GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM B - CHÚA NHẬT LỜI CHÚA
WHĐ (17.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện
hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 1427-1433: Hối cải nội tâm và liên tục Số 1886-1889: Sự hối cải và xã hội |
Số 51-64: Kế hoạch Mặc khải của Thiên Chúa
51. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải
chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người
có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần,
và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa”[1].
52. Thiên Chúa, Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16), muốn
truyền thông sự sống thần linh của Ngài cho loài người mà Ngài đã tự ý tạo dựng,
để cho họ được trở nên nghĩa tử trong Con Một của Ngài[2].
Khi tự mạc khải, Thiên Chúa muốn làm cho loài người có khả năng đáp lại Ngài,
nhận biết và yêu mến Ngài vượt quá những gì họ có thể làm được tự sức mình.
53. Kế hoạch của Thiên Chúa về Mạc Khải được thể hiện cùng một lúc
“bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau”[3], và soi sáng cho nhau. Kế hoạch
đó bao hàm “một đường lối sư phạm thần linh” đặc biệt: Thiên Chúa truyền thông
chính mình cho con người một cách tiệm tiến. Ngài chuẩn bị con người qua nhiều
giai đoạn để đón nhận mạc khải siêu nhiên về chính bản thân Ngài. Mạc khải này
sẽ đạt tới tột đỉnh nơi Ngôi Vị và nơi sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể, là Chúa
Giêsu Kitô.
Thánh lrênê thường nói về đường lối
sư phạm này của Thiên Chúa dưới hình ảnh Thiên Chúa và con người dần dần làm
quen với nhau: “Ngôi Lời của Thiên Chúa đã ở giữa loài người và trở thành Con
Người, để làm cho con người quen dần với việc đón nhận Thiên Chúa, và làm cho
Thiên Chúa quen dần với việc ngự trong con người, theo ý muốn của Chúa Cha”[4].
Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa tự mạc khải cho con người
54. “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời,
không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thụ tạo; hơn nữa, vì
muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thuỷ, Ngài đã tỏ mình ra cho
nguyên tổ biết”[5]. Ngài đã mời gọi nguyên tổ của
chúng ta sống hiệp thông thân mật với Ngài, khi ban cho họ ân sủng và đức công
chính rạng ngời.
55. Mạc khải này không bị tội nguyên tổ làm gián đoạn. Quả vậy,
“sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng
tới niềm hy vọng cứu độ. Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống
đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc
lành”[6].
“Và khi con người đã mất tình
nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự
chết.... Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người”[7].
Giao ước với ông Nôê
56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập
tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với
ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[8] nói lên nguyên tắc của Nhiệm
cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại
“theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[9].
57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội
và tôn giáo[10], nhằm hạn chế tính kiêu
căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[11], muốn tự mình gầy dựng sự hợp
nhất theo kiểu xây tháp Babel[12]. Nhưng vì tội lỗi[13], nên thuyết đa thần cũng
như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng
đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.
58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các
dân tộc[14], cho tới khi Tin Mừng được
loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người
công chính”, vua tư tế Melchisêđê[15], ông này là hình bóng của Đức
Kitô[16], hoặc các người công chính
“Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14).
Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ
thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang
khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Thiên Chúa chọn ông Abraham
59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn
ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St
12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc”
(St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[17].
60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên
Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[18],
họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa
trong sự duy nhất của Hội Thánh[19]; dân tộc này sẽ là gốc rễ
mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[20].
61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã
và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng
vụ của Hội Thánh.
Thiên Chúa huấn luyện dân Israel của Ngài
62. Sau thời các Tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Ngài khi
cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Ngài lập Giao ước Sinai với dân và ban Lề Luật của
Ngài cho họ qua ông Môisen, để họ nhận biết và phụng sự Ngài với tư cách là
Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán
chí công, và để họ mong đợi Đấng Cứu Độ mà Ngài đã hứa ban[21].
63. Israel là dân tư tế của Thiên Chúa[22],
được “mang danh Đức Chúa” (Đnl 28,10). Đó là dân của “những người đầu tiên được
nghe lời Chúa phán dạy”[23], dân của “những người làm
anh” trong đức tin của tổ phụ Abraham[24].
64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng
ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[25], Giao ước đó sẽ được ghi khắc
trong các trái tim[26]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu
chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[27], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm
tất cả các dân tộc[28]. Đặc biệt những người nghèo
khó và khiêm nhu của Chúa[29] sẽ ấp ủ niềm hy
vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam,
Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của
Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức
Maria[30].
Số 1427-1433: Hối cải nội tâm và liên tục
1427. Chúa Giêsu kêu gọi hối cải. Lời kêu gọi này là một phần cốt yếu
của việc loan báo Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã
đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong việc rao giảng
của Hội Thánh, lời kêu gọi này trước hết nhằm đến những người chưa biết Đức
Kitô và Tin Mừng của Người. Như vậy, bí tích Rửa Tội là vị trí đầu tiên và căn
bản của việc hối cải. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Rửa Tội[31] mà người ta từ bỏ sự dữ và
đạt được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được hưởng hồng ân
sự sống mới.
1428. Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô vẫn tiếp tục vang vọng trong
đời sống các Kitô hữu. Cuộc hối cải thứ
hai này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng
mình những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện, Hội Thánh
phải không ngừng thống hối và canh tân”[32].
Nỗ lực hối cải này không chỉ là công việc của con người. Việc thống hối là hành
động của một “tâm hồn tan nát”[33] được ân sủng lôi kéo và
thúc đẩy[34], để đáp lại tình yêu thương
xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước[35].
1429. Có thể lấy cuộc hối cải của thánh Phêrô, sau khi chối Thầy
mình ba lần, làm bằng chứng cho điều đó. Cái nhìn của lòng thương xót vô biên của
Chúa Giêsu khiến ông khóc lóc thống hối[36]
và, sau khi Chúa sống lại, ông đã ba lần khẳng định tình yêu của ông đối với
Người[37]. Cuộc hối cải thứ hai cũng
mang chiều kích cộng đoàn. Điều này
được thấy rõ trong lời kêu gọi của Chúa với toàn thể Hội Thánh: “Hãy hối cải!”
(Kh 2,5.16).
Thánh Ambrôsiô
nói về hai cuộc hối cải: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội,
và nước mắt của bí tích Thống Hối”[38].
1430. Cũng như các tiên tri thuở trước, lời kêu gọi hối cải và thống
hối của Chúa Giêsu không nhằm trước tiên đến những việc bên ngoài, “mặc áo vải
thô, rắc tro trên đầu”, giữ chay và khổ chế, nhưng nhằm đến sự hối cải tâm hồn, sự thống hối nội tâm.
Nếu không có sự hối cải nội tâm, các việc thống hối bên ngoài sẽ vô hiệu và dối
trá; ngược lại, sự hối cải nội tâm thúc đẩy diễn tả tâm tình ấy bằng những dấu
chỉ hữu hình, bằng những cử chỉ và những việc làm thống hối[39].
1431. Thống hối nội tâm là định hướng mới cách triệt để cho cả cuộc
đời, là trở về, là trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội lỗi,
quay lưng với sự dữ, và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm. Đồng
thời thống hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với
niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào sự trợ
giúp của ân sủng của Ngài. Cuộc hối cải nội tâm này được kèm theo bằng sự đau
khổ và buồn phiền hữu ích được các Giáo phụ gọi là nỗi thống khổ của tâm hồn, sự cắn rứt của trái tim[40].
1432. Lòng người nặng nề và cứng cỏi. Con người phải được Thiên
Chúa ban cho một trái tim mới[41]. Hối cải trước hết là công
trình của ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng chúng ta trở lại với Ngài:
“Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Chúa, để chúng con trở về” (Ac 5,21). Thiên
Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta bắt đầu lại. Tâm hồn chúng ta, một
khi khám phá ra sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, sẽ bị chấn động vì sự khủng
khiếp và nặng nề của tội lỗi và bắt đầu sợ không dám phạm tội xúc phạm Thiên
Chúa và sợ bị xa lìa Ngài. Lòng người hối cải, khi nhìn lên Đấng đã bị tội lỗi
chúng ta đâm thâu[42].
“Hãy chiêm ngắm
Máu Đức Kitô và nhận biết rằng Máu ấy quý giá biết bao đối với Thiên Chúa là
Cha Người, Máu ấy, khi đổ ra để cứu độ chúng ta, đã mang lại cho toàn thế giới
ơn thống hối”[43].
1433. Khởi từ cuộc Vượt Qua, Chúa Thánh Thần tố cáo thế gian về tội
lỗi, vì thế gian đã không tin vào Đấng[44]
Chúa Cha đã sai đến. Nhưng cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng tố cáo tội lỗi, lại
là Đấng An Ủi[45], Đấng ban cho tâm hồn con
người ân sủng để họ thống hối và hối cải[46].
Số 1886-1889: Sự hối cải và xã hội
1886. Xã hội là cần thiết để ơn gọi nhân linh được thực hiện. Để đạt
tới mục tiêu này, phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị, là “những
gì thuộc vật chất và tự nhiên được đặt ở dưới những gì thuộc nội tâm và tinh thần”[47].
“Vì vậy, xã hội
của con người … trước hết phải được coi như một thực tại đặc biệt liên quan tới
tâm hồn; nhờ xã hội, người ta thông chuyển cho nhau các kiến thức, trong ánh
sáng của chân lý; người ta có thể khẳng định các quyền lợi và chu toàn các bổn
phận; người ta khích lệ nhau tìm kiếm những điều thiện hảo cho tâm hồn; người
ta chia sẻ cho nhau sự thưởng thức mọi vui thú lành mạnh; người ta luôn cố gắng
trao cho người khác những gì tốt đẹp nhất của mình; người ta chăm chú học hỏi để
những phong phú tinh thần của người khác trở thành của mình. Những điều tốt
lành này vừa có ảnh hưởng, vừa hướng dẫn, tất cả những gì liên quan đến các học
thuyết, các vấn đề kinh tế, các tổ chức xã hội, các trào lưu và thể chế chính
trị, pháp chế, và sau cùng, các tổ chức khác, tất cả những gì thiết lập nên và
không ngừng làm phát triển cộng đồng nhân loại từ bên ngoài”[48].
1887. Việc đảo lộn các phương tiện với các mục đích[49] dẫn tới việc coi phương tiện
như mục đích tối hậu, hay xem những cá vị chỉ là những phương tiện để đạt mục
đích, điều này sinh ra những cơ cấu bất công “làm cho cách sống Kitô giáo, phù
hợp với các giới răn của Đấng Làm Luật tối thượng, trở nên khó khăn, hoặc hầu
như là không thể”[50].
1888. Vì vậy, để đạt được những cải tổ xã hội thật sự giúp phục vụ
con người, phải chạy đến với các khả năng tinh thần và luân lý của cá vị, và với
sự đòi hỏi thường xuyên là sự hối cải nội
tâm của cá vị. Việc ưu tiên cho sự hối cải trái tim không hề loại trừ,
nhưng trái lại, còn bắt buộc đem lại những lành mạnh hoá thích hợp cho các cơ
chế và điều kiện sống, khi các cơ chế và điều kiện sống đó đưa đến tội lỗi, để
chúng trở thành phù hợp với các quy tắc của đức công bằng, không chống đối
nhưng củng cố điều thiện hảo[51].
1889. Không có sự trợ giúp của ân sủng, con người không biết “khám
phá ra con đường, thường là nhỏ hẹp, giữa một bên là sự hèn nhát muốn nhượng bộ
điều xấu và một bên là sức mạnh, tự lừa dối mình rằng mình có thể chiến thắng
điều xấu, nhưng thật sự lại làm cho điều xấu nhân rộng thêm”[52]. Con đường đó là con đường
của đức mến, nghĩa là của lòng mến Chúa và yêu người. Đức mến là điều răn mang
tính xã hội cao nhất. Đức mến tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Đức
mến đòi hỏi sự thực thi đức công bằng và chỉ có đức mến mới làm cho chúng ta có
khả năng thực hiện điều đó. Đức mến gợi hứng cho một cuộc đời tự hiến: “Ai tìm
cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo
tồn được mạng sống” (Lc 17,33).
Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10
“Dân thành tin tưởng nơi Chúa:
họ công bố việc ăn chay”.
Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng:
“Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta
sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là
một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày
đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân
thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn
đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt
họ, và Người không thực hiện điều đó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc.
8-9.
Ðáp: Lạy
Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho
con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con
trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.
Ðáp: Lạy
Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì
thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong
đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
Ðáp: Lạy
Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.
3) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng
thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo
lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.
Ðáp: Lạy
Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.
Bài Ðọc II: 1Cr 7, 29-31
“Bộ mặt thế gian này đang qua
đi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi nói cùng anh
em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như
không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan,
hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những
ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này
đang qua đi.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mc 1,15
Alleluia, alleluia! - Nước Chúa
đã gần đến, hãy tin tưởng vào Phúc Âm. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 14-20
“Anh em hãy ăn năn sám hối và
tin vào Phúc Âm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Maccô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu
sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã
mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc
Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang
thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông:
“Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập
tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con
ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông.
Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi
theo Người.
Ðó là lời Chúa.
[4] Thánh Irênê, Adversus haereses 3, 20, 2: SC 211, 392 (PG 7, 944); x. exempli
gratia, Ibid. 3, 17, 1: SC 211, 330
(PG 7, 929); Ibid. 4, 12, 4: SC 100,
518 (PG 7, 1006); Ibid. 4, 21, 3: SC
100, 684 (PG 7, 1046).
[23] Thứ
Sáu Tuần Thánh, Cầu nguyện cho mọi người VI: Sách Lễ Rôma, editio typica
(Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 254.
[24] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội đường Do thái ở Rôma,
(ngày 13/4/1986) 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX 1, 1027.
[40] X. CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c.
4: DS 1676-1678; Id., Sess. 14a, Canones
de Paenitentia, canon 5: DS 1705; Catechismus
Romanus, 2, 5, 4: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 289.
[46] X. Cv 2,36-38; ĐGH Gioan Phalô II, Thông
điệp Dominum et vivificantem, 27-48:
AAS 78 (1986) 837-868.
[52] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông
điệp Centesimus annus, 25: AAS 83
(1991) 823.