CHÂN PHƯỚC CARLO ACUTIS, LINH ĐẠO NÊN THÁNH DỄ DÀNG CHO NGƯỜI TRẺ THỜI 4.0, VÀ 5.0 SẮP TỚI

Sr. Têrêsa Lê Thị Ngọc Lễ,
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
 

Mục lục

1. Nên thánh bằng sự sáng tạo và thiên tài cá nhân. 1

2. Carlo, mẫu gương cho người trẻ về việc điều hướng Internet 2

3. Yêu Chúa Giêsu, mà vẫn có thể tận hưởng niềm vui của sự yêu thích cái gì đó?. 4

4. Nên thánh trong tính năng động, và một trái tim mở ra của người trẻ. 5

5. Nên thánh bằng cách lập trình cuộc đời theo Thiên Chúa. 6

6. Kết


WHĐ (10.6.2021) – Một thiếu niên của thời đại công nghệ - Carlo Acutis, một con người được mệnh danh như là vị tông đồ của việc sử dụng Internet, mạng xã hội, một thiên tài tin học tuổi teen được phong chân phước hôm 10/10/2020 vừa qua quả thật là một niềm vui và hy vọng lớn lao cho mọi người, đặc biệt cho người trẻ thời hiện đại.

Với Carlo Acutis, cậu thiếu niên đã đi từ cái bình thường cho đến cái riêng biệt độc đáo trong hành trình đi tìm cho mình một con đường riêng để nên thánh, và cuối cùng đã trở nên một vị chân phước trẻ tuổi giữa một thế giới đại công nghệ kỹ thuật truyền thông mới như hiện nay. Phải chăng cậu thiếu niên trẻ ấy đã chọn cho mình một con đường riêng, độc lạ để lên trời, một linh đạo với những gì sẵn có trong trái tim và khối óc mà Thiên Chúa ban tặng? Một linh đạo nên thánh cho người trẻ mang tính rất hiện đại?

1. Nên thánh bằng sự sáng tạo và thiên tài cá nhân

Thập kỷ của những năm 90 mà Carlo Acutis sinh ra và hít thở là thập kỷ đánh dấu với những thành tựu của truyền thông kỹ thuật số, những phát minh kết nối giữa công nghệ và truyền thông có khả năng đưa con người dần xích lại gần nhau, làm cho thế giới thu gọn nhỏ lại trong tầm tay qua các phương tiện như trang web (World Wide Web), tin nhắn (Text Message). Vì thế, trong một môi trường tràn ngập những hấp dẫn của công nghệ kỹ thuật, cậu thiếu niên Carlo Acutis cũng bị cuốn hút, say mê tìm kiếm và sử dụng những phương tiện công nghệ truyền thông mới ra đời như YouTube, Facebook ...

Thay vì sử dụng Internet để chỉ đáp ứng những tò mò, khám phá thế giới vật chất, thỏa mãn đam mê công nghệ, Carlo đã lôi kéo nhiều người đến gần Chúa, giúp họ đi từ thế giới vật chất đến thế giới của tâm linh, để họ thấy, và để họ tin và yêu mến Thánh Thể Chúa qua trang web mà Carlo thành lập.

Thế nên, với sự hứng thú say mê cả công nghệ và đức tin, Carlo Acutis đã mở ra một con đường nên thánh bằng chính sự sáng tạo, và khả năng của mình. Sẵn có lòng yêu mến Thánh Thể, cậu thiếu niên nhỏ tuổi ấy đã dùng kiến thức của một “dân IT” để lập trình trang web đặc biệt The Eucharistic Miracles of the World[1]. Đây là một trang web đặc biệt mà Carlo đặt vào trong đó tất cả sự sáng tạo, nhiệt huyết của người trẻ để giới thiệu một Chúa Kitô đang sống, vẫn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Cậu thiếu niên đã thu thập, liệt kê danh mục các phép lạ về Thánh Thể đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, mà theo Carlo, nhằm để lôi kéo mọi người, nhất là những người trẻ tin vào Thánh Thể, yêu mến và sùng kính Thánh Thể.

Điều này cho thấy, trong nhận thức của một thiếu niên, Carlo Acutis như đã hòa vào trong nhịp thở của Giáo Hội khi sử dụng Internet, công cụ truyền thông xã hội hiện đại như là quà tặng của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và con người, để phục vụ cho những lợi ích chung, hỗ trợ loan truyền Nước Thiên Chúa.[2] Bằng thiên tài cá nhân, Carlo Acutis đã dùng công cụ truyền thông của thời đại để có thể cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ[3], dùng Internet như một phương tiện hữu ích để loan báo Tin Mừng.[4] Câu chuyện cuộc đời của Chân Phước Carlo Acutis như là một lời mời gọi và chỉ ra làm thế nào để nắm lấy thời cơ, tận dụng những cái có sẵn ở trong thế giới này, cho sự liên hệ giữa Thiên Chúa và khoa học, dùng sản phẩm của khoa học công nghệ để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa. Điều này được xem như là một “phép thuật” mà một thiếu niên giữa thời đại mới đã làm được để người khác có thể chạm được vào sự huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới và con người ngày nay.

Ngày hôm nay, những người trẻ, tại Việt Nam nói riêng, lớn lên trong một nền giáo dục theo kiểu rập khuôn với những bài văn mẫu, những đề giải mẫu, những luận văn, luận án ra trường đơn thuần chỉ là thu thập, chọn lựa, sao chép, ...đã đào tạo nên những người trẻ thiếu óc sáng tạo, không can đảm bộc phá để làm nên cái độc đáo của riêng mình. Người trẻ của chúng ta ngày nay đang bị ảnh hưởng của một môi trường nặng tính sao chép, khiến người trẻ lười tư duy, dẫn đến một lối sống thụ động và ù lì.

Trong lối đi này, nhiều thiếu niên, người trẻ đã không làm phong phú món quà riêng biệt mà Thiên Chúa đã tặng ban cho họ: sự sáng tạo và nhiệt tâm của người trẻ. Thay vì làm lợi những nén bạc sáng tạo và thiên tài cá nhân, họ đã chôn vùi và không trao tặng cho thế giới những tài năng cá nhân độc đáo mà Thiên Chúa đã tặng ban cho từng người. Thế nên, trong cách sống theo kiểu an toàn và an phận, nhiều người trong số họ đã bỏ qua cơ hội nên thánh trong sự sáng tạo và thiên tài cá nhân mà họ vốn dĩ đang sở hữu.

2. Carlo, mẫu gương cho người trẻ về việc điều hướng Internet

Khi được phong Chân Phước, nhiều người đã muốn Carlo trở thành vị bảo trợ cho những người dùng Internet. Điều này xem ra thật thú vị khi mà con người, và nhất là thiếu niên, người trẻ ngày nay dễ dàng bị cái xấu của Internet lôi kéo.

Trong thế giới hôm nay, Internet, mạng xã hội là những công cụ mạng truyền thông có sức ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người, đặc biệt là thiếu niên, người trẻ.

Rảo lướt qua thế giới của người trẻ, không khó để nhận thấy rằng, có quá nhiều thiếu niên, người trẻ đang rơi vào lối sống ảo, say mê bản thân, cô lập chính mình, tìm những niềm vui vô bổ và trống rỗng trên mạng xã hội. Họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những công cụ truyền thông xã hội, gây nên những hệ lụy xấu trên tinh thần và đời sống. Trước sức mạnh của gã công nghệ khổng lồ đang tạo đà cho bộ máy truyền thông, mạng xã hội cổ súy cho chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng thụ, của nền văn hóa loại trừ... những thiếu niên và người trẻ hôm nay rất dễ bị nghiện ngập thứ chủ nghĩa mua sắm, tiêu dùng, bị lôi cuốn vào những thứ tiêu cực, và chỉ đắm mình vào trong thế giới ảo.

Nhưng với Carlo Acutis thì ngược lại.

Mặc dù cũng có phần giống như bao những bạn bè trang lứa thích chơi những trò chơi giống nhau, là một fan hâm mộ xem ra cũng khá cuồng nhiệt của Pokemon, Playstation 2, và được xem như là một game thủ, và có luôn một “game team” để chơi. Quả đúng không sai để nhìn thấy Carlo cũng là một dân IT chính hiệu với những đam mê về công nghệ.

Dù đam mê công nghệ Internet, nhưng Carlo Acutis đã ý thức rõ ràng về những ưu điểm lẫn mặt trái và nguy hại của Internet, của mạng lưới xã hội, có thể gây nên những đứt gãy nơi người trẻ khi khi họ dùng Internet. Carlo đã không để cho truyền thông ru ngủ, không để mình bị nghiện ngập, bị ngã trong đầm lầy của cái xấu mà Internet đem lại. Thay vì để cho Internet cám dỗ và làm hại mình, Carlo đã thay đổi diện mạo của nó, biến Internet trở thành một công cụ hữu ích cho việc phổ biến và lan truyền việc sùng kính Thánh Thể. Carlo đã không dùng mạng xã hội, thế giới Internet cho những thú vui, đam mê của mình, nhưng dùng Internet để loan truyền giá trị Kitô giáo, truyền thông những giá trị và vẻ đẹp của niềm tin, của tình yêu thương giữa con người với nhau và nối kết họ trong Đức Kitô. Nói cách khác, Carlo Acutis đã điều hướng được cách dùng Internet, công cụ kỹ thuật truyền thông mới để truyền tải Tin Mừng.

“Carlo đã cho thấy một cách cụ thể một vị thánh thích chơi trò chơi điện tử và truy cập Internet là như thế nào. Cậu ấy thách thức tôi kiểm tra lương tâm của mình và nói, ‘Được rồi, tôi cũng được gọi là một vị thánh biết sử dụng Internet. Tôi có đang sử dụng Internet để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được người ta biết đến không?” - Cecilia Cicone, Delaware.

Với những gì vị Chân Phước trẻ tuổi đã sống, Carlo Acutis đang khơi lên nơi người trẻ sự phân định để sống tròn đầy ơn gọi của mình trong hoạt động sống, mời gọi người trẻ tìm kiếm cách thức điều hướng thế giới Internet và mạng xã hội, khai thác mặt thuận lợi của nó để phục vụ cho những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa muốn nơi những người trẻ: họ đang sống trong Đức Kitô.

Trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền thông lần thứ 55 (2021) mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến cơ hội và những rủi ro của Internet, và đòi buộc người sử dụng cần trở thành những chứng nhân của sự thật, khi họ cần đi ra, nhìn và kể lại.

Nơi Carlo, những người trẻ nhận ra ngay rằng, thay vì để cho những rủi ro, nguy hiểm của Internet khống chế hay làm nguy hại bản thân khi sử dụng, thì cậu thiếu niên của thời đại công nghệ đã có khả năng làm nhà giải phẫu để bóc tách những rủi ro vốn có của nó để chỉ giữ lại những lợi ích mà Internet đem lại, và sử dụng chúng cho mục đích lớn lao: phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ cho con người để đưa họ đến gần với Thiên Chúa. Và đó là cách mà Carlo đã chỉ cho những người trẻ một sự khôn ngoan để sử dụng Internet cho việc loan báo Tin Mừng bằng năng lực và sự cống hiến tài năng của mỗi người trẻ.

Trong nhiều khóa Đuốc Hồng đào tạo huấn luyện Giáo lý viên, hay trong những khóa sinh hoạt thường kỳ dành cho giới trẻ tại Giáo phận Xuân Lộc, ban tổ chức đã có những bài khóa dành cho giáo lý viên, các dự trưởng, các em thuộc khối Nghĩa sĩ với đề tài “Giáo lý viên dùng Facebook để loan báo Tin Mừng,” hoặc “Giáo lý viên- Huynh trưởng dùng mạng xã hội để kể chuyện Chúa Giêsu”, “Giáo lý viên, người đăng tin vui và loan truyền sứ điệp Tin Mừng trên mạng xã hội”; “Hiệp sĩ Thánh Thể dùng Facebook để nói về Chúa”; “Tông đồ đội trưởng sử dụng mạng xã hội để phục vụ Tin Mừng”. Hay với một vài giáo xứ, cũng có những đề tài chia sẻ với các bạn trẻ như “Người trẻ và những thách đố trong thế giới truyền thông thời đại công nghệ”; “Người trẻ Công Giáo, nhà truyền thông của Chúa Kitô, Đấng đang sống”... Thiết nghĩ, những bài khóa huấn luyện hay nói chuyện với những đề tài này, phần lớn đã giúp cho những người trẻ, những thiếu niên có được nhận thức, sự phân định và chọn lựa cách sử dụng Internet, mạng xã hội ra sao để chúng trở thành công cụ hữu ích cho người trẻ góp phần vào việc loan Tin Mừng, làm chứng cho sự thật trong thế giới này.

3. Yêu Chúa Giêsu, mà vẫn có thể tận hưởng niềm vui của sự yêu thích cái gì đó?

Hôm 1/10/2020, nhằm để cho mọi người có thể kính viếng Carlo Acutis trước ngày phong chân phước tại Assisi, ngôi mộ của vị tiền chân phước đã được mở ra. Và khi quan tài mở ra, người ta thấy Cậu thiếu niên mặc chiếc áo gió hiệu Nike và chiếc quần jean, cùng với đôi giày thể thao. Đó là một “set” thời trang nổi bật, mà vào thời của Carlo, hầu hết các thiếu niên đều muốn sở hữu và trưng diện nó, và dĩ nhiên, Acutis cũng không ngoại lệ. Điều này cho thấy rằng, xem ra chuyện thánh thiện không phải là điều xa vời, nhưng là cái gì đó trong tầm tay, trong cái thường nhật của đời sống, có thể sống thánh, sống tốt trong những sự yêu thích cái gì đó mang tính cá nhân.

Khi kể, viết lại tiểu sử của Chân Phước, người ta nói rằng, Carlo Acutis rất yêu mến Chúa Giêsu trong Thánh Thể, nhưng cậu cũng có một niềm đam mê với trò chơi điện tử, mà xem ra cũng “luyện” game mỗi ngày, nên mới có thể trở thành game thủ.

Điều này trở thành một gợi hứng cho những người trẻ, khi mà chúng ta có thể nói với họ rằng, họ vẫn có thể thích, sở hữu cho mình một đôi giày hàng hiệu Adidas, có thể tham gia những trận đá banh tranh giải, tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng giọng hát hay, thích chiếc điện thoại thông minh, thích những cuộc phiêu lưu, thích những ly trà sữa, .. .nhưng vẫn nuôi dưỡng ở bên trong tâm hồn một tình yêu với Chúa Kitô, vẫn gặp được Ngài trong chính niềm vui của mình.

Và, nếu người trẻ nào đó đặt câu hỏi: Làm thế nào có thể sống thánh khi tôi vẫn ở giữa thế gian? Hay nói cách khác, người trẻ chúng con có thể yêu Chúa mà vẫn đam mê sử dụng những thiết bị công nghệ hiện đại, thích những video game liên quân được không?

Khó nhưng không phải là không thể, như Carlo Acutis đã sống và trở thành niềm hy vọng cho người trẻ trên con đường nên thánh như thế này.

Bí quyết để Carlo có một con đường nên thánh cách đặc biệt đó chính là vị Chân phước trẻ tuổi ấy đã “giữ” Thiên Chúa ở trong trung tâm của cuộc sống, để Ngài điều phối tất cả cuộc sống, cả những suy nghĩ, hành động và đam mê, sự vui thích mà cậu thiếu niên trẻ tuổi đang có.

Có lẽ, vị chân phước trẻ tuổi này đưa chúng ta đến một lối tu đức thích hợp với người trẻ thời nay, thời 4.0 và 5.0 sắp tới. Đó là một lối sống nên thánh xem ra “dễ dàng, thoải mái” giống như Carlo đã sống, có phần nào đó khác với lối tu đức truyền thống. Một con đường nên thánh rất dễ, trong đời sống thường nhật, như trong Tông huấn “Vui mừng và Hoan Hỷ” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến:

“Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút khỏi các công việc hằng ngày để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Điều đó không đúng. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương, và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm.(số 14)

4. Nên thánh trong tính năng động, và một trái tim mở ra của người trẻ

Ngày hôm nay, nhiều cô cậu tuổi thiếu niên, và cả những người trẻ đang chạy theo những idol của mình, bị những cái bóng ảo phủ xuống trên họ, khiến nhiều người trẻ đang trở thành một bản photocopy của người khác mà không phải là chính mình. Họ đã và đang đánh mất đi những quà tặng độc đáo mà Thiên Chúa chỉ ban cho họ, mà không cho người khác, sự độc đáo để họ trở nên cái họ là.

Riêng với Carlo, cậu thiếu niên tránh được cái bẫy mà nhiều người trẻ bị rơi vào khi họ bị mạng xã hội và truyền thông đại chúng lôi kéo: sống ảo và thụ động. Vị Chân Phước nhỏ tuổi ấy đã ý thức về chính mình, về quà tặng độc nhất vô giá mà Thiên Chúa đã phú ban cho bản thân, cho từng người một cách đặc biệt nhất trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người. ‘Mọi người được sinh ra là một bản gốc”. Nhưng, như Carlo nhìn thấy “nhiều người đã chết như các bản photo, sao chép'. Đừng để điều này xảy ra với bạn!”

Bên cạnh đó, Carlo đã cảm thấy thế nào là đủ, có thể điều phối được bản thân và tách mình ra khỏi những giải trí mà nếu không cẩn thận, sẽ làm cho cậu thiếu niên rơi vào việc xu hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh của mình, để rồi trở nên ù lì và thiếu năng động trong sứ mạng là một Kitô hữu.[5]

Chính nhờ tính năng động và ý thức ơn gọi chính mình, Carlo nhạy bén trong tình yêu dành cho những ai cần đến.

Cậu thiếu niên này đã từng quan tâm, chú ý và giúp đỡ những người bạn mới vào trường, bởi cậu nhận ra sự lạc lõng, cảm giác hụt hẫng, chơi vơi của một người khi bước vào một môi trường xa lạ. Carlo cũng quan tâm đến những bạn bè có bố mẹ ly hôn, bởi cậu mường tượng được nỗi đau tinh thần mà đứa con phải gánh chịu trong một ngôi nhà mà tình yêu đang bị đánh cắp. Carlo Acutis thực sự dành trái tim của mình, tình yêu của mình cho những người cần đến, cho những bạn bè đang đau khổ.

Rất bình thường nhưng xem ra thật ý nghĩa và tuyệt đẹp trong tình yêu mà Carlo dành cho người khác. Không có gì cao siêu, hay vĩ đại trong một phát minh nào đó, nhưng chỉ cần những người trẻ hôm nay, biết nhạy bén trong tình yêu, họ sẽ có cơ hội để đem niềm vui và bình an đến cho ai đó đang cần.

Nhìn vào xã hội của chúng ta, ngay tại Việt Nam này, ngày càng có nhiều thiếu niên, nhiều người trẻ tự cầm tù mình trong một thế giới không có sự tương tác thực sự giữa con người với nhau nơi Internet, nơi mạng xã hội. Rất nhiều người trẻ lao mình vào trong những trò chơi vi tính, dành cả hàng tá giờ, hay thức trắng cả đêm để cày game, xem phim trên Netflix, nhắn tin ... Và như vậy, những người trẻ đó chẳng còn thời gian, không còn tâm trí, và đôi mắt nhạy bén, cùng với một con tim biết thổn thức hướng về người khác, ngay trong chính gia đình của họ.

Hoặc nếu khá hơn, nhiều người trẻ cũng có mặt, tham gia vào những khóa học giáo lý, hay sinh hoạt đoàn thể trong giáo xứ, nhưng không khó để phát hiện ra cũng không ít những người trẻ tham gia sinh hoạt, hoạt động theo phong trào, hay như một sự bắt buộc.. .Thế nên, sự thụ động, rập khuôn và một không gian chật hẹp trong trái tim họ vẫn còn đó, không dễ ra đi để hướng về người khác.

Làm gì đây cho thế hệ trẻ của chúng ta?

5. Nên thánh bằng cách lập trình cuộc đời theo Thiên Chúa

Carlo, đã trở thành một lập trình viên, nhưng không chỉ ở trong thế giới của công nghệ - một lập trình viên máy tính, nhưng cậu thiếu niên trở thành một lập trình viên theo sau Thiên Chúa cho cuộc đời mình.

Nếu Thiên Chúa chính là Lập Trình Viên đầu tiên, có đó một kế hoạch dành cho con người, và đưa con người vào hạnh phúc đời đời, Đấng đã viết và hiểu rõ từng dòng “code” cuộc đời Carlo, thì Acutis đã theo gót Lập Trình Viên tuyệt vời ấy, để làm tiếp phận vụ “lập trình viên” cho chính cuộc đời mình sao cho những dòng “code” đó luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Acutis khẳng định rằng “Luôn luôn gần gũi với Chúa Giêsu, đó là kế hoạch cuộc đời của tôi. Tôi hạnh phúc để chết, bởi vì tôi đã sống cuộc đời mình mà không để cho lãng phí, thậm chí dù chỉ là một phút để làm những thứ gì đó không đẹp lòng Thiên Chúa.”

Trong một thế giới ngày càng có nhiều cám dỗ, đầy dẫy những thứ chủ nghĩa tiêu thụ và nền văn hóa loại trừ, nhiều thiếu niên và người trẻ hôm nay đang sống không có định hướng, vật vờ, vô kỷ luật.. .lam cho cuộc đời của họ thành nhàm chán, vô nghĩa, chưa kể đến những hành động các bạn thực hiện cho dẫu nó đưa đến hệ lụy xấu, đau thương. Trong số đó, có không ít những bạn trẻ Công Giáo với một lương tâm chai lì vẫn cố chọn lựa lối sống mất lòng Thiên Chúa.

Đau và buồn!

Nhưng làm thế nào để người trẻ của chúng ta có thể trở nên một “lập trình viên” theo sau Thiên Chúa cho cuộc đời họ, giống như Carlo, viết tiếp những dòng “code” đời họ cho đẹp lòng Thiên Chúa, nếu như họ không có được sự hướng dẫn và đồng hành của giáo xứ, của cha xứ, của những người có trách nhiệm trên họ, của những người lớn, và của gia đình họ?

Nếu chúng ta chỉ than với trách về cách sống xem ra có vấn đề của người trẻ, nhưng lại quên cật vấn chính chúng ta rằng: liệu chúng ta đã tạo nên được cho họ một bầu khí, một môi trường, một ngôi nhà yêu thương để họ có được những hướng dẫn và đồng hành cần thiết để định hướng và phân định cuộc đời của họ, để họ có thể gặp được Đức Kitô hay chưa?

“Hãy đến mà xem” (Ga 1, 38-39)

Những người trẻ ấy cần đến, ở lại, và xem Đức Kitô, để rồi, họ mới theo được Người, mới trở thành lập trình viên cuộc đời họ theo Thiên Chúa.

Nhưng ai sẽ dẫn họ “đến, xem” Đức Kitô, giúp họ ở lại với Người, nếu không phải là chúng ta, những người có trách nhiệm, là cộng đoàn đức tin nơi các giáo xứ, cộng đoàn đức tin trong gia đình của họ?

6. Kết

Thường thì mở và kết cần có một “khối lượng” tương đương để khỏi bị chông chênh, khập khiễng, thế nhưng, vào lúc này, một cái kết mở dành cho mỗi người có thể lại hợp lý hơn, để cả người trẻ lẫn người có trách nhiệm tìm thấy điều gì đó để thông truyền, để đồng hành và được đồng hành trong gia đình, trong cộng đoàn đức tin của mỗi nơi mà người trẻ thuộc về.

Và, nếu như Carlo Acutis vẫn dường như là một cái tên mà nhiều bạn trẻ còn xa lạ, chưa biết về cậu thiếu niên, dân IT chính hiệu, một lập trình viên, một game thủ, sống trong thời hiện đại 4.0 đã nên thánh trong một cách thế mới mẻ, một linh đạo sống thánh gần gũi với họ, thì những thiếu niên, người trẻ hôm nay thiếu đi một động lực, một cảm hứng để chọn một lối sống đẹp lòng Chúa trong những gì họ có. Vì thế, cần khơi gợi lên trong người trẻ niềm hy vọng, biết mình có khả năng sống nên thánh qua sự sáng tạo, thiên tài cá nhân, bằng sự độc đáo và phiên bản của chính mình, trong sự năng động, nhiệt huyết vốn có của người trẻ, luôn cố gắng chọn lựa sống đẹp lòng Chúa, cùng với một trái tim luôn mở ra với mọi người, nhất là luôn tìm kiếm, “đến, xem, và ở lại” với Chúa Giêsu.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)



[2] x. Sắc lệnh Về Truyền Thông Xã Hội, Inter Mirifica, số 2; Huấn thị Mục vụ về Truyền Thông, Communio et Progressio, số 2; và Huấn thị Mục vụ về Thời đại mới, Aetatis Novae, số 6-11.

[3] x. Huấn thị Mục vụ về Truyền Thông, Communio et Progressio, số 2.

[4] x. Huấn thị Mục vụ về Thời đại mới Aetatis Novae, số 6.

[5] x. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Vui Mừng và Hoan Hỷ, 2018, s. 30