BỮA TIỆC LY CỦA CHÚA GIÊSU LÀ NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG
Giuse Phạm Đình Ngọc
SJ
Thứ Năm Tuần Thánh
2022
WHĐ (14.4.2022) - Cuộc Thương Khó của Chúa
Giêsu là đỉnh cao của nghi lễ phụng vụ trong Giáo hội Công giáo. Cuộc thương
khó này bắt đầu từ biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem cho đến lúc
Chúa Giêsu được mai táng trong mồ. Trong đó, các bản văn Tin Mừng đều thuật lại
Bữa tiệc ly như là nghi thức quan trọng không chỉ vì là dịp lễ Vượt Qua của người
Do Thái, nhưng còn vì đó là nơi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ cử hành “thánh lễ
đầu tiên”, nơi mà Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, và bí tích Truyền Chức
Thánh. Bữa tiệc ly trong Tin Mừng nhất lãm ngắn gọn hơn so với Gioan. Tuy vậy,
cả bốn Tin Mừng đều cho thấy những nét tương đồng ít nhiều về bữa tiệc này.
Để chú giải bản văn (Mt 26,17–29), chắc chắn
chúng ta cần đi vào truyền thống lịch sử của ngày lễ Vượt Qua, để qua chú giải
về mặt văn chương và lịch sử, sự phong phú của bản văn được làm nổi bật. Trên hết,
khi đi vào từng lớp nghĩa của bản văn, tôi muốn cho thấy Bữa tiệc ly thực sự là
nguồn mạch sự sống mà Thiên Chúa dành cho con người ở cả chiều kích chú giải bản
văn cũng như chiều kích phụng vụ.
1. Bối
cảnh lịch sử của bữa tiệc ly
Hầu hết các học giả đều cho rằng Bữa tiệc ly
thuộc về dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, một bữa ăn tối đặc biệt như lời giải
thích của rabbi Gamaliel (sống ở thế kỷ 1): “Nhiệm vụ của mỗi người ở mọi thế hệ
cần nhắc nhớ mình về việc được giải thoát khỏi ách thống trị ở bên Ai Cập”.[1]
Sách Xuất Hành cũng ghi lại chi tiết về một bữa tối sau cùng ở Ai Cập: “Trong
ngày ấy, ngươi sẽ kể lại cho con của ngươi rằng: Sở dĩ như vậy là vì những gì Đức
Chúa đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai Cập.” (Xh 13,8). Ngoài ra, Gamaliel còn
cho biết mục đích của bữa tối như là thời gian để dân Do Thái ngợi khen, chúc tụng
và tạ ơn Thiên Chúa đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ: từ đau thương đến niềm
vui, từ buồn sầu đến hân hoan của ngày lễ, từ bóng tối đến ánh sáng. Việc hát
Thánh Vịnh có thể lột tả được những tâm tình này.
Về mặt thời gian, vì Bữa tiệc ly nằm trong dịp
lễ Vượt Qua của người Do Thái nên đó là ngày 14 tháng Ni-xan. Dịp này người dân
thường hành hương lên đền thờ Giêrusalem để tham dự lễ hiến tế con chiên. Hình ảnh
con chiên cũng nhắc nhở dân rằng mệnh lệnh của Thiên Chúa dành cho dân trước
đêm rời khỏi Ai Cập (x. Xh 11,10-14). Đây là buổi lễ vượt qua mà chính Chúa
Giêsu cũng lên Giêrusalem, như nhiều lần trước, để tham dự. Hơn nữa, chính Chúa
Giêsu biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình trong dịp lễ này. Chính Ngài cũng chuẩn
bị cho bữa tối này trong bí mật.[2]
Dường như Chúa Giêsu cũng cảm thấy mối nguy hiểm từ phía Thượng Hội đồng, Tin Mừng
nhất lãm đều cho thấy Chúa Giêsu gửi các môn đệ đi nhận phòng dùng cho bữa tối[3].
Trong mạch văn này, chúng ta nhận thấy hôm ấy chỉ có Chúa Giêsu và các môn đệ.[4]
Ngay từ câu 17, Mátthêu cho biết thời gian và
bối cảnh của Bữa tiệc ly: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men-ἄζυμος.” Ngày này đúng ra bắt đầu từ sau bữa ăn Vượt
Qua (chiều ngày 14 tháng Ni-xan, x. Xh 12,1; 23,14). Tuy nhiên, kiểu nói của
Mátthêu cũng cho thấy bữa ăn cuối cùng này đối với Chúa Giêsu cũng là ăn lễ Vượt
Qua. Thánh Gioan thì cho rằng lúc này là thời gian canh thức chờ ngày lễ Vượt
Qua (Ga 13,1). Lúc đó, chính Chúa Giêsu sẽ là con chiên hiến tế trong đền thờ
(Ga 19,31. 42). Vượt Qua là một trong những lễ lớn của người Do Thái, nên chắc
chắn đám đông sẽ đổ về Giêrusalem để mừng trong những ngày này. Hơn nữa, sẽ có
những nghi thức mà Chúa Giêsu và các môn đệ cũng sẽ cử hành trong dịp này.
Về giờ cụ thể cho Bữa tiệc ly, bản dịch của
các Giờ Kinh Phụng Vụ (2011) dùng từ: “Chiều đến”. Cần hiểu rằng văn hóa của
người Palestine, họ không dùng bữa tiệc Vượt Qua trước khi mặt trời lặn; nghĩa
là trời tối, họ mới ăn bữa Vượt Qua. Bản Hy Lạp dịch: “Khi trời đã tối-Ὀψίας-when
evening came”; và theo mạch văn, bữa tiệc Vượt Qua diễn ra ở nội thành
Giêrusalem[5].
2. Thiết
lập Bí Tích Thánh Thể
Bữa tiệc Vượt Qua thường rất dài với nhiều
nghi thức phụng vụ và cả món ăn, thức uống theo truyền thống của người Do Thái.
Trước khi phân tích những điều này, về bản văn, chúng ta thấy chính Chúa Giêsu
thông báo về một người sẽ nộp Ngài. Giọng văn cho thấy Chúa Giêsu đã biết trước
ai là người phản bội mình, nên nói: “Thầy bảo thật cho anh em, một người trong
anh em sẽ nộp thầy.” (Mt 26,20). Dĩ nhiên đây là một tin rất sốc cho các môn đệ,
bởi không ai có thể tưởng tượng được người nào dám làm chuyện này. Các môn đệ
buồn sầu và nhiều người đã hỏi Chúa Giêsu. Câu trả lời của Ngài là: “Kẻ giơ tay
chấm chung một đĩa với thầy, đó là kẻ nộp thầy.” Câu nói này gợi nhớ lại lời
thánh vịnh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,10). Ở câu 25, Mátthêu nêu đích danh người
phản bội Chúa Giêsu chính là Giuđa Ítcariốt với lời xác nhận của Chúa Giêsu:
“Chính anh nói đó!” Trong bối cảnh này, sự than vãn của Chúa Giêsu “khốn-οὐαὶ cho kẻ nào nộp Con Người” cần
hiểu theo hai nghĩa: 1. thể hiện sự khốn cùng của Giuđa, 2. đồng thời cũng nói
lên nỗi đau đớn của chính Chúa Giêsu, vì bị người môn đệ phản bội. Kiểu nói: “Thà người đó đừng sinh ra thì hơn” chỉ
là cách Chúa Giêsu lên án tội lỗi của Giuđa, chứ không phải là nguyền rủa người
môn đệ này.
Mátthêu và Máccô bắt đầu Bữa tiệc ly bằng việc
Chúa Giêsu nói về người môn đệ phản bội. Tuy nhiên, Luca lại chỉ tập trung vào
việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Gioan thì cho rằng Bữa tiệc đó Giuđa không ở với nhóm đến cuối tiệc. Như vậy, theo mạch văn của Mátthêu, chúng ta không biết Giuđa có ở lại
dùng bữa tối đến cuối không. Trong sự phân biệt này, Giáo hội sơ khởi giải thích cách hiểu của Gioan khi cho rằng Giuđa vắng mặt là: “Không nên rước Mình
Thánh Chúa một cách bất xứng.” Về mặt thần học, rõ ràng Gioan cho thấy sự vắng
mặt của Giuđa ngay từ đầu bữa tiệc, bởi sự phản bội bao giờ cũng ảnh hưởng tiêu
cực đến tình yêu liên vị.[6]
Tạ ơn và
chúc tụng
Tuy Mátthêu không trình bày chi tiết nghi thức
của bữa tiệc Vượt Qua, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu nhóm của Chúa Giêsu cũng
quen với những nghi thức của bữa tiệc này. Chẳng hạn, câu 26 và 27 Mátthêu nhấn
mạnh đến hai điểm nổi bật: việc bẻ bánh, như là cử chỉ đầu tiên và nâng chén rượu
nho, như là cử chỉ sau cùng. Với việc bẻ bánh, Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng (εὐλογήσας),
với việc nâng chén rượu, Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn (εὐχαριστήσας).
Lời chúc tụng là nghi thức quen thuộc dành cho
người gia trưởng, người trụ cột trong gia đình đọc cho mọi người nghe. Sau đó họ
truyền chén rượu lần một và chia thịt cừu với rau đắng cho mọi người (nghi thức
này gợi nhớ lại bữa ăn bên Ai Cập). Chén rượu thứ hai, người trẻ nhất sẽ hỏi về
ý nghĩa của ngày lễ. Lúc này, vị gia trưởng kể về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ
Vượt Qua (הַגָּדָה -Haggadah). Sau đó, họ hát Thánh Vịnh
trong lúc chia sẻ rượu cho nhau. Chén rượu thứ ba, vị gia trưởng dâng lời chúc
tụng và chia sẻ bánh không men cho mọi người. Như vậy theo Mátthêu, lúc “Đức
Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng”, là thời điểm của tuần rượu thứ ba.
Trong tuần rượu thứ tư (cuối cùng), họ hát phần thứ hai của Thánh Vịnh, tức
Ha-lê-lui-a (Tv 113-118). Như vậy theo Mátthêu “hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu
và các môn đệ ra núi Ô-liu” (Mt 26,30) là lúc kết thúc Bữa tiệc ly.
Nhiều nhà chú giải cho rằng trong khi Chúa
Giêsu nâng chén rượu và bẻ bánh, ngài đều dâng lời chúc tụng, tạ ơn[7].
Thực ra trong lời chúc tụng cũng nói lên tâm tình tạ ơn (εὐχαριστήσας), bởi
ngôn ngữ Hy Lạp hai từ này có chung tiền tố: “εὐ-tốt lành”. Từ sự tốt lành này,
những lễ vật dâng lên Thiên Chúa như là của lễ tạ ơn mà chính Chúa Giêsu đang cử
hành trong bữa tiệc ly này. Cũng vì ý nghĩa tạ ơn này, nên từ thời Giáo hội sơ
khai Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ Tạ Ơn (εὐχαριστία), vì đây chính là việc
tạ ơn Thiên Chúa.[8]
Bánh và
Mình Thánh Chúa Giêsu
Một trong những đồ ăn chính của bữa tiệc Vượt
Qua là bánh không men. Không hẳn bánh này có thể cung cấp dồi dào chất dinh dưỡng,
nhưng đúng hơn, bánh không men gợi nhớ đến biến cố Thiên Chúa giải thoát dân khỏi
Ai Cập. Do đó trong bất cứ gia đình Do Thái nào, tiệc Vượt Qua phải có bánh
không men, mà nhóm của Chúa Giêsu cũng theo truyền thống của người Do Thái. Tuy
nhiên, lúc này thay vì Chúa Giêsu trao bánh cho các môn đệ thì ngài cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra. Liền sau đó, Chúa Giêsu nhìn nhận bánh này
không còn là bánh nhưng còn là chính thịt, mình của Ngài. Bản văn gốc tiếng
Hipri dùng chữ bāśār (thịt), tuy nhiên bản dịch Hy Lạp thay vì dịch là σάρκα
(thịt, x. Ga 6,54-56) lại dùng chữ sôma
(mình, thân thể-σῶμά) trong câu tuyên bố của Chúa Giêsu: “Đây là mình Thầy–τοῦτό
ἐστιν τὸ σῶμά μου”. Các nhà chú giải cho rằng “thân thể” cũng có nghĩa là “thịt”,
tức là toàn thể cuộc đời, sự sống của Chúa Giêsu.
Nếu ngày xưa dân ăn bánh không men trước đêm
Vượt Qua, thì hôm nay, chính Chúa Giêsu trao mình Ngài cho các môn đệ. Thánh
Luca diễn tả việc hiến tế này của Chúa Giêsu: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh
em.” (Lc 22,19). Nếu như ngày xưa dân giết con chiên để ăn lễ Vượt Qua, thì hôm
nay chính Chúa Giêsu hóa nên thịt để nuôi sống các môn đệ. “Anh em hãy cầm lấy
mà ăn” không chỉ như là sự chia sẻ sự sống của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhưng
trong ngôn ngữ Kinh Thánh, việc “cầm lấy mà ăn” còn thể hiện sự linh thiêng, thần
linh vốn được sách Khải Huyền diễn tả: “Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho
tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi: Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông
phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.” (Kh
10,9).
Chén rượu
và Máu Thánh Chúa Giêsu
Rượu là thức uống không thể thiếu trong các bữa
tiệc. Nhất là bữa Vượt Qua, rượu như là biểu tượng của máu con chiên bôi trên cửa
trong biến cố Vượt Qua. Hôm nay, chính Chúa Giêsu cũng dùng rượu như là thức uống
để biến hóa thành máu của chính mình. Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: “Đây
là máu thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,28). Ở
đây Mátthêu dùng lối diễn tả “bao trùm”, nghĩa là “tất cả anh em hãy cầm lấy mà
uống” và “muôn người-πολλῶν được tha tội”. Lối diễn tả này cho thấy rượu mà
Chúa Giêsu đang dâng lên chính là máu của Ngài sẽ đổ ra, nhất là trên cây thập
giá (Ga 19,34). Nhờ cái chết và sự phục sinh này mà muôn người sẽ được cứu độ.[9]
Ở đây, Mátthêu cho thêm thuộc tính vào danh từ
“máu-αἷμά”, đó là “máu giao ước-διαθήκης”. Thánh Luca viết
rõ hơn: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc
22,20). Hoặc “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới.” (1Cr
11,25). Tuy nhiên, Mátthêu dường như nhấn mạnh đến tính chất tha tội của giao ước
mà tiên tri Giêrêmia và Êdêkien đã nhắc đến trong Cựu Ước[10],
vốn giao ước gắn liền với ơn tha tội, hơn là tính từ “mới-καινὴ”. Dẫu sao ở đây Máu Chúa Giêsu cũng gợi nhớ đến giao ước
cũ vốn được Đức Chúa ký ước với dân ở núi Sinai (Xh 24,3-8); hôm nay, Ngài thiết
lập giao ước mới, bí tích Thánh Thể vốn dành tặng cho muôn người.
Như vậy, bánh và rượu với lời tạ ơn chúc tụng
của Chúa Giêsu, đã trở nên thịt và máu của Ngài[11].
Các nhà chú giải, cũng như truyền thống Giáo hội đều cho rằng hành động này nói
lên việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể[12].
Trong Thánh Lễ đầu tiên này, Chúa Giêsu là linh mục tiên khởi, là thượng tế tối
cao, đã trao hiến trọn vẹn con người mình cho các môn đệ đang dùng bữa tối với
Ngài. Hơn nữa, Tin Mừng nhất lãm còn cho thấy cuối Bữa tiệc ly, ngoài lời trăn
trối (thầy không còn uống sản phẩm này), Chúa Giêsu còn nhắc đến một Thánh Lễ,
một Tiệc Thánh Thể ở Nước Trời (Lc 22,18; Mt 26,29). Theo đó, truyền thống Giáo
hội cũng cho rằng “bữa ăn này cũng nói lên sự tiền dự vào Bữa Tiệc Cưới Con
Chiên tại Giêrusalem trên trời.” (GLGTCG 1329).
3. Mình
Máu Thánh Chúa Kitô! Amen
Sau khi chú giải về Bữa tiệc ly, David L.
Turner nhận xét rằng: “Bí tích Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu không phải là việc tưởng
nhớ một cách cứng nhắc, nhàm chán, hoặc là nguồn ân sủng tự động tuôn chảy đến
mỗi người. Trên hết, khi đón nhận trong đức tin, Bí tích này củng cố, nâng đỡ
và có sức năng động cho cộng đoàn tín hữu Chúa Kitô.”[13]
Vì lý do này, ngay từ Giáo hội sơ khai, bí tích Thánh Thể luôn là trung tâm đời
sống đức tin của các tín hữu. Ngoài việc thực hiện lại lệnh truyền của Chúa
Giêsu: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, các tín hữu còn cử hành lễ bẻ
bánh này như là bữa tiệc của tình yêu[14].
Do đó, đặc biệt ngày thứ Năm Tuần Thánh, Giáo
hội không chỉ cử hành Thánh lễ Truyền Dầu, nhớ lại bí tích Truyền Chức Thánh,
mà còn cử hành lại Bữa tiệc ly. Nơi đó, bốn tác giả Tin Mừng đều cho thấy chính
Chúa Giêsu đã, đang và sẽ trở nên Mình và Máu để nuôi dưỡng những ai đón nhận
Ngài. Hoặc như Thánh Gioan Vianney nhắn nhủ rằng: “Không rước lễ thì giống như
chết khát bên dòng suối.” (Youcat 211). Hình ảnh thật đẹp biết bao khi dòng người
lên đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong mỗi thánh lễ!
Với Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo hội còn gọi
Thánh Lễ là bữa tiệc vui mừng. Đây là bữa tiệc của Chúa Giêsu với mỗi người
tham dự. Nơi đó, Chúa Giêsu tiếp tục hiến tế chính mình Ngài trên bàn thờ.
Ngoài việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, Giáo hội còn
cho thấy đây là phụng vụ thần linh, mầu nhiệm thánh. Nghĩa là việc cử hành
Thánh Thể là thời gian hân hoan giữa Hội thánh trên trời và dưới đất. Đây là bí
tích cực thánh vì trong bánh và rượu có sự hiện diện của chính Chúa Giêsu.
Ước gì trong khi tìm hiểu về Bữa tiệc ly cũng
là dịp để mỗi người trân quý món quà này của Chúa Giêsu. Đây là điều sống còn
dành cho các tín hữu; bởi trên đường dương thế, chúng ta sẽ chẳng đủ sức nếu
không đón nhận của ăn thần linh này. Lời Chúa Giêsu hằng đảm bảo cho mỗi người:
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống
lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54).
Khi linh mục nói: Mình Máu Thánh Chúa Kitô,
người rước lễ thưa: Amen. “Ἀμὴν-Amen”
trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là: “Đúng như thế, thật vậy” (Mt 26,21). Đây là một
lời tuyên bố xác nhận điều gì đó. Trong Cựu Ước, Amen còn mang nghĩa: “mong được
như thế”, để làm cho mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để
liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa. Amen còn biểu lộ sự đồng tình với một lời
nói (x. Gr 28,6), hoặc chấp nhận một sứ mạng (Gr 11,5). Trong Tân Ước, Amen được
dùng để tăng cường cho kết luận của lời cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu cũng là
Amen của Thiên Chúa Cha, vì Ngài thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa. (2Cr
1,19–20).
Với những ý nghĩa trên, chúng ta thấy lời
tuyên xưng Amen khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô thật đẹp biết bao. Khi
đó, người rước lễ cùng với thừa tác viên cho rước lễ xác tín mình đón nhận cả
“con người” Chúa Giêsu.[15]
Về mặt vật lý, dù họ chỉ nhận một tấm bánh, một chút rượu, nhưng về mặt bí
tích, họ xác tín mình đang rước trọn vẹn Chúa Giêsu vào tâm hồn. Khi đó, họ được
nên một cùng với Ngài (x. Ga 6,56). Hoặc nói như thánh Phanxicô Salêsiô: “Trong
Thánh Thể, ta nên một với Thiên Chúa, như lương thực nên một với thân xác.”
(YouCat 211).
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã trao ban Mình Máu Ngài cho
con nơi Bí Tích Thánh Thể, trong Bữa Tiệc Ly. Đó là nguồn mạch sự sống dành cho
mỗi người chúng con. Ngài đã trở nên của ăn thần linh nuôi sống con trên cuộc đời
dương thế. Con mời Chúa vào tâm hồn con lúc này. Nhờ đó, Mình Máu Thánh Chúa
thánh hóa cuộc đời con nên nhân chứng giữa đời. Amen.
[2] Về khoảng cách thì
phòng tiệc ly gần với nhà Cai-Pha làm thượng tế năm đó. Đấy cũng là nơi Thượng
Hội Đồng đang tìm bắt Chúa Giêsu. (Mt 26, 57).
Lính tráng sẵn sàng võ trang để truy tìm Thầy lúc này. Bởi đó Thầy trò Giêsu cần
bí mật bởi chốn này là “tai vách mạch dừng”.
[4] Stuhlmacher, Peter: Az Újszövetség bibliai
teológiája 1. Alapvetés. Jézustól Pálig (ford. Koczó Pál), Kálvin Kiadó,
Budapest, 2017, 138.
[8] “Tân Ước dùng các từ Hy Lạp eucharistein
(x. Lc 22,19; 1Cr 11,24) và eulogein
(x. Mt 26,26; Mc 14,22), gợi nhớ lại việc người Do Thái, đặc biệt trong bữa ăn,
ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công Người đã thực hiện: sáng tạo, cứu chuộc và
thánh hóa.” (GLHTCG số 1328).
[13] Robert W. Yarbrough and Robert H. Stein
(editors), Baker Exegetical Commentary on the New Testament, Baker Academic,
2008, 626.
[15] Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhắn với
các linh mục rằng: “Mỗi khi trao Chúa Giêsu Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý
thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là
máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người
không phân biệt ai.” (Đường Hy Vọng 376.)