BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TARCISIO ISAO KIKUCHI
TRONG THÁNH LỄ KHAI MẠC
ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG CẤP CHÂU LỤC CỦA GIÁO HỘI Á CHÂU

WHĐ (01.03.2023) - Hôm 24. 02. 2023, Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng đã chính thức khai mạc tại trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan của Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan.

Thánh lễ kính Chúa Thánh Thần khai mạc Đại hội do Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi, SVD, Tổng giám mục Tokyo kiêm Tổng thư ký FABC chủ tế với sự đồng tế của Đức Hồng y Virgílio do Carmo da Silva SDB, Tổng giáo phận Díli, và Đức Hồng y Louis Marie Ling Mangkhanekhoun, Giám quản Tông tòa Viêng Chăn, Lào.

Dưới đây là bài giảng của Đức Tổng Giám mụcTarcisio Isao Kikuchi, SVD

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Thay mặt cho Đức Hồng y Charles Bo, chủ tịch FABC, tôi thân ái chào mừng tất cả anh chị em đến với Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu.

Bất chấp nhiều hình thức khó khăn đang bủa vây chúng ta ở Châu Á, chúng ta vẫn có thể khởi hành để bước đi cùng nhau trên lộ trình Hiệp hành ở khắp Châu Á, vốn bắt đầu từ mỗi cộng đoàn địa phương.

Mặc dù chúng ta luôn gặp khó khăn trong việc dịch các tài liệu chính thức sang rất nhiều ngôn ngữ khác nhau của Châu Á, nhưng thách đố lớn nhất của chúng ta là không thể quy tụ mọi người lại với nhau do đại dịch. Tuy nhiên, như chúng ta nhận ra rằng bằng việc cùng nhau bước đi trên lộ trình Hiệp hành mà Thượng Hội đồng lần này không chỉ là một sự kiện nhất thời để cử hành, mà đúng hơn, là để nhận thức về sự thay đổi thái độ của toàn thể dân Chúa để làm cho tính Hiệp hành trở thành bản chất nền tảng của Giáo hội, chúng ta biết lộ trình này sẽ tiếp tục sau các cuộc họp mặt thực tế. Vì vậy, khi tình hình đại dịch trở nên khả quan hơn và các hoạt động xã hội đã được nối lại, giờ đây chúng ta có nền tảng vững chắc để cùng nhau tiếp tục lộ trình.

Hôm qua, khi đến đây sớm, tôi đã xem qua Tài liệu làm việc Giai đoạn Châu lục, rồi, không phải một lần, mà là thêm nhiều lần, tôi tìm thấy phần gần cuối tài liệu về mục đích của bài giảng. Thật thế, dân Chúa càng ngày càng đòi hỏi các linh mục phải có những bài giảng hay và ý nghĩa. Do đó, đây không phải là một bài giảng mà chỉ là một chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mà tôi muốn trình bày sáng nay.

Năm 1995, tôi đến thành phố Bukavu ở Zaire để làm việc cho một trại tị nạn cùng với Caritas Nhật Bản. Đó là 1 năm sau khi nạn diệt chủng xảy ra ở Rwanda và có một lượng lớn người tị nạn đổ vào thời điểm đó. Khi tôi ở đây được 3 tháng, trại của chúng tôi bị tấn công với 2 giờ đồng hồ xả súng, đã khiến cho hơn 30 người tị nạn bị thiệt mạng.

Điều tôi muốn chia sẻ hôm nay là trải nghiệm của tôi sau 3 tháng trong trại tị nạn đó. Vào tháng 8 cùng năm, tôi trở lại Bukavu để thăm một số trại này trong vòng một tuần. Tôi gặp một trong những người chỉ huy của trại và hỏi xem liệu anh ấy có cần gì không. Tất nhiên, tôi biết là ở đó thiếu đủ mọi thứ, không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ thuốc men và trẻ em không được học hành. Vì vậy, tôi đã sẵn sàng đưa ra một số đề xuất hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản.

Nhưng điều mà người chỉ huy nói với tôi đã khiến tôi thực sự bị sốc! Anh ấy nói rằng: “Thưa cha, khi cha quay trở lại Nhật Bản, xin hãy nói với mọi người rằng chúng con vẫn còn ở đây. Chúng con bị lãng quên. Dù thiếu thốn mọi thứ và đang rất cần mọi thứ, nhưng anh chỉ nói: “chúng con bị lãng quên”. Sự thờ ơ có thể giết chết những người cần được giúp đỡ.

rồi tiếng kêu của người chỉ huy trại tị nạn nhắc tôi nhớ lại kinh nghiệm trước đây của tôi ở Ghana. Tôi là linh mục quản xứ tại một ngôi làng ở miền nam Ghana từ năm 1987 đến năm 1994. Vào thời điểm đó, nền kinh tế ở Ghana đang suy thoái và nông dân phải gánh chịu hậu quả vì hạn hán nghiêm trọng.

Dù đời sống khó khăn, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình như thế nhưng dường như người dân lại rất hạnh phúc trong cuộc sống. Đặc biệt là khi họ đến Nhà thờ dự Thánh lễ Chúa nhật. Họ ca hát và nhảy múa với nụ cười rạng rỡ. Thật là một dân tộc tuyệt vời! Nên một ngày kia, tôi hỏi làm thế nào mà họ có thể hạnh phúc như vậy bất k những khó khăn thực tế. Sau đó, họ nói với tôi rằng họ có Phép thuật Ghana (Ghana Magic).

Họ có phép thuật gì vậy? Một trong những giáo lý viên lớn tuổi đã chỉ cho tôi rằng Phép thuật không phải là ma thuật mà là niềm tin rằng trong khó khăn, không ai bị người khác lãng quên. Sẽ có người đến giúp. Có ai đó luôn quan tâm đến bạn. Đó là Phép thuật.

Sự thờ ơ có thể giết chết những người cần được giúp đỡ nhưng sự liên đới sẽ tạo ra niềm hy vọng để sống.

Đúng 1 năm trước, cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu. Chúng ta cần nhớ đến người dân Ukraine và tất cả những ai liên can trong cuộc chiến này và cầu nguyện cho Hòa bình. Vào tháng này 2 năm trước, hòa bình và ổn định ở nước láng giềng của chúng ta ở Châu Á, Myanmar, đã bị lấy đi và vẫn cần nhiều lời cầu nguyện hơn nữa để tái lập đất nước hòa bình ở đó. Chúng ta đừng quên rằng sự thờ ơ có thể sinh ra nỗi tuyệt vọng nhưng sự liên đới có thể nảy sinh niềm hy vọng để sống.

Đại dịch khiến chúng ta như lang thang trong màn đêm không chút ánh sáng. Xung đột vũ trang làm tăng thêm sự bất ổn và kéo chúng ta vào bóng tối sâu hơn. Tất cả chúng ta đều không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vì vậy, một cách rất tự nhiên, chúng ta cố gắng tìm cách bảo vệ mình khỏi những điều không chắc chắn này và trở nên ích kỷ, quên đi những nhu cầu của người khác, thờ ơ với tiếng kêu của người yếu thế, của người nghèo, của người bị gạt ra bên lề xã hội, của người bị lạm dụng, của người bị lãng quên.

Sự thờ ơ có thể giết chết nên chúng ta cần sự liên đới để tạo ra niềm hy vọng của sự sống. Giáo hội phải trở thành trung tâm của việc tạo ra niềm hy vọng. Giáo hội không được là nguồn gốc của sự tuyệt vọng hoặc sầu não. Chúng ta phải mang lại nguồn hy vọng bởi vì chúng ta có Phúc âm của sự sống, Phúc âm của hy vọng, và chúng ta là những người cùng nhau bước đi trong tình liên đới trên lộ trình Hiệp hành.


Hôm nay, khi bắt đầu 3 ngày cùng nhau bước đi, chúng ta hãy xin Cha nhân từ ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể tìm ra con đường của Thiên Chúa để trở thành dân của Thiên Chúa tiến bước trong tình liên đới trên lộ trình Hiệp hành.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ĐTGM Tarcisio Isao Kikuchi’s Homily