BÍ
QUYẾT CỦA LỜI NGUYỆN CHUYỂN CẦU TỪ ÁP-RA-HAM ĐẾN CHÚA GIÊ-SU
Giê-ru-sa-lem ngày 18 tháng 11 năm 2020
Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.
WHĐ (19.11.2020) – Chuyện kể về một bà mẹ góa với
đứa con côi. Con là niềm vui của mẹ, mẹ là niềm vui của con. Con cười thì mẹ cười,
con khóc thì mẹ khóc, có khi mẹ khóc trước con, như khi thấy con đói mà mẹ chưa
kiếm được gì cho con ăn... Hai mẹ con như một cặp song ca hoàn toàn ăn ý. Đứa
bé tinh khôn, chẳng bao giờ muốn làm mẹ nó buồn. Nhưng một hôm nó cũng làm mẹ
buồn đến nỗi mẹ sai nó đi lấy cái roi cho mẹ... Nó cầm cái roi tới đặt trước mặt
mẹ rồi ôm chầm lấy mẹ. Mẹ ơi con lỡ làm mẹ buồn nhưng con không muốn mẹ khóc
đâu. Mẹ khóc thì con đau hơn mẹ đánh, mà mẹ đánh con thì mẹ sẽ khóc... Thế rồi
hai mẹ con ôm nhau, quên cả cái roi...
Chuyện một người cha có cách dạy con khác người.
Hồi tôi mới được mời vào ở “Khách Sạn Cây
Mít” trong "Sở CA
T.P.H.C.M." [1], tôi ở chung phòng với ông
Cao Dao, một nhà báo lão thành từ thời Bảo Đại, khi ấy ông đã 67 tuổi. Ông kể
cho tôi về cách dạy con khác người của cha ông, là một tri phủ. Mỗi khi đứa con
nào làm điều sai trái cần phải sửa dạy. Ông ra ngồi trước bàn thờ tổ, gọi đứa
con có lỗi, sai đem roi tới cho ông. Con cầm roi tới, ông bảo con chắp tay đứng
trước bàn thờ, ông cầm roi đặt trước bàn thờ, trang trọng thắp nhang vái tổ...
Phủ phục vập đầu nhận tội, xin tổ tiên tha thứ vì không biết dạy con… Rồi ông cởi
áo, cầm roi tự quất vào lưng trần của mình...
Hai câu chuyện này luôn theo tôi khi tôi đọc
sách Thánh, nhìn ngắm cách cư xử của Thiên Chúa với tổ phụ Áp-ra-ham, với dòng
dõi Áp-ra-ham theo huyết nhục là dân của giao ước Xi-nai, với dân của Giao Ước
Mới và với cả loài người được mời gia nhập Giao Ước Mới: người ta có nhận hay
không là quyền tự do của họ, nhưng về phía Thiên Chúa, Ngài đã nhận tất cả con
cái loài người làm con cái của Ngài rồi và đối xử như một người cha nhân lành,
chỉ muốn cho con nên người để không làm hổ mặt ông bà tổ tiên.
Chuyển cầu hay “cầu thay nguyện giúp" là
nhu cầu của loài người trong đời sống hàng ngày: mẹ đứng ra xin bố ngưng đánh
con… các con súm lại van xin bố mẹ… có việc với quan lớn "thanh liêm"
thì đi cửa sau, đem lễ hậu nhờ bà lớn nói giúp… Ngày xưa cũng như ngày nay.
Trong truyện Kiều, cha bị vu oan, nhưng muốn gỡ cho cha thì «có ba trăm lượng việc này mới xong». «Gia cư nghĩ cũng thường thường bậc trung »
thì đào đâu ra ba trăm lượng cho quan ăn !? Thúy Kiều đành phải bán mình lấy
tiền chuộc cha. Ngẫm nghĩ về việc này Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã ngâm vịnh:
«Ba trăm lượng việc ấy mà xong nhỉ - Thuở
trước làm quan cũng thế à ?» Cụ sống ở thời nhiễu nhương đầu thế kỷ
20, tưởng thời xưa khá hơn, ai dè 300 năm trước người ta cũng biết làm quan…
tham để ăn rồi !
Thiên Chúa nhân từ vô cùng, yêu thương từng người,
chẳng cần ai nói giúp ai, cũng không ai có thể «mua» qua cửa trước hay qua cửa
sau, nhưng con người cần học sống liên đới với nhau để sống tình huynh đệ như ý
định của Thiên Chúa khi tạo dựng loài người.
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tố cáo dân Chúa thời sắp
bị lưu đầy vì họ tưởng Thiên Chúa bao che cho tội ác của họ:
Đây là lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giê-rê-mi-a: 2Ngươi
hãy đứng ở cửa Đền Thờ ĐỨC CHÚA và tuyên bố những lời sau đây: Tất cả
những người Giu-đa qua cửa này vào thờ phượng ĐỨC CHÚA,
hãy nghe lời ĐỨC CHÚA. 3ĐỨC CHÚA các đạo binh là
Thiên Chúa của Ít-ra-en phán: Hãy cải thiện lối sống và hành động
của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. 4Đừng ỷ vào
lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của ĐỨC CHÚA ! Đền Thờ của ĐỨC
CHÚA ! Đã có Đền Thờ của ĐỨC CHÚA !” 5Nếu các
ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi
thật sự đối xử công bằng với nhau, 6không ức hiếp ngoại kiều
hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây,
không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân, 7thì
Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha
ông các ngươi đến muôn đời. 8Nhưng các ngươi lại ỷ vào những
lời dối trá vô giá trị. 9Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề
gian, đốt hương tế thần Ba-an và đi theo các thần lạ các
ngươi không biết, 10rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu
khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn !”, sau đó cứ tiếp tục
làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì ? 11Phải chăng các
ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp
sao ? Ta, Ta thấy rõ hết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. (Gr 7,1-11).
Những lời này vẫn có giá trị cho mọi thành phần
của Dân Chúa hôm nay. Đừng đổ tội cho người khác, nhưng hãy cầu cho nhau và cho
mọi người; mỗi người phải lo xét mình và đấm ngực mình, đừng đấm ngực người
khác, lo cải thiện đời sống bản thân trước khi vạch tội người khác và đòi người
khác cải thiện đời sống của họ.
Chuyện thời sự nóng bỏng cho thấy trong Hội Thánh ngay thời chúng ta
đây, nhiều vị cao cấp ngay trong cái gọi là “giáo triều Rô-ma” cũng nhận tiền
để bao che mọi thứ tội ác ghê tởm nhất của McCarrick, Hồng Y nổi tiếng [mọi
mặt !], tổng giám mục giáo phận Washington, thủ đô nước Hoa Kỳ, cho tới
khi ĐTC Phan-xi-cô ra tay truất tước hồng y năm 2018 và truất bậc giáo sĩ năm
2019. Hồ sơ 460 trang được Tòa Thánh công bố hôm 10 tháng 11 năm 2020 vừa qua
cho thấy ông đã dùng đô-la che mắt bịt miệng bao nhiêu vị chức sắc có nhiệm vụ
điều tra về những cáo buộc lạm dụng tính dục mọi lứa tuổi. Các vị này đã che
đậy cho ông ta từ đời thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cho tới Đức
Bênêđictô XVI. Năm 2000 ông ta còn dùng đến lời thề long trọng nhờ thư ký
Dziswiz chuyển tới ĐTC Gioan Phao-lô II để khẳng định mình vô tội, mọi thứ cáo
buộc toàn là cáo gian. Trong cuộc họp bầu Đức Phan-xi-cô làm người kế vị thánh
Phê-rô, ông ta đã quá tuổi hồng y cử tri (80) nên không tham dự. Nhưng chuyện
của ông ta vẫn là khối u nhức nhối chưa giải quyết xong. Năm 2017 mới có được
bằng chứng không thể chối cãi, thế là ĐTC Phan-xi-cô thẳng tay xử ngay và tuyên
án năm 2018. Bao nhiêu vị Sứ Thần Tòa Thánh tiếp nối nhau ở Hoa kỳ từ thời ĐTC
Gioan Phao-lô II, không làm sáng tỏ được những lời cáo buộc. Trong đó có Carlo
Maria Vigano, người hiện nổi tiếng một cách đáng buồn: Đức Bênêđictô XVI giao
cho ông ta, trong nhiệm vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, điều tra… ông ta cũng
ậm ờ cho qua. Hết nhiệm kỳ và quá tuổi, ông ta ở lại nghỉ hưu ở Hoa Kỳ. Khi ĐTC
Phan-xi-cô ra tay thì ông ta mượn gió bẻ măng lấp tội mình, cả gan đòi
ĐTC Phan-xi-cô từ chức vì ông ta đã báo cáo mà bao che bỏ qua… Đức Hồng Y
Ouellet, bộ đặc trách Giám Mục đã lập tức chỉ
rõ sai lầm của ông ta.
(xem tại xuanbichvietnam.net) Từ
đó đến nay ông ta núp đâu đó bên Mỹ, tiếp tục dùng mọi cơ hội tấn công
ĐTC Phan-xi-cô và làm mướn không công cho tổng thống Trump mà ông ta tôn thờ
như vị cứu tinh Thiên Chúa sai cứu nước Mỹ và Giáo Hội Mỹ. Chờ xem khi Tòa
Thánh truy trách nhiệm các vị đã bao che cho McCarrick, trong đó có đích danh
Vigano, xem ông ta đã ngậm bao nhiêu đô-la của McCarrick.
Đừng ai ngạc nhiên, trong Mười Hai Tông Đồ đã có
một ông bán Chúa với giá 1/10 chai dầu thơm hạng sang !! 20 thế kỷ sau…
người ta tiến bộ hơn thời ông Giu-đa. Tạ ơn Chúa vì Hội Thánh không gồm các
thiên thần, nhưng gồm những con người bằng xương bằng thịt… nhờ thế tôi mới được
gia nhập! Mỗi người hãy theo lời thánh Phao-lô căn dặn: «Ai đang đứng, coi chừng kẻo té» (1Cr 10,12).
*****
ÁP-RA-HAM, Tổ Phụ của những kẻ tin thờ Thiên Chúa (Rm 4,11)
Ông là người chuyển cầu thứ nhất chúng ta gặp
trong Sách Thánh. Thiên Chúa coi ông là bạn
thân của Ngài (x. Is 41,8), nên
không nỡ giấu ông điều Ngài sắp làm cho các thành Gô-mô-ra và Sô-đô-ma (St 18,16-33) :
Từ nơi đó ba người kia đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm.
Ông Áp-ra-ham cùng đi để tiễn khách. 17ĐỨC
CHÚA phán: “Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng
? 18Áp-ra-ham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân
tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó. 19Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó
truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của ĐỨC
CHÚA mà thực hiện điều công minh chính trực ; như thế, ĐỨC
CHÚA sẽ làm cho Áp-ra-ham điều Người đã phán về nó.” 20ĐỨC
CHÚA phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật
quá lớn ! Tội lỗi của chúng quá nặng nề ! 21Ta phải xuống xem
thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta
sẽ biết.”
Nghe Đức Chúa nói đi kiểm chứng xem tiếng kêu
trách có đúng không, ông Áp-ra-ham lập tức xin chặn trước để Ngài tha cho các
thành ấy, vì ông nghĩ chẳng lẽ hư hết 100%:
ĐỨC
CHÚA còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23Ông lại gần và
thưa : “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao ? 24Giả
như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao ?
Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó
sao ? 25Ngài làm như vậy, chắc không được đâu ! Giết chết
người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được
đâu ! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao ?” 26ĐỨC
CHÚA đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành,
thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”
Đọc kỹ cách lý luận của Áp-ra-ham, thật lý thú:
thân mật, tế nhị nhưng thẳng thắn nại tới bản chất của Thiên Chúa, mời Thiên
Chúa suy nghĩ lại xem làm như thế có đúng tư cách của Thiên Chúa là Đấng Xét xử
cả trần gian không ? …
Thiên Chúa đồng ý ngay. Ông Áp-ra-ham thấy mình
“hố” liền mặc cả tiếp, lời lẽ rất khiêm tốn, nhưng rất khéo léo, coi như trong
túi không có đủ tiền để trả như đã thỏa thuận, lỡ không có đủ 45 mà chỉ có 40:
Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con
cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28Giả như trong số năm mươi
người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao ?”
Chúa đáp: “Không ! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” 29Ông
lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao ?”
Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”
Thiên Chúa cũng chịu xí xóa ngay. Ông thấy có vẻ
còn bớt được, xin tiếp. Bớt một chục luôn, và từ năm chục ông lần lượt xuống tới một
chục:
Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba
mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không
làm.” 31Ông nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như tìm
được hai mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá
huỷ.” 32Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần
này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì mười người
đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”[2]
Ôi, uổng quá Cụ Tổ ơi, sao Cụ không dám xin bớt
tiếp ? Đành chờ khi lên gặp Cụ Tổ ta sẽ hỏi cho rõ vậy. Trước mắt ta đành
ghi nhận một bên là sự mạnh dạn và khiêm tốn của Cụ Tổ, một bên là sự rộng rãi
của Thiên Chúa… vì tình bạn hữu sẵn sàng lấy giá tượng trưng ! Sau này ta
sẽ thấy Thiên Chúa quả là «tình cho
không biếu không, chớ nên mua bán tình yêu», như lời một bài hát quen thuộc
trước 1975.
MÔ-SÊ, người trung gian
Ông Mô-sê được Thiên Chúa chọn làm trung gian giữa
Thiên Chúa với Pha-ra-ô và giữa Thiên Chúa với dòng dõi Áp-ra-ham mà Chúa coi
là dân của Chúa, để đưa dân ra khỏi Ai-cập, dẫn tới núi của Chúa để Chúa lập
giao ước với họ, rồi đưa họ vào Đất Hứa. Một mình làm trung gian hai phía.
Thiên Chúa trực tiếp chiến đấu với Pha-ra-ô, còn ông phải một mình chiến đấu với dân của ông, vì họ cứng
lòng tin, cho tới khi được thấy ánh sáng của tự do bên kia biển, «toàn dân mới kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức
Chúa, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người» (Xh 14,31). Nhờ thế ông đã hiểu
phần nào lòng dạ của Thiên Chúa. Tôi nói phần nào thôi, vì chẳng bao lâu sau
ông sẽ thấy ông vẫn còn lỗi nhịp với trái tim của Thiên Chúa.
Ngày dân đã vượt qua biển, thoát vó ngựa truy đuổi
của đoàn quân Ai-cập bị nước nhận chìm đáy biển, tiếng hát hò vang dội, điệu trống
nhảy múa tưng bừng hoan hỉ… Nhưng tiếng ca, nhịp trống còn vọng vang chưa hết
miền hoang địa mênh mông, cổ họng đã ráo khô, chẳng còn hát được, tiếng rên của
dạ dày trổi lên mạnh hơn cả tiếng biển ầm ầm chôn sống đoàn quân truy đuổi...
vùi lấp niềm vui ngày giải thoát.
Tiếng ca vui bỗng thành ca cẩm (x. Xh 15,24; 16,1-16), niềm hân hoan bị tiếc
nuối thế chân; niềm tin bị lung lay (14,31 🡨🡪 17,1-7).
Tất cả dẫn họ tới chỗ nổi loạn hai tháng sau đó (x. Xh 32,1-6), rồi 20 năm sau, khi đã đến bờ đất Hứa, họ nổi loạn nữa
(x. Ds
14,1-12) khiến Đấng đã ra tay cứu họ như thấy tiếc công, toan xóa sổ làm lại
(x. Xh 32,7-10; Ds 14,12-19).
Mỗi lần ông Mô-sê vội vàng can thiệp. Dân này bội
bạc như thế thì lấy cớ gì mà van xin cho
họ? Ông Mô-sê tìm được lý từ phía Thiên Chúa (x. Xh 32,11-13; Ds 14,
13-19) và Thiên Chúa nhận lời ông xin (x. Xh 32,14; Ds 14,20-25).
Lần van xin thứ nhất:
Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của
ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi
giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập ? 12Tại
sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa
chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất
? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân
Ngài. 13Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài
là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en ; Ngài đã lấy chính
danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông
đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là
miền đất Ta đã hứa ; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” (Xh 32,11-13)
Lần van xin thứ hai:
Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA: “Người Ai-cập đã nghe biết rằng
Ngài đã dùng sức mạnh của Ngài mà đưa dân này ra khỏi đất chúng. 14Và
chúng đã kể lại việc đó cho cư dân đất
này. Dân đất này đã nghe biết rằng chính Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài ở
giữa dân này, chính Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài cho họ được thấy Ngài tận mắt, rằng đám
mây của Ngài dừng trên họ, và Ngài đi trước họ ban ngày trong cột mây và ban
đêm trong cột lửa. 15Thế mà ĐỨC CHÚA lại muốn giết cả
dân này như giết một người! Các nước đã từng nghe danh tiếng Ngài sẽ nói: 16‘Chính
bởi vì ĐỨC CHÚA đã không thể đem dân ấy vào đất Người đã thề ban cho
chúng, mà Người đã hạ sát chúng trong sa mạc.’ 17Vậy giờ đây,
xin Chúa Thượng của con biểu dương sức mạnh, như Ngài đã phán: 18 Dân đất này đã nghe biết rằng chính
Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài ở giữa dân này, chính Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài
cho họ được thấy Ngài tận mắt, rằng đám mây của Ngài dừng trên họ, và Ngài
đi trước họ ban ngày trong cột mây và ban đêm trong cột lửa. 15Thế
mà ĐỨC CHÚA lại muốn giết cả dân này như giết một người ! Các nước đã
từng nghe danh tiếng Ngài sẽ nói: 16‘Chính bởi vì ĐỨC
CHÚA đã không thể đem dân ấy vào đất Người đã thề ban cho chúng, mà Người
đã hạ sát chúng trong sa mạc.’ 19Vậy xin Ngài tha thứ lỗi lầm của
dân này theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng chịu đựng dân này từ Ai-cập cho
đến đây.” (Ds 14,13-16)
Lần van xin thứ nhất, ông Mô-sê đưa ra hai lý do:
1/ Nếu Thiên Chúa tiêu diệt dân này thì người
Ai-cập sẽ nói gì?
12Tại sao
người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa
chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất
?
2/ Lời Thiên Chúa đã lấy chính Danh Ngài mà thề
với Áp-ra-ham...
13Xin Ngài
nhớ đến các tôi tớ Ngài
là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en ; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với
các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời,
và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa ;
chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”
Lần van xin thứ hai ông cũng đưa ra hai lý do:
Lý do thứ nhất tương tự như lần trước, nhưng
trình bày theo bối cảnh mới:
1/ Dân đất này đã nghe biết rằng chính Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài ở
giữa dân này, chính Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài cho họ được thấy Ngài tận mắt, rằng đám
mây của Ngài dừng trên họ, và Ngài đi trước họ ban ngày trong cột mây và ban
đêm trong cột lửa. 15Thế mà ĐỨC CHÚA lại muốn giết cả
dân này như giết một người ! Các nước đã từng nghe danh tiếng Ngài sẽ
nói: 16‘Chính bởi vì ĐỨC CHÚA đã không thể đem dân ấy
vào đất Người đã thề ban cho chúng, mà Người đã hạ sát chúng trong sa mạc. (Ds 14,14-16)
2/ Lý do thứ hai: 19Vậy xin Ngài tha thứ lỗi lầm của dân này theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng
chịu đựng dân này từ Ai-cập cho đến đây. (Ds 14,19)
Ông không nhắc lại lời hứa, nhưng nêu lên thực tế: Thiên Chúa đã giữ lời hứa với tổ tiên mà đưa
dân ra khỏi ách nô lệ và chịu đựng họ suốt thời gian qua. Yếu tố mới được nêu
lên là lượng cả ân nghĩa, dựa vào mạc
khải mới về Danh Thiên Chúa ở núi Xi-nai sau khi Mô-sê hành xử theo ý mình:
Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng
danh Người là ĐỨC CHÚA.
6ĐỨC
CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận,
giàu nhân nghĩa và thành tín, 7giữ lòng nhân nghĩa với
muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm,
tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến
ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.”
Thiên Chúa không bỏ qua điều gì và sẽ trừng phạt...,
nhưng giữ lòng nhân nghĩa, chịu đựng lỗi
lầm, tội ác và tội lỗi muôn ngàn
thế hệ cơ! Vì như cha mẹ răn đe con: “Lần sau mà còn như vậy là bố đánh
đấy...”, nhưng bao giờ là lần sau? Chờ đấy!...
Vậy thì lời Thiên Chúa đã lấy Danh Ngài mà thề với
Áp-ra-ham và các tổ phụ được đẩy lên một nấc tới chính Danh của Ngài mà Ngài mới mạc khải ở núi Xi-nai.
*****
Đến đây chúng ta có thể nhận ra một điều mới.
Ông Mô-sê suy nghĩ và thưa với Thiên Chúa, nếu Chúa tiêu diệt dân này thì người
Ai-cập sẽ nói sao... dân cư Ca-na-an sẽ nói sao, ông lại nhắc tới Danh mà Thiên
Chúa tỏ cho ông ở núi Xi-nai khi đến ban lại hai bia Chứng Ước cho ông, vì ông
đã đập vỡ hai bia Thiên Chúa trao, như thể ông tự ý tuyên bố Giao Ước đã vỡ.
Thiên Chúa đâu có rút lại Giao Ước đã ban, vì đó chỉ là mở rộng Giao Ước với
Ap-ra-ham đến con cháu của ông như Ngài đã hứa. Bởi vậy Thiên Chúa không triệu
tập dân lại trước núi nhưng chỉ kêu một mình ông Mô-sê lên núi để mạc khải cho
ông và nhắc lại Luật Giao ước đã ban cho dân để ông tự tay tạc vào bia đá, làm
bia Chứng Ước cho dân giữ lại mãi.
Khi Thiên Chúa gọi ông, ông đã xin biết Danh của
Ngài, Ngài đã cho ông Danh Tuyệt Đối “TA LÀ” và Danh theo Giao Ước: “THIÊN CHÚA
CỦA ÁP-RA-HAM, I-XA-ÁC VÀ GIA-CÓP”, đồng thời truyền dùng Danh theo Giao Ước mà
gọi, để luôn nhớ rằng Thiên Chúa đã sai ông đi và đã cứu dân, không phải là
Thiên Chúa ngự trên cao[3], nhưng là Thiên Chúa của
Giao Ước, luôn ở với họ như đã ở với tổ tiên họ.
Nay ông đã nhận ra mình lỗi nhịp tim với Thiên
Chúa, đã tỏ ra chưa biết Thiên Chúa và khiêm tốn xin: “Nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài” (Xh 33,13). Thiên Chúa vẫn giữ ông lại để
phục vụ chương trình của Chúa thực hiện lời hứa với Áp-ra-ham, nên Thiên Chúa
cho ông biết đường lối của Thiên Chúa, đường lối ấy nằm ngay trong Danh của
Thiên Chúa. Ông đã nghe Danh Thiên Chúa mà chưa biết “Danh” ấy bao hàm những
gì, nên vẫn chưa phải là biết Thiên Chúa. Lời cầu xin của ông đích đáng, Thiên
Chúa đã ban điều ông xin cho ông, và hai mươi năm sau ông đã biết ứng dụng ơn mạc
khải kia[4]. Ông không còn dám tự tiện
ra tay như ở núi Xi-nai 20 năm trước (x. Xh
32,15-29).
Thiên Chúa đã lấy chính Danh Người mà thề,
nên tất cả những gì Ngài làm để thực hiện lời thề hứa đều biểu lộ Danh
Ngài.
*****
DANH THIÊN CHÚA TRỌN VẸN NƠI ĐỨC GIÊ-SU
Verbum caro factum est
huios, filius : con - momogenes,unigenitus (Ga 1,1.14) : Con Một
- prototokos,primogenitus (Cl 1,15): trưởng tử
Logos, verbum: Lời// eikôn, imago: hình ảnh //
pleroma, plenitudo: viên mãn (Cl 1,19)//apaugasma tes doxes,
splendor gloriae.
To phos to alethinon: lux vera: ánh sáng thật (Ga 1,9)
Apaugasmates doxes kai character tes hypostaseos autou, splendor gloriae: phản ảnh vẻ
huy hoàng, hình ảnh trung thực.
Ngài đến làm người để kể cho chúng ta biết Chúa
Cha và là hiện thân Tình Yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Ngài chuyển cầu cho
chúng ta cả khi tội lỗi của chúng ta đã đóng đinh Ngài vào thập giá. Tin Mừng
thứ tư cho chúng ta thấy rõ lý do Ngài dựa vào là VINH QUANG CỦA CHA. Ngài đã
ban DANH CỦA CHA cho chúng ta và dựa vào đó mà chuyển cầu cho chúng ta. Danh của
THIÊN CHÚA là TÌNH YÊU:
“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công
trình Cha đã giao cho con làm. 5Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin
Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên
Cha trước khi có thế gian. 6Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế
gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha
đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã
ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con
đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và
không một ai trong họ phải hư mất. (Ga 17,4-6.11-12)
Chúa Giê-su dạy chúng ta biết dựa vào đâu mà cầu
xin với Chúa Cha: Thật, Thầy bảo thật anh
em: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân
danh Thầy. 24Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân
danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.
Hội Thánh đã ghi nhận bí quyết này và luôn cầu
nguyện “nhân danh Chúa Giê-su”. Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa cũng nhờ danh Chúa
Giê-su Ki-tô, cầu xin cũng nhờ Danh Chúa Giê-su Ki-tô, cầu xin cho minh hay
chuyển cầu cho người khác cũng nhờ Danh Chúa Giê-su Ki-tô.
Chuyển cầu, cầu xin cho người khác, cho cả Hội
Thánh đã có từ ngày đầu, khi các môn đệ tụ họp quanh Thân Mẫu Chúa Giê-su chờ
đón Thánh Thần. Sau khi hai ông Phê-rô và Gio-an bị bắt rồi được tha về, cả cộng
đoàn cầu nguyện:
Được thả về, hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng
tế và kỳ mục đã nói với hai ông. 24Nghe vậy, họ đồng tâm nhất
trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành
trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó ; 25Ngài là
Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của
Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển
vông ? 26Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh
tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong
vương p.
27“Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô,
cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong
thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng
Ngài đã xức dầu. 28Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì
quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. 29Giờ đây, lạy
Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được
nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. 30Xin giơ tay chữa
lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là
Đức Giê-su.” 31Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau
rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn
nói lời Thiên Chúa. (Cv
4, 23-31)
Trong thư Ê-phê-sô
Thánh Phao-lô cũng xin các tín hữu cầu nguyện cho ngài:
Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên
Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; 20tôi
là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin
cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải
nói. (6,19-20).
Các tông đồ đã nhận phần “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”. Thánh Phao-lô gợi
ý rằng việc phục vụ Lời Thiên Chúa là bổn phận của tất cả công đoàn, các Tông Đồ
là những sứ giả trực tiếp công bố, còn mọi người phải cầu nguyện để các sứ giả
được mạnh dạn...
Điều này càng đúng và khẩn thiết hơn trong thời
đại chúng ta, khi Lời Thiên Chúa bị bao nhiêu tiếng ồn ào phủ lấp và những phản
chứng do chính các người có nhiệm vụ rao giảng cũng như các tín hữu gây ra, vì
không sống đúng như Lời mình đã nhận và vô hiệu hóa lời rao giảng. Các phương
tiện truyền thông săn lùng và phóng đại những phản chứng, biến thành công cụ mạnh
nhất để triệt hạ Hội Thánh và chế diễu lời rao giảng.
Từ khi có đời sống tu trì, các tu sĩ là những
người trợ giúp không thể thiếu của bổn phận rao giảng Tin Mừng, bằng đời sống
chứng tá và bằng lời cầu nguyện cho Hội Thánh. Các tu sĩ sống ơn gọi tông đồ phải
kiêm cả hai, nên nhiều vị sáng lập mới như Mẹ Tê-rê-sa, lập luôn hai ngành hoạt
động và chiêm niệm để bổ túc cho nhau. Thánh I-nha-xi-ô thì đòi con cái phải là
người chiêm niệm trong hoạt động, đồng thời đã “hợp đồng với các tu sĩ
Sac-tơ-rơ” là những người sống chiêm niệm triệt để nhất, hỗ trợ mãi mãi cho
ngài và con cái sẵn sàng để đi bất cứ nơi nào trên mặt đất này theo lệnh Đức
Thánh Cha.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khi ra mắt lần đầu, trước
khi ban phép lành cho toàn thể Dân Chúa, ngài đã khiêm tốn cúi đầu xin các tín
hữu có mặt ở quảng trường Thánh Phê-rô cầu nguyện cho ngài. Mỗi ngày Chúa nhật
ngài cũng kết thúc buổi đọc Kinh Truyền Tin với lời nhắc: “Xin đừng quên cầu cho tôi”.
Đến đây thì có thể nhận ra Chúa Giê-su là người
con hiếu thảo đã ôm lấy Cha để xin Cha tha cho tất cả anh em của mình, và Chúa
Cha là người Cha vạch lưng mình ra chịu đòn trong cuộc Thương Khó của Chúa
Giê-su, Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, trở nên anh em huyết nhục của
chúng ta.
Quỳ trước Chúa Giê-su trên thập giá, chúng ta có
thể mượn lời thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê tâm sự với Chúa:
Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Chúa!
Con yêu mến Chúa không phải vì trông Chúa cứu con;
cũng không phải vì sợ không yêu thì Chúa phạt trong lửa đời
đời.
Lạy Chúa Giê-su của con, Chúa đã ôm trọn lấy con trên thập giá;
Chúa chịu đinh sắt, lưỡi đòng và bao nhiêu sỉ nhục;
vô vàn đau khổ, mồ hôi và lo buồn, cả cái chết nữa:
Chúa chịu tất cả vì con, thay cho con là kẻ có
tội.
Ôi lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu mến hết tình, sao con lại không yêu Chúa?
Con yêu Chúa không phải để Chúa cứu và đưa con về trời
hay vì sợ Chúa luận
phạt con đời đời.
Nhưng con yêu Chúa và con sẽ yêu Chúa như Chúa đã yêu con
chỉ vì Chúa là Vua của con và chỉ vì Chúa là Thiên Chúa của con. AMEN
[2] Sống trên miền đất mà Cụ Tổ đã đo bằng đôi chân của mình
hôm nay, thì hiểu được lối ra giá và mặc cả thú vị này, không phải với những
người tự coi là dòng dõi Áp-ra-ham theo huyết nhục đã lưu lạc khắp tứ phương,
nhưng là với những người chân đất vẫn tiếp tục lấy đôi chân đo đất này suốt hai
ngàn năm qua. Trong truyện Áp-ra-ham còn có một vụ mua đất mà Cụ Tổ phải cắn
răng trả giá cắt cổ, đó là vụ mua đất để chôn bà Tổ Sa-ra. Bắt đầu người ta nói
rất quảng đại, sẵn sàng biếu không... cuối cùng ra giá cắt cổ bốn trăm lượng (bốn
ký) bạc, mà vì lo chôn người chết thì không được mặc cả! (x. St 23,3-20).
[3] Một bài hát thời xưa: “Lạy
Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao”. Không ít khi
chúng ta cũng sống như thể Thiên Chúa chúng ta thờ cũng là “Thiên Chúa ngự trên
cao” của “người ngoại đạo” này, chứ không phải là Cha chúng ta như Chúa Giê-su
đã dạy. Thiên Chúa của chúng ta là THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA trong Đức Ki-tô,
trong Hội Thánh, và trong các bí tích Chúa đã ban cho Hội Thánh, nhất là bí tích
Thánh Thể, trong Lời Chúa là Lời sống động ngỏ với chúng ta.
[4] Tôi có một thí dụ cụ thể. Một người con rể của anh con bác
tôi: hai anh em tôi đã đọc cho cậu ta chép gia phả bốn đời của gia tộc mà hai
anh em nhớ được, để con cháu tiếp tục biết dòng họ của mình, vì khi di cư năm
1954 đã mất hết giấy tờ tổ tiên để lại. Cậu rể này hãnh diện vì biết hết tên
các cụ trong gia phả 4 đời, tự coi mình là con chứ không phải rể nữa. Nhưng
cách hành xử của anh ta thì chẳng hợp với truyền thống Nguyễn tộc của chúng tôi
tí nào. Anh tôi đã chết, tôi là người cuối cùng còn lại của thế hệ chúng tôi.
Tôi đã viết di chúc cho các cháu bên nội, kể lại chuyện trong gia đình từ đời
bà nội tôi và con dâu bà nội tôi, tức là bà nội của các cháu. Đọc di chúc này
thì các cháu nhận ra cậu rể kia từ thâm tâm vẫn là ngoại tộc.