Shutterstock

BÍ QUYẾT NUÔI DẠY CON CỦA NGƯỜI INUIT ĐỂ KIỂM SOÁT NHỮNG CƠN GIẬN DỮ

Tác giả: Cerith Gardiner
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (09/12/2020)

WHĐ (27.12.2020) – Truyền thống từ phương Bắc này là một cách kiểm soát cơn giận và nuôi dạy con cái hiệu quả, đặc biệt là khi trẻ mới biết đi!

Ở phần lớn thế giới phương Tây, các bậc cha mẹ phải gồng mình chịu đựng đứa con “khủng khiếp tuổi lên hai” – đó là khoảng thời gian thú vị trong cuộc đời của một đứa trẻ khi chúng nhận thấy tiếng nói của chúng có thể biểu lộ sự bất mãn của mình với bất kỳ ai lắng nghe chúng. Việc đó có thể gây kiệt sức và áp đảo, nhưng có một cách để giải quyết tình trạng khó xử này trong việc nuôi dạy con cái, và điều đó xuất phát từ con đường lên phía bắc.

Vào những năm 1960, một nhà nhân chủng học 34 tuổi, Jean Briggs, đã thực hiện một chuyến đi kéo dài 17 tháng đến Vòng Bắc Cực. Sống trong một môi trường bị cắt bỏ mọi tiện nghi sinh học thông thường, kể cả không có mái nhà trên đầu, Briggs sống sót nhờ lòng tốt của một gia đình Inuit đã đưa cô về nhà của họ. Trong thời gian sống với người Inuit, cô đã bắt gặp một hiện tượng đáng ngạc nhiên: người Inuit có khả năng rất phi thường để kiểm soát cơn giận của họ.

Briggs chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Canadian Broadcasting Corp. “Họ không bao giờ tỏ ra tức giận với tôi, mặc dù họ giận tôi rất nhiều”.

Trên thực tế, nhà nhân chủng học đã phát hiện ra rằng biểu hiện tức giận được coi là một điểm yếu, hoặc thậm chí là trò trẻ con, theo báo cáo NPR.

Briggs đã ghi nhận một vài trường hợp mà việc nổi giận bất thình lình dường như có thể hiểu được. Khi một sợi dây câu cá đã phải mất nhiều ngày để bện lại với nhau nay bị đứt trong lần sử dụng đầu tiên thì câu trả lời ngắn gọn đơn giản là: “Bện nó lại với nhau”.

Một bình trà nóng sôi sùng sục rốt cuộc đổ tràn trên khắp sàn trong lều tuyết, làm hư hỏng lều, nhưng không ai tỏ ra để ý và coi chuyện đó là quan trọng. Người đánh đổ chỉ việc đứng dậy và pha một bình trà mới.

Cả hai phản ứng như thế đều là điều lạ lùng khi bạn nghĩ đến cần biết bao công sức lao động chân tay mới dựng lên được một mái lều tuyết và bện được một sợi dây câu cá.

Khi so sánh, Briggs cảm thấy những cơn giận bộc phát của chính mình là phản xã hội và những cơn giận dữ đó giống như cơn giận của một “đứa trẻ hoang dã”. Cô cứ thắc mắc với câu hỏi nóng hổi làm thế nào những người Inuit có thể nuôi dạy con cái và tạo ra được những con người trưởng thành điềm tĩnh như vậy.

Briggs kể lại một lần khi cô nhìn thấy một người mẹ đang chơi với một đứa trẻ mới biết đi trên bãi biển. Người mẹ nói với con trai rằng hãy đánh cô ấy bằng một hòn đá, và sau đó hãy đánh cô ấy mạnh hơn. (Đây có lẽ không phải là bài học bạn muốn chọn cho con mình!). Cô ấy chỉ nói, “Ồ, đau đấy.” Tuy nhiên, phản ứng bình tĩnh của người mẹ khi bị đau là bài học mà cô đang cố gắng dạy con trai mình. Cô ấy không hề tức giận hay lên tiếng.

Trong bản tin cho NPR, một chuyến đi xa hơn đến Vòng Bắc Cực đã tiết lộ nhiều chuyện hơn đằng sau những phương pháp nuôi dạy con có vẻ kỳ lạ này. Trong một cuộc họp với những người lớn tuổi, người ta đã tiết lộ rằng người Inuit có một quy tắc bằng vàng nuôi dạy con cái: “Đừng la hét hay quát mắng trẻ nhỏ”.

Một bà mẹ, Lisa Ipeelie, một trong 13 anh chị em, giải thích: “Khi chúng còn nhỏ, việc bạn lớn tiếng sẽ không có ích gì. Điều đó sẽ chỉ khiến nhịp tim của bạn tăng lên.” Và ngay cả khi đứa trẻ cắn hoặc đánh cha mẹ, thì điều này cũng không thành vấn đề gì. Điều hợp lý trong chuyện này là nếu một đứa trẻ đang dùng đến hành vi đó thì là vì có một vấn đề cơ bản cần được giải quyết một cách bình tĩnh.

Điều này được xác nhận bởi nghiên cứu của Briggs: “Theo truyền thống, người Inuit xem việc mắng một đứa trẻ nhỏ là hạ thấp phẩm giá. Điều đó như thể người lớn đang nổi cơn thịnh nộ; về cơ bản điều đó làm cho người lớn biến thành ngang hàng với đứa trẻ.”

Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả, ủng hộ hiệu quả của phương pháp bình tĩnh này. “Khi chúng ta quát mắng một đứa trẻ - hoặc thậm chí đe dọa bằng những điều gì đó như “Bố / Mẹ bắt đầu nổi giận rồi đó nghe!”, chúng ta đang huấn luyện đứa trẻ hét lên. Chúng ta đang luyện tập cho chúng la hét khi chúng tức giận và dậy cho chúng biết rằng la hét sẽ giải quyết được vấn đề”, Cha mẹ nên dạy con biết điều tiết cảm xúc vì vậy bài học càng tích cực bao nhiêu thì kết quả cuối cùng càng tốt bấy nhiêu.

Tầm quan trọng của kể chuyện

Tuy nhiên, bạn có thể tự hỏi làm thế nào để người Inuit dạy con cái của họ cư xử đúng mực, hoặc thậm chí để giữ an toàn. Vâng, đó là nhờ những năng khiếu kể chuyện tuyệt vời được lồng vào nền văn hóa. Truyền thống truyền khẩu rất mạnh mẽ trong văn hóa, và những câu chuyện kỳ ảo được kể cho trẻ em nhằm khuyên bảo trẻ em tránh hành động sai trái hoặc rơi vào nguy hiểm: chẳng hạn như thủy quái sẽ đến và cuốn đứa trẻ đi khi đứa trẻ đó bước đến quá gần biển.

Những câu chuyện này có thể gây sợ hãi: “Cha mẹ chúng tôi nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi ra ngoài mà không đội mũ, những ngọn đèn phía bắc sẽ lấy mất đầu của chúng tôi và sử dụng nó như một quả bóng đá,” nhà sản xuất phim Myna Ishulutak chia sẻ. Đối với đôi tai của những người ngoài cuộc, điều đó có vẻ hơi quá đáng.

Tuy nhiên, nhà tâm lý học Deena Weisberg tin rằng “trẻ em học biết tốt nhờ những câu chuyện kể và những lời giải thích. Chúng tôi học tốt nhất nhờ những điều gì có vẻ thú vị đối với chúng tôi. Và những câu chuyện, về bản chất, có thể có nhiều thứ thú vị hơn nhiều theo một cách mà những lời phát biểu thẳng tuột không thể có”. Điều thú vị là cô ấy nói rằng những câu chuyện nào có chút nguy hiểm thì cũng giống như món ăn được dặm thêm tiêu ớt mắm muối, những câu chuyện ấy hấp dẫn trẻ em hơn nhiều.

Cách kể chuyện thậm chí còn đi xa hơn đối với người Inuit. Nếu trẻ làm điều gì đó chúng không nên làm, như đánh đấm hoặc cắn xé, cha mẹ đợi trẻ bình tĩnh lại, sau đó họ diễn lại hành vi đó với giọng điệu đùa chơi, bao gồm cả hành vi đau đớn có thể gây tổn thương. Đứa trẻ, bằng cách nhìn nhận hậu quả một cách bình tĩnh, sẽ học được sức mạnh của cảm xúc.

Những vở kịch này cũng chuẩn bị cho đứa trẻ sẵn sàng khi một điều gì đó gây ra sự tức giận thực sự xảy ra với chúng. Chúng nhớ lại phản ứng bình tĩnh của cha mẹ đối với hành vi ấy và coi đó như một chỉ dẫn. Dạy một đứa trẻ trước khi xảy ra một sự kiện có tiềm năng gây ra cơn giận dữ thì dễ dàng hơn rất nhiều so với dạy chúng khi chúng đang giận dữ, điều này là không thể.

Các nhà tâm lý học và nhân chủng học khác nhau đã nghiên cứu nền văn hóa của người Inuit và công trình của họ tỏ ra rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, một điều thú vị đối với các gia đình Công giáo là Kinh thánh cung cấp vô số điều cần thiết trong việc giảng dạy nhờ các dụ ngôn và các câu chuyện khác. Những điều này có thể được sử dụng để dạy cho trẻ em giống hệt như cách người Inuit dựa vào con quái vật biển của họ. Nếu chúng ta kể cho trẻ nghe những câu chuyện mà chúng sợ hãi, điều đó giúp chúng cư xử đúng đắn, chúng sẽ kể lại những câu chuyện này cho gia đình của chính chúng.