CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A
WHĐ (09.09.2023) – Đây là những bài giảng và huấn
dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các
tín hữu vào Chúa nhật 23 Thường niên năm A.
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 23 Thường niên năm A:
Đức Phanxicô: 10.09.2023 – Sửa lỗi là một cách diễn tả của tình yêu 06.09.2020
– 10.09.2017
– 07.09.2014
– |
Chúa nhật 23 Thường niên năm A
Chúa nhật, 10.09.2023
SỬA LỖI LÀ MỘT CÁCH DIỄN TẢ CỦA TÌNH YÊU
Trưa Chúa Nhật ngày 10.09, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu hiện diện tại quãng trường thánh Phêrô. Ngài đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên năm A. Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay Tin Mừng nói với chúng ta về việc sửa lỗi huynh đệ (x. Mt 18:15-20), đó là một trong những cách diễn tả cao nhất của tình yêu và cũng là cách diễn đạt đòi hỏi khắt khe nhất. Khi một người anh em trong đức tin phạm lỗi với anh chị em, hãy giúp đỡ người ấy bằng cách giúp đỡ họ, sửa lỗi cho họ mà không chút thù hận.
Tuy nhiên, thật không may, điều đầu tiên thường được tạo ra xung quanh những người phạm sai lầm là tin đồn thổi, trong đó mọi người đều phát hiện ra lỗi lầm đó, với rất nhiều chi tiết, ngoại trừ đương sự! Điều này không đúng, thưa anh chị em, và không làm hài lòng Chúa, tôi không bao giờ mệt mỏi nhắc lại rằng lời đàm tiếu là một tai họa đối với cuộc sống của con người và cộng đồng, bởi vì nó gây chia rẽ, đau khổ và tai tiếng, và không bao giờ giúp cải thiện lẫn phát triển. Một bậc thầy thiêng liêng vĩ đại, Thánh Bernard thành Clairvaux, đã nói rằng sự tò mò vô ích và những lời nói hời hợt là những bậc đầu tiên trên chiếc thang kiêu ngạo, không dẫn lên trên mà đi xuống, đẩy con người đến chỗ diệt vong và hủy hoại.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu dạy chúng ta cư xử khác đi. Hôm nay Ngài nói thế này: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (c. 15). Hãy nói chuyện với người phạm lỗi cách riêng về điều ấy, thật thẳng thắn, để giúp anh ấy hiểu mình đang sai ở đâu. Hãy làm điều đó vì lợi ích của người anh em, vượt qua sự xấu hổ và tìm thấy lòng can đảm thực sự, đó là không nói xấu mà là nói những điều thẳng thắn với anh ấy với sự hiền lành và tử tế.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi, nếu điều đó vẫn chưa đủ thì sao? Lỡ như người ấy không hiểu thì sao? Sau đó, anh chị em cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng hãy cẩn thận: không phải đi tìm người trong một nhóm bù khú! Chúa Giêsu nói: “Hãy đem theo một hoặc hai người” (c. 16), nghĩa là những người thực sự muốn giúp đỡ người anh chị em đã phạm lỗi.
Lỡ như anh ấy vẫn không hiểu thì sao? Vì vậy, Chúa Giêsu nói, hãy đưa cộng đoàn vào. Nhưng ngay cả ở đây chúng ta cũng cần làm rõ: điều đó không có nghĩa là dồn người ấy vào chân tường, công khai hạ nhục họ, mà là chung sức cùng mọi người để giúp họ thay đổi. Chỉ trích là không tốt, thực tế nó thường khiến người mắc lỗi khó nhận ra lỗi của mình hơn. Đúng hơn, cộng đoàn phải làm cho họ cảm thấy rằng, trong khi lên án lỗi lầm, họ gần gũi trong lời cầu nguyện và tình cảm, luôn sẵn sàng tha thứ và bắt đầu lại.
Và vì thế chúng ta tự hỏi: tôi cư xử thế nào với những người phạm lỗi với tôi? Tôi có giữ nó trong lòng và tích lũy sự oán giận không? Tôi có lấy đó làm lý do để nói xấu sau lưng mình không? Hay tôi thử nói chuyện với người ấy? Tôi có cầu nguyện cho người ấy, hay xin sự trợ giúp của người khác để cứu vãn người ấy không? Và cộng đoàn của chúng ta có quan tâm đến những người vấp ngã để họ có thể đứng dậy và bắt đầu một cuộc sống mới không? Cộng đoàn giơ ngón tay chỉ trích hay mở rộng vòng tay? Anh chị em hãy nghĩ thử xem.
Lạy Mẹ Maria, Đấng vẫn tiếp tục yêu thương dù đau đớn nghe người ta lên án Con mình, xin hãy giúp chúng con luôn tìm kiếm con đường thiện.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Chúa nhật 23 Thường niên năm A
Chúa nhật, 06.09.2020
SỬA LỖI ANH CHỊ EM TRONG TÌNH YÊU MẾN
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa nhật hôm
nay (Mt 18,15-20) trích từ bài giảng thứ tư của Đức Giê-su trong Tin Mừng Matthêu,
trình thuật được biết dưới tên gọi “Bài giảng về Giáo Hội” hay “Giáo huấn cộng
đoàn”. Trình thuật này nói đến việc sửa lỗi anh em, và mời gọi
chúng ta suy niệm về chiều kích kép của sự hiện hữu Ki-tô giáo: chiều kích cộng
đoàn, hệ ở việc duy trì sự hiệp thông, tức là sự hiệp nhất của Giáo
hội, và chiều kích cá nhân, hệ ở việc quan tâm và tôn trọng mọi phán
quyết cá nhân.
Để sửa lỗi người anh
em lầm lạc, Đức Giê-su gợi ý một lối sư phạm phục hồi. Lối sư phạm của Chúa
Giêsu luôn là lối sư phạm phục hồi. Lối sư phạm phục hồi này ngang qua ba giai
đoạn. Giai đoạn thứ nhất nói rằng: “anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó
mà thôi” (c. 15), điều này có nghĩa là không bêu tội người ấy ra giữa công
chúng. Sửa lỗi là đến với người anh em với sự dè dặt, không phải để phán xét
nhưng để giúp người ấy nhận ra những gì mình đã làm. Bao nhiêu lần chúng ta đã
có kinh nghiệm này: một ai đó đến nói với chúng ta: “Nghe này, trong việc này,
bạn đã sai. Bạn phải thay đổi một chút”. Có lẽ lúc đầu chúng ta bực mình, nhưng
rồi chúng ta cảm ơn, bởi vì đây là cử chỉ của tình huynh đệ, của sự hiệp thông,
của sự giúp đỡ và cứu vớt.
Không dễ để thực hành
lời dạy này của Đức Giê-su vì nhiều lý do. Có thể vì sợ người anh em, chị em sẽ
phản ứng cách tiêu cực; đôi khi thiếu đi sự tin tưởng cần thiết với người anh
chị em đó... và còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng tất cả những lần chúng ta đã thực
hiện, thì chúng ta cảm nhận đấy chính là con đường của Chúa.
Tuy vậy, có thể xảy ra
là, cho dù tôi có ý tốt, giai đoạn thứ nhất vẫn bị thất bại. Trong trường hợp
này, tốt nhất là đừng nên bỏ cuộc và nói: “Tôi từ bỏ, tôi rửa tay luôn”. Không,
lối này không phải của Kitô hữu. Đừng bỏ cuộc, điều quan trọng là không nên bỏ
cuộc nhưng tìm đến sự hỗ trợ của vài anh chị em khác. Đức Giê-su nói: “Còn nếu
nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được
giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (c. 16). Đây là một trong những
điều luật của ông Mô-sê (x. Đnl 19, 15). Điều này có vẻ như đang chống lại bị
cáo, nhưng thực ra là để bảo vệ người đó khỏi những người vu khống. Nhưng ở
đây, Đức Giê-su còn đi xa hơn ở chỗ, những nhân chứng được yêu cầu không phải để
kết án mà để trợ giúp. “Chúng ta đồng ý với nhau, tôi với anh đi nói chuyện với
nhau về điều này, về điều đang sai. Nhưng chúng ta nói chuyện như những người
anh em”. Đây là thái độ phục hồi mà Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta. Tiếp đến, Đức
Giê-su đặt tình huống là giai đoạn này cũng không đem lại kết quả với các nhân
chứng, điều khác với luật Mô-sê là, để làm chứng chỉ cần hai hay ba chứng nhân
là đủ kết án.
Trong thực tế, ngay cả
lòng bác ái của hai hay ba người anh em vẫn chưa đủ, do người này cứng đầu.
Trong trường hợp này, Đức Giê-su nói tiếp: “hãy đi thưa cộng đoàn” (c. 17),
nghĩa là Hội Thánh. Trong một số trường hợp, tất cả cộng đoàn đều tham gia. Có
những điều mà anh chị em trong cộng đoàn không thể làm ngơ, đó là khi cần một
tình yêu lớn để được lại người anh em mình. Tuy vậy, đôi khi cả điều này cũng
không đủ. Và do đó, Đức Giê-su nói: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì
hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế (c. 17). Câu nói này, thoạt
nghe thì có vẻ như một thái độ ruồng bỏ, nhưng thực ra, đó là lời mời gọi chúng
ta phó mặc người anh em trong tay Chúa. Chỉ có Cha trên trời mới có thể
bày tỏ một tình yêu lớn hơn tất cả những gì chúng ta hợp lại.
Giáo huấn này của Chúa
Giê-su giúp chúng ta rất nhiều, bởi vì - hãy nghĩ về một ví dụ - khi chúng ta
nhìn thấy một sai lầm, một khuyết điểm, một sơ xuất ở anh chị em, thường thì việc
đầu tiên chúng ta làm là đi nói với người khác về điều đó, ngồi lê đôi mách. Và
câu chuyện ngồi lê đóng cửa trái tim cộng đoàn, ngăn cản sự hiệp nhất Giáo hội.
Kẻ ngồi lê đôi mách là ma quỷ, kẻ luôn đi nói những điều xấu của người khác, vì
họ là kẻ nói dối, cố gắng làm mất sự hiệp nhất Giáo hội, xa lánh anh em mình và
không tạo nên cộng đoàn. Xin anh chị em, chúng ta cố gắng không ngồi lê đôi
mách. Ngồi lê đôi mách là một bệnh dịch còn tồi tệ hơn cả Covid! Hãy cố gắng:
không ngồi lê đôi mách.
Đó là tình yêu của Đức
Giê-su khi Ngài tiếp đón người thu thuế và dân ngoại, điều ấy từng khiến dân
chúng sửng sốt kinh ngạc. Đây không phải là sự kết án mà không có báo trước,
nhưng là để nhận thấy rằng đôi khi nỗ lực của chúng ta không đem lại kết quả
gì, và rằng chỉ khi đến với Chúa mới làm cho người anh em đối diện với chính
lương tâm của mình và với trách nhiệm về những hành động đã làm. Nếu điều gì đó
chưa được, thì hãy im lặng và cầu nguyện cho người anh chị em có lỗi, nhưng đừng
bao giờ ngồi lê đôi mách.
Xin Mẹ Maria Đồng
Trinh giúp chúng ta biết làm cho việc sửa lỗi anh em trở nên một thói quen tốt
lành hầu trong cộng đoàn chúng ta luôn có những tương quan huynh đệ, được đặt nền
trên sự tha thứ lẫn nhau và nhất là trên sức mạnh tuyệt đối của lòng thương xót
Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Chúa nhật 23 Thường niên năm A
Ngày 10.09.2017
HÃY ĐI BƯỚC TRƯỚC
Trong chuyến tông du Colombia, vào chiều Chúa nhật
10.09.2017, tại thánh lễ Chúa nhật 23 Thường niên năm A trước 500 ngàn tín hữu
tại Cartagena, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dân Colombia “hãy đi bước
trước”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình. Thánh lễ
có chủ đề là “Phẩm giá và các quyền con người”. Sau đây là toàn văn bài giảng của
Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến,
Chính tại thành phố này, nơi được mệnh danh là
“anh hùng” vì sự kiên trì bảo vệ tự do cách đây hai trăm năm, mà tôi cử hành
Thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của tôi. Trong ba mươi hai năm qua,
Cartagena de Indias cũng là trụ sở Nhân quyền ở Colombia. Vì ở đây người dân
trân trọng sự thật rằng, “nhờ nhóm truyền giáo được thành lập bởi các linh mục
Dòng Tên Peter Claver y Corberó, Alonso de Sandoval và Thầy Nicolás González,
cùng với nhiều công dân của thành phố Cartagena de Indias vào thế kỷ XVII, mà
đã nảy sinh ước muốn để xoa dịu tình trạng của những người bị áp bức thời bấy
giờ, đặc biệt là những người nô lệ, những người cầu xin sự đối xử công bằng và
tự do” (Quốc hội Colombia 1985, luật 95, điều 1).
Và cũng chính tại đây, tại Thánh địa Thánh Peter
Claver, nơi sự tiến bộ và việc áp dụng nhân quyền ở Colombia tiếp tục được
nghiên cứu và theo dõi một cách có hệ thống, mà Lời Chúa hôm nay nói với chúng
ta về sự tha thứ, việc sửa lỗi, tính cộng đoàn và việc cầu nguyện.
Trong bài giảng thứ tư của Tin Mừng Thánh
Matthêu, Chúa Giêsu nói với chúng ta là những người đã quyết định hỗ trợ cộng đồng,
những người cùng nhau coi trọng cuộc sống và mơ về một dự án bao gồm tất cả mọi
người. Đoạn văn trước đoạn Tin mừng hôm nay nói về người mục tử nhân lành bỏ
chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc. Sự thật này thấm sâu vào
toàn bộ bản văn chúng ta vừa nghe: không có ai quá lạc lối đến mức không xứng
đáng để được chúng ta chăm sóc, gần gũi và tha thứ. Từ góc độ này, chúng ta có
thể thấy rằng một lỗi lầm hoặc một tội lỗi bị phạm bởi một người thì gây thách
thức cho tất cả chúng ta, nhưng chủ yếu là liên quan đến nạn nhân do tội lỗi của
ai đó gây ra. Anh ta hoặc cô ta được kêu gọi chủ động đi bước trước để bất cứ
ai gây ra thiệt hại không bị lạc. Chủ động đi bước trước: người chủ động đi bước
trước luôn là người can đảm nhất.
Trong những ngày nay tôi nghe bao nhiêu chứng từ
của những người đã đi gặp những kẻ đã gây ra đau khổ tai ương cho họ. Những vết
thương kinh khủng mà tôi đã có thể nhìn thấy nơi chính thân thể của họ; những mất
mát không thể chữa lành vẫn còn làm cho họ khóc lóc, nhưng những người ấy đã
đi, đã thực hiện bước đầu trên con đường khác với những con đường đã đi qua. Vì
từ mấy thập niên rồi Colombia đang tìm kiếm hòa bình, và như Chúa Giêsu dạy, -
nếu hai bên chỉ đến gần nhau, đối thoại mà thôi thì vẫn không đủ, còn cần có sự
can dự của nhiều tác nhân khác trong tiến trình đối thoại chữa lành các tội lỗi
nữa. “Nếu họ không nghe, thì hãy dẫn một hai người nữa đi với con” (Mt 18,16),
như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm.
Chúng ta đã học biết rằng những con đường hòa bình,
dành ưu tiên cho lý trí trên sự trả thù, đặt sự hòa hợp tế nhị giữa chính trị
và luật pháp, không thể loại bỏ những hoạt động của dân chúng. Đề ra những
khuôn khổ qui tắc và hiệp định giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện chí,
thì vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu tìm ra giải pháp cho sự ác trong cuộc gặp gỡ đích
thân giữa các phe với nhau. Ngoài ra, một điều luôn luôn hữu ích, đó là đưa vào
trong các tiến trình hòa bình kinh nghiệm của các tầng lớp dân chúng. Những
kinh nghiệm này, trong nhiều trường hợp, đã không được để ý tới; cần làm sao để
chính các cộng đoàn mang lại những sắc thái cho các hoạt động tập thể tưởng nhớ
những gì đã xảy ra. Tác nhân chính, chủ thể lịch sử của tiến trình này là dân
chúng và văn hóa của họ, chứ không phải một giai cấp, một phe phái, một nhóm hoặc
một lực lượng ưu tú. Chúng ta không cần một dự phóng của một nhóm ít người nhắm
tới một thiểu số, hoặc một nhóm ít người thông thạo chiếm hữu tâm tình của tập
thể. Đây là một thỏa thuận để sống chung, một khế ước xã hội và văn hóa” (x. Evangelii
Gaudium. 239)
Chúng ta có thể đóng góp nhiều cho bước đường mới
mà Colombia muốn thực hiện. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường tái hội nhập
vào cộng đoàn nhờ một cuộc đối thoại hai người. Không gì có thể thay thế cuộc gặp
gỡ chữa lành như thế; không có tiến trình tập thể nào chuẩn chước cho chúng ta
thách đố gặp gỡ nhau, giải thích cho nhau, tha thứ. Những vết thương sâu đậm của
lịch sử nhất thiết đòi những thẩm quyền qua đó người ta thi hành công lý, trong
đó các nạn nhân có thể nhận ra chân lý, thiệt hại được đền bù thích đáng, và
hành động minh bạch để tránh tái diễn những tội ác đã xảy ra. Nhưng tất cả những
điều đó mới chỉ để cho chúng ta ở ngưỡng cửa những đòi hỏi của Kitô giáo mà
thôi. Chúng ta còn được yêu cầu tạo nên một sự thay đổi từ hạ tầng: đối lại với
văn hóa chết chóc, bạo lực, chúng ta đáp lại bằng văn hóa sự sống, văn hóa gặp
gỡ. Chúng ta đã học được điều này từ tác giả yêu quý của chính bạn, người mà tất
cả chúng ta đều được hưởng lợi: “Thảm họa văn hóa này không được khắc phục bằng
chì hay bạc, mà bằng một nền giáo dục vì hòa bình, được xây dựng một cách yêu
thương trên đống đổ nát của một đất nước giận dữ, nơi mà chúng ta dậy sớm để tiếp
tục giết hại lẫn nhau... một cuộc cách mạng hòa bình hợp pháp, đó là con kênh dẫn
tới sự sống, dẫn tới một nguồn năng lượng sáng tạo to lớn mà trong gần hai thế
kỷ chúng ta đã sử dụng để hủy diệt chúng ta và điều đó minh chứng và đề cao ưu
thế của quan niệm” (Gabriel García Márquez, Thông điệp về Hòa bình, 1998).
Chúng ta đã hành động thế nào để bênh vực việc gặp
gỡ, hòa bình? Chúng ta đã thiếu bỏ sót những gì, khiến cho những hành vi man rợ
xảy ra trong đời sống của dân chúng ta? Chúa Giêsu truyền chúng ta phải đối chiếu
những cách cư xử, những lối sống gây thiệt hại cho xã hội, phá hủy cộng đoàn.
Bao nhiều lần xảy ra những bạo lực, sự loại trừ khỏi xã hội được bình thường
hóa, mà chúng ta không lên tiếng, không giơ tay lên tố giác theo tinh thần ngôn
sứ. Bên cạnh thánh Phêrô Claver, có hàng ngàn Kitô hữu thời ấy, nhưng chỉ có một
nhóm rất ít người bắt đầu một nền văn hóa gặp gỡ đi ngược lại. Thánh Phêrô
Claver đã biết tái lập phẩm giá và hy vọng cho hàng trăm ngàn người da đen và
người nô lệ, họ bị đưa đến đây trong tình trạng vô nhân đạo hoàn toàn, đầy kinh
hoàng, mất mát mọi hy vọng. Thánh nhân không có bằng cấp nổi tiếng, thậm chí
còn bị coi là người “tài cán tầm thường”, nhưng ngài có một thiên tài sống trọn
vẹn Tin Mừng, gặp gỡ những người bị người khác coi là đồ bỏ. Nhiều thế kỷ sau
đó, ảnh hưởng của vị thừa sai và tông đồ này của Dòng Tên đã được thánh nữ
Maria Bernarda Buetler noi theo, thánh nữ đã hiến cuộc đời, tận tụy phục vụ những
người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề tại chính thành phố Cartagena này. [Thánh
nữ cũng có sự khôn ngoan bác ái và biết cách tìm thấy Thiên Chúa nơi người lân
cận; thánh nữ cũng không bị tê liệt bởi sự bất công và thử thách, bởi vì “khi
xảy ra xung đột, một số người chỉ biết nhìn rồi bỏ đi như thể chẳng có gì xảy
ra; họ phủi tay rồi tiếp tục cuộc sống của mình. Những người khác thì bám chặt
lấy nó khiến họ trở thành tù nhân của nó; họ bị mất phương hướng, phóng chiếu sự
hoang mang và bất mãn của họ vào các tổ chức và vì thế làm cho không thể nào có
được sự hiệp nhất. Nhưng cũng có một cách thứ ba, và đây là cách tốt nhất để xử
lý xung đột. Đó là sẵn sàng trực diện với xung đột, giải quyết nó và làm nó trở
thành mắt xích trong sợi dây của một qui trình mới”. (Evangelii Gaudium, số
227)]
Trong cuộc gặp gỡ giữa chúng ta, chúng ta khám
phá lại các quyền của mình và chúng ta tái tạo cuộc sống của mình để chúng tái
hiện như một con người đích thực. “Ngôi nhà chung của mọi người nam nữ phải tiếp
tục phát triển trên nền tảng của sự hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ phổ
quát và tôn trọng sự thiêng liêng của mỗi sự sống con người, của mọi người nam
nữ, người nghèo, người già, trẻ em, người đau yếu… , những đứa trẻ chưa sinh
ra, những người thất nghiệp, những người bị bỏ rơi, những người bị coi là đồ
dùng một lần vì họ chỉ được coi là một phần của số liệu thống kê. Ngôi nhà
chung này của tất cả mọi người nam nữ cũng phải được xây dựng trên sự hiểu biết
về một sự thiêng liêng nào đó của thiên nhiên được tạo dựng” (Diễn văn tại Liên Hợp Quốc,
ngày 25 tháng 9 năm 2015).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy
khả năng người khác có thể vẫn khép kín, không chịu thay đổi, khăng khăng làm
điều ác. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người vẫn tiếp tục phạm tội
làm tổn hại đến cơ cấu sống chung và cộng đồng của chúng ta: “Tôi cũng nghĩ đến
thảm kịch đau lòng về lạm dụng ma túy, thu lợi nhuận bằng việc coi thường luật
luân lý và luật dân sự. Sự ác này trực tiếp đi ngược lại phẩm giá con người và
dần dần xé nát hình ảnh mà Đấng Tạo Hóa đã hình thành trong chúng ta. Tôi kiên
quyết lên án việc buôn bán này, một việc đã giết chết rất nhiều người và được
nuôi dưỡng bởi những người có tâm hồn chai cứng. Cuộc sống của anh chị em chúng
ta không thể bị đùa giỡn, cũng không thể coi phẩm giá của họ là công cụ. Tôi
kêu gọi tìm ra những cách thức để ngăn chặn việc buôn bán ma túy vốn chỉ gieo rắc
cái chết khắp nơi, tiêu diệt biết bao hy vọng và phá hủy biết bao gia đình. Tôi
cũng nghĩ đến một thảm kịch khác: tôi nghĩ đến sự tàn phá tài nguyên thiên
nhiên và tình trạng ô nhiễm đang diễn ra, cũng như thảm kịch bóc lột sức lao động.
Tôi cũng nghĩ đến việc trao đổi tiền bất hợp pháp và đầu cơ tài chính, những việc
thường tỏ ra vừa có tính chất săn mồi vừa có hại cho toàn bộ hệ thống kinh tế
và xã hội, đẩy hàng triệu người nam nữ vào tình trạng nghèo đói. Tôi nghĩ đến nạn
mại dâm, nạn mại dâm hàng ngày cướp đi những nạn nhân vô tội, đặc biệt là giới
trẻ, cướp đi tương lai của họ. Tôi nghĩ đến sự ghê tởm của nạn buôn người, tội
ác và lạm dụng đối với trẻ vị thành niên, nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ vẫn
còn hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới; thảm kịch thường bị bỏ qua đối với những
người di cư, những người thường là nạn nhân của sự thao túng đáng hổ thẹn và bất
hợp pháp” (Sứ
điệp Ngày Hòa bình Thế giới, 2014, 8), và tôi cũng nghĩ đến mong muốn kiếm lợi
từ “tính hợp pháp vô trùng” theo chủ nghĩa hòa bình vốn coi thường thân xác của
anh chị em chúng ta, thân xác của Chúa Kitô. Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho điều
này, và phải đặt nền tảng vững chắc trên những nguyên tắc công lý không hề làm
suy giảm lòng bác ái. Chỉ có thể sống hoà bình bằng cách tránh những hành động
làm băng hoại, tổn hại đến cuộc sống. Trong bối cảnh này, chúng ta nhớ đến tất
cả những người đã dũng cảm và không mệt mỏi, đã làm việc và thậm chí đã mất mạng
để bảo vệ các quyền lợi và phẩm giá của con người. Lịch sử yêu cầu chúng ta thực
hiện một cam kết dứt khoát để bảo vệ nhân quyền tại đây, tại Cartagena de
Indias, nơi mà các bạn đã chọn làm trung tâm bảo vệ quốc gia của họ.
Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cùng nhau
cầu nguyện, để lời cầu nguyện của chúng ta, ngay cả với những sắc thái riêng tư
và những mức độ khác nhau, trở thành một bản giao hưởng và phát sinh như một tiếng
kêu duy nhất. Tôi tin chắc rằng hôm nay chúng ta cùng nhau cầu nguyện để giải cứu
những người đã sai trái chứ không phải để hủy diệt họ, cầu nguyện vì công lý chứ
không phải để trả thù, cầu nguyện để được chữa lành trong sự thật chứ không phải
để bị lãng quên. Chúng ta cầu nguyện để hoàn thành chủ đề của chuyến viếng thăm
này: “Chúng ta hãy thực hiện bước đầu tiên!” Và mong rằng bước đầu tiên này sẽ
đi theo một hướng chung.
“Đi bước đầu tiên” trước hết là đi ra ngoài và gặp
gỡ người khác với Chúa Kitô. Và Người luôn yêu cầu chúng ta thực hiện một bước
đi cương quyết và chắc chắn đối với anh chị em mình, đồng thời từ bỏ đòi hỏi để
bản thân được tha thứ mà chính mình lại không thể hiện sự tha thứ, bản thân được
yêu thương mà chính mình không thể hiện tình yêu. Nếu Colombia muốn có một nền
hòa bình ổn định và lâu dài, thì nước này phải khẩn trương thực hiện một bước
theo hướng này, đó là hướng tới lợi ích chung, công bằng, công lý, tôn trọng bản
chất con người và những đòi hỏi của nó. Chỉ khi chúng ta giúp tháo gỡ những nút
thắt của bạo lực, chúng ta mới tháo gỡ được những bất đồng phức tạp. Chúng ta
được yêu cầu thực hiện bước đi gặp gỡ anh chị em của mình và mạo hiểm thực hiện
một sự sửa sai với ý định không loại trừ, nhưng là hội nhập. Và chúng ta được
yêu cầu phải kiên trì với lòng bác ái trong điều không thể thương lượng được.
Tóm lại, nhu cầu là xây dựng hòa bình, “không nói bằng lưỡi mà bằng đôi tay và
việc làm” (Thánh Phêrô Claver), và cùng nhau ngước mắt lên trời. Chúa có thể gỡ
rối những điều dường như không thể đối với chúng ta; Người đã hứa sẽ đồng hành
cùng chúng ta cho đến tận thế và sẽ không để cho những nỗ lực của chúng ta trở
nên vô ích.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Chúa nhật 23 Thường niên năm A
Chúa nhật, 07.09.2014
SỬA LỖI CHO NHAU LÀ MỘT SỰ PHỤC VỤ
Anh chị em thân mến,
Phúc Âm Chúa nhật hôm
nay giới thiệu đề tài sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu: nghĩa là tôi phải
sửa lỗi một kitô hữu khác như thế nào, khi anh ta làm một điều không tốt. Chúa
Giêsu dậy chúng ta rằng nếu người anh em kitô của tôi phạm một lỗi chống lại
tôi, xúc phạm đến tôi, tôi phải dùng lòng bác ái đối với người đó, và trước hết
nói chuyện với họ một cách cá nhân, bằng cách giải thích cho họ rằng điều họ đã
nói hay đã làm không tốt. Và nếu người anh em đó không nghe tôi thì sao? Chúa
Giêsu gợi ý một sự can thiệp tiệm tiến: trước hết trở lại nói chuyện với họ với
hai hay ba người, để họ ý thức hơn về lỗi lầm họ đã làm. Nếu mặc dù thế họ
không đón nhận lời khích lệ, thì phải nói với cộng đoàn; nếu người ấy cũng
không nghe cả cộng đoàn nữa, thì phải làm cho họ nhận thức được sự bẻ gãy và xa
cách, mà chính họ đã gây ra, khiến cho sự hiệp thông với các anh em khác trong
đức tin bị giảm thiểu đi.
Các chặng của lộ trình
này cho thấy Chúa xin cộng đoàn của Người đồng hành với kẻ lầm lỗi để họ đừng
hư mất. Trước hết cần phải tránh sự ồn ào của tin tức và sự bép xép của cộng
đoàn - đó là điều đầu tiên phải tránh – “Hãy đi và sửa lỗi người anh em, con với
nó mà thôi” (c. 15). Thái độ là sự tế nhị, cẩn trọng, khiêm tốn, chú ý đối với
người đã phạm một lỗi, bằng cách tránh các lời nói có thể gây thương tích và giết
chết người anh em. Bởi vì anh chị em biết, các lời nói có thể giết người! Khi
tôi nói xấu nói hành, khi tôi có một lời chỉ trích bất công, khi tôi “lột da” một
người anh em với cái lưỡi của tôi, đó là giết chết danh dự của người khác.
Chúng ta phải để ý tới điều này. Đồng thời sư kín đáo nói chuyện với người đó một
mình không có mục đích làm nhục người có tội một cách vô ích. Nói chuyện giữa
hai người, không ai nhận thấy và tất cả kết thúc. Chính dưới ánh sáng của đòi
buộc này mà chúng ta cũng hiểu được các loạt can thiệp tiếp theo, dự kiến sự
tham dự của vài chứng nhân, và rồi cả cộng đoàn nữa. Mục đích là giúp người anh
em ý thức được điều họ đã làm, và với lỗi lầm của họ, họ đã không chỉ xúc phạm
tới một người khác, mà xúc phạm tới tất cả mọi người. Nhưng cũng là để giúp
chúng ta giải thoát mình khỏi sự giận dữ hay oán hận, chỉ gây đau đớn; nỗi cay
đắng của con tim đem lại sự giận dữ và đau xót, và khiến cho chúng ta chửi rủa
và gây hấn. Thật rất xấu, thấy ra khỏi miệng một kitô hữu một lời chửi rủa hay
một gây hấn. Thật là xấu! Hiểu chưa? Không có chửi rủa nhé! Chửi rủa không phải
là kitô. Anh chị em có hiểu chưa?
Thật ra, trước mặt
Thiên Chúa chúng ta tất cả là những người tội lỗi cần được tha thứ. Tất cả. Thật
vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán. Việc sửa lỗi huynh đệ là một khía cạnh
của tình yêu thương và sự hiệp thông, phải ngự trị trong cộng đoàn kitô; nó là
một phục vụ mà chúng ta có thể và phải làm cho nhau. Sửa lỗi người anh em là một
phục vụ, và nó chỉ có thể và hữu hiệu, nếu mỗi người thừa nhận mình là kẻ có tội,
cần được ơn tha thứ của Chúa. Cùng ý thức đó giúp tôi nhận biết sai lầm của người
khác, nhưng trước đó nữa nó nhắc cho tôi biết rằng tôi đã sai lầm, và sai lầm
biết bao nhiêu lần.
Chính vì thế vào đầu mỗi Thánh Lễ chúng ta được mời gọi thừa nhận trước mặt Chúa chúng ta là kẻ có tội, bằng cách diễn tả ra bằng các lời nói và các cử chỉ sự thống hối chân thành của con tim. Và chúng ta nói: “Xin thương xót con, lạy Chúa. Con là kẻ có tội! Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, con xưng thú các tội lỗi của con”. Chứ chúng ta không nói: “Lạy Chúa xin thương xót cái ông bên cạnh con đây, hay cái bà kia, là những kẻ tội lỗi”. Không. “Xin thương xót con!” Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi và cần sự tha thứ của Chúa. Chính Chúa Thánh Thần nói với thần trí chúng ta, và làm cho chúng ta nhận biết các lỗi lầm của chúng ta dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và cũng chính Chúa Giêsu mới gọi chúng ta tất cả, thánh thiện và tội lỗi, đếm bàn tiệc của Ngài, bằng cách quy tụ chúng ta từ mọi ngã tư đường, từ các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống (x. Mt 22,9-10). Và trong số các điều kiện chung cho các người tham dự buổi cử hành thánh thể, có hai điều nền tảng, hai điều kiện để đi tham dự Thánh Lễ: chúng ta tất cả là người tội lỗi, và Thiên Chúa ban lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người. Đó là hai điều kiện mở toang cửa cho chung ta vào dự Thánh Lễ cách tốt đẹp. Chúng ta phải luôn nhớ điều ấy trước khi đi sửa lỗi người anh em. Chúng ta hãy xin tất cả những điều này qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, mà ngày mai chúng ta mừng sinh nhật của Mẹ.
Nguồn: archivioradiovaticana.va