DANH MỤC VIẾT TẮT
GC : Guide for Catechists. 1993
GH : Hiến chế tín lý về Giáo Hội “ Lumen Gentium”. 1964
KTHGD : Tông huấn Kitô hữu giáo dân “Christifideles
Laici”.1988
MV : Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes”.
1965
WHĐ (12.10.2023) – Bài
viết này được trình bày chiều kích thứ ba của linh đạo giáo lý viên. Đó là chiều
kích 'trần thế', với nội dung như sau:
Căn tính giáo lý viên
là Kitô hữu giáo dân và tông đồ, nên linh đạo giáo lý viên mang đậm tính cách
trần thế của người giáo dân[1]. Chiều kích trần thế của
linh đạo giáo lý viên được thể hiện qua việc giáo lý viên sống trong trần thế để
thánh hoá trần thế: “‘trần gian’ trở
thành môi trường và phương tiện cho ơn gọi Kitô giáo của giáo dân, bởi vì chính
nó được dành để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô” (KTHGD 15). Đồng thời
họ phải biết yêu thương thế giới này theo gương Đức Giêsu.
1.
Giáo lý viên sống trong trần thế và thánh hoá trần thế
Giáo lý viên sống giữa
thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga
17, 16). Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải chu toàn bổn phận trần thế và thánh
hoá chúng theo những giá trị Tin mừng.
1.1.
Giáo lý viên sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian
Giáo lý viên sống giữa
thế gian nhưng không thuộc về thế gian[2].
Là Kitô hữu giáo dân, giáo lý viên sống giữa thế gian này nhưng họ không được
xao lãng bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Trái lại, trong lúc tìm kiếm Nước
Thiên Chúa họ không được khinh chê, coi thường và xa lánh mọi thực tại trần thế,
nhưng phải biết chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là một con người và
hơn thế nữa trong tư cách là con cái Thiên Chúa.
1.2.
Chu toàn bổn phận trần thế
Giáo lý viên sống giữa
thế gian và chu toàn bổn phận trần thế của mình vì “xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân
và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến cho phần rỗi đời đời của mình bị đe
doạ” (MV 43).
Như thế, Kitô hữu
không được sao lãng bổn phận đối với trần thế vì bổn phận này gắn liền với phần
rỗi của mỗi người. "Bổn phận là ý
Chúa trong giây phút hiện tại" - (Đường Hy vọng 17). Cụ thể:
Giáo lý viên càng
không được tách rời cuộc sống đức tin của mình khỏi cuộc sống trần thế. Họ
không thể là giáo lý viên của Hội thánh nếu sống hai mặt: một khuôn mặt hiền
lành, khiêm nhường nhân ái… trong môi trường nhà thờ và một khuôn mặt gian trá
ngoài xã hội. Họ phải thống nhất giữa đức tin họ loan báo và đời sống đạo. Hiến
chế Mục vụ cũng nhắc nhở các Kitô hữu rằng thái độ tách rời đức tin ra khỏi cuộc
sống hằng ngày là một trong những nguy cơ lớn nhất của thời đại chúng ta: “Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và
cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng
nhất của thời đại chúng ta” (MV 43). Nguy hiểm hơn nếu họ là giáo lý viên
phản chứng.
Thế nên các Kitô hữu,
cách riêng giáo lý viên cần phải thống nhất đời sống của mình với những gì mình
rao giảng nhân danh Hội thánh. Giáo lý viên sống trong thế gian, họ được mời gọi
trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian[3].
Giữa môi trường trần thế đó, họ làm việc, học tập, giải trí,… để biến đổi môi
trường sống theo những giá trị Tin mừng. Vì tính cách trần thế là tính cách đặc
thù của giáo lý viên giáo dân, nên tùy theo nghề nghiệp, vai trò của mình trong
xã hội, họ biến đổi môi trường sống và làm việc của mình theo Tin mừng.
Vì lẽ đó, giáo lý viên
không dừng lại việc dạy giáo lý ở nhà thờ, hay ở những nơi mình được sai tới dạy
giáo lý, mà cả cuộc đời giáo lý viên phải là chuỗi các ngày rao giảng Tin mừng
cách minh nhiên hoặc mặc nhiên, qua đó Lời Chúa mà họ rao giảng và họ thực hành sẽ
thánh hóa môi trường họ sống, học tập, làm việc.
1.3.
Giáo lý viên thánh hoá môi trường sống
Giáo lý viên giáo dân
sống giữa trần thế và quan tâm đến những các nhu cầu trong thế giới này để
thánh hoá nó:
“Giáo lý viên phải cởi mở và quan
tâm đến các nhu cầu của thế giới, nơi mình được sai đến, nơi mình hoạt động
nhưng không hoàn toàn thuộc về (Ga 17, 14 – 21). Điều này có nghĩa là giáo lý
viên phải hoà mình với đời sống của mọi người anh em, không tách biệt hoặc đứng
đàng sau vì sợ khó khăn hoặc thích yên ổn: giáo lý viên phải duy trì ý thức
siêu nhiên về cuộc sống và tin tưởng vào Lời Chúa linh nghiệm. Lời Chúa một khi
đã được thốt ra, sẽ không trở lại nếu không hoàn tất đối tượng mà Lời Chúa có sứ
mạng cứu độ” (Is 55, 11) (GC
7)
Quan tâm đến những nhu cầu của thế giới, giáo lý viên được mời gọi sống
hoà mình với tất cả mọi người, không tách biệt hay xa cách, cũng không tỏ ra
thái độ “cha chú” đối với những người
mình đang sống và làm việc với. Trong môi trường mình đang sống, giáo lý viên cần
quan tâm đến những người nghèo, những người già cả neo đơn, những bệnh nhân[4]. Giáo lý viên hoà đồng với mọi
người nhưng không bao giờ được đồng hoá với họ. Nghĩa là giáo lý viên phải giữ
được căn tính của mình, phải sống với tư cách mình là giáo lý viên, là tông đồ
của Đức Kitô.
Trong khi tiếp xúc,
làm việc trong môi trường trần thế đó, giáo lý viên cần duy trì ý thức siêu
nhiên về cuộc sống và tin tưởng vào sức mạnh biến đổi của Lời Chúa. Thật vậy,
thế giới này đã được Con Thiên Chúa đã đến làm người và Người sống với loài người
nên nó có nhiều hy vọng được cứu chuộc, và thực sự Đức Kitô đã cứu chuộc thế giới
này[5] nên chúng ta hy vọng mọi sự
sẽ được hồi quy trong Đức Giêsu Kitô[6],
Đấng cứu chuộc chúng ta. Để thánh hoá môi trường sống, giáo lý viên phải sống
yêu thương như Chúa Giêsu Kitô đã làm gương.
2.
Giáo lý viên yêu thương thế giới như Chúa Giêsu mục tử Nhân Lành đã làm
Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến trong thế gian này vì yêu
thương nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu
thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Mầu nhiệm nhập thể đã
thể hiện tình yêu của Chúa Cha và cũng biểu lộ tình yêu thương của Đức Kitô, vị
Mục tử Nhân lành, Đấng đến để cứu độ nhân loại[7].
2.1. Đức
Giêsu yêu thương thế gian
Đức Kitô Mục Tử nhân
lành hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc đoàn chiên[8].
Người yêu thương từng con chiên một, tìm kiếm chiên lạc[9],
đưa về đàn các chiên còn tản mác, băng bó con chiên bị thương tích. Con nào ốm
đau người chữa cho lành[10]. Nói tóm lại là Đức Kitô đến
để yêu thương và cứu độ nhân loại. Thế nên, giáo lý viên noi gương Thầy Giêsu để
yêu thương nhân loại và giúp họ đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
2.2.
Giáo lý viên yêu thương con người
Noi gương Chúa Giêsu,
giáo lý viên sống yêu thương con người. Giáo lý viên là nhân chứng tình yêu của
Thiên Chúa cho tất cả mọi người không loại trừ ai, kể cả kẻ thù ghét mình, ghét
đạo Công giáo (Mt 5, 44).Tình yêu này
được thể hiện qua:
- Giáo lý viên giáo
dân có gia đình: yêu vợ/yêu chồng, yêu thương con cái[11],
hiếu thảo với mẹ cha. Giáo lý viên tu sĩ: yêu thương anh/chị em trong Dòng,
trong cộng đoàn.
- Giáo lý viên yêu
thương các thiếu nhi được giáo xứ trao phó cho mình. Tình yêu thương đó được cụ
thể qua lời ăn tiếng nói tôn trọng các em khi dạy giáo lý, chuẩn bị bài chu
đáo, sống giáo lý mình dạy để dậy men Tin mừng trong lớp giáo lý…
- Giáo lý viên tìm kiếm
những người chưa biết Chúa, giúp họ hiểu biết về Chúa và giáo lý của Người để
gia nhập Hội thánh.
- Giáo lý viên đến với
những Kitô hữu sống lầm đường lạc lối. Yêu thương, thông cảm và giúp họ trở về
với Chúa qua Bí tích Hoà giải để sống cuộc đời mới.
- Giáo lý viên đến với
những người bị loại ra bên lề xã hội, những người bị bỏ rơi, những người bệnh tật,
già cả, neo đơn. Giáo lý viên phải biết thương những thiếu nhi không ngoan, những
thiếu nhi phải sống trong hoàn cảnh thiếu cha thiếu mẹ vì ly thân ly dị, hoặc
thiếu tình thương của cha, mẹ hoặc của cả hai.
- Giáo lý viên yêu
thương tất cả các học viên, nhất là các em thiếu nhi mà mình có trách nhiệm hướng
dẫn, chăm sóc mục vụ. Dĩ nhiên, trong số các học viên ấy, có những người dễ mến,
dễ thương, hiền lành, ngoan ngoãn và đạo đức. Giáo lý viên dễ có cảm tình với
những người này, nhưng đức ái tông đồ đòi hỏi giáo lý viên phải yêu thương cả
những em không dễ mến. Giáo lý viên không phép loại trừ, hay phân biệt đối xử đối
với học viên.
3. Suy
tư về chiều kích trần thế của giáo lý viên
Giáo lý viên cần chu
toàn bổn phận đối với gia đình, xã hội và giáo hội[12].
Cách đặc biệt, môi trường sống của xứ đoàn là nơi mà giáo lý viên cần quan tâm.
3.1. Bổn
phận gia đình
Chu toàn bổn phận của
người chồng/vợ, người cha/mẹ người con trong gia đình. Gia đình là hội thánh tại
gia[13], ở đó giáo lý viên thực hiện
đầy đủ 3 chức năng của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Thế nên giáo lý
viên phải chu toàn bổn phận nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo các chiều kích
phát triển của con người từ thể lý, tâm lý, tình cảm, đạo đức, tinh thần và đức
tin. Giáo lý viên để gia đình mình đổ vỡ, con cái hư hỏng thì khó lòng mà biện
minh cho ơn gọi giáo lý viên của mình. Giáo lý viên cũng cần chu toàn đạo hiếu
với cha mẹ khi các ngài còn khỏe mạnh cũng khi già cả, đau yếu.
3.2. Bổn
phận đối với xã hội và Giáo hội
Học tập, làm việc và
đóng góp công sức, tiền của cho xã hội, cho Giáo hội là bổn phận của giáo lý
viên.
Bổn phận đối với xã hội
thể hiện qua việc có nghề nghiệp, có việc làm để nuôi bản thân, gia đình và
đóng góp cho công ích. Bổn phận đối với Giáo hội là giáo lý viên phải dành thời
gian dạy giáo lý, phục vụ huấn giáo, công tác tông đồ. Hai thái cực giáo lý viên
cần cân bằng là làm việc và phục vụ. Ở Việt Nam, giáo lý viên “thường trú” ở nhà thờ xem ra đi ngược lại
với bản chất linh đạo giáo lý viên giáo dân vì họ dành thời gian cho nhà thờ mà
không có thời gian cho gia đình, cho công việc làm ăn sinh sống. Giáo lý viên
thất nghiệp “dài hạn” cũng không còn
là hình ảnh tích cực cho thiếu nhi. Ngược lại, lo “cơm áo gạo tiền” đến mức
không có thời gian để phục vụ huấn giáo thì cũng không sống đúng linh đạo giáo
lý viên vậy.
Một việc liên quan đến
nhiều nơi thiếu giáo lý viên là các em học sinh cấp 3 cũng được tham gia làm
giáo lý viên. Xứ đoàn cần giúp các em học hành tới nơi tới chốn và quân bình giữa
phục vụ huấn giáo và học hành ở trường. Có những em lo học mà bỏ bê phục vụ, và
ngược lại có những em lo phục vụ mà bỏ bê việc học. Hai thái cực này không hợp
với bản chất ơn gọi giáo lý viên.
Như vậy, bổn phận của
giáo lý viên lớn là có nghề nghiệp, công ăn việc làm, các giáo lý viên trẻ (còn
đi học) thì phải chu toàn học tập. Họ không ngừng được mời gọi thăng tiến bản
thân để nên tốt hơn, giỏi hơn và phục vụ hữu hiệu hơn.
3.3. Bổn
phận bảo vệ môi trường sống của xứ đoàn
Môi trường là vấn đề lớn
của thế kỷ 21. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người, mọi dân, mọi nước bảo
vệ môi trường[14]. Môi trường sống của xứ
đoàn cần được loại trừ khỏi mọi thứ ô nhiễm, rác thải và văn hóa loại trừ[15]. Điều đó được thể hiện cụ
thể môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa.
- Rác thải nguy hại[16]: Giáo dục chính mình và thiếu nhi hạn chế sử dụng
những thứ tạo ra rác thải khó phân hủy như túi ni-lông, chai nước nhựa. Thay
vào đó là sử dụng túi giấy, bình đựng nước tái sử dụng được… Ngoài rác thải
nguy hại, rác thải thông thường cũng phải bỏ nó vào nơi của nó. Phòng học sạch
sẽ trước và sau giờ học. Bảng sạch sau khi dạy. Tắt điện, khóa cửa sau giờ học,
giờ họp. Nhà vệ sinh sạch sẽ, tươm tất.
- Hút thuốc lá: Khuôn viên nhà thờ nên là nơi không hút thuốc.
Ai cũng biết hút thuốc gây hại cho mình và cho người khác. Thế tại sao còn những
người đeo khăn quàng thiếu nhi Thánh thể đỏ có, tím có, trắng có hút thuốc phà
phà trước mặt thiếu nhi trong giờ giải lao, cuối giờ học và thậm chí ngay trong
giờ các em học giáo lý, tập họp, đọc kinh chuẩn bị Thánh lễ?
- Uống bia rượu: bia rượu làm cho bữa tiệc được vui hơn, phấn
khởi hơn đối với một số người, nhưng lạm dụng nó thì không tốt trong tập thể
giáo lý viên, đặc biệt ảnh hưởng đến các em giáo lý viên dưới 18 tuổi.
3.4.
Làm việc bác ái
Việc bác ái thể hiện
tình thương Kitô đối với mọi người. Giáo lý viên yêu thương con người nên có thể
giúp cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đến trường, vào đại học. Họ cũng có
cách để giúp những người nghèo khổ, tàn tật, bị bỏ rơi. Giáo lý viên cũng có những
hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ. Thao thức tông đồ sẽ cho giáo lý viên vô vàn
sáng kiến để biến tình yêu trong tim thành hành động của bàn tay yêu thương phục
vụ. Đó cũng là hành động yêu thương góp phần xây dựng thế giới theo tinh thần
Phúc âm mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi[17].
Như vậy, chiều kích trần thế của linh đạo giáo lý viên mời gọi mỗi giáo lý viên trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô trong môi trường sống của mình. Cơ bản nhất là họ chu toàn bổn phận đối với bản thân, với gia đình, với giáo xứ và với Giáo hội và xã hội. Qua việc chu toàn bổn phận, họ không ngừng phát triển bản thân, phục vụ tha nhân, sống kết hợp thân mật với Chúa Kitô và đưa Tin mừng Chúa Kitô vào mọi lãnh vực của cuộc sống, ở đó họ làm sống động đức tin của Hội thánh, làm thấm được tình yêu Chúa Kitô và đưa muôn người về với Đức Kitô, để nhờ Đức Kitô mà muôn người được cứu độ (Ep 1, 10).
[1] “Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt
và đặc thù của giáo dân. Thật vậy, các phần tử có chức thánh đôi khi có thể lo
những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn gọi đặc biệt,
sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là thừa tác vụ thánh…Vì ơn gọi riêng,
giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế
và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả
cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường
ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó dệt thành cuộc sống của
họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm,
như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của
mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời và nhất là với bằng chứng đời
sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng
và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ để chúng không
ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo
Hoá và Đấng Cứu Độ” (GH 31).
[2] Ga 15, 19; Ga 17, 14-16
[3] x. Mt 5, 13 –14
[4] Những người mắc những căn bệnh thời đại như
HIV, AIDS, nghiện ngập…thường bị xã hội coi thường và bỏ rơi. Chính những người
này cần được quan tâm, yêu thương và thông cảm hơn ai hết.
[5] Cứu chuộc cách khách quan
[6] Ep 1, 1 – 14
[7] Ga 15, 13
[8] Ga 10, 11
[9] Lc 15, 4 -7
[10] Ed 34, 11 -16
[11] Tông huấn Gia đình số 25
[12] Tông huấn Gia đình số 42-43
[13] Tông huấn Gia đình số 49, 50
[14] Thông điệp Laudato si’
[15] Thông điệp Laudato si', số 21-23
[16] Thông điệp Laudato si', số 21
[17] Thông điệp Laudato si', số 48-52