CÁI NHÌN THOÁNG QUA VỀ VIỆC ĐẶT TAY CHỮA LÀNH TRONG TÂN ƯỚC
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội, CSsR.
WHĐ (16.11.2020) – Kinh Thánh nhiều lần nói đến
việc đặt tay trên người hay trên con vật. Nhưng đặt tay để làm gì và đặt tay
mang ý nghĩa gì ?
Cả Cựu Ước và Tân Ước đều cho thấy việc đặt tay
mang những ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, người ta đặt (một) tay trên con vật sắp
được sát tế làm lễ toàn thiêu dâng lên Chúa, nhằm đồng hoá lễ vật với người
dâng: qua lễ vật này, người ta muốn dâng chính mình cho Thiên Chúa (Xh
29,10-11; Lv 3,2.8; 4,4). Người ta cũng đặt (hai) tay trên đầu con dê – dê đền
tội thay – như là một hình thức chuyển tội sang con vật, rồi thả nó vào hoang địa
(Lv 16,20-22). Người ta cũng đặt tay trên người nào đó để trao ban quyền bính
(Ds 27,18-23, Đnl 34,9; Cv 6,6; 13,1-3; 1 Tm 4,14). Trong sách Sáng Thế, ta
cũng thấy Giacóp đặt tay lên đầu các con là Mơnase và Épraim để chúc lành cho họ
(St 48,8-16). Đức Giêsu cũng nhiều lần đặt tay trên trẻ nhỏ để chúc lành cho
chúng (Mt 19,15; Mc 10,16). Đặc biệt, trong sách Công vụ Tông đồ, việc đặt tay
được xem như dấu chỉ, ngang qua đó, Thánh Thần được trao ban. Quả thật, ngoại
trừ hai lần Thánh Thần ngự xuống một cách bất ngờ (2,1-4; 10,44-46), còn lại
trong sách Công vụ Tông đồ, ta thấy các tín hữu nhận được Thánh Thần ngang qua
việc đặt tay. Cv 8 kể rằng Phêrô và Gioan đặt tay trên những người vừa trở lại
tại Samari, và họ nhận được Thánh Thần (8,14-17). Khi thấy các tông đồ đặt tay
và Thánh Thần được ban xuống thì Simôn, một thầy phù thuỷ đã từng làm nhiều phù
phép khiến dân Samari kinh ngạc (c.9), liền đem tiền đến biếu các tông đồ và
xin các tông đồ ban quyền đó cho ông, để ông đặt tay trên ai thì người đó nhận
được Thánh Thần. Tất nhiên Simôn không được như ý, trái lại, ông còn bị Phêrô dạy
cho một bài học và thúc giục ông sám hối (8,18-24). Trong Cv 9,17, ta cũng thấy
ông Khanania đặt tay trên Phaolô để Phaolô được sáng mắt và nhất là để được đầy
Thánh Thần. Cv 19,6 cũng kể rằng Phaolô đặt tay trên các môn đệ tại Êphêxô và
Thánh Thần xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.
Một cái nhìn thoáng qua như vậy cũng đủ giúp ta
hiểu rằng việc đặt tay trong Kinh Thánh có nhiều chức năng khác nhau, tuỳ theo
hoàn cảnh, tuỳ theo người đặt tay và người được đặt tay. Còn một khía cạnh nữa
của việc đặt tay được đề cập trong Kinh Thánh cũng dễ dàng nhận ra, đó là việc
chữa lành bệnh tật thân xác. Chúng ta cùng nhìn qua một số đoạn Kinh Thánh
trong Tân Ước, để xem Đức Giêsu cũng như các tông đồ đã dùng đôi tay của mình
trong việc chữa lành cho người bệnh như thế nào.
Đức Giêsu dùng đôi tay khi chữa lành
Trong Tin Mừng, nhiều lần ta thấy Đức Giêsu dùng
đôi tay của mình để chữa lành: hoặc Ngài đặt tay trên người bệnh, hoặc Ngài đụng
chạm đến họ.
Thánh Luca ghi lại: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những
ai có người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay (ἐπιτίθημι)
trên từng bệnh nhân và chữa họ” (Lc 4,40). Ở đây, ta chỉ thấy Đức Giêsu “đặt
tay trên từng bệnh nhân và chữa họ”, mà không thấy Ngài làm gì khác. Ngài không
nói với bệnh nhân hay cầu nguyện cho họ, cho dù điều đó có thể được hiểu ngầm.
Ngài chỉ “đặt tay” và tất cả những người “mắc đủ thứ bệnh hoạn” đều được chữa
lành. Như thế, nguyên việc “đặt tay” của Ngài có một hiệu quả đặc biệt, cũng đủ
chữa lành người ta.
Ở chỗ khác trong Tin Mừng Luca, ta thấy Đức
Giêsu vừa dùng đôi tay của mình, vừa dùng đến lời nói: “Khi ấy, Đức Giêsu đang ở
trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống,
xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Người giơ tay đụng vào (ἅπτω) anh ta
và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh” (Lc
5,12-13).
Ta biết rằng, người mắc bệnh phong hủi phải chịu
đau đớn rất nhiều về thể xác. Họ cũng phải chịu đau khổ về tinh thần vì bị cách
ly khỏi gia đình, khỏi người thân yêu, và dường như không còn được ai nhìn nhận
nữa. Không chỉ bị đau đớn về thể xác, bị hắt hủi về tinh thần, mà nhất là người
bị phong hủi còn bị cách ly về mặt tôn giáo, như trong sách Lêvi viết: “Người mắc
bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế ! Ô uế !”
Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là
một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13,45-46).
Đức Giêsu đã không ngại bị lây bệnh, không ngại
bị ô uế, khi Ngài “giơ tay đụng vào (ἅπτω) anh”. Ngài không thể bỏ qua lời cầu
xin tha thiết và thái độ thành khẩn của người phong hủi khi anh “sấp mặt xuống”
và van xin Ngài chữa lành. Và thánh Luca ghi lại: “Lập tức, chứng phong hủi biến
khỏi anh.” (Lc 5,13b). Chỉ một cái đụng chạm bằng đôi tay của Đức Giêsu vào
thân thể đang bệnh tật và có lẽ đầy hôi hám của anh, và một lời nói của Đức
Giêsu, căn bệnh hiểm nghèo đã biến mất và anh được chữa lành.
Cũng trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đưa tay đặt
lên người phụ nữ bị còng lưng: “Ngày sa-bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một
hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà
còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức
Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền !” Rồi Người
đặt tay (ἐπιτίθημι) trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên
Chúa” (Lc 13,10-13). Người bị phong hủi (Lc 5,12-13) đã “sấp mặt” trước Đức
Giêsu và xin Ngài chữa lành cho anh. Nhưng ở đây, ta không thấy người phụ nữ bị
còng lưng xin Đức Giêsu. Ngay cả việc bà có nhìn thấy Đức Giêsu không, ta cũng
không được biết. Có thể bà không nhận ra Ngài đang có mặt ở đó. Cái nhìn của bà
có lẽ chỉ thấy mặt đất, hay chỉ thấy những đôi chân của người ta đi lại, vì
“lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được”. Nhưng cho dù
bà không thấy Đức Giêsu, cho dù bà không xin Ngài chữa cho bà, thì Đức Giêsu
cũng chủ động gọi bà lại và đưa tay đặt trên bà, vì Ngài đã thấy nỗi đau khổ của
bà, đã biết bà chịu đựng trong thời gian rất dài rồi: “Mười tám năm”, nhất là
Ngài đã nhìn thấu nguyên nhân căn bệnh của bà là do “quỷ làm cho tàn tật”. Chỉ
một lời nói và một cử chỉ “đặt tay trên bà” của Đức Giêsu, “tức khắc bà đứng thẳng
lên được”. Bà hết bị còng lưng rồi, bây giờ bà đứng thẳng như bao người khác,
và bây giờ bà mới nhìn mọi sự như bao người khác, chứ không còn chỉ thấy mặt đất
nữa.
Ở nơi khác trong Tin Mừng, ta lại thấy đôi tay
ân cần của Đức Giêsu: “Vừa ra khỏi hội đường Caphácnam, Đức Giêsu đi đến nhà
hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ
vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết
tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy
(κρατέω) tay bà mà đỡ dậy (ἐγείρω); cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các
ngài” (Mc 1,29-31).
So với căn bệnh phong hủi (Lc 5,12-13) hay bệnh
còng lưng do ma quỷ làm từ mười tám năm của người phụ nữ kia (Lc 13,10-13), thì
“cơn sốt” của mẹ vợ ông Simôn thật không đáng gì. Có thể nói, đây là bệnh đơn
giản, chỉ uống thuốc hay nghỉ ngơi vài ngày là khoẻ. Ấy vậy mà người ta cũng
“nói” cho Đức Giêsu biết “về tình trạng của bà”. Nghe người ta nói, Đức Giêsu
không phản ứng rằng: “Cơn sốt ấy mà, đâu cần đến Ta, bà nghỉ vài ngày là khoẻ...”.
Trái lại, Ngài nghe và đến liền. Hơn nữa, khi đến nơi, “Người lại gần, cầm lấy
tay bà mà đỡ dậy”. Ba động từ “lại gần”, “cầm lấy tay”, “đỡ dậy” cho thấy sự ân
cần, gần gũi và rất tình người của Đức Giêsu. Ngài đã cúi xuống đặt tay trên
người phụ nữ bị còng lưng thế nào, thì giờ đây, Ngài cũng đang cúi xuống, dùng
đôi tay của mình mà đỡ mẹ vợ của ông Simôn dậy như thế. Ở đây, ta cũng không thấy
Đức Giêsu nói gì với bà, ta chỉ thấy Ngài hành động. Kết quả là: “Cơn sốt dứt
ngay và bà phục vụ các ngài”. Về phía người phụ nữ này, bà thật là một gương mẫu
cho tất cả những ai từng lãnh nhận ơn lành từ Chúa. Vì ngay khi khỏi bệnh, bà
đã “phục vụ các ngài”. Cơn sốt đã làm cho bà không đứng lên được, nhưng khi được
khỏi rồi, bà đã biết mang sức khoẻ là ơn vừa nhận được để phục vụ người khác,
nhất là phục vụ Đấng vừa chữa lành cho mình. Bà đã nhận được ân sủng từ đôi tay
ân cần chăm sóc của Đức Giêsu, thì giờ đây bà cũng dùng đôi tay của mình để phục
vụ người khác.
Một lần khác, khi Đức Giêsu và các môn đệ đến Bếtxaiđa,
thì “người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào (ἅπτω) anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi
nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay (ἐπιτίθημι) trên anh và hỏi: “Anh có thấy
gì không ?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối,
họ đi đi lại lại.” Rồi Người lại đặt tay (ἐπιτίθημι) trên mắt anh, anh trông rõ
và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8,22-25).
Có điều hơi lạ trong việc Đức Giêsu chữa lành
cho người mù ở đây. Lạ vì người mù không được chữa lành ngay, nhưng được khỏi
“từ từ”, qua hai giai đoạn. Quả vậy, khi Đức Giêsu nhổ nước miếng vào mắt anh
và đặt tay trên anh, thì anh mới chỉ trông thấy người ta cách lờ mờ, giống như
cây cối đi đi lại lại. Chỉ đến khi Ngài đặt tay trên mắt anh lần thứ hai, thì
“anh trông rõ và khỏi hẳn”. Ta có thể thắc mắc: tại sao Đức Giêsu không chữa
lành một lần cho xong ?
Thánh Máccô không cho ta câu trả lời. Nhưng có
điều chắc chắn rằng Đức Giêsu không “bỏ lửng” công việc Ngài đã thực hiện, và cả
hai lần, Ngài đều dùng đến đôi tay của mình trong việc chữa lành này: người ta
đã xin Ngài “sờ vào” anh bằng đôi tay của Ngài, thì đã hai lần Ngài “đặt tay”
trên anh, nhờ vậy mà “anh thấy tỏ tường mọi sự”.
Đôi tay của Đức Giêsu không chỉ làm cho người mù
sáng mắt, người còng lưng đứng thẳng được… nhưng đôi tay của Ngài còn mở được
đôi tai, mở được miệng lưỡi của người ta. Quả thật, khi Đức Giêsu đến miền Thập
Tỉnh, thì “người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin
Người đặt tay trên (ἐπιτίθημι) anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt
ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào (ἅπτω) lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng
và nói: Epphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị
buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (Mc 7,31-33.35).
Ta ghi nhận rằng, trong Mc 7,31-33.35 (Đức Giêsu
chữa người vừa điếc vừa ngọng) và trong Mc 8,22-25 (Đức Giêsu chữa người mù),
ta thấy hai người bệnh không thể tự mình đến với Ngài, họ cần người dẫn đi. Khi
đến với Đức Giêsu rồi, những người dẫn người bệnh đến và chính những người bệnh
cũng không xin Ngài “chữa lành”, cho dù điều đó có thể được hiểu ngầm. Những
người dẫn người mù và người điếc đến với Đức Giêsu chỉ đơn giản xin Ngài “đặt
tay” (ἐπιτίθημι) hay “sờ vào” (ἅπτω) người bệnh. Rõ ràng là họ
đều tin vào việc đặt tay chữa lành của Đức Giêsu. Khi nài xin Ngài “sờ vào” hay
“đặt tay” trên người bệnh, họ hiểu quyền năng và sức mạnh chữa lành của Đức
Giêsu được thông chuyển qua đôi tay của Ngài, và đó chính là lý do mà người ta
dẫn người bệnh đến với Ngài. Họ đã được như ước nguyện.
Cũng vậy, khi khẩn khoản xin Đức Giêsu đến cứu
con gái mình vì nó gần chết rồi, ông Giairô đã nói: “Xin Ngài đến đặt tay (ἐπιτίθημι)
lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”(Mc 5,23). Khi đến nơi, “Người cầm lấy (κρατέω) tay nó và nói: “Talitha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho
con: trỗi dậy đi! (ἐγείρω)” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười
hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.” (5,41-42).
Ông Giairô không xin với Đức Giêsu: “Xin Ngài đến
cầu nguyện cho con tôi”. Ông cũng không nói: “Xin Ngài đến chữa lành cho cháu”.
Nhưng ông nói: “Xin Ngài đến đặt tay ( ἐπιτίθημι) lên cháu”. Ông Giairô đã tin
rằng con gái ông sẽ khỏi bệnh khi bàn tay của Đức Giêsu đặt trên con gái ông.
Ông đã tin rằng, đôi tay của Đức Giêsu chính là điểm nối kết giữa nguồn mạch chữa
lành và đứa con gái đang thập tử nhất sinh của ông. Chúng ta biết rằng, con gái
ông đã chết trước khi Đức Giêsu đến nhà ông (c. 35). Vậy mà, khi Đức Giêsu cầm
lấy tay nó, đôi bàn tay của Ngài đụng chạm đến đôi bàn tay của em, và kèm theo
lời nói: “Trỗi dậy đi”, thì em bé “đứng dậy và đi lại được”. Như thế, ở đây, Đức
Giêsu không chỉ đơn giản là chữa lành một căn bệnh hiểm nghèo, nhưng Ngài đã
đưa em bé từ cõi chết trở về cõi sống. Chứng kiến cảnh đó, làm sao người ta
không thể không “kinh ngạc sững sờ” (5,42). Hơn nữa, họ cũng vừa được chứng kiến
một phép lạ khác, khi Đức Giêsu đang trên đường đến nhà ông Giairô. Quả thật,
có một đám rất đông đi theo và chen lấn Ngài (c. 24). Nhưng dù rất nhiều người
va chạm vào Ngài, thì cũng có một cái va chạm rất đặc biệt khiến Đức Giêsu
không thể không nhận ra. Đó là, “có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,
bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền
mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác” (Mc 5,25-26). Mười hai năm sống với bệnh
tật, thời gian dài vậy là quá đủ rồi. Chạy theo hết thầy này đến thầy kia, vậy
là hết nơi trông ngóng rồi. Tiền bạc chi phí chữa bệnh “đến tán gia bại sản, mà
vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”, như vậy là hết sạch rồi. Xét
theo bình diện con người, người phụ nữ này không còn nơi bám víu, không còn nơi
để trông mong. Nhưng bà thật may mắn vì “được nghe đồn về Đức Giêsu” (c. 24).
Dù chưa gặp Ngài, nhưng bà lại có một lòng tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu và lòng
tin này đã thúc đẩy bà đi đến hành động thật táo bạo: “Bà lách qua đám đông, tiến
đến phía sau Người, và sờ vào (ἅπτω)
áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ
vào (ἅπτω) áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm
thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực
tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào (ἅπτω) áo tôi ?” Các môn đệ
thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào (ἅπτω) tôi ?’” Đức Giêsu ngó
quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái
gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với
Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy
về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (5,24-34).
Có thể nói, sức mạnh đặc biệt từ nơi Chúa và
lòng tin mãnh liệt của người phụ nữ đã làm nên phép lạ. Nhưng giữa sức mạnh
siêu nhiên và lòng tin này lại cần đến một điểm nối kết, một điểm tiếp xúc, đó
chính là sự đụng chạm: phép lạ xảy đến khi người phụ nữ “sờ vào (ἅπτω) áo của Người”.
Hẳn là lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu đã
thúc đẩy người ta đến với Ngài, nhưng điều đó dường như vẫn chưa đủ để được ơn
chữa lành. Người ta cần phải “tìm cách” đụng chạm vào Ngài, như thánh Luca ghi
lại: “Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải
Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị
các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào (ἅπτω) Người, vì có một năng lực
tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6,17-19). Thánh sử Mátthêu
cũng kể rằng, khi Đức Giêsu đang ở Ghennêxarét, người ta nài xin Ngài cho phép
họ được sờ vào (ἅπτω) tua áo của
Ngài và nhờ vậy mà họ được khỏi bệnh: “Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền,
vào Ghennêxarét. Dân địa phương nhận ra Đức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng,
và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ
chỉ sờ vào (ἅπτω) tua áo của Người
thôi, và ai đã sờ vào (ἅπτω) thì đều
được khỏi” (Mt 14,34-36). Thánh Mác-cô cũng ghi lại: “Đức Giêsu đã chữa lành
nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào (ἅπτω) Người” (Mc 3,10).
Như thế, khi nhìn qua một số đoạn Tin Mừng kể về
Đức Giêsu chữa lành, ta có thể nhận ra rằng, hoặc Đức Giêsu chủ động dùng đôi
tay của mình mà đụng chạm đến người bệnh, hoặc người ta chủ động tìm cách “sờ
vào” Ngài với hy vọng được chữa lành. Đôi tay được xem như điểm nối kết (như
công tắc điện) giữa Đức Giêsu và người bệnh, giữa năng lực chữa lành và lòng
tin tưởng tuyệt đối của người ta. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất trong
trường hợp người phụ nữ bị băng huyết: bà đã cố gắng sờ vào áo của Đức Giêsu với
một lòng tin tuyệt đối: “Tôi mà sờ vào (ἅπτω)
áo Người thôi, là sẽ được cứu”; phần Đức Giêsu, Ngài “thấy có một năng lực tự
nơi mình phát ra” khi người phụ nữ sờ vào áo Ngài.
Đặt tay chữa lành trong lệnh truyền của Đức Giêsu
Như ta vừa ghi nhận, Đức Giêsu rất tự do trong
việc đặt tay hay dùng đôi tay của mình để chữa lành những người đau yếu. Nhưng
Ngài không giữ quyền này cho riêng mình, mà muốn các môn đệ và những người theo
Ngài tiếp tục công việc này. Quả thật, sau khi sống lại và trước khi về trời,
Ngài sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Khi sai các ông đi, Đức Giêsu đã
khuyến khích tất cả những “người có lòng tin” “đặt tay” trên những người bệnh:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo
Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai
không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng
tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ
cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt
tay (ἐπιτίθημι) trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”
(Mc 16,15-18).
Theo lệnh truyền trên đây của Đức Giêsu, thì một
khi tin vào Ngài và làm việc nhân danh Ngài, người ta sẽ có một sức mạnh đặc biệt:
“trừ được quỷ”; “nói được những tiếng mới lạ”; “cầm được rắn”; “dù có uống nhầm
thuốc độc, thì cũng chẳng sao”, và nhất là, ngang qua bàn tay của họ, “những
người bệnh sẽ được mạnh khoẻ”.
Cũng nên hiểu rằng, ở đây, Đức Giêsu nói rõ rằng
“những ai có lòng tin”, chứ không giới hạn vào một người, một ít người, hay một
nhóm người nào, mà là tất cả những ai tin vào Ngài, khi “đặt tay trên những người
bệnh”, thì người bệnh sẽ được khỏi.
Các tông đồ thi hành mệnh lệnh của Đức Giêsu
Các tông đồ đã tuân theo mệnh lệnh Đức Giêsu
cách chặt chẽ, các ông vừa loan báo Tin Mừng vừa chữa lành bệnh tật cho người
ta. Nhân danh Đức Giêsu, các ông chữa lành. Và cũng như Đức Giêsu, các ông luôn
dùng đến đôi tay của mình: hoặc chạm đến người bệnh, hoặc đặt tay trên người
ta. Quả thật, sau khi Đức Giêsu về Trời và Thánh Thần được ban xuống, các tông
đồ đã mở tung mọi cánh cửa, ra đi loan báo Tin Mừng. Và một hôm kia, “ông Phêrô
và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Khi ấy, người ta
khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền
Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy ông Phêrô và ông
Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông
Phêrô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây!” Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ
được cái gì. Bấy giờ ông Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi
có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi
!” Rồi ông nắm chặt lấy (πιάζω) tay mặt anh, kéo anh trỗi dậy (ἐγείρω). Lập tức
bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được;
rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên
Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính
là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới
xảy đến cho anh.” (Cv 3,1-10).
Đức Giêsu đã cầm lấy (κρατέω) tay bà mẹ vợ ông Simôn, tay đứa con gái ông
Giairô, hay tay em bé bị quỷ ám mắc bệnh động kinh mà đỡ dậy (ἐγείρω) thế nào
(Mc 1,29-31; 5,41-42; 9,14-29), thì giờ đây, Phêrô cũng nắm chặt lấy (πιάζω)
tay người què mà kéo anh trỗi dậy (ἐγείρω) như thế.
Đức Giêsu đã làm phép lạ ngang qua các tông đồ,
nhất là ngang qua đôi bàn tay của Phêrô. Vì ông không chỉ nói với người què mà
còn đưa tay nắm lấy tay anh. Một cái đụng chạm được làm “nhân danh Đức Giêsu”,
đã giúp cho người vừa mới nằm đó, bị què, đi đâu phải có người khiêng, thì giờ
đây “vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa”. Sau đó, sách Công vụ Tông đồ
có ghi: “Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay (τῶνχειρῶν)
các Tông Đồ” (Cv 5,12). Tất nhiên các ông không tự mình làm được những điềm
thiêng dấu lạ, các ông không có quyền năng tự nơi mình, nhưng chính Thiên Chúa
thực hiện những điều lạ lùng ngang qua đôi tay của các ông. Đôi bàn tay của các
tông đồ như điểm nối kết để sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa được chuyển đến
thân thể của người bệnh, nhờ vậy mà họ được chữa lành. Ảnh hưởng của các ông
trên dân chúng thấy rõ, họ ca tụng các ông và “càng ngày càng có thêm nhiều người
tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông. Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm
ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái
bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành
chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những
người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành” (Cv 5,14-16).
Thánh Phaolô cũng đã dùng đôi bàn tay của mình
như phương tiện, để nhờ đó, Thiên Chúa làm những điều lạ lùng. Nhưng trước khi
là dụng cụ hữu hiệu của Thiên Chúa, thì chính Phaolô cũng đã được đôi bàn tay của
Khanania đặt trên ông theo lệnh của Chúa. Quả thật, sau khi Phaolô được Chúa hiện
ra trên đường Đamát, thì mắt ông vẫn mở nhưng không thấy gì, chỉ khi Khanania đặt
tay trên Phaolô thì ông mới thấy lại được (Cv 9,1-19). Một khi Phaolô không còn
“mù lòa” nữa vì đã nhận biết và tin theo Đức Giêsu rồi, thì như sách Công vụ
Tông đồ kể lại: “Thiên Chúa dùng tay (τῶνχειρῶν) ông Phaolô mà làm những
phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông
mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất” (Cv
19,11-12). Như thế, qua Phaolô, không chỉ những người bệnh được chữa lành, mà
ngay cả những người bị quỷ ám cũng được giải thoát.
Ở chỗ khác trong sách Công vụ Tông đồ, ta đọc thấy,
khi Phaolô và Banaba bị trục xuất khỏi Antiôkhia miền Pixiđia và đến Icônia. Tại
đây, các ông lại mạnh dạn giảng dạy. Sở dĩ các ông can đảm giảng dạy là vì các
ông dựa vào Chúa, “là Đấng chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho
tay (τῶνχειρῶν) các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng” (Cv 14,3). Nói cách
khác, Chúa đã dùng đôi tay của các ông mà làm những điều lạ lùng, để rồi qua
đó, những người nghe các ông nói phải thừa nhận rằng những điều các ông giảng dạy
là xác thực.
Sách Cv 28 cũng ghi lại, sau khi bị đắm tàu,
Phaolô được cứu lên đảo Manta. Trong lúc ngồi quanh đống lửa, Phaolô bị một con
rắn độc quấn vào tay. Người ta “đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết, nhưng
đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông
là một vị thần” (28,6). Đôi bàn tay của Phaolô đã không hề hấn gì cho dù cầm phải
rắn độc. Như thế, Lời Đức Giêsu trong lệnh truyền của Ngài đã được ứng nghiệm: “Đây
là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được
quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc
độc, thì cũng chẳng sao” (Mc 16,15-18).
Ngay khi biết thân sinh của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô, đang bị liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ, thì “Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên (ἐπιτίθημι) ông và chữa khỏi” (28,8). Ngay sau phép lạ này, như tác giả sách Cv ghi lại, “thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành” (28,9). Rõ ràng là Phaolô đã thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng cùng với việc chữa lành bệnh tật ngang qua việc đặt tay. Một lần nữa, ta thấy đôi bàn tay là điểm nối kết giúp ân sủng của Thiên Chúa đến với người bệnh. Một lần nữa ta thấy ứng nghiệm lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo… Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ,… Và nếu họ đặt tay (ἐπιτίθημι) trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,15-18).
Thay lời kết: đặt tay là một trong sáu giáo huấn sơ đẳng về Đức Giêsu
Trong thư gửi tín hữu Hípri, tác giả cho biết có
sáu điều sơ đẳng mà mỗi tín hữu cần phải nắm rõ:
“Vì thế, gác một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức
Kitô, chúng ta hãy vươn tới trình độ giáo huấn trưởng thành mà không trở lại những
điều căn bản, là lòng sám hối ăn năn vì những việc đưa tới sự chết, là niềm tin
vào Thiên Chúa, là giáo lý về mấy loại phép rửa; là nghi thức đặt tay (ἐπιθέσεώςτεχειρῶν:
ds. việc đặt tay), là vấn đề kẻ chết sống lại và cuộc phán xét cuối cùng”
(6,1-2).
Như thế, trước khi “vươn tới trình độ giáo huấn
trưởng thành”, tín hữu cần hiểu và thực hiện:
1. Lòng sám hối ăn năn
2. Niềm tin vào Thiên Chúa
3. Giáo lý về mấy loại phép rửa
4. Việc đặt tay (ἐπιθέσεώςτεχειρῶν)
5. Vấn đề kẻ chết sống lại
6. Cuộc phán xét cuối cùng
Nếu ai muốn vươn tới trình độ hiểu biết cao sâu
về Đức Giêsu, muốn dùng “thức ăn đặc” thay vì “dùng đến sữa” (x. Hr 5,11-14),
thì trước tiên phải nắm được sáu giáo huấn nền tảng này. Nói cách khác, nếu muốn
xây một ngôi nhà vững chắc thì cần đến nền tảng là sáu trụ đá, không thể chểnh
mảng bất cứ trụ nào. Nếu thiếu một trong sáu trụ, hoặc một trụ không vững chắc,
thì một ngày nào đó, ngôi nhà có thể sẽ bị sụp đổ.
Nếu xem sáu “giáo huấn sơ đẳng” về Đức Giêsu như
sáu trụ đá, thì việc đặt tay (ἐπίθεσις, do động từ ἐπιτίθημι) được xem như trụ
đá thứ tư. Ở đây, tác giả không nói rõ chức năng của việc đặt tay là gì. Nhưng
ta có thể hiểu việc đặt tay ở đây có chức năng trao ban đặc sủng (1 Tm 4,14; 2
Tm 1,6), hay trao ban Thánh Thần (Cv 8,18). Nhưng việc đặt tay ở đây cũng có thể
có mục đích chữa lành người đau yếu, nếu ta nhìn theo mệnh lệnh của Đức Giêsu
trước khi về trời (Mc 16,15-18).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)