THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh
Cha trong các Thánh Lễ và các buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín
hữu vào Thứ Hai Bát Nhật Phục Sinh, hay còn gọi là Thứ Hai Thiên Thần.
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong
Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh:
Đức Phanxicô: 01.04.2024 – Tiếp tục niềm vui Phục Sinh 10.04.2023 – Khi loan báo về Chúa thì sẽ gặp Người 18.04.2022 – Đừng sợ! 05.04.2021 – Thiên thần mới có thể nói "Người đã sống lại" 13.04.2020 – Mẫu gương của sự trung thành, tận hiến và tình yêu 22.04.2019 – Niềm vui Phục Sinh kéo dài trong cuộc đời |
Đức Phanxicô, ngày 01.04.2024 – Tiếp tục niềm vui Phục Sinh
Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc mừng Phục Sinh!
Hôm nay, Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Tin Mừng (xem Mt 28,8-15) cho chúng ta thấy niềm vui của các phụ nữ trước sự phục sinh của Chúa Giêsu: bản văn nói rằng họ đã rời khỏi mộ “rất đỗi vui mừng” và “chạy về báo tin cho các môn đệ của Đức Giêsu hay” (c. 8). Niềm vui này có được chính từ cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đấng Phục Sinh, là một cảm xúc ngập tràn, thúc đẩy họ lan truyền và kể lại những gì họ đã thấy.
Chia sẻ niềm vui là một kinh nghiệm tuyệt vời mà chúng ta học được từ khi còn nhỏ: chúng ta nghĩ về một cậu bé đạt điểm cao ở trường và nóng lòng muốn khoe với bố mẹ hoặc một người trẻ đạt được thành công đầu tiên trong thể thao, hoặc một gia đình mới có một em bé được sinh ra. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng nhớ lại một khoảnh khắc hạnh phúc đến mức khó diễn tả bằng lời nhưng lại muốn kể cho mọi người ngay lập tức!
Ở đây, các phụ nữ, vào buổi sáng Phục Sinh, đã sống kinh nghiệm này, nhưng theo một cách thức mạnh mẽ hơn nhiều. Tại sao? Bởi vì sự phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ là một tin tức tuyệt vời hay một kết thúc có hậu của một câu chuyện, mà còn là một điều gì đó làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời chúng ta và thay đổi mãi mãi! Đó là chiến thắng của sự sống trước cái chết, của hy vọng trước tuyệt vọng. Chúa Giêsu đã xuyên qua bóng tối của ngôi mộ và sống mãi mãi: sự hiện diện của Người có thể khiến mọi thứ tràn ngập ánh sáng. Với Người, mỗi ngày đều trở thành chặng của một cuộc hành trình vĩnh cửu, mỗi “hôm nay” đều có thể hy vọng vào một “ngày mai”, mỗi kết thúc đều là một khởi đầu mới, mọi khoảnh khắc đều được phóng chiếu vượt qua giới hạn của thời gian, hướng tới sự vĩnh cửu.
Anh chị em thân mến, niềm vui Phục Sinh không phải là điều gì xa vời. Nó rất gần gũi, nó là của chúng ta, vì nó đã được trao cho chúng ta vào ngày chúng ta chịu Phép Rửa. Từ đó, giống như các phụ nữ, chúng ta có thể gặp Đấng Phục Sinh và Người cũng nói với chúng ta: “Đừng sợ!” (câu 10). Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ niềm vui Phục Sinh!
Nhưng làm thế nào để khơi dậy niềm vui này? Như những phụ nữ đã làm: gặp gỡ Đấng Phục Sinh, bởi vì Người là nguồn vui không bao giờ cạn kiệt. Chúng ta hãy nhanh chóng tìm kiếm Người trong Bí tích Thánh Thể, trong sự tha thứ của Người, trong việc cầu nguyện và thực hành đức ái sống động! Niềm vui khi được chia sẻ thì sẽ tăng lên. Chúng ta chia sẻ niềm vui của Đấng Phục Sinh.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng, trong Lễ Vượt Qua, đã vui mừng vì Con của Mẹ đã phục sinh, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân vui tươi của sự Phục Sinh.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, ngày 10.04.2023 – Khi loan báo về Chúa thì sẽ gặp Người
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng hôm nay làm cho chúng ta sống lại cuộc gặp gỡ của các phụ nữ với Chúa Giêsu Phục Sinh vào buổi sáng Phục Sinh. Như thế cũng nhắc chúng ta rằng chính họ, các nữ môn đệ, là những người đầu tiên nhìn thấy và gặp Người.
Chúng ta có thể hỏi: tại sao lại là họ? Vì một lý do rất đơn giản: vì họ là những người đầu tiên đến mộ. Giống như tất cả các môn đệ, họ cũng đau khổ vì câu chuyện của Chúa Giêsu dường như đã kết thúc; nhưng, không giống như những người khác, họ không ở nhà tê liệt vì buồn bã và sợ hãi: vào sáng sớm, lúc mặt trời mới ló rạng, họ mang theo dầu thơm để tôn kính xác Chúa Giêsu. Ngôi mộ đã được niêm phong và họ tự hỏi ai có thể dời tảng đá rất nặng đi (xem Mc 16:1-3). Tuy nhiên, ước muốn của họ muốn thực hiện cử chỉ yêu thương đó sẽ chiến thắng mọi thứ. Họ không nản lòng, họ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi và nỗi thống khổ của họ. Đây là con đường đi tìm Đấng Phục Sinh: ra khỏi nỗi sợ của chúng ta, ra khỏi nỗi phiền muộn của chúng ta.
Chúng ta cùng dừng lại ở cảnh được mô tả trong Tin Mừng: các phụ nữ đến, nhìn thấy ngôi mộ trống và “vừa sợ vừa vui mừng”, bản văn nói như vậy – họ chạy đi “báo tin cho các môn đệ Người” (Mt 28:8). Giờ đây, ngay khi họ đi loan báo điều này, Chúa Giêsu đến gặp họ. Chúng ta hãy lưu ý rõ điều này: Chúa Giêsu gặp họ khi họ đi loan báo về Người. Điều này thật đẹp: khi chúng ta loan báo về Chúa thì Chúa đến gặp chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cách để ở gần Chúa là giữ Người ở gần chúng ta; bởi vì, khi chúng ta nói và loan báo về Người, thì những lời phán xét và chỉ trích sẽ ập đến, và có thể chúng ta không biết cách trả lời một số câu hỏi hoặc sự khiêu khích nào đó, và vì vậy tốt hơn là không nói luôn và đóng mình lại. Không, đây không phải là điều tốt. Ngược lại, Chúa đến gặp chúng ta trong khi chúng ta loan báo về Người. Đây là điều mà các phụ nữ dạy chúng ta: Chúa Giêsu gặp chúng ta khi chúng ta làm chứng cho Người.
Hãy lấy một ví dụ. Đôi khi chúng ta nhận được những tin tuyệt vời, chẳng hạn như sự ra đời của một em bé. Vì vậy, một trong những điều đầu tiên chúng ta làm là chia sẻ tin vui này với bạn bè. Và, bằng cách kể lại nó, chúng ta cũng lặp lại với chính mình và cách nào đó cũng làm cho nó sống lại trong chúng ta. Nếu điều này xảy ra đối với tin vui, thì nó còn đúng hơn nữa đối với Chúa Giêsu, không chỉ vì một tin vui, thậm chí cũng không chỉ là tin tốt nhất về sự sống, mà còn là chính sự sống, “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25). Mỗi khi chúng ta loan báo điều đó, không phải bằng tuyên truyền hay lôi kéo theo đạo – loan báo là chuyện khác mà tuyên truyền lôi kéo là chuyện khác – mỗi khi Kitô hữu loan báo với sự tôn trọng và yêu thương, như món quà đẹp nhất để chia sẻ, thì Chúa Giêsu càng ở trong chúng ta hơn.
Chúng ta tiếp tục nhìn những người phụ nữ trong Tin Mừng: có tảng đá niêm phong nhưng họ vẫn đi đến mộ; có cả thành phố đã nhìn thấy Chúa Giêsu trên thập giá, dầu vậy họ vẫn vào thành để tuyên bố Người vẫn sống. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, không trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta loan báo về Người. Ngược lại, nếu chúng ta giữ niềm vui của Người cho riêng mình, có lẽ vì chúng ta chưa thực sự gặp Người.
Anh chị em thân mến, trước kinh nghiệm của phụ nữ, chúng ta tự hỏi: lần cuối cùng tôi làm chứng cho Chúa Giêsu là khi nào? Tôi phải làm gì hôm nay để những người tôi gặp nhận được niềm vui từ lời loan báo về Người? Và một lần nữa: ai đó, khi nghĩ đến tôi, có thể nói: người này có bình an không, có hạnh phúc không, có tốt không vì đã gặp Chúa Giêsu không? Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta trở nên những sứ giả hỉ hoan của Tin Mừng.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, ngày 18.04.2022 – Đừng sợ!
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Những ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh giống như một ngày duy nhất, trong đó niềm vui Phục sinh được kéo dài. Như vậy Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay tiếp tục cho chúng ta biết về Đấng Phục sinh, về việc Người hiện ra với những người phụ nữ ra thăm mộ (x. Mt 28,8-15). Chúa Giêsu đến gặp họ và chào đón họ; sau đó Người nói với họ hai điều, mà ngày nay cũng hợp với chúng ta nếu biết đón nhận, như một món quà Phục sinh.
Trước tiên, Người trấn an họ bằng hai từ đơn giản: “Đừng sợ” (câu 10). Chúa biết rằng nỗi sợ hãi là kẻ thù hàng ngày của chúng ta. Người cũng biết rằng nỗi sợ hãi của chúng ta nảy sinh từ nỗi sợ lớn, nỗi sợ cái chết: sợ biến mất, mất người thân yêu, bị đau ốm, không còn sống nữa ... Nhưng với sự Phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Do đó, không ai khác có thể nói với chúng ta một cách thuyết phục hơn: “Đừng sợ”. Chúa nói điều đó ngay tại ngôi mộ, nơi Người đã chiến thắng. Do đó, Người mời gọi chúng ta ra khỏi ngôi mộ chôn nỗi sợ hãi của chúng ta. Chúng ta hãy nghe rõ: Hãy bước ra khỏi ngôi mộ chôn nỗi sợ hãi của chúng ta, bởi vì nỗi sợ hãi giống như những ngôi mộ chôn chúng ta vào đó. Người biết rằng nỗi sợ hãi luôn rình rập trước cửa trái tim chúng ta và rằng chúng ta cần nghe chính mình lặp đi lặp lại “đừng sợ” vào buổi sáng Phục Sinh cũng như mọi buổi sáng hàng ngày. Đừng sợ, hãy can đảm lên. Anh chị em, những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, đừng sợ! Chúa Giêsu nói với bạn: “Ta đã trải qua cái chết cho con, Ta đã mang tội của con trên mình. Bây giờ Ta sống lại để nói với con: Ta ở đây, với con, mãi mãi. Đừng sợ!”.
Nhưng chúng ta có thể nói, làm thế nào để chống lại nỗi sợ hãi? Điều thứ hai Chúa Giê-su nói với các phụ nữ cũng giúp ích cho chúng ta: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (câu 10). Hãy đi báo. Nỗi sợ hãi luôn đóng chúng ta lại vào chính mình; mặt khác, Chúa Giê-su làm cho chúng ta phải đi ra và sai chúng ta đến với người khác. Đây là cách khắc phục. Nhưng tôi - chúng ta có thể nói - tôi không có khả năng! Những người phụ nữ đó chắc chắn không phải là những người thích hợp nhất và được chuẩn bị để loan báo về Đấng Phục sinh, nhưng Chúa không quan tâm. Điều Người quan tâm là ra đi và loan báo. Bởi vì niềm vui Phục sinh không được giữ cho riêng mình. Niềm vui của Đức Kitô được củng cố bằng cách cho đi, nó nhân lên khi được chia sẻ. Nếu chúng ta mở ra và mang Tin Mừng đi, trái tim của chúng ta sẽ rộng mở và chiến thắng nỗi sợ hãi.
Bản văn hôm nay cho chúng ta biết rằng lời loan báo có thể gặp phải một trở ngại: sự giả dối. Thật vậy, Phúc Âm thuật lại “một lời loan báo ngược lại”, đó là của những người lính canh mộ Chúa Giê-su. Họ được trả “một số tiền lớn” (câu 12) và nhận được chỉ dẫn: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (câu 13). Các anh ngủ ư? Mà khi đang ngủ, làm sao các anh thấy người ta lấy trộm xác? Thật là một sự mâu thuẫn mà tất cả đều tin, bởi vì có tiền ở giữa. Đó là quyền lực của đồng tiền, mà Chúa Giêsu đã nói là đừng làm tôi của nó. Đây là sự giả dối, lối lý luận của sự che đậy, đối lập với việc công bố sự thật. Đây cũng là một lời nhắc nhở cho chúng ta: sự giả dối - trong lời nói và trong cuộc sống - làm ô nhiễm lời loan báo, làm hư hỏng bên trong, mang trở lại ngôi mộ. Đàng khác, Đấng Phục sinh muốn chúng ta ra khỏi mộ của sự giả dối và sự lệ thuộc. Trước Chúa Phục Sinh, còn có một ông chúa khác, đó là ông chúa tiền của. Nó làm vấy bẩn tất tả, phá hoại tất cả, đóng cửa đối với ơn cứu độ. Điều này xảy ra ở mọi nơi: trong đời sống hằng ngày, có cám dỗ tôn thờ ông chúa tiền của này.
Anh chị em thân mến, chúng ta phẫn nộ khi, qua thông tin, chúng ta phát hiện ra sự giả dối, giả dối trong cuộc sống con người và trong xã hội. Nhưng chúng ta cũng hãy kể tên những sự giả dối mà chúng ta có bên trong! Và chúng ta hãy đặt những bóng mờ và giả dối này của chúng ta trước ánh sáng của Chúa Giêsu Phục sinh. Người muốn đưa những điều ẩn khuất ra ánh sáng, để làm cho chúng ta trở nên những nhân chức trong suốt và sáng ngời về niềm vui của Tin Mừng, về sự thật giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32).
Xin Mẹ Maria, Mẹ Đấng Phục Sinh, giúp chúng ta chiến thắng nỗi sợ hãi và cho chúng ta lòng say mê chân lý.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, ngày 05.04.2021 – Thiên thần mới có thể nói "Người đã sống lại"
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Hai sau Lễ Phục Sinh còn được gọi là Thứ Hai Thiên Thần, vì chúng ta nhớ đến cuộc gặp gỡ của thiên thần với những phụ nữ đến viếng mộ Chúa Giêsu (x. Mt 28,1-15). Thiên thần nói với họ: “Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại” (câu 5-6). Câu nói “Người đã sống lại” này vượt quá khả năng của con người. Ngay cả những phụ nữ đã đi vào ngôi mộ và thấy mộ trống, cũng không thể nói: “Người đã sống lại”, mà chỉ nói là ngôi mộ trống. “Người đã sống lại” là một sứ điệp. Chỉ một thiên thần, với quyền năng của đấng loan tin từ trời, với quyền năng được Thiên Chúa ban cho, mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại, cũng như một thiên thần có thể nói với Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai […] và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,31). Do đó, chúng ta gọi là Thứ Hai thiên thần bởi vì chỉ có thiên thần, với sức mạnh của Chúa, mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.
Thánh sử Matthêu thuật lại rằng sáng sớm Phục sinh ấy “đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên” (x. Câu 2). Tảng đá lớn đó, lẽ ra là phong ấn của sự chiến thắng sự ác và cái chết, lại được đặt dưới chân, nó trở thành bệ ngồi của thiên thần của Chúa. Tất cả các kế hoạch và sự phòng thủ của kẻ thù và những kẻ bắt bớ Chúa Giê-su đều bị hư vong. Tất cả những phong ấn này đã bị sụp đổ. Hình ảnh thiên thần ngồi trên tảng đá của ngôi mộ là biểu hiện cụ thể, biểu hiện trực quan về chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ, về chiến thắng của Chúa Kitô trên quyền lực của thế giới này, biểu hiện chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối. Ngôi mộ của Chúa Giê-su không được khám phát nhờ một hiện tượng vật lý, mà là nhờ sự can thiệp của Chúa. Thánh Matthêu cho biết thêm, diện mạo của thiên thần “như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.” (câu 3). Những chi tiết này là dấu chỉ khẳng định sự can thiệp của chính Thiên Chúa, Đấng mang đến thời đại mới, thời kỳ cuối cùng của lịch sử; bởi vì với sự phục sinh của Chúa Giêsu, thời kỳ cuối cùng của lịch sử bắt đầu, có thể kéo dài hàng ngàn năm, nhưng là thời kỳ cuối cùng.
Đối diện với sự can thiệp này của Thiên Chúa, có hai phản ứng đã xảy ra. (1) Những lính canh không thể đối diện với sức mạnh không thể chống lại của Thiên Chúa và bị sốc bởi sự chao đảo nội tâm: họ run rẩy (x. câu 4). Quyền năng của Sự Phục Sinh đánh đổ những kẻ đã được sử dụng cho chiến thắng rõ ràng của cái chết. Những lính canh này phải làm gì? Chạy đến với người ra lệnh canh giữ và nói sự thật. Phía trước có những chọn lựa: hoặc nói sự thật, hoặc để mình bị thuyết phục bởi những người đã giao nhiệm vụ canh gác. Và cách duy nhất để thuyết phục họ là tiền, và thật tội nghiệp những người này, họ đã bán đứng sự thật và với số tiền trong túi, họ đi nói: “Không, các môn đệ đến và lấy trộm xác”. Ông “chúa” tiền bạc, ngay cả ở đây, trong sự phục sinh của Đức Kitô cũng có uy quyền để phủ nhận sự thật. (2) Còn phản ứng của phụ nữ lại khác, bởi vì họ được thiên thần của Chúa mời gọi một cách rõ ràng rằng đừng sợ hãi và cuối cùng họ không sợ hãi: “Này các bà, các bà đừng sợ” (câu 5) và đừng tìm Chúa Giê-su trong mộ.
Từ những lời của thiên thần, chúng ta có thể nhận được một giáo huấn quý báu: chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi tìm kiếm Đức Kitô Phục sinh, Đấng ban sự sống dồi dào cho những ai gặp Người. Tìm kiếm Đức Kitô có nghĩa là khám phá sự bình an trong con tim. Chính những phụ nữ trong Tin Mừng, sau những hoảng sợ ban đầu, mà người ta có thể hiểu, họ cảm thấy hết sức vui mừng khi biết Thầy còn sống (x. cc 8-9). Trong mùa Phục sinh này, tôi ước mong mọi người cũng có được cảm nghiệm thiêng liêng như vậy, đón nhận trong tâm hồn, nơi nhà và gia đình Tin Mừng Phục sinh: “Chúa Kitô Phục sinh không còn chết nữa, cái chết không còn quyền trên Người” (Ca Hiệp Lễ). Lời loan báo Phục sinh, Chúa Kitô đang sống, Chúa Kitô đồng hành với cuộc sống của tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi. Chúa Kitô gõ cửa trái tim tôi, để cho Người vào, Chúa Kitô đang sống. Trong những ngày Phục sinh này, sẽ rất hay nếu chúng ta lặp lại điều này: Chúa đang sống.
Sự chắc chắn này dẫn chúng ta đến lời cầu nguyện, hôm nay và trong suốt Mùa Phục Sinh: “Regina Caeli, laetare – Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng”. Sứ thần Gabriel đã chào Mẹ như thế lần đầu tiên: “Hãy vui mừng, hỡi Đấng đầy ân sủng!” (Lc 1, 28). Giờ đây niềm vui của Mẹ Maria đã trọn vẹn: Chúa Giêsu sống, Tình yêu đã chiến thắng. Ước gì đó cũng là niềm vui của chúng ta!
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, ngày 13.04.2020 – Mẫu gương của sự trung thành, tận hiến và tình yêu
Hôm nay, thứ Hai của thiên thần, vang lên lời loan báo vui mừng về sự phục sinh của Chúa Kitô. Trình thuật kể rằng các phụ nữ nhìn thấy ngôi mộ Chúa Giêsu trống trơn nên hoảng sợ, vội vã rời khỏi mộ. Nhưng chính Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trên đường đi và bảo họ: “Đừng sợ; hãy đi báo cho các anh em Thầy rằng hãy đi đến Galilê: ở đó họ sẽ gặp Thầy” (c. 10). Với những lời này, Đấng Phục Sinh trao phó cho các phụ nữ sứ mạng truyền giáo cho các Tông đồ. Thực tế, họ đã là gương mẫu của sự trung thành, tận hiến và tình yêu đối với Chúa Kitô trong cuộc đời công khai cũng như trong cuộc Thương Khó của Người; bây giờ họ được Người ân thưởng bằng một cử chỉ quan tâm và ưu ái.
Trước tiên là các phụ nữ, rồi đến các môn đệ và đặc biệt là Phêrô, đã kiểm chứng sự kiện phục sinh. Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo trước với họ rằng, sau cuộc thương khó và thập giá, Người sẽ sống lại, nhưng các môn đệ không hiểu, bởi vì họ chưa sẵn sàng. Họ cần có bước nhảy vọt trong đức tin, điều mà chỉ có Chúa Thánh Thần, quà tặng của Đấng Phục Sinh, mới có thể thực hiện.
Khởi đầu sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nghe Phêrô tuyên bố rõ ràng rằng: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Từ giây phút đó, lời loan báo Chúa Kitô sống lại đã lan truyền khắp nơi và đến mọi miền trên trái đất, trở thành sứ điệp hy vọng cho tất cả. Sự phục sinh của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng không phải sự chết có tiếng nói quyết định cuối cùng, nhưng chính là sự sống. Khi cho Con Một của Người sống lại, Thiên Chúa đã bày tỏ rõ ràng tình yêu và lòng thương xót của Người đối với nhân loại trong mọi thời đại.
Nếu Chúa Kitô đã phục sinh, thì Người có thể dõi theo mỗi sự kiện trong cuộc sống chúng ta, ngay cả những khi khó khăn và đầy lo lắng, bất an nhất. Đây chính là sứ điệp Phục Sinh mà chúng ta được mời gọi loan báo bằng lời nói và đặc biệt bằng chứng tá cuộc sống. Ước gì tin vui này lại vang vọng lên tại các gia đình của chúng ta và trong tâm hồn chúng ta: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại!” (Ca Tiếp liên lễ Phục Sinh). Xin cho sự chắc chắn này củng cố đức tin của mỗi người đã được rửa tội và khuyến khích đặc biệt những người đang gặp những đau khổ và khó khăn to lớn.
Xin Mẹ Maria, chứng nhân thầm lặng của sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Con Mẹ, giúp chúng ta tin mạnh mẽ vào mầu nhiệm cứu độ để khi được đón nhận với đức tin, mầu nhiệm này có thể biến đổi cuộc sống chúng ta. Đây là lời chúc mừng Phục Sinh tôi gửi đến tất cả anh chị em một lần nữa. Tôi phó thác điều này cho Mẹ của chúng ta mà giờ đây chúng ta cầu khẩn qua lời kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, ngày 22.04.2019 – Niềm vui Phục Sinh kéo dài trong cuộc đời
Anh chị em thân mến!
Ngày hôm nay và suốt trong tuần này, niềm vui phục sinh của Chúa Giêsu, mà chúng ta đã kỷ niệm một cách long trọng hôm chúa nhật, tiếp tục trong phụng vụ, và trong cả đời sống.
Trong buổi canh thức phục sinh, những lời được nói lên bởi các thiên thần gần ngôi mộ trống của Đức Kitô đã vang lên. Với các bà đã đi tới mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất sau ngày sabbat, các thiên thần đã nói : « Sao các bà lại đi tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi » (Lc 24, 5-6).
Sự phục sinh của Đức Kitô làm thành biến cố mang tính đảo lộn của lịch sử loài người. Nó là minh chứng của sự chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết và ban một nền tảng vững chắc như núi đá, cho niềm hy vọng được sống của chúng ta. Điều không thể tưởng tượng được đối với con người đã xảy đến : « Đức Giêsu Nazareth […] Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người ra khỏi những đau khổ của cái chết » (Cv 2, 22-24).
Trong ngày Thứ Hai « các Thiên Thần », phụng vụ, qua Phúc Âm theo thánh Mátthêu (x. 28, 8-15), đưa chúng ta trở lại ngôi mộ trống rỗng của Chúa Giêsu, điều này làm cho chúng ta cảm thấy sung sướng đi tới trong trí tưởng tượng của chúng ta đến ngôi mộ trống của Chúa Giêsu. Các bà đã vừa sợ hãi vừa vui mừng, vội vã chạy đi báo cho các môn đệ rằng ngôi mộ trống rỗng ; và vào lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra trước các bà. Các bà « tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người » (Mt 28,9). Các bà đã đụng chạm đến Người : không phải là một bóng ma, chính là Chúa Giêsu, sống động, bằng xương bằng thịt, đúng là Người. Chúa Giêsu xua đuổi nỗi sợ hãi trong lòng các bà và khuyến khích các bà hơn nữa để loan báo những gì đã xẩy đến cho những người anh em của các bà.
Tất cả các Phúc Âm đều nhấn mạnh vai trò của các phụ nữ, bà Maria Mađalêna và các bà khác, như các chứng nhân đầu tiên của sự sống lại. Các ông, còn sợ hãi, còn đang trốn trong nhà Tiệc Ly. Các ông Phêrô và Gioan, được thông báo bởi bà Mađalêna, chỉ chạy vội ra để thấy ngôi mộ trống rỗng. Nhưng chính là các bà đã là những người thứ nhất được gặp Đấng Phục Sinh và loan báo Người vẫn sống.
Ngày hôm nay, Quý Anh Chị Em thân mến, những lời của Chúa Giêsu phán với các bà cũng đang vang động đối với chúng ta : « Chị em đừng sợ ! Về báo cho … » (Mt 28,10). Sau những lễ nghi của Tam Nhật Phục Sinh, đã làm cho chúng ta sống lại mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa chúng ta, giờ đây, chúng ta chiêm ngắm Người với con mắt của đức tin, đã phục sinh và hằng sống. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được kêu gọi hãy gặp gỡ cá nhân với Người và trở thành những người đi loan báo và những chứng tá của người.
Với Thánh ca phụng vụ Phục sinh cũ, trong những ngày này, chúng ta luôn hát : « Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại ! ». Và nơi Người, chúng ta cũng được sống lại, vượt qua cái chết để đến sự sống, qua nô lệ của tội lỗi đến tự do của tình yêu. Chúng ta hãy để cho minh được đón nhận thông điệp an ủi của Phục Sinh để nó bao trùm chúng ta bằng ánh sáng vinh quang, dẹp tan những màn đêm của sự sợ hãi và buồn bã.
Chúa Giêsu phục sinh bước đi bên cạnh chúng ta. Người xuất hiện cho những ai kêu cầu Người và yêu mến Người. Trước hết là trong cầu nguyện, nhưng cũng là trong những niềm vui đơn sơ được trải nghiệm với đức tin và lòng cảm tạ. Chúng ta cũng có thể cảm thấy Người hiện diện khi chia sẻ những thời khắc tâm tình, đón nhận, thân hữu, ngắm nhìn thiên nhiên.
Mong rằng ngày lễ này, trong đó thói quen là lợi dụng một chút thời gian nghỉ ngơi, giúp cho chúng ta trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria để có thể đong múc đầy tay, sự bình an và thanh thản, là những ơn phúc của Đấng Phục Sinh, để chia sẻ lại cho anh em chúng ta, đặc biệt là cho những ai đang cần đến sự an ủi và niềm hy vọng hơn ai hết.
Nguồn: baigiangdtc.dk (22.04.2019)