhập đạo Kitô vào giữa thập niên
1970 nhưng vẫn không thể công khai hành đạo. Công khai tỏ ra mình là người có đạo
cũng có nghĩa là sẽ bị trục xuất khỏi xã hội vô thần và có lẽ mất công ăn việc
làm. Thành ra tôi được rửa tội không phải trong nhà thờ nhưng trong một nơi bí
mật nào đó.
Bản thân tôi lớn lên
trong thập niên 1970-1980, rõ ràng là thời kỳ suy thoái của chủ nghĩa vô thần tại
Nga. Tuy nhiên vẫn còn nguy hiểm nếu công khai hành đạo. Chẳng hạn tôi có thể bị
trục xuất khỏi trường nhạc danh tiếng nếu họ biết tôi đi nhà thờ. Trong 11 năm
học ở trường nhạc, tôi không thấy học sinh nào dám công khai hành đạo. Mọi người
coi chuyện vô thần là chuyện đương nhiên. Nhưng đồng thời nhiều bạn học của tôi
không chấp nhận hệ ý thức của chế độ và họ có những quan điểm phóng khoáng. Họ
còn xa Giáo Hội nhưng nhiều người trong số họ cũng chẳng tin vào lý tưởng Cộng
sản. Vẫn còn khó khăn cho việc tin vào Thiên Chúa nhưng ít ra cũng có thể không
tin vào hệ ý thức Cộng sản. Do đó, mặc dù lớn lên trong chế độ vô thần nhưng
chưa bao giờ tôi bị áp lực lớn đến độ không dám đề kháng, tôi cảm thấy mình
không sợ hãi gì và thoải mái tự do. Chính vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy
hầu hết mọi người thuộc thế hệ của tôi đã xuống đường ở Moscow vào tháng 8 năm
1991 để giã từ chế độ Cộng sản. Họ không sợ bởi vì họ đã lớn lên trong thời kỳ
suy thoái và tan rã của hệ ý thức Cộng sản.
Một trong những lý do
chính tạo nên sự tan rã của hệ ý thức vô thần Xô-Viết đơn giản là người dân
không còn tin vào nó nữa. Khi chủ nghĩa vô thần mất đi đặc tính tôn giáo của
nó, nó trở nên trống rỗng và mất đi sức mạnh từ trước khi chính thức bị bỏ rơi.
Bây giờ, cách vắn tắt,
tại nước Nga ngày nay, tình trạng vô thần và tôn giáo ra sao sau sự sụp đổ của
hệ thống Xô-Viết? Theo tôi, mặc dù số tín hữu gia tăng rất nhiều trong những
năm qua, nước Nga còn lâu mới là một đất nước Kitô giáo. Rửa tội và là tín hữu
Chính Thống giáo đã thành một thứ thời trang. Tôi không ngạc nhiên khi thấy đa
số người dân, nếu được hỏi, sẽ xưng mình là tín hữu Chính Thống. Tuy nhiên điều
đó không có nghĩa là họ đi nhà thờ. Điều đó chỉ có nghĩa là hầu hết đã chấp nhận
một thứ căn cước mới bên ngoài cho phù hợp với “cuộc hồi sinh tôn giáo”. Tôi nhớ
có lần hỏi một em thiếu niên đi cùng với mẹ đến xin rửa tội: “Con có tin Chúa
không?” Em trả lời “Không”. “Thế tại sao con muốn được rửa tội?” “Vì mọi người
ai cũng rửa tội”. Đây là một trong nhiều trường hợp cho thấy nhiều người theo đạo
cách rất hời hợt, kể cả không tin vào Thiên Chúa. Dù bên trong vẫn là vô thần,
nhưng bên ngoài lại mang danh tín hữu Chính Thống.
Cuộc thăm dò mới đây
nhất ở Nga cho biết chỉ có số tương đối nhỏ những người chủ trương vô thần,
nhưng số Kitô hữu thực hành đạo cũng không phải là đa số. Hầu hết người ta nói
rằng “Chúng tôi tin vào điều gì đó”. Chúng tôi nhìn nhận có đấng siêu nhiên nào
đó, nhưng cũng thú nhận rằng niềm tin tôn giáo không đóng vai trò quan trọng
trong đời sống. Nghịch lý khác là không phải mọi người xưng mình là tín hữu
Chính Thống đều tin vào Thiên Chúa. Thậm chí một số người tham gia vào những tổ
chức và phong trào của Giáo Hội nhưng vẫn không thực hành đạo.
Nói về sự hồi sinh tôn
giáo tại Nga ngày nay đã trở thành chuyện quen thuộc. Nhưng người ta lại có những
cách hiểu khác nhau về thế nào là hồi sinh. Chắc chắn là có sự hồi sinh bên
ngoài: nhiều nhà thờ, tu viện, trường thần học được mở lại, cơ sở được tái thiết.
Nhưng còn quá sớm để nói về sự hồi sinh của linh hồn Nga. Không có tiến triển về
mặt luân lý đạo đức trong nước Nga ngày nay. Ngược lại, phải nhìn nhận rằng những
chuẩn mực đạo đức đã xuống thấp hơn dưới thời Xô-Viết. Lại chẳng phải là chỉ dấu
cho thấy không có sự hồi sinh bên trong của đời sống Kitô giáo, và người dân
chưa thật sự đón nhận Kitô giáo như luật sống của họ sao? Lại chẳng phải là bằng
chứng cho thấy sự hoán cải và sám hối, hiểu như sự thay đổi não trạng, vẫn chưa
xảy ra tại Nga sao?
Một số người cho rằng
sự suy đồi chuẩn mực đạo đức là do ảnh hưởng phương Tây: chính từ phương Tây
suy đồi mà phim khiêu dâm, nạn mại dâm, và mọi thứ vô đạo tràn vào nước Nga.
Đây là cách chúng ta tự biện hộ: đổ lỗi cho hết mọi người ngoại trừ bản thân
mình. Nhưng thực tế như Berdyaev đã diễn tả từ năm 1918 là: “Dù cay đắng thế
nào chăng nữa thì cũng phải nhận rằng dân Nga ngày nay ít mang tính tôn giáo
hơn nhiều dân tộc Tây phương…nền văn hóa tôn giáo trong linh hồn họ yếu ớt
hơn”. Berdyaev nói đúng nếu hiểu văn hóa tôn giáo ở đây không chỉ là chuyện gia
nhập tổ chức của Giáo Hội, nhưng trước hết là sống theo những chuẩn mực của
luân lý Kitô.
Khi công cuộc “đổi mới”
bắt đầu, xã hội trông mong nhiều vào Giáo Hội. Nhiều người tin rằng Giáo Hội có
thể đảm nhận vai trò dẫn đường trong cuộc hồi sinh thiêng liêng của dân tộc. Phải
thú nhận rằng điều đó đã không xảy ra. Giáo Hội đã bắt đầu hồi sinh bằng việc
xây lại những bức tường tu viện (thật sự là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn),
nhưng Giáo Hội đã không đáp ứng cách thích đáng nhu cầu khai sáng tôn giáo và đạo
đức cho dân. Các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể đến gần chính quyền dân sự nhưng lại
không gần gũi với dân thường, nhất là những người ở ngoài Giáo Hội. Giáo Hội
Chính Thống vẫn khép lại với chính mình, bận tâm với những vấn đề nội bộ hơn là
với những nhu cầu thiêng liêng của xã hội hiện đại. Hệ quả là những giáo phái
Tin Lành phương Tây đã nắm lấy vai trò khai sáng những người vô thần trước đây,
và không lạ gì khi họ ngày càng chiếm được thiện cảm của người dân thường.
Chủ nghĩa vô thần ở
Nga một ngày nào đó sẽ chết hẳn, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi đất nước không những
được rửa tội mà còn được khai sáng và tái sinh. Giáo Hội Chính Thống cần đóng
vai trò chính yếu trong cuộc hồi sinh thiêng liêng này. Nhưng điều đó chỉ xảy
ra khi Giáo Hội thật sự trở thành Giáo Hội quốc gia: không phải là Giáo Hội của
Nhà nước (dù là Nhà nước nào) nhưng là Giáo Hội của dân tộc, của nhân dân. Để
được như thế, Giáo Hội phải ra khỏi vỏ ốc của mình, phải nói thứ ngôn ngữ người
dân đang nói, phải đối diện với những nhu cầu của xã hội và trả lời cách thích đáng.
Vào thời điểm hiện
nay, Giáo Hội đang nỗ lực tìm ra căn tính mới của mình trong nước Nga hậu Cộng
sản và hậu vô thần. Theo tôi, có hai nguy hiểm chính. Thứ nhất là mối nguy trở
về tình trạng trước Cách mạng, khi Giáo Hội Nhà nước ngày càng không phải là
Giáo Hội của dân tộc. Nếu trong một giai đoạn phát triển nào đó của xã hội,
Giáo Hội được Nhà nước trao cho vai trò như thế, thì quả là một sai lầm lớn nếu
Giáo Hội chấp nhận. Trong trường hợp đó, Giáo Hội sẽ lại bị đa số nhân dân khước
từ như đã xảy ra năm 1917. Bảy mươi năm chịu bách hại dưới thời Xô-Viết đã là
kinh nghiệm luyện ngục khủng khiếp cho Giáo Hội Nga, từ đó Giáo Hội nên được đổi
mới hoàn toàn. Sự sai lầm nguy hiểm nhất có lẽ là không chịu học hỏi từ những
gì đã xảy ra để rồi lại quay về với tình trạng trước Cách mạng, như một vài
giáo sĩ ngày nay đang mong muốn.
Mối nguy hiểm thứ hai
là một thứ Chính Thống giáo mang tính chiến đấu, như thể đối kháng lại thứ chủ
nghĩa vô thần chiến đấu. Tôi hiểu Chính Thống giáo chiến đấu ở đây là thứ Chính
Thống chủ trương chống lại người Do Thái, chống lại dân chủ, chống lại văn hóa
Tây phương, chống lại sự khai sáng. Thứ Chính Thống này đang được rao giảng, thậm
chí do một vài nhân vật chủ chốt của hàng giáo phẩm, và có nhiều người ủng hộ.
Cho dù được Nhà nước hỗ trợ, thứ Chính Thống này có thể đẩy chủ nghĩa vô thần
rút lui tạm thời. Nhưng chủ nghĩa vô thần Nga sẽ không bị đánh bại cho đến khi
sự biến hình của linh hồn và đòi hỏi sống theo Tin Mừng trở thành sứ điệp duy
nhất của Giáo Hội Chính Thống Nga.
Chuyển ngữ: Thiên Triệu
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 87 (Tháng 3 & 4 năm 2015)