CHÂN LÝ SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG TA
(Bài phát biểu đầu năm học 2022-2003, Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê)

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

WHĐ (20.9.2022) - Năm nay, Ban Đào tạo chọn câu “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) làm châm ngôn sống trong bối cảnh sự giả dối lên ngôi trên mạng, ngoài xã hội và trong lòng người. Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này xuyên suốt năm học dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong khuôn khổ ở đây, xin được gợi ý một vài suy tư về châm ngôn liên quan đến nhận thức luận và việc đào tạo linh mục.

Từ những ngụ ngôn

Trong tác phẩm “Cộng Hoà”, Platon có một ngụ ngôn nổi tiếng nhất trong triết học: “The Allegory of the Cave - Ngụ ngôn về cái hang”. Trong đó, có nhiều người sống với nhau và họ không biết gì về thế giới bên ngoài. Họ bị xiềng chân và cổ, nên chỉ có thể nhìn thấy bóng và nghe tiếng con người bên ngoài dội lại từ bức tường. Họ cho rằng những cái bóng đó là thực tại. Cho đến một ngày, có một người đã ra khỏi hang. Lần đầu tiên, anh nhìn thấy trực tiếp vẻ đẹp của vạn vật trong hình dạng đích thực của chúng. Vì lòng trắc ẩn, anh quay trở lại hang động để giúp các bạn mình ra khỏi sai lầm và ngộ nhận. Nhưng họ lại châm chọc anh, rồi nổi giận và cuối cùng âm mưu giết chết anh.

Theo Platon, dân cư trong hang là loài người trước khi biết đến triết học. Chúng ta ít nhiều đều sống trong bóng tối sai lầm, ngộ nhận về chính mình và thế giới. Cuộc sống có nhiều những thứ phù phiếm như những bóng ma, những giá trị ảo mà con người lại theo đuổi, chứ không phải là chân lý khách quan và giá trị thật.

Ở Đông Phương, chúng ta cũng có một ngụ ngôn không kém phần thâm thuý như thế, đó là chuyện “Thầy bói xem voi.” Truyện kể về 5 ông thầy bói rủ nhau xem con voi có hình thù như thế nào. Mỗi ông xem một bộ phận. Ông xem vòi thì bảo con voi sun sun như con đỉa, ông xem ngà bảo con voi giống như cái đòn càn, ông xem tai thì bảo nó giống như cái quạt thóc, ông xem chân bảo nó sừng sững như cái cột đình, còn ông xem đuôi thì bảo nó tun tủn như cái chổi sề cùn. Năm ông cãi nhau, không ông nào chịu nhường ông nào, cuối cùng đánh nhau toạc đầu, chảy máu. Cả năm ông đều sai nhưng lại cho mình là đúng và bác bỏ ý kiến của người khác. Đó chính là thái độ chủ quan, phiến diện và sai lầm trong nhận thức.

Cả hai câu chuyện giúp ta rút ra bài học là: sự vật, hiện tượng bao gồm nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu chỉ mới biết một khía cạnh mà đã cho rằng đó là toàn bộ sự vật thì sẽ là sai lầm lớn. Muốn kết luận về một sự vật, thì phải nhìn tổng thể, toàn diện và cần phải lắng nghe ý kiến của người khác, kết hợp với phân tích, đánh giá, tổng hợp để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về chân lý.

Vậy chân lý là gì?

Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đây là một câu hỏi quan trọng, trong đó xoay quanh số phận của cả nhân loại. Chúng ta có thể nhận ra chân lý hay không? Chân lý có thể trở thành tiêu chuẩn cho suy tư và ý chí của chúng ta hay không, dù đó là cá nhân hay trong đời sống xã hội? Đức Bênêđictô XVI than phiền rằng “ngày nay chỉ có chân lý chức năng (functional truth) về con người là được quan tâm và khám phá (như mã di truyền chẳng hạn). Còn chân lý về chính con người: Con người là ai? Từ đâu tới? Điều gì đúng, điều gì sai, thì con người thường tránh né, không muốn giáp mặt như chân lý chức năng.”

Về phương diện nhận thức luận, Thánh Tôma Aquinô có một định nghĩa trở thành quy chuẩn kinh điển từ xưa tới nay: “Chân lý là sự tương hợp giữa hiểu biết và thực tại – adaequatio intellectus et rei.”[1] Nếu lý trí con người phản ánh một sự vật đúng như nó là, lúc ấy con người tìm được chân lý. Nếu chỉ có một phần điều hiện hữu thật sự - thì không phải là chân lý tròn đầy và trọn vẹn.[2] Bởi thế, người ta thường nói: Nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng nửa sự thật thì không phải là sự thật.

Một xác quyết khác của Thánh Tôma có thể giúp chúng ta tiếp cận ý hướng mạc khải của Chúa Giêsu: “Chân lý trong lý trí của Thiên Chúa mang ý nghĩa đích thực và tiên khởi; còn chân lý trong lý trí con người cũng đích thực nhưng thứ yếu. Từ đó giúp chúng ta đi đến công thức cuối cùng: Thiên Chúa là “ipsa summa et prima veritas – là chân lý tối thượng và đầu tiên.”[3]

Nhưng chưa dừng ở đó, Kitô giáo mang đến một sự mới mẻ về phạm trù chân lý. Theo đó, chân lý không chỉ là một ý tưởng, nhưng là một Con Người. Đó là sự mới mẻ đến mức không thể tin nổi, nên dù có đối diện với Chân Lý ấy, Philato vẫn thắc mắc: “Chân lý là gì?” (Ga 18,38). Chân lý ấy là Con Thiên Chúa, nhập thể làm người trong Đức Giêsu Kitô thành Nadarét. Người “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người là Chân Lý toàn vẹn về Thiên Chúa và về con người. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn mạc khải: Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần, “Người sẽ dẫn anh em tới Chân Lý toàn vẹn” (Ga 16,13). Vì thế, Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Thiên Chúa đã đi vào thế gian và đã thiết lập tiêu chuẩn chân lý giữa dòng lịch sử”, “nếu con người sống mà không có chân lý thì cuộc sống sẽ trôi dạt và cuối cùng chân lý sẽ thuộc về những ai mạnh thế hơn.”[4] Đồng thời, ngài lên án thuyết duy tương đối (relativisme) đang thống trị não trạng con người thời nay như một thứ độc tài mới mà nhiều người hôm nay chủ trương khi cho rằng, mọi chân lý đều là tương đối, và cũng chẳng có chuẩn mực khách quan nào cả về chân lý. Đức Bênêđictô XVI nói rõ hơn: “Ngày nay, có một lực cản đặc biệt đáng ngại trong việc giáo dục, đó là sự hiện diện rộng khắp của chủ nghĩa tương đối trong xã hội và văn hóa. Chủ nghĩa này không nhìn nhận điều gì là vững vàng, cuối cùng tiêu chuẩn tối thượng duy nhất là cái tôi và những ước muốn của nó. Và ẩn dưới dáng vẻ của tự do, nó lại biến thành ngục tù cho mỗi người vì nó ngăn cách con người với nhau, khóa chặt mỗi người trong cái tôi ích kỷ của mình.”[5]

Sự thật sẽ giải thoát anh em!

Dưới ánh sáng ấy, châm ngôn “Sự thật sẽ giải thoát anh em” áp dụng trong việc đào tạo linh mục.

Thật vậy, việc huấn luyện linh mục là một quá trình với hai giai đoạn Triết - Thần nhằm giúp ứng sinh khám phá chân lý toàn diện, khách quan và đầy đủ nhất về Thiên Chúa, con người và thế giới. Theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Veritatis Spendor: “Sự thật soi sáng trí khôn và định hình tự do của con người, dẫn họ đến chỗ nhận biết và yêu mến Chúa.”

Bởi vì Chúa Giêsu Kitô vừa là Chân Lý, vừa là quy chuẩn khách quan của Chân Lý, là mô mẫu lý tưởng của con người, đó là lý do tại sao Ratio của Bộ Giáo Sỹ (2016) trình bày công cuộc đào tạo linh mục trải qua từng giai đoạn tiệm tiến: Giai đoạn triết học là đào tạo ứng sinh trở thành người môn đệ Chúa Kitô qua việc ở với, bước theo Chúa Kitô (Sequela Christi). Giai đoạn thần học đào tạo ứng sinh đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, là Mục Tử và Tôi Tớ, để có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự và dâng hiến đời mình cho tha nhân.

Đào tạo tri thức là giúp các chủng sinh thoát khỏi lối tư duy sai lạc, chủ quan, giảm thiểu, phiến diện và tiêu cực, nhưng càng ngày càng đạt tới khả năng phán đoán và nhận thức thực tại một cách đúng đắn, khách quan, toàn diện và tích cực hơn. Đặc biệt nhờ việc nghiên cứu triết - thần kết hợp với kinh nghiệm thiêng liêng, các chủng sinh được trưởng thành về mặt nhận thức luận để họ “biết và hiểu cơ cấu nội tại của đức tin trong toàn thể, để đức tin trở thành câu trả lời cho những thắc mắc của con người hôm nay.”[6]

Hoán cải trí tuệ

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng, một đàng, con người có khả năng nhận biết chân lý. Đây là phẩm giá cao quý nhất mà Thiên Chúa phú bẩm cho con người. Lý trí là đặc điểm phân biệt con người với con vật. Nhưng đàng khác, con người có thể sai lầm trong việc nhận thức. Phải thành thật khiêm tốn mà nhận rằng, chúng ta thường chỉ là những người “còn ở trong hang động”, chỉ là “thầy bói xem voi.” Bởi lẽ, thực tại được nhận thức qua khả năng, lăng kính và thái độ của mỗi người. Nên nó được dội lại và phản ánh theo “thế giới nhận thức, cảm xúc và thái độ đón nhận ấy của tôi.” Ta gọi đó là “trí tuệ cảm xúc.” Khi ta thích, ta yêu, mọi sự ta cho là tốt. Khi ta không thích, mọi sự là xấu. Nên sự thật có thể bị bóp méo, bị uốn cong hay giảm thiểu theo ý riêng của từng người. Đó là hiện tượng thiếu “lương thiện” trong nhận thức. Bởi thế, nhà thần học Bernard Lonergan nói đến việc “hoán cải về trí tuệ - the intellectual conversion,” nghĩa là phải luôn đổi mới tận căn tư duy, nếp nghĩ của bản thân, để luôn biết mở ra với chân lý khách quan tự thân (important in se) và giá trị đích thật, hơn là chỉ dựa theo những gì là “quan trọng đối với tôi” (important for me) hay dựa theo tiêu chuẩn “mình thích.” Hoa quả của cuộc hoán cải này là “đạt tới thái độ đúng đắn và lượng giá một cách khách quan, chính xác các sự việc trong cuộc sống.”

Để đổi mới tư duy, ở đây, chúng ta cần phân biệt các loại tư duy:

1) Tư duy không tư duy, nghĩa là người có não mà không suy tư, không chính kiến, chỉ dựa vào tư duy người khác. Người ta nghĩ sao mình nghĩ vậy.

2) Tư duy kinh nghiệm, nghĩa là người tư duy, tìm được nguyên lý nhờ trải qua những kinh nghiệm cuộc sống. Tư duy kinh nghiệm có giá trị của nó nhưng trước những biến mới thì kinh nghiệm không giúp được nhiều, vì chưa trải qua, nên tư duy kinh nghiệm thôi chưa đủ.

3) Tư duy khoa học là tư duy có sự chính xác, khách quan và tính chuyên môn cao nhờ nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi.

4) Tư duy độc đáo là tư duy dựa trên logic khoa học và sự sáng tạo của bản thân. Người nắm nguyên lý khoa học và biết áp dụng vào cuộc sống với sự sáng tạo của mình, tạo nên sự mới mẻ, đột phá, độc lập và khác biệt. Nếu muốn tạo sự khác biệt mà không có tư duy khoa học, không nắm nguyên lý, sẽ trở nên dị biệt. Xu thế thời đại hôm nay đề cao lối tư duy độc đáo này. Người Nhật nói rằng: “Khác biệt hay là chết.” Bởi thế, người ta buộc phải thay đổi liên tục về tư duy, ý tưởng, sản phẩm và lối tiếp cận…

Và nhận ra sự thật bản thân

Thứ đến, châm ngôn “Sự thật sẽ giải thoát anh em” cũng giúp chúng ta khám phá sự thật bản thân để được tự do.

Thật vậy, mỗi ứng sinh là huyền nhiệm đối với chính mình. Hành trình huấn luyện được bắt đầu từ khi ứng sinh biết khám phá sự thật về chính mình. Một đàng, mỗi người được sáng tạo và phú bẩm với rất nhiều khả năng và tiềm năng cần phát triển. Đàng khác, con người là giới hạn, bất nhất và mù loà về chính mình cần khám phá để đổi thay. “Errare humanum est!”

Đào tạo là giúp ứng sinh khám phá, đưa ra ánh sáng sự thật về chính mình, biết mình mỗi ngày một hơn: từ hành vi, thái độ, tình cảm, khuynh hướng, khả năng, tiềm năng, tính tình, nhu cầu, động lực bên trong, những giới hạn, sự bất nhất và những xung đột, những vùng mù tối bên trong. Nhờ ánh sáng của Lời Chúa và tác động của Chúa Thánh Thần cùng với sự trợ giúp của các nhà đào tạo, các chủng sinh đưa ra ánh sáng sự thật về mình, nhận diện sự thật ấy để được uốn nắn và biến đổi bản thân.

Theo Cha Cencini, biết mình một cách chân thành thôi thì chưa đủ, mà còn phải biết mình một cách chính xác, khách quan và toàn diện, không trốn tránh, không giả vờ, không phỏng chiếu, không đeo mặt nạ với mình. Chỉ có khi nào ta ở trong sự thật, ta mới có thể thực hiện cuộc hành trình huấn luyện.

Theo Cha James E. Sullivan trong cuốn “Hành Trình Tự Do”,[7] ta không được tự do bởi vì nhiều chứng ngoại vật bên trong và bên ngoài như cơ chế tự vệ, lăng kính nhận thức và cảm xúc của ta... Chúng giam hãm ta trong sự sai lầm, định kiến và nô lệ. Nếu ta có nhận ra sự thật về chính mình, thì chẳng qua chỉ là những ‘thứ tạp nham về mình,” là những biến dạng được tạo ra do hệ thống nhận thức và những lăng kính lệch lạc ấy của mình. Nên ta thường sợ đối diện với sự thật về chính mình. Vì sự thật thì trần trụi. Sự thật thì mất lòng. Sự thật có thể gây tổn thương. Câu chuyện nguyên tổ loài người sa ngã diễn tả điều đó: Ađam và Evà sau khi khi phạm tội, khám phá ra mình trần trụi và trống rỗng trước nhan Thiên Chúa, nên họ tìm cách chạy trốn chính mình, đổ lỗi cho người khác và lấy lá để che thân (x. St 3,1-14). Đó là thái độ trốn tránh tiêu biểu của con người mọi thời khi đối diện với sự thật.

Nhưng để có sự trưởng thành và tự do đích thực, ta phải tìm cách loại bỏ những lăng kính, định kiến và sự cố thủ riêng, và hãy buông mình cho Chúa Thánh Thần. Bấy giờ, ta có thể nhận biết con người và sự vật đúng theo thực chất của con người và sự vật ấy, và chỉ lúc đó, sự thật dẫn đưa ta tới tự do. Vậy, hãy can đảm đón nhận sự thật về mình. Hãy mở ra với chân lý khách quan, các giá trị thật và nội tâm hoá chúng để được biến đổi, tự do và trở nên con người mới trong Đức Kitô. Ước gì được như vậy trong năm học mới này!



[1] Tôma Aquinô, Summa Theologia, I q. 21 a. 2c.

[2] Joseph Ratzinger - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nadarét, Phần II, Từ lúc vào Giêrusalem cho đến phục sinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2011, 233-234. 236.

[3] Ibidem. Cf. Tôma Aquinô, Summa Theologia, Iq 16 a. 5c

[4] Ibidem.

[5] Ibidem.

[6] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Thư gửi các chủng sinh, 2010.

[7] x. James E. Sullivan, Hành trình tự do. Con đường tự trọng của linh mục và tu sĩ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2013.