BỐN NHÂN ĐỨC TRỤ THỜI ĐẠI THEO JAMES F. KEENAN
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Biên soạn và lược trích từ James F. Keenan, SJ., Moral Wisdom
(Claretian Publications, 2004), và James F. Keenan, SJ, Virtues for Ordinary
Christians (1996). Có tham khảo bản dịch Việt ngữ của Linh mục Võ Xuân Tiến
WHĐ (14.3.2022) - Trong Kinh Thánh không xuất hiện từ ngữ nhân đức nhân bản (human virtues) nhưng nội dung về các nhân đức nhân bản thì rất phong phú và trải rộng trong nhiều đoạn văn cả Cựu Ước và Tân Ước. Chẳng hạn Lv 19,15; Hc 18,30; Cn 14,15; 1Pr 4,7; Pl 4,8... Nhân đức nhân bản được chọn là một bộ môn của thần học luân lý.
I. Lý do
bốn nhân đức trụ cổ điển
Trong nhiều thế kỷ và cho
đến hiện nay, luân lý truyền thống Công giáo, tiếp nối luân lý của thánh Thomas
Aquinas, đã dạy rằng có bốn nhân đức nhân bản cột trụ: khôn ngoan (prudence),
công bình (justice), tiết độ (temperance) và can đảm (courage).
Để nghiên cứu bốn nhân đức
trụ cổ điển, chúng ta cần quay về với thánh Thomas Aquinas, mà truyền thống
Công giáo và cả Huấn quyền hiện tại đã dựa vào để trình bày bốn nhân đức này. Đối
với Thomas Aquinas, các nhân đức đáp ứng cho hai tiêu chí chung: chúng là dấu
chỉ của một đời sống trật tự cao; chúng có thể đạt tới được cho bất cứ ai sẵn
sàng tập luyện chúng. Trong câu hỏi bàn về các nhân đức trụ ở Phần Thứ Hai của
bộ Tổng Luận Thần Học, Thomas Aquinas đã trích dẫn Ambrose, Gregory, Ciceron và
Augustine và dựa vào uy tín của các vị ấy để chỉ rõ về danh xưng “cột trụ” bốn nhân
đức: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ.
Theo Thomas, bốn nhân đức
này được gọi là “cột trụ” (cardinal) xuất phát từ chữ Latin “cardo” có nghĩa là
“bản lề”, “căn bản”, bởi vì chúng là “chính yếu” (principal), tức là chúng
không thể thiếu đối với những ai khát khao “sự ngay thẳng của ước muốn”, phù hợp
với đời sống đức hạnh. Sự ngay thẳng này là trọng tâm, trong chừng mực “nhân đức
không chỉ tạo nên khả năng hành động tốt, nhưng nó còn khiến cho hành động tốt
được thực hiện” (1-2, q. 61, a. 1 corp). Nó hệ tại việc xếp đặt các khả năng ước
muốn và trí tuệ, mà nhờ chúng, chúng ta hành động.
Đức khôn ngoan hướng dẫn lý trí thực hành; đức công bình hướng dẫn ý muốn
hay trí dục; đức tiết độ và can đảm hoàn thiện những đam mê được phân chia
thành những sức mạnh dâm dục hay thèm muốn, và những sức mạnh nóng giận hay hiếu
chiến. Bốn nhân đức này là chính yếu bởi vì chúng xếp đặt mọi lãnh vực của cuộc
sống có liên quan đến bởi lối hành xử luân lý. Vả lại, vì là chủ yếu, nên chúng cung cấp những nền tảng của mọi
hành vi nhân linh được xếp đặt cách đúng đắn. Chúng là những điều kiện cần
và đủ cho phép xem một chủ thể hay một hành động như là đức hạnh.
Tiếp nối tư tưởng của
Aristotle, Thomas cho rằng đức khôn ngoan giữ vai trò chủ chốt, là nhân đức
quan trọng nhất. Đức Khôn ngoan là nhân đức hướng về tương lai, về mục tiêu tổng
thể của đời sống, sắp xếp các hành động để đạt được mục tiêu đó và các mục tiêu
trung gian ngắn hạn. Đức khôn ngoan thống nhất và kết nối các nhân đức nhân bản.
Đức khôn ngoan quan tâm trước hết và trên hết là đức công bình.
Nguyên tắc tổ chức của
Thomas Aquinas là theo phẩm trật: việc nhắm cách chung đến các nhân đức trụ là
để cho lý trí thực hành có thể định hướng chủ thể một cách cụ thể đến đức công
bình. Một nhân đức là càng trổi vượt nếu nó làm cho sự thiện lý trí chiếu tỏa
hơn. Bởi thế, đức công bình là siêu vượt theo hai cách thức: thứ nhất, bởi vì ở
trong tâm dục (appétit rationel), nên nó gần gũi với lý trí nhiều hơn; thứ hai,
bởi vì chỉ nó là có khả năng điều khiển chủ thể luân lý vừa ở nơi chính chủ thể
và vừa xét như là chủ thể này trong mối liên kết với những người khác. Vì lý do
này mà, theo Thomas, đức công bình là nhân đức luân lý trụ. Đức công bình điều
khiển tất cả các hành vi bên ngoài của ta. Tóm lại, khi chúng ta là công chính,
chúng ta sẽ hành động đúng.
II. Lý do
bốn nhân đức trụ thời đại: Khôn ngoan, Công bình, Trung tín (fidelity), và Chăm lo bản thân
(self-care)
1.
Tầm quan trọng của nền thần học khổ chế và sự khám phá bản thân của thế kỷ thứ
12
Nhà sử học lớn về linh đạo
phương Tây, Bernard McGinn nhận xét thần học thế kỷ thứ 12 đánh dấu một khúc
quanh của thần học luân lý, nổi bật với nền thần học về khổ chế. Thần học luân
lý thế kỷ này được cuốn hút bởi mầu nhiệm con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
Với các điểm nhấn về lương tâm, về hình ảnh Thiên Chúa tỏ lộ qua tính tự do con
người, sự hiểu biết về con đường của Đức Chúa, nhận thức về sự tốt lành của
thân xác con người, niềm vui của các đam mê, và sự hiểu biết về chủ thể nhân vị
với đặc tính tương quan liên vị như trong hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, các thần
học gia thế kỷ này đã đặt nền tảng cho thần học linh đạo của họ trên một sự hiểu
biết về tính tương quan mạnh mẽ của con người.[1]
Vào thế kỷ này, linh đạo
của Bernard Clairvaux, cũng như của các nhà tư tưởng cùng thời, đâm rễ sâu
trong Kinh Thánh, từ đó đã rút ra và phát triển một lối đi độc đáo của sự sùng
mộ nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Chính hướng đi này giúp người ta bước vào sự
thiết thân với Đức Giêsu. Bernard Clairvaux nhấn mạnh đến khám phá bản thân
(self) và tình yêu cho bản thân (self-love) như là bước đầu tiên trong một tiến
trình dài của việc quay trở lại với tình yêu Thiên Chúa và với họa ảnh Thiên
Chúa- một tình yêu và một sự giống nhau trong đó cá nhân không bị hòa tan vào
Thiên Chúa nhưng là trở nên bạn hữu và cộng sự của Thiên Chúa. Khi phát triển một
nhãn quan tương quan liên vị của con người, các nhà tư tưởng thế kỷ 12 đã khám
phá “cái chính mình, mầu nhiệm nội tâm, con người nội tâm, không gian nội tại”.
Thần học luân lý của thế
kỷ 12 cùng với linh đạo của Bernard Clairvaux gợi hứng cho chúng ta về đức
trung tín và đức chăm lo bản thân, hai nhân đức trụ thời đại mà James F.
Keenan- một thần học gia luân lý, nhà nhân đức học Dòng Tên, và là tác giả nhiều
sách về nhân đức, đề nghị thay cho hai nhân đức trụ cổ điển tiết độ và can đảm.
2. Lý do
bốn nhân đức trụ thời đại
Cuộc sống con người được
đan dệt bằng các mối tương quan. Dấu chỉ để nhận ra người Kitô giáo là tình
thương đối với nhau. Chúa Giêsu chỉ rõ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng
con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Tình thương này
được diễn tả cụ thể trong các mối tương quan.
Theo James Keenan, cách
nào đó, trong bốn nhân đức trụ cổ điển mô tả trên, đã chỉ thực sự có hai nhân đức
trụ mà thôi, vì đức tiết độ và đức can đảm là phụ trợ cho chủ thể để có thể thực
thi đức công bình. Người ta đã phải là tiết độ và can đảm nếu người ta đã muốn
thực thi công bình. Về đức khôn ngoan, nó dùng để xác định trong cái cụ thể, ở
đây và bây giờ, phương thế cụ thể để sống công bình, quyết định tiết độ và hành
động can đảm.
James Keenan lý luận khá
thuyết phục rằng đức công bình không phải là nhân đức duy nhất có liên quan đến
các mối tương quan trong đời sống. Lập trường mà Keenan muốn chủ trương ở đây,
là chính đức khôn ngoan phải dẫn dắt chúng ta trong các mối tương quan với tha
nhân (đức công bình), với người thân (đức trung tín) và với chính mình (đức
chăm lo bản thân).
Vài câu chuyện đời thường
Maximilian Maria Kolbe là
một tu sĩ dòng Phanxicô ở Ba Lan. Năm 1939 Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, Kolbe bị
bắt, chuyển qua vài trại tù, và cuối cùng là trại tập trung Auschwitz. Cuối
tháng 7/1941, có ba tù nhân trốn khỏi trại, khiến phó chỉ huy bắt 10 người tù
khác chết thay để răn đe việc trốn trại. Một trong những người bị chọn có
Franciszek Gajowniczek, anh này đau khổ kêu lên: “Còn vợ tôi! con tôi nữa!”.
Kolbe xót thương và tình nguyện chết thay cho anh.[2]
Kolbe đã thực thi “yêu tha nhân HƠN chính mình”. Kolbe đã phải cần đức can đảm
(đến mức anh hùng) để thực thi quyết định hy sinh tính mạng nhằm cứu người tù
chung trại, theo đức khôn ngoan và đức ái của thánh nhân thúc bách.
Trong cuộc chiến đấu chống
đại dịch khủng khiếp Covid-19 hiện nay trên toàn thế giới, nhiều bác sĩ đã chết
vì phục vụ bệnh nhân đến kiệt sức và nhiễm bệnh. Các vị này đã “yêu tha nhân
HƠN chính bản thân mình”. Đó là bản chất và “tính thánh thiêng” của nghề y. Bước
vào ngưỡng cửa ngành y, các bác sĩ đã được huấn luyện đức nhẫn nại, kiên cường,
can đảm, vô vị lợi, đặt lợi ích bệnh nhân lên trên lợi ích chính mình. Dĩ nhiên
đây là đích nhắm tới trong tiến trình đào luyện y khoa. Trên thực tế, người
ngành y vẫn mang thân phận người yếu đuối với bao bất toàn, vẫn có sai sót và cần
hoàn thiện ngày một hơn.
Mỗi lần đi máy bay, các
hành khách được nhắc nhở: khi có sự cố bất trắc xảy ra cần phải đeo mặt nạ oxy,
hành khách nào đi kèm với trẻ em thì hãy đeo mặt nạ oxy cho chính mình trước,
sau đó mới giúp trẻ đi cùng đeo mặt nạ. Lý do: nếu người lớn lo đeo mặt nạ oxy
cho trẻ đi cùng trước, chẳng may không kịp thì có thể người đó ngất trước và
không thể lo cho bé được nữa. Trong câu chuyện này: phải lo cho chính mình trước,
rồi thì mình mới có khả năng lo cho người khác.
Ba câu chuyện đơn sơ trên
cho thấy rằng chăm lo cho tha nhân và chăm lo cho bản thân đều quan trọng. Khi
hai nhân đức này xung đột nhau, thì tùy hoàn cảnh, tùy theo đức khôn ngoan phân
định và đức ái thúc bách mà nhân đức nào sẽ được chọn lựa vượt trội hơn nhân đức
nào.
Tại sao nhân đức trung tín và nhân đức chăm lo bản thân được chọn là
các nhân đức trụ?
James Keenan lý luận, để
trả lời câu hỏi này, cần phải nhớ rằng một nhân đức trụ có ba chức năng. Thứ nhất,
nó diễn tả các nhiệm vụ luân lý nền tảng
của chúng ta. Khi gọi bốn nhân đức này là “cột trụ”, người ta muốn nói rằng
hành xử với tư cách là hữu thể luân lý giả thiết rằng ta phải khôn ngoan, công
bình, trung tín và chăm lo bản thân. Có một, hai hay thậm chí là ba cũng không
đủ; tất cả những ai yêu thương đều tìm cách thủ đắc bốn nhân đức này. Thứ hai,
bốn nhân đức này là đủ. Như từ ngữ cardo diễn tả, tất cả những đòi hỏi luân
lý khác đều tùy thuộc vào đó. Với người nào muốn biết trở nên luân lý nghĩa là
gì, người ta có thể nói: “Đó là người yêu thương, nghĩa là người tìm kiếm đức
khôn ngoan, công bình, trung tín và chăm lo bản thân.” Tất cả những đòi hỏi
luân lý khác tìm thấy nguồn mạch của chúng nơi một trong bốn nhân đức này. Thứ
ba, mỗi nhân đức trụ được nhắm đến vì
chính nó. Điểm cuối cùng này chứng thực rằng việc chỉ rõ chăm lo bản thân
như là một nhân đức trụ là điều quan trọng. Nếu chúng ta nghiên cứu các nhân đức
khác vì nhiều lý do, thì chúng ta tìm hiểu các nhân đức trụ vì chính chúng.
Chính vì thường quên điều đó mà chúng ta khó khăn thủ đắc được đức chăm lo bản
thân (bao gồm lòng tự trọng).
Rất thường, chúng ta chỉ
chăm lo đến chính mình để cho người khác thấy rằng chúng ta có khả năng như thế.
Khi chúng ta trau dồi đức chăm lo bản thân theo cách để cho người ta tôn trọng
mình, thì trên thực tế, chúng ta nại đến một sự mặc cả ấu trĩ, như thể giá trị
của bản thân chúng ta trước hết tùy thuộc vào sự tôn trọng mà những người khác
mang đến cho chúng ta. Người ta không thể đạt nhân đức chăm lo bản thân, nếu
người ta tìm kiếm nó ở chỗ nào khác hơn là nơi bản thân. Chính bản thân ta là một
tuyệt tác của Thiên Chúa Tạo Thành, và chính ta xứng đáng được chăm lo đúng mực
vì Ngài muốn ta được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Đôi khi chúng ta đặt ra
những điều kiện vô ích, thậm chí có hại cho đức chăm lo bản thân: chúng ta nghĩ
rằng đức chăm lo bản thân chỉ là chính đáng nếu sự sung túc của cộng đoàn, môi
trường của nơi làm việc hay hạnh phúc của gia đình không bị ảnh hưởng đến; hoặc
là chăm lo bản thân chúng ta phải là thấp hơn so với sự chăm lo mà chúng ta phải
có đối với cộng đoàn hay đối với gia đình chúng ta. Khi hạnh phúc của gia đình
hay sự sung túc của cộng đoàn bị khuấy động cách nào đó, và thế là chúng ta
không còn cho mình quyền chăm sóc bản thân. Để chung thủy, có biết bao người vợ
đã chấp nhận những sự nhục nhã hay những cú đánh chí tử từ phía người chồng vũ
phu? Vì lợi ích của xí nghiệp của họ, có biết bao nhân viên đã chịu đựng những
trận nổi khùng của các ông chủ đầy vẻ tự tôn và/ hoặc thiếu trưởng thành? Vì lợi
ích của gia đình, có bao nhiêu bạn trẻ nội tâm hóa những gì họ nghĩ là “quyền”
của các bậc cha mẹ thương đứa con này hơn đứa khác? Muốn cha mẹ vui lòng, một số
bạn trẻ đã theo học ngành mà mình không thích, không có khả năng, để rồi chịu
bao căng thẳng áp lực thể lý tinh thần, thậm chí có bạn trẻ đã tự tử vì không
thể hoàn thành ước mơ “phi thực tế” của cha mẹ? Nhân đức chăm lo bản thân bày tỏ
những yêu sách hạnh phúc của riêng mình
- không phải tùy thuộc vào đức công bình hay đức trung tín, nhưng như các nhân
đức trụ khác, bởi vì nó phải được tìm kiếm vì chính nó.
Đức công bình đòi hỏi chúng ta xem mỗi người là như nhau; đức trung tín
đòi hỏi chúng ta coi các bạn bè và gia đình của chúng ta cách ưu tiên; đức chăm
lo bản thân đòi hỏi chúng ta tự coi mình là độc nhất. Những đòi hỏi của ba
nhân đức này có thể được thực hiện cách đồng thời và dẫn đến nhân đức thứ tư: chính đức khôn ngoan tìm kiếm các nhấn mạnh
cách thích hợp trong mỗi hoàn cảnh.
Như trong cuộc sống, có
lúc các nhân đức trụ xung đột với nhau, khi ấy phạm vi cho đức khôn ngoan phải
được mở rộng ra cách đặc biệt. Trong danh sách cổ điển các nhân đức trụ, nơi mà
sự hài hòa có chỗ hơn nơi những người đương thời của chúng ta, thì nhiệm vụ ưu
tiên của đức khôn ngoan hệ tại chỉ rõ đức công bình khi đó đã là những hành vi
phải ứng xử, đức tiết độ khi đó đã là những ước muốn phải hướng dẫn và đức can
đảm khi đó đã là những cuộc chiến đấu phải điều khiển. Nhưng trong khuôn mẫu mà
Keenan đề nghị, đức khôn ngoan không chỉ xác định đòi hỏi tương ứng với mỗi
nhân đức: nó cũng phải vạch rõ mức độ ưu tiên cần thiết cho mỗi đòi hỏi trong
trường hợp có xung đột giữa các nhân đức.
Đức công bình hệ tại đối
xử với mọi người bình đẳng. Đức công bình không cho phép bất kỳ đối xử riêng tư
hay ưu đãi hơn với một ai. Đức trung tín rõ ràng là trái lại: đòi hỏi đối xử những
người có tương quan gần gũi cách ưu tiên hơn. Đức trung tín dạy tôi đối xử cách
ưu tiên từng người mà tôi đặc biệt gắn bó hơn: người phối ngẫu của tôi, con cái
của tôi, cha mẹ của tôi, bạn bè của tôi, các thành viên của gia đình, người
thân của tôi, những người thuộc về cộng đoàn của tôi... Sự căng thẳng của đời sống
luân lý hệ tại những gì chúng ta phải chọn lựa, và nhờ đức khôn ngoan, giữa sự
ưu tiên của đức trung tín so với đức công bình hay sự ưu tiên của đức công bình
so với đức trung tín, trong mỗi trường hợp. Nhiều khi điều này tạo nên những thế
lưỡng nan to lớn. Nhiều câu chuyện đề cập đến chủ đề này. Chẳng hạn trong phim Kẻ hủy diệt II: Arnold Schwarzenegger phải
tìm ra chàng trai có sứ mệnh cứu toàn thế giới. Nhưng thay vì theo Arnold,
chàng trai quyết định tìm kiếm mẹ mình, do Linda Hamilton đóng, và cứu bà ấy.
Anh ta đã hoãn số phận của toàn thể nhân loại (đức công bình) để cứu mẹ mình (đức
trung tín).
Nhưng cũng theo cách thức
mà chúng ta có những trách nhiệm thuộc trật
tự chung đối với mọi người (đức công bình), và những trách nhiệm đặc thù đối với một số người (đức trung
tín), thì chúng ta cũng có một trách nhiệm độc
nhất đối với chính chúng ta. Trong các tác phẩm đầu tiên của mình, Keenan
đã gọi nhân đức này là lòng tự trọng
(self-esteem). Nay Keenan gọi nó là chăm
lo bản thân (self-care), vì phạm vi mà từ ngữ này bao phủ là rộng lớn hơn.
Đôi khi cần phải chọn lựa
giữa sự công bình, lòng trung tín và việc chăm lo bản thân. Người ta nhận thấy
một căng thẳng giữa ba nhân đức ở một thời điểm của cuốn phim The Scent of a Woman. Hiệu trưởng của một
trường trung học là nạn nhân của một trò đùa tai hại. Nhiều học sinh đã phá hoại
xe của ông, và một trong những người bạn cùng lớp của chúng đã nhìn thấy chúng.
Đó là một học sinh giỏi, người mà vị hiệu trưởng đã đề nghị viết một thư giới
thiệu nhập học cho đại học Harvard. Ông hiệu trưởng biết người này biết những kẻ
phá hoại và yêu cầu anh ta thông tin cho trường. Nhưng anh ta, dù nhận thấy rằng
yêu cầu của hiệu trưởng là chính đáng, cũng cảm thấy lòng gắn bó trung tín với
các bạn bè của mình (mà không cư xử phù hợp với công bình). Sự xung đột nội tâm
càng trở nên mãnh liệt hơn khi anh biết được từ vị hiệu trưởng rằng nếu anh
không nói tên các học sinh tham gia phá hoại xe (đức công bình), thì hiệu trưởng
sẽ gởi một bức thư từ chối cho Harvard, điều đó sẽ hủy hoại tương lai của anh
ta (đức chăm lo bản thân). Do đó, anh học sinh giỏi phải chọn lựa giữa sự công
bình, lòng trung tín và việc chăm lo bản thân. Chính đức khôn ngoan sẽ dạy cho
anh ta quyết định tốt.
Tại Việt Nam, ắt hẳn nhiều
người còn nhớ vụ án kinh khiếp của Lê Văn Luyện (chưa đầy 18 tuổi) năm 2012.
Luyện giết chết ba người và chém trọng thương một người. Cha của Luyện vì
thương con (đức trung tín), che giấu Luyện (vi phạm đức công bình), để rồi ông
bị án tù 48 tháng (hại đến chính bản thân).[3]
Trường hợp này, cha của Luyện thiếu đức khôn ngoan để sáng suốt chọn lựa hành động
đúng khi các nhân đức công bình, trung tín và chăm lo bản thân xung đột với
nhau.
Trong lược đồ bốn nhân đức
trụ của Keenan, bởi thế, đức tiết độ và đức can đảm chỉ là các nhân đức phụ trợ.
Và, đức tiết độ và đức can đảm không chỉ giúp chúng ta hành động khôn ngoan và
công bình, nhưng còn giúp hành động trung tín và chăm lo cho bản thân nữa. Đức
khôn ngoan và đức công bình đã được khai triển trong nhiều sách nhân đức luân
lý, bài viết này tập trung vào hai nhân đức trụ trung tín và chăm lo bản thân.
III. Đức
Trung Tín
Trong cuộc chiến chống đại
dịch Covid-19, một linh mục dòng Đa Minh- Nicanor Robles Austriaco - là một nhà
khoa học, nhà vi sinh vật học và là giáo sư người Mỹ gốc Philippines, đang
nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 cho người nghèo. Dự án của cha có tên là
Pagasa, tiếng Tagalog có nghĩa là Hy vọng. Nếu vaccine này thành công, nó sẽ là
niềm hy vọng lớn cho hàng triệu người nghèo trên thế giới. Cha lập luận, người
nghèo được Chúa yêu quý, chúng ta nên cung cấp miễn phí vaccine Covid-19 cho họ.
Là một nhà sinh học phân tử nấm men, cha đang cố gắng phát triển một hệ thống
chế xuất vaccine từ men. Nó sẽ rẻ hơn và dễ thực hiện hơn các loại vaccine tiêu
chuẩn hiện có. Đáng ghi nhận, ngài thổ lộ “Tôi đặt phòng thí nghiệm của mình
vào dự án này sau khi biết về những thách thức mà người dân Philippines sẽ gặp
phải trong việc mua và triển khai các loại vaccine được phát triển trên thế giới.”[4]
Đức trung tín lo cho đồng bào ở quê hương là một động lực thúc đẩy cha Nicanor
nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19.
Trong kinh nghiệm đời thường,
nơi mọi gia đình có hơn một người con, người ta thường chứng kiến các cuộc cãi
vả có thể được diễn tiến như sau. Trước tiên, sau nhiều tiếng gào, kêu la hay
rên rỉ, thì người ta nghe tiếng khó chịu của một trong các bậc cha mẹ: “Tại sao
con vẫn còn chưa hòa thuận được với chị của con?” Bên kia tiếng ồn ào, cũng được
bày tỏ, cách mệt mỏi và thất vọng, ước muốn rằng con cái sống chung hòa thuận
hơn. Nhưng đứa con, không bao giờ chịu khuất phục, lại tiếp tục kháng cự, biện
hộ cho sự vô tội và tranh cãi: mọi vấn đề đều đến từ chị của nó! Vang vọng lại
Ađam trong vườn Êđen, nó đáp lại: “Đó là lỗi của chị”. Cuối cùng, người cha hay
người mẹ, bằng một sự logic hoàn hảo, lẩm bẩm câu cuối cùng: “Ba/ mẹ cóc cần biết
những gì chị con đã làm; ba/mẹ chỉ muốn rằng các con ngừng cãi nhau như thế.”
Kịch bản trên thể hiện một
ước muốn căn bản của các bậc cha mẹ đối với con cái của họ: chúng hãy học biết
quý mến lẫn nhau. Vì thế, họ tìm cách làm cho chúng yêu thích đoàn nhóm bằng
nhiều sinh hoạt. Họ chơi với chúng, đưa chúng đi nghỉ hay đi dạo, làm cho chúng
hiểu đâu là sự đóng góp của mỗi người trong gia đình, thúc giục chúng tham gia
vào các nhiệm vụ trong gia đình và gánh lấy trách nhiệm, giúp chúng thương lượng
những khác biệt của chúng, ghi khắc vào tâm trí chúng tầm quan trọng của những
nhượng bộ. Nhờ những luyện tập, những thực hành này, các bậc cha mẹ khai mở cho con cái của họ vào hạnh phúc
cuộc sống chung. Làm như thế, họ đi ngược với bản năng ban đầu thúc đẩy những đứa
con đòi những gì chúng nghĩ là thuộc về chúng; trái lại; họ muốn cho chúng thấy
rằng đời sống là thỏa mãn hơn, phong phú hơn khi người ta là hai hay ba người
cùng nhau sống hòa hợp. Khi thấy tất cả các nỗ lực này, người ta hiểu rõ hơn sự
bực tức của các bậc cha mẹ khi họ kêu lên: “Tại sao các con vẫn còn chưa hòa
thuận được với nhau?”
1. Giáo
dục đức trung tín
Các bậc cha mẹ, là các thầy
dạy luân lý đầu tiên, giáo dục đức trung tín cho con cái. Nó sẽ rất quan trọng
đối với chúng. Chính nhờ đức trung tín mà những mối liên hệ tình cảm, được chứa
đựng trong mọi quan hệ, ngày càng tăng trưởng và đẹp lên, dù đó là với người phối
ngẫu, các bạn bè, các thành viên trong gia đình hay cộng đoàn, các đồng nghiệp
hay các đồng bào.
Thế nhưng, cho đến thời
gian gần đây, đức trung tín đã ít khơi lên mối quan tâm nơi các thầy dạy luân
lý. Chắc chắn ai nấy đã biết rằng “bất trung” là xấu. Trên thực tế, thầy cô đã
dạy cho chúng ta rằng không được thực hành như thế. Nhưng khi nào thì các nhà
giáo dạy cho chúng ta cách tích cực thực hiện những hành vi củng cố đức trung tín? Khi nào người ta
đã thúc giục chúng ta thực hành những sinh hoạt rất luân lý này: đi ăn tối với
một bạn thân, gọi điện cho người thân, chia sẻ một thời khắc hạnh phúc hay bất
hạnh với một người bạn, đi dạo với một đồng nghiệp, ăn trưa với một nhân viên,
thảo luận một vấn đề với một người bà con? Có khi nào chúng ta đã nghĩ rằng
tham dự một lễ sinh nhật, xem phim, dạo công viên hay du lịch cùng nhau là đã
thuộc về đời sống luân lý? Chúng ta nhìn nhận rằng các sinh hoạt này là dễ chịu
và thuộc về lãnh vực xã hội, nhưng chúng ta ít khi coi chúng như thuộc phạm vi
luân lý. Vì nhiều lý do, bao lâu một sinh hoạt không liên quan đến vấn đề công
lý, công bình, quyền và nghĩa vụ, thì xem ra nó không thuộc phạm vi luân lý.
Tuy nhiên, cách nhìn như thế làm cho chúng ta mất đi (hay có thể quên đi) tác động
của những tập luyện luân lý đầu tiên mà cha mẹ của chúng ta đã dạy dỗ chúng ta.
Một câu chuyện đời thường
mà tôi được nghe kể lại đáng cho các nhà giáo và cha mẹ suy nghĩ. Hai vợ chồng
sau giờ làm, chở hai đứa con cấp II và cấp III đi ăn tối, chúng được ăn món gà
rán mà chúng thích. Trong khi chờ đợi món và cả khi món được đem ra, cha mẹ và
hai con mỗi người chăm chú dán mắt vào cái điện thoại “thông minh” của mình, bữa
ăn không một tiếng nói chuyện, trao đổi, hỏi thăm!
Keenan xem đức trung tín
như là nhân đức trụ đầu tiên của các nhân đức trụ, mà mọi Kitô hữu đều được kêu
gọi rèn luyện.
2. Trở
nên vừa công bình vừa trung tín
Cách đây hơn nửa thế kỷ,
giáo sư Lawrence Kohlberg đã đề nghị cho các nhà giáo dục một kiểu mẫu phát triển
luân lý trong sáu giai đoạn, nhằm lượng giá những thành quả tăng trưởng của một
người trên bình diện luân lý.[5] Ở giai đoạn cuối, con người
này có khả năng xác định các đòi hỏi của công bình một cách độc lập với các chuẩn
mực được thiết lập bởi một xã hội hay một cá nhân. Cách khá thuyết phục,
Kohlberg cho thấy rằng mục đích của đời sống luân lý hệ tại việc đạt tới quyền tự quyết bằng cách biết nhìn nhận
những gì phải là. Một số nhân vật nổi danh, mà uy tín luân lý của họ đã trở nên
huyền thoại, dường như đã đạt đến mục đích này: trước hết là Chúa Giêsu, và còn
Socrate, Thomas More, Gandhi hay Martin Luther King...
Một số phụ nữ đại học đã
chống đối lại kiểu mẫu của Kohlberg. Carol Gilligan, một đồng nghiệp của ông,
đã có lời phê bình triệt để trong cuốn sách của mình In a Different Voice. Gilligan nhận xét rằng những cuộc nghiên cứu
về tri giác mà những người nam và người nữ có được về căn tính của họ làm nổi bật
lên một khuynh hướng chung: những người nam chú tâm đến những gì họ làm và những
gì họ thể hiện, trong khi những người nữ, phần lớn thời gian, tự miêu tả theo
những mối quan hệ mà họ thực hiện. Thật ra, sự việc Gilligan phân biệt giữa người
nam và người nữ từ những phạm trù rộng lớn như thế không phải là không đặt ra vấn
đề, nhưng dù sao bà đã làm nổi bật một điểm quan trọng. Cách mặc nhiên, bà gợi
ý rằng mỗi người phải có hai bận tâm lớn trong cuộc sống: một mặt, sống công bình và trở nên tự quyết đủ để
xác định trách nhiệm luân lý; mặt khác, sống
trung tín trong các mối quan hệ để không tự cô lập và để nhìn nhận người
khác như là một người bạn chứ không như một bổn phận phải thực hiện. Bởi thế, mọi
người đều có hai mục tiêu chủ yếu trong đời sống luân lý: công bình và trung
tín.
3. Tình
bằng hữu, chìa khóa của đời sống luân lý
Trong cuốn sách Hoàng tử
bé của Saint-Exupéry có một câu tuyệt vời về lòng trung tín: “Bạn trở nên có
trách nhiệm mãi mãi với những gì bạn đã kết thân”. Trong số các tác phẩm gần
đây của các thần học gia luân lý về đức trung tín, có hai tác phẩm đáng chú ý.
Trong tác phẩm Friendship and the Moral
Life, Paul Waddell khám phá lại giáo huấn của Aristotle, của thánh
Augustine và của thánh Thomas Aquinas về tình bằng hữu, và cách thuyết phục,
ông cho thấy rằng các nhà luân lý thời xưa đã hiểu thấu tầm quan trọng của nó.
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng luân lý là những vấn đề to lớn như chung thủy
vợ chồng, sống khiết tịnh, phá thai, ngừa thai, sống thử, tham nhũng, giết người...
Có lẽ đó là lý do mà chúng ta tưởng rằng tình bằng hữu không thuộc về lãnh vực
luân lý. Nhưng khi ta nhận thấy rằng các nhà đại tư tưởng này đã xem tình bằng
hữu như là chìa khóa cửa vào đời sống luân lý, thì ta có thể nhìn đời sống luân
lý như là nhân bản hơn nhiều, lôi cuốn và sống động hơn nhiều. Nói tóm lại, ta
hiểu rằng luân lý liên quan đến đời thường.
Ngoài ra, các nghiên cứu
của Waddell nhấn mạnh một khía cạnh thường không được người ta chú ý đến trong
đời sống của Chúa Giêsu. Ngài không bằng lòng với việc đơn thuần dạy bảo và chữa
lành những ai bước theo Ngài. Ngài còn làm cho họ trở thành bạn hữu của Ngài,
quy tụ họ, giải trí, vui cười và ăn uống với họ. Giá trị mà Ngài dành cho những
cuộc gặp gỡ với các bạn hữu của Ngài là rõ ràng đến độ các bậc thầy của Lề Luật
đã cảm thấy đó là gương xấu. Tuy nhiên, đó lại là các sinh hoạt luân lý. Cũng
như cuộc đời của Chúa Giêsu đã thiết lập một chuẩn mực mới - chẳng hạn, trở nên
công chính như Ngài là công chính, cũng thế, chúng ta được kêu gọi bước theo
Ngài trong lãnh vực này, tức là sống tình bằng hữu theo cách của Ngài.
Margaret Farley nghiên cứu
các khía cạnh khác nhau của đức trung tín trong tác phẩm Personal Commitments: Beginning, Keeping, Changing. Bằng lối hư cấu,
bà đã mô tả cuộc sống của mười nhân vật khác nhau và quan tâm đến toàn bộ công
việc mà mỗi người đầu tư vào nghệ thuật tương quan. Bà cho thấy rằng đức trung
tín đòi hỏi phải có những thực hành cụ thể để phát triển. Cha mẹ của chúng ta
đã dạy chúng ta đánh giá cao sự gần gũi với người khác bằng nhiều sinh hoạt, và
chúng ta phải làm như thế nếu chúng ta muốn tiến bộ trong lãnh vực tương quan.
Trên thực tế, ngay cả khi chỉ là thực hiện một mối tương quan mà thôi, thì
chúng ta đã phải vận dụng mọi loại phương tiện để giao tiếp, chia sẻ, cùng sống
với nhau, cho đi và lãnh nhận. Và như các bậc cha mẹ kinh nghiệm điều đó với
con cái của mình, thì chúng ta biết rằng những lối ứng xử như thế không đương
nhiên, cũng không dễ dàng.
4. Tập
luyện đức trung tín
Các nhận xét này trở lại
với những cuộc trao đổi thông thường và thường xuyên giữa cha mẹ và con cái, mà
dường như hay gây bực bội, như đã gợi lên trên đây. Khi các bậc cha mẹ yêu cầu
con cái của mình sống hòa thuận với các anh chị em của chúng, thì họ vấp phải lời
kêu ca của đứa con nào đó cho rằng mình bị đối xử bất công. Trong trường hợp được
trích dẫn trên đây, các bậc cha mẹ muốn đứa con của mình cư xử thiện cảm với chị/em
của nó, nhưng nó lại muốn rằng các quyền của nó cần được bảo vệ. Chúng ta không
được đánh giá thấp sự lôi cuốn vì sự công
bình này. Triết gia John Rawls đã chú ý đến những gì mà mọi bậc cha mẹ đã
nhận thấy, rằng câu nói luân lý đầu tiên mà một đứa trẻ thốt lên là: “Không
công bằng”. Thật lý thú, lời diễn tả đầu tiên thuộc bản chất luân lý không hệ tại
việc nhận ra những gì là công bình, vì một đứa trẻ rõ ràng vẫn còn chưa có khả
năng xác định điều đó. Trái lại, nó có thể nhận thấy những bất công hay những
khác nhau và thế là kêu lên: “Tại sao nó lại có hơn con?” Câu trả lời không
quan trọng, nó sẽ nói thêm ngay lập tức: '“Không
công bằng!” Muốn dạy đức trung tín trong những điều kiện này không phải là
điều dễ dàng!
Học hỏi đức trung tín
cũng không phải dễ. Chúng ta thường nhận thấy rằng việc dấn thân là khó khăn.
Như những đứa con, những bất bình đẳng làm cho chúng ta phiền lòng; chúng ta dè
chừng những thỏa hiệp; chúng ta muốn có sự kiểm soát; chúng ta tính toán những
gì chúng ta cho đi để chắc chắn lãnh nhận được ít ra là điều tương tự; chúng ta
thích làm mọi thứ cùng nhau trong chừng mực đó là những gì chúng ta yêu thích.
Do đó, đặt đức trung tín
là một trong bốn nhân đức trụ của đời sống luân lý sẽ mời gọi chúng ta mở đầu
những thực hành và thực hiện những luyện tập cụ thể cho phép hiểu tốt hơn và sống
tốt hơn những gì mà Chúa Giêsu và các bậc cha mẹ của chúng ta đã dạy cho chúng
ta: cùng nhau lớn lên. Bởi thế, có lẽ
sẽ phải gọi điện thoại thường xuyên hơn, viết thư nhiều hơn, làm bếp thường
xuyên hơn, sẵn lòng đi dạo hơn, ngồi lại lâu hơn với một người thân, người bạn,
lắng nghe nhiều hơn... Có lẽ cũng sẽ phải vứt bỏ thói quen tính toán và đo lường
những gì mà “người khác” làm hay không làm. Sẽ phải làm cho sự kêu ca trẻ con
“nó luôn có nhiều hơn con” im tiếng trong chúng ta. Trái lại, sẽ phải lắng nghe
tiếng nói trưởng thành đang đòi hỏi chúng ta “sống hòa thuận tốt hơn”.
IV. Nhân
Đức chăm lo bản thân
Tựa đề một cuốn sách của
John Mason “Sinh Ra Là Một Bản Thể, Đừng
Chết Như Một Bản Sao”, nói lên được tính độc đáo của cá vị. Mọi việc đều bắt
đầu từ bạn. Nếu yêu những gì thuộc về mình, bạn sẽ nhìn mọi thứ theo chiều hướng
tích cực. Chỉ khi yêu chính mình, bạn mới có thể chấp nhận được tình yêu người
khác dành cho bạn.[6]
1. Để
Yêu Chúa và Tha Nhân, Phải Biết Yêu Mình
Vì yêu nhân loại, Đức
Kitô đã đến trần gian và chịu chết để cứu độ nhân loại tội lỗi. Tình yêu theo
nghĩa Tin Mừng đã được diễn tả bằng biến cố tử nạn trên thập giá. Trong Tin Mừng
Mt 22, 37 Chúa Giêsu trích sách Đệ nhị Luật (Đnl 6, 5) để trả lời người thông
luật trong nhóm Pharisêu về điều răn quan trọng nhất: Ngươi phải yêu mến Thiên
Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Yêu hết lòng, hết
linh hồn và hết trí khôn... là kiểu nói của người Do thái nói lên tính cách
toàn diện và trọn vẹn của tình yêu.
Điều răn thứ hai được
trích từ sách Lêvi (Lv 19, 18) cũng quan trọng không kém điều răn thứ nhất:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39). Một luận lý tất yếu:
yêu mến Chúa thì cũng phải yêu mến tha nhân. Yêu Chúa và yêu tha nhân là hai điều
răn quan trọng nhất, gắn liền với nhau, như lời Chúa phán: Tất cả luật Môsê và
các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22, 40). Thánh Gioan,
người môn đệ Chúa yêu nhắc nhở ta: Nếu ai nói họ yêu mến Chúa mà ghét tha nhân
là người nói dối (1Ga 4, 20-21).
Lý do ta phải yêu mến tha
nhân vì tha nhân, thân phận giống như ta, có cùng phẩm giá vì được tạo thành
theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô đổ máu ra để cứu độ. Yêu tha
nhân có thể đi kèm với cảm xúc, nhưng
không phải là cảm xúc. Yêu phải là quyết định của lý trí và ý chí chọn lựa hành
động. Ta có thể không có cảm tình với một người vì tính khí, tập quán, nhãn
quan, cũng như cách ăn nói hành vi của họ khác biệt, thậm chí đối nghịch với
ta. Đó là cảm xúc, phản ứng “tự nhiên” của ta. Tuy nhiên lý trí ta phải soi
sáng quyết định và dùng ý chí mạnh mẽ để không ghét bỏ, trả thù họ, và sau cùng
có thể đi đến tha thứ và yêu người đã ghét ta, đã làm điều xấu cho ta, thậm chí
làm nhục ta. Yêu tha nhân còn là thực thi đức ái cụ thể qua cuộc sống hằng ngày
như lời Chúa dạy trong sách Xuất hành (Xh 22, 20-25).[7]
Đáng lưu ý ở đây là “chính
mình” được dùng làm điểm quy chiếu cho tình yêu tha nhân: yêu tha nhân như
chính mình. Chúa dạy ta phải yêu tha nhân như chính mình như thánh Phaolô suy
tư: Không ai ghét thân xác mình bao giờ (Ep 5, 29). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công
Giáo (GLHTCG) khẳng định: “Tình yêu đối với chính mình vẫn luôn là nguyên tắc
cơ bản của luân lý” (s. 2264), “Mỗi người chịu trách nhiệm về sự sống của mình
trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho mình” (s. 2280). Mỗi người phải
chăm sóc bản thân cách hợp lý, dù vẫn phải quan tâm đến những nhu cầu của tha
nhân và của công ích (s. 2288).
Để chính mình có thể trở
nên điểm quy chiếu chính đáng, cần biết yêu mình cách đúng đắn, và như thế, biết
chăm lo bản thân cách đúng đắn. James Keenan có lý khi nhận định rằng để có thể
chăm lo bản thân, trước hết, phải có lòng tự trọng (self-esteem). Nếu chính
mình không tôn trọng mình thì còn mong ai tôn trọng mình? Để có thể tôn trọng
chính mình, cần ý thức và trân trọng về những ân ban nhận từ Thiên Chúa: món
quà sự sống, khả năng, trí tuệ, sức khoẻ, của cải, nhan sắc... Học biết tôn trọng
chính mình, ta sẽ học được cách tôn trọng tha nhân.
Khi người ta không yêu
mình, người ta cũng khó có thể thực sự yêu ai. Khi người ta không thoải mái đón
nhận chính mình, với tài năng, của cải mình có, với tầm thước, vóc dáng, diện mạo
và điệu bộ của mình, thì người ta khó có thể dành thời giờ lưu ý đến tha nhân.[8]
Theo Keenan, điều quan trọng
nhất trong chăm sóc bản thân là huấn luyện lương tâm ngay thẳng trong sáng và
nhân đức quan trọng để có thể chăm sóc bản thân tốt là đức tự trọng. Với ý
nghĩa toàn diện của lương tâm ta có thể lượng giá ba chiều kích của lương tâm
theo truyền thống Giáo Hội: 1/Synderesis,
khuynh hướng nền tảng hay khả năng trong ta biết điều tốt và làm điều tốt.2/ Kiến
thức luân lý (moral science) là tiến trình khám phá những điều tốt phải làm và
những điều xấu phải tránh.3/ Sự phán đoán rành mạch về điều tốt “tôi phải làm”
trong tình huống cá biệt. Đây không phải là ba thực tại cách biệt, cũng không
phải là ba giai đoạn phân biệt qua đó lương tâm đi từ trạng thái chưa trưởng
thành đến trạng thái trưởng thành, nhưng chỉ là ba ý nghĩa hay ba chiều kích,
trong đó ta có thể hiểu một thực tại duy nhất của lương tâm mà thôi. Lương tâm
và huấn luyện lương tâm được bàn trong một bài riêng của bộ môn Luân Lý nền tảng,
ở đây đề cập đến nhân đức tự trọng (self-esteem).
2. Nhân đức tự trọng
Cho phép sự khiêm tốn
Trong giờ học tôn giáo với
một lớp trung học, Keenan đã hỏi các học sinh rằng khiêm tốn có nghĩa là gì.
Sau khi đã nghe một vài câu trả lời vụng về, Keenan đã đề nghị một trường hợp rất
đơn giản: “Bạn vừa ghi một bàn thắng tuyệt vời. Người láng giềng đến nói với bạn:
Anh đã ghi một bàn thắng tuyệt vời.” Đâu là câu trả lời khiêm tốn? Những bàn
tay giơ lên. Một em trả lời: “Ồ! Hôm nay tôi chỉ gặp may thôi; tôi không giỏi lắm
đâu.” Những bàn tay hạ xuống. Các học sinh biết rằng bạn đó đã trả lời hay.
Nhưng Keenan đáp lại: “Đó là nói dối, không phải là khiêm tốn.” Điều đó thực sự
làm chúng phật lòng. Một học sinh đã dám đưa ra một câu trả lời khác: “Em sẽ
nói với người láng giềng của em rằng chính cả đội giỏi.” “Tại sao?”. Nó đánh liều:
“Bởi vì em hẳn sẽ không khiêm tốn nếu em tự gán công trạng cho mình.” Nhiều câu
trả lời khác được thử đưa ra tiếp. Cuối cùng, Keenan nói: “Câu trả lời khiêm tốn,
đó là nói: cám ơn.” Với câu trả lời này, các học sinh đã hiểu tại sao cha mẹ của
chúng đôi khi hài hước về những giờ học tôn giáo mà một linh mục dòng Tên giảng
dạy.
Đức khiêm tốn nhìn nhận
những gì là chân thực về mình. Không phải nói dối, cũng không phải phủ nhận thực
tại nhưng đúng hơn biết nhận ra liệu những gì mà những người khác nói về mình
là chân thực hay không. Như mọi nhân đức, đức khiêm tốn là mức độ trung dung giữa
hai tật xấu: kiêu ngạo, tự cho mình lớn hơn thực tại, và sự tự ti, coi mình tồi
tệ hơn.
Đức tự trọng không phải
là đức khiêm tốn, nhưng đúng hơn là nhân đức cho phép đức khiêm tốn tồn tại.
Đang khi đức khiêm tốn có liên quan đến sự tương tác giữa mình và người khác,
thì đức tự trọng liên quan đến cách sống với chính mình. Đức khiêm tốn hoàn thiện
lối hành xử của chúng ta đối với những người khác, còn đức tự trọng hoàn thiện
cái nhìn mà chúng ta có về bản thân. Đức khiêm tốn có liên quan đến cuộc đối
thoại bên ngoài, đức tự trọng liên quan đến cuộc đối thoại nội tâm.
Không có lòng tự trọng,
chúng ta vừa là kẻ gây hấn vừa là nạn nhân. Không có nó, thì không thể có lòng
khiêm tốn lẫn niềm tự hào. Không có ý thức về giá trị riêng của mình, thì không
thể biết mình. Đức tự trọng, hay chăm lo bản thân là cần thiết. Nhiều người đã
nhận định đạo đức sẽ thiếu sót khi những tham chiếu của nó chỉ là về mặt xã hội
mà thôi, như đó là trường hợp của đức công bình và trung tín.
3. Giáo
dục con cái
Tất cả các nhân đức được
thủ đắc nhờ việc thực hành. Chính nhờ bước đầu rèn luyện mà cha mẹ dạy cho con
cái sống công bình, đối xử với người khác như chúng muốn người ta đối xử với
chúng, đón tiếp hơn là loại trừ, dành thời gian để duy trì tình bạn và nâng đỡ
những người mà chúng thương mến. Chính khi thực thi đức công bình mà cha mẹ dạy
cho con cái giá trị của mọi nhân vị. Chính khi thực thi đức trung tín mà cha mẹ
dạy cho con cái giá trị của mọi tương quan. Chính khi bày tỏ đức tự trọng, chăm
lo bản thân mà cha mẹ dạy cho con cái giá
trị riêng của chúng. Nhờ sự hiện diện yêu thương của các bậc cha mẹ, con
cái nhận thấy tràn ngập tình thương, những viễn ảnh, những khả năng.
Như thế, cha mẹ giúp con
cái thực hiện nhiều khám phá:
- Tất cả những tình cảm mà chúng cảm nghiệm đều đến từ chính
chúng và thế giới nội tâm của chúng cũng rộng lớn.
- Chúng dồi dào những cơ chế xúc cảm lấp đầy chúng những hy
vọng, những giấc mơ, hạnh phúc khi chúng biết mình được đón nhận, nhưng trái lại,
lại làm cho chúng khó gần, cảnh giác và lo lắng tự vệ khi chúng cảm thấy bị đe
dọa.
- Nếu có một thế giới nội tâm, thì cũng có một thế giới ngoại
tại. Con cái học biết, ít ra hy vọng thế, rằng tự sâu thẳm bản thân, chúng có
thể tìm thấy cái để thương lượng sự tham gia của chúng vào thế giới rộng lớn
đang mời mọc chúng theo cách mới mẻ và độc nhất.
- Cũng như cần có thời gian để hiểu anh chị em của mình, bạn
bè hay đồng sự của mình, nên cũng cần phải có thời gian để biết chính mình.
Thỉnh thoảng, con cái nghĩ đến cha mẹ, đến bạn bè hay các
anh chị em và cha mẹ khuyến khích chúng cũng nên có thói quen nghĩ đến bản
thân. Khi cha mẹ mong ước con cái có những giấc mơ ngọt ngào về cha/mẹ, thì cha
mẹ cũng có thể mời gọi chúng có những giấc mơ ngọt ngào về chính bản thân
chúng. Những dạy dỗ như thế cũng quan trọng như những dạy dỗ liên quan đến đức
công bình và trung tín.
Vài điều giúp bạn chăm lo bản thân hơn: Rèn luyện quân bình thể lý, tâm
lý, tình cảm, tinh thần, nhân đức và
đời sống thiêng liêng
Yêu thương bản thân cũng
là một “nghệ thuật” cần học hỏi. Số đông chúng ta thường tin rằng bản thân mình
không đủ tốt và không xứng đáng với những điều tốt đẹp. Chúng ta muốn được
thương yêu nhưng lại không biết cách yêu thương bản thân đúng đắn, vì thế nên
cũng khó, thậm chí không thể cảm nhận cách trọn vẹn tình yêu từ tha nhân. Học
cách yêu thương bản thân sẽ giúp mỗi người tạo nên một cuộc chuyển dịch lớn
trong cách nhìn cuộc sống - cuộc chuyển dịch khiến chúng ta biết trân quý và chấp
nhận con người thật của mình.[9]
V. Bốn
nhân đức trụ thời đại: Sự gặp gỡ giữa văn hóa Phương Đông và Kitô
giáo
Trong tiếng Trung, từ Gia
(^) trong “Gia đình” (^M), cũng chính là từ Gia (^) trong “Quốc gia” (ffl^). Mối
liên kết giữa gia đình và quốc gia có nội hàm sâu sắc, bởi vậy thánh nhân mới
giảng phải “tề gia” rồi mới “trị quốc” và “bình thiên hạ”. “Tề gia” là xây dựng
gia đình mình, gia tộc mình, làm cho gia đình mình tốt đẹp, có nề nếp gia
phong. Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, mỗi gia đình đều có vai trò quan
trọng đối với xã hội, với quốc gia. Trị quốc là chăm lo việc nước, điều hành đất
nước cho có kỷ cương, phép tắc, như thế dân mới được an vui. [10]
Theo lời kể, trong nghĩa
trang thuộc nhà thờ Westminster, London, nước Anh, giữa các tấm bia mộ của nhiều
nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới như như vua Henry III, George II,
Charles Dickens, Isaac Newton,... có một tấm bia mộ vô danh ghi lại vài lời tâm
sự khi sắp lìa đời. Lời khắc trên tấm bia gây nhiều người xúc động và liên tưởng
tới triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” - thay đổi chính mình để
thay đổi thế giới - nổi tiếng của phương Đông:
“Khi tôi còn trẻ, còn tự
do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới. Khi
tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế
giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước
của tôi. Nhưng cũng như vậy, dường như đất nước không thể thay đổi được. Khi
tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ
thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi. Nhưng than ôi, điều này
cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt
nhận ra: Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm
gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia
đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước. Và biết đâu đấy, tôi thậm
chí có thể làm thay đổi thế giới!”[11]
Người phương Đông thời
xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ chảy
xuống lâu ngày có thể xói mòn đá tảng, “góp gió thành bão”, “kiến tha lâu đầy tổ”,
mỗi ngày một việc tốt có thể kết thành đời sống thiện lương. Không ai có thể một
phút trở thành anh hùng, hành trình vạn lý xa xôi bắt đầu từ từng bước chân nhỏ
bé. Chính vì thế, tư tưởng phương Đông chủ trương rằng con người muốn thay đổi
thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân,
sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được. Một người không
xây dựng được chính bản thân mình, gia đình nhỏ bé của riêng mình an hòa thì
làm sao nói đến đem bình an cho xã hội, cho thế giới.
Cuốn Hậu Hán Thư ghi chép
câu chuyện: Thiếu niên Trần Phiên thời Đông Hán luôn tự cho mình là tài cao,
cho nên quyết chí tạo dựng cơ đồ lớn. Ngày nọ, người bạn Tiết Cần đến chơi, thấy
Trần Phiên sống một mình trong căn nhà hết sức dơ bẩn, nói ngay với bạn: “Vì
sao không quét dọn nhà để tiếp đãi khách?”. Trần Phiên đáp: “Đại trượng phu xử
thế, nên quét thiên hạ, sao lo quét một nhà?”. Tiết Cần lập tức hỏi ngược lại:
“Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?” Trần Phiên hiểu ra và không thể
nói được lời nào.[12]
Vì thế, Nho gia khi bàn về
chuyện “tu thân” thì đặt nó xếp sau “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”.
“Cách vật” và “trí tri” nghĩa là tìm kiếm nguyên lý của sự vật để thấu đáo đến
tận cùng. “Thành ý” là trung thực với chính mình và với tha nhân, khi sống với
người khác phải như thế, và khi sống một mình cũng phải như thế, nội tâm và bên
ngoài như nhất. “Chính tâm” là dạy con người đề phòng dục vọng cá nhân, khắc chế
những điều xấu, luôn giữ vững lương tri và chuẩn mực làm người. “Tu thân” là tu
dưỡng, sửa đổi, nghiêm khắc với lời nói và hành vi của mình. “Tu kỷ dĩ kính, tu
kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, một người có thể tu dưỡng chính mình thì
sẽ có được sự tôn trọng của người khác, lại có thể mang lại sự bình an cho người
khác và cho mọi người trên thế giới này.[13]
Trong mỗi con người đều
có cả hai nhân tố thiện và ác, nhưng con người xưa nay vẫn lấy thiện làm chủ,
đó là giá trị quan phổ quát của nhân loại, “làm lành, lánh dữ”. Đạo tu thân về
cơ bản chính là ngày càng tiêu diệt phần ác và tăng trưởng phần thiện của bản
thân. Một người có tự trọng, có lý trí cần phải luôn nghiêm túc với chính mình,
phản tỉnh về ngôn từ, thái độ, hành vi hằng ngày của mình và phán đoán ý nghĩ
và hoạt động của mình có tương hợp với lẽ phải hay không. Sau khi không ngừng
tu dưỡng bản thân, trở nên đức hạnh cao thượng thì người đó sẽ nhận thấy mình
mang trọng trách với gia đình và xã hội. Bởi vì thông qua không ngừng giáo dục
và cảm hóa, con người có thể quay trở về với bản tính lương thiện của mình
(nhân chi sơ, tính bản thiện), nên trách nhiệm của một người chính trực là đánh
thức lương tri, bản tính lương thiện của tha nhân, giúp họ đi trên con đường
chân chính.[14]
Do đó Cổ Học Tinh Hoa mới
có lời bàn rằng: Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững
được, thì sao lại chịu suy đồi cùng với thiên hạ? Vì nếu ai cũng chịu suy đồi
như thế, thì còn ai cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì nhân tâm thế đạo nữa? Cho
nên những hiền nhân có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không để
mình chìm đắm vào cái bất nghĩa, chẳng khác nào cây tùng, cây bách, mùa đông
sương tuyết, mà vẫn xanh. Hơn nữa, các bậc cao nhân còn đem bao nhiêu tinh lực
tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà soi sáng, đưa đường cho những kẻ u mê,
coi sự làm việc “Nghĩa”, sự cổ súy việc nghĩa như cái trọng trách của mình vậy...[15]
Lịch sử Trung Hoa đã có
nhiều tấm gương về trị quốc: Vua Nghiêu, Vua Thuấn dùng nhân ái để cai quản
thiên hạ, dân chúng theo đó mà thi hành nhân ái; Kiệt, Trụ là các vua dùng bạo
lực để thống trị đất nước, dân chúng cũng theo đó mà dấy loạn. “Trị quốc”,
“bình thiên hạ” đều bắt nguồn từ việc “tu thân”. Người cầm quyền một nước có đức
hạnh cao quý thì sẽ giáo hóa dân chúng sống đời đức hạnh, nhân nghĩa, đất nước
sẽ thịnh vượng, thái bình.[16] Việc tu thân, đối với bất kỳ
ai muốn tề gia, hay trị quốc, hoặc trở thành một người quân tử đều vô cùng quan
trọng là như vậy.
Tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ tương ứng với bốn nhân đức trụ Công giáo thời nay như Keenan khởi
xướng: chăm lo bản thân, trung tín, công bình, và cả ba nhân đức đó được đức
khôn ngoan điều phối. Trong đó, ba nhân đức công bình, trung tín và chăm lo bản
thân có vị trí ngang nhau, tùy từng trường hợp cụ thể mà nhân đức nào chiếm ưu
thế. Tuy nhiên, nói cho cùng, nhân đức chăm lo bản thân là cơ bản và trước hết,
vì như đã đề cập đến trong các phần trên, không biết chăm lo bản thân thì làm
sao có thể chăm lo gia đình và tha nhân. Có chăm lo chính mình đúng đắn, bản
thân mới có thể trở thành quy chiếu chính đáng để yêu tha nhân, “yêu tha nhân
như chính mình”. Chính ở điểm này, bốn nhân đức trụ thời đại gặp gỡ với văn hóa
phương Đông. Như thế, văn hóa phương Đông là mảnh đất phong nhiêu để gieo trồng
bốn nhân đức trụ thời đại cho mọi người, cách riêng giới thanh thiếu niên bất kể
tôn giáo tại Việt Nam.
VI. Lòng
thương xót làm cho các nhân đức trụ mang đặc tính Công giáo
Theo Keenan, lòng thương
xót là “thương hiệu” của Công giáo. Ngay từ thời sơ khai của Công giáo tại Việt
Nam, đạo Công giáo được người dân gọi tên là “đạo của những người yêu nhau”.
Trong văn hóa Công giáo, lòng trắc ẩn làm phong phú cho sự hiểu biết các nhân đức.
Lòng thương xót không làm giảm nhẹ tính công bình, mà làm cho công bình không bị
xơ hóa cứng nhắc, và thúc giục chúng ta lưu tâm hơn đến những người bị gạt bên
lề xã hội, những người bị bỏ rơi, không có tiếng nói, những người nghèo của
Thiên Chúa. Lòng thương xót thúc giục chúng ta thực thi hòa giải, tha thứ với
tha nhân, với người thân và với chính mình.
Tin Mừng Mt 20, 1-16: Dụ
ngôn kể lại chuyện những người thợ giờ thứ mười một chỉ làm có một tiếng, được
trả một quan tiền, ngang bằng với những ai đã đi làm từ sáng sớm... minh họa
cho chúng ta về sự công bình của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ thấy thời
gian làm việc trong vườn nho. Người còn thấy cả thời gian chờ đợi. Rất nhiều
khi chờ đợi còn mệt mỏi, lo lắng hơn cả làm việc nữa. Lòng thương xót của Thiên
Chúa vượt xa trí hiểu của con người.
Dụ ngôn người Samari nhân
hậu (Lc 10, 29-37), trong ngữ cảnh cuộc đối thoại với người thông luật về phạm
trù “người thân cận”, ta thấy sự đối nghịch giữa hai hạng người: một bên là hai
thành viên của những lớp người có vai vế trong dân thánh, và do đó, thuộc về số
những “người thân cận” theo quan điểm Do Thái; và bên kia là một người Samari bị
khinh ghét, bị loại trừ và vì thế, bị coi là không thuộc vào số những kẻ đáng
được người ta yêu mến như Luật đòi hỏi. Từ sự đặt đối nghịch hai hạng người đó,
Chúa Giêsu phá đổ quan điểm của người Do Thái về “người thân cận”. Thiên Chúa
mà Đức Giêsu mạc khải là Thiên Chúa của lòng trắc ẩn đối với con người tội lỗi.
Khi chúng ta sống theo sự chạnh lòng thương, thì chúng ta trở nên đáng kính trọng
và yêu mến, chứ không phải vì người ta thuộc về một cộng thể được xác định bằng
các tiêu chí chủng tộc, xã hội hay văn hoá. Khi chúng ta thực thi lòng thương
xót, thì chúng ta trở nên người thân cận của người chung quanh ta.[17]
VII. Giáo
hội và nhân đức chăm lo bản thân
Keenan nhận định đúng đắn
rằng trong số các tài liệu quan trọng nhất được viết bởi các vị hữu trách của
Giáo Hội Công giáo trong suốt thế kỷ XX, có lẽ tám trên mười tài liệu này liên
quan đến đức công bình. Các bài giảng về đức trung tín - thường liên quan đến
gia đình, hôn nhân, ly dị. Khi người ta nghĩ đến sự kiên trì của Chúa Kitô, đến
sự hiện diện vĩnh hằng của Thiên Chúa, đến giao ước, đến sự dấn thân của Giáo Hội,
thì người ta hiểu được tại sao đức trung tín là nhân đức được viện dẫn thường
xuyên nhất trong các bài giảng lễ Chúa Nhật. Nhưng có thông điệp nào đã khuyên xem bản thân mình cách khoan dung, chăm
lo bản thân hay đón nhận cách biết ơn giá trị riêng của mình? Có bài giảng nào
mang lại những lời khuyên để thủ đắc hay giữ gìn đức chăm lo bản thân, lòng tự
trọng? Đâu là những nỗ lực được thực hiện để làm nổi bật trong Tin Mừng những lời
an ủi mà Chúa Kitô đã không ngừng nói với những ai đến nghe Ngài giảng?
Thật vậy, khi viết bài
này, tôi cũng làm cuộc “điều tra” nho nhỏ là tìm kiếm các bài viết, bài giảng,
bài nói chuyện Công giáo về chăm lo bản
thân. Kết quả là “số cực nhỏ” gần chạm zero! Rất nhiều bài phân tích lời dạy
của Chúa Giêsu “yêu tha nhân như chính mình”, nhưng hầu như tất cả các bài đều
dừng lại ở vế đầu “yêu tha nhân” mà thôi! Có lẽ các vị hữu trách e ngại nói đến
chăm lo bản thân sẽ dễ dẫn đến “chủ
nghĩa cá nhân” chăng? Lo ngại cũng có
chút hợp lý trong một xã
hội đề cao chủ nghĩa cá nhân. Nhưng điều quan trọng là cần sự quân bình giữa
các chăm lo cho tha nhân, cho gia đình và cho bản thân. Trung dung là nhân đức.
Hay các vị xem như chăm lo bản thân là điều đương nhiên, xuất phát từ bản năng,
không cần đề cập? Cũng đôi chút có lý, tuy nhiên, điều cần thiết là làm sao dạy
người trẻ biết chăm lo bản thân đúng mực?
Nếu người trẻ biết chăm lo bản thân đúng mực thì sẽ không để mình bị rơi vào
tình trạng nghiện xì-ke ma túy, cờ bạc, ngục tù, gây đau khổ cho gia đình, gây
rối loạn cho xã hội. Nếu người phụ nữ biết chăm lo bản thân đúng mực thì không
để ông chồng vũ phu tiếp tục bạo hành đối với mình đến nỗi đứa con phải phản
kháng cha mình để bảo vệ mẹ và vô tình gây ra cái chết của cha, rồi đứa con phải
ngồi tù![18] Đáng chú ý là các bài tâm
lý hiện đại lại nhắc nhiều đến tình yêu bản thân, chăm lo bản thân đúng mực.
Keenan thật có lý khi nhấn
mạnh các thầy dạy luân lý, các nhà giáo dục phải suy nghĩ hơn nữa về đức chăm
lo bản thân, lòng tự trọng và cần nhớ rằng đó là một nhân đức trụ; luân lý đòi
hỏi người ta tôn trọng bản thân cách mạnh mẽ như người ta nỗ lực đấu tranh chống
bất công. Lời mời gọi làm cho đức chăm sóc bản thân, lòng tự trọng lớn lên của
luân lý cũng cấp bách như lời mời gọi sống công bình và trung tín.
VIII. Một
điển hình người biết chăm lo bản thân và chăm cả thế giới: Nick Vujicic
Nick Vujicic sinh ra
không có chân tay như bình thường mà chỉ có hai bàn chân nhỏ với hai ngón nhỏ
xíu. Cả Nick và bố mẹ suốt nhiều năm vẫn tự hỏi tại sao điều đó lại xảy ra với
gia đình họ. Vượt qua nỗi thất vọng đau buồn ban đầu, bố mẹ Nick dần thay đổi để
yêu thương hết mực và giúp con vượt qua tuổi thơ thử thách. Nick nói rằng nếu
anh được sinh ra ở một nước lạc hậu nào đó thì có lẽ anh đã bị coi là sự nguyền
rủa hay nỗi xấu hổ và bị giết chết ngay khi chào đời. Người bố là lập trình
viên máy tính, dạy Nick bơi từ khi 18 tháng tuổi, cách gõ phím lúc 6 tuổi. Nhờ
đó anh có thể dùng bàn chân gõ máy tính với tốc độ 45 từ/ 1 phút. Sự khuyết tật
dường như là cơ hội khiến Nick có được khả năng khéo léo tuyệt vời trong các
sinh hoạt thường ngày. Ngay từ bé, anh tập luyện tự lập vệ sinh và chăm sóc bản
thân. Đến tuổi đi học, Nick được bố mẹ cho cùng học với những đứa trẻ bình thường
bởi cả hai đều muốn con mình học cách sống tự lập ngay trong hoàn cảnh khó khăn
nhất.
Tuy vậy, mặc cảm tự ti
cũng luôn ẩn tàng trong cậu bé Nick. Nhiều lần lòng tự trọng mà cha mẹ Nick đã
khó nhọc để xây dựng cho anh sụp đổ trong phút chốc vì sự châm chọc tàn nhẫn của
các bạn cùng lớp. Điều đó đã dẫn tới vụ tự tử đầu tiên của anh. Nhưng rồi tình
yêu của bố mẹ đã giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nick thường nói rằng:
“Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp
dẫn hoặc không đủ tài năng để theo đuổi. Vâng, chúng ta tin những gì người khác
nói về chúng ta hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân mình. Tồi tệ hơn khi
bạn tự coi mình là một người vô giá trị, nghĩa là bạn đã đặt ra giới hạn cho những
điều kỳ diệu. Tôi không có tay để chạm vào người khác nhưng trái tim tôi có thể
chạm vào làm rung động trái tim người tôi yêu.” Câu nói đó cũng chính là lựa chọn
để khởi đầu một cuộc sống tràn đầy niềm tin, sức sống và gợi hứng của Nick.
Nick đã từng chăm chỉ cầu
nguyện Chúa ban cho anh đôi chân và đôi tay. Anh nói với Chúa rằng nếu Chúa
không hồi đáp, anh sẽ không bao giờ cầu nguyện nữa. Tuy nhiên, quan điểm của
anh sau đó đã thay đổi hoàn toàn. Đó là lúc mẹ đưa cho Nick đọc bài báo viết về
một người đàn ông bị khuyết tật giống anh đã vượt khó như thế nào. Nick nghiệm
ra rằng anh không phải là người duy nhất thiệt thòi như vậy nên bắt đầu tự làm
mọi thứ và rồi anh nhận ra những điều mình đã làm có thể truyền cảm hứng cho những
người khác nữa.
Khi học trung học Nick đã
tích cực vận động quyên góp cho một tổ chức từ thiện địa phương và các phong
trào vì người khuyết tật. 17 tuổi, anh bắt đầu được mời diễn thuyết và tự lập
ra tổ chức phi chính phủ là Life Without
Limbs. Từ đó anh được mời diễn thuyết ngày càng nhiều trước đám đông. Thông
điệp của anh luôn là hy vọng, một thông điệp nói với mọi người rằng họ có giá trị
riêng dù ở hoàn cảnh nào, họ có thể làm được những việc kỳ diệu, không chỉ tồn
tại mà còn có thể vươn lên.
21 tuổi, Nick Vujicic tốt
nghiệp đại học với hai chuyên ngành kế toán và tài chính, nhưng cuộc đời đã đưa
anh trở thành một người diễn thuyết đi khắp nơi trên thế giới để truyền cảm hứng
về những vấn đề của giới trẻ, gieo niềm hy vọng, bảo vệ sự sống. Anh nói: “Tôi
đã từng tự hỏi tại sao số phận lại quá khắc nghiệt với tôi. Hơn ai hết, tôi đã
từng rất tuyệt vọng, từng muốn tự tử trốn chạy khỏi cuộc đời và rất nhiều lần định
bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng nghìn lần ngã. Dù bạn
có vấp ngã hàng trăm lần, Đừng tuyệt vọng, đừng bỏ cuộc, hãy đứng dậy.” Lời
chân tình của Nick đã chạm vào trái tim của độc giả khắp nơi trên thế giới .
Cái tên Nick Vujicic ngày nay trở thành một biểu tượng mãnh liệt của tinh thần
vượt lên số phận, để tạo hạnh phúc cho chính mình và truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Một trong những món quà lớn
mà cuộc đời dành cho sự dũng cảm và nghị lực phi thường của Nick Vujicic là cuộc
hôn nhân với cô gái xinh đẹp Kanae Miyahara. Đám cưới đẹp như truyện cổ tích của
họ diễn ra vào tháng 2/2012. Một năm sau, họ chào đón cậu con trai đầu lòng
kháu khỉnh.
Nick đã đi một chặng đường
dài, anh ấy đã được đón chào bởi các vị tổng thống, các vị vua và hàng triệu
người khác. Không có chân, anh đã vững chãi bước đi trên con đường đầy yêu
thương và nghị lực mà Chúa đã dành cho anh. Và dù không có tay, anh vẫn có thể
ôm cả thế giới với tình yêu thương vô điều kiện. Điều thật sự tuyệt vời chính
là anh không đổ lỗi cho bất kỳ ai về điều anh không có được, đặc biệt là Chúa.
Anh biết Chúa yêu anh bởi chỉ vì anh được là chính mình và anh đã được tạo ra
trong sự hoàn hảo.[19]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm
2021)
[1] Bernard
McGinn, “The Human Person as Image of God”, trong Christian Spirituality,
Bernard McGinn và John Meyendorff biên tập, (New York, Crosroad, 1985), tr.
312-30. Được trích lại trong James Keenan, SJ., Moral Wisdom (Claretian
Publications, 2004), tr. 140.
[3] X. “Vụ án Lê Văn Luyện”, <https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_L%C3%AA_V%C4%83n_Luy%E1%BB%87n>
[4] “Linh mục khoa học gia Dòng Đa Minh chế ra vắc xin
cho người nghèo. Phỏng vấn ĐHY Charles Bo”, <https://hddmvn.net/linh-muc-khoa-hoc-gia-dong-da-minh-che-ra-vac-xin-cho-nguoi-ngheo-phong-van-dhy-charles-bo/> (18/02/2021).
[5] Một thần học gia người Québec (đã từ trần) đã trình
bày và lượng giá sáu giai đoạn phát triển luân lý theo Lawrence Kohlberg. Xem
André Guindon, Le développement moral,
Paris/Ottawa, Desclée/Novalis, 1989.
[6] Kim Ngân, “11 cách đơn giản giúp bạn thêm yêu bản
thân”, <https://hellobacsi.com/tam-ly-tam-than/moi-quan-he/11-cach-don-gian-giup-ban-them-yeu-ban-than/#gref>, (200/7/2021).
[7] Trần
Bình Trọng, “Để Yêu Chúa và Tha Nhân, Phải Biết Yêu Mình”
<http://www.giaoly.org/vn/d%E1%BB%83-yeu-chua-va-tha-nhan-ph%E1%BA%A3i-bi%E1%BA%BFt-yeu-minh/> (21/10/2020).
[9] Đoàn
Trúc, Bảo Tâm (biên tập) , “Học cách yêu bản thân để sống trọn vẹn hơn”, Nguồn:
Tạp chí Phái đẹp ELLE, Tham khảo: The Minds Journal) <https://www.elle.vn/bi-quyet-song/nghe-thuat-yeu-thuong-ban-than>, (12/6/2020)
[10] Hạnh
Thi, “Chính tâm tu thân' mới có thể ‘tề gia, trị quốc, binh thiên hạ'”, <https://etviet.com/vi-sao-chinh-tam-tu-than-moi-co-the-te-gia-tri-quoc-binh-thien-ha_259308.html>, (21/10/2020)
[11] An Hòa,
“Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi chính minh”
<https://trithucvn.org/van-hoa/thay-doi-the-gioi-thay-doi-chinh-minh.html>, (05/01/2021)
[17] Nguyễn Thể Hiện, “Dụ ngôn người Samari nhân hậu”,
<http://dcctvn.org/du-ngon-nguoi-samari-nhan-hau-lc-1029-37/> .
[18] Hiếu Trung, “Bênh mẹ, con vô tinh giết chết cha”,
<https://thanhnien.vn/thoi-su/benh-me-con-vo-tinh-giet-chet-cha-59651.html>, (5/8/2012.
[19] “Nick Vujicic - Từ nỗi tuyệt vọng đến niềm cảm hứng của
cả thế giới”, < https://lanhdao.net/nick-vujicic/, 3/5/2020 >