BẢN CHẤT VÀ Ý NGHĨA CỦA TRƯỞNG THÀNH NHÂN
BẢN TOÀN DIỆN*
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS
WHĐ (25.6.2020) –
Khi nói đến tình trạng lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ, ĐTC Biển Đức XVI
nhận định: “do các thủ tục thiếu sót
trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng của các ứng viên chức linh mục và cuộc
sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng
liêng trong các Chủng viện và Tập viện”[1].
Trong bài thuyết
trình ở cuộc họp thượng đỉnh ngày 21-24/ 2/2019 với ĐTC Phanxicô, Đức TGM
Scicluna cũng nói đến những thiếu sót khi thẩm định sự thích hợp của ứng sinh
lên chức linh mục và đời tu, những thiếu sót trong việc huấn luyện tại chủng viện
và học viện, xu hướng xã hội đề cao giáo sĩ và những nhân vật có quyền bính,
quan tâm không đúng chỗ trong việc bảo vệ thanh danh của Giáo Hội và tránh
gương mù, sự áp dụng thiếu sót các hình phạt theo giáo luật và bảo vệ phẩm giá
mỗi người. Ngài cũng nói rằng mặc dù tình trạng thiếu linh mục tại một số nơi
trên thế giới, hoặc cả tại những nơi dồi dào ơn gọi, vấn đề thanh lọc ứng sinh
linh mục vẫn là điều thiết yếu. Các văn kiện gần đây của Bộ giáo sĩ về các
chương trình huấn luyện nhân bản phải được nghiên cứu và áp dụng kỹ lưỡng[2].
Pastores Dabo
Vobis dạy cần phải vun trồng một tập hợp
những đức tính nhân bản, cần thiết cho sự kiến tạo những nhân cách quân bình, mạnh
mẽ và tự do: chính vì để có khả năng chịu đựng sức nặng của các trách nhiệm mục
vụ. Bởi đó có nhu cầu phải được giáo dục về lòng yêu mến chân lý, về sự chân
thành, về sự tôn trọng nhân vị đối với mọi người, về ý thức công bằng, về chữ
tín trong lời nói, về lòng trắc ẩn thực thụ, về tính nhất quán, cách riêng về sự
quân bình trong phán đoán và trong cách cư xử[3].
Thánh Phaolô căn
dặn:“Tất cả những gì là chân thật, là cao
thượng, là công minh, là trong trắng, là dễ mến, là đáng kính phục, tất cả những
gì được coi là tốt đẹp về mặt nhân đức nhân bản và về những điều được người đời
ca ngợi, anh em hãy chú trọng tất cả những điều ấy” (Ph 4,8).
“Sự trưởng thành nhân bản và cách riêng sự
trưởng thành về mặt cảm tính đòi hỏi một nền đào tạo trong suốt và cương nghị...
đòi hỏi con người phải thực sự làm chủ chính mình, dứt khoát chiến đấu và thắng
vượt mọi hình thái vị kỷ và cá nhân chủ nghĩa vốn đe dọa đời sống mỗi người,
mau mắn cởi mở đối với tha nhân, quảng đại trong sự tận tụy và trong việc phục
vụ đối với tha nhân. Tất cả những điều ấy đều quan trọng để có thể đáp trả ơn gọi,
để có thể trung thành với ơn gọi và với những cam kết gắn liền với ơn gọi, nhất
là trong những giai đoạn khó khăn”.
1. Tiền Đề Quan Trọng về Trưởng Thành
Nói đến con người
là phải nói đến các mối tương quan với Thiên Chúa, với những con người khác và
với chính mình. Chính trong các mối tương quan đó mà Người Trưởng Thành phải được
định nghĩa một cách bao quát là người biết mình là ai, biết mình muốn gì và làm
chủ được chính mình, làm chủ được các cảm xúc, lời nói và hành vi, với tất cả
những khả năng và những giới hạn của mình.
Sự trưởng thành
này phải bao gồm cả thể lý và tinh thần, thể xác và tâm hồn: một người có thể lớn
xác (trưởng thành thể lý) nhưng tâm hồn có thể còn ấu trĩ (chưa trưởng thành được),
trái lại một người thân xác còn trẻ nhưng tâm hồn, suy tư, nói năng hành động
đã chín chắn trưởng thành. Sự trưởng thành bao gồm cả bên trong lẫn bên ngoài:
khi thấy mình bên trong thì chứa một kho tàng khôn ngoan phong phú nhưng bên
ngoài lại là một thân xác mỏng giòn, thánh Phaolô đã nói ‘Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành’. Nơi ông
Gióp, chiếc bình sành ấy bên ngoài đã nứt vì ung nhọt, nhưng bên trong, kho
tàng là niềm tin tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa vẫn còn nguyên vẹn. Bên ngoài,
da thịt ông nứt vỡ vì các vết thương, nhưng bên trong, lòng đạo đức tín thác
không ngừng tái sinh và đã phát ra những lời khôn ngoan thánh thiện ‘Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên
Chúa, sao lại không chịu đón nhận điều dữ cũng bởi tay Ngài?’
Thái độ trưởng
thành đó giúp chúng ta bình tĩnh vượt lên mọi nghịch cảnh và trái ý: nếu đang
chịu nghịch cảnh mà vẫn nhớ đến những ơn lành Chúa đã ban thì chúng ta vẫn được
niềm an ủi lớn lao và sức mạnh kiên vững giữa cảnh gian truân. Nếu chúng ta mau
mắn nghĩ đến những ân huệ của Chúa đã nâng đỡ mình thì dù bao trở ngại khổ đau
cũng không đánh gục được chúng ta[4]. Vì
thế, chúng ta được căn dặn: Ngày gặp vận
may đừng quên điều bất hạnh, và ngày gặp bất hạnh chớ quên đi vận may… Hai
thái độ đó phải luôn đi đôi với nhau, để thái độ này nâng đỡ thái độ kia trong
suốt cuộc sống và sứ vụ linh mục/tu sĩ của chúng ta.
Sự trưởng thành
này giúp chúng ta biết nội tâm hóa bằng sự kết hợp mật thiết với Chúa để đạt được
sự biến đổi toàn diện con người.
Từ kinh nghiệm
đưa thức ăn từ bên ngoài vào bên trong biến thành dưỡng chất nuôi cơ thể, chúng
ta nỗ lực chắt lọc mọi thứ từ bên ngoài và nội tâm hóa chúng thành dưỡng chất
cho tinh thần và đời sống thiêng liêng của mình. Không có cuộc biến đổi nào mà
không khởi đi từ nội tâm, nhất là bởi tác động của ơn thánh qua bí tích giải tội
mà ĐTC Biển Đức XVI đã nói: “Bao nhiêu cuộc
hoán cải và đời sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội!
Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và
chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa”.
Sự trưởng thành
nhân bản toàn diện, (nhân bản làm người nói chung, nhân bản kitô giáo làm người
tín hữu và nhân bản đời tu làm linh mục/tu sĩ), không phải là một thực tại tĩnh
đã được kiện toàn chung cục và cố định, mà là một thực tại động và đang trở
thành, đang thay đổi theo hướng thăng tiến hoặc thoái hóa. Chẳng hạn cuối giai
đoạn đào tạo, ứng sinh phải được xác nhận là đã đạt được một mức độ trưởng
thành khả dĩ mới cho chịu chức. Theo lý tưởng thì sự trưởng thành ấy sẽ ngày
càng được tăng tiến với thời gian và kinh nghiệm. Nhưng nơi một số linh mục trẻ
thì ngược lại, đến nỗi bị phê bình là thiếu nhân bản, hay đúng hơn là đang ở
vào lúc sự trưởng thành bị thiếu hụt.
Nhưng chúng ta cần
bình tĩnh xem xét một cách công bằng, vì trưởng thành nhân bản là làm chủ được
bản thân, làm chủ được các cảm xúc, làm chủ được cuộc sống của mình và sống
đúng những cam kết của bậc sống mình. Bộ Giáo sĩ khẳng định: “sự trưởng thành nhân bản trước tiên hàm
nghĩa sự quân bình và hài hòa trong toàn thể các xu hướng và giá trị, sự ổn định
tâm lý và tình cảm, sự cẩn trọng khách quan trong phán đoán, sức mạnh trong việc
làm chủ cá tính của mình, khả năng giao tế, v.v…[5].
Nếu hiểu như thế thì trưởng thành nhân bản rất hàm nghĩa và tương đối, và không
phải chỉ một số linh mục trẻ thiếu trưởng thành nhân bản mà còn nhiều người lớn
tuổi và chức quyền cũng mắc phải, vì không làm chủ được cảm xúc nóng giận hoặc
trái ý mà mắng chửi giáo dân ngay cả trên tòa giảng là nơi chỉ dành để nói lời
Chúa, thậm chí đánh cả giáo dân và người cộng tác dưới quyền[6].
Chúng ta coi đây là những lúc sự trưởng thành bị thiếu hụt trên tiến trình đang
trở thành. Bao lâu con người còn sống là còn thay đổi, hoặc tốt hơn hoặc xấu
hơn, cho đến khi hoàn tất cuộc đời. Như thế, mỗi người chúng ta có thể lúc này
trưởng thành mà lúc khác lại thiếu trưởng thành, tùy thái độ ứng xử của chúng
ta lúc đó.
2. Trưởng Thành Nhân Bản Toàn Diện
Linh mục phải là
con người thực sự trưởng thành nhân bản toàn diện:
2.1. Trưởng Thành Nhân Bản Nói Chung
Nhân là người, bản
là gốc rễ, là nền tảng… Nhân Bản là tập hợp những điều căn bản của con người từ
khi được hình thành trong bụng mẹ, vốn tốt lành tự nhiên (“nhân chi sơ tính bổn thiện”). Nhưng vì con người là một sinh vật có
lý trí, có tăng trưởng theo dòng thời gian và chịu ảnh hưởng của môi trường sống
chung quanh nên cái gốc rễ ấy sẽ không mãi mãi được bảo trì như ban đầu (“tính tương cận”), mà sẽ dần dần biến đổi
theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, tùy theo cái ảnh hưởng đó là tốt hay xấu,
chứ không còn giống nhau như trước nữa (“tập
tương viễn”).
Như thế, chúng ta
nhận thức được sự can thiệp vô cùng quan trọng của việc giáo dục nhân bản, tức
là giáo dục một con người từ lúc chưa ý thức mình là người trở thành một người
có nhân cách. Chẳng hạn một em bé mới sinh nhờ lớn lên trong một nhân cách gia
đình tốt mà thừa hưởng những cái tốt ấy: cha
mẹ nào con nấy. Em bé cũng lớn lên trong một nhân cách xã hội tốt hay xấu,
và cái nhân cách xã hội ấy cũng ảnh hưởng trên em bé. Quan trọng hơn là em bé sẽ
sống và lớn lên trong một nhân cách giáo dục: những lời nói, những hành động của
cha mẹ, thầy cô, người lớn, những tư tưởng trong sách vở mà em bé tiếp thu, thấu
hiểu và đọng lại trong suy nghĩ, trong tiềm thức… đều chạm tới nhân cách của
em, được diễn tả ra trong lời nói, thái độ ứng xử và hành động. Cái nhân cách
được hình thành từ thuở thiếu thời như thế sẽ bám lấy em cho đến khi em trưởng
thành, thành người lớn và theo em mãi suốt cả cuộc đời, nếu không có sự can thiệp
hiệu quả của việc được đào tạo và tự đào tạo thích hợp.
Vậy nhân bản là
thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử của một người hợp với những quy tắc
mà mọi người thừa nhận. Và giáo dục nhân bản là đặt ra những định chế để hướng
dẫn hay sửa chữa những lệch lạc, sai lầm nhằm thăng tiến con người hoàn thiện.
Từ đó ta gọi nhân bản là “đạo nhân = đạo làm người”, là đường lối và lẽ sống,
là cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hợp quần của con người với nhau. Chính
vì thế, Pastores Dabo Vobis khẳng định: “Không
có đào tạo nhân bản thỏa đáng thì việc đào tạo trong toàn bộ sẽ thiếu hụt mất
những nền tảng cần thiết”[7].
Điều linh mục được
đòi hỏi trước tiên là phải có sự Trưởng Thành Nhân Bản, nghĩa là phải biết làm
một con người đích thực là con người (thành
nhân), được biểu hiện ra bên ngoài qua những đức tính tự nhiên hoặc do tập
luyện mà đạt được nhân cách cao quý, như tác phong tốt đẹp, suy nghĩ chín chắn
khôn ngoan, ý chí tự chủ, kiên quyết, tâm tính quân bình, điềm tĩnh, cư xử hài
hòa, quảng đại vị tha…
Được coi là trưởng
thành và thật sự trưởng thành là hai thực tại khác nhau. Có thể ngộ nhận rằng
người trưởng thành không hề bị ảnh hưởng bởi sự xấu, không thể sai lầm, luôn giữ
vững lập trường, không hề thay đổi, v.v... Thật ra, người trưởng thành luôn biết
thế nào là đúng thế nào là sai và hành động theo lương tâm ngay thẳng; càng trưởng
thành càng khiêm tốn chấp nhận mình có thể sai lầm và đón nhận sự phê bình hay
quan điểm của người khác; nét đẹp của người trưởng thành chính là sự hài hòa,
biết lúc nào cần nghiêm chỉnh, khi nào cần tươi cười, biết nhận ra sự khác biệt
và giá trị của người khác, của mỗi hoàn cảnh, mỗi thời điểm, biết linh động
thích ứng, chứ không khư khư quan điểm chủ quan sai của mình bất chấp quan điểm
khách quan đúng của người khác, nhưng cũng biết nỗ lực thuyết phục người khác
nghe theo quan điểm chủ quan đúng của mình.
Sự trưởng thành
không lệ thuộc vào tuổi tác và thể lý: Người ốm yếu có thể trưởng thành hơn lực
sĩ, người ít học có thể trưởng thành hơn người khoa bảng, người trẻ tuổi có thể
có sự trưởng thành tinh thần cao hơn người có tuổi tác, chức vị (dĩ nhiên người
tuổi tác và chức vị theo lẽ thường phải có sự trưởng thành chuẩn mực), vì người
trưởng thành nhân bản thực sự biết làm chủ bản thân và các cảm xúc của mình.
Người trưởng thành biết nhìn xa trông rộng, biết khép mình vào kỷ luật chung,
hành động không vì sợ người khác nhưng theo lương tâm và xác tín của mình. Ý
chí, tự do, tình cảm, trí khôn, tất cả kết hợp hài hòa nơi bản thân để tạo thành
nhân cách của người trưởng thành. Người trưởng thành trung thành sống những cam
kết của bậc sống mình, chịu mọi trách nhiệm về hành động và lời nói của mình
cho tới cùng.
Tóm lại, một con
người trưởng thành nhân bản biết mở rộng ý thức về bản thân, nhưng không lấy
cái tôi của mình làm trung tâm điểm, song liên kết với tha nhân cách quân bình,
làm chủ cảm xúc và sống với các trạng thái tình cảm của mình: có khả năng mang
nổi thất bại, chấp nhận lầm lỗi của mình chứ không dữ dội trút lên tha nhân và
các biến cố bên ngoài kiểu giận cá chém
thớt, cui đánh đục, đục đánh săng; bộc lộ các xác tín và cảm nhận của mình
với lòng trân trọng các xác tín và cảm nhận của người khác; vượt lên cái thiện
cảm và ác cảm tự nhiên. Lòng cảm thông đối với đồng loại là một dấu hiệu của sự
trưởng thành.
Người trưởng
thành nhân bản có nhận thức đúng với thực tế: đánh giá thực tại, nhìn xem sự vật,
con người và các hoàn cảnh đúng như chúng là, chứ không như mình mong muốn nó
trở thành; đồng thời có khả năng quên mình vì một nhiệm vụ quan trọng trong ý
thức trách nhiệm tập thể; biết rõ mình về những điểm mạnh và những điểm yếu của
mình trong tinh thần hài hước; có khả năng coi thường những cái mình yêu thích
dù vẫn yêu thích chúng; không giả bộ màu mè tỏ ra bề ngoài mình là cái gì đó mà
thực ra không phải.
Người trưởng
thành nhân bản có sự chín chắn lương tâm đạo đức: biết sự khác biệt giữa cái
đúng và cái sai trong cuộc sống thường ngày; không lẫn lộn phương tiện với mục
đích, và cương quyết theo đuổi cho bằng được những mục đích đúng đắn mà mình đã
xác tín.
Huấn Thị Hình ảnh Giáo Hội Hôn Thê của Chúa Kitô dạy
“phải kiểm chứng sự trưởng thành nhân bản
của các ứng sinh: đương sự phải nhận biết thực tiễn về bản thân, và ý thức
khách quan về những năng khiếu và giới hạn của mình, khả năng tự quyết và lãnh
nhận trách nhiệm; khả năng thiết lập những tương quan lành mạnh, thanh thản, với
những người nam nữ, hiểu biết đúng đắn về giá trị hôn nhân và chức phận làm mẹ,
khả năng hội nhập tính dục vào trong căn tính bản thân, và điều khiển những
năng lực tình cảm để có thể diễn tả nữ tính của mình trong một cuộc sống khiết
tịnh, cởi mở đối với một sự phong phú tinh thần rộng lớn hơn… Ngoài ra phải có
khả năng làm việc, nghề nghiệp, để có thể tự lực mưu sinh một cách xứng đáng,
có khả năng dựa trên kinh nghiệm đương đầu với những đau khổ và bất mãn, cũng
như trao ban và nhận lãnh tha thứ, biết giữ lời hứa và chu toàn những cam kết
đã đưa ra, có khả năng sử dụng của cải trong tinh thần trách nhiệm, sử dụng các
phương tiện truyền thông và thời giờ rảnh rỗi”[8].
Bài đọc thêm: Học Làm Người
Chuyện kể rằng Ðại
Sư Tịnh Vân có một đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền đi học Thạc sĩ, rồi
Tiến sĩ. Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, đệ tử đó hoàn thành luận án nên vô cùng
mừng vui, trở về vinh quy bái tổ và thưa với Đại Sư: “Bạch Sư phụ, nay con đã có bằng Tiến sĩ rồi, con còn phải học những gì
nữa không?” Ngài Tịnh Vân bảo: “Học
làm người.” Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
Phải tu thân tề gia trước, rồi mới đủ uy tín trị quốc, và sau đó mới khả dĩ
bình thiên hạ. Đạo Làm Người là đạo quan yếu nhất, dù theo đạo nào và ở cương vị
nào thì trước tiên vẫn phải biết Làm Người. Đây là vài “tín chỉ” trong “môn học
làm người”:
a. HỌC NHẬN LỖI: Con người thường không chịu nhận phần lỗi mình, tất
cả lỗi lầm đều đổ cho người khác, vì cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra
“không biết mình” là lỗi lầm lớn nhất. Đừng nghĩ mình “lớn” thì hoàn hảo và vô
tội. Càng lớn càng dễ lỗi lầm vì có thể đổ lỗi cho người dưới. Ðối tượng mà
mình nhận lỗi có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè…, và bất kỳ ai trong
xã hội, thậm chí là người nhỏ hơn mình và với chính người không tốt với mình.
Nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ
lượng của bản thân và được khâm phục. Biết nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự
tu thân lớn và là một nhân đức.
b. HỌC KHIÊM NHU: Răng cứng lưỡi mềm, nhưng cuối cuộc đời, răng rụng
hết mà lưỡi vẫn còn nguyên. Đó là bài học về sự mềm mỏng, khiêm nhu. Được vậy
thì đời người mới có thể tồn tại dài lâu, chứ “cứng” thì chỉ thiệt thòi. Tâm
hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu thân. Có tâm hòa thì mới có nhân hòa. Thường
những người cố chấp có tấm lòng và tính cách rất “lạnh”, rất “cứng” như sắt
thép vậy. Nếu biết điều hòa hơi thở và tâm tính, dần dần khiến “ngựa chứng” phải
thuần thục thì cuộc sống sẽ vui tươi, hạnh phúc và kiên vững.
c. HỌC ĐỨC NHẪN: Nhẫn nhục là loại “cỏ quý”, là “bùa hộ thân” đặc
biệt. Biết nhẫn một chút thì có thể làm sóng yên biển lặng. Nhường nhịn không
phải là chiến bại. Nhẫn để tiêu trừ điều ác. Nhẫn là biết xử sự, biết hóa giải,
dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Muốn
sinh tồn thì phải biết nhẫn để có thể phân biệt đúng/sai, thiện/ác, tốt/xấu, thậm
chí chấp nhận nó.
d. HỌC THẤU HIỂU: Không hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh
chấp, hiểu lầm.... Nên thấu hiểu để biết cảm thông và giúp đỡ nhau. Không cảm
thông nhau không thể tha thứ cho nhau, không thể có hòa bình.
e. HỌC BUÔNG BỎ: Cuộc đời như một chiếc va-li, lúc cần dùng thì
xách lên, không cần thì đặt xuống. Lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, mà
kéo lê nặng nề thì cuộc đời luôn trĩu nặng. Cuộc đời hữu hạn, biết phục thiện,
biết tự trọng và tôn trọng, biết bao dung thì mới làm cho người ta chấp nhận
mình, biết khước từ chính mình để có thể sinh tồn.
f. HỌC XÚC ÐỘNG: Nhận ra ưu điểm của người khác thì nên hoan hỷ,
thấy điều không may của người khác nên biết xúc động. Vui với người vui, buồn với
người buồn. Trắc ẩn là lòng thương yêu, là thiện tâm. Trên đời có rất nhiều cảnh
thương tâm, nhiều cuộc đời rất đáng thương, vô cảm là độc ác.
g. HỌC SINH TỒN: Ðể sinh tồn, chúng ta phải biết giữ gìn sức khỏe
tinh thần và thể lý. Tinh thần thoải mái thì thân thể khỏe mạnh, và ngược lại.
Thân thể khỏe mạnh không chỉ ích lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn
bè an tâm. Đó cũng là biết sống hiếu đễ với người thân.
2.2. Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo
ĐTC Phanxicô
tuyên bố: “Nền nhân bản Kitô giáo đặt trọng
tâm nơi Chúa Giêsu Kitô, nơi đó chúng ta khám phá khuôn mặt đích thực của con
người. Nền nhân bản Kitô giáo không phải là thứ chủ nghĩa tự quy về mình, lấy
mình làm trung tâm, nhưng luôn luôn hướng đến người khác, nỗ lực làm việc để
cho thế giới tốt đẹp hơn. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy con đường dẫn đến hạnh
phúc là con đường của Tám Mối Phúc Thật… Tuy đơn sơ, nhưng thực tiễn, giúp
chúng ta sống đời sống Kitô hữu đến mức lành thánh… Nếu Giáo Hội đánh mất đi
tâm tình như đã có nơi Chúa Giêsu, Giáo hội sẽ mất phương hướng và cũng đánh mất
diệu cảm của mình… Các cải cách của Giáo Hội phải bắt nguồn từ Chúa Kitô và phải
để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn”[9].
Nhân bản Kitô
giáo là một nền nhân bản toàn diện và liên đới, có thể tạo ra một trật tự xã hội,
kinh tế và chính trị mới, đặt nền tảng trên phẩm giá và tự do của mỗi con người.
Nền nhân bản này có thể trở thành hiện thực nếu mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng biết
vun trồng các đức tính luân lý và xã hội nơi bản thân mình và phổ biến chúng
trong xã hội[10].
Vì thế, Công Đồng
Vaticanô II dạy: “Mọi Kitô hữu, nhờ việc
tái sinh bởi nước và Thánh Thần, đã trở nên những tạo vật mới, được gọi là con
Thiên Chúa và quả thực như thế, nên có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo.
Nền giáo dục này không chỉ nhằm giúp con người được trưởng thành, nhưng cốt yếu
là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân Ðức Tin đã
nhận lãnh trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền
giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và
chân lý (x. Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ
biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Eph
4,22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tầm vóc sung mãn của
Chúa Kitô (x. Eph 4,13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể. Hơn nữa,
vì ý thức được ơn kêu gọi của mình, chính họ phải tập thói quen minh chứng niềm
cậy trông của mình (x. 1P 3,15) cũng như phải giúp cải tạo thế giới theo tinh
thần Kitô giáo. Nhờ đó những giá trị tự nhiên sẽ góp phần vào lợi ích của toàn
thể xã hội, khi được hòa hợp vào viễn ảnh toàn vẹn của con người được Chúa Kitô
cứu chuộc. Vì vậy Thánh Công Ðồng nhắc lại cho những Chủ Chăn hướng dẫn các
linh hồn nhiệm vụ rất quan trọng là phải thu xếp mọi sự, để các tín hữu được hưởng
nhờ nền giáo dục Kitô giáo, nhất là giới trẻ - niềm hy vọng của Giáo Hội”[11].
Hơn ai cả, linh mục/tu
sĩ phải là người thực sự trưởng thành nhân bản kitô giáo, mà thánh Phaolô khẳng
định “lấy sự thánh thiện và chân thành
Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em... không cư
xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2 Cr
1, 12.). Trưởng thành nhân bản Kitô giáo là đã tập luyện được và sống các nhân
đức đối thần, đối nhân cũng như đối ngã. Các nhân đức đối nhân có bác ái, khôn
ngoan, công chính, can đảm và tiết độ; còn các nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến
để nên thánh, bằng việc tín thác cho Chúa Thánh Thần và kêu xin Ngài ban các hồng
ân và hoa trái thiêng liêng giúp chúng ta dễ dàng sống theo sự hướng dẫn của
Ngài qua bảy ơn Kính Sợ, Đạo Đức, Suy Biết, Sức Mạnh, Lo Liệu, Thông Hiểu và
Khôn Ngoan.
Sự trưởng thành
nhân bản Kitô giáo này sẽ ngày càng tăng trưởng nhờ vào sự giáo dục, nhất là
giáo dục đức tin và thực hiện việc thương người mà linh mục/tu sĩ phải sống trước
khi dạy giáo dân. Một số kinh nguyện chúng ta đọc Ngày Chúa Nhật thúc đẩy chúng
ta ý thức và nỗ lực thực hiện sứ vụ giảng dạy của mình, đồng thời cũng là một
chương trình Sống Đạo trưởng thành tuyệt vời: Kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối.
Thương xác bảy mối: cho kẻ đói ăn, cho kẻ
khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ
nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê
muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu
cho kẻ sống và kẻ chết. Kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức: Khiêm nhượng chớ Kiêu ngạo, Rộng Rãi chớ Hà
Tiện, Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục, Hay nhịn chớ hờn giận, Kiêng bớt chớ mê
ăn uống, Yêu người chớ ghen ghét, Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
Nhất là nỗ lực thực thi Tám Mối Phúc Thật, quen gọi là Hiến Chương Nước Trời.
2.3. Trưởng Thành Nhân Bản Đời Tu
Linh mục/tu sĩ phải
là người trưởng thành nhân bản đời tu thực sự, qua tiến trình ơn gọi năm bước:
một là thực sự nghe được tiếng Chúa kêu gọi, hai là quảng đại đáp lại, ba là
luôn luôn cam kết theo chính Chúa Kitô toàn thể với khổ hình thập giá và phục
sinh vinh quang, bốn là mỗi ngày được biến đổi phù hợp với đời sống và sứ vụ của
mình, năm là kiên trì trung thành với ơn gọi, trung tín với Chúa và Giáo Hội,
trung tín với Hội Dòng, Bề Trên, Đấng Bản Quyền và anh chị em, trung tín với lời
hứa vâng phục và độc thân khiết tịnh, vượt lên những gập ghềnh trái ngang về
tình cảm và tính dục trong suốt cuộc sống tông đồ mục vụ qua tình bạn với người
đồng phái lẫn khác phái, đi tu hay ở đời, độc thân hay có gia đình và góa bụa.
Từ đó nung đúc được những tâm tình trưởng thành thiết yếu trong nhân cách linh
mục/tu sĩ như tâm tình biết ơn, tâm tình xin lỗi, tâm tình tha thứ, tâm tình cầu
chúc những điều tốt đẹp nhất và tâm tình cầu nguyện vì xác tín rằng mọi sự đều
bởi Chúa.
Đời sống và sứ vụ
linh mục/tu sĩ hôm nay luôn là lối đi ngược dòng với xu hướng thời đại của nền
văn minh sự chết (tục hóa, hưởng thụ vật chất và khoái lạc nhục dục), nên chúng
ta phải kiên trì sử dụng mọi phương thế tự nhiên và siêu nhiên để gìn giữ và tự
bảo vệ lấy mình trong mọi mối tương quan, hầu xứng hợp theo đuổi lý tưởng cho đến
cùng, đặc biệt năm yếu tố giữ cho các mối tương quan được quân bình, hài hòa và
an toàn, nhất là trong tương quan khác phái: một là nơi chốn gặp gỡ, hai là thời gian và thời lượng, ba là khoảng
cách thể lý và tâm lý, bốn là sự có mặt của những người thứ ba, năm là ý thức sống
sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.
ĐTC Phanxicô nhắn
nhủ: “Các con đừng sợ đi ngược dòng đời,
khi mà những giá trị được bày ra là những giá trị xấu, muốn cướp mất hy vọng của
chúng ta, những giá trị được ví như những bữa ăn, khi bữa ăn không lành mạnh,
nó sẽ làm hại chúng ta, thì những giá trị này làm hại chúng ta. Chúng ta phải
đi ngược dòng đời, và các con phải là người đi tiên phong: “hãy đi ngược dòng đời
và hãy lấy làm hãnh diện khi đi ngược dòng đời như vậy”[12].
Chính nhờ sự trưởng
thành nhân bản đời tu và là linh mục có nhân cách, là người môn đệ đích thực, đồng
hình đồng dạng với Chúa Kitô mà chúng ta mới có thể chu toàn sứ vụ được giao
phó, cùng với đoàn chiên xây dựng giáo xứ thành một gia đình yêu thương, một
thiên đường tại thế, trở thành sức hấp dẫn lôi kéo người ta tìm đến đức tin.
Người càng trưởng
thành nhân bản đời tu càng biết yêu bản thân và tha nhân. Trong giới răn trọng
nhất yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí
khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình” (X. Mc 12, 28-34) thì
chúng ta ở đâu? Thưa chúng ta vừa là chủ thể vừa là đối tượng của tình yêu ấy:
chúng ta yêu Chúa, yêu tha nhân và yêu bản thân mình. Tình yêu bản thân là một
đòi hỏi căn bản, được khắc sâu trong bản tính con người: có yêu mình mới so
sánh được với yêu tha nhân. Nếu bản thân mình mà không yêu thương, tôn trọng, bồi
đắp, thăng tiến và hoàn thiện thì làm sao mà có lòng yêu thương tha nhân được?
Và mới có thể trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Chúa. Có yêu bản thân mình mới
yêu được mọi người xung quanh!
Khi dạy “yêu tha nhân như chính mình”, Chúa Giêsu
đương nhiên chấp nhận tình yêu bản thân và lấy nó làm đối chiếu cho tình yêu
tha nhân. Nhưng phải yêu bản thân một cách đúng mực, có trách nhiệm, có định hướng
để Chúa Kitô ngày càng lớn lên và con người phàm trần ngày càng bé đi thì mới
có thể lấy bản thân mình làm đối chiếu cho tình yêu đối với tha nhân. Người trưởng
thành nhân bản đời tu không tìm đáp ứng hết mọi nhu cầu của bản thân, nhưng cầu
nguyện và suy nghĩ để biết nhu cầu nào là cần thiết và nhu cầu nào là nên buông
bỏ, nhờ đó mà biết tin tưởng chấp nhận và nỗ lực tự đào tạo thăng tiến bản thân
mình cũng như tha nhân ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, mà
thánh Phaolô quả quyết “tôi sống nhưng
không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.
Khi nói những lời
từ biệt cuối cùng, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ điều răn mới về một mức độ đỉnh
điểm của tình yêu, cũng là dấu hiệu căn tính của người môn đệ: “Thầy ban cho các con điều răn mới của Thầy
là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Mọi người sẽ cứ
dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con có lòng yêu thương
nhau” (Ga 13, 34-35). Là những người thay lời đổi ngôi cho Chúa Giêsu,
chúng ta nỗ lực làm cho tình yêu của chúng ta đối với nhau phát triển đến mức
hoàn hảo như tình yêu mà Chúa Giêsu đã yêu chúng ta: “yêu nhau như Chúa yêu mình”, không lấy mình làm quy chiếu, song lấy
Chúa Kitô làm mẫu mực và nhìn thấy Chúa Kitô trong nhau. Một khi anh em linh mục/
tu sĩ thực sự yêu thương nâng đỡ nhau, thỏa mãn được nhu cầu tâm lý yêu và được
yêu, thì không một thứ tình cảm nào có thể chen vào làm hại chúng ta được.
Thánh Phaolô diễn
tả sự trưởng thành kiên bền trong đời tu như sau: “Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của
Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất
vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. Chúng tôi còn chứng
tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một
tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức
mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ,
khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị
coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt,
nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ
thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;
coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng,
nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì,
nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” ( 2 Cr 6, 4-10).
Đời linh mục/tu
sĩ cũng thế: dù được hiểu hay không được hiểu, được ủng hộ hay bị chống đối,
vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, cứ luôn bám chặt vào
Chúa, chúng ta sẽ nhận được một sức mạnh kỳ diệu nâng đỡ mà Thánh Phaolô xác
quyết là “chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gal
2,20). Cầu mong chúng ta có thể nói được cùng với Thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm
giáo?... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến
chúng ta… Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần
hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời
cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa
chúng ta”(Rm 8, 35 - 39).
Tuy nhiên chúng
ta vẫn phải luôn cảnh giác, vì trong thực tế, rất nhiều lần chúng ta đã để một
ai đó hay một cái gì đó tách biệt Chúa Giêsu ra khỏi tình yêu và cuộc đời của
chúng ta, cho dù không hề có cái gì tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của
Chúa Giêsu: chúng ta có thế nào đi nữa thì Ngài vẫn hằng thương yêu chúng ta,
và thương yêu chúng ta cho đến cùng.
Chúng ta hãy luôn
tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa và hãy lạc quan. Đừng quá chú trọng vào
lầm lỗi, nhưng hãy chú trọng đến bài học từ lầm lỗi để rút kinh nghiệm mà không
lầm lỗi nữa. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Tội
con đã được tha, hãy về bằng an và từ nay đừng phạm tội nữa.” Đừng thất vọng
về lỗi lầm quá khứ của mình và của anh em. Hãy xem cách xử sự của Chúa Giêsu:
Ngài tha thứ, tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai, và vẫn tín nhiệm
trao cho Phêrô trách nhiệm làm đầu Giáo hội, cho Mađalêna làm sứ giả Tin Mừng
Phục sinh. Quả thật “Bản chất của con người
là lầm lỗi và bản chất của Thiên Chúa là tha thứ. Và tội thì tha, lỗi thì sửa;
mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Lỗi một
thời, không ai lỗi suốt đời”.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 117 (tháng 3
& 4 năm 2020)
* Bài viết này được trích ra từ quyển Linh mục và tu sĩ sống trưởng thành tình cảm và tính dục trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội hôm nay của Cha Micae- Phaolô Trần Minh Huy, PSS. Quyển sách này vừa được phát hành đầu năm 2020, xin trân trọng giới thiệu với độc giả.
[2] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2019-02/thuyet-trinh-cua-duc-tgm-scicluna-vatiab.html
[8] Huấn Thị của Bộ Các Dòng Tu
công bố ngày 4/7/2018 - https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2018-07/cong-bo-huan-thi-ve-doan-trinh-nu-thanh-hien.html
[12] Trích huấn từ buổi tiếp kiến
chung ngày 23/6/2013.