LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN
THÁNH (LỄ NẾN) 02/02
WHĐ (31.01.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức
Thánh Cha trong Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lễ Nến) 02/02.
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lễ Nến) 02/02:
Đức Phanxicô: 02.02.2024 – Tinh thần chờ đợi Chúa 02.02.2022 – Trung tâm của mọi thứ là Chúa Kitô 02.02.2021 – Sự kiên nhẫn trong đời sống thánh hiến |
Đức Phanxicô, Bài giảng lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 02.02.2024 – Tinh thần chờ đợi Chúa
Trong khi muôn dân mong chờ ơn cứu độ của Chúa thì các ngôn sứ đã loan báo việc Người sẽ đến. Như ngôn sứ Malachi công bố: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Ðiện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (3,1). Ông Simeon và bà Anna là hình ảnh và hình tượng của sự mong đợi này. Khi nhìn thấy Chúa tiến vào đền thờ của Người, và được Chúa Thánh Thần soi sáng, họ nhận ra Người nơi Hài nhi mà Đức Maria đang ẵm trên tay. Họ đã chờ đợi Người suốt cuộc đời: Ông Simeon, “người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông” (Lc 2,25); bà Anna, người “không rời bỏ Đền thờ” (Lc 2,37).
Thật tuyệt vời cho chúng ta khi nhìn vào hai vị lão thành này, những người đang kiên nhẫn chờ đợi, tỉnh thức trong tinh thần và kiên trì cầu nguyện. Tâm hồn họ luôn tỉnh thức, như ngọn đuốc luôn cháy sáng. Dù tuổi đã cao nhưng tâm hồn họ vẫn trẻ trung. Họ không để mình bị thời gian làm tiêu hao, vì mắt họ luôn hướng về Thiên Chúa trong niềm mong đợi (x. Tv 145,15). Họ gắn bó với Chúa trong sự chờ đợi, luôn luôn chờ đợi. Trên hành trình cuộc đời, họ đã trải qua những khó khăn và thất vọng, nhưng họ không nhượng bộ trước thất bại: họ không “dập tắt” hy vọng. Và vì thế, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi, họ nhận ra rằng thời gian đã viên mãn, lời tiên tri đã được ứng nghiệm, Đấng mà họ tìm kiếm và mong đợi, Đấng Messia của muôn dân, đã đến. Bằng việc tỉnh thức chờ đợi Chúa, họ có khả năng chào đón Người trong sự xuất hiện mới mẻ của Người.
Thưa anh chị em, việc chờ đợi Thiên Chúa cũng rất quan trọng đối với chúng ta, và đối với hành trình đức tin của chúng ta. Mỗi ngày Chúa đến thăm chúng ta, nói với chúng ta, tỏ mình ra theo những cách bất ngờ, và vào lúc cuối cuộc đời và thời gian, Người sẽ đến. Đây là lý do tại sao chính Người khuyên chúng ta hãy tỉnh thức, cảnh giác, và kiên trì chờ đợi. Thật vậy, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta là rơi vào “giấc ngủ của tinh thần”, để trái tim ngủ quên, làm tê liệt tâm hồn, khóa chặt niềm hy vọng trong những góc tối của thất vọng và buông xuôi.
Tôi nghĩ đến các anh chị em được thánh hiến và hồng ân mà anh chị em là; Tôi nghĩ đến mỗi chúng ta, những Kitô hữu ngày nay: Liệu chúng ta có còn khả năng sống trong sự chờ đợi không? Chẳng phải đôi khi chúng ta quá chú tâm vào chính mình, vào sự vật, và vào nhịp sống mãnh liệt của cuộc sống hằng ngày đến mức quên mất Thiên Chúa là Đấng luôn đến sao? Chẳng phải chúng ta quá mê mẩn những việc lành của mình, thậm chí có nguy cơ biến đời sống tu trì và Kitô hữu thành “nhiều việc phải làm” và xao nhãng việc tìm kiếm Chúa hàng ngày sao? Chẳng phải đôi khi chúng ta lại chẳng mạo hiểm hoạch định cho đời sống cá nhân và cộng đoàn bằng việc tính toán cơ hội thành công, thay vì vun trồng hạt giống nhỏ được giao phó cho chúng ta với niềm vui và khiêm tốn, với sự kiên nhẫn của những người gieo hạt mà không đòi hỏi gì, và của những người biết chờ đợi thời điểm và những điều bất ngờ của Thiên Chúa sao? Chúng ta phải nhìn nhận rằng, đôi khi chúng ta đã mất khả năng chờ đợi. Điều này là do nhiều trở ngại khác nhau, và trong số đó, tôi muốn nêu bật hai trở ngại.
Trở ngại thứ nhất khiến chúng ta mất khả năng chờ đợi là sự lơ là đời sống nội tâm. Đây là điều xảy ra khi sự mệt mỏi lấn át sự ngạc nhiên, khi thói quen thay thế lòng nhiệt thành, khi chúng ta mất đi sự kiên trì trên hành trình tâm linh, khi những trải nghiệm tiêu cực, những xung đột, hoặc những kết quả tưởng chừng như chậm đến, khiến chúng ta trở thành những con người cay đắng và oán giận. Thật không tốt nếu cứ nghiền ngẫm về sự cay đắng, bởi vì trong một cộng đoàn tu trì, cũng như trong bất kỳ cộng đoàn và gia đình nào, những người cay đắng với “khuôn mặt ủ dột” làm cho bầu khí trở nên nặng nề; họ dường như có dấm trong lòng. Khi đó cần phải tìm lại ân sủng đã mất: nghĩa là quay trở lại, và nhờ một đời sống nội tâm mãnh liệt, trở về với tinh thần khiêm nhường vui tươi, và lòng biết ơn thầm lặng. Điều này được nuôi dưỡng bằng việc tôn thờ, bằng việc làm của đầu gối và của con tim, bằng lời cầu nguyện cụ thể phấn đấu và chuyển cầu, có khả năng khơi dậy lòng khao khát Thiên Chúa, tình yêu thuở ban đầu, sự kinh ngạc của ngày đầu tiên, và hương vị của sự chờ đợi.
Trở ngại thứ hai là việc thích nghi với lối sống thế tục mà cuối cùng sẽ thế chỗ của Tin Mừng. Thế giới của chúng ta là một thế giới thường chạy với tốc độ chóng mặt, đề cao “mọi thứ và ngay lập lức”, đắm chìm trong chủ nghĩa tích cực và tìm cách xua đuổi nỗi sợ hãi và lo lắng của cuộc sống trong các đền thờ ngoại giáo của chủ nghĩa tiêu thụ hoặc trong thú tiêu khiển bằng mọi giá. Trong bối cảnh như vậy, khi sự thinh lặng bị loại bỏ và mất đi, thì việc chờ đợi không còn là điều dễ dàng, vì nó đòi hỏi một thái độ thụ động lành mạnh, một sự can đảm để sống chậm lại, không để mình bị các hoạt động lấn át, dành chỗ trong tâm hồn mình cho hành động của Thiên Chúa. Đây là những bài học của kinh nghiệm thần bí Kitô giáo. Vậy chúng ta hãy cẩn thận để tinh thần thế tục không xâm nhập vào các cộng đoàn tu trì, vào đời sống Giáo hội, và vào hành trình của mỗi chúng ta, nếu không, chúng ta sẽ không sinh hoa kết trái. Đời sống Kitô hữu và sứ mạng tông đồ cần có trải nghiệm của sự chờ đợi, trưởng thành trong cầu nguyện và sự trung thành hằng ngày, để giải thoát chúng ta khỏi huyền thoại về tính hiệu quả, khỏi nỗi ám ảnh về năng suất, và trên hết, khỏi ý định nhốt Thiên Chúa vào những phạm trù của chúng ta, bởi vì Ngài luôn đến một cách khó lường, vào những lúc chúng ta không ngờ tới, và theo những cách mà chúng ta không mong đợi.
Như nhà thần bí và triết gia người Pháp Simone Weil đã nói, chúng ta là cô dâu chờ đợi chàng rể đến vào ban đêm, và: “Vai trò của người vợ tương lai là chờ đợi…. Khao khát Thiên Chúa và từ bỏ mọi thứ khác, chỉ duy điều này có thể cứu độ chúng ta” (Waiting for God, Milan 1991, 196). Thưa anh chị em, chúng ta hãy vun trồng trong cầu nguyện tinh thần chờ đợi Chúa và học “tính thụ động tốt lành của Thánh Thần”: nhờ đó, chúng ta sẽ có thể mở lòng đón nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa.
Giống như ông Simeon, chúng ta cũng hãy ôm vào lòng Hài Nhi, vị Thiên Chúa của những điều mới mẻ và ngạc nhiên. Bằng việc chào đón Chúa, quá khứ mở ra cho tương lai, những gì cũ kỹ trong chúng ta mở ra cho những điều mới mẻ mà Ngài đánh thức. Và chúng ta biết rằng điều này không hề dễ dàng, bởi vì, trong đời sống tu trì cũng như trong đời sống của mọi Kitô hữu, thật khó để chống lại “sức mạnh của những điều cũ”. “Thật không dễ để sự già nua trong chúng ta đón nhận một đứa trẻ – chào đón cái mới trong sự cũ kỹ của chúng ta – … Sự mới mẻ của Thiên Chúa tự thể hiện như một đứa trẻ, và chúng ta, với tất cả những thói quen, sợ hãi, nghi ngờ, lo lắng và đố kỵ của mình – chúng ta hãy nghĩ đến sự đố kỵ –, hãy đối diện với đứa trẻ này. Liệu chúng ta sẽ ôm lấy đứa trẻ, chào đón đứa trẻ, và nhường chỗ cho đứa trẻ này chăng? Liệu sự mới mẻ này có thực sự đi vào cuộc sống của chúng ta hay chúng ta sẽ cố gắng kết hợp cái cũ và cái mới, cố gắng để làm cho sự hiện diện của sự mới mẻ của Thiên Chúa làm phiền mình ít nhất có thể?” (C.M. Martini, Something So Personal. Meditations on Prayer, Milan 2009, 32-33).
Thưa anh chị em, những câu hỏi này là dành cho chúng ta, cho mỗi chúng ta, cho cộng đoàn của chúng ta, và cho Giáo hội. Giống như ông Simeon và bà Anna, chúng ta hãy thao thức, hãy để cho Thánh Thần thúc đẩy. Nếu giống như các ngài, chúng ta hãy sống sự chờ đợi trong việc chăm sóc đời sống nội tâm của mình và sống phù hợp với phong cách Tin Mừng; nếu giống như các ngài, chúng ta hãy sống trong sự chờ đợi, sẽ ôm lấy Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng và niềm hy vọng của cuộc đời chúng ta.
Đức Phanxicô, Bài giảng lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 02.02.2022 – Trung tâm của mọi thứ là Chúa Kitô
Hai người cao tuổi, ông Simêon và bà Anna, đang chờ đợi trong Đền Thờ sự ứng nghiệm của lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với dân Ngài : sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, sự chờ đợi của họ không phải là sự mong đợi thụ động, nó tràn đầy chuyển động. Chúng ta hãy nhìn vào những gì ông Simêon làm. Trước tiên, ông được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần ; rồi ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Hài Nhi Giêsu và cuối cùng ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay (x. Lc 2, 26-28). Chúng ta chỉ xem xét ba hành động này và suy nghĩ về một số vấn đề quan trọng đối với chúng ta và cách riêng đối với đời sống thánh hiến.
Trước tiên, điều gì thúc đẩy chúng ta ? Ông Simêon lên Đền Thờ, « được Thánh Thần thúc đẩy » (c.27). Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong cảnh này. Ngài làm cho tâm hồn của ông Simêon bừng cháy lòng khao khát đối với Thiên Chúa. Ngài giữ niềm mong đợi sống động nơi tâm hồn ông : Ngài thúc giục ông lên Đền Thờ và làm cho mắt ông nhận ra Đấng Thiên Sai, ngay cả nơi hình hài một em bé nghèo khó. Đó là những gì Chúa Thánh Thần làm : Ngài làm cho chúng ta có thể phân định sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa không phải nơi những điều vĩ đại, ở những biểu hiện bề ngoài hay những biểu lộ sức mạnh, nhưng trong sự nhỏ bé và dễ bị tổn thương. Hãy nghĩ về thập giá. Ở đó, chúng ta cũng nhận thấy sự bé nhỏ và dễ bị tổn thương, nhưng còn điều gì đó rực rỡ : quyền năng của Thiên Chúa. Những từ « được Thánh Thần thúc đẩy » nhắc nhở chúng ta về những gì mà thần học tu đức gọi là « những chuyển động của Thánh Thần » : những chuyển động đó của linh hồn mà chúng ta nhận ra bên trong mình và được mời gọi để kiểm nghiệm, để phân định chúng có đến từ Chúa Thánh Thần hay không. Hãy chú ý đến những chuyển động nội tâm của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta cũng có thể hỏi, ai thúc đẩy chúng ta nhất ? Đó là Chúa Thánh Thần, hay tinh thần của thế gian này ? Đây là một câu hỏi mà mọi người, cách riêng những người thánh hiến, cần phải hỏi. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi sự bé nhỏ và dễ bị tổn thương của một em bé, nhưng đôi khi chúng ta có nguy cơ nhìn thấy sự thánh hiến của chúng ta về mặt kết quả, mục tiêu và thành công : chúng ta tìm kiếm sự ảnh hưởng, sự nổi trội, số lượng. Đây là một cám dỗ. Trái lại, Chúa Thánh Thần không yêu cầu những điều này. Ngài muốn chúng ta vun trồng sự trung tín hằng ngày và chú ý đến những điều bé nhỏ được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Thật cảm động biết bao lòng trung tín được Ông Simêon và bà Anna thể hiện! Mỗi ngày họ lên Đền Thờ, mỗi ngày họ vẫn tỉnh thức và cầu nguyện, cho dù thời gian trôi qua và dường như không có gì xảy ra. Họ sống cuộc đời mình trong sự trông đợi, không nản lòng hay phàn nàn, kiên trì trong sự trung tín và nuôi dưỡng ngọn lửa hy vọng mà Chúa Thánh Thần đã nhen nhóm trong tâm hồn họ.
Thưa anh chị em, chúng ta có thể hỏi, điều gì thúc đẩy ngày sống của chúng ta? Đâu là tình yêu khiến chúng ta tiếp tục bước đi? Có phải đó là Chúa Thánh Thần, hay niềm đam mê trong chốc lát, hay điều gì khác? Chúng ta “chuyển động” như thế nào trong Giáo hội và trong xã hội? Đôi khi, ngay cả đằng sau vẻ bề ngoài của những công việc tốt lành, người ta vẫn có thể che giấu bệnh tự yêu bản thân, hay nhu cầu nổi bật lên. Trong những trường hợp khác, ngay cả khi chúng ta làm nhiều việc, các cộng đoàn tôn giáo của chúng ta có thể bị thúc đẩy bởi sự lặp đi lặp lại máy móc – hành động theo thói quen, chỉ để bận rộn – hơn là sự cởi mở nhiệt thành cho Chúa Thánh Thần. Hôm nay, tất cả chúng ta sẽ làm cho thật tốt để xem xét các động cơ bên trong và phân định những chuyển động thiêng liêng của chúng ta, để từ đó việc canh tân đời sống thánh hiến có thể diễn ra trước hết.
Câu hỏi thứ hai: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Ông Simêon, được Thánh Thần thúc đẩy, đã nhìn thấy và nhận ra Chúa Kitô. Và ông cầu nguyện rằng: “Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa” (c.30). Đây là một phép lạ to lớn của đức tin: nó mở mắt, biến đổi cái nhìn, thay đổi viễn cảnh. Như chúng ta biết từ nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, đức tin được nảy sinh từ cái nhìn trắc ẩn của Thiên Chúa đối với chúng ta, làm mềm đi sự cứng lòng của chúng ta, chữa lành các vết thương của chúng ta và ban cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn bản thân và thế giới của chúng ta. Những cách mới để nhìn bản thân, người khác và tất cả những hoàn cảnh mà chúng ta kinh qua, ngay cả những hoàn cảnh đau thương nhất. Cái nhìn này không ngây thơ nhưng là khôn ngoan. Một cái nhìn ngây thơ sẽ trốn chạy thực tại và khước từ nhìn nhận các vấn đề. Tuy nhiên, một cái nhìn khôn ngoan có thể “nhìn bên trong” và “nhìn xa hơn”. Đó là một cái nhìn không dừng lại ở vẻ bên ngoài, nhưng có thể đi vào chính những vết nứt của sự yếu đuối và thất bại của chúng ta, để phân định sự hiện diện của Thiên Chúa ngay cả ở đó.
Đôi mắt của cụ già Simêon, dù đã mờ đi theo năm tháng, nhưng vẫn nhìn thấy Chúa. Đôi mắt đó nhìn thấy ơn cứu độ. Còn chúng ta thì sao? Mỗi người chúng ta có thể hỏi: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Đâu là cái nhìn của chúng ta về đời sống thánh hiến? Thế giới thường nhìn nó như là “một sự lãng phí”: “hãy nhìn con người trẻ trung đẹp đẽ đó trở thành một thầy dòng hay một nữ tu, thật là lãng phí! Nếu ít nữa thì họ cũng xấu…nhưng thật lãng phí”! Đó là cách chúng ta nghĩ. Có lẽ thế giới coi đây là di tích của quá khứ, một thứ vô dụng. Nhưng chúng ta, cộng đoàn Kitô hữu, nam nữ tu sĩ, chúng ta thấy gì? Mắt của chúng ta chỉ hướng vào bên trong, khao khát điều gì đó không còn tồn tại, hay chúng ta có khả năng có một cái nhìn xa trông rộng của đức tin, một cái nhìn cả bên trong và xa hơn? Có khôn ngoan để nhìn mọi thứ – đây là ân huệ của Chúa Thánh Thần – để nhìn mọi thứ thật tốt, để nhìn chúng theo đúng viễn cảnh, để nắm bắt thực tại. Tôi được soi sáng rất nhiều khi thấy những người nam và người nữ thánh hiến cao niên có đôi mắt sáng, tiếp tục mỉm cười và bằng cách này mang lại hy vọng cho người trẻ. Chúng ta hãy nghĩ về tất cả những lần chúng ta gặp những người như thế, và chúc tụng Thiên Chúa về điều này. Vì ánh mắt của họ tràn đầy hy vọng và rộng mở cho tương lai. Và có lẽ chúng ta sẽ làm thật tốt, trong những ngày này, để đi thăm các anh chị em tu sĩ lớn tuổi, để gặp họ, nói chuyến với họ, đặt những câu hỏi, để nghe những gì họ đang suy nghĩ. Tôi coi đây là một phương dược tốt.
Thưa anh chị em, Chúa không bao giờ không ban cho chúng ta những dấu hiệu mời gọi chúng ta trau dồi một cái nhìn mới mẻ về đời sống thánh hiến. Chúng ta cần làm điều này, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn trước các chuyển động của Ngài. Chúng ta không thể giả vờ như không thấy những dấu hiệu này và tiếp tục như thường lệ, làm cùng những điều cũ, trôi theo quán tính trở lại với những hình thức của quá khứ, bị tê liệt bởi nỗi sợ thay đổi. Tôi đã nói đi nói lại điều này: ngày nay cám dỗ quay trở lại, vì sự an toàn, vì sợ hãi, để bảo vệ đức tin hay đặc sủng của đấng sáng lập…là một cám dỗ. Cám dỗ quay trở lại và bảo vệ “các truyền thống” cách cứng nhắc. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này: cứng nhắc là một điều xấu xa, và bên dưới mọi hành vi cứng nhắc đều có những vấn đề nghiêm trọng. Cả ông Simêon và bà Anna đều không cứng nhắc; không, họ tự do và có niềm vui ca ngợi: Ông Simêon bằng cách ca ngợi Chúa và can đảm nói tiên tri cho Mẹ của Hài Nhi. Anna, giống như một cụ bà tốt lành, tiếp tục nói: “Hãy nhìn họ!” “Hãy nhìn điều này!” Bà nói với niềm vui, mắt bà đầy hy vọng. Không có quán tính của quá khứ, không có sự cứng nhắc. Chúng ta hãy mở mắt ra: Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta giữa những khủng hoảng của chúng ta – và những cuộc khủng hoảng có đó -, số lượng ngày càng giảm của chúng ta – “Thưa Cha, không có ơn gọi nào, bây giờ chúng con sẽ đi đến một hòn đảo nào đó ở Inđônêsia để xem liệu có thể tìm được một ơn gọi không” – và những sức lực đang giảm dần của chúng ta, để canh tân đời sống và cộng đoàn của chúng ta. Và chúng ta làm điều này như thế nào? Ngài sẽ chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, cách can đảm và không sợ hãi. Chúng ta hãy nhìn vào ông Simêon và bà Anna: dù đã tiến tới theo năm tháng, nhưng họ không trải qua những tháng ngày để khóc cho một quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng thay vào đó họ đón nhận tương lai đang mở ra trước mắt mình. Thưa anh chị em, chúng ta đừng lãng phí hôm nay bằng cách nhìn lại ngày hôm qua, hay mơ về một ngày mai sẽ không bao giờ đến; thay vào đó, chúng ta hãy đặt mình thờ lạy trước mặt Chúa và cầu xin đôi mắt để nhìn thấy sự tốt lành và để phân biệt đường lối của Thiên Chúa. Chúa sẽ ban chúng cho chúng ta, nếu chúng ta xin Ngài. Bằng niềm vui, bằng sự can đảm, không sợ hãi.
Cuối cùng, câu hỏi thứ ba: chúng ta ẵm gì trong vòng tay của mình? Ông Simêon đã ẵm Chúa Giêsu trên tay mình (x. c.28). Đó là một cảnh cảm động, đầy ý nghĩa và độc nhất trong các Tin Mừng. Thiên Chúa cũng đã đặt Con của Ngài trong vòng tay của chúng ta, bởi vì ôm lấy Chúa Giêsu là điều cốt yếu, là chính trọng tâm của đức tin. Đôi khi chúng ta có nguy cơ mất phương hướng, bị cuốn vào hàng ngàn thứ khác nhau, ám ảnh về những vấn đề nhỏ nhặt hoặc lao vào các dự án mới, thế nhưng trung tâm của mọi thứ là Chúa Kitô, đón nhận Người là Chúa của cuộc đời chúng ta.
Khi ông Simêon ẵm Chúa trên tay mình, ông nói những lời chúc tụng, ngợi khen và ngạc nhiên. Và chúng ta, sau nhiều năm trong đời sống thánh hiến, có phải chúng ta đã đánh mất khả năng ngạc nhiên? Chúng ta vẫn có khả năng này không? Chúng ta hãy tự xét mình về điều này, và nếu ai đó không tìm thấy nó, thì người đó hãy xin ngạc nhiên, ngạc nhiên trước những kỳ công mà Thiên Chúa đang hành động trong chúng ta, ẩn giấu, giống như những điều trong Đền Thờ, khi ông Simêon và bà Anna gặp Chúa Giêsu. Nếu những người nam và người nữ thánh hiến thiếu những lời chúc tụng Thiên Chúa và những người khác, nếu họ thiếu niềm vui, nếu lòng nhiệt huyết của họ thất bại, nếu đời sống huynh đệ của họ chỉ là việc chán phèo, nếu sự ngạc nhiên thiếu đi, thì đó không phải là lỗi của ai đó hay điều gì khác. Lý do thực sự là vòng tay của chúng ta không còn ôm lấy Chúa Giêsu nữa. Và khi vòng tay của một người nam hay người nữ thánh hiến không ôm lấy Chúa Giêsu, thì họ ôm lấy một khoảng chân không mà họ cố gắng lấp đầy bằng những thứ khác, nhưng nó vẫn là chân không.Ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay chúng ta: đây là dấu hiệu, là hành trình, là công thức đổi mới. Khi chúng ta không còn ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay mình, thì tâm hồn chúng ta sẽ là nạn nhân của sự cay đắng. Thật buồn khi thấy các tu sĩ cay đắng: khép kín trong việc phàn nàn về những điều không diễn ra như bộ máy đồng hồ. Họ luôn than phiền về điều gì đó: bề trên, anh chị em của mình, cộng đoàn, thức ăn…Họ sống để than phiền về điều gì đó. Nhưng chúng ta phải ôm lấy Chúa Giêsu trong sự thờ phượng và cầu xin đôi mắt có khả năng nhìn thấy điều tốt lành và phân định đường lối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đón nhận Chúa Kitô với đôi vòng tay rộng mở, thì chúng ta cũng sẽ đón nhận người khác với sự tin tưởng và khiêm tốn. Khi đó xung đột sẽ không leo thang, bất đồng sẽ không chia rẽ, và cám dỗ thống trị và xúc phạm phẩm giá của người khác sẽ được vượt qua. Vì thế, chúng ta hãy mở rộng vòng tay cho Chúa Kitô và cho tất cả anh chị em của chúng ta. Vì đó là nơi Chúa Giêsu ở.
Các bạn thân mến, hôm nay, chúng ta hãy hân hoan làm mới lại sự thánh hiến của mình! Chúng ta hãy tự hỏi điều gì đang “thúc đẩy” tâm hồn và hành động của chúng ta, cái nhìn đổi mới nào chúng ta được mời gọi vun trồng, và trên hết, chúng ta hãy ẵm lấy Chúa Giêsu trong vòng tay của mình. Cho dù đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức – điều này cũng xảy ra -, thì chúng ta hãy làm như ông Simêon và bà Anna đã làm. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi sự trung tín của Chúa và không để mình bị cướp đi niềm vui gặp gỡ Người: điều này thật là đẹp! Chúng ta hãy đặt Chúa trở lại trung tâm, và vui mừng tiến về phía trước. Amen.
Nguồn: xuanbichvietnam.net
Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 02.02.2021 – Sự kiên nhẫn trong đời sống thánh hiến
Simeon, như Thánh Luca nói với chúng ta, “đang đợi chờ niềm ủi an của Israel” (Lc 2:25). Lên Đền Thờ khi Đức Maria và Thánh Giuse đang đưa Chúa Giêsu vào đó, ông đã ôm Đấng Mêsia vào tay mình. Người nhận ra nơi Hài Nhi đó ánh sáng chiếu soi cho Dân Ngoại là một cụ già đã kiên nhẫn chờ đợi những lời hứa của Chúa được thực hiện.
Sự kiên nhẫn của Simeon. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn sự kiên nhẫn của cụ già này. Suốt cuộc đời, ông đã chờ đợi, rèn luyện sự kiên nhẫn của trái tim. Trong lời cầu nguyện của mình, Simeon đã học được rằng Thiên Chúa không đến trong những sự kiện phi thường, nhưng hoạt động giữa sự đơn điệu rõ ràng của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong nhịp điệu thường xuyên buồn tẻ của các hoạt động của chúng ta, trong những điều nhỏ nhặt mà khi làm việc với sự kiên trì và khiêm tốn, chúng ta thành công trong nỗ lực để thực thi ý muốn của Chúa. Bằng sự kiên nhẫn, Simeon không hề mệt mỏi theo thời gian. Lúc bấy giờ, ông đã già nhưng ngọn lửa trong tim ông vẫn cháy sáng. Trong cuộc đời lâu dài của ông, chắc chắn đã có lúc ông bị tổn thương, thất vọng nhưng ông không mất hy vọng. Ông tin tưởng vào lời hứa và không để mình bị tổn thương bởi sự hối tiếc về thời gian đã qua hoặc bởi cảm giác chán nản có thể đến khi chúng ta sắp bước vào chạng vạng của cuộc đời mình. Niềm hy vọng và sự mong đợi của ông được thể hiện nơi sự kiên nhẫn hàng ngày của một người, bất chấp mọi sự, vẫn tỉnh thức, cho đến khi cuối cùng “mắt ông nhìn thấy ơn cứu độ” như đã được hứa (x. Lc 2:30).
Tôi tự hỏi: Ông Simeon đã học được sự kiên nhẫn như vậy ở đâu? Nó nảy sinh từ lời cầu nguyện và lịch sử của dân Người, vốn luôn được nhìn thấy nơi Chúa “một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6). Ngài đã nhận ra Chúa Cha, Đấng ngay cả khi bị khước từ và bất trung, vẫn không bao giờ bỏ cuộc, nhưng vẫn “kiên nhẫn trong nhiều năm” (x. Nk 9:30), không ngừng chờ đợi chúng ta hoán cải.
Vì vậy, sự kiên nhẫn của Simeon là tấm gương phản chiếu sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa. Từ lời cầu nguyện và lịch sử của dân tộc mình, Simeon đã học được rằng Thiên Chúa thực sự rất kiên nhẫn. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng bằng sự kiên nhẫn đó, ngài “dẫn chúng ta đến sự sám hối” (Rm 2:4). Tôi thích nghĩ đến Romano Guardini, người đã từng nhận xét rằng kiên nhẫn là cách Thiên Chúa đáp lại sự yếu đuối của chúng ta và cho chúng ta thời gian để chúng ta thay đổi (x. Glaubenserkenntnis, Würzburg, 1949, 28). Hơn ai hết, Đấng Messia, Chúa Giêsu, Đấng được ông Simeon ẵm trong tay, cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu, Đấng luôn kêu gọi chúng ta, cho đến giờ phút cuối cùng. Thiên Chúa, Đấng không đòi hỏi sự hoàn hảo nhưng nhiệt tình chân thành, Đấng mở ra những khả năng mới khi tất cả dường như đã mất, Đấng muốn mở ra một vết nứt trong trái tim chai cứng của chúng ta, Đấng để cho hạt giống tốt phát triển mà không nhổ tận gốc cỏ dại. Đây là lý do chúng ta hy vọng: Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt chờ đợi chúng ta. Khi chúng ta xa cách Chúa, Người đến tìm chúng ta; khi chúng ta ngã xuống đất, Người nâng chúng ta dậy; khi chúng ta trở về với Người sau khi xa lạc, Người vẫn mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Tình yêu của Người không đong đo theo quy mô tính toán của con người chúng ta, nhưng luôn truyền cho chúng ta lòng can đảm để bắt đầu lại. Nó dạy chúng ta tính kiên cường, lòng dũng cảm để bắt đầu lại. Luôn luôn, mỗi ngày. Sau khi vấp ngã, luôn luôn bắt đầu lại. Người kiên nhẫn.
Chúng ta hãy nhìn vào sự kiên nhẫn của mình. Chúng ta hãy nhìn vào sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của Simeon khi chúng ta xem xét đời sống thánh hiến của chính mình. Chúng ta có thể tự hỏi lòng kiên nhẫn thực sự bao hàm điều gì. Chắc chắn đó không chỉ đơn giản là việc chịu đựng khó khăn hay thể hiện sự quyết tâm cao độ trước khó khăn. Kiên nhẫn không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối nhưng là sức mạnh giúp chúng ta “mang gánh nặng” của những vấn đề cá nhân và cộng đoàn, chấp nhận người khác với chúng ta, kiên trì trong việc thiện và tiếp tục tiến bước ngay cả khi bị mệt mỏi và nản chí.
Hãy để tôi chỉ ra ba hoàn cảnh cụ thể nơi sự kiên nhẫn được thể hiện.
Trước tiên là cuộc sống cá nhân của chúng ta. Đã có lúc chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa, và với lòng nhiệt thành và quảng đại dâng hiến cuộc đời mình cho Ngài. Trên đường đi, cùng với những niềm an ủi, chúng ta cũng có những nỗi thất vọng và chán nản. Đôi khi, công việc khó nhọc của chúng ta không đạt được kết quả mong muốn, những hạt giống chúng ta gieo dường như không sinh đủ hoa trái, lòng nhiệt thành cầu nguyện của chúng ta nguội lạnh và chúng ta không phải lúc nào cũng tránh khỏi được sự khô khan tâm linh. Trong cuộc sống của chúng ta, những người nam nữ thánh hiến, có thể xảy ra tình trạng niềm hy vọng dần dần phai nhạt do những kỳ vọng không được đáp ứng. Chúng ta phải kiên nhẫn với chính mình và chờ đợi trong hy vọng thời gian và địa điểm của chính Thiên Chúa, vì Ngài luôn trung thành với những lời hứa của mình. Đây là viên đá nền tảng: Ngài luôn giữ đúng lời hứa của mình. Việc ghi nhớ điều này có thể giúp chúng ta quay trở lại những bước đi của mình và làm sống lại những ước mơ của mình, thay vì đầu hàng nỗi buồn và sự chán nản nội tâm. Thưa anh chị em, trong chúng ta những người nam nữ thánh hiến, nỗi buồn nội tâm là một con sâu, một con sâu ăn thịt chúng ta từ bên trong. Chạy trốn khỏi nỗi buồn nội tâm!
Hoàn cảnh thứ hai trong đó sự kiên nhẫn có thể trở nên cụ thể là đời sống cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều biết rằng các mối tương quan giữa con người với nhau không phải lúc nào cũng thanh thản, nhất là khi chúng liên quan đến việc chia sẻ một dự án cuộc sống hoặc hoạt động tông đồ. Có những lúc xung đột nảy sinh và không thể nào mong đợi một giải pháp tức thời, cũng như không nên đưa ra những phán xét vội vàng. Cần có thời gian để lùi lại, gìn giữ hòa bình và chờ đợi thời cơ tốt hơn để giải quyết các tình huống trong bác ái và trong sự thật. Chúng ta đừng để mình bị bối rối trước những cơn bão tố. Trong Giờ kinh Phụng vụ Kinh Sách cho Bài đọc ngày mai, có một đoạn rất hay về sự phân định tâm linh của Diodochus thành Photice. Ông nói: “Một vùng biển yên tĩnh cho phép ngư dân nhìn thẳng vào độ sâu của nó. Không có con cá nào có thể trốn ở đó và thoát khỏi tầm mắt của anh ta. Tuy nhiên, biển giông bão sẽ trở nên âm u khi bị gió lay động”. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể phân biệt rõ ràng, nhìn ra sự thật nếu tâm hồn chúng ta bị kích động và thiếu kiên nhẫn. Không bao giờ! Các cộng đoàn của chúng ta cần loại kiên nhẫn hỗ tương này: khả năng hỗ trợ, nghĩa là gánh trên vai chúng ta, mạng sống của một trong những anh chị em của chúng ta, kể cả những yếu đuối và thất bại của họ, tất cả! Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành nghệ sĩ độc tấu - chúng ta biết có rất nhiều người trong Giáo hội – không! chúng ta không được kêu gọi trở thành nghệ sĩ độc tấu nhưng là thành viên của một ca đoàn đôi khi có thể bỏ lỡ một hoặc hai nốt nhạc, nhưng phải luôn cố gắng đồng thanh hát.
Cuối cùng, hoàn cảnh thứ ba là mối tương quan của chúng ta với thế giới. Simeon và Anna đã ấp ủ niềm hy vọng được các vị tiên tri công bố, mặc dù nó chậm được thực hiện và phát triển một cách âm thầm giữa những bất trung và đổ nát của thế giới chúng ta. Họ không phàn nàn về những điều sai trái mà kiên nhẫn tìm kiếm ánh sáng soi rọi trong bóng tối của lịch sử. Để tìm kiếm ánh sáng soi rọi trong bóng tối của lịch sử; để tìm kiếm ánh sáng chiếu rọi trong bóng tối của cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cũng cần sự kiên nhẫn như vậy để không rơi vào bẫy phàn nàn. Một số người là bậc thầy phàn nàn, bác sĩ phàn nàn, họ rất giỏi phàn nàn! Không, việc phàn nàn giam cầm chúng ta: “thế giới không còn lắng nghe chúng ta nữa” – chúng ta thường nghe điều đó như thế nào - hoặc “chúng ta không còn ơn gọi nữa nên phải đóng cửa”, hoặc “đây là thời điểm không dễ dàng” – “ à, đừng nói với tôi nhé!…”. Và thế là cuộc song ca phàn nàn bắt đầu. Có thể xảy ra rằng ngay cả khi Thiên Chúa kiên nhẫn cày xới mảnh đất lịch sử và trái tim của chúng ta, chúng ta tỏ ra thiếu kiên nhẫn và muốn phán xét mọi sự ngay lập tức: bây giờ hoặc không bao giờ, bây giờ, bây giờ, bây giờ. Bằng cách này, chúng ta đánh mất nhân đức “nhỏ bé” nhưng đẹp đẽ nhất: niềm hy vọng. Tôi đã thấy nhiều tu sĩ nam nữ mất hy vọng chỉ vì thiếu kiên nhẫn.
Sự kiên nhẫn giúp chúng ta có lòng thương xót trong cách chúng ta nhìn bản thân, cộng đoàn và thế giới của chúng ta. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có đón nhận sự kiên nhẫn của Chúa Thánh Thần không? Trong cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có chịu đựng lẫn nhau và tỏa chiếu niềm vui của đời sống huynh đệ không? Trên thế giới, chúng ta có kiên nhẫn cống hiến sự phục vụ của mình hay đưa ra những phán xét khắc nghiệt? Đây thật sự là những thách thức đối với đời sống thánh hiến của chúng ta: chúng ta không thể cứ mắc kẹt trong nỗi hoài niệm về quá khứ hay đơn giản là cứ lặp lại những điều cũ kỹ hoặc những lời phàn nàn hàng ngày. Chúng ta cần kiên nhẫn và can đảm để tiếp tục tiến lên, khám phá những con đường mới và đáp lại sự thúc giục của Chúa Thánh Thần. Và làm như vậy một cách khiêm tốn và đơn giản, không cần phải tuyên truyền hay quảng cáo rầm rộ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và cầu xin để có lòng kiên nhẫn tin tưởng của Simeon và Anna. Bằng cách này, ước gì đôi mắt của chúng ta cũng nhìn thấy ánh sáng cứu độ và mang ánh sáng đó đến cho toàn thế giới, giống như hai cụ già này đã làm trong lời chúc tụng của họ.
Nguồn: vaticannews.va/vi