CÁCH CHIA SẺ KINH THÁNH VỚI CÁC BẠN TIN LÀNH
Lm. Giuse Phạm Đình
Ngọc SJ
WHĐ (13.02.2023) - Rất
nhiều lần tôi nghe các bạn trẻ chia sẻ rằng: “Cha
ơi, mỗi lần con gặp các bạn Tin lành, các bạn ấy đều hay nói về Kinh Thánh. Các
bạn ấy chỉ tin những gì Kinh Thánh viết. Chẳng hạn Đức Giáo Hoàng đâu được đề cập
trong Kinh Thánh, nên họ không tin quyền hành của Đức Giáo Hoàng. Vậy con phải
chia sẻ, trò chuyện với các bạn ấy làm sao?”
Các bạn trẻ rất
thân mến,
Khi chúng ta thoát
khỏi lũy tre làng, rời khỏi môi trường giáo xứ để lên thành phố học tập và làm
việc, sẽ gặp nhiều người. Chẳng hạn như câu hỏi của bạn trên đây. Khi đối diện
với những bạn Tin Lành, chúng ta thấy mình còn thiếu kiến thức về Kinh Thánh, về
giáo lý. Không sao! Thiếu thì bổ túc thôi. Bằng cách cầu nguyện với Kinh Thánh,
Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hiểu biết về mầu nhiệm của Ngài. Hơn nữa, khi càng
học hỏi, bạn sẽ càng biết cách đối thoại hoặc thậm chí là biết xử lý các tình
huống một cách tốt đẹp.
Như chúng ta đã biết
anh em Tin Lành xem nguồn Kinh Thánh là duy nhất để họ thực hành đời sống đạo. Anh
em Tin lành không tin tưởng những điều nào ngoài Kinh Thánh (Sola fide, sola scriptura).Trong khi
đó, chúng ta ngoài Kinh Thánh còn có Thánh Truyền, tức là truyền thống thánh
thiện của Giáo Hội. Dĩ nhiên thánh truyền cũng bắt nguồn từ Kinh Thánh, hoặc có
vài điều chúng ta không thấy trong Kinh Thánh. Chẳng hạn ơn bất khả ngộ của
Giáo Hoàng, Đức Mẹ Đồng Trinh hoặc lên trời cả hồn và xác, v.v. Tiếc là các bạn
Tin Lành thường xoáy vào những chủ đề khác biệt để bắt bạn phải trả lời. Trong
khi đó, những vấn đề ấy không thể giải thích một sớm một chiều. Suốt chiều dài
lịch sử đã có những cuộc tranh luận giữa các nhà thần học Công Giáo và Tin lành
liên quan đến những khác biệt đó. Sau cùng, cả hai đều tôn trọng sự khác biệt
này. Trong khi đó, chúng ta ngày nay lại đi vào những vết xe ấy rồi tranh cãi
và chia rẽ nhau[1].
Điều ấy thật không nên!
Nhiều linh mục Công
giáo thường chia sẻ với các bạn trẻ Công giáo hãy cứ bình tĩnh để đối diện với
vấn đề. Bằng tình bạn chân thành, bằng tinh thần học hỏi, chúng ta cứ đón nhận
người bạn của mình. Lắng nghe và tiếp thu với những ý kiến có khi rất trái nghịch
với niềm tin truyền thống của mình. Thái độ công kích hoặc thành kiến chưa bao
giờ là con đường dẫn người ta đến chân lý. Chỉ khi bạn đủ bình tĩnh, nhận ra những
giới hạn của bản thân và đề tài, chúng ta sẽ biết cách trò chuyện với các bạn
trẻ ấy. Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta muốn thuyết phục người bạn này trở lại đạo
Công giáo. Thật khó để chứng minh những luận điểm của người bạn này đi ngược lại
với Kinh Thánh, vì bạn ấy lấy nhiều câu từ Kinh Thánh để chia sẻ với chúng ta.
Cái khó là chúng ta còn tin vào Thánh Truyền, tin vào lời dạy của Giáo hội. Nếu
chúng ta trích dẫn những nguồn ấy, bạn này cũng không chấp nhận. Hơn nữa vì
chưa được học nên chúng ta cũng chẳng biết lập luận hoặc nhớ những ý tưởng để
trích dẫn. Đó là giới hạn rất bình thường mà chúng ta nên chấp nhận để cùng
nhau chuyển hướng đề tài.
Tập trung vào tình bạn
Cuộc đối thoại đích
thực bao giờ cũng giữa trên sự chân thành của tình bạn. Lý tưởng là cả người bạn
Tin Lành lẫn chúng ta đều biết xuất phát từ điểm này. Cứ trò chuyện lan man đến
những đề tài hết sức bình thường. Khi gặp nhau ở những điểm chung trong cuộc sống,
chúng ta sẽ hiểu nhau hơn. Xin đừng đi vội vào đề tài Thánh Kinh. Tiếc là nhiều
bạn Tin lành thường là người đặt chủ đề Kinh Thánh trước tiên. Không sao! Chúng
ta biết cách để chia sẻ nỗi khao khát của người bạn này, nhưng cũng biết lan
man vào những câu chuyện cuộc sống. Không phải chúng ta lảng tránh đề tài,
nhưng để dựng xây tình bạn. Ngày nay cách biệt tôn giáo không còn là vấn đề nan
giải, chúng ta đều là con người với những nhu cầu rất giống nhau.
Chỉ khi thiết lập
được tình bạn thực sự, chúng ta mới dễ dàng bước vào lãnh vực Thánh Kinh. Theo
kinh nghiệm, chúng ta bắt đầu từ những điểm chung. Có thể là lãnh vực thể thao,
ẩm thực, âm nhạc, mua sắm hoặc gia đình, v.v. Khi trò chuyện như thế, chúng ta
thấy tương quan này gần gũi. Hẳn nhiên tương quan này đòi hỏi thời gian. Càng
hiểu nhau, bạn càng cảm nhận việc gặp gỡ nhau không phải là cuộc thách đố thắng
thua, nhưng là để chia sẻ cuộc sống và đức tin.
Tập trung vào Kinh Thánh
Khi tương quan trên
trở nên tương đối ổn, chúng ta bước vào lãnh vực của Thánh Kinh. Bước đầu phải
thừa nhận rằng nhiều bạn Tin lành giỏi Kinh Thánh thực sự. Đơn giản các bạn ấy
dám mở cuốn sách Thánh ra để đọc. Các bạn ấy thường có người hướng dẫn những cách
đọc Kinh Thánh. Hơn nữa, khi tham gia một giáo phái hoặc một hội thánh nào đó của
Tin lành, các bạn ấy đều lãnh nhận sứ vụ loan truyền tin lành, tin mừng đến cho
người khác. Chúng ta cũng được mời gọi để thực thi chức vụ ngôn sứ này. Dường
như ở điểm này chúng ta hơi yếu thế một chút. Chính nhiều người trong Giáo hội
cũng khiêm tốn học anh em Tin lành ở điểm này.
Để không bị lạc mất
trong lối giải thích của các bạn Tin Lành, chúng ta thường để ý đến toàn cảnh của
Tin Mừng. Các bạn Tin lành thường trích dẫn một câu nào đó để cho thấy chúng ta
đang tin sai lầm hoặc thiếu cơ sở Kinh Thánh. Chẳng hạn trong Kinh Thánh đâu có
chỗ nào nói phải thờ kính Đức Maria. Hoặc, “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa
là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4,10).
Vậy các thánh mà chúng ta đang thờ kính thì phải giải thích làm sao cho các bạn
ấy. Kinh Thánh đâu nói linh mục phải sống độc thân[2]!
Trước những thắc mắc ấy, chúng ta cần chú ý 3 điểm sau:
1. Sự thống
nhất của Tin Mừng. Khi bạn đưa mắt nhìn đến toàn cảnh của chương trình
cứu độ, của toàn cảnh Kinh Thánh, bạn thấy Thiên Chúa luôn muốn yêu thương và cứu
độ con người. Trong các câu chuyện Tin Mừng hoặc từng câu, chúng ta cần thấy sợi
chỉ đỏ này để tham chiếu. Hơn nữa, các câu ấy cần đặt vào bối cảnh và thời điểm
được viết ra, nhằm để hiểu Chúa muốn diễn tả tình yêu của Ngài như thế nào? Đây
thưc sự thường là thách đố cho cả chúng ta và anh em Tin Lành. Nếu lấy quan niệm
của thời nay mà phán quyết câu Kinh Thánh thời xưa không đúng thì mất đi tính
khách quan.
2. Chú trọng vào nội
hàm của từng chữ. Chẳng hạn chúng ta sẽ lúng túng
nếu chúng ta hiểu chữ “thờ phượng” trên đây cho cả Thiên Chúa và các thánh. Nếu hiểu thờ phượng
từng đối tượng khác nhau: thờ phượng cho Thiên Chúa và tôn kính cho các thánh, thì
hẳn là dễ chấp nhận hơn nhiều. Hơn nữa, nếu “Càng
đi sâu vào chủ đề, chúng tôi càng thấy rõ các thánh không còn chia rẽ các Giáo
hội chúng ta nữa, nhưng quy tụ chúng ta lại với nhau. Tất nhiên, cuộc đời và việc
tôn kính các thánh là điều gây bối rối và là vấn đề thảo luận trong Giáo hội
Công giáo và giữa các Giáo hội; nhưng nghiên cứu của chúng ta về những người muốn
sống cuộc đời đối diện với Chúa cũng có tiềm năng hợp nhất, hướng đến cách trở
thành Kitô hữu và cùng nhau trở thành Giáo hội: ngày nay chúng ta đang khám phá
ra nhiều điểm chung hơn trong đức tin của chúng ta và sự liên quan của họ trong
thế giới đương đại”[3].
Ngoài ra các bạn
Tin lành trích dẫn Kinh Thánh, trích nguồn Thánh Kinh rất thường xuyên. Điều
này bạn đừng quá lùng bùng kẻo hoang mang và tự ti về kiến thức Kinh Thánh của
mình. Chú trọng đến nội dung của câu chuyện. Vả lại chúng ta cũng có thể học từ
các bạn ấy cách nhớ Kinh Thánh để áp dụng vào thực tế.
3. Cả hai cùng thắng. Với tinh thần học hỏi, cả hai sẽ biết tôn trọng và lắng nghe nhau,
thay vì khích bác và chê bai. Nếu cả hai đều cho mình luôn đúng, thì cuộc đối
thoại ấy chẳng đi đến đâu. Đừng quên chúng ta cùng tin một Thiên Chúa, hầu hết
Kinh Thánh của Công giáo và Tin lành tương đối giống nhau, nhưng mỗi người lại
cố cho rằng bên mình mới ưu việt, vô tình chúng ta chặn đứng con đường đối thoại.
Nói như thế không phải để chúng ta xem thường Kinh Thánh của bên Công Giáo hoặc
bên Tin Lành. Một mặt chúng ta đứng vững trong niềm tin của mình; mặt khác
chúng ta sẵn sàng mở ra để chia sẻ đức tin cho người khác. Đừng quên chính
Thiên Chúa sẽ hướng dẫn mỗi người đến với Chân, Thiện và Mỹ.
Đón nhận những khác biệt
Hỏi cũng là cách học
hay. Nếu không biết, chúng ta khiêm tốn để học hỏi về Kinh Thánh. Tuy vậy, một
thực tế là nhiều bạn Tin lành rất muốn thuyết phục chúng ta chấp nhận gia nhập
đạo Tin lành. Khi chúng ta yếu kiến thức, không chắc nhiều điều, đã có bạn đi
theo những thuyết phục ấy. Tôi biết có bạn “hớp hồn” với cách thực hành
đức tin luôn dựa vào Kinh Thánh, rồi thấy Giáo hội mình xa lìa chân lý. Điều
này không đúng! Ngoài Kinh Thánh, Thánh Truyền và các bí tích còn là nguồn sống
của chúng ta. Như vậy những khác biệt này chúng ta cần bình tĩnh để đón nhận và
thấy hạnh phúc vì mình là người Công giáo.
Tại Việt Nam Công
giáo chiếm 8%, trong khi đó Tin lành chiếm khoảng 1%. Ở nhiều nước Châu Âu, số
lượng này là tương đương nhau. Vài nước Bắc Âu, dân số Tin lành chiếm phần lớn.
Nói như thế để cho thấy ngay trong lòng xã hội và Giáo hội, làm sao để sống hòa
bình, sống khác biệt nhưng không tách biệt là điều quan trọng. Dựa trên nguyên
tắc tự do tôn giáo, chúng ta sẽ thấy nhưng nét đẹp trong sự khác biệt này. Càng
thao thức và yêu mến với Lời Chúa, chúng ta càng biết cách để sống hòa đồng với
mọi người.
Nếu lúc nào đó bạn gặp bối rối với những khi gặp các bạn tin lành, hãy cứ gặp các sơ, thầy hoặc linh mục nào đó để chia sẻ. Họ sẽ giúp bạn không chỉ về kiến thức Kinh Thánh, nhưng còn cho bạn cách kết bạn với anh em Tin lành. Mục đích là bạn không hoang mang trước những lập luận, ý kiến trái chiều với niềm tin của mình. Biết đâu sau thách đố ấy, đức tin của bạn sẽ được lớn lên. Đừng quên Giáo hội vẫn hướng về các anh em ly khai này và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ qua nỗ lực đại kết (Ecumenism) mà Giáo hội đã theo đuổi và cầu nguyện trong nhiều năm qua.