Chúa nhật 23 Thường niên năm A
Ngày 10.09.2017
HÃY ĐI BƯỚC TRƯỚC
G. Trần Đức Anh OP
Trong chuyến tông du Colombia, vào chiều Chúa nhật
10.09.2017, tại thánh lễ Chúa nhật 23 Thường niên năm A trước 500 ngàn tín hữu
tại Cartagena, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dân Colombia “hãy đi bước
trước”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình. Thánh lễ
có chủ đề là “Phẩm giá và các quyền con người”. Sau đây là toàn văn bài giảng của
Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến,
Chính tại thành phố này, nơi được mệnh danh là
“anh hùng” vì sự kiên trì bảo vệ tự do cách đây hai trăm năm, mà tôi cử hành
Thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của tôi. Trong ba mươi hai năm qua,
Cartagena de Indias cũng là trụ sở Nhân quyền ở Colombia. Vì ở đây người dân
trân trọng sự thật rằng, “nhờ nhóm truyền giáo được thành lập bởi các linh mục
Dòng Tên Peter Claver y Corberó, Alonso de Sandoval và Thầy Nicolás González,
cùng với nhiều công dân của thành phố Cartagena de Indias vào thế kỷ XVII, mà
đã nảy sinh ước muốn để xoa dịu tình trạng của những người bị áp bức thời bấy
giờ, đặc biệt là những người nô lệ, những người cầu xin sự đối xử công bằng và
tự do” (Quốc hội Colombia 1985, luật 95, điều 1).
Và cũng chính tại đây, tại Thánh địa Thánh Peter
Claver, nơi sự tiến bộ và việc áp dụng nhân quyền ở Colombia tiếp tục được
nghiên cứu và theo dõi một cách có hệ thống, mà Lời Chúa hôm nay nói với chúng
ta về sự tha thứ, việc sửa lỗi, tính cộng đoàn và việc cầu nguyện.
Trong bài giảng thứ tư của Tin Mừng Thánh
Matthêu, Chúa Giêsu nói với chúng ta là những người đã quyết định hỗ trợ cộng đồng,
những người cùng nhau coi trọng cuộc sống và mơ về một dự án bao gồm tất cả mọi
người. Đoạn văn trước đoạn Tin mừng hôm nay nói về người mục tử nhân lành bỏ
chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc. Sự thật này thấm sâu vào
toàn bộ bản văn chúng ta vừa nghe: không có ai quá lạc lối đến mức không xứng
đáng để được chúng ta chăm sóc, gần gũi và tha thứ. Từ góc độ này, chúng ta có
thể thấy rằng một lỗi lầm hoặc một tội lỗi bị phạm bởi một người thì gây thách
thức cho tất cả chúng ta, nhưng chủ yếu là liên quan đến nạn nhân do tội lỗi của
ai đó gây ra. Anh ta hoặc cô ta được kêu gọi chủ động đi bước trước để bất cứ
ai gây ra thiệt hại không bị lạc. Chủ động đi bước trước: người chủ động đi bước
trước luôn là người can đảm nhất.
Trong những ngày nay tôi nghe bao nhiêu chứng từ
của những người đã đi gặp những kẻ đã gây ra đau khổ tai ương cho họ. Những vết
thương kinh khủng mà tôi đã có thể nhìn thấy nơi chính thân thể của họ; những mất
mát không thể chữa lành vẫn còn làm cho họ khóc lóc, nhưng những người ấy đã
đi, đã thực hiện bước đầu trên con đường khác với những con đường đã đi qua. Vì
từ mấy thập niên rồi Colombia đang tìm kiếm hòa bình, và như Chúa Giêsu dạy, -
nếu hai bên chỉ đến gần nhau, đối thoại mà thôi thì vẫn không đủ, còn cần có sự
can dự của nhiều tác nhân khác trong tiến trình đối thoại chữa lành các tội lỗi
nữa. “Nếu họ không nghe, thì hãy dẫn một hai người nữa đi với con” (Mt 18,16),
như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm.
Chúng ta đã học biết rằng những con đường hòa bình,
dành ưu tiên cho lý trí trên sự trả thù, đặt sự hòa hợp tế nhị giữa chính trị
và luật pháp, không thể loại bỏ những hoạt động của dân chúng. Đề ra những
khuôn khổ qui tắc và hiệp định giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện chí,
thì vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu tìm ra giải pháp cho sự ác trong cuộc gặp gỡ đích
thân giữa các phe với nhau. Ngoài ra, một điều luôn luôn hữu ích, đó là đưa vào
trong các tiến trình hòa bình kinh nghiệm của các tầng lớp dân chúng. Những
kinh nghiệm này, trong nhiều trường hợp, đã không được để ý tới; cần làm sao để
chính các cộng đoàn mang lại những sắc thái cho các hoạt động tập thể tưởng nhớ
những gì đã xảy ra. Tác nhân chính, chủ thể lịch sử của tiến trình này là dân
chúng và văn hóa của họ, chứ không phải một giai cấp, một phe phái, một nhóm hoặc
một lực lượng ưu tú. Chúng ta không cần một dự phóng của một nhóm ít người nhắm
tới một thiểu số, hoặc một nhóm ít người thông thạo chiếm hữu tâm tình của tập
thể. Đây là một thỏa thuận để sống chung, một khế ước xã hội và văn hóa” (x. Evangelii
Gaudium. 239)
Chúng ta có thể đóng góp nhiều cho bước đường mới
mà Colombia muốn thực hiện. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường tái hội nhập
vào cộng đoàn nhờ một cuộc đối thoại hai người. Không gì có thể thay thế cuộc gặp
gỡ chữa lành như thế; không có tiến trình tập thể nào chuẩn chước cho chúng ta
thách đố gặp gỡ nhau, giải thích cho nhau, tha thứ. Những vết thương sâu đậm của
lịch sử nhất thiết đòi những thẩm quyền qua đó người ta thi hành công lý, trong
đó các nạn nhân có thể nhận ra chân lý, thiệt hại được đền bù thích đáng, và
hành động minh bạch để tránh tái diễn những tội ác đã xảy ra. Nhưng tất cả những
điều đó mới chỉ để cho chúng ta ở ngưỡng cửa những đòi hỏi của Kitô giáo mà
thôi. Chúng ta còn được yêu cầu tạo nên một sự thay đổi từ hạ tầng: đối lại với
văn hóa chết chóc, bạo lực, chúng ta đáp lại bằng văn hóa sự sống, văn hóa gặp
gỡ. Chúng ta đã học được điều này từ tác giả yêu quý của chính bạn, người mà tất
cả chúng ta đều được hưởng lợi: “Thảm họa văn hóa này không được khắc phục bằng
chì hay bạc, mà bằng một nền giáo dục vì hòa bình, được xây dựng một cách yêu
thương trên đống đổ nát của một đất nước giận dữ, nơi mà chúng ta dậy sớm để tiếp
tục giết hại lẫn nhau... một cuộc cách mạng hòa bình hợp pháp, đó là con kênh dẫn
tới sự sống, dẫn tới một nguồn năng lượng sáng tạo to lớn mà trong gần hai thế
kỷ chúng ta đã sử dụng để hủy diệt chúng ta và điều đó minh chứng và đề cao ưu
thế của quan niệm” (Gabriel García Márquez, Thông điệp về Hòa bình, 1998).
Chúng ta đã hành động thế nào để bênh vực việc gặp
gỡ, hòa bình? Chúng ta đã thiếu bỏ sót những gì, khiến cho những hành vi man rợ
xảy ra trong đời sống của dân chúng ta? Chúa Giêsu truyền chúng ta phải đối chiếu
những cách cư xử, những lối sống gây thiệt hại cho xã hội, phá hủy cộng đoàn.
Bao nhiều lần xảy ra những bạo lực, sự loại trừ khỏi xã hội được bình thường
hóa, mà chúng ta không lên tiếng, không giơ tay lên tố giác theo tinh thần ngôn
sứ. Bên cạnh thánh Phêrô Claver, có hàng ngàn Kitô hữu thời ấy, nhưng chỉ có một
nhóm rất ít người bắt đầu một nền văn hóa gặp gỡ đi ngược lại. Thánh Phêrô
Claver đã biết tái lập phẩm giá và hy vọng cho hàng trăm ngàn người da đen và
người nô lệ, họ bị đưa đến đây trong tình trạng vô nhân đạo hoàn toàn, đầy kinh
hoàng, mất mát mọi hy vọng. Thánh nhân không có bằng cấp nổi tiếng, thậm chí
còn bị coi là người “tài cán tầm thường”, nhưng ngài có một thiên tài sống trọn
vẹn Tin Mừng, gặp gỡ những người bị người khác coi là đồ bỏ. Nhiều thế kỷ sau
đó, ảnh hưởng của vị thừa sai và tông đồ này của Dòng Tên đã được thánh nữ
Maria Bernarda Buetler noi theo, thánh nữ đã hiến cuộc đời, tận tụy phục vụ những
người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề tại chính thành phố Cartagena này. [Thánh
nữ cũng có sự khôn ngoan bác ái và biết cách tìm thấy Thiên Chúa nơi người lân
cận; thánh nữ cũng không bị tê liệt bởi sự bất công và thử thách, bởi vì “khi
xảy ra xung đột, một số người chỉ biết nhìn rồi bỏ đi như thể chẳng có gì xảy
ra; họ phủi tay rồi tiếp tục cuộc sống của mình. Những người khác thì bám chặt
lấy nó khiến họ trở thành tù nhân của nó; họ bị mất phương hướng, phóng chiếu sự
hoang mang và bất mãn của họ vào các tổ chức và vì thế làm cho không thể nào có
được sự hiệp nhất. Nhưng cũng có một cách thứ ba, và đây là cách tốt nhất để xử
lý xung đột. Đó là sẵn sàng trực diện với xung đột, giải quyết nó và làm nó trở
thành mắt xích trong sợi dây của một qui trình mới”. (Evangelii Gaudium, số
227)]
Trong cuộc gặp gỡ giữa chúng ta, chúng ta khám
phá lại các quyền của mình và chúng ta tái tạo cuộc sống của mình để chúng tái
hiện như một con người đích thực. “Ngôi nhà chung của mọi người nam nữ phải tiếp
tục phát triển trên nền tảng của sự hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ phổ
quát và tôn trọng sự thiêng liêng của mỗi sự sống con người, của mọi người nam
nữ, người nghèo, người già, trẻ em, người đau yếu… , những đứa trẻ chưa sinh
ra, những người thất nghiệp, những người bị bỏ rơi, những người bị coi là đồ
dùng một lần vì họ chỉ được coi là một phần của số liệu thống kê. Ngôi nhà
chung này của tất cả mọi người nam nữ cũng phải được xây dựng trên sự hiểu biết
về một sự thiêng liêng nào đó của thiên nhiên được tạo dựng” (Diễn văn tại Liên Hợp Quốc,
ngày 25 tháng 9 năm 2015).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy
khả năng người khác có thể vẫn khép kín, không chịu thay đổi, khăng khăng làm
điều ác. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người vẫn tiếp tục phạm tội
làm tổn hại đến cơ cấu sống chung và cộng đồng của chúng ta: “Tôi cũng nghĩ đến
thảm kịch đau lòng về lạm dụng ma túy, thu lợi nhuận bằng việc coi thường luật
luân lý và luật dân sự. Sự ác này trực tiếp đi ngược lại phẩm giá con người và
dần dần xé nát hình ảnh mà Đấng Tạo Hóa đã hình thành trong chúng ta. Tôi kiên
quyết lên án việc buôn bán này, một việc đã giết chết rất nhiều người và được
nuôi dưỡng bởi những người có tâm hồn chai cứng. Cuộc sống của anh chị em chúng
ta không thể bị đùa giỡn, cũng không thể coi phẩm giá của họ là công cụ. Tôi
kêu gọi tìm ra những cách thức để ngăn chặn việc buôn bán ma túy vốn chỉ gieo rắc
cái chết khắp nơi, tiêu diệt biết bao hy vọng và phá hủy biết bao gia đình. Tôi
cũng nghĩ đến một thảm kịch khác: tôi nghĩ đến sự tàn phá tài nguyên thiên
nhiên và tình trạng ô nhiễm đang diễn ra, cũng như thảm kịch bóc lột sức lao động.
Tôi cũng nghĩ đến việc trao đổi tiền bất hợp pháp và đầu cơ tài chính, những việc
thường tỏ ra vừa có tính chất săn mồi vừa có hại cho toàn bộ hệ thống kinh tế
và xã hội, đẩy hàng triệu người nam nữ vào tình trạng nghèo đói. Tôi nghĩ đến nạn
mại dâm, nạn mại dâm hàng ngày cướp đi những nạn nhân vô tội, đặc biệt là giới
trẻ, cướp đi tương lai của họ. Tôi nghĩ đến sự ghê tởm của nạn buôn người, tội
ác và lạm dụng đối với trẻ vị thành niên, nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ vẫn
còn hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới; thảm kịch thường bị bỏ qua đối với những
người di cư, những người thường là nạn nhân của sự thao túng đáng hổ thẹn và bất
hợp pháp” (Sứ
điệp Ngày Hòa bình Thế giới, 2014, 8), và tôi cũng nghĩ đến mong muốn kiếm lợi
từ “tính hợp pháp vô trùng” theo chủ nghĩa hòa bình vốn coi thường thân xác của
anh chị em chúng ta, thân xác của Chúa Kitô. Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho điều
này, và phải đặt nền tảng vững chắc trên những nguyên tắc công lý không hề làm
suy giảm lòng bác ái. Chỉ có thể sống hoà bình bằng cách tránh những hành động
làm băng hoại, tổn hại đến cuộc sống. Trong bối cảnh này, chúng ta nhớ đến tất
cả những người đã dũng cảm và không mệt mỏi, đã làm việc và thậm chí đã mất mạng
để bảo vệ các quyền lợi và phẩm giá của con người. Lịch sử yêu cầu chúng ta thực
hiện một cam kết dứt khoát để bảo vệ nhân quyền tại đây, tại Cartagena de
Indias, nơi mà các bạn đã chọn làm trung tâm bảo vệ quốc gia của họ.
Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cùng nhau
cầu nguyện, để lời cầu nguyện của chúng ta, ngay cả với những sắc thái riêng tư
và những mức độ khác nhau, trở thành một bản giao hưởng và phát sinh như một tiếng
kêu duy nhất. Tôi tin chắc rằng hôm nay chúng ta cùng nhau cầu nguyện để giải cứu
những người đã sai trái chứ không phải để hủy diệt họ, cầu nguyện vì công lý chứ
không phải để trả thù, cầu nguyện để được chữa lành trong sự thật chứ không phải
để bị lãng quên. Chúng ta cầu nguyện để hoàn thành chủ đề của chuyến viếng thăm
này: “Chúng ta hãy thực hiện bước đầu tiên!” Và mong rằng bước đầu tiên này sẽ
đi theo một hướng chung.
“Đi bước đầu tiên” trước hết là đi ra ngoài và gặp
gỡ người khác với Chúa Kitô. Và Người luôn yêu cầu chúng ta thực hiện một bước
đi cương quyết và chắc chắn đối với anh chị em mình, đồng thời từ bỏ đòi hỏi để
bản thân được tha thứ mà chính mình lại không thể hiện sự tha thứ, bản thân được
yêu thương mà chính mình không thể hiện tình yêu. Nếu Colombia muốn có một nền
hòa bình ổn định và lâu dài, thì nước này phải khẩn trương thực hiện một bước
theo hướng này, đó là hướng tới lợi ích chung, công bằng, công lý, tôn trọng bản
chất con người và những đòi hỏi của nó. Chỉ khi chúng ta giúp tháo gỡ những nút
thắt của bạo lực, chúng ta mới tháo gỡ được những bất đồng phức tạp. Chúng ta
được yêu cầu thực hiện bước đi gặp gỡ anh chị em của mình và mạo hiểm thực hiện
một sự sửa sai với ý định không loại trừ, nhưng là hội nhập. Và chúng ta được
yêu cầu phải kiên trì với lòng bác ái trong điều không thể thương lượng được.
Tóm lại, nhu cầu là xây dựng hòa bình, “không nói bằng lưỡi mà bằng đôi tay và
việc làm” (Thánh Phêrô Claver), và cùng nhau ngước mắt lên trời. Chúa có thể gỡ
rối những điều dường như không thể đối với chúng ta; Người đã hứa sẽ đồng hành
cùng chúng ta cho đến tận thế và sẽ không để cho những nỗ lực của chúng ta trở
nên vô ích.
Nguồn: archivioradiovaticana.va