CÁC
CHIỀU KÍCH THẦN HỌC CỦA
LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN:
CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI
TS Tôma Nguyễn Như Danh
15.05.2023
WHĐ (16.05.2023) – Bài viết này trình bày chiều kích thứ hai
của linh đạo giáo lý viên. Đó là chiều kích Giáo hội, với nội dung như sau:
Chiều kích Giáo Hội trong linh đạo giáo lý viên được thể hiện
qua việc giáo lý viên nên thánh trong lòng Hội Thánh[1],
sứ mạng giáo lý viên đến từ Hội Thánh, và giáo lý viên thể hiện lòng vâng phục
Hội Thánh qua việc hiệp thông với các vị chủ chăn và các thành phần khác của
Dân Thiên Chúa. Cuối cùng Giáo lý viên phục vụ Hội Thánh theo gương Đức Giêsu
và Mẹ Maria.
1. GIÁO LÝ VIÊN NÊN THÁNH TRONG LÒNG GIÁO HỘI
Giáo lý viên là chi thể sống động của
Hội Thánh. Họ góp phần xây dựng Hội Thánh bằng đời sống bác ái yêu thương và bằng
việc loan báo Tin mừng.
1.1 Giáo lý viên được mời gọi nên thánh như
những Kitô hữu khác
“Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo Hội trong
Chúa Kitô, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta nên thánh trong Giáo Hội” (GH
48a).
Giáo Hội đón nhận sứ mệnh loan báo Tin Mừng cứu độ từ Đức
Kitô và Giáo Hội chia sẻ sứ mạng ấy cho giáo lý viên: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy
cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Như thế, ơn gọi và sứ mạng giáo lý
viên đến từ Thiên Chúa qua Hội Thánh. Chính Hội Thánh trao phó sứ mệnh dạy giáo
lý cho giáo lý viên để qua sứ mệnh đó giáo lý viên được nên thánh.
1.2
Giáo lý viên là chi thể sống động xây dựng Hội Thánh
Mỗi Kitô hữu là chi thể sống động trong nhiệm thể Chúa Kitô
đặc biệt Giáo lý viên là những viên đá sống động góp phần xây dựng Hội Thánh:
“Giáo lý viên là thành phần sống
động của Hội Thánh, góp phần xây dựng Hội Thánh và được Hội Thánh uỷ nhiệm. Lời
Chúa được uỷ thác cho Hội Thánh trung thành gìn giữ, đào sâu với sự trợ giúp của
Chúa Thánh Thần và công bố cho mọi người” (GC 7).
Giáo lý viên góp phần xây dựng Hội Thánh qua việc sống và
loan báo Lời Chúa theo sự hướng dẫn của Hội Thánh. Họ là những phần tử ưu tú,
là những chi thể sống động trong công tác mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội.
2. GIÁO LÝ VIÊN THỰC THI SỨ MẠNG ĐẾN TỪ HỘI
THÁNH VÀ TÙY THUỘC SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH
Sứ mạng của Hội Thánh đến từ Đức Kitô và Hội
thánh tìm cách chu toàn sứ mạng đó qua mọi thời đại. Giáo Hội chia sẻ sứ mạng
đó cách đặc biệt cho các giáo lý viên.
2.1 Sứ mạng Hội
Thánh đến từ Đức Kitô
Sứ mạng của Hội Thánh đến từ Đức Kitô và Hội
thánh tìm cách chu toàn sứ mạng đó qua mọi thời đại. Thật vậy, Hội Thánh, cộng
đồng môn đệ của Đức Kitô, đang sống trong trần gian giữa lần đến thứ nhất và lần
đến thứ hai của Người. Cho nên Hội Thánh phải hoàn thành sứ mạng cánh chung của
mình bằng việc loan báo Nước Thiên Chúa và thâu nạp mọi người từ bốn phương
thiên hạ lại trong Nước Thiên Chúa. Hội Thánh trên trần gian là giai đoạn khởi
đầu của Nước Thiên Chúa và là Bí tích phổ quát mang lại ơn cứu độ cho toàn thể
nhân loại[2]. Tông huấn Dạy giáo lý khởi đầu rất ấn tượng
với mệnh lệnh cuối cùng của Đức Kitô là hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc
trở nên môn đệ Chúa Kitô. Chính vì thế mà việc truyền giảng giáo lý[3] luôn luôn được Hội Thánh coi là nhiệm vụ tối
quan trọng:
“Việc
truyền đạt giáo lý luôn luôn được Hội Thánh coi là một trong những nhiệm vụ tối
quan trọng của mình vì trước khi lên cùng Cha Người, Đức Kitô phục sinh đã ban
cho các tông đồ một huấn lệnh sau cùng: làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ và dạy
bảo họ tuân giữ mọi điều người đã truyền [4].Như thế, Người trao cho các Tông đồ sứ mệnh
và quyền năng loan truyền cho nhân loại điều mà chính các ông đã được nghe, thấy
tận mắt, nhìn ngắm, sờ bằng tay, về Ngôi Lời ban sự sống [5]. Đồng thời Người trao cho các ông sứ mệnh
và quyền năng giải thích một cách có thẩm quyền, điều mà Người đã dạy các ông,
lời nói và việc làm của Người, các phép lạ và giới điều của Người. Và Người ban
Thần Khí cho các ông để hoàn thành sứ mệnh ấy.” (DGL 1)
Sứ
mạng Đức Kitô đã trao được Hội Thánh tích cực thi hành trong suốt hành trình lịch
sử của Giáo Hội. Các Tông đồ đã tích cực loan báo Tin Mừng, các Giáo phụ không
ngừng loan truyền Đức Giêsu Kitô và giáo lý của Người[6], và công cuộc ấy vẫn tiếp tục qua thừa tác
vụ của Hội Thánh cho đến tận thế.
Trước
hết, Hội Thánh xác định việc dạy giáo lý là quyền lợi và bổn phận thiêng
liêng của mình:
“Việc
dạy giáo lý bao giờ cũng là một bổn phận thiêng liêng và một quyền lợi bất khả
xâm phạm. Một mặt, đó hẳn là một bổn phận nảy sinh do mệnh lệnh của Chúa đè nặng
nhất là trên vai những kẻ, trong Giáo ước mới, nhận được ơn gọi vào thừa tác vụ
chủ chăn. Mặt khác, cũng có thể nói làm một quyền lợi: về phương diện thần học,
mọi người đã được thanh tẩy, chính do phép Thánh tẩy, đều có quyền được Hội
Thánh giảng dạy và huấn luyện, nhờ đó họ có thể tiến tới một đời sống Kitô hữu
đích thực; trên bình diện nhân quyền, mọi nhân vị đều có quyền tìm kiếm chân lý
tôn giáo và tự do theo chân lý ấy, một chân lý “không bị lệ thuộc vào áp lực của
cá nhân, của đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền lực trần thế nào khác, ngõ hầu,
trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm mình,
cũng không ai bị cản trở trong việc hành động theo lương tâm mình (Công đồng
Vatican II, tuyên ngôn về tự do tôn giáo, số 2)”” (DGL 14).
Bổn
phận dạy giáo lý nảy sinh do mệnh lệnh của Chúa đối với các vị chủ chăn và đối
với mọi tín hữu. Quyền lợi vì mọi tín hữu Kitô đều có quyền được Hội Thánh dạy
dỗ để sống Kitô hữu đích thực, đồng thời trên bình diện nhân quyền, mọi người đều
có quyền tìm kiếm chân lý tôn giáo. Điều này đòi buộc Hội Thánh không được chối
từ.
Thứ
đến, dạy giáo lý chiếm vị trí tối quan trọng trong các dự định mục vụ của
Hội Thánh:
“Hội
Thánh càng tỏ ra, ở cấp địa phương hay toàn cầu, có khả năng dành ưu tiên cho
việc dạy giáo lý – so với các công cuộc và sáng kiến khác mà kết quả có lẽ ngoạn
mục hơn – thì Hội Thánh càng tìm được trong việc dạy giáo lý, phương cách củng
cố đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu và hoạt động truyền giáo bên ngoài”
(DGL 15).
Như
thế, qua việc dạy giáo lý, Giáo Hội đang thi hành mệnh lệnh của Đức Kitô và
phát triển Hội Thánh. Đây không phải là việc làm mang tính cách trần tục nhằm củng
cố tổ chức Hội Thánh, nhưng là việc làm của đức tin, thể hiện sự trung thành với
Thiên Chúa là Đấng trung thành mãi mãi. Việc làm ấy tối quan trọng vì phát triển
đời sống thiêng liêng của con cái trong Hội Thánh, đồng thời thúc đẩy việc truyền
giáo nhằm đưa mọi người vào Nước Thiên Chúa.
Thứ
ba, việc dạy giáo lý là trách nhiệm chung của toàn thể Hội Thánh:
“Việc
dạy giáo lý vẫn là và sẽ còn là một công cuộc mà toàn thể Hội Thánh phải cảm thấy
và muốn gánh chịu trách nhiệm. Nhưng các thành viên của Hội Thánh cũng có trách
nhiệm riêng biệt, phát sinh từ sứ vụ của mỗi người. Do chức vụ của mình và ở cấp
bậc khác nhau, các vị Chủ chăn có trách nhiệm trên hết trong việc nâng cao hướng
dẫn và phối trí việc dạy giáo lý. Về phần mình, vị Giáo hoàng ý thức sâu xa
trách nhiệm tối các của mình trong lãnh vực này: ngài tìm thấy trong đó lý do của
sự ân cần mục vụ, nhưng nhất là nguồn vui mừng và hy vọng. Đối với các linh mục,
tu sĩ nam nữ, đó là một địa hạt đặc biệt cho việc tông đồ của họ. Ở một cấp bậc
khác, các phụ huynh có trách nhiệm riêng biệt. Thầy dạy, các thừa tác viên khác
nhau của Hội Thánh, các giáo lý viên và mặt khác, các người khởi xướng các công
cuộc truyền thông xã hội, tất cả mọi người, ở các trình độ khác nhau, đều có những
trách nhiệm rõ rệt trong việc giáo dục lương tâm tín hữu, việc giáo dục này rất
quan trọng cho đời sống của Hội Thánh, và ảnh hưởng đến đời sống của chính xã hội.
Một trong những kết quả tối hảo Thượng Hội đồng hoàn toàn dành cho vấn đề dạy
giáo lý, có lẽ là thức tỉnh, trong toàn thể Hội Thánh và trong mỗi khu vực của
Hội Thánh, một ý thức sâu sắc và linh hoạt về trách nhiệm riêng biệt của cộng đồng
này” (DGL 16).
Thế
nên, nhiệm vụ dạy giáo lý liên hệ toàn thể Hội Thánh, đến tất cả những ai đã
lãnh nhận bí tích Thánh tẩy: Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ,
giáo lý viên, các bậc phụ huynh[7] và tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích
Thánh tẩy[8]. Mỗi người tùy theo ơn gọi và sứ mạng của
mình để dự phần vào sứ mạng của Hội Thánh.
2.2 Sứ mạng giáo
lý viên tùy thuộc vào Hội Thánh.
Để chu toàn sứ mạng
cao cả này, Giáo Hội trao sứ mạng ấy cho mỗi tín hữu theo ơn gọi của mình. Giáo
lý viên là thành phần được Giáo Hội tín nhiệm và trao nhiều trách nhiệm trong
việc loan báo Tin mừng. Giáo lý viên là người được Hội Thánh uỷ nhiệm để thi
hành sứ mạng:
“Những
gì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhận xét về những người rao giảng Tin Mừng đều có
thể áp dụng hoàn toàn cho các giáo lý viên, những người mà vai trò của họ thực
sự thuộc về Hội Thánh và do đó mang tính cộng đoàn. Quả thế, giáo lý viên được
các vị mục tử uỷ nhiệm và chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận từ Hội Thánh và nhân
danh Hội Thánh. Giáo lý viên không phải là người thầy mà là đầy tớ khiêm hạ,
nên hành động của họ nối kết với hành động của toàn Hội Thánh trên bình diện thể
chế và ân sủng” (GC 26).
Giáo lý viên nhận sứ
mạng từ sự uỷ nhiệm của Hội Thánh. Việc uỷ nhiệm thích hợp nhất là nhận Bài
sai hay Uỷ Nhiệm thư như nhiều Giáo Hội địa phương đã làm. Điều này
làm nổi bật lên “tương quan giữa sứ vụ của Đức Kitô, của Hội Thánh và của
giáo lý viên” (GC 26). Việc nhận bài sai hay uỷ nhiệm thư này nên được thực
hiện trong “một nghi lễ phụng vụ đặc biệt, hoặc cảm hứng từ phụng vụ, được
chấp thuận và cử hành tại cộng đoàn gốc của giáo lý viên, trong đó Đức Giám mục
hoặc vị đại diện trao bài sai rồi làm một cử chỉ biểu lộ ý nghĩa của nói như
trao Thánh giá hoặc Sách Tin Mừng” (GC 26). Tông thư Antiquum Ministerium ngày
10/05/2021 về việc thành lập thừa tác vụ giáo lý viên, Đức thánh cha Phanxicô
cũng yêu cầu Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích sớm ban hành nghi thức trao ban thừa
tác vụ này (AM 8). Ngày 03/12/2021, Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích đã ban hành
Nghi thức phụng vụ trao thừa tác viên Giáo lý viên[9] và giao quyền cho các Đức giám mục giáo phận
quyết định ứng viên nào được nhận thừa tác vụ giáo lý viên (số 14).
Sứ mạng giáo lý
viên tùy thuộc vào Hội Thánh đến nỗi không được Hội Thánh uỷ nhiệm, chẳng thể
có ơn gọi và sứ mạng giáo lý viên:
“Hội
Thánh –Dân Thiên Chúa và Nhiệm Thể Chúa Kitô– đòi hỏi giáo lý viên ý thức sâu
xa về sự tùy thuộc và trách nhiệm của mình đối với Hội Thánh, vì giáo lý viên
là phần tử sống động và tích cực của Hội Thánh. Là dấu chỉ phổ quát của ơn cứu
độ, Hội Thánh đòi hỏi giáo lý viên sống mầu nhiệm và ân sủng đa dạng của Hội
Thánh, để được phong phú hoá và trở nên dấu chỉ sống động trong cộng đoàn anh
chị em. Việc phục vụ của giáo lý viên không bao giờ là một hành vi cá nhân hoặc
riêng tư, nhưng luôn luôn mang tính Giáo Hội sâu sắc (GC 7).
Chính vì thế mà mọi
việc phục vụ của giáo lý viên phải là phục vụ trong sự hiệp thông với Hội
Thánh. Những việc giáo lý viên làm không bao giờ là hành vi cá nhân riêng tư,
nhưng luôn mang tính hiệp thông với giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ (GC
26). Điều này dẫn đến hai xác tín:
-
Thứ nhất: hoạt động tông đồ không phải là hành vi cá nhân và đơn độc.
-
Thứ hai: Hoạt động tông đồ được hoàn tất trong sự hiệp thông với Hội Thánh, khởi
đầu từ Giáo Hội địa phương với Giám mục của mình
Ơn gọi giáo lý viên
là đặc sủng Thiên Chúa ban cho Hội Thánh, nên để chu toàn sứ mạng này, giáo lý
viên cần sống hiệp thông với Hội Thánh, theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, và đón
nhận từ Hội Thánh nguồn sức mạnh đỡ nâng cho ơn gọi giáo lý viên của mình.
3. GIÁO
LÝ VIÊN SỐNG HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH
Giáo lý viên sống kết hiệp với Đức Kitô, Đầu
của Hội Thánh. Chính vì thế mà việc kết hiệp với Đức Kitô luôn luôn phải là kết
hiệp trọn vẹn với Đức Kitô Toàn Thể tức là với Đầu và Thân mình, tức là với
Chúa Kitô và Hội Thánh của Người.
Giáo lý viên sống hiệp thông với Hội Thánh ở
ba thánh phần: Vinh thắng, thanh luyện và lữ hành.
3.1
Hiệp thông với Giáo Hội vinh thắng
Giáo lý viên sống hiệp thông với Giáo Hội
vinh thắng tức là sống hiệp thông với Đức Trinh Nữ Maria và các thánh.
- Hiệp
thông với Đức Maria và các Thánh[10]: Giáo lý viên đón nhận Đức Maria và
các thánh như là những mẫu gương sống động cho chúng ta trong đời sống đức tin.
Hơn nữa, các ngài là những nhà truyền giáo thực thụ vì đã sống và loan báo Chúa
Kitô bằng lời nói, việc làm và gương sáng. Đức Maria đã mang Chúa đến cho gia
đình bà Isave lúc còn mang Chúa trong cung lòng (Lc 1, 26-39). Mẹ cùng các Tông
đồ quay quần cử hành bí tích Thánh Thể (Cv 1, 14). Các tông đồ miệt mài rao giảng
Chúa Giêsu đã chết và sống lại dù phải hy sinh cả mạng sống. Các thánh tông phụ,
giáo phụ, giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân qua các thời đại đã
làm nên kho tàng phong phú cho việc huấn giáo. Thế nên, giáo lý viên các giáo xứ
thường chọn một vị thánh làm thánh bảo trợ cho mình và công cuộc huấn giáo[11].
- Đức
Maria và các Thánh cầu bầu cho giáo lý viên và công cuộc huấn giáo: công cuộc
rao giảng Tin mừng là công việc của toàn thể Hội Thánh, chính vì thế mà hôm nay
Đức Maria và các thánh đang hưởng vinh phúc Nước Trời, các ngài tiếp tục cầu bầu
cùng Chúa cho Hội Thánh lữ hành. Thế nên, nếu giáo lý viên năng chạy đến với
các ngài, họ sẽ đón nhận được nhiều ơn Chúa để sống ơn gọi và chu toàn sứ mạng
được trao phó.
3.2 Hiệp thông với Giáo Hội thanh luyện
Giáo lý viên có thể sống hiệp thông với Giáo
Hội thanh luyện qua việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện hình cũng như
xin các ngài cầu nguyện cho chúng ta.
-
Giáo lý viên cầu nguyện cho các linh hồn: Hội Thánh không ngừng cầu nguyện
cho các linh hồn, nhất là trong các Thánh lễ. Giáo lý viên cũng hãy siêng năng
cầu nguyện và dành nhiều hy sinh cho các ngài. Bây giờ các ngài không còn lập
được công phúc cho chính các ngài nên các ngài cần công phúc và lời cầu nguyện
của chúng ta. Đặc biệt, giáo lý viên có thể dâng những hy sinh, khó nhọc trong
việc dạy giáo lý để cầu nguyện cho các ngài sớm về hưởng kiến tôn nhan Chúa.
- Các
linh hồn cầu bầu cho giáo lý viên: Các linh hồn nơi luyện hình là những người
chắc chắn sẽ được hưởng vinh phúc trọn vẹn trên Nước Trời dù bây giờ còn phải
thanh luyện. Dù không thể lập công phúc cho chính mình, nhưng các ngài có thể cầu
bầu cùng Chúa cho chúng ta. Cho nên ngay bây giờ, và nhất là khi được lên Thiên
đàng, các ngài sẽ không bao giờ quên chúng ta, những người đang lữ hành dưới thế.
3.3 Hiệp thông với Giáo Hội lữ hành
Giáo lý viên sống hiệp thông với tất cả mọi
thành phần dân Chúa: Đức Thánh Cha, Giám mục giáo phận, cha sở, tu sĩ nam nữ,
anh chị em giáo lý viên và các thành viên các đoàn thể khác.
- Hiệp thông với các vị mục tử
Giáo lý viên sống hiệp thông với Đức Thánh Cha, với Đức Giám
mục giáo phận:
“Việc đón
nhận Hội Thánh được bày tỏ qua tình con thảo, sự tận tâm phục vụ và khả năng chịu
đau khổ vì Hội Thánh, đặc biệt qua sự gắn bó và vâng phục Đức Thánh Cha, là
trung tâm hiệp nhất và mối dây hiệp thông phổ quát, cũng như gắn bó và vâng phục
Đức Giám mục sở tại, là người cho và là người hướng dẫn Giáo Hội địa phương vào
biến cố trần gian của Giáo Hội lữ hành với bản chất là truyền giáo, và chia sẻ
khát vọng của Hội Thánh là đạt tới sự gặp gỡ chung cuộc và vinh quang với vị
Hôn Phu của mình” (GC 7).
Việc hiệp thông với Đức Thánh Cha được thể hiện trong việc gắn
bó và vâng phục ngài trong tinh thần đức tin, nhờ Đức Giêsu “Đấng đã tự hạ,
mặc lấy thân phận người tôi tớ, vâng lời cho đến chết” (Pl 2, 7 –8; x. Dt
5,8; Rm 5, 19). Sự vâng phục này phải được thực thi với tất cả tinh thần trách
nhiệm trong tư cách là thừa tác vụ giáo lý viên[12]
sau khi được tuyển chọn và uỷ nhiệm bởi người có thẩm quyền.
Hiệp thông với Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện và hiệp
thông với ngài trong những thao thức mục vụ của ngài đối với Hội Thánh. Cụ thể
hơn giáo lý viên bày tỏ lòng vâng phục của mình đối với ngài qua việc theo sự
hướng dẫn của Huấn quyền, nhất là về lãnh vực huấn giáo. Tích cực học hỏi và
thi hành giáo huấn của Đức Thánh Cha, của Toà Thánh, của Hội đồng Giám mục, của
Giám mục giáo phận.
Việc hiệp thông với Đức Giám mục giáo phận được thể hiện qua
việc yêu mến và vâng theo những chỉ dẫn mục vụ ngài đề ra. Giáo lý viên cần phải
quan tâm và thi hành công cuộc huấn giáo theo sự chỉ dẫn của Đức Giám mục.
Việc phục vụ của giáo lý viên được thực hiện trong sự hiệp
thông với Cha sở, người chịu trách nhiệm về giáo xứ được trao phó cho ngài [13]. Mọi sinh hoạt trong giáo xứ,
cách riêng là việc huấn giáo, đều được điều phối dưới sự hướng dẫn của cha sở.
Thế nên mọi sáng kiến, mọi chương trình, mọi tổ chức huấn giáo trong giáo xứ đều
được thực hiện trong sự hiệp thông với cha sở, thiếu yếu tố này mọi sinh hoạt
trong giáo xứ không còn có sự hiệp thông thực sự với Hội Thánh.
Trong khi thể hiện sự hiệp thông với các vị mục tử, giáo lý
viên không phải là người chỉ biết “vâng lời tối mặt” mà phải biết vâng lời
trong đối thoại, đưa ra những sáng kiến theo khả năng của mình để làm phong phú
và phát triển công cuộc huấn giáo. Song giáo lý viên cũng cần khiêm tốn khi
sáng kiến của mình không được hay chưa được quan tâm đón nhận, và đừng bao giờ
để những sáng kiến làm phá vỡ sự hiệp nhất vì sáng kiến dẫn đến chia rẽ không
bao giờ đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất Giáo Hội.
Bên cạnh việc yêu mến và vâng phục các vị chủ chăn trong tinh thần
đức tin, giáo lý viên cũng cần quan tâm đến việc tìm kiếm, cỗ vũ và vun trồng
ơn gọi linh mục, tu sĩ bằng việc cầu nguyện cho ơn kêu gọi, hướng dẫn và khám
phá ơn gọi nhờ biết giúp học viên ham học giáo lý, thích đời phục vụ, quan tâm
đến những người khác nhất là những người nghèo khổ, bị bỏ rơi. Việc quan tâm và
cổ võ ơn kêu gọi nói lên tinh thần yêu mến Giáo Hội, muốn Giáo Hội luôn có những
người lãnh đạo dân Chúa, và có những hoa quả thánh thiện là đời sống thánh hiến
và đời sống gia đình hạnh phúc.
- Hiệp thông với các giáo lý viên và các
thành phần khác:
+ Hiệp thông giữa các
giáo lý viên
Tính Hội Thánh trong linh đạo giáo lý viên được thể hiện
trong tình hiệp thông huynh đệ giữa các giáo lý viên với nhau theo nhiều cấp độ:
giáo lý viên giáo xứ, giáo lý viên trong hạt, giáo lý viên trong giáo phận, và
xa hơn nữa là giáo lý viên trong một quốc gia, giáo lý viên trên thế giới. Sự gặp
gỡ và làm việc với các giáo lý viên cấp giáo phận trở lên có lẽ không nhiều,
nhưng sự gặp gỡ và làm việc với các giáo lý viên trong giáo xứ được diễn ra thường
xuyên. Chính vì thế, tình huynh đệ giáo lý viên trong giáo xứ là rất quan trọng
để nuôi dưỡng và thăng tiến đời sống giáo lý viên. Thật thế, giáo lý viên làm
việc trong giáo xứ không bao giờ là làm việc cá nhân, nhưng là làm việc trong sự
hiệp thông với cha sở và với các giáo lý viên khác[14].
* Hiệp thông trong lời cầu nguyện: Tính hiệp thông được
thể hiện qua lời cầu nguyện của giáo lý viên. Giáo lý viên cầu nguyện cho Hội
Thánh, cho Đức Thánh Cha, cho các Đức Giám mục, linh mục… giáo lý viên cầu nguyện
cho giáo phận, cho giáo xứ, cho chính mình và các giáo lý viên [15], cho các học viên và gia
đình của họ. Lời cầu nguyện của giáo lý viên còn hướng đến các nhu cầu của thế
giới, của xã hội, của đất nước mình đang sống…
* Hiệp nhất trong công việc:
“Ý thức cộng đoàn cần khơi dậy
trong cá nhân thái độ cộng tác; thái độ này phải được huấn luyện và nâng đỡ.
Giáo lý viên phải biết lưu tâm đến các thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội nơi
mình sống và cộng tác với họ. Giáo lý viên được đặc biệt mời gọi cộng tác với
những giáo dân khác đang dấn thân hoạt động mục vụ, đặc biệt trong các Giáo Hội
mà các việc phục vụ của giáo dân phân biệt với phục vụ của giáo lý viên, được
phát triển nhiều hơn. Để có thể cộng tác ở cấp độ này, chỉ có xác tín nội tâm
mà thôi thì chưa đủ, phải sử dụng các phương thế thích hợp với công việc chung
như sắp xếp chương trình chung và kiểm điểm chung các công việc cũng như các hoạt
động khác nhau. Hiệp nhất mọi năng lực trước tiên là bổn phận của các mục tử,
nhưng giáo lý viên khôn ngoan thì phải cổ võ cho sự hiệp nhất tất cả những người
hoạt động trong phạm vi ảnh hưởng của mình” (GC 26).
Giáo lý viên cần ý thức rằng mình, hay giáo xứ mình không
đơn thương độc mã thi hành việc huấn giáo mà mình đang cùng với toàn thể Giáo Hội
khắp năm châu thi hành việc huấn giáo, và đang thực hiện dưới sự chỉ đạo của
Toà Thánh. Thế nên, thành công trong việc huấn giáo tại địa phương sẽ góp phần
xây dựng Hội Thánh và mỗi giáo lý viên đang được hưởng thành quả chung ấy. Hội
Thánh hoàn vũ đang cầu nguyện, quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sứ mạng
của Hội Thánh tại địa phương được chu toàn tốt đẹp. Tính hiệp thông trong công
việc được thực hiện trong giáo phận nhưng cụ thể nhất là tại các giáo xứ.
Tính hiệp thông ấy được thể hiện trong việc đồng tâm nhất
trí với nhau trong công việc chung. Giáo lý viên có quyền đóng góp ý kiến của
mình để xây dựng, nhưng khi người có thẩm quyền quyết định, thì tất cả đều cộng
tác với nhau để thực hiện cho dù quyết định đó không hợp với ý kiến của mình.
Thật tệ hại và tự hạ thấp phẩm giá giáo lý viên biết bao nếu trong những cuộc họp,
giáo lý viên nào đó không đóng góp ý kiến, nhưng sau khi sự việc đã được quyết
định, giáo lý viên ấy “bàn ra” và làm
mất tinh thần của các giáo lý viên khác. Tinh thần cộng tác giữa các giáo lý
viên càng cao, càng biểu lộ tính Giáo Hội trong ơn gọi và sứ mạng giáo lý viên.
Việc khoán trắng cho giáo lý viên nào đó hoặc thiếu cộng tác với nhau trong huấn
giáo không những làm trì trệ công cuộc giáo dục đức tin, gây gương mù cho các học
viên vì thiếu tình bác ái huynh đệ, đồng thời làm thương tổn đến sự hiệp thông
trong Giáo Hội. Trái lại, càng cộng tác với nhau trong sứ mạng, càng nâng đỡ
nhau trong chu toàn sứ vụ, giáo lý viên càng thể hiện rõ tính Giáo Hội trong
giáo xứ của mình.
* Hiệp thông trong cuộc sống đời thường:
Giáo lý viên không chỉ giúp nhau trong công tác mà còn giúp
nhau trong đời sống vật chất và tinh thần như cộng đoàn tín hữu thời sơ khai
(Cv 2, 42-47). Đó là biểu hiện của tình hiệp thông huynh đệ thực sự của những
người là con cái Thiên Chúa. Vì thế, giáo lý viên cần phải sống vui vẻ hoà đồng,
yêu thương, tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như trong đời sống. Giáo lý
viên càng yêu thương, hiệp nhất, gia đình giáo lý viên càng vững mạnh. Trái lại,
việc kéo bè, kết phái sẽ gây chia rẽ giáo lý viên và phá vỡ tình hiệp thông.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, lo lắng thăm hỏi những anh chị em giáo lý viên gặp
gian nan thử thách không những nâng đỡ họ rất nhiều trong đời sống đức tin và dấn
thân phục vụ, nhưng còn thể hiện được tinh thần bác ái Kitô giáo, tình hiệp
thông thắm thiết của những người môn đệ Chúa Kitô: “Cứ dấu này mà người ta
biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Tình
yêu thương hiệp nhất ấy mời gọi các giáo lý viên biết dâng những hy sinh, và
dâng lời cầu nguyện cho nhau.
Vì được mời gọi phục vụ trong công tác huấn giáo, các thành
viên trong gia đình giáo lý viên gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi
niềm vui, nỗi buồn của mỗi thành viên là niềm vui, nỗi buồn của cả gia đình
giáo lý viên. Do đó, tư cách, đời sống đức tin của mỗi giáo lý viên sẽ ảnh hưởng
tích cực hay tiêu cực đến tập thể giáo lý viên, ảnh hưởng đến kết quả loan báo
Tin mừng. Chính vì thế, giáo lý viên không ngừng được mời gọi làm tăng uy tín
và danh dự của gia đình giáo lý viên bằng cách sống trưởng thành về nhân bản, về
thiêng liêng, tri thức và hoạt động tông đồ. Đó là trách nhiệm, nhưng cũng là
con đường thăng tiến của mỗi giáo lý viên.
+ Hiệp thông với các
thành phần khác.
Bên cạnh xây dựng mối tương quan tốt đẹp với các giáo lý
viên, mỗi giáo lý viên cần tạo mối tương quan tốt đẹp với các học viên và gia
đình học viên, có sự liên lạc thường xuyên với các phụ huynh với lòng kính trọng
đồng thời mời gọi họ hợp tác, đôn đốc con em chuyên chăm học giáo lý và thể hiện
đời sống xứng đáng là người con cái Thiên Chúa.
Tinh thần cộng tác của giáo lý viên còn thể hiện trong việc
hợp tác Ban Hành giáo, với các đoàn thể khác trong giáo xứ để giúp nhau chu
toàn sứ vụ riêng của mỗi người. Sự hợp tác và nâng đỡ các đoàn thể khác của
giáo lý viên biểu lộ tính Giáo Hội rất cao: mỗi chi thể trong nhiệm thể Chúa
Kitô có bổn phận lo lắng cho các chi thể khác để làm phong phú cho toàn thân.
Hơn nữa, có sự cộng tác, trao đổi giữa các đoàn thể, việc tông đồ trong giáo xứ
sẽ tiến triển hài hoà tạo được sự hiệp nhất, sức mạnh và hiệu quả cao trong công
tác tông đồ.
4. GIÁO LÝ VIÊN PHỤC VỤ HỘI THÁNH THEO GƯƠNG
CHÚA GIÊSU
Tính giáo hội trong linh đạo giáo lý viên mời gọi giáo lý
viên hết lòng phục vụ Hội Thánh theo gương Chúa Giêsu:
“Ý thức về
Hội Thánh trong linh đạo giáo lý viên, được diễn tả qua tình yêu chân thành đối
với Hội Thánh theo gương Đức Kitô, Đấng “đã yêu mến Hội Thánh và phó mình vì Hội
Thánh” (Ep 5, 25). Đây là một tình yêu chủ động, thúc đẩy giáo lý viên tham gia
vào sứ mạng cứu độ, đến nỗi nếu cần, hiến đời mình cho Hội Thánh” (GC 7).
4.1 Đức Giêsu đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh
Đức Giêsu đã yêu thương Hội Thánh và hết lòng phục vụ Hội
Thánh. Giáo lý viên là những người bước theo Đức Kitô để loan báo Tin Mừng cứu
độ cũng cần dấn thân cho Giáo Hội theo gương của Người, chấp nhận hy sinh và
lao nhọc:
“Giáo lý viên phải biết đau khổ
vì Giáo Hội bằng cách chịu lao nhọc khi làm việc tông đồ chung với nhau và chấp
nhận những bất toàn của các thành viên Giáo Hội, biết bắt chước Đức Kitô, Đấng
yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (GC 26).
Sứ mạng giáo lý viên đòi hỏi họ phải hy sinh thời giờ, sức
khoẻ, công sức, tài năng, ý riêng… cho việc huấn giáo. Giáo lý viên có thể gặp
những khó khăn bên ngoài do môi trường, hoàn cảnh xã hội, nhưng cũng có thể có
những khó khăn bên trong do sự bất toàn của các thành viên trong Giáo Hội, và
có thể của cả chính cá nhân mình. Nhưng trong tất cả mọi sự, giáo lý viên cần lấy
tinh thần đức tin mà vượt qua khó khăn để phục vụ Giáo Hội theo gương Chúa
Kitô. Tất cả những thập giá đó của đời giáo lý viên có thể chuyển thành thánh
giá, thành thước đo tình yêu của giáo lý viên đối với Chúa, đối với Hội Thánh
và đối với các linh hồn.
4.2 Noi gương Đức Kitô, giáo lý viên phục vụ Hội Thánh
Noi gương Đức Kitô, giáo lý viên phục vụ Tin mừng nhân danh
Hội Thánh và theo sự hướng dẫn của Hội Thánh. Có những người không đồng ý với
quan điểm của Hội Thánh, nhưng giáo lý viên phải luôn xác tín rằng Giáo Hội
luôn luôn phục vụ theo ý Chúa. Vì thế, trong khi phục vụ Tin mừng theo ý Chúa
qua sự hướng dẫn của Hội Thánh, giáo lý viên không thể làm vừa lòng tất cả mọi
người, cũng không được bóp méo giáo huấn của Chúa và Giáo Hội để làm vừa lòng
người khác. Cố gắng và nỗ lực đó đòi hỏi rất nhiều hy sinh và đau khổ, nhưng đó
là biểu hiện tình yêu tự hiến cho Giáo Hội noi gương thầy Chí Thánh Giêsu.
Giáo Hội luôn đánh giá cao sự cộng tác của giáo lý viên vì họ
đã dám dấn thân phục vụ không biết mệt mỏi theo gương Chúa Giêsu. Chắc chắn việc
phục vụ Giáo Hội như thế sẽ đem lại cho họ nhiều an ủi đỡ nâng ngay từ cuộc sống
này và sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho họ trên Nước Trời.
5. GIÁO
LÝ VIÊN SỐNG THEO GƯƠNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Đức Maria, giáo lý viên đầu tiên,
luôn gắn liền với việc cầu nguyện, loan báo Tin Mừng, chiêm ngắm Đức Giêsu
trong Bí tích Thánh Thể và sống hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn Giáo hội. Bởi
đó, giáo lý viên cũng cần sống bắt chước Đức Maria.
5.1 Linh đạo giáo lý viên giàu tinh thần Đức
Maria
Linh đạo giáo lý viên giàu tinh thần Đức Maria vì Mẹ đóng
vai trò quan trọng trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Mỗi người làm việc
tông đồ phải hiểu được vai trò của Mẹ đồng thời yêu mến và sống thân mật với Mẹ:
Linh đạo của giáo lý viên cũng
như của mỗi Kitô hữu và nhất là mỗi tông đồ, phải giàu tinh thần Đức Maria. Trước
khi giải thích cho người khác biết vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm Đức
Kitô và Hội Thánh, giáo lý viên phải sống thân mật với Đức Maria, cùng với cộng
đoàn, một lòng sùng kính Đức Maria. Giáo lý viên hãy tìm thấy nơi Đức Maria một
gương mẫu đơn sơ và hữu hiệu để trước hết thực hiện nơi bản thân rồi đưa ra đề
nghị điều này: “Quả thật, Đức Trinh Nữ đã là gương mẫu của tình yêu mẫu tử,
tình yêu đó phải linh hoạt hóa tất cả những ai, vì liên kết với sứ mạng tông đồ
của Hội Thánh đang ra sức tái sinh con người.” (GC 10).
Việc rao giảng Lời Chúa luôn gắn liền với việc cầu nguyện, cử
hành Bí tích Thánh Thể, hiệp thông huynh đệ, Giáo Hội sơ khai quây quần bên Đức
Maria, thân mẫu Đức Giêsu (Cv 1, 14) đã sống thực tại phong phú này (GC 10).
- Đức Maria cộng tác tích cực với Thiên Chúa trong mầu
nhiệm nhập thể và cứu độ của Ngôi Lời[16].
Nhờ sự đáp trả tự do “xin
vâng” của Mẹ đối với lời đề nghị của Thiên Chúa mà chúng ta có được Đức
Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ. Mẹ đã kết hợp mật thiết với Đức Kitô để cứu độ nhân loại:
“Đức Trinh nữ Maria đã “cộng tác
vào việc cứu độ nhân loại, nhờ lòng tự do tin và tự do vâng phục” (GH 56). Mẹ
đã nói lên lời xin vâng “nhân danh toàn thể nhân loại”. Nhờ vâng phục, Mẹ đã trở
thành Evà mới, mẹ của chúng sinh” (GLCG 511)
- Đức Maria còn đóng vai trò rất quan trọng trong mầu nhiệm
Hội Thánh:
+ Mẹ là thành phần của Giáo Hội, thành phần ưu tuyển, tuyệt
hảo nhất.
+ Mẹ là khuôn mẫu của Giáo Hội về nhiều mặt. Mẹ đi trước Hội
Thánh trong việc cưu mang Chúa Kitô, trong cuộc lữ hành đức tin. Hôm nay, Mẹ đã
hoàn tất hành trình lữ thứ của mình và đang được hưởng vinh phúc trên thiên
đàng cả hồn lẫn xác. Mẹ là mẫu gương cho Hội Thánh về đức tin, đức cậy và đức mến.
Mẹ là gương mẫu cho Giáo Hội trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong việc cầu nguyện,
trong việc hiến dâng và trong việc sinh con cái cho Hội Thánh. Sau biến cố Đức
Kitô chịu chết và sống lại, Đức Maria luôn luôn hiện diện với Hội Thánh để cầu
nguyện, cử hành Thánh Thể và sống tình hiệp thông huynh đệ.
Sau khi được Chúa rước về trời cả hồn lẫn xác, Đức Maria tiếp
tục chuyển cầu cho Hội Thánh và cho chúng ta. Vai trò trung gian tùy thuộc này
của Mẹ đến từ vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô [17].
Bởi thế, chúng ta đón nhận được ơn Chúa nhờ sự chuyển cầu của Mẹ [18].
Đời sống giáo lý viên trở nên phong phú nhờ Mẹ. Nếu như xưa
Mẹ luôn hiện diện để nâng đỡ các Tông đồ, cùng các ngài cầu nguyện và cử hành
Thánh Thể, thì giáo lý viên cũng được Mẹ thương hiện diện, đỡ nâng và phù trợ để
có thể chu toàn sứ mạng. Chính vì thế, giáo lý viên tìm thấy nơi Đức Maria mẫu
gương và động lực cho sứ mạng dạy giáo lý và phát triển đời sống tâm linh của
mình.
5.2
Đức Maria là mẫu gương cho giáo lý viên
Đức Maria cộng tác tích cực với Thiên Chúa
trong mầu nhiệm cứu độ. Mẹ là gương mẫu của Giáo Hội và là gương mẫu cho mỗi
giáo lý viên.
- Đức Maria mở lòng ra với chương
trình của Thiên Chúa
Mẹ Maria mở lòng ra với chương trình của Thiên Chúa bởi lòng
tin, cậy trông vào ơn Chúa và sống lòng tin đó với tất cả lòng yêu mến.
Thật vậy, được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đức
Maria mở lòng ra với chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi chấp thuận lời
thiên sứ truyền tin[19]. Mẹ vâng theo thánh ý Chúa
với tất cả lòng tin, cậy, mến.
Mẹ tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện[20].
Cuộc đời Đức Maria là một cuộc hành trình đức tin đầy gian khó vì có những lúc
Mẹ đâu hiểu được hết thánh ý Thiên Chúa. Chẳng hạn, Thiên Chúa hứa là Đức Giêsu
mà Mẹ sinh ra sẽ làm vua muôn đời, nhưng vị vua này lại được sinh ra trong cảnh
thiếu thốn ở hang lừa máng cỏ, bị Hêrôđê bạo vương truy lùng để giết, phải sống
nơi đất khách quê người. Đặc biệt là biến cố tử nạn của Đức Giêsu, Mẹ đứng kề
thánh giá nhìn con đang đau khổ, chết dần và trút hơi thở. Thế nhưng Mẹ vẫn tín
thác vào lời Chúa hứa.
Tất cả những điều ấy nói lên lòng tin, cậy, mến của Mẹ đối với
Thiên Chúa. Lòng yêu mến của Mẹ đối với Thiên Chúa được thể hiện qua việc tuân
giữ Lề luật và huấn lệnh Chúa truyền. Lòng tin cậy mến của Mẹ là mẫu gương cho
Giáo Hội, cho tất cả những ai đang làm tông đồ.
Hành trình đức tin giáo lý viên không phải lúc nào cũng êm
chèo mát mái. Có những lúc vững tin, sốt sắng, nhưng cũng có lúc giáo lý viên gặp
phải khó khăn trong đời sống đức tin, thất bại trong công việc tông đồ, những
khó khăn trong đời sống gia đình hay tương quan bè bạn, cùng với những mệt nhọc
và yếu đau…Những lúc ấy, giáo lý viên cần noi gương Mẹ để giữ một đức tin sắt
son, đức cậy vững vàng và lòng mến yêu tha thiết.
- Đức Maria nuôi dưỡng và dạy dỗ Đức Giêsu
Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con
người. Về phương diện nhân tính, Người được Đức Maria sinh ra, nuôi dưỡng, dạy
dỗ để nên người:
“Do ơn gọi đặc biệt, Đức Maria
nhìn thấy Con Thiên Chúa ‘lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng’ (Lc 2, 52). Mẹ
là thầy dạy Đức Giêsu, ‘huấn luyện Người trong sự hiểu biết về Thánh Kinh và kế
hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và trong sự tôn thờ Chúa Cha’”
(GC 10)
Đức Maria nuôi dưỡng, dạy dỗ Đức Giêsu để Đức Giêsu trở nên
một con người trưởng thành và trao tặng Con yêu dấu của Mẹ cho thế giới. Giáo
lý viên cũng phải là người quan tâm nuôi dưỡng và làm cho Đức Kitô lớn lên
trong tâm hồn các học viên. Mẹ Maria dạy Đức Giêsu biết Thánh Kinh, biết kế hoạch
yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài và biết tôn thờ Thiên Chúa như thế
nào cho phải đạo, thì giáo lý viên cũng noi gương Mẹ dạy cho các học viên biết
Thánh kinh, biết kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và biết tôn thờ Thiên Chúa
trong “Tinh thần và Chân lý” (Ga 4,
23)
- Đức Maria là môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu
Đức Maria là môn đệ thứ nhất của Đức Giêsu:
“Thứ nhất trong thời gian
vì ngay khi tìm lại được Đức Giêsu trong Đền Thờ, Đức Maria lãnh nhận từ cậu
con niên thiếu của người những bài học mà người giữ kỹ trong lòng (Lc 2, 51);
thứ nhất đặc biệt là vì không ai đã là “môn sinh của Thiên Chúa” một cách
cao sâu đến thế (DGL 73).
Thánh Augustinô đã mạnh dạn nói rằng: “Đối với Đức Maria,
được làm môn đệ thì quan trọng hơn là làm Mẹ. Người ta cũng có thể khẳng định một
cách vui vẻ và chí lý rằng Đức Maria là một “cuốn giáo lý sống động” Mẹ là mẫu
gương của giáo lý viên (GC 10).
Đức Maria là Mẹ Đức Giêsu nhưng người cũng là môn đệ thứ nhất
của Đức Giêsu. Là môn đệ Đức Giêsu, Đức Maria luôn biết “lắng nghe Lời Chúa
và suy đi nghĩ trong lòng” (Lc 2, 19). Đó là thái độ căn bản của người môn
đệ.
Giáo lý viên là môn đệ Đức Giêsu, nên giáo lý viên cũng cần
học nơi Mẹ bài học lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Có như thế, giáo lý
viên mới sinh ra Đức Giêsu trong lòng mình và trong lòng học viên. Đó là noi
gương Đức Maria sống tình mẫu tử vậy.
-
Đức Maria là Mẹ: mẫu tính
Khi Đức Giêsu đang giảng có người báo cho biết là mẹ và anh
em Chúa đang tìm Chúa thì Chúa Giêsu trả lời với đám đông: “Ai là Mẹ Ta, ai
là anh em Ta? Ai nghe và giữ Lời Chúa, người ấy là Mẹ, là anh em của Ta”
(Lc 8, 21). Nghe qua ta nghĩ rằng Đức Giêsu không mấy quan tâm đến mẹ Người,
nhưng thực ra Đức Giêsu gián tiếp nói cho mọi người biết rằng Đức Maria không
chỉ là Mẹ vì đã sinh ra Đức Giêsu, nhưng còn là Mẹ vì lắng nghe và thực hành Lời
Chúa hơn bất cứ ai. Thế nên, Mẹ xứng đáng là Mẹ Đức Giêsu hơn ai cả.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đức Giêsu và là Mẹ Hội Thánh.
Mẹ cũng là Mẹ mỗi giáo lý viên nữa:
“Chớ gì giáo lý viên tìm thấy nơi Mẹ Maria mẫu gương đơn
sơ và hữu hiệu để noi theo và giúp người khác noi theo: “Đời sống của Đức Trinh
Nữ là một gương sáng về tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực
của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh để tái sinh nhân
loại.” (GC 10)
Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại.
Mẹ cũng là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của mỗi giáo lý viên. Giáo lý viên học nơi Mẹ để
biết cộng tác với Giáo Hội trong việc sinh hạ con cái cho Chúa.
Giáo lý viên được mời gọi cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Hội
Thánh để tái sinh nhân loại bằng việc sinh ra Đức Giêsu Kitô nơi các tâm hồn.
Thế nên, khát khao sinh ra Chúa Giêsu nơi các tâm hồn phải là trăn trở, là động
lực và là thao thức của mỗi giáo lý viên.
-
Đức Maria là nhà truyền giáo
Nếu nói truyền giáo là đem Chúa Giêsu đến cho người khác thì
Mẹ Maria có một tinh thần truyền giáo sâu sắc. Khi được thiên thần truyền tin,
Mẹ vội vàng băng đồi vượt suối dù đường khó khăn gian khổ để thăm gia đình ông
Giacaria và bà Êlisabéth. Mẹ đến thăm không chỉ là để giúp chị họ sắp sinh nở
trong tuổi già, nhưng đó là một hành trình truyền giáo: Mẹ đem Chúa Giêsu đến với
gia đình người chị họ. Gioan tẩy Giả lúc ấy còn trong bụng bà Êlisabéth đã nhảy
lên vui sướng khi được Mẹ đem Chúa đến viếng thăm. Bà Êlisabéth thì hớn hở vui
mừng cất tiếng ca ngợi: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm” (Lc
1, 43).
Giáo lý viên học nơi mẹ lòng nhiệt tâm truyền giáo, làm việc
tông đồ, dạy giáo lý không biết mệt mỏi, chấp nhận mọi gian lao, khốn khó, nguy
hiểm…miễn sao Đức Kitô được rao giảng và yêu mến. Linh đạo giáo lý viên giàu
tinh thần Đức Maria. Cuộc đời giáo lý viên gắn bó chặt chẽ với Mẹ. Mẹ là gương
mẫu để giáo lý viên noi theo và cũng là động lực giúp giáo lý viên chu toàn sứ
mệnh tông đồ Hội Thánh trao phó.
Giáo lý viên, chi thể sống động của Hội Thánh, nên thánh và
thi hành sứ mạng của Hội Thánh trong sự hiệp thông với Hội thánh vinh thắng, Hội
thánh thanh luyện và Hội thánh lữ hành. Giáo lý viên không hành động riêng lẻ
nhưng thi hành sứ mạng của mình trong sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, đặc
biệt với giám mục giáo phận và các cha sở đại diện cho giám mục giáo phận. Một
ý nhỏ người viết xin gợi ra đây để mọi người suy nghĩ về Giáo hội hiệp hành:
Quý cha sở, cha đặc trách huấn giáo tạo điều kiện thế nào để giáo lý viên sống
được chiều kích Hội thánh và phần giáo lý viên, họ cần phải chuẩn bị thế nào để
có sống chiều kích đó?
DANH MỤC VIẾT TẮT
GC: Guide for Catechists. 1993
GDFC: General Directory for Catechesis, 1997.
GDFC 2020: Directory for Catechesis, 2020.
GH: Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”. 1964
GLCG: Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. 1992
KTHGD: Tông
huấn Kitô hữu giáo dân “Christifideles
Laici”.1988
THAM KHẢO
Catechism of the Catholic Church. 1992. Retrieved from Vatican.va
on 21 March 2022
Code of Canon Law. 1983. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for
the Clergy, General Catechetical Directory. 1971. Retrieved from
Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for
the Clergy, General Directory for Catechesis, 1997. Retrieved
from Vatican.va on 21 March 2022
Congregation for Evangelization of Peoples, Guide for
Catechists. Document of vocational, formative and promotional orientation
of Catechists in the territories dependent on the Congregation for
Evangelization of Peoples.1993. Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
Dicastery for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments. Letter
to the Presidents of the Episcopal Conferences on the Rite of Institution of
Catechists (3 December 2021). Retrieved from wwww.vatican.va on 15
May 2023
John Paul II, Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16
October 1979). Retrieved from Vatican.va
on 21 March 2022
John Paul II, Post-synodal Apostolic Exhortation, Christifedeles
Laici (30 December 1988). Retrieved from Vatican.va
on 21 March 2022
Vatican Council II, Pastoral Constitution the Church in the
Modern World. Gaudium et Spes (7 December 1965). Retrieved from
Vatican.va on 21 March 2022
Vatican Council II, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium (21 November 1964). Retrieved from Vatican.va on 21 March 2022
[1] Chúa Cha muốn quy tụ mọi người thành dân được tuyển
chọn, dân được cứu độ: “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người
cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc để họ
nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (GH 9).
Dân đó là Israel mới, là Giáo Hội. Giáo Hội quy tụ những ai tin vào Đức Kitô và
nhờ Người mà nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Những ai được Thiên Chúa quy tụ
nhờ tin vào Đức Giêsu họ trở thành chi thể trong Thân Thể duy nhất của Đức
Kitô.
[3] Xét về vị trí thì huấn giáo là một trong những hình
thức truyền giảng Tin Mừng. Xét về nhiệm vụ thì đây là một nhiệm vụ tối quan trọng
trong ba nhiệm vụ của Hội Thánh. Theo giáo luật 1983 thì nhiệm vụ giảng dạy của
Hội Thánh bao gồm: Rao giảng Lời Chúa, Huấn giáo, hoạt động truyền giáo, giáo dục
công giáo, sử dụng các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng và việc tuyên xưng đức tin. (x. đ. 747 –
883)
[7] x. DGL 16. 68; KTHGD 34; Công đồng Vatican II, tuyên
ngôn về Giáo dục Kitô giáo, số 3. Nội dung của những số trích dẫn này nói rằng
gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là thầy cô thứ nhất của trẻ nhỏ. Việc
dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và làm phong phú mọi hình thức
khác của việc dạy giáo lý. Bởi đó cha mẹ cần chuẩn bị để làm giáo lý viên cho
con cái.
[9] Dicastery for
Divine Worship and the Discipline of the Sacraments. Letter to the Presidents of
the Episcopal Conferences on the Rite of Institution of Catechists
(3 December 2021).
[11] Một số giáo phận chọn Chân Phước Anrê Phú Yên làm bổn
mạng của giáo lý viên như Giáo phận Xuân Lộc, giáo phận Tp.HCM.
[15] Giáo lý viên Xuân Lộc được đề nghị đọc 3 kinh Kính mừng
mỗi ngày để cầu nguyện cho các giáo lý viên (x. Bước đi, số 51)
[16] Hiến chế Giáo Hội nói đến vai trò Đức Trinh Nữ trong
Mầu nhiệm cứu rỗi. Hình ảnh của Mẹ được tiên báo trong Cựu Ước (số 55). Vai trò
của Mẹ trong Mầu Nhiệm Nhập Thể: Biến cố Truyền tin, thời thơ ấu, công khai và
sau khi Đức Kitô về trời (x. GH 56 –59).
[18] Người ta thường nói Đức Mẹ ban ơn. Nhưng chúng ta cần
hiểu cho đúng là Đức Mẹ ban ơn không phải do chính Mẹ tự có nguồn ân sủng mà là
do Mẹ được đầy ân sủng, đặc ân Chúa ban như tên của Mẹ là Đầy Ân Phúc vậy. Mẹ
được chia sẻ trọn vẹn với Đức Giêsu Con Mẹ trong mầu nhiệm cứu độ và là trung
gian để chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa (GLCG 2684). Chạy đến với Mẹ,
chúng ta đón nhận được nhiều ơn Chúa, chúng ta biết ơn Mẹ nhưng phải xác quyết
rằng mọi ơn đều do Thiên Chúa ban và mọi lời tạ ơn phải quy về Chúa.
[20] x. Lc 1, 45