BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM B
CHÚA NHẬT LỜI CHÚA

WHĐ (19.01.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 3 Thường niên năm B – Chúa nhật Lời Chúa.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 3 Thường niên năm B – Chúa nhật Lời Chúa:

Đức Phanxicô:

21.01.2024 – Bài giảng: Lời khơi dậy sứ mạng

21.01.2024 – Huấn dụ: Bỏ lưới mà theo Người

24.01.2021 – Bài giảng: Chúa nói về điều gì và Chúa nói với ai?

24.01.2021 – Huấn dụ: Thời gian đón nhận ơn cứu độ thì ngắn ngủi

25.01.2015 – Huấn dụ: Chúa Giêsu là sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa


Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10

Bài Ðọc II: 1Cr 7, 29-31

Phúc Âm: Mc 1, 14-20


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật Lời Chúa ngày 21.01.2024  Lời khơi dậy sứ mạng

“Chúa Giêsu nói với họ: ‘Hãy theo tôi’ […]. Lập tức họ bỏ lưới lại mà đi theo Người” (Mc 1,17-18). Sức mạnh của Lời Chúa thật mãnh liệt, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất: “Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng: ‘Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê […] và hô cho dân biết’ [... ]. Giô-na đứng dậy và đi […] như lời Đức Chúa phán” (St 3,1-3). Lời Chúa toả ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đó là một sức mạnh thu hút chúng ta đến với Thiên Chúa, như đã xảy ra với những người đánh cá trẻ, được đánh động bởi lời của Chúa Giêsu; và là một sức mạnh gởi đến người khác, như đối với Giôna, sức mạnh hướng đến những người ở xa Chúa. Do đó, Lời thu hút đến với Thiên Chúa và gửi đến cho người khác, đây chính là tính năng động của Lời. Lời không để chúng ta khép kín mình lại, nhưng mở rộng trái tim, đảo ngược hướng đi, lật đổ những thói quen, mở ra những viễn tượng mới, làm hé lộ những chân trời bất ngờ.

Anh chị em thân mến, Lời Chúa mong muốn thực hiện điều này nơi mỗi người chúng ta. Như các môn đệ đầu tiên, những người đón nhận lời Chúa Giêsu, đã bỏ lưới lại và bắt đầu một cuộc phiêu lưu kỳ diệu, cũng vậy, dọc bờ cuộc đời chúng ta, bên cạnh những con thuyền gia đình và lưới làm việc, Lời khơi dậy tiếng gọi của Chúa Giêsu. Người kêu gọi chúng ta ra chỗ nước sâu với Người vì người khác. Vâng, Lời khơi dậy sứ mạng, Lời làm cho chúng ta trở thành sứ giả và chứng nhân của Thiên Chúa cho một thế giới đầy những lời nói, nhưng lại đói khát Lời đó vì thường bị phớt lờ. Giáo Hội sống nhờ sự năng động này: được Chúa Kitô kêu gọi, được Người thu hút và được sai đi vào thế giới để làm chứng cho Người.

Chúng ta không thể làm gì nếu thiếu Lời Chúa, thiếu sức mạnh dịu dàng của Lời. Lời Chúa, như trong một cuộc đối thoại, chạm đến trái tim, khắc sâu vào linh hồn, đổi mới nó bằng bình an của Chúa Giêsu, khiến chúng ta bận tâm đến người khác. Nếu chúng ta nhìn vào những người bạn của Thiên Chúa, những chứng nhân của Tin Mừng trong lịch sử, chúng ta thấy rằng đối với mọi người, Lời Chúa có tính quyết định. Chúng ta hãy nghĩ đến vị đan sĩ đầu tiên, Thánh Antôn, người bị đánh động bởi một đoạn Tin Mừng khi đang tham dự Thánh Lễ, đã từ bỏ mọi sự vì Chúa; chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Augustinô, người đã thay đổi cuộc đời khi một lời của Chúa chữa lành trái tim ngài; chúng ta hãy nghĩ tới Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã khám phá ra ơn gọi của mình qua việc đọc các bức thư của Thánh Phaolô. Và tôi nghĩ đến vị thánh mà tôi mang danh, Phanxicô Assisi; sau khi cầu nguyện, ngài đã đọc thấy trong Tin Mừng rằng Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng, và ngài kêu lên rằng: “Đây là điều tôi muốn, đây là điều tôi xin, đây là điều này tôi mong muốn thực hiện với trọn cả trái tim tôi!” (TOMMASO DA CELANO, Vita prima IX, 22). Những cuộc đời được thay đổi bởi Lời sự sống.

Nhưng tại sao, với nhiều người trong chúng ta, điều tương tự không xảy ra? Có lẽ bởi vì, như những nhân chứng này cho chúng ta thấy, chúng ta cần không bị “điếc” trước Lời Chúa. Đây là nguy cơ của chúng ta: bị choáng ngợp bởi hàng ngàn lời nói, chúng ta cũng để Lời Chúa lướt qua mình: chúng ta nghe nhưng chúng ta không lắng nghe; chúng ta lắng nghe nhưng chúng ta không gìn giữ; chúng ta gìn giữ nhưng chúng ta không để mình bị khuấy động để thay đổi. Trên hết, chúng ta đọc nhưng không cầu nguyện, trong khi “việc đọc Sách Thánh phải đi kèm với cầu nguyện, để cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập” (Dei Verbum, 25). Chúng ta đừng quên hai chiều kích nền tảng của việc cầu nguyện Kitô giáo: lắng nghe Lời Chúa và tôn thờ Chúa. Chúng ta hãy tạo không gian để cầu nguyện với Lời của Chúa Giêsu và điều đó sẽ xảy ra với chúng ta như đã xảy ra với những môn đệ đầu tiên. Vì vậy, chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, bài Tin Mừng mang đến cho chúng ta hai cử chỉ bắt nguồn từ Lời Chúa Giêsu: “Họ bỏ lưới mà theo Người” (Mc 1:18). Họ bỏ lại và bước theo. Chúng ta dừng lại đôi chút ở điều này.

Họ bỏ lại. Bỏ gì? Bỏ thuyền và những tấm lưới, tức là cuộc sống mà họ đã trải qua cho đến ngày hôm đó. Nhiều khi chúng ta phải vật lộn để bỏ lại những điều chắc chắn, những thói quen của mình, bởi vì chúng ta vướng vào chúng như cá mắc lưới. Nhưng những ai tiếp xúc với Lời Chúa sẽ được chữa lành khỏi những ràng buộc của quá khứ, bởi vì Lời hằng sống giải nghĩa lại cuộc sống, và cũng chữa lành ký ức bị tổn thương bằng cách làm cho chúng ta nhớ đến Thiên Chúa và những công trình của Người dành cho chúng ta. Kinh Thánh đặt chúng ta vào sự tốt lành, nhắc nhớ chúng ta là ai: là con cái được Thiên Chúa cứu và yêu thương. “Những lời thơm ngát của Chúa” (Thánh Phaxicô Assisi, Thư gửi các tín hữu) giống như mật ong, chúng làm cho cuộc sống trở nên ý vị: chúng khơi dậy sự ngọt ngào của Thiên Chúa, nuôi dưỡng tâm hồn, xua tan nỗi sợ hãi, vượt qua nỗi cô đơn. Và cũng như những Lời ấy đã khiến cho những môn đệ đó bỏ lại đằng sau sự lặp đi lặp lại của cuộc sống quanh thuyền và lưới, những Lời ấy cũng đổi mới niềm tin nơi chúng ta, thanh lọc nó và giải phóng nó khỏi nhiều bụi bẩn, đưa nó trở về cội nguồn, về nguồn tinh khiết của Tin Mừng. Với câu chuyện về những công trình của Thiên Chúa làm cho chúng ta, Kinh Thánh đã cởi trói cho một đức tin bị tê liệt và giúp cho chúng ta thưởng nếm lại được đời sống Kitô như nó vốn là: một câu chuyện về tình yêu với Chúa.

Các môn đệ đã bỏ lại; và sau đó họ đi theo: họ bước tới theo sau Thầy. Thật vậy, Lời của Người, trong khi giải thoát chúng ta khỏi những trở ngại của quá khứ và hiện tại, làm cho chúng ta trưởng thành trong sự thật và bác ái: làm sống lại trái tim, lay động nó, thanh tẩy nó khỏi những thói đạo đức giả và đổ đầy nó với niềm hy vọng. Chính Kinh Thánh chứng thực rằng Lời là cụ thể và hữu hiệu: “như mưa và tuyết” trên mặt đất (xem Is 55:10-11); “như lửa”, “như búa đập vỡ đá” (Gr 23,29); như một thanh gươm sắc bén “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12); như một hạt giống không thể hư nát (1Pr 1,23), nhỏ bé và ẩn giấu, nảy mầm và sinh hoa trái (xem Mt 13). “Lời Chúa có rất nhiều hiệu năng và sức mạnh đến nỗi nó là […] nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng” (CONC. ECUM. VAT. II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 21 ).

Anh chị em thân mến, ước gì Chúa Nhật Lời Chúa giúp chúng ta hân hoan trở về với những nguồn mạch đức tin, nảy sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa hằng sống. Trong khi người ta liên tục nói và đọc những lời về Giáo Hội, xin Chúa giúp chúng ta tái khám phá ra Lời sự sống vang vọng trong Giáo Hội! Nếu không, rốt cuộc chúng ta sẽ nói nhiều về mình hơn là về Người; và những suy nghĩ cũng như vấn đề của chúng ta vẫn là trung tâm, thay vì Chúa Kitô với Lời của Người. Chúng ta trở về với nguồn mạch để cung cấp cho thế giới nước hằng sống mà nó không thể tìm thấy; và, trong khi xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội nhấn đến tính bạo lực của lời nói, thì chúng ta đón nhận sự hiền lành của Lời cứu độ.

Và cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi. Tôi có dành vị trí cho Lời Chúa tại nơi tôi đang sống không? Nơi đó có sách, báo, tivi, điện thoại, nhưng Kinh Thánh ở đâu? Trong phòng của tôi, tôi có sách Tin Mừng cầm tay không? Tôi có đọc nó mỗi ngày để tìm ra con đường sự sống không? Nhiều lần tôi đã khuyên rằng hãy luôn mang theo Tin Mừng bên mình, trong túi, trong ví, trong điện thoại di động của bạn: nếu Chúa Kitô thân yêu với tôi hơn bất cứ thứ gì, thì làm sao tôi có thể để Người ở nhà mà không mang theo Lời Người bên mình? Và một câu hỏi cuối cùng: tôi đã đọc toàn bộ ít nhất một trong bốn Tin Mừng chưa? Tin Mừng là cuốn sách sự sống, đơn giản và ngắn gọn, nhưng nhiều tín hữu chưa bao giờ đọc từ đầu đến cuối.

Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa là “nguồn gốc và tác giả của vẻ đẹp” (Kn 13:3): chúng ta hãy để mình được chinh phục bởi vẻ đẹp mà Lời Chúa mang lại cho cuộc sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật Lời Chúa ngày 21.01.2024 – Bỏ lưới mà theo Người

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay thuật lại ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (x. Mc 1,14-20). Một trong những điều đầu tiên Chúa Giêsu làm khi bắt đầu cuộc đời công khai là kêu gọi những người khác tham gia sứ mạng của Người: Người đến gặp một số ngư phủ trẻ và mời họ theo Người để “trở thành những kẻ lưới người” (c. 17). Điều này cho chúng ta biết một điều quan trọng: Chúa muốn đưa chúng ta tham gia vào công trình cứu độ của Người, Người muốn chúng ta trở thành những người tích cực, những người có trách nhiệm và là những nhân vật chính.

Thật ra, Người không cần đến chúng ta, nhưng Người đã làm điều đó, mặc dù khi làm như vậy, Người phải mang lấy nhiều hạn chế của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhìn xem Người kiên nhẫn với các môn đệ thế nào: họ thường không hiểu lời Người (xem Lc 9,51-56), đôi khi họ không hòa hợp với nhau (xem Mc 10,41), nhiều lần họ không thể đón nhận những khía cạnh thiết yếu trong lời rao giảng của Người, chẳng hạn như sự phục vụ (xem Lc 22:27). Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chọn họ và tiếp tục tin họ. Tại sao? Và tại sao Người cũng gọi cả chúng ta để loan báo Lời Người? Xét cho cùng vì Người muốn chúng ta được hạnh phúc! Đúng vậy, Người muốn chúng ta được hạnh phúc.

Thật vậy, đối với Chúa Giêsu, mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người là hạnh phúc lớn nhất, là sứ mạng của Người, là lương thực của Người (xem Ga 4,34), là ý nghĩa sự hiện diện của Người giữa chúng ta (xem Ga 6,38), là sự đáp lại tình yêu của Người đối với tình yêu của Chúa Cha (xem Ga 15,9-11). Và trong mọi lời nói và hành động mà chúng ta kết hợp với Người, trong cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp trao ban tình yêu, thì ánh sáng và niềm vui được nhân lên (xem Is 9,2): không chỉ ở xung quanh chúng ta mà còn ở trong chúng ta. Và như thế, chúng ta trở nên cách trọn vẹn điều mà vì đó chúng ta được dựng nên: những con người có trái tim rộng mở, tích cực và quảng đại, khôn ngoan và thanh thản, mong muốn yêu thương như Chúa yêu thương và mang lại niềm hy vọng và ơn cứu độ cho mọi người.

Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng không phải là lãng phí thời gian, nhưng là hạnh phúc hơn nhờ làm cho người khác hạnh phúc; là tự do với chính mình nhờ làm cho người khác được tự do; là trở nên tốt hơn nhờ làm cho người khác tốt hơn! Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta đã nhận được lời mời gọi loan báo Tin Mừng, và loan báo trong những hoàn cảnh mà chúng ta đang sống, với khả năng, bạn bè, công việc, tuổi tác, láng giềng của chúng ta.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: thỉnh thoảng tôi có dừng lại để suy nghĩ về niềm vui lớn lên trong tôi và quanh tôi khi tôi đón nhận lời kêu gọi để nhận biết và làm chứng cho Chúa Giêsu không? Và khi tôi cầu nguyện, tôi có tạ ơn Chúa đã kêu gọi tôi mang lại hạnh phúc cho người khác không? Cuối cùng: tôi có ước muốn làm cho ai đó cảm nếm được, qua lời chứng và niềm vui của tôi, rằng yêu mến Chúa Giêsu thật đẹp biết bao không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta thưởng nếm được niềm vui Tin Mừng.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật Lời Chúa ngày 24.01.2021 – Chúa nói về điều gì và Chúa nói với ai?

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu công bố Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy xem Ngài nói về điều gì? và nói với ai?

Nói về điều gì?

Trước hết “nói về điều gì?”. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng thế này: “thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Thiên Chúa đang ở gần, đây là sứ điệp đầu tiên. Nước Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất. Thiên Chúa không ở trên trời xa thẳm, tách biệt với thân phận con người, như chúng ta thường nghĩ, nhưng Người ở với chúng ta. Khi Chúa Giêsu làm người thì thời gian xa cách đã kết thúc. Từ đó, Thiên Chúa hết sức gần và không bao giờ tách rời khỏi bản tính nhân loại của chúng ta, và Người không bao giờ mệt mỏi vì nó. Sự gần gũi này nằm ở phần mở đầu của Tin Mừng, rằng Chúa Giêsu “đã nói” (câu 15): Người không chỉ nói một lần duy nhất, nhưng Người tiếp tục lặp lại nhiều lần. Nếu đây là lời khởi đầu và không ngừng lặp lại trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, thì điều đó cũng phải thường xuyên trong đời sống và lời loan báo của Kitô hữu. Trước mỗi lời nói về Thiên Chúa, thì đã có Lời của Người dành cho chúng ta, rằng: “Đừng sợ, Ta ở cùng con. Ta ở gần con và sẽ gần con”.

Lời Chúa cho phép chúng ta đụng chạm đến sự gần gũi này. Đây là thuốc giải cho sự sợ hãi phải một mình đối diện với cuộc sống. Thật vậy, Thiên Chúa, qua Lời của Người, an ủi chúng ta và ở cùng những ai đơn độc. Khi nói với chúng ta, Người nhắc chúng ta rằng chúng ta ở trong trái tim của Người, chúng ta quý giá trong mắt của Người. Lời của Thiên Chúa thấm đượm sự bình an, nhưng không để chúng ta an vị. Lời Chúa là Lời của an ủi, nhưng cũng là Lời của hoán cải. “Anh em hãy hoán cải”, Chúa Giêsu nói ngay sau khi công bố Nước Thiên Chúa đến gần. Bởi vì với sự gần gũi của Người, thì thời gian xa cách với Thiên Chúa và với người khác kết thúc; và thời gian mỗi người chỉ nghĩ cho riêng mình cũng kết thúc. Sự xa cách không phải là của Kitô hữu, bởi vì ai có kinh nghiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa thì không thể xa cách người bên cạnh, không thể lánh mặt họ trong sự thờ ơ. Theo nghĩa này, ai thân quen với Lời Chúa sẽ nhận được sự đảo lộn lành mạnh về cuộc sống của mình: họ khám phá ra rằng cuộc sống không phải là thời gian để nhìn vào mình từ ánh nhìn của người khác và lo bảo vệ chính mình, nhưng là cơ hội để đi đến gặp gỡ người khác nhân danh Thiên Chúa gần gũi. Như thế Lời Chúa, được gieo nơi mảnh đất trái tim chúng ta, giúp chúng ta gieo hy vọng qua sự gần gũi, như Thiên Chúa làm với chúng ta.

Nói với ai?

Điểm thứ hai là: Chúa Giêsu nói với ai? Trước hết Người nói với những người đánh cá của miền Galilê. Họ là những người đơn sơ, sống bằng hoa trái tay họ ngày đêm chăm chỉ làm việc. Họ không phải là chuyên gia Kinh Thánh, cũng không nổi bật về khoa học và văn hoá. Họ sống trong một khu vực hỗn tạp, với nhiều dân tộc, sắc tộc và tôn giáo: đây là vùng đất xa sự thuần khiết tôn giáo của Giêrusalem nhất, xa trung tâm của đất nước nhất. Nhưng Chúa Giêsu bắt đầu từ đó, không phải từ trung tâm mà là từ ngoại biên. Ngài làm điều đó cũng để nói với chúng ta rằng không ai ở ngoài rìa trái tim Thiên Chúa. Tất cả có thể nhận được Lời Chúa và chính mình gặp Lời Chúa. Có một chi tiết hay trong Tin Mừng rằng, lời loan báo của Chúa Giêsu đến “sau” lời của Gioan. Đây là một cái “sau” mang tính quyết định, đánh dấu sự khác biệt: Gioan chào đón dân chúng trong sa mạc, nơi dành cho những ai có thể rời khỏi nơi họ sống. Ngược lại, Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa nơi con tim của xã hội, với tất cả mọi người, nơi họ đang sống. Ngài cũng không nói vào thời điểm và lịch làm việc cố định: ngài nói khi đi dọc bờ biển, khi những người đánh cá đang chài lưới. Ngài đến với con người tại những nơi và thời điểm thường ngày nhất. Đây là sức mạnh phổ quát của Lời Chúa, đến với tất cả và trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

Nhưng lời cũng có sức mạnh đặc thù, nghĩa là nói với mỗi người theo cách thức trực tiếp và cá vị. Các môn đệ không bao giờ quên những lời đã được nghe trong ngày đó trên bờ hồ, gần chiếc thuyền, với những người thân và đồng nghiệp, những lời này mãi mãi đánh dấu cuộc đời của họ. Đức Giêsu nói với họ: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người.” (v.17).  Đức Giêsu không thu hút họ bằng những bài thuyết giảng cao siêu và không thể đạt được, nhưng nói về cuộc sống của họ: với những người đánh cá thì Ngài nói về lưới người. Nếu Đức Giêsu nói: “hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành các Tông Đồ, các anh sẽ được sai vào thế giới và loan báo Tin Mừng với sức mạnh Thánh Thần, các anh bị giết chết nhưng trở thành các thánh”, thì chúng ta có thể tưởng tượng được Phêrô và Anrê sẽ trả lời thế nào: “Xin cảm ơn, nhưng chúng tôi thích lưới và thuyền của chúng tôi hơn.” Ngược lại, Đức Giêsu kêu gọi họ khởi đi từ cuộc sống của họ. Từ câu nói lưới người như lưới cá, họ sẽ từng bước khám phá rằng cuộc sống bằng nghề đánh cá thì ít ỏi, trong khi ra khơi theo Lời Chúa Giêsu lại là bí ẩn của niềm vui.

Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta: Người tìm chúng ta tại nơi của chúng ta, Người yêu chúng ta như chúng ta là và kiên nhẫn đồng hành từng bước với chúng ta. Giống như với những người đánh cá, Người chờ đợi chúng ta nơi bờ của cuộc sống. Với Lời của Người, Người muốn chúng ta thay đổi lộ trình, để chúng ta không còn lây lất, nhưng ra khơi phía sau Người.

Lời mời gọi mang Kinh Thánh theo mình

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ Lời Chúa. Đó là bức thư tình dành cho chúng ta, được viết từ Người biết chúng ta cách đặc biệt: khi đọc nó, chúng ta nghe lại tiếng Người, nhìn thấy khuôn mặt của Người, và đón nhận Thánh Thần của Người. Lời làm cho chúng ta gần với Thiên Chúa. Hãy mang theo Lời Chúa bên mình, trong túi, trên điện thoại. Hãy dành cho Lời Chúa một vị trí xứng đáng trong ngôi nhà của chúng ta, ở nơi chúng ta dễ nhớ để mở ra hằng ngày, có thể vào đầu ngày hoặc cuối ngày. Như thế, giữa muôn vàn lời nói vào tai chúng ta, cũng có những Lời Chúa đến được con tim chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta cầu xin Chúa sức mạnh để tắt tivi và mở Kinh Thánh; để đóng điện thoại và mở Tin Mừng. Trong năm phụng vụ này, chúng ta đọc Tin Mừng Maccô, đơn giản nhất và ngắn nhất. Tại sao chúng ta lại không một mình đọc nó, từng bước nhỏ hằng ngày? Người sẽ làm cho chúng ta cảm thấy Chúa gần gũi và khơi dậy nơi chúng ta lòng cam đảm trên hành trình cuộc sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật Lời Chúa ngày 24.01.2021 Thời gian đón nhận ơn cứu độ thì ngắn ngủi

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 1,14-20) cho chúng ta thấy việc làm chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu. Gioan là vị tiền hô của Người, đã chuẩn bị đất và chuẩn bị đường cho Chúa Giêsu: bây giờ Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ mạng của mình và loan báo ơn cứu độ, chính Người là ơn cứu độ. Lời rao giảng của Người được tóm tắt trong những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c. 15). Đây là một thông điệp mời gọi chúng ta suy ngẫm về hai chủ đề thiết yếu: thời gian và hoán cải.

Trong bản văn này của thánh sử Marcô, thời gian nên được hiểu là khoảng thời gian của lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện; do đó, thời điểm “hoàn tất” là thời điểm mà hành động cứu độ này đạt đến đỉnh cao, đạt đến sự viên mãn: đó là thời điểm lịch sử mà Thiên Chúa sai Người Con đến thế gian và Nước của Người trở nên “gần” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ơn cứu độ không phải là tự động; ơn cứu độ là một món quà của tình yêu và được ban với tự do con người. Khi nói đến tình yêu thì cũng nói đến tự do: tình yêu không có tự do thì không phải là tình yêu; và điều này cũng đòi hỏi sự đáp lại cách tự do: nó đòi hỏi sự hoán cải của chúng ta. Do đó, điều này liên quan đến việc thay đổi cách nghĩ và thay đổi lối sống: không còn theo lối của thế gian, mà là của Thiên Chúa, là Đức Giêsu.

Đó là một sự thay đổi tận căn về cách nhìn và thái độ. Tội lỗi đã mang lại một lối nghĩ với xu hướng khẳng định mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa, và vì mục đích này, nó không ngần ngại sử dụng sự lừa dối và bạo lực.

Tất cả điều này trái ngược với sứ điệp của Chúa Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta nhận ra mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Người; có một thái độ quân bình đối với của cải trần thế; chào đón và khiêm tốn đối với tất cả mọi người; để biết và nhận ra chính mình trong việc gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi chúng ta, thời gian để có thể đón nhận ơn cứu độ thì ngắn ngủi: đó là thời gian chúng ta sống trên đời này. Tưởng chừng nó dài nhưng thật ngắn ngủi. Sự sống là món quà tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, nhưng cũng là thời gian để kiểm chứng tình yêu của chúng ta dành cho Người. Vì vậy, mỗi giây phút hiện hữu của chúng ta là thời gian quý báu để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và nhờ đó, chúng ta được đi vào đời sống vĩnh cửu.

Câu chuyện cuộc đời chúng ta có hai nhịp: một là có thể đo lường được qua ngày giờ, tháng năm; và một là tạo thành từ các giai đoạn phát triển của chúng ta: sinh ra, thời thơ ấu, thời niên thiếu, trưởng thành, già, chết. Mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng, và có thể là một khoảnh khắc đặc biệt trong sự gặp gỡ với Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của những thời điểm này: mỗi thời điểm đều chứa đựng một lời mời gọi cụ thể từ Chúa, mà chúng ta có thể đáp lời cách tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã đáp lời thế nào: họ là những người trưởng thành, họ làm nghề chài lưới, có cuộc sống gia đình... Vậy mà khi Chúa Giêsu đi ngang qua và gọi họ, “họ liền bỏ lưới lại mà theo Người” (Mc 1,18).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chú ý, đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không nhận ra Người. Thánh Augustino đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua.” Sợ điều gì? Sợ không nhận ra Người, không thấy Người và không đón nhận Người.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút như là thời cứu độ, nơi đó Chúa đi ngang qua và kêu gọi chúng ta theo Người. Và xin giúp chúng ta hoán cải từ lối nghĩ của thế gian sang tình yêu và phục vụ.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Thường niên năm B ngày 25.01.2015 – Chúa Giêsu là sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta sự khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu tại Galilê. Thánh Máccô nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng “sau khi ông Gioan [Tẩy giả] bị bắt” (1:14). Chính vào thời điểm mà tiếng nói tiên tri của Gioan Tẩy Giả, người đã loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, bị vua Hêrôđê làm cho im lặng, thì Chúa Giêsu bắt đầu hành trình trên các nẻo đường quê hương của Ngài để mang đến cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, “Tin mừng về Thiên Chúa” (x. 1:14). Lời rao giảng của Chúa Giêsu cũng giống như lời rao giảng của Gioan, với điểm khác biệt cơ bản là Chúa Giêsu không còn chỉ ra người khác phải đến, nhưng Chúa Giêsu chính là sự thành toàn những lời hứa đó; Chính Người là “Tin mừng” để tin vào, để đón nhận và thông truyền cho mọi người nam nữ ở mọi thời đại để họ cũng có thể phó thác cuộc đời mình cho Ngài. Chính Chúa Giêsu là hiện thân Lời hằng sống và hoạt dộng trong lịch sử: ai lắng nghe Ngài và theo Ngài là bước vào Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng trao ban cho con người Chúa Thánh Thần, nước hằng sống giải khát con tim bất an của chúng ta, khát sự sống, tình yêu, sự tự do, hòa bình: khát Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta cảm thấy hay đã cảm thấy con tim mình khát! Chính Chúa Giêsu đã vén mở cho người đàn bà xứ Samaria biết điều dó khi gặp bà bên bờ giếng Giacóp và nói với bà: “Xin cho tôi uống” (Ga 4,7). Chính các lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà xứ Samaria đã là đề tài của Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô, kết thúc hôm nay. Chiều nay cùng với tín hữu giáo phận Roma và đại diện các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội khác nhau chúng ta sẽ tụ tập nhau trong Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành dể cùng nhau tha thiết cầu xin Chúa để Ngài củng cố nỗ lực của chúng ta cho sự hiệp nhất tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Thật là điều xấu, khi các kitô hữu chia rẽ nhau! Chúa Giêsu muốn chúng ta hiệp nhất: là một thân thể. Các tội lỗi của chúng ta, lịch sử, đã chia rẽ chúng ta, vì thế chúng ta phải cầu nguyện biết bao nhiêu để chính Chúa Thánh Thần tái hiệp nhất chúng ta.

Khi làm người Thiên Chúa đã lấy cái khát của chúng ta làm cái khát của Người, không phải chỉ khát nước vật chất, mà nhất là cái khát của một cuộc sống tràn đầy, tự do khỏi nô lệ sự dữ và cái chết. Đồng thời, với việc nhập thể Thiên Chúa đã đặt để cái khát đó trong trái tim một người là Đức Giêsu thành Nagiarét. Thiên Chúa khao khát chúng ta, khao khát trái tim của chúng ta, tình yêu của chúng ta và đã đặt sự khát khao đó trong trái tim của Chúa Giêsu. Như vậy, trong con tim của Chúa Kitô cái khát của Thiên Chúa và cái khát của con người gặp nhau. Và ước mong hiệp nhất các môn đệ Ngài thuộc cái khát này. Chúng ta thấy nó được diễn tả trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21). Điều Chúa Giêsu muốn là sự hiệp nhất của tất cả. Ma quỷ, chúng ta biết đấy, là cha của các chia rẽ, là một kẻ luôn luôn chia rẽ, luôn luôn gây chiến tranh, làm đau khổ biết bao.

Ước chi cái khát này của Chúa Giêsu cũng luôn luôn trở thành cái khát của chúng ta! Vì thế chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và dấn thấn cho sự hiệp nhất trọn vẹn của các môn đệ Chúa Kitô, trong niềm xác tín rằng chính Chúa ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ chúng ta với sức mạnh của Thần Khí Ngài để cho mục đích đó mau tới gần. Chúng ta hãy phó thác lời cầu này cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, để Mẹ hiệp nhất tất cả như một bà mẹ tốt lành.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va