Bản chất của chức vị linh mục

31/01/2021


BẢN CHẤT CỦA CHỨC VỊ LINH MỤC

Tác giả: Thánh Giuse Cafasso[1]
Chuyển ngữ: Giuse Cao Viết Tuấn, CM 

Vinhson.net (23.1.2021) – “Ông là ai?” Đây là câu hỏi mà sứ giả của các tư tế, kinh sư và biệt phái đặt ra cho Gioan Tẩy giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Dân chúng khắp vùng Giuđa đã bắt đầu bàn tán về ông, về những điều kì lạ liên quan đến ông, danh tiếng của ông ngày càng vang xa. Các tư tế họp nhau lại bàn bạc: chúng ta phải tìm hiểu cho biết ông này là ai, chúng ta phải biết chúng ta đang đối phó với ai. Vì lý do này, họ đã gởi người đến gặp Gioan để tìm hiểu. Tương tự vậy, nhưng không phải thông qua người khác, mà là chính bản thân tôi mong ước đặt câu hỏi ấy với anh em linh mục của tôi: Người mà người ta vẫn gọi là linh mục, là giáo sĩ, người ấy là ai? Nhân vật này là ai mà được người ta chúc tụng hoặc bị người ta nguyền rủa? Người ấy là ai mà thế gian bàn tán, phê phán, là ai mà trở thành đối tượng để bàn tán bởi các ngòi bút và miệng lưỡi? Danh xưng ấy có tầm quan trọng gì mà được nhắc đến ở mọi ngóc ngách trên thế giới? Giờ đây, hơn ai hết, chính các linh mục chúng ta có nhiệm vụ tìm hiểu cho biết rõ: Linh mục là ai?

1. Linh mục theo cách đánh giá của thế gian

Vậy, linh mục là ai? Nếu tôi hỏi người của thế gian câu hỏi ấy, một số sẽ tung hô linh mục lên tận trời xanh, một số khác sẽ tìm cách chà đạp xuống bùn đất. Một số người đánh giá linh mục theo dáng vẻ bên ngoài. Một số cho rằng linh mục là người sung sướng, may mắn, một số khác lại cho rằng linh mục là những kẻ biếng nhác vô dụng không làm nên trò trống gì. Một số lại nói rằng linh mục là những người ngang bướng, cố chấp, lạnh lùng thờ ơ trước những khó khăn và nhu cầu của giáo dân. Trái lại, một số khác lại cho rằng linh mục là những người tận tâm với ích lợi của người khác cho dù bị thế giới hiểu lầm và bị đối xử bạc bẽo.

2. Linh mục theo cách đánh giá của các linh mục

Tôi không quan tâm mấy những lời bàn tán của những người không có khả năng hoặc không có quyền đánh giá về hàng giáo sĩ, nhưng đối tượng mà tôi quan tâm nhiều hơn chính là các anh em linh mục, vậy tôi xin hỏi anh em: linh mục là gì? Chính từ anh em, tôi sẽ nhận được câu trả lời công tâm, chính xác và trọn vẹn nhất. Và anh em đừng nghĩ rằng chúng ta, những người mang danh xưng và phẩm cách linh mục, sẽ có được câu trả lời một cách rất dễ dàng.

3. Linh mục là gì?

Linh mục là gì? Để định nghĩa rõ ràng linh mục là gì, tôi xin mượn lời của thánh Bernard nói về linh mục khi xem xét dưới các khía cạnh bản tính, cá vị và hành động. Quid in natura, quis in persona, qualis in moribus! Trong bản tính của mình, linh mục là con người giống như những người khác. Trong cá vị của mình, phẩm giá của linh mục cao hơn phẩm giá của những người khác. Trong hành động của mình, linh mục phải là một người hoàn toàn khác biệt với tất cả những người khác do phẩm giá và chức vị linh mục. Đây là ba điểm mà tôi sẽ trình bày để anh em cùng suy xét.

4. Linh mục, hãy tự biết chính mình!

“Hỡi người, hãy tự biết chính mình!” là châm ngôn cổ xưa của nền văn hoá các dân ngoại, hãy học hỏi và nghiền ngẫm chính mình cho đến khi bạn tự biết chính mình! Chỉ với sự hiểu biết này cũng đủ để canh tân thế giới. Sự rối loạn và các vụ tai tiếng của hàng giáo sĩ sẽ biến mất ngay lập tức nếu các giáo sĩ tự biết chính mình. Chính vì thiếu sự hiểu biết này mà linh mục trở nên thờ ơ biếng nhác với các nhiệm vụ của mình. Cho dù ăn mặc như một linh mục, mang danh hiệu linh mục và phẩm cách linh mục, nhưng lại sống theo lối sống thế tục của một con người thế gian, chỉ vì vị linh mục ấy không nhận ra được mình là ai. Chỉ vì không tự biết chính mình, nên linh mục tự hạ thấp chính mình. Do đó, thay vì tránh xa những nguy hiểm, thì linh mục lại tự gieo mình vào những nguy hiểm ấy và sa ngã. Nhưng chưa hết, điều tệ hại nhất chính là khi linh mục không có được sự hiểu biết cơ bản này, vị ấy lại lầm tưởng một cách ngu ngốc rằng mình hiểu biết và không quan tâm đến việc suy xét một cách tỏ tường về chính mình.

Chỉ cần làm một thí nghiệm, bạn thử nói với vị linh mục ấy rằng cần phải thận trọng một chút, rằng không được đi đến những chỗ như vậy, rằng cần phải tự biết mình là ai, và bạn sẽ ngay lập tức nhận được câu trả lời của vị ấy rằng ngài tự biết mình hơn là bạn biết, và ngài biết rõ bổn phận của mình nên không cần ai phải nói về điều ấy. Thật là một linh mục tội nghiệp! Ngài không tự biết chính mình, và điều tệ hại hơn nữa là ngài tự nghĩ rằng ngài biết chính mình một cách đầy đủ, và do đó, không có cách nào giúp ngài nhận biết chính mình và ít nhất biết được một vài ý niệm về ngài và phẩm giá cao quý của ngài.

Trái lại, linh mục nào bắt đầu nghi ngờ về chính mình, sẽ để ý đến phẩm giá cao quý của địa vị mà Thiên Chúa đã đặt ngài vào, người nào quan tâm đến sự yếu đuối của thế gian trong đó ngài đang sống và những nguy hiểm của nó, sẽ chú ý về chính mình, luôn học biết những khía cạnh khác nhau trong con người của mình, những nhu cầu và bổn phận của mình. Vị ấy sẽ luôn hạnh phúc khi có thể hiểu rõ về địa vị và nhiệm vụ của mình từ bạn bè, từ sách vở hay các cuộc đàm luận thiêng liêng. Người ấy sẽ không bao giờ ngừng nghỉ hay chán nản trong việc theo đuổi sự hiểu biết này, vì theo những gì vị ấy biết, vị ấy nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc duy trì tiến trình tìm hiểu này. Và khi càng sao lãng việc theo đuổi sự hiểu biết này, người ta càng không hiểu biết chính mình, còn khi càng quan tâm và thao thức trong tiến trình này, người ta càng có được sự hiểu biết ấy.

I. LINH MỤC TRONG BẢN TÍNH CỦA MÌNH

Xét về mặt bản tính, linh mục là ai? Lưu ý rằng, khi tôi nói linh mục, ở đây tôi không nói đến một ai xa lạ, nhưng tôi nói đến chính tôi cũng giống như anh em nói về chính mình. Linh mục là người giống như những người khác. Thiên Chúa có thể tuyển chọn những thụ tạo cao quý nhất cho địa vị này với những mục đích phi thường của chức linh mục, nhưng ngài đã không làm như vậy, ngài chỉ tuyển chọn linh mục là những người bình thường giữa muôn người. Ngài có thể trao ban cho linh mục những đặc quyền bên ngoài nào đó. Ngài có thể miễn trừ cho linh mục khỏi những khốn khổ của phận người và nhờ đó linh mục trỗi vượt những người khác xét ở một vài khía cạnh nào đó, ở một mức độ tối thiểu nào đó. Nhưng không, linh mục là người giống như những người khác: “Mỗi vị thượng tế được cất nhắc lên giữa muôn người vì muôn người trong những gì thuộc về Thiên Chúa” (Hr 5,1).

Linh mục chào đời, sinh sống và lìa đời cũng giống như bao người khác. Linh mục cũng cần nghỉ ngơi, cần lương thực, cần an ủi như bao người khác. Linh mục là chủ thể của cùng những nỗi đau khổ về thể xác lẫn linh hồn: buồn, vui, khóc, cười, sợ hãi, hy vọng. Vâng, linh mục rất con người như thế đó! Và những đau khổ của người khác cũng giống với những đau khổ của linh mục. Từ chân lý nền tảng này, rõ ràng và chắc chắn, tôi không cần phải bàn luận gì thêm. Mỗi người có thể tự suy luận ra tuỳ theo quan điểm của mình. Thế gian và những người có ý nghĩ xấu xa suy luận theo quan điểm của họ. Những linh mục không biết chính mình hoặc phẩm giá của mình cũng suy luận theo quan điểm của mình. Và cuối cùng, cũng linh mục tốt lành cũng đưa ra những kết luận theo sự tốt lành của chính mình.

1. Những kết luận từ thế gian tội lỗi

Thế gian và những người không thực hành tôn giáo suy luận rằng: Những gì làm nên linh mục chỉ là cách ăn mặc khác biệt. Linh mục chỉ là một danh xưng nào đó. Linh mục chỉ là một vị trí nào đó chẳng có liên quan gì đến tôi. Linh mục cũng là người như tôi. Linh mục có một chuyên môn cũng như tôi có chuyên môn của tôi. Với tôi, linh mục cũng chỉ là người như những người khác không hơn không kém. Tại sao tôi phải để cho mình bị ảnh hưởng bởi linh mục? Tại sao tôi phải để cho linh mục cai quản? Tại sao tôi phải sống dưới sự hướng dẫn của linh mục và thậm chí thổ lộ những bí mật thầm kín nhất của tôi với linh mục trong khi tôi biết rằng linh mục cũng là người như tôi? Cứ để linh mục đi theo đường của ông ấy và tôi đi đường của tôi. Đã qua rồi cái thời mà những kẻ khù khờ cảm thấy xúc động khi danh xưng linh mục được nhắc tới.

Ôi! Thật là những con người mê muội tội nghiệp! Họ không biết họ đang nói gì! Lối suy nghĩ này là kết quả của lòng ham muốn có được sự kính trọng dành cho linh mục, ham muốn có được sự lắng nghe lời dạy dỗ của linh mục, và xin Thiên Chúa ban cho họ đừng bị mất niềm tin và tôn giáo. Tôi sẽ không nói gì thêm về những con người có suy nghĩ như vậy, bởi vì họ không ở đây trong cuộc tĩnh tâm này. Chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến chính chúng ta, vì điều này sẽ thực sự hữu ích cho chúng ta hơn.

2. Những kết luận bởi các linh mục sao lãng

Tôi là người giống bao người khác, tại sao lại ngạc nhiên khi tôi cũng sa vào những nỗi khốn khổ như bao người khác? Hãy lưu ý, hỡi anh em quý mến, rằng linh mục nói như thế, rằng sự yếu đuối của con người mà vị linh mục ấy đề cập tới không phải là sự chia trí đơn thuần trong cầu nguyện hay sự thiếu kiên nhẫn, nhưng là những hành động làm cho người khác phải rùng mình khiếp sợ. Tôi là người giống như những người khác, và tại sao tôi không thể có thời gian vui vẻ, tại sao tôi không thể có sự an ủi nào đó và tham gia vào các trò tiêu khiển giải trí? Nếu giáo dân có thể làm, tôi cũng có quyền làm. Cho dù tôi là linh mục, thì tôi vẫn là con người như bao người khác, không có gì khác. Tại sao mọi người lại thắc mắc và bàn tán vì tôi đã đến một nơi nào đó, tham dự một bữa tiệc nào đó, thường xuyên đến một nhà nào đó, bởi vì tôi nói và hành xử giống con người của thế gian? Bao nhiêu giáo dân làm như vậy mà không có ai lên tiếng quở trách. Do đó, tôi vẫn cứ tiếp tục và đừng làm phiền tôi bằng những lời bàn tán như thế nữa.

Và nếu như có người nào như vậy đang ở đây thực sự, ở giữa hàng giáo sĩ của chúng ta đang tĩnh tâm ở đây, tôi xin được nói với người ấy rằng: “Anh em là người đáng thương xót hơn là đáng khiển trách, anh em đáng tội nghiệp hơn là đáng la mắng, anh em hạ thấp địa vị của anh em bởi vì anh em không biết địa vị của mình, và anh em muốn hạ giá nó như là lý do cho sự phung phí ân sủng và lối sống theo thế gian. Tôi xin nói với anh em rằng: những gì anh em nói là không đúng, trái lại, anh em là một người khác với những người khác, và do đó cách hành xử của anh em phải khác so với họ. Bây giờ, hỡi anh em quý mến, chúng ta hãy nhìn xem những kết luận được những linh mục tốt lành và khôn ngoan rút ra cho những ích lợi của chính mình.

3. Những kết luận từ những linh mục tốt lành

Chúng ta là người giống như những người khác, nghĩa là chúng ta có thể phạm sai lầm, nhầm lẫn, sa ngã… Do đó, chúng ta cần phải thận trọng và cảnh giác. Chúng ta là người trong lời nói, trong giao tiếp, trong phán đoán. Chúng ta là người trong khi thực thi thừa tác vụ tại bàn thờ, tại toà giải tội, và khi thực thi các nhiệm vụ thánh thiêng nhất của chúng ta, do đó, chúng ta phải thận trọng, dè dặt, ý tứ, nghiêm trang, khiêm tốn, nếu chúng ta không muốn có những bằng chứng xấu xa hơn cho thấy chúng ta là con người. Cho dù mặc y phục linh mục, được xức dầu và thánh hiến bằng dầu thánh, nhưng chúng ta cũng được cấu thành bởi máu và thịt, và tính cách của chúng ta, tuy nhiên sự thánh thiện và đáng kính có thể ở đó, nhưng chúng không bảo đảm cho chúng ta chống lại những tấn công và nanh vuốt của kẻ thù.

Chúng ta là người giống như những người khác, do đó chúng ta không được mất tinh thần hay nản lòng nếu Chúa cho xảy ra những cám dỗ nhục nhã, dai dẳng bám riết chúng ta. Đây không phải là sự bẽ mặt đối với linh mục bị tấn công, cho dù sự tấn công ấy là gì, đúng hơn, đó là một vinh dự. Ý xấu ở trong sự nhân nhượng hay ở trong sự lưỡng lự. Chúng ta là người, do đó, chúng ta học từ chính mình và từ những yếu đuối của con người chúng ta về cách chúng ta đối xử với người khác, cách chúng ta xử lý chúng một cách khéo léo và vượt qua chúng. Nghiên cứu và học biết chính mình là ngôi trường vĩ đại dành cho linh mục vốn là những người phải chữa trị những yếu đuối của người khác. Chúng ta sẽ có thể tìm thấy nơi việc học biết chính mình những gì thu hút con người nhất, sự thôi thúc của những điều hấp dẫn ấy và những trở ngại mà chúng ta cần phải vượt qua.

Nhưng nếu linh mục nào mong muốn làm điều tốt và không làm điều vô ích, vị ấy trước hết phải áp dụng vào chính mình những điều ngài khuyên bảo người khác, phải sử dụng chính những vũ khí mà vị ấy trao vào tay người khác để có thể lường được sức mạnh và hậu quả của chúng. Ví dụ, vị ấy cần phải tự hỏi chính mình: điều gì sẽ xảy ra nếu lời nói này, lời khuyên này, sự sửa sai này, mối đe doạ này, lời công kích này xảy ra cho tôi vào lúc đó, theo cách đó? Đây là ngôi trường vĩ đại trong đó tôi có thể rèn luyện chính mình, và tôi áp dụng cho người khác những hiểu biết có được, nó hiếm khi không sinh hiệu quả bởi vì tôi là người cũng giống họ, và tôi có thể tự tin mong đợi rằng kết quả sản sinh nơi tôi cũng sẽ sản sinh nơi họ.

Cuối cùng, chúng ta là người và do đó, chúng ta là đối tượng của những khiếm khuyết và thói xấu, ngay cả trong những điều nghiêm trọng. Do đó, nếu ai đó mong muốn cho tôi trở nên tốt và thăng tiến, có lòng bác ái cảnh báo tôi về những khiếm khuyết, thì thay vì phẫn nộ, thay vì đáp lại sự bác ái này với những lời châm biếm đầy ác ý, chúng ta hãy nhìn nhận những sai lầm và yếu đuối của mình, và cám ơn những người đã có thiện ý sửa sai cho chúng ta bằng hành vi bác ái kia, và chúng ta tận dụng những lỗi lầm và nhục nhã của mình để thực thi sự can đảm mạnh mẽ hơn để vượt lên chính mình và hành vi của mình. Đây là những gì linh mục cần làm một cách thường xuyên, những người hiểu biết và sống một cách gần gũi với niềm xác tín rằng mình cũng là người như những người khác.

Tuy nhiên, phẩm giá cao quý của linh mục, địa vị đáng ca ngợi của linh mục, sự kính trọng rất lớn mà linh mục có được, thậm chí nếu linh mục được xem như là một vị thánh, thì vị ấy cũng phải luôn nhớ rằng mình là con người, và do đó vị ấy phải kiềm chế giác quan của mình, tiết chế nhục dục, cẩn thận trong ánh mắt, tránh những nơi ăn chơi phóng đãng, tránh những bè nhóm nguy hiểm, tận dụng những phương tiện sau đây để chúng có thể quy phục linh mục trong việc chiến thắng những cơn cám dỗ và hiểm nguy- đó là cầu nguyện và chiến đấu. Đây là điều tốt cho linh mục, vì khi quên rằng ngài là người chỉ trong chốc lát cũng đủ mang lại điều bất hạnh nào đó cho chính ngài.

Chúng ta hãy ghi nhớ những suy tư này trong lòng, hỡi anh em quý mến, và những gì là địa vị, phẩm giá hay nhân đức chắc chắn mà chúng ta nghĩ là chúng ta sở hữu chúng, thì chúng ta vẫn luôn luôn là con người, và do đó, chúng ta cần phải luôn có một đánh giá thấp về chính mình, đừng cậy dựa vào những sức mạnh của cá nhân mình và luôn bước đi cẩn thận, đề phòng và cảnh giác.

II. LINH MỤC TRONG CÁ VỊ CỦA MÌNH

Linh mục là ai trong cá vị của mình? Thế gian tội lỗi mà Chúa Kitô lên án sẽ nói rằng linh mục là người như những người khác, nhưng thế gian không dừng lại để xem xét linh mục là ai mà chỉ tìm cách hạ giá và khinh thường linh mục. Còn tất cả chúng ta ở đây đều biết linh mục là ai, xét ở khía cạnh cá vị, ơn gọi và phẩm giá linh mục.

Denis Areopagite nói: “Từ ngữ ‘linh mục’ nói đến con người đáng kính trọng nhất trong thế gian, một con người thực sự thiêng thánh.” Giáo hoàng Innocent III nói về linh mục và phẩm giá linh mục mà ngài đề cao bởi vì chức vị linh mục, ngài nói rằng: “Linh mục được đặt giữa Thiên Chúa và con người, dưới Thiên Chúa nhưng trên con người.” Không thể gọi linh mục là Thiên Chúa, nhưng cũng không thể gọi linh mục thuần tuý là một con người. Linh mục giống như một ngôi vị ở giữa Thiên Chúa và con người, nhưng gần Thiên Chúa hơn và thuộc về Thiên Chúa hơn là con người, vì thánh Phaolô Tông Đồ gọi Timothy: “Nhưng anh, con người của Thiên Chúa” (1 Tm 6,11). Và ở đây, theo như một nhà chú giải quan sát, dường như thoạt đầu thánh Phaolô cần phải gọi môn đệ của mình bằng một cái tên khác, vì chức linh mục được thiết lập trên trần gian vì con người, “mỗi thượng tế được đặt lên vì con người” (Hr 8, 3) – ngài đáng lẽ phải gọi Timothy là người vì người khác, hơn là người vì Thiên Chúa; nhưng không, ngài gọi là “người của Thiên Chúa,” và với một lý do đó là vị đại sứ thuộc về người sai phái ông ta hơn là thuộc về những người mà ông ta được sai phái đến. Thật vậy, linh mục được đặt lên vì con người, nhưng điều ấy không làm cho linh mục trở nên một người ở trong số họ hay thuộc về con người. Linh mục thuộc về Đấng đã sai mình và vì vậy linh mục là người của Thiên Chúa.

Như trong trật tự tự nhiên, Hugo Victor nhận xét, Thiên Chúa vui lòng chọn một trong số các vì sao để điều khiển thế giới bằng ánh sáng và sự ảnh hưởng của nó, thì trong trật tự luân lý cũng vậy, ngài vui lòng chọn một người trong số những con người để đặt lên một phẩm giá cao quý, và mặc cho người ấy sự huy hoàng để người ấy có thể lãnh đạo và hướng dẫn người khác. Thánh Inhaxio Tử đạo nói về chức linh mục và gọi đó là “đỉnh điểm của mọi thứ”. Linh mục trỗi vượt tất cả mọi người và là đỉnh điểm của tất cả mọi thứ, cho dù danh dự, phẩm giá hay danh hiệu hay bằng cấp. Tôi sẽ trích dẫn ngay những câu nói của thánh Ambrose và Gioan Kim Khẩu về sự cao quý và phẩm giá của chức linh mục. Những đoạn mà tôi trích dẫn cũng đủ để đưa ra ý tưởng về linh mục là ai trong cá vị và phẩm giá.

1. Điều linh mục cần biết là phẩm giá của chính mình

Giờ đây chúng ta hãy lưu tâm đến tầm quan trọng và sự cần thiết như thế nào của việc linh mục cần phải nhận thức rõ ràng và đầy đủ một cách thực tiễn sự cao trọng của phẩm giá linh mục, bởi vì nếu không biết và tôn trọng phẩm giá ấy, vị linh mục ấy không thể nào tránh được việc hạ thấp và xem thường nó, vì không thể tôn trọng nếu không biết. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuộc sống thường nhật, trong các vấn đề tương tự. Nếu một người mặc một chiếc áo đắt giá mà không biết được giá trị của nó, anh ta sẽ không quan tâm đến nó, và không bao lâu sau, chiếc áo ấy sẽ đầy vết bẩn và lấm lem bùn đất. Do đó, thánh Ambrose đã nói rất hay rằng trước hết linh mục phải học biết phẩm giá tư tế của chính mình để có thể gìn giữ nó.

Anh em thân mến, anh em có tin rằng có nhiều linh mục sẽ đánh mất phẩm giá cao trọng của mình với những hành động thế tục, phạm thánh và không đứng đắn; có thể nào nhiều giáo sĩ đưa phẩm giá của mình ra nhạo báng, trêu đùa ở những nơi giải trí phạm thánh và tham gia vào các câu chuyện cười và trò chơi tục tĩu nếu vị linh mục ấy có một ý niệm đúng đắn về phẩm giá của chức vị mình? Đối với nhiều linh mục như vậy có thể là rất phù hợp khi áp dụng câu thánh vịnh: “Trong sự kiêu căng của mình, con người thật không hiểu biết gì.” (48,21).

Họ đã học biết về chức linh mục, họ đã được truyền chức linh mục, và họ đã thực thi nhiệm vụ linh mục nhiều năm, nhưng họ vẫn không biết họ là gì, họ đang làm gì, họ ở đâu. Về phẩm giá, họ được nâng cao tới trời nhưng họ mù loà và ngu ngơ không biết họ là ai. Họ xem mình chỉ là những người bình thường, và giao du với người khác như một người của thế gian; họ buôn bán, kiếm tiền, giải trí, ở trên đường phố, ở trong các nhà với đủ mọi hạng người, như thể không có gì phân biệt giữa các linh mục với những kẻ lười biếng lang thang, những người thế gian, và thậm chí những người vô tôn giáo: “Trong sự kiêu căng của mình, con người thật không hiểu biết gì. Nó thật chẳng khác chi con vật một ngày kia sẽ chết.” Tv 48,21).

Ôi, những linh mục đáng thương! Họ làm cho người khác phải khóc khi nhìn thấy cách họ dùng sai và hạ thấp phẩm giá của chức linh mục và phơi bày nó ra cho người ta nhạo báng. Sẽ đến một ngày họ phải than khóc rằng họ đã đánh mất phẩm giá của mình và bị khinh miệt, và xin Chúa đừng để cho điều này xảy ra với họ, đó là phải than khóc về điều ấy trong hoả ngục.

2. Phẩm giá của linh mục phải được nâng cao bằng đời sống nhân đức

Nhưng anh em sẽ hỏi làm thế nào để phẩm giá cao trọng của linh mục chúng ta được nâng cao? Sự vĩ đại của thế gian được duy trì bằng quyền ra lệnh, bằng những lễ phục sang trọng, và bằng sự tráng lệ bên ngoài. Tuy nhiên, phẩm giá của chúng ta được duy trì bằng những phương tiện quý giá hơn thế rất nhiều, bằng cách được trang bị với các nhân đức bền vững và chân thật. Hãy cho tôi một linh mục nhân đức, và tôi sẽ cho thấy người ấy luôn vĩ đại, đáng kính trọng, đáng quý mến, cho dù khi vị ấy không có tiền của, không có danh tước, hay vị trí quan trọng nào. Thậm chí vị ấy có thể bị thế gian hiểu lầm và nhạo báng, nhưng bạn sẽ luôn nhận thấy nơi vị ấy là một người vượt hẳn thế gian, và quan trọng hơn nữa, bạn sẽ nhận thấy sự vĩ đại và vinh dự đích thực được nâng cao bởi sự đứng đắn, một sự vĩ đại làm cho vị ấy được tôn trọng bởi người xấu lẫn người tốt.

Sự vĩ đại đích thực trong hàng linh mục chúng ta không phải được nâng cao bằng những danh hiệu đáng kính trọng. Những điều ấy chỉ là những điều khốn khổ chẳng thể mang lại bất cứ điều gì để làm nên sự vĩ đại đích thực nơi một vị linh mục. Chúng ta phải lưu ý về những thực tế này, chúng ta phải được trang bị và củng cố trong nhân đức. Thánh Ambrose nói: “Những gì bạn là bởi chức vị, chúng tôi phải cho thấy bằng hành động hơn là bằng danh xưng thuần tuý.” Và ở đây chúng ta đi đến điểm quan trọng cần phải lưu ý, đó là nhìn thấy những gì linh mục là hay những gì linh mục phải là trong các hành động bên ngoài của mình.

III. LINH MỤC TRONG HÀNH ĐỘNG CỦA MÌNH

Linh mục là người giống như những người khác trong bản tính. Linh mục cao trọng hơn người khác nếu chúng ta xem xét ở khía cạnh cá vị, và linh mục khác với người khác nếu chúng ta nhìn vào hành động của linh mục. Chúng ta sẽ thấy những lý do tại sao linh mục cần phải là một người khác biệt, những gì làm cho linh mục khác với người khác và điều gì xảy ra khi linh mục không khác những người khác.

1. Linh mục cần phải khác với những người khác

Về việc linh mục cần phải khác những người khác trong hành động, hay linh mục phải sống một cách hoàn toàn khác, tôi sẽ chỉ ra hai lý do đơn giản và rõ ràng.

a. Do ơn gọi của mình

Một người phải điều chỉnh chính mình trong cách sống phù hợp với tình trạng, địa vị, bằng cấp của mình; một quý ông sống như một quý ông, một nghệ sĩ sống như một nghệ sĩ, một công dân sống như một công dân vv… Đây là điều tự nhiên nhất trên đời. Do đó việc một giáo sĩ cần phải sống như một giáo sĩ là một kết luật hợp lý.

Thêm vào đó, do ơn gọi riêng của mình, linh mục đã được tách ra khỏi những người khác, được nâng lên và được biến đổi để trở thành một người khác; vì vậy đời sống của những người khác không thể được áp dụng hoặc không thể phù hợp với linh mục; vì vậy trong hành động của mình, linh mục phải là một người khác, phải sống theo một cách khác.

b. Linh mục cần phải là ánh sáng cho thế gian

Một lý do khác, là linh mục chúng ta biết rằng chúng ta phải là ánh sáng cho thế gian, là muối cho đời, là thầy dạy của dân chúng, và những chức vị này không chỉ là danh hiệu đơn thuần hay những tên gọi trống rỗng, nhưng chúng thực sự là những đòi buộc và nhiệm vụ mà không ai trong chúng ta được phép sao lãng.

Giờ đây, hãy cho tôi một linh mục mà trong hành động giống với người khác về hạnh kiểm cũng như đời sống, tôi xin hỏi, đâu là ánh sáng để soi chiếu thế gian, đâu là muối để ướp mặn thế gian cho khỏi hư hoại, đâu là bài học để hướng dẫn người khác. Nếu một giáo dân ở vào vị trí phải bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với linh mục như vừa nói, thì người giáo dân đó sẽ nói rằng: Mọi thứ tôi có, linh mục đều có và mọi thứ tôi làm, linh mục đều làm, linh mục cũng sống như tôi, hành động của linh mục không có gì khác hay trổi vượt tôi. Làm thế nào mà linh mục trở thành bậc thầy trong dân khi mà linh mục cho phép mình sống ngang bằng với giáo dân, khi đời sống linh mục không trổi vượt đời sống giáo dân?

Có thể một số anh em ở đây sẽ phản đối tôi rằng: cho dù linh mục không khác những người khác, nhưng vị ấy có thể thi hành những nhiệm vụ đã giao phó cho mình bằng các phương tiện trong sách vở và giáo lý lành mạnh, vị linh mục ấy có thể chiếu sáng, giữ gìn và dạy dỗ. Do vậy, anh em cho rằng có những lý do tại sao linh mục không cần phải khác những người khác.

Thưa anh em, điều này không phải vậy, tôi sẽ chỉ cho anh em thấy. Bất cứ ai có nhiệm vụ phải thi hành là một điều bó buộc, thì phải tận dụng mọi phương thế cần thiết để hoàn thành nó, người ấy bị bó buộc bởi sự cân nhắc này, nếu không phải vì lý do nào khác, bó buộc chính mình với những phương tiện hữu ích nhất và hiệu quả nhất, và sự bắt buộc này là điều không thể chối cãi, nó phát xuất từ những gì tôi vừa nói.

Giờ đây, trong số các phương tiện hữu ích đối với dân chúng trong việc làm sao phải đạt được cùng đích mà chúng ta vừa nhắc tới, ví dụ về một đời sống nhân đức có sức hoán cải người khác rõ ràng là một phương tiện mạnh mẽ nhất. Mọi kiến thức của linh mục sẽ vô ích nếu các bài giảng, bài giáo huấn và lời khuyên không được hỗ trợ và duy trì bằng sức mạnh của đời sống gương mẫu. Do đó, những gì tôi vừa nói là có căn cứ chắc chắn. Một đời sống tầm thường như những người khác không đủ để cho linh mục hoàn thành các nhiệm vụ của chức vị mình.

Tôi sẽ không dừng lâu hơn ở điểm này, vì như vậy là đủ rõ ràng rồi. Tôi xin qua phần tiếp theo nói về những điều cần thiết để làm cho linh mục trở thành một người khác trong hành động so với những người khác.

2. Để khác với những người khác, linh mục cần phải:

a. Tránh xa sự dữ hơn những người khác

Có hai điều đòi buộc trong trường hợp của chúng ta. Có nhiều thói xấu giữa con người và tội lỗi tràn lan thế gian, linh mục không chỉ cần phải thoát khỏi những điều xấu ấy, nhưng còn phải tránh xa chúng. Ở giữa con người cũng có không ít những điều tốt đẹp và nhân đức, linh mục cần phải nỗ lực trỗi vượt những người này về mặt nhân đức và sự thiện hảo. Khi sắp xếp đời sống của mình như vậy, linh mục trở nên khác với những người khác, và mặc dù linh mục không có phẩm chất đặc trưng phân biệt này, nếu có thể trở thành người vĩ đại hay thậm chí thực sự như vậy, thì vị ấy cũng sẽ là người giống như người khác vì thiếu phẩm chất trỗi vượt làm nên đời sống khác với người khác. Điều này nói thì dễ mà thực hành thì khó.

Để làm rõ những ý tưởng về điểm quan trọng này, chúng ta hãy đi vào tinh thần bao bọc thế giới để thấy trong số các cách sống khác nhau chúng ta tìm thấy những gì linh mục cần phải trở thành để chúng ta áp dụng vào đời sống của mình. Tôi sẽ không nói về những ai thường xuyên sống trong tội lỗi và những ai phơi bày công khai những thói xấu như là dâm dật, bất kính, vô độ trong ăn uống, nó là bằng chứng của loại đời sống không phù hợp đối với linh mục. Chúng ta hãy xem xét những sai lầm khác không đập vào mắt ngay lập tức, nhưng điều đó không có nghĩa là không đáng khiển trách hay không nguy hiểm.

Ví dụ người giáo dân không làm điều gì quá xấu xa một cách rõ ràng, nhưng vẫn chưa làm điều gì tốt. Ngày này qua ngày khác, người ấy chỉ ăn, ngủ trong biếng nhác, và trong nhiều năm sống trong tình trạng như vậy. Lối sống ấy không đúng, đó là tội. Do đó, thật không phù hợp nếu linh mục không sống khác với người khác. Vị ấy không làm điều gì xấu, nhưng nếu vị ấy thường xuyên đến một nhà nào đó, thân quen một cách quá mức những người nào đó, điều này gây ra tai tiếng và những lời nói bàn tán đầy nghi ngờ. Đây là một lối sống gây tai tiếng và tội lỗi. Linh mục ở trong hoàn cảnh ấy cần phải tránh gây ra những nghi ngờ mặc dù đời sống và hạnh kiểm của vị ấy có thể là vô tội và thánh thiện. Linh mục ấy phải điều chỉnh lại lối sống của mình theo một cách riêng biệt vì ngài khác với những người khác.

Việc người khác tham dự thánh lễ Chúa Nhật, nhưng nếu linh mục dâng lễ một cách phân tâm, không nghiêm túc, tẻ nhạt thì sự hiện diện của ngài rõ ràng không mang lại lợi ích cho người khác. Điều này là tội bởi vì nó không đủ để làm một điều gì đó tốt đẹp trong chính nó, nó phải được thực hiện một cách phù hợp. Linh mục cần phải hành xử một cách khác với người khác, tác phong của ngài cần phải khác biệt bằng sự thận trọng, đứng đắn, chăm chú, trầm tĩnh, nhờ vậy chỉ cần nhìn vào linh mục người ta có thể ngay lập thức nói rằng người này trông thật khác với những người khác.

Chúng ta có thể thảo luận nhiều hơn về các lỗi phạm và sai trái giữa con người: người này nói tha thứ cho kẻ thù của mình và không mang hận thù trong lòng, tuy nhiên anh ta lại xa lánh và tỏ ra lãnh đạm với người kia, nếu anh ta tránh chào hỏi, nếu anh ta bị buộc phải chào hỏi anh ta, mọi người sẽ thấy rằng anh ta chỉ làm vì xã giao chứ không có một chút tình cảm nào. Để tránh ở gần người kia, anh ta tạo ra hàng ngàn cớ thoái thác, điều này không phù hợp, nó tạo ra gương mù gương xấu và khiến người ta nói rằng vẫn còn những nỗi hận thù ở trong lòng anh ta. Thật khốn khổ cho những linh mục không cảnh tỉnh trước điều này! Rất thường xuyên xảy ra từ sự kiêu căng và tự ái. Khi một linh mục cho phép mình bị thống trị bởi điều xấu này, vị ấy trở thành người giống như người khác với đầy những định kiến câu nệ, bướng bỉnh và ngoan cố.

b. Thực hành các nhân đức hơn những người khác

Trong thế gian có nhiều người tốt và nhân đức, nếu linh mục muốn giữ được vị trí của mình, gìn giữ phẩm giá của mình, và cho thấy hạnh kiểm của mình như một người độc đáo như thế nào, vị ấy phải trỗi vượt chứ không chỉ dừng lại ở việc đặt mình ngang hàng với những người khác về hạnh kiểm. Thánh Gregory Cả nói rằng: “Linh mục đang đánh mất những gì liên quan đến địa vị của mình, không chỉ khi vị ấy đặt mình vào trong số những người sống một cách tệ hại, nhưng khi vị ấy không trổi vượt những giáo dân tốt lành và đạo đức đang sống trong đời sống nhân đức. Nhân đức của linh mục không chỉ là loại bình thường, nó phải là loại đặc biệt.”

Nhưng đời sống tốt không mắc tội trọng là đủ đối với giáo dân, nhưng tại sao vẫn không thể xem đó là đủ đối với linh mục? Có thể nào xem bài viết được coi là tốt của một em học vỡ lòng ngang bằng với bài viết được xem là tốt của một nhà hùng biện? Được xem là đủ tốt đối với một em học vỡ lòng khi tránh các lỗi chính tả và ngữ pháp, nhưng không thể xem đó là đủ đối với một nhà hùng biện. Công việc của mỗi ngành nghề có những tiêu chuẩn của riêng nó. Chúng ta có thể lấy ví dụ từ các nghề nghiệp của thế gian để làm rõ đề tài của chúng ta ở đây.

Thật là một ý tưởng quan trọng, thưa quý cha thân yêu, và điều ấy thúc đẩy chúng ta biết bao! Trong thế gian, có những người cầu nguyện chăm chỉ sốt sắng, linh mục chúng ta phải cầu nguyện chăm chỉ sốt sắng hơn. Có những người thường xuyên đến với các bí tích để nhận lãnh hoa trái cao quý từ đó, chúng ta phải trỗi vượt họ. Có những người bị bách hại, bị sỉ nhục, bị mắng chửi nhưng không tỏ thái độ gì, họ chịu đựng trong im lặng, họ tha thứ; nhưng linh mục chúng ta còn phải đi xa hơn nữa, linh mục phải cầu nguyện cho kẻ thù, phải hết sức thi ân cho họ. Có những người sống theo lương tâm ngay thẳng, không chỉ quyết tâm không phạm tội trọng, nhưng còn quyết tâm không  phạm tội nhẹ nữa. Linh mục chúng ta không thể thua kém họ. Trái lại, linh mục phải nỗ lực trỗi vượt họ vì môn đệ không thể hơn thầy được, điều đó là không thể, vì Chúa nói: “Môn đệ không thể hơn thầy” (Mt 10,24).

Do đó, linh mục phải luôn nhìn xung quanh để xem có ai trổi vượt mình không, hoặc ai đã trỗi vượt mình, nếu tìm thấy, linh mục không thể cho phép điều ấy xảy ra. Nếu trong nhà tôi sống, có một nhân đức, thì tôi phải có nhân đức ấy ở mức độ cao hơn. Nếu ở nơi tôi đang sống, trong miền quê hay thị trấn nào đó, trong những người hàng xóm của tôi, tôi biết được có ai đó đang tiến bộ về mặt nhân đức, ai đó đang tiến bộ về mặt khiêm nhường, khổ chế, kiên nhẫn, không dính bén thế gian, tôi phải xem đó như là thách đố cho tôi để bước vào cuộc chạy đua, và phải nỗ lực để vượt lên phía trước, bởi vì đó là chỗ của tôi. Nếu không như vậy, tôi, một linh mục, sẽ không còn là người  phân biệt và khác biệt theo như tình trạng mà tôi có quyền và bổn phận gìn giữ cho chính mình.

Nhưng có lẽ một số anh em sẽ nghĩ rằng tôi đang đi quá xa, rằng tôi muốn biến con người thành thiên thần, và linh mục không được phạm tội. Anh em thân mến trong Đức Kitô, không có chuyện phá huỷ bản tính con người trong linh mục. Điều này đã được nói rõ ngay từ đầu rằng linh mục cũng là người, nhưng nó được tuyên bố, và việc tuyên bố này đã được minh chứng đầy đủ rằng linh mục cần phải là một người khác những người khác trong hành động của mình vì linh mục khác biệt và phân biệt trong phẩm giá của mình.

Nếu tội lỗi của người khác nhiều và nặng nề, thì tội lỗi của linh mục phải ít và nhẹ. Nếu người khác phạm tội với đầy đủ hiểu biết và cố tình, thì đối với linh mục, những điều ấy phải là kết quả của những gì ngoài ý muốn, và nếu không may linh mục sa ngã, thì linh mục ấy cũng phải chắc chắn trỗi vượt những tội nhân khác trong việc sửa chữa lỗi lầm. Thay vì vẫn ở trong tình trạng tội lỗi, linh mục cần dứt khoát và mạnh mẽ đứng dậy, thực hiện việc ăn năn sám hối một cách chân thành hơn, với một ý chí quyết tâm hơn, và với mỗi nỗi khiếp sợ sâu sắc hơn đối với tội lỗi, và cần phải học từ những lỗi lầm để bước đi một cách thận trọng hơn trong tương lai, và nhiệt thành hơn trong việc phục vụ Thiên Chúa.

Tôi nói rằng linh mục cần phải luôn luôn trỗi vượt giáo dân trong mọi trường hợp. Và điều này không phát xuất từ cá nhân của tôi, những đó là kết quả tất yếu phát xuất từ việc xem xét linh mục là gì, và đó là ý kiến chung của các giáo phụ. Thánh Ambrose nói: Thiên Chúa đòi buộc rằng không có gì tầm thường, không có gì mang tính chất bầy đàn chung chung ở nơi linh mục, trong việc theo đuổi ơn gọi của mình, trong cách xử sự và tập quán không có gì chung với đám đông hỗn độn.” Origen áp dụng cho linh mục một thử thách mà Jeremias đã áp dụng: “Tôi sẽ không ngồi chung với quân xảo trá …. Tôi ngồi một mình” (15, 17), và thêm rằng: “Khi đời sống của chúng ta như thế, không ai ngang bằng với chúng ta, khi đó chúng ta nói: ‘Tôi ngồi một mình,’ như ngôn sứ Jeremias đã nói.

Và công đồng Trentô đã lặp lại những điều ấy một cách rõ ràng bằng những lời sau đây: “Giáo sĩ phải trỗi vượt giáo dân trong hạnh kiểm khi họ thực hiện trong chức vị.”

Nguồn: vinhson.net


[1] Thánh Giuse Cafasso sống tại thành phố Turin, nước Ý, vào thế kỉ XIX. Thánh nhân được biết đến như là khuôn mẫu của đời sống linh mục. Ngài nổi tiếng trong việc chăm sóc mục vụ đối với các tù nhân, nhất là tử tù. Ngài thường đi với họ trên đường ra pháp trường, kêu gọi họ ăn năn sám hối bằng cách nói về lòng thương xót và từ ái của Thiên Chúa. Khi dạy ở chủng viện giáo phận, ngài có một chủng sinh học trò sau này cũng trở thành một vị thánh nổi tiếng, đó là Gioan Don Bosco.

Thánh Giuse Cafasso cũng nổi tiếng trong việc chăm sóc mục vụ đoàn chiên của mình với tất cả lòng nhân ái và dịu dàng. Với lòng mộ mến và kính trọng, dân chúng đề nghị ngài tham gia hội đồng lập pháp, nhưng ngài nhất mực từ chối và nói rằng: “Trong ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi tôi có phải là một linh mục tốt hay không, chứ không hỏi có phải là một nghị sĩ tốt hay không.”

Thánh nhân qua đời tại Turin vào ngày 23 tháng sáu năm 1860, ở tuổi 49.

LỊCH PHỤNG VỤ