CÁNH CHUNG VÀ PHỤNG VỤ
Jesús Castellano Cervera, O.C.D.
Cánh chung luận
(eschatología) là một tên đặt ra từ cuối thế kỷ XVII cho khảo luận về những tại
cuối cùng của loài người, Giáo hội và thế giới.[1]
Đây là một đề tài quan trọng trong mạc khải Kitô giáo, đã được đưa vào các tín
biểu đức tin, và thu hút nhiều chú ý trong thần học, phụng vụ và mục vụ. Khảo
luận hệ thống đầu tiên được xuất bản từ thế kỷ VII do Julián de Toledo một vị
giám mục Tây Ban Nha.[2] Suy tư thần học thời Trung cổ
và các tuyên ngôn của huấn quyền, cách riêng của giáo hoàng Bênêđictô XII và công
đồng Firenze,[3] đã ấn định những đường hướng
căn bản cho cánh chung luận Kitô giáo, như ta đọc thấy trong các sách giáo khoa
cho đến gần đây. Sau những vấn nạn hồi đầu thế kỷ XX gây ra bởi thần học Tin
lành về việc chú giải những bản văn Tân Ước nói về cánh chung, ngày nay đề tài
này đã chiếm một chỗ quan trọng trong thần học.[4]
Mặc dù bài này giới hạn vào lãnh vực phụng vụ, nhưng chúng tôi không thể nào
không đụng đến những chiều kích của cánh chung luận và những cuộc tranh luận gần
đây, cũng như mối tương quan giữa thần học phụng vụ và thần học cánh chung.
Lãnh vực nghiên cứu cánh
chung luận Kitô giáo bao hàm bốn chiều kích sau đây:
- Kitô luận, liên quan đến
cuộc quang lâm của Đức Kitô cùng với những hệ luận (phán xét, thiết lập triều đại
Thiên Chúa, v.v.);
- Giáo hội luận, liên
quan đến điều kiện của Giáo hội lữ hành tiến về Giêrusalem thiên quốc;
- Nhân luận, liên quan đến
tận cùng của toàn thể con người, hoặc xét theo điều kiện xảy ra ngay sau khi chết,
hoặc xét theo số phận vĩnh viễn (phục sinh, phán xét, cứu độ hay luận phạt vĩnh
viễn);
- Vũ trụ luận, liên quan
đến vận mạng vĩnh viễn của vũ trụ, gắn với sự canh tân chung cục, với cuộc
quang lâm của Đức Kitô và sự phục sinh kẻ chết.
Đây không phải là những
chuyện xa vời chẳng ăn nhập chi với hiện tại, nhưng là những thực tại vĩnh viễn
đưa tới mức viên mãn điều mà hiện nay chúng ta chỉ mới chiếm hữu ở tình trạng
khởi đầu và chúng ta đang mong đợi đến hồi kết thúc. Như vậy, cánh chung luận
bao gồm hiện tại và trở nên một chiều kích cốt yếu của kinh nghiệm nhân bản và
Kitô hữu.
Trọng tâm của cánh chung luận Kitô giáo là chính Đức Kitô: nhờ cuộc phục sinh
vinh hiển, Người đã khai trương éschaton, nghĩa là thực tại mới mẻ và vĩnh viễn
của lịch sử.[5] Người gồm tóm muôn vật, Người
là “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8), “Alpha và omega, khởi đầu và cùng tận,
Đấng hiện có, đã có và sẽ đến” (Kh 1,8). Người đã thắng sự chết, đã vén tấm màn
bí ẩn liên quan đến định mệnh con người bằng việc mở ra con đường dẫn đến sự bất
tử trong tương lai. Đức Kitô đã chứa đựng lời hứa về cánh chung của Giáo hội và
của vũ trụ; sự phục sinh của Người bảo đảm rằng những lời hứa về các thực tại ấy
sẽ được hoàn thành khi đến thời: cuộc quang lâm, sự phục sinh, việc thiết lập
triều đại Thiên Chúa. Phụng vụ của Hội thánh, theo những chứng tích cổ thời nhất,
luôn duy trì viễn tượng cánh chung ấy, tập trung vào sự phục sinh của Đức Kitô
và việc trông đợi Người trở lại, quy hướng tất cả vào việc cử hành mầu nhiệm Vượt
qua, là tổng hợp của lịch sử cứu độ.
Sự đổi mới trong việc khảo
cứu Kinh Thánh và thần học về cánh chung luận trong thế kỷ XX chịu ảnh hưởng bởi
nhiều yếu tố văn hóa.
Trước hết, các nhà chú giải Kinh Thánh bên Tin lành đã lưu ý đến tư tưởng cánh
chung của Đức Giêsu và của Hội thánh tiên khởi: họ coi đó như chìa khóa để giải
thích toàn bộ Tin Mừng và cảm nghiệm của Hội thánh. Theo họ, Đức Giêsu và cộng
đoàn tiên khởi tin rằng tận thế đã gần kề; về sau, khi các kinh nghiệm lịch sử
xảy ra trái ngược với viễn tượng ấy, Hội thánh mới quay lại với niềm trông mong
cánh chung như là một thực tại chắc chắn dù không biết rõ thời giờ. Hậu quả của
cuộc tranh luận xảy ra về phía các học giả Tin lành là người ta chú trọng đến
hiện tại hơn là đến tương lai, chú trọng đến cánh chung đã xảy ra hoặc đang tiến
tới, thay vì cánh chung sẽ tới; thậm chí có người cho rằng tương lai không phải
là chuyện quan trọng.[6] Một động lực thứ hai dẫn đến sự chú ý đến cánh chung luận bắt nguồn từ các
phong trào văn hóa cận đại: thuyết tiến hóa, với lối giải thích về sự hiện hữu
của thế giới và lịch sử; thuyết duy vật biện chứng, với lý tưởng về một tương
lai huy hoàng hơn cho nhân loại; sự dự đoán tương lai về phía các chuyên gia
khoa học và kỹ thuật: những lý thuyết này đòi hỏi thần học phải để ý hơn đến ý
nghĩa của lịch sử, đến niềm hy vọng Kitô giáo như là sự xây dựng tương lai, đến
sự dấn thân vào thế sự như là chuẩn bị cho triều đại của Đức Kitô.
Sau cùng, trong phạm vi chuyên biệt của công giáo, thần học cận đại đã muốn phản
ứng lại cách thức trình bày cổ điển về “các sự sau hết” (De novissimis) ra như
quá bận tâm mô tả “địa lý” của các chỗ ấy), bằng cách phân tích các nền tảng của
mạc khải, thanh lọc khỏi những chi tiết gắn liền với óc tưởng tượng, khám phá mối
liên hệ giữa các dữ kiện đức tin với tâm thức của con người thời đại.
Dù sao cần nhấn mạnh rằng tư tưởng thần học công giáo về cánh chung, tuy chấp
nhận những sự thúc giục về phía Tin lành cũng như văn hóa cận đại, nhưng không
hề rời bỏ những điểm chắc chắn đã được Huấn quyền xác định, tuy với một viễn tượng
rộng rãi hơn kể từ công đồng Vaticanô II (chương VII hiến chế Lumen gentium:
chiều kích cánh chung của Hội thánh). Vì thế các sách giáo khoa gần đây vẫn
không thay đổi các cấu trúc cổ truyền, mặc dù vẫn chấp nhận các thách đố mới.[7]
Sau đây là những đường hướng lớn mà thần học cánh chung đang theo đuổi:
a) Thay đổi viễn tượng của các “eschata” (những sự sau hết): chú trọng đến khía
cạnh tập thể (quang lâm, phục sinh) hơn là khía cạnh cá nhân; chú trọng đến
cánh chung vĩnh viễn hơn là cánh chung tạm thời (phán xét riêng, luyện ngục,vv);
b) Tập trung vào sự kiện cánh chung cốt yếu là sự phục sinh của Đức Kitô và cuộc
quang lâm của Người, cùng với những hệ luận đi kèm theo;
c) Nghiên cứu sâu xa hơn tương quan giữa hiện tại với tương lai, và viễn tượng
cánh chung của lịch sử nhân loại và của cảm nghiệm Giáo hội, xét như là tương
lai đã hiện hữu (“rồi mà chưa”, theo kiểu nói của Oscar Cullmann);
d) Một cái nhìn lạc quan hơn về thế giới và lịch sử hiện tại liên quan đến vận
mạng cuối cùng, và đánh giá những thực tại thế trần so sánh với “trời mới đất mới”;
e) Dè dặt hơn trong cách diễn tả tình trạng cánh chung trung thời,[8] chú trọng đến việc khẳng định
thực tại hơn là giải thích nó. Trong lãnh vực này, nên ghi nhận nhiều khó khăn
và giả thuyết được đặt ra nhằm dung hoà các dữ kiện của cánh chung với cái nhìn
mới về nhân học, chẳng hạn như: Chúa có thể ban một sự lựa chọn cuối cùng trước
khi lìa đời không? Ý nghĩa của sự thanh luyện (luyện tội) là gì? Hình phạt trầm
luân (hỏa ngục) có vĩnh viễn không? Linh hồn sau khi chết có tồn tại nữa không
(linh hồn là một ý niệm của triết học Hy lạp, chứ không thuộc mạc khải)? Những
giả thuyết được nêu lên đã gây ra nhiều tranh cãi, khiến cho môn học này trở
thành sôi động, sau nhiều thế kỷ vắng lặng, tuy cũng phải lưu ý đến những cảnh
báo về phía Huấn quyền. Công đồng Vaticanô II,
trong hiến chế Lumen gentium (chương VII) khi đề cập đến chiều kích cánh chung
của Hội thánh lữ hành, đã lặp lại tất cả những chân lý của Giáo hội Công giáo về
cánh chung, nhưng không đi vào những cuộc tranh luận mới được đặt lên. Trái lại,
hiến chế Gaudium et Spes đã mở ra một viễn tượng rộng hơn về cánh chung, đặc biệt
liên quan đến ý nghĩa của thời gian hiện tại, của lao động và sự tiến bộ đối với
triều đại tương lai và sự thay đổi vũ trụ. Bản tuyên xưng đức tin của đức thánh
cha Phaolô VI năm 1968, ở phần cuối, xem ra đã nhắc nhở vài điểm của cánh chung
trung thời, chống lại vài sai lệch hoặc giải thích giảm thiểu gặp thấy nơi các
sách giáo lý.
Một sự can thiệp của Huấn quyền minh thị hơn là lá thư của Bộ Giáo lý Đức tin,
được đức thánh cha Gioan Phaolô II phê chuẩn năm 1979 mang tựa đề “về một vài
câu hỏi liên quan đến cánh chung luận.”[9]
Giọng văn của lá thư rất rõ rệt: cần phải bảo vệ đức tin, đứng trước những lối
giải thích hoặc giả thuyết đang lan rộng giữa các tín hữu, gây ra hoang mang và
lung lạc. Nội dung không có gì mới mẻ, mà chỉ nhắc nhở đạo lý cổ truyền của Hội
thánh về “tình trạng xảy ra giữa cái chết của người Kitô hữu và sự phục sinh”.
Văn kiện muốn nêu bật chân lý về việc người chết sẽ sống lại, và sống lại cách
toàn diện (cả hồn và xác); văn kiện khẳng định sự tồn tại của yếu tố thiêng
liêng của con người sau khi chết, nhờ đó cái tôi vẫn tồn hữu mặc dù không có
thân xác; trong bối cảnh này, việc gọi yếu tố đó là “linh hồn” vẫn là đúng. Văn
kiện cũng khẳng định niềm hy vọng vào sự xuất hiện của Chúa vào tận thế là “điều
khác biệt với điều kiện của con người ngay sau khi chết”; lá thư nhấn mạnh hạnh
phúc của những người công chính trên thiên đàng, cũng như hình phạt vĩnh cửu
dành cho những tội nhân, bị tước mất việc nhìn ngắm Thiên Chúa, với ảnh hưởng đến
toàn thể con người. Sau cùng, văn kiện khẳng định rằng những người công chính
có thể phải trải qua một sự thanh luyện, trước khi được hưởng phúc kiến; sự
thanh luyện này khác hẳn hình khổ dành cho những kẻ bị luận phạt.
Về tương quan giữa cánh chung luận và phụng vụ, có hai điểm được văn kiện đả động
đến. Thứ nhất, văn kiện nói đến phụng vụ như là locus theologicus (nguồn mạch)
làm cơ sở cho vài chân lý:
Hội thánh loại trừ bất cứ hình thức suy nghĩ hoặc diễn đạt khiến cho các lời
nguyện, các nghi thức an táng, việc tôn kính người qua đời trở thành vô nghĩa;
những điều này thật sự là những nguồn mạch thần học.
Về cách hình dung các thực tại bên kia thế giới, văn kiện nói rằng:
Người Kitô hữu cần phải
tin chắc hai điều cốt yếu sau đây: một đàng, cần phải tin vào sự liên tục
(continuità) cơ bản giữa cuộc sống hiện tại trong Đức Kitô với cuộc sống tương
lai, do quyền năng của Thánh Linh...; nhưng, mặt khác, người Kitô hữu cần ý thức
sự đứt đoạn (rottura) giữa cuộc sống hiện tại với cuộc sống tương lai, bởi vì
chế độ đức tin được thay thế với chế độ ánh sáng hoàn hảo.
Điểm thứ nhất gợi lên sự
tuyên xưng đức tin diễn ra trong phụng vụ. Điểm thứ hai muốn khẳng định sự thật
của ngôn ngữ thần học khi diễn tả các thực tại cánh chung theo lối biện chứng
giữa “liên tục” và “đứt đoạn”, hoặc đúng hơn là “vượt lên” (superamento). Đây
là ngôn ngữ được sử dụng trong phụng vụ: khởi đi từ kinh nghiệm của những điều
thiện trong hiện tại, phụng vụ phóng tới tương lai, trong niềm hy vọng về một
thực tại cánh chung, huyền nhiệm vừa liên tục vừa vượt lên kinh nghiệm hiện tại.
Văn kiện dựa vào kinh nghiệm của phụng vụ khi viết rằng: “Nếu óc tưởng tượng
không thể đạt tới, thì trái tim có thể đạt tới sâu xa nhờ trực giác”. Những nhận
xét này đặt lên vấn đề phương pháp luận giữa phụng vụ và thần học cánh chung.
Phụng vụ của Giáo hội vốn
là điểm quy chiếu cho đạo lý về cánh chung, một locus theologicus (nguồn mạch
thần học). Dĩ nhiên, phụng vụ không chỉ có vai trò ấy, nhất là nếu hiểu nó như
là luận cứ dùng để chứng minh cho một chân lý.[10]
Các bản văn phụng vụ trở thành nền tảng cho một đạo lý về cánh chung khi nào
chúng phản ánh các dữ liệu của mạc khải và huấn quyền. Tư tưởng thần học trong
các bản văn phụng vụ bên Tây phương dựa theo các sách Sacramentarium romanum
(Sách chứa đựng các lời nguyện Thánh lễ), nghĩa là dựa theo tư tưởng của vài
giáo phụ như thánh Augustinô, Lêô Cả, Grêgôriô Cả, mang theo tất cả những giá
trị thần học cũng như những giới hạn về tư tưởng và ngôn ngữ.[11] Một vài công thức hơi khó
hiểu và thậm chí cần được xét lại, chẳng hạn như vài bản văn của lễ cầu cho các
linh hồn được du nhập vào phụng vụ trong những giai đoạn sáng tạo, và để lại ảnh
hưởng lâu dài trên thần học, linh đạo và mục vụ về những điều cánh chung.[12] Cuộc cải tổ phụng vụ gần
đây đã đưa vào vài sửa đổi các bản văn này, thậm chí đã loại trừ một vài dụng
ngữ. Nói chung, người ta vẫn duy trì tư tưởng cổ điển của các sách
Sacramentarium romanum, nhưng sửa đổi đó đây những điều liên quan đến “sự sử dụng
những của cải trần thế,”[13] dựa theo cánh chung luận của
hiến chế Gaudium et spes nói về ý nghĩa của các vật trần thế và của lao động đối
với triều đại Thiên Chúa. Do đó, phụng vụ chỉ chịu ảnh hưởng rất nhỏ bởi tư tưởng
cánh chung luận hiện đại; đối lại, nó trở thành như một locus theologicus để
phân định những giả thuyết tân thời và nó cũng trở thành như một yếu tố đổi mới,
nhắm đến một cánh chung luận tập trung vào mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh.
Không phải là hiếm những trường hợp phụng vụ được trưng dẫn nhằm xây dựng một
cánh chung luận dựa trên điểm cốt yếu là sự quang lâm và phục sinh của Đức
Kitô, với những ngôn từ ngắn gọn; đồng thời, phụng vụ cũng là nơi cảm nghiệm
trước về những thực tại cuối cùng và về sự hiệp thông với Hội thánh trên trời.
Nhìn cách tổng quát, phụng vụ có thể giúp chúng ta đọc lại vấn đề cánh chung thời
nay.
Phụng vụ Kitô giáo là chỗ
cơ bản cho việc tuyên xưng đức tin và cử hành cảm nghiệm đức tin, đức tin soi
sáng ý nghĩa của sự sống và sự chết, của hiện tại và tương lai. Phụng vụ là sự
hiện diện và tác động của Chúa Kitô, Đấng Phục sinh, liên kết Hội thánh với
mình, nhờ ân ban Thánh Linh, trong chuyển động phụng tự và thánh hóa của cuộc
Vượt qua. Nhờ sự hiện diện hữu hiệu của mầu nhiệm vượt qua, Chúa Kitô vinh hiển
đem thời gian của chúng ta vào cõi vĩnh hằng của Người; và nhờ ân ban Thánh
Linh, Người phú ban sức sống dồi dào vào thân phận hư nát của loài người. Cảm
nghiệm phụng vụ soi chiếu vận mạng của Hội thánh trên đường về Giêrusalem trên
trời, nơi mà những thực tại mà hiện nay chúng ta đang sống trong đức tin và hy
vọng sẽ đạt tới sự hoàn tất viên mãn. Thật không dễ tóm lược vắn tắt đề tài
này. Chúng tôi chỉ đưa ra một vài suy niệm rút ra từ cảm nghiệm phụng vụ của
Tân Ước, từ vài hướng đạo lý của Vaticanô II và từ vài diễn thức điển hình của
phụng vụ được canh tân.
Ngay từ nền tảng của chiều
kích cánh chung của phụng vụ, chúng ta đã gặp thấy ý nghĩa của trông chờ, một đặc
điểm của mạc khải liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể như Tân Ước trình bày cho
chúng ta.
a)
Tưởng nhớ và trông chờ
Dựa theo lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu, cộng đoàn các thánh tông đồ
hiểu Thánh Thể như là việc tưởng nhớ toàn thể mầu nhiệm Đức Kitô như là sự thâu
tóm lịch sử cứu độ và như là bảo chứng của những điều thiện hảo tương lai mà
chúng ta đang mong đợi; những điều thiện hảo sẽ được ban cho chúng ta khi Người
đến lần thứ hai. Một nhà chú giải đã tóm lược ý nghĩa của những lời thiết lập
bí tích Thánh Thể như sau:
Những lời nói của Chúa
Giêsu đã tổng hợp những ý tưởng chính của Cựu ước (giao ước, Thiên Chúa làm chủ
tể, đền tội và tử đạo, thờ phượng và loan báo cánh chung); trung tâm của tất cả
là Đức Kitô, nhờ Người mà công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách
hoàn hảo. Thánh Thể thu tóm tất cả những gì mà trong lịch sử cứu độ Thiên Chúa
đã làm và sẽ làm cho nhân loại.[14]
Quá khứ, hiện tại và
tương lai đều tập trung trong cuộc tưởng nhớ Đức Giêsu. Việc loan báo tương lai
sắp xảy ra nơi cái chết của Người được mở ra cho lịch sử kế tiếp của các tông đồ;
họ phải lặp lại cử chỉ của Người như là một việc tưởng nhớ, nhưng đồng thời các
tông đồ cũng được mời gọi lặp lại tương lai vinh quang của Đức Giêsu. Theo Tin
Mừng thánh Mátthêu (26,29), Đức Giêsu đã thêm một vài lời (được vài tác giả gọi
là lời nguyện cánh chung) vào những lời thiết lập bí tích, mở ra một tia sáng
sáng vinh quang tương lai vào bầu khí đen tối của cuộc tử nạn sắp xảy đến: “Thầy
bảo thật anh em: Thầy không còn uống hoa quả của cây nho cho đến ngày mà Thầy sẽ
lại uống với anh em trong vương quốc của Cha của Thầy.” Dù giải thích câu nói
này thế nào đi nữa (cha Benoit coi như là lời hẹn thiên quốc), ý nghĩa cánh
chung của bữa tiệc cũng như mỗi buổi cử hành Thánh Thể đã quá rõ: Thánh Thể quy
hướng về bữa tiệc cánh chung, báo trước nhờ đức tin và ước ao trong hy vọng.
Các bữa tiệc với Chúa Phục sinh đã không làm giảm bớt lòng trông đợi ấy; lễ “bẻ
bánh” đã tạo ra một bầu khí hân hoan của sự phục sinh (Cv 2,46), nhưng đồng thời
chúng cũng hâm nóng lên niềm mong chờ Chúa trở lại.[15]
Chiều hướng cánh chung của Thánh Thể cũng được nhấn mạnh trong trình thuật của
thánh Phaolô về việc thiết lập, được kết thúc với những lời sau: “Mỗi lần anh
em ăn bánh này và uống chén này, anh em loan báo cái chết của Chúa cho đến khi
Người đến” (1Cr 11,26). Những lời này đề cập đến cuộc trở lại của Đức Kitô, mà
các môn đệ tưởng nhớ mỗi khi cử hành Thánh Thể. Có thể hiểu câu nói của thánh
Phaolô như là giải thích bổ túc về ý nghĩa của việc “tưởng nhớ” dành cho một cộng
đoàn Hy lạp không quen thuộc với ý nghĩa của người Do thái cử hành lễ Vượt qua,
nơi mà “tưởng nhớ” có nghĩa là làm hiện thực những công trình vĩ đại mà Thiên
Chúa đã làm cho dân ngài. Rõ ràng là có sự thay đổi, bởi vì bây giờ việc tưởng
nhớ xoay về Đức Kitô mà cái chết hiển vinh được “công bố và thực hiện trong mầu
nhiệm” (Max Thurian); tuy vậy cũng có một sự song hành giữa sự trông đợi đấng
Mesia về phía dân Do thái và sự trông đợi cuộc quang lâm của Đức Kitô về phía Hội
thánh cử hành cuộc tưởng nhớ. Không thiếu những nhà chú giải cận đại (Descamps)
nghĩ rằng câu nói này phát xuất chính từ Chúa Giêsu. Và phụng vụ Tây phương,
nơi sách lễ Ambrosianô và sách lễ Stowe, đã không ngần ngại đặt trên miệng Chúa
câu nói hướng về sự quang lâm: “Passionem meam praedicabitis, resurrectionem
meam adnuntiabitis, adventum meum sperabitis donec iterum veniam ad vos de
coelis” – Anh em sẽ rao giảng cuộc khổ nạn của Thầy, anh em sẽ loan báo cuộc phục
sinh của Thầy, anh em sẽ mong đợi sự quang lâm của Thầy cho đến khi Thầy từ trời
lại đến với anh em.[16] Thánh Thể như điểm tựa của
phụng vụ Kitô giáo và cánh chung như trông đợi Chúa đến: cả hai đều gắn kết chặt
chẽ với nhau.
b)
“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”
Để củng cố ý nghĩa cánh chung của việc cử hành Thánh Thể dựa trên chứng
tích của cộng đoàn các thánh tông đồ, chúng ta có một công thức phụng vụ thời
danh gói ghém lòng trông mong ngày Quang lâm: “Maraná tha” (1 Cr 16,22). Câu
nói trong tiếng aramic có thể giải thích theo nhiều nghĩa, nhưng ngày nay, người
ta thường hiểu theo nghĩa của đoạn Khải huyền 22,20: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.
Công thức phụng vụ tương tự xuất hiện trong sách Điđakhê, trong một bối cảnh rộng
lớn hơn và với nhiều lối phiên dịch khác nhau trong các cổ ngữ: “Mong cho ân sủng
đến và thế giới này qua đi,... Maranatha. Amen”; phiên bản coptic viết: “Mong
cho Chúa đến và thế giới này qua đi...” Có người nói rằng câu nói này, với lời
khẩn nài tha thiết xin Chúa đến, diễn tả bầu khí cánh chung của các buổi cử
hành tiên khởi của bí tích Thánh Thể; nhưng đồng thời nó cũng là một lời tuyên
xưng đức tin kết hợp cuộc phục sinh của Đức Kitô với cuộc trở lại vinh quang. Đứng
giữa hai cực điểm của cánh chung – cuộc Phục sinh và Quang lâm – Thánh Thể vừa
là sự tưởng nhớ và sự tiên báo, bảo đảm sự hiện diện và gợi lên lòng mong ước
Chúa đến. Trong cảm nghiệm phụng vụ này, Hội thánh tiên khởi học biết cách nhận
ra Chúa Kitô, Đấng mà họ đang tha thiết trông mong cuộc quang lâm, cũng đang hiện
diện qua những dấu hiệu bí tích, như sách Khải huyền viết: “Này ta đứng ở cửa
và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà, dùng bữa với người ấy và
người ấy dùng bữa với ta” (Kh 3,20), những lời mang giọng điệu rất giống bí
tích Thánh Thể. Điều này xác nhận ý nghĩa cánh chung của các buổi cử hành phụng
vụ trong Hội thánh; nơi đâu mà người ta cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục
sinh, thì người ta cũng ước mong và trông đợi Người trở lại.[17]
c)
Thánh Thể và sự phục sinh
Một điểm thứ ba trong Tân Ước liên kết Thánh Thể và cánh chung là lời
Chúa Giêsu hứa cho những ai ăn thịt và uống máu của Người sẽ được sống lại (Gv
6,54). Tất cả truyền thống cổ điển đều giải thích câu này như là lời hứa ban ơn
phục sinh thân xác, trong bối cảnh của những tín hữu được hoàn toàn đồng hóa với
vận mạng vinh hiển của Chúa Giêsu. Phụng vụ Thánh Thể áp dụng lòng hy vọng phục
sinh cánh chung cả cho các thân xác, như là sự thông hiệp với thân xác vinh
quang của Đấng Phục sinh. Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn văn hay đẹp của
thánh Irênê: “Thân xác của chúng ta, nhờ tham dự vào Thánh Thể, thì còn không bị
huỷ hoại nữa, bởi vì nó có niềm hy vọng sống lại muôn đời.”[18]
Đạo lý này, được làm chứng bởi truyền thống và được sống vào thời các thánh tử
đạo với lòng tin kiên cường, đã mang lại một ý nghĩa sâu xa cho cái chết của
các Kitô hữu, cũng như cho việc tôn kính thi hài những người đã qua đời. Để phác thảo một tổng hợp
thần học về tương quan giữa phụng vụ và cánh chung, chúng ta có thể dựa theo đạo
lý của công đồng Vaticanô II. Các điểm được đề cập rải rác trong nhiều văn kiện
với những bối cảnh thần học khác nhau. Vì thế, thiết tưởng nên tóm tắt đạo lý dựa
theo từng văn kiện.
a)
Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctum Concilium
Văn kiện đầu tiên của công đồng bàn về bản tính của Hội thánh là hiến
chế về phụng vụ, và đã nhấn mạnh đến chiều kích cánh chung. Hội thánh “vừa là
mang tính nhân loại và thần linh, hữu hình và gồm những yếu tố vô hình, dấn
thân hoạt động và chiêm niệm, hiện diện trong thế giới và lữ hành; tuy nhiên, yếu
tố nhân loại được hướng tới yếu tố thần linh, yếu tố hữu hình hướng tới yếu tố
vô hình, hoạt động hướng tới chiêm niệm, và hiện tại hướng tới đô thành tương
lai mà chúng ta tìm kiếm” (SC 2). Như vậy công đồng cho chúng ta vắn tắt một
cánh chung luận như được sống trong cảm nghiệm phụng vụ, trong đó cái thần linh
hiện diện trong cái nhân loại, cái vô hình trong các hữu hình, vĩnh cửu trong
thời gian; nghĩa là một thứ cánh chung luận được tiền kiến, và như vậy luôn hướng
về “tầm mức viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13) trong đô thành thiên quốc là nơi
mà chúng ta đang tiến tới (Dt 13,14).
Vào cuối đoạn trình bày về bản tính thần học của phụng vụ (SC 5-8), hiến chế viết
rằng:
Trong phụng vụ dưới đất,
chúng ta nếm trước và tham dự vào phụng vụ thiên quốc được cử hành trên thành
thánh Giêrusalem, là nơi mà chúng ta đang hướng về như là những lữ khách, và
nơi mà Đức Kitô đang ngự bên hữu của Thiên Chúa...; và chúng ta mong chờ Đấng Cứu
độ là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta cho đến khi Người là sự sống của chúng ta xuất
hiện, và chúng ta cũng xuất hiện quang vinh cùng với Người (SC 8).
Ta thấy một đặc tính của
phụng vụ là tính cách “đồng thời” giữa sự vĩnh cửu ở trong thời gian, giữa Hội
thánh lữ hành với Hội thánh trên trời, tuy nhiên luôn luôn ở trong chiều kích
mong đợi. Mối liên hệ giữa đôi bên được dựa trên sự hiện diện của Đức Kitô: Người
đang hiện diện trong phụng vụ (SC 7), nhưng sẽ trở lại trong vinh quang.
Hiến chế cũng nói đến chiều kích cánh chung trong một vài hành vi phụng vụ cụ
thể. Thánh Thể phải được cử hành cho đến khi Chúa đến, bởi vì là bảo chứng của
vinh quang tương lai (SC 47). Kinh Thần vụ là lời cầu nguyện và thánh thi được
cất lên ở trên thiên cung mà chính Đức Kitô kết nạp lời ngợi khen của Hội thánh
(SC 83). Cuộc cải cách nghi thức an táng cần diễn tả tính chất vượt qua của cái
chết của người Kitô hữu (SC 81). Năm phụng vụ diễn tả hướng đi cánh chung của Hội
thánh khi cử hành hằng năm mầu nhiệm của Chúa Kitô, “đang khi đợi chờ niềm hy vọng
hồng phúc và sự trở lại của Chúa Kitô” (SC 102); trong chu kỳ các lễ kính Thánh
mẫu, Hội thánh chiêm ngưỡng Đức Maria “như là một hình ảnh tinh tuyền của thực
tại mà Hội thánh đang khắc khoải và hy vọng sẽ đạt tới” (SC 103); trong việc tưởng
nhớ các thánh và các vị tử đạo, chúng ta tuyên xưng rằng các ngài “đã đạt tới
ơn cứu độ vĩnh cửu, đang ca hát trên trời bài chúc tụng Thiên Chúa, và chuyển cầu
cho chúng ta” (SC 104).
b)
Hiến chế về Hội thánh Lumen gentium
Chương VII của LG về “đặc tính cánh chung của Hội thánh lữ hành và sự hợp
nhất với Hội thánh trên trời” đã múc lấy từ những nguồn của mạc khải và đời sống
Hội thánh như được diễn tả trong phụng vụ. Bản văn nhấn mạnh khía cạnh hiệp
thông , nghĩa là tình trạng bắt đầu ngay từ trần thế này của đời sống tương
lai, như là trái đầu mùa và bảo chứng, và sự thông dự vào đời sống thiên quốc
nhờ sự hiệp thông giữa các thánh. Nơi diễn ra sự thông dự và hiệp thông là phụng
vụ, đặc biệt là Thánh Thể. Chúng tôi xin trưng dẫn hai đoạn văn với một nội
dung rất súc tích. Đoạn thứ nhất nói rằng thời cuối cùng (eschaton) của Đức
Kitô phục sinh và của Thánh Linh đang hiện diện và tác động trong Hội thánh qua
phụng vụ:
Đức Kitô, ngự bên Chúa
Cha, không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa người ta về với Hội thánh
và nhờ Hội thánh để kết hợp họ với mình một cách chặt chẽ hơn, và để làm cho họ
được thông phần vào sự sống vinh quang của Người bằng cách nuôi dưỡng họ nhờ
mình và máu của Người. Như vậy sự canh tân được hứa ban mà chúng ta mong đợi
thì đã bắt đầu nơi Đức Kitô, được đẩy mạnh nhờ việc phái cử Thánh Linh và nhờ
ngài mà tiếp tục trong Hội thánh... (LG 48).
Đàng khác, phụng vụ nêu bật
cao điểm của cảm nghiệm hiệp thông với Hội thánh thiên quốc, được thể hiện các
tuyệt vời “khi chúng ta cử hành việc ca khen uy nhan Thiên Chúa trong hân hoan,
cách riêng trong phụng vụ khi quyền năng của Thánh Linh tác động trên chúng ta
nhờ các dấu chỉ bí tích... Do đó, khi cử hành hy lễ Thánh Thể là lúc chúng ta kết
hợp với phụng tự trên trời, hiệp thông với việc kính nhớ Đức Maria vinh hiển trọn
đời đồng trinh...”(LG 50). Những ý tưởng tương tự được lặp lại ở số 51 khi nói
thêm rằng: “chúng ta tham gia vào phụng vụ của vinh quang đã hoàn tất bằng cách
hưởng nếm trước”. Trong một bối cảnh khác, LG đã diễn tả quan niệm về phụng vụ
như là “trời mới và đất mới”. “Cũng tựa như các bí tích của luật mới... tiên
báo trời mới đất mới, các giáo dân được đặt làm những người loan báo lòng tin về
những thực tại mà chúng ta hy vọng” (LG 35).
c)
Hiến chế Gaudium et spes
Đề tài cánh chung được hiến chế GS bàn dưới một nhãn giới nói được là
nhân bản, xã hội và vũ trụ. Vận mạng cuối cùng của Hội thánh và của mỗi tín hữu
chiếu sáng trên những thực tại cuối cùng của con người và của vũ trụ. Ngôn ngữ
của văn kiện mang tính cởi mở hơn và thái độ được xem là lạc quan hơn nhờ tính
lạc quan và hy vọng đặt nền tảng trên Đức Kitô, con người mới và trên mầu nhiệm
vượt qua như là thực tại soi sáng và nâng cao hoạt động của nhân loại. Chúng
tôi chỉ trích dẫn hai đoạn văn liên quan đến phụng vụ. Đoạn văn thứ nhất là lời
giải đáp cho bí ẩn của đau khổ và sự chết. Đây có lẽ là trang mang tính “loan
báo tin mừng” rõ nhất trong toàn bộ đạo lý công đồng, bởi vì loan báo Đức Kitô
phục sinh cho xã hội thời nay:
Nhờ Đức Kitô và trong Đức
Kitô, bí ẩn đau khổ và sự chết được soi sáng; ở bên ngoài Phúc âm, những bí ẩn ấy
bao trùm chúng ta trong bóng tối tuyệt đối. Đức Kitô đã phục sinh; nhờ cái chết
của mình, Người đã huỷ diệt cái chết và ban cho chúng ta sự sống, ngõ hầu, một
khi đã trở thành những người con trong Chúa Con, chúng ta kêu lên trong Thánh
Linh: “Abba!, Cha ơi” (GS 22).
Trong lời loan báo đức
tin vào sự phục sinh, một bản văn của phụng vụ Phục sinh byzantin được xen vào,
một bài ca hân hoan về cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết. Thật vậy,
chính Đức Kitô phục sinh đang hiện diện trong phụng vụ là Đấng soi sáng thân phận
của con người và của vũ trụ, và là Đấng phá vỡ hàng rào của cái chết và ban cho
con người niềm hy vọng được sống mãi mãi. Đoạn văn thứ hai bàn đến cánh chung
phổ quát và nhắc đến sự canh tân vũ trụ. Thánh Thể được trình bày trong một bối
cảnh nói về tương lai của lịch sử và về giá trị của hoạt động con người dưới
ánh sáng mầu nhiệm vượt qua:
Chúa Kitô đã để lại cho
các môn đệ bảo chứng của niềm hy vọng ấy và lương thực đi đường trong bí tích của
đức tin trong đó những yếu tố của thiên nhiên, được con người vun trồng, trở
thành mình và máu hiển vinh của Người, như là bữa tiệc hiệp thông huynh đệ và nếm
trước bữa tiệc trên trời (GS 38).
Những lời này đi trước số
39 nói đến đất mới và trời mới, bởi Thánh Thể được coi như là bí tích của “cuộc
vượt qua của nhân loại và của vũ trụ”.
Công đồng Vaticanô II đã
cung cấp một tóm lược thần học về chiều kích cánh chung của phụng vụ. Bây giờ
chúng tôi muốn minh hoạ qua vài buổi cử hành, trong đó chúng tôi sẽ nêu bật hoặc
là ý nghĩa cánh chung phổ quát hoặc là những lời lẽ của các kinh nguyện.
a)
Rửa tội-Thêm sức
Việc khai tâm Kitô giáo (nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức) là một bí
tích cánh chung; nhờ sự tháp nhập vào mầu nhiệm vượt qua và nhờ ân ban Thánh
Linh, người Kitô hữu gia nhập đoàn dân cánh chung, nghĩa là Hội thánh, và được
thông phần vào những điều thiện hảo tương lai; hai bí tích Rửa tội và Thêm sức
được giới thiệu như là mầm của vinh quang và hoa trái đầu mùa của Thánh Linh,
đang tiến đến sự viên mãn nhờ sự tăng trưởng liên tục. Nhờ các bí tích này, người
Kitô hữu đi vào chuyển động cánh chung như là chiếm hữu và hy vọng, toàn thể mạc
khải được thực hiện ở nơi họ, cũng như ân huệ khởi đầu mà Tân Ước nói đến. Tuy
được sống trong sự sung mãn ơn thánh, người tín hữu vẫn còn là “một người hy vọng”
đang tiến đến sự hoàn tất điều mới được ban như khởi đầu. Điều này được nói rất
nhiều trong các bản văn Kinh Thánh, phụng vụ, giáo phụ.[19]
Kể cả nghi thức rửa tội thời nay cũng diễn tả ý nghĩa cánh chung của bí tích
qua hai biểu tượng: áo trắng và nến cháy. Khi trao tấm áo trắng, Hội thánh nhắc
đến một sự cam kết hướng đến đời sống vĩnh cửu: “Các con đã là thụ tạo mới và
đã được mặc lấy Đức Kitô. Ước gì tấm áo trắng này trở nên dấu hiệu của phẩm giá
người Kitô hữu...; hãy giữ gìn nó không bị ô uế, cho đến cuộc sống trường cửu”
(Nghi thức rửa tội nhi đồng 130). Và đèn sáng đặt ra nghĩa vụ phải tỉnh thức để
ra đón Chúa Kitô (x. Nghi thức rửa tội nhi đồng 131).
Có những công thức phụng vụ nói rõ ý nghĩa cánh chung của bí tích thêm sức. Chẳng
hạn một bản văn coptic nói: “Dấu chỉ của Đức Kitô cho sự sống trường cửu” gợi
lên ý tưởng của Ep 1,13-14: “…anh em đã được ghi ấn tích Thánh Linh, Đấng là bảo
chứng của gia nghiệp của chúng ta.”[20]
Nghi thức thêm sức xem ra chú trọng đến khía cạnh làm chứng tá, tuy cũng không
quên vai trò của Thánh Linh thúc đẩy các Kitô hữu hoạt động hướng đến triều đại
của Đức Kitô (LG 4 và 48).
b)
Thánh Thể
Trên đây, chúng ta đã nói qua chiều kính cánh chung của Bí tích Thánh
Thể. Nói cách khái quát, Thánh Thể là bảo chứng của vinh quang (SC 47): sự hiện
diện của Đấng Phục sinh và của mầu nhiệm Vượt qua của Người; sự trông chờ Người
trở lại như là yếu tố cốt yếu của cộng đoàn cánh chung; mầm mống của sự phục
sinh; khởi đầu của sự canh tân vũ trụ nhờ việc biến đổi bánh và rượu. Sự tuyên
xưng đức tin suốt buổi cử hành Thánh lễ duy trì chiều kích cánh chung được sống
động. Lời tung hô sau khi thánh hiến bánh rượu “chúng con loan truyền Chúa chịu
chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” cũng như việc tưởng nhớ
trong các Kinh nguyện Thánh Thể thứ III và IV “đồng thời mong đợi Người lại đến”
và sau kinh Lạy Cha “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày
trở lại của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu độ chúng con.” Tất cả các Kinh nguyện Tạ ơn
đều kết thúc với ý tưởng vinh quang, đích điểm của việc cử hành mầu nhiệm vượt
qua; điểm này được khai triển cách riêng trong các kinh nguyện III và IV: “Xin
thương nhận hết thảy vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận
hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được
nhìn thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở
nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”; “ở đó cùng với muôn loài thụ tạo đã
được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết, chúng con được tôn vinh
Cha...” Trong bối cảnh này, chúng ta thấy việc tưởng nhớ những người đã qua đời
như lời tuyên xưng đức tin Hội thánh về sự hiện hữu của một tình trạng thanh
luyện giữa cái chết và sự sống vĩnh cửu; từ chỗ nhớ đến từng linh hồn, chúng ta
bước sang viễn tượng phổ quát, cách riêng trong kinh nguyện IV: “Xin Chúa nhớ đến...
tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”. Việc trở
nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được bắt đầu trong bí tích rửa tội và được
kiện toàn trong bí tích Thánh Thể, được nhìn trong giai đoạn kết thúc như là sự
phục sinh thân xác: “... khi Người cho kẻ chết sống lại từ bụi đất và cho thân
xác mọn hèn chúng con trở nên giống thân xác sáng láng của Người” (Kinh nguyện
III).
Chúng ta không thể nào trình bày tất cả những chủ đề cánh chung trong các lời
nguyện của Thánh Lễ. Trong nghi điển Rôma, đề tài này thường được diễn tả trong
kinh hiệp lễ, trong đó nêu bật sự liên tục giữa ơn huệ vừa được lãnh nhận với sự
viên mãn đang trông mong. Trong Sách Lễ Rôma hiện nay có một sự quân bình giữa
những lời nguyện diễn tả lòng ao ước những của cải trên trời và những lời nguyện
nhắc nhở sự dân thân vào bác ái và công bình dưới trần thế.
c)
Năm phụng vụ
Đề tài cánh chung được nêu bật trong một vài cử hành của năm phụng vụ,
đặc biệt trong mùa Vọng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng gốc rễ của sự chờ đợi
cuộc quang lâm là lễ Phục sinh, và vào thời buổi đầu tiên, cuộc canh thức phục
sinh là việc trông mong Đấng Cứu thế. Một truyền thống Kitô giáo cổ thời, dựa
theo Tin Mừng của người Hípri, nói rằng: “các nhà thông thái tin rằng ngày phán
xét sẽ xảy ra trong mùa Phục sinh, bởi vì lúc ấy Đức Kitô sống lại và các thánh
cũng sẽ sống lại”. Việc trông mong Chúa Kitô trong vọng lễ Phục sinh vẫn còn được
duy trì hồi thế kỷ IV, như chúng ta thấy nơi nhiều bản văn lễ Phục sinh của
thánh Hiêrônimô, Augustinô và các tác giả khác.[21]
Truyền thống Rôma đặt việc cử hành lòng trông mong Chúa Kitô trong mùa Vọng và
gắn liền với sự phán xét xảy ra muộn hơn, đặc biệt với Sacramentarium
Gelasianum (thế kỷ VII). Mặc dù ngày nay trong nghi điển Rôma, việc trông mong
Chúa đến được duy trì trong mùa Vọng, nhưng chiều kích này cũng được nhắc đến
trong mùa Giáng sinh và nhất là trong mùa Phục sinh, bởi vì nếu không như thế
thì sự trông mong và hy vọng Kitô giáo sẽ mất ý nghĩa. Hiểu như thế, chúng ta đừng
quên rằng mùa đặc biệt để cử hành cánh chung vẫn là mùa Phục sinh, như chúng ta
nhận thấy trong các lời nguyện, trong đó khởi đi từ cuộc phục sinh của Đức Kitô
và ân ban của Thánh Linh, phụng vụ xin cho Hội thánh đạt tới sự viên mãn và
hoàn tất.
Ngoài hai đỉnh cao – mùa Vọng và mùa Phục sinh – Năm phụng vụ cũng còn nhiều
lúc đặc biệt khác trong đó đề tài cánh chung được đề cao, chẳng hạn như trong
vài lễ kính Chúa (Chúa Giêsu lên trời, Đức Kitô vua vũ trụ), lễ trọng kính tất
cả các thánh và lễ kính tất cả các linh hồn đã qua đời. Một cơ hội đặc biệt
đáng lưu ý là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Người là hình ảnh cánh chung và hoa
trái đầu mùa của thực tại tương lai mà Hôi thánh đang trông mong hy vọng, như
chúng ta đọc thấy trong kinh Tiền tụng: “Người là khởi đầu và hình ảnh của Hội
thánh,... một dấu chỉ của lòng hy vọng vững chắc và niềm an ủi cho dân Chúa còn
lữ hành dưới đất.”
d)
Phụng vụ Giờ kinh
Hội thánh tụ họp cầu nguyện tuyên xưng sự hiệp thông với Giêrusalem
thiên quốc nhờ việc chúc tụng và hy vọng vinh quang:
Nhờ việc chúc tụng được
dâng lên trong các giờ kinh, Hội thánh ca hát và kết hợp với lời chúc tụng bất
tận trên thiên quốc, và nếm hưởng sự chúc tụng được vang lên trước ngai Thiên
Chúa và Con Chiên, như thánh Gioan mô tả trong sách Khải huyền... Trong Phụng vụ
các Giờ kinh, chúng ta tuyên xưng niềm tin ấy, chúng ta biểu lộ và nuôi dưỡng
lòng hy vọng ấy, chúng ta tham dự một cách nào đó vào niềm vui của lời chúc tụng
trường cửu và vào ngày không xế tàn.
Theo những lời của thánh
Cyprianô, trong lời nguyện Kinh Chiều, “chúng ta cầu xin và khẩn nài cho ánh
sáng luôn trở về với chúng ta, và chúng ta xin Đức Kitô đến và ban cho chúng ta
hồng ân ánh sáng vĩnh cửu”. Các buổi Canh thức thông phần vào đặc tính cánh
chung này như là dấu chỉ của lời nguyện tỉnh thức và đợi chờ Lang quân đến vào
giữa đêm, cũng tựa như Kinh Tối, qua việc phó thác bản thân cho Chúa trong khi
nghỉ ngơi và sau khi tuyên xưng với ông Simêon lòng ước ao được gặp Người.[22] Niềm hy vọng Kitô giáo được
bộc lộ rõ rệt nơi vài lời nguyện, đặc biệt là các lời nguyện Kinh Chiều mùa thường
niên.
Qua các công thức cầu
nguyện, phụng vụ diễn tả niềm tin vào những thực tại cánh chung mà nhân loại
trông mong, dù là cánh chung cá nhân hoặc là cánh chung tận cùng của lịch sử và
của thế giới. Chúng tôi muốn minh hoạ vắn tắt khía cạnh này dựa trên vài biểu
thức phụng vụ, tuy không quên rằng đạo lý của các lời kinh này chỉ có ý nghĩa
trọn vẹn trong khung cảnh đức tin và hy vọng của Hội thánh khi cử hành mầu nhiệm
Đức Kitô.
Trong phụng vụ, mầu nhiệm
sự chết được sáng tỏ nhờ sự phục sinh của Đức Kitô: “nhờ việc chết, Người huỷ
diệt sự chết và nhờ việc phục sinh, Người phục hồi sự sống”. Vì thế, sự chết
mang một đặc tính vượt qua; nó là một cuộc băng ngang: “bởi vì cuộc sống...
không chấm dứt, nhưng được biến đổi” như Kinh Tiền tụng I của Thánh lễ cầu cho
người qua đời đã nói. Đối với Hội thánh, các người qua đời không chết nhưng là
an giấc, nói theo ngôn ngữ của phụng vụ. Việc chuẩn bị cái chết, nhờ Của ăn
đàng và sự phó linh hồn, đã mang lại cho đặc tính vượt qua, ra đi gặp gỡ với
Thánh Thể làm lương thực cho hành trình. Tất cả phụng vụ an táng là một bài ca
hy vọng và phục sinh, tuy không che giấu nỗi buồn kèm theo mọi cuộc chia ly và
mang theo sự an ủi những kẻ ưu sầu. Trong nghi thức “tiễn biệt”, phụng vụ nói đến
sự sống, và sự biệt ly với hy vọng tái ngộ trong vinh quang. Ngôn ngữ của phụng
vụ nói rõ ràng sự tách rời giữa linh hồn và thân xác. Thân xác được tôn kính và
đặt vào trong mộ với niềm hy vọng vào cuộc phục sinh. Linh hồn được phó thác
cho lòng thương xót của Chúa. Một vài lời nguyện có nói rõ đến sự phán xét
nhưng nhấn mạnh đến một vị thẩm phán nhân từ. Linh hồn người qua đời gặp những
cánh cửa của ơn cứu độ hoặc của sự trầm luân. Các lời nguyện của Hội thánh nhấn
mạnh đến ơn cứu độ vĩnh cửu, và chỉ một cách gián tiếp, cầu xin được giải thoát
khỏi án phạt đời đời.
Có rất nhiều chỗ nói đến một tình trạng thanh luyện mà các linh hồn phải trải
qua trước khi được đón nhận vào chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Đó là đức tin của Hội
thánh, được phản ánh nơi phụng vụ, đặt nền tảng cho việc cầu nguyện cho những
người đã qua đời và việc dâng Thánh lễ để cầu cho họ. Các anh chị em của chúng
ta có thể ở trong một tình trạng chưa phải là vinh quang, và họ có thể hưởng nhờ
sự giúp đỡ thiêng liêng nhờ lời cầu nguyện của chúng ta. Ngôn ngữ phụng vụ tuy
ngắn gọn nhưng chính xác. Xin cho các linh hồn “được thứ tha tội lỗi”, “được rửa
sạch các lỗi lầm”, “được xoá bỏ các nợ nần”, “được giải thoát nhờ hy lễ của Đức
Kitô”, nhắm hướng hạnh phúc và bình an của các thánh. Như vậy, phụng vụ khẳng định
một tình trạng thanh luyện giữa cái chết và vinh quang, mặc dù không đi sâu vào
chi tiết.
Một trong những điều mới mẻ của phụng vụ canh tân liên quan đến các em bé chết
trước khi được rửa tội. Trong các công thức phụng vụ, tuy vẫn nhấn mạnh đến sự
cần thiết của bí tích rửa tội, nhưng mở ra một chân trời hy vọng (và đây không
chỉ là sự an ủi trong hoàn cảnh đau buồn), với những lời cầu nguyện phó thác
cho Thiên Chúa các em bé chết trước khi được rửa tội.
Việc cử hành cái chết của người Kitô hữu được mở rộng đến hạnh phúc mà chúng ta
tin tưởng chắc chắn sẽ được ban cho các tín hữu đang khi chờ đợi sự phục sinh
và vinh quang tương lai, như Nghi thức an táng đã viết ở phần mở đầu:
Trong nghi lễ an táng các
con cái của mình, Hội thánh tin tưởng cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô,
ngõ hầu tất cả những ai nhờ bí tích Thánh tẩy đã họp thành một thân thể duy nhất
của Đức Kitô đã chết và phục sinh, thì cũng được cùng với Người, đi ngang qua
cái chết để đến sự sống vĩnh cửu: trước tiên, với linh hồn cần được thanh luyện
trước khi vào trời cùng với các thánh và các tuyển nhân; sau đó cùng với thân
xác đang chờ đợi cuộc quang lâm và sự phục sinh của những người chết.
Niềm tin vào hạnh phúc
vĩnh cửu mà một chân lý an ủi mà lời nguyện của Hội thánh nuôi dưỡng. Tề tựu
chung quanh bàn thờ trên trời là đoàn ngũ đông đảo các thiên sứ và các thánh;
chúng ta kết hợp tiếng nói của chúng ta với lời ca ngợi của các ngài. Hội thánh
tin vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa sau khi chết hoặc sau cuộc thanh luyện, chứ
không phải chờ đợi cho đến cuộc phán xét chung, như là cánh chung luận của các
Giáo hội Chính thống. Dựa trên niềm tin ấy mà trong niềm hiệp thông với các
thánh, các tín hữu xin các ngài chuyển cầu. Cũng vậy, đối với các linh hồn,
chúng ta cầu xin cho họ được vào “chốn yên nghỉ, sáng láng và bình an”, nghĩa
là được hưởng nhan Chúa trong vinh quang. Ngay giữa trọng tâm của Kinh nguyện Tạ
ơn, chúng ta xin cho được “thâu nhận vào cộng đoàn các thánh tông đồ và tử đạo”,
“được kể vào số những người được tuyển chọn”, “được xứng đáng chia sẻ sự sống đời
đời và ca tụng Chúa”. Khi mô tả vinh quang vĩnh cửu, phụng vụ sử dụng những từ
ngữ và hình ảnh của mạc khải, một cách ngắn gọn và chính xác chứ không buông thả
theo óc tưởng tượng, dựa trên niềm tin và cảm nghiệm của phụng vụ.
Một cách tương tự như vậy, phụng vụ cũng diễn tả sự luận phạt đời đời một cách
ngắn gọn. Thực ra, phải nhìn nhận rằng những bản văn nói đến thực tại này thì
không nhiều. Bản văn minh thị hơn cả là Lễ Quy Rôma: “Xin cứu chúng con thoát
khỏi án phạt đời đời”; đoạn văn trong lời nguyện trước khi hiệp lễ “xin đừng để
chúng con bao giờ xa cách Chúa” cần được giải thích theo chiều hướng đó. Nhiều
bản văn trong phụng vụ cổ điển đã bị bỏ đi. Xem ra Hội thánh muốn nêu bật mặt
tích cực, mặc dù không bỏ qua hình phạt đời đời dành cho những ai chết trong tội
lỗi. Một chút tò mò, nên biết là vài lời nguyện bên phụng vụ byzantin vào ngày
áp lễ Ngũ tuần đã xin Chúa ban ơn cứu độ cho các kẻ bị luận phạt. Điều này đã
khiến một vài nhà thần học thuộc Giáo hội Chính thống thời nay nghi ngờ về tính
cách vĩnh viễn của hỏa ngục.[23] Một cách tương tự như vậy,
vào thời Trung cổ, có những lời cầu nguyện cho những linh hồn hết hy vọng được
cứu rỗi, hoặc những lời nguyện nói đến việc gia giảm hình phạt nhân dịp cử hành
lễ Phục sinh[24]. Tuy nhiên, những lời nguyện
này chỉ nói lên sự dạn dĩ của Hội thánh khi cầu nguyện, không đành buông xuôi
trước số phận cay nghiệt của hình khổ đời đời, và xin lòng Chúa xót thương. Nói
cho cùng, chính Thiên Chúa mới có thẩm quyền nói lên lời cuối cùng về số phận
con người, theo lòng thương xót và công bình vô biên của Ngài. Chúng ta đã thấy không ít
những bản văn phụng vụ diễn tả lòng tin và hy vọng của Hội thánh vào Chúa Kitô
đến lần thứ hai. Những bản văn – lời nguyện và kinh tiền tụng – của các Chúa Nhật
đầu mùa Vọng cũng nói đến biến cố quang lâm cùng với việc phán xét phổ quát, và
thậm chí vào Thánh lễ ngày áp lễ Giáng sinh, Hội thánh cũng xin cho được chờ đợi
Đức Kitô “khi trở lại như thẩm phán” mà không sợ hãi. Trong bối cảnh này ta
nghe thấy như vang lên trong suốt mùa Vọng lời khẩn nài của Hội thánh trong
sách Khải huyền và sách Điđakhê: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”
Từ niềm tin vào cuộc Phục sinh của Đức Kitô nảy sinh sự xác tín về sự phục sinh
của nhân loại vào tận thế. Điều này được gợi lên trong một vài bản văn mùa Phục
sinh, tựa như lời nguyện Chúa Nhật III Phục sinh: “nếm trước trong hy vọng vào
sự sống lại vinh quang”, hoặc lời nguyện sau hiệp lễ: “xin dẫn dắt dân Chúa vào
vinh quang bất diệt của sự phục sinh”. Đây cũng là đề tài nổi bật trong nghi thức
an táng, nền tảng cho việc tôn kính thân xác và những cử chỉ phụng vụ dành cho
thi hài, theo như lời trong nghi thức “tiễn biệt”: “xin ban tôi tớ Chúa được
nghỉ ngơi bình an trong mộ này cho đến khi Chúa làm cho họ chỗi dậy” (Nghi thức
an táng, số 73). Đây không phải là một cái nhìn cá nhân về ơn cứu độ, nhưng là
một hệ luận của sự thông dự của toàn thân thể vào vinh quang hiện tại của
Nguyên thủ (như lời nguyện vào lễ Chúa Thăng thiên), mà sự lên trời của Đức
Maria cả hồn lẫn xác là một sự tiên báo.
Về sự canh tân thế giới, chúng ta thấy Kinh nguyện Tạ ơn IV gợi lên với giọng lạc
quan: “Xin ban cho tất cả chúng con là con cái Cha được hưởng phần gia nghiệp
thiên quốc... ở đó, cùng với muôn loài thụ tạo đã được giải thoát khỏi cảnh hư
nát vì tội lỗi và sự chết, chúng con được tôn vinh Cha”. Rõ ràng là những lời
này nói đến việc canh tân vũ trụ, dựa theo tư tưởng Kinh Thánh và thần học của
GS 39 về trời mới đất mới.
Nền tảng và tiên báo cho hy vọng vào sự sống lại và canh tân vũ trụ luôn luôn
là mầu nhiệm Thánh Thể, là “linh dược của sự bất tử” và “mầm mống của sự bất huỷ
diệt” đối với người Kitô hữu, nhưng cũng là khởi đầu cho “sự phục sinh của vũ
trụ” qua việc biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Chúa. Một tư tưởng
thần học đã liên kết Thánh Thể với biến cố canh tân vũ trụ với những lời lẽ táo
bạo như sau:
Nếu Thánh Thể là nguyên
nhân của sự phục sinh của con người, tại sao thân xác con người được thần hóa
nhờ Thánh Thể lại không có thể chết đi để cộng tác vào việc canh tân vũ trụ...?
Đất đã ăn chúng ta cũng cùng chúng ta ăn Thánh Thể, dĩ nhiên là không phải để
biến đổi chúng ta thành đất đai, nhưng để biến đổi đất đai thành trời mới và đất
mới. Thật là kỳ diệu khi nghĩ đến thân xác của các người Kitô hữu đã qua đời có
sứ mạng hợp tác với Thiên Chúa để biến đổi vũ trụ.[25]
Phụng vụ của Hội thánh,
hiểu như huấn giáo về đức tin và đời sống Kitô hữu, là nơi đặc biệt cho việc cử
hành - cảm nghiệm và nếm hưởng – trông đợi cánh chung, vừa là hiện diện vừa là
hy vọng vào tương lai cứu độ. Nơi Đức Kitô phục sinh và nơi ân ban của Thánh
Linh, Hội thánh là cộng đoàn cánh chung, đang sống buổi khởi đầu của Nước Chúa.
Một nhà thần học Chính thống viết:
Ta có thể khẳng định rằng tính độc đáo và mới mẻ
của phụng vụ Kitô giáo hệ tại chỗ này: việc đi vào Nước Chúa, đối với “thế giới
này” thì còn phải đến, nhưng đối với Hội thánh thì nó thực sự đã là một bí
tích, một sự khởi đầu, một sự tiên báo, một điều đang đến.[26]
Chính bởi vì là khởi đầu,
mọi buổi cử hành hướng chúng ta đến sự hoàn tất, gợi lên niềm hy vọng Kitô hữu.
Được gắn chặt vào biến cố Phục sinh và Ngũ tuần, phụng vụ hướng về Quang lâm
như là lúc chung cục của mình, đang khi đó, ngay từ đời này nó đã cảm thấy được
hiệp thông với vinh quang của các phúc nhân.
Điều cần được nhìn nhận như là một giá trị của phụng vụ và là một trong những
chiều kích cơ bản thì lại bị một vài người coi như là một sự thiếu sót. Người
ta trách phụng vụ bởi vì chỉ nói đến thế giới bên kia, đến vận mạng tận cùng của
con người. Phải thành thực nhìn nhận rằng phụng vụ không bỏ quên lịch sử hiện tại
hoặc tương lai của nhân loại. Chính vì biết rằng thời gian dù vùn vụt trôi qua
nhưng được đâm rễ trong vĩnh cửu, phụng vụ có khả năng đem lại một ý nghĩa mới
cho sự dấn thân vào thế giới, bằng việc thực hành công bình và bác ái cho đồng
loại, như thế góp phần vào việc chuẩn bị cho triều đại tương lai. Khi vạch ra đức
mến như là hệ luận của việc hiệp thông vào hy lễ vượt qua của Đức Kitô, phụng vụ
cho thấy đâu là định luật đích thực của việc biến đổi thế giới và chiều kích
nào mang lại giá trị vĩnh cửu cho các hoạt động của con người (x. GS 38). Những
kế hoạch nào muốn giới hạn đời sống Kitô hữu vào hiện tại lịch sử hoặc tương
lai trước mắt thì sẽ bị phụng vụ chống đối. Với niềm hy vọng cánh chung, phụng
vụ chỉ cho thấy đâu là ý nghĩa dứt khoát của con người và của Giáo hội.
Phụng vụ khởi đi từ cảm nghiệm cứu độ hiện tại để hướng dẫn chúng ta đến sự
hoàn tất trọn vẹn trong tương lai. Phụng vụ trung thành với lời khẩn cầu mà
Chúa đã dạy: “Nguyện cho triều đại của Cha mau đến”, và cảm nghiệm rằng triều đại
ấy đã hiện diện. Cùng với hôn thê của sách Khải huyền, phụng vụ kêu lên “Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20), nhưng cũng biết rằng mình đã có Chúa
Giêsu rồi, và cùng với Người, mình đã có bảo chứng của những điều thiện hảo được
hứa ở chốn vĩnh hằng. Trong cuộc tranh luận hiện nay về cánh chung luận, phụng
vụ vẫn còn là một điểm quy chiếu căn bản. Phụng vụ không ngại đối diện với hiện
tại hoặc tương lai ngay trước mắt của nhân loại, bởi vì nó đã được gắn vào “thời
mới” và cam kết mang đến cho hiện tại sự mới mẻ của mầu nhiệm Đức Kitô. Tuy
nhiên, phụng vụ không để cho những hy vọng thâm sâu của con người cũng như những
lời hứa siêu việt của Thiên Chúa trở thành hão huyền, bởi vì phụng vụ hướng con
người về cánh chung: trung thời và vĩnh viễn. Phụng vụ đòi hỏi đức tin vào mầu
nhiệm đang hiện diện và niềm hy vọng vào những điều thiện hảo tương lai; cử
hành điều mình đang có, và hướng về điều đang trông mong, trong khi chờ đợi
Chúa Kitô đến.
Phụ thêm
Đề tài “Chiều kính cánh
chung trong phụng vụ” trong những văn kiện gần đây của Giáo hội:
1.– Sách Giáo Lý Hội
thánh Công giáo. Chiều kích cánh chung của phụng vụ nói chung (số 1090; 1107;
1137-1139). Các bí tích ban cho ta sự sống vĩnh cửu (1130), Chiều kích cánh
chung của bí tích Thánh Thể: “cho đến khi Người lại đến” (1344); bí tích này là
bảo chứng của vinh quang mai hậu (1402-1405). Lời cầu khẩn maranatha (671;
1107; 2806).
2.– Cách riêng, chiều
kích cánh chung của Thánh Thể được bàn trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia
của ĐTC Gioan Phaolô II (ngày 16-4-2003), số 18-20, và Tông huấn Sacramentum
caritatis của ĐTC Bênêđictô XVI (ngày 22-2-2007), số 30-32.
Thời sự Thần học - số 69 tháng
8/2015, tr. 109-141
Dịch từ: “Escatologia”, Nuovo Dizionario di Liturgia, Paoline Roma 1984,
448-462.
Nguồn: tsthdm.blogspot.com (04.2020)
Tên gọi eschatologia, ghép bởi hai từ Hy-lạp eschata
(những sự cuối cùng) và logos (khảo luận), xuất hiện vào thế kỷ XVII do nhà thần
học Tin lành Abraham Calov (+1686), nhưng chỉ được thịnh hành vào giữa thế kỷ
XIX [ND].
Prognosticum
futuri saeculi: PL 96, 454-524.
Đức
Bênêđictô XII, tông hiến Benedictus Deus (28-1-1336); công đồng Firenze (1439).
Hans
Urs von Balthasar, I novissimi nella teologia contemporanea, Queriniana,
Brescia 1967. T. Rast, L’escatologia, in AA.VV. Bilancio della teologia del XX
secolo, vol.3, 1972,314-335.
Các
học giả gần đây đã phân biệt ba cách sử dụng từ ngữ trong tiếng Hy-lạp: eschata
(những sự sau cùng); eschaton (thời sau cùng), eschatos (Kẻ sau cùng, tức là Đức
Kitô, khởi nguyên và cùng tận của lịch sử, chìa khoá của lịch sử) [ND].
A.
Giudici, Escatologia, in: Nuovo Dizionario Teologico, Rôma 1982, 402 tt. [ND]:
Trong thế kỷ XX, cuộc tranh luận giữa các nhà chú giải Tin lành đã đưa đến nhiều
giả thuyết về cánh chung luận liên quan đến bản chất của Triều đại Thiên Chúa:
Consequent eschatology (Albert Schweitzer), Realized eschatology (Kart Barth),
Existential eschatology (Rudolph Bultmann), Realizing eschatology (Oscar
Cullmann).
Thí
dụ từ hai cuốn sách mới xuất bản: C. Pozo, Teologia del mas allá, Paoline Roma
1970; A. Rudoni, Escatologia, Marietti Torino 1972. Với một nhãn giới rộng hơn:
AA.VV. La storia della salvezza nel suo compimento in: Mysterium salutis V/II,
Queriniana Brescia 1978.
Người
ta phân biệt “cánh chung vĩnh viễn” (điều sẽ xảy ra vào thời tận thế), và “cánh
chung trung thời” (điều sẽ xảy ra vào cái chết của mỗi người) [ND].
Theo
như phương pháp được áp dụng trong A. Rudoni, Escatologia Brescia 1967.
G.
Martinez y Martinez, La escatologia en la liturgia romana antigua, Roma 1976.
Thí
dụ ca tiếp liên Dies irae, ca dâng lễ Domine Iesu Christe. Về ảnh hưởng của các
bản văn này, x. Th. Maertens – L. Heuschen, La liturgia della morte. Dottrina e
pastorale, Paoline, 1962, 122-137.
Messale
Romano, Principi e Norme per l’uso del Messale Romano, Proemio 15. x. Phân tích
một công thức cổ điển do P. Bruylants, Terrena despicere et amare caelestia in:
AA.VV., Miscellanea liturgica in onore di S.E. il Card. Giacomo Lercaro, II,
Desclée Roma, 1967, 195-206.
A.
Stoger, Eucharistia, in: Dizionario di teologia biblica, Morcelliaana, Brescia
1965, 495.
Về
ý nghĩa cánh chung của Thánh Thể, xem Y. De Montcheuil, Signification
eschatologique du repas eucharistique, in: Revue des sciences religiouses 33
(1946), 10-43. P. Spagnoli, Eucaristia ed escatologia in: AA.VV., L’Eucaristia,
Treviso 1963, 61-89.
Trích
dẫn ở C. Vaggagini, Il senso teologico della liturgia, Paoline 1965, 177.
M.
Magrassi, Vivere la liturgia, La Scala, Napoli 1978, 317-341.
Adversus
haereses IV,18, được trích dẫn trong M.R. Tillard, L’eucaristia pasqua della
Chiesa, Paoline 1963, 114.
Các
bản văn được trưng dẫn trong M. Magrassi, op.cit.198-202 và 173-177. Xem thêm
Th. Camelot, Spiritualità del battesimo, LDC Torino 1960, 161 tt.
M.
Magrassi, op.cit. 241-243.
R.
Cantalamessa, La pasqua della nostra salvezza, Marietti, Torino 1971, 206-218.
Quy
chế tổng quát Phụng vụ các Giờ kinh, số 16; 39; 70.
O.
Clément, Riflessione sull’uomo, Jaca Book, Milano 1975, 152.
A.
Bugnini, La sacra liturgia, in: L’aldilà (a cura di A. Piolanti), Marietti,
Torino 1957, 95-96.
C.
Lubich, L’eucaristia, Città Nuova, Roma 1977, 80-82.
A.
Schmemann, Priere, liturgie et renouveau, in: La théologie du renouveau, II,
Cerf, Paris 1968, 109.