Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (15/9/2024) - Chúa Giêsu là ai đối với tôi?

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (12/9/2021) - Đối với con, Ta là ai?

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (16/9/2018) - Cần sống lời tuyên xưng

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (13/9/2015) - Đức tin là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (16/9/2012) - Trở thành người tôi tớ


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (15/9/2024) - Chúa Giêsu là ai đối với tôi?

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, sau khi hỏi các môn đệ về suy nghĩ dân chúng về Người, Người đã hỏi thẳng họ: “Nhưng các con nói Thầy là ai?” (Mc 8,29). Phêrô thay mặt cả nhóm trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (c. 30). Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu bắt đầu nói về sự đau khổ và cái chết đang chờ đợi Người, thì cũng chính Phêrô đã phản đối, và Chúa Giêsu quở trách ông một cách gay gắt: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì suy nghĩ của anh không phải của Thiên Chúa mà của loài người” (c. 33).

Nhìn vào thái độ của tông đồ Phêrô, chúng ta cũng có thể tự hỏi chính mình về việc biết Chúa Giêsu thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi. Biết Chúa Giêsu có nghĩa là gì?

Thực ra, một mặt Phêrô trả lời một cách hoàn hảo khi nói với Chúa Giêsu rằng Người là Đấng Kitô. Tuy nhiên, đằng sau những lời đúng đắn này vẫn còn một lối suy nghĩ “theo kiểu con người”, một não trạng tưởng tượng về một Đấng Mêsia mạnh mẽ và Mêsia chiến thắng, Đấng không thể chịu đau khổ và chết. Vì vậy, những lời của Phêrô là “đúng”, nhưng cách suy nghĩ của ông vẫn không thay đổi. Ông vẫn phải thay đổi não trạng, vẫn phải hoán cải.

Đây cũng là một thông điệp quan trọng đối với chúng ta. Thật vậy, chúng ta cũng đã học được điều gì đó về Thiên Chúa, chúng ta biết giáo lý, chúng ta đọc đúng kinh và có lẽ khi được hỏi “Chúa Giêsu là ai đối với bạn?” chúng ta trả lời tốt với một số công thức chúng ta đã học trong sách giáo lý. Nhưng chúng ta có chắc chắn rằng điều này có nghĩa là chúng ta thực sự biết Chúa Giêsu không? Thực tế, để biết Chúa, chỉ biết đôi điều về Người thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải theo Người, để cho Tin Mừng của Người lay động và thay đổi chúng ta. Nghĩa là, cần có một mối tương quan với Người. Tôi có thể biết nhiều điều về Chúa Giêsu, nhưng nếu tôi không gặp Người, thì tôi không biết Chúa Giêsu là ai. Vì vậy, cần một cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời: nó thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, thay đổi những mối tương quan chúng ta có với anh chị em mình, sự sẵn sàng đón nhận và tha thứ của chúng ta, những lựa chọn về những gì chúng ta làm trong cuộc sống. Mọi sự sẽ thay đổi nếu bạn thực sự biết Chúa Giêsu! Thay đổi tất cả.

Anh chị em thân mến, nhà thần học và mục sư Tin lành Luther Bonhoeffer, nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã, đã viết như thế này: “Vấn đề không bao giờ khiến tôi hết thao thức là vấn đề biết Kitô giáo thực sự có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay hoặc ngay cả Chúa Kitô là ai” (Resistenza e Resa. Lettere e scritti dal carcere, Cinisello Balsamo 1996, 348). Thật không may, nhiều người không còn tự hỏi mình câu hỏi này nữa và vẫn “tĩnh tại”, ngủ quên, ngay cả khi ở xa Chúa. Ngược lại, điều quan trọng là tự hỏi: tôi có để cho mình bị đánh thức, tôi tự hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi và Người chiếm vị trí nào trong cuộc sống của tôi không?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta thực sự biết về Chúa Giêsu.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (12/9/2021) - Đối với con, Ta là ai?

Anh chị em thân mến,

Tại Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Người: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8, 29). Câu hỏi này đòi các môn đệ đưa ra một quyết định và đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình theo Thầy của họ. Họ đã biết rõ về Chúa Giêsu, họ không còn là những người mới bắt đầu: họ đã quen thuộc với Người, đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, bị ấn tượng bởi giáo huấn của Người, và đi theo Người bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa suy nghĩ như Người. Họ phải đi bước quyết định đó, từ ngưỡng mộ Chúa Giêsu đến bắt chước Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, Chúa cũng nhìn vào từng mỗi người chúng ta và hỏi: “Thật sự đối với con, Ta là ai”? Đối với con Ta là ai? Câu hỏi này, được đặt ra cho mỗi người chúng ta, không chỉ đòi một câu trả lời nhanh chóng lấy từ sách giáo lý, nhưng là một câu trả lời từ kinh nghiệm cá nhân, từ cuộc sống của mỗi người.

Câu trả lời này canh tân đổi mới chúng ta như là các môn đệ của Chúa, qua 3 bước, những bước mà các môn đệ Chúa Giêsu đã thực hiện và cả chúng ta cũng có thể làm. Đó là loan báo về Chúa Giêsu, phân định với Chúa Giêsu, và bước theo Chúa Giêsu.

1. Loan báo về Chúa Giêsu. Trả lời cho câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai”?, thánh Phêrô đáp thay cho các môn đệ khác: “Thầy là Đấng Kitô”. Chỉ bằng vài lời, thánh Phêrô trả lời tất cả; câu trả lời chính xác, nhưng rồi, thật ngạc nhiên, Chúa Giêsu “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (câu 30). Tại sao lại cấm nghiêm ngặt như thế? Lý do chính xác là bởi vì gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế, là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Luôn có nguy cơ là rao giảng về một ý tưởng cứu thế sai lầm, theo ý tưởng của con người chứ không phải của Thiên Chúa. Do đó, từ giây phút đó, Chúa Giêsu bắt đầu mặc khải về căn tính của Người, căn tính được thể hiện trong mầu nhiệm vượt qua, điều chúng ta tìm thấy trong Thánh Thể. Chúa giải thích rằng sứ vụ của Người sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vinh quang phục sinh, nhưng chỉ sau khi chịu sỉ nhục trên thập giá. Nói cách khác, nó sẽ được mặc khải theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói với chúng ta, “nó không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” (1 Cr 2, 6). Chúa Giêsu cấm các môn đệ nói về căn tính Thiên sai của Người, nhưng Người không cấm họ nói về thập giá, điều đang chờ đợi Người. Thánh sử lưu ý, thực tế là Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy “cách công khai” (Mc 8,32) rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (câu 31).

Trước những lời gây sốc này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể bị thất vọng và kinh ngạc. Chúng ta cũng muốn một Đấng Mêsia quyền năng hơn là một tôi tớ bị đóng đinh. Thánh Thể đang ở trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa là ai. Việc này không chỉ được thực hiện bằng lời nói, nhưng một cách cụ thể, tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa như Bánh được bẻ ra, như Tình yêu bị đóng đinh và trao tặng. Chúng ta có thể thêm vào nhiều nghi lễ, nhưng Chúa luôn ở đó, trong sự đơn sơ của chiếc Bánh để mình được bẻ ra, được phân phát và được ăn. Để cứu chúng ta, Đức Kitô đã trở thành tôi tớ; để ban cho chúng ta sự sống, Người đã chấp nhận cái chết. Chúng ta cũng nên để cho mình bị kinh ngạc trước lời loan báo khó chấp nhận đó của Chúa Giêsu. Và điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.

2. Phân định cùng với Chúa Giêsu. Phản ứng của thánh Phêrô trước lời loan báo của Chúa chính là phản ứng của con người: ngay khi thập giá, viễn cảnh đau đớn, xuất hiện, chúng ta nổi loạn. Sau khi vừa tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, thánh Phêrô bị sốc bởi những lời của Thầy và cố khuyên Chúa đừng đi theo con đường đó. Ngày nay, như trong quá khứ, thập giá không phải là thứ thời trang hoặc điều hấp dẫn. Tuy nhiên, nó chữa lành chúng ta từ nội tâm. Đứng trước Chúa bị đóng đinh, chúng ta trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm hữu ích, một cuộc xung đột gay gắt giữa “suy nghĩ theo cách của Chúa” và “suy nghĩ như con người”. Một mặt, chúng ta có cách suy nghĩ của Thiên Chúa, đó là cách lý luận của tình yêu thương khiêm nhường. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa tránh xa sự áp đặt, phô trương và hiếu thắng, và luôn nhắm đến điều tốt đẹp của người khác, thậm chí đến mức hy sinh bản thân. Mặt khác, chúng ta có cách nghĩ của con người: đây là sự khôn ngoan của thế gian, gắn liền với danh dự và đặc quyền, hướng đến uy tín và thành công. Ở đây, bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý và tôn trọng nhiều hơn từ người khác thì được xem là quan trọng và sức mạnh.

Bị lóa mắt bởi lối suy nghĩ đó, thánh Phêrô kéo riêng Chúa Giêsu ra và trách móc Người (x. câu 32). Cả chúng ta cũng có thể đã kéo Chúa “sang một bên”, đẩy Người vào một góc trong trái tim mình và tiếp tục nghĩ mình là người sùng đạo và đáng kính, và tiếp tục đi theo cách riêng của mình và không để mình được hướng dẫn bởi cách suy nghĩ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh nội tâm này, bởi vì Người muốn chúng ta, giống như muốn các Tông đồ, chọn Người. Có bên của Chúa và phe của thế gian. Sự khác biệt không phải là giữa người sùng đạo hay không, nhưng sự khác biệt quan trọng là giữa Thiên Chúa thật sự và vị thần của “cái tôi” của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng âm thầm ngự trị trên thập giá, thật khác xa với vị thần giả mà chúng ta muốn trị vì bằng quyền lực để khiến kẻ thù của chúng ta câm lặng! Chúa Giêsu Kitô, Đấng chỉ tỏ mình bằng tình yêu, khác biết bao với tất cả các vị cứu thế mạnh mẽ và chiến thắng được thế giới tôn thờ! Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta; Người không hài lòng với những tuyên bố về đức tin, nhưng yêu cầu chúng ta thanh tẩy đời sống tôn giáo của mình trước thập giá của Người, trước Bí tích Thánh Thể. Thật tốt cho chúng ta khi dành thời gian chầu Thánh Thể để chiêm ngưỡng sự yếu đuối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để chầu Thánh Thể. Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu Bánh Hằng Sống chữa lành sự khép kín của chúng ta và mở lòng ra để chia sẻ; xin Người chữa chúng ta khỏi sự cứng nhắc và sự quy kỷ của chúng ta; xin Người giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ gây tê liệt khi bảo vệ hình ảnh của chúng ta, và soi sáng cho chúng ta đi theo Người đến bất cứ nơi nào Người muốn dẫn đưa chúng ta đi. Và chúng ta đến với bước thứ ba.

3. Đi theo Chúa Giêsu. “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy!” (câu 33). Bằng mệnh lệnh nghiêm khắc này, Chúa Giêsu đưa thánh Phêrô trở về với chính mình. Bất cứ khi nào Chúa yêu cầu điều gì, thì thực tế Người đã ở sẵn để giúp thực hành điều đó rồi. Do đó, thánh Phêrô nhận được ân sủng để lùi lại và một lần nữa lùi lại phía sau Chúa Giêsu. Hành trình của Kitô hữu không phải là một cuộc chạy đua hướng tới thành công; nó bắt đầu bằng cách lùi lại, tìm tự do bằng cách không cần phải là trung tâm của mọi thứ. Thánh Phêrô nhận ra rằng trung tâm không phải là Chúa Giêsu của mình, mà là Chúa Giêsu thậtsự. Thánh nhân sẽ tiếp tục vấp ngã, nhưng từ lần tha thứ này đến lần tha thứ khác, ngài sẽ nhận thấy khuôn mặt của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và từ sự ngưỡng mộ trống rỗng đối với Chúa, thánh nhân sẽ noi gương Chúa cách cụ thể.

Lùi lại sau Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó là tiến bước trong cuộc sống với sự tin tưởng vững chắc của chính Chúa Giêsu, biết rằng chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là theo bước Thầy, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10, 45). Đó là đi ra mỗi ngày để gặp gỡ các anh chị em của chúng ta. Ở đó Thánh Thể thúc đẩy chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một Thân thể, sẵn sàng chia sẻ bản thân mình vì người khác.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta, như Thánh Thể đã biến đổi các vị thánh vĩ đại và can đảm mà anh chị em tôn kính. Tôi đặc biệt nghĩ đến thánh Stephanô và thánh Elizabeth. Giống như các ngài, chúng ta đừng hài lòng với sự ít ỏi; xin cho chúng ta đừng bao giờ hài lòng với một đức tin dựa trên nghi lễ và sự lặp lại, nhưng càng ngày càng cởi mở hơn với sự mới mẻ khó chấp nhận được của Thiên Chúa chịu đóng đinh và phục sinh, là Bánh được bẻ ra để ban sự sống cho thế giới. Bằng cách này, chính chúng ta sẽ vui tươi và mang lại niềm vui cho người khác.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế này đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng quan trọng hơn, là sự khởi đầu của một hành trình khác. Vì bước đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là luôn luôn nhìn về phía trước, đón nhận thời gian ân sủng, và bị thách đố bởi câu hỏi của Chúa đối với chúng ta, các môn đệ của Người: Đối với con Ta là ai?

Nguồn: vaticannews.va/vi/


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (16/9/2018) - Cần sống lời tuyên xưng

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 8,27-35) nói đến câu hỏi nền tảng cho toàn bộ Tin Mừng theo thánh Marcô: Chúa Giêsu là ai? Nhưng lần này chính Chúa Giêsu đặt câu hỏi đó với các môn đệ của Người, giúp họ dần dần tiếp cận câu hỏi về danh tính của Người. Trước khi hỏi trực tiếp họ, tức Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu muốn nghe họ nói về những gì mọi người nghĩ về Người, và Người biết rõ rằng các môn đệ rất nhạy cảm với danh tiếng của Thầy! Do đó, Người hỏi: "Người ta bảo Thầy là ai?" (câu 27). Các môn đệ phát hiện ra rằng Chúa Giêsu được mọi người coi là một vị tiên tri vĩ đại. Nhưng thực ra, Người không quan tâm đến ý kiến và lời bàn tán của mọi người. Người cũng không đồng ý rằng các môn đệ của Người nên trả lời các câu hỏi bằng những công thức đóng khung sẵn, trích dẫn những nhân vật nổi tiếng trong Kinh thánh, bởi vì một đức tin bị thu hẹp lại thành những công thức là một đức tin thiển cận.

Chúa muốn rằng các môn đệ, hôm qua cũng như ngày nay của Ngài, thiết lập với Ngài một tương quan cá nhân và như thế họ tiếp nhận Ngài vào trung tâm cuộc sống của họ. Vì lý do này, Người thúc đẩy họ thành thật đối diện với chính mình, và Người hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (câu 29). Hôm nay, Chúa Giêsu đặt câu hỏi rất trực tiếp và riêng tư này cho mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Tất cả anh em, anh em bảo Thầy là ai? Đối với anh em, Thầy là ai?”. Mỗi người hãy tự trả lời dưới ánh sáng Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta liên quan tới Con của Ngài. Có thể chúng ta cũng hăng hái trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”. Nhưng khi Chúa nói cho chúng ta biết rõ rằng sứ mệnh của Ngài sẽ không kết thúc trong con đường thành công rộng rãi thênh thang, nhưng trên con đường hẹp, cam go của Người Tôi Tớ Khổ Đau, bị hạ nhục, khước từ và đóng đanh, thì khi đó cả chúng ta nữa cũng phản đối và nổi loạn như Phêrô, vì nó trái nghịch với các chờ mong của chúng ta. Và chúng ta cũng đáng bị Chúa quở trách như Ngài đã quở trách Phêrô là Satan, vì không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng suy nghĩ như loài người (c. 33).

Anh chị em thân mến,

Việc tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu không chỉ dừng lại nơi lời nói, nhưng đòi buộc phải được chứng thực bởi các lựa chọn và các cử chỉ cụ thể, bởi một đời sống thấm nhuần tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa nói với chúng ta rằng để có thể theo Ngài và là môn đệ của Ngài thì cần từ bỏ chính mình, nghĩa là từ bỏ các yêu sách kiêu căng ích kỷ của mình và vác lấy thập giá mình. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Ai mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng sẽ cứu được nó” (c. 35).

Để có thể hiểu được sự mâu thuẫn này cần nhớ rằng ơn gọi sâu thẳm nhất của chúng ta là yêu thương, vì chúng ta đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa là Tình Yêu. Thường trong cuộc sống, vì biết bao lý do khác nhau, chúng ta lạc đường, bằng cách tìm kiếm hạnh phúc trong các sự vật hay nơi các người mà chúng ta đối xử như đồ vật. Nhưng chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi tình yêu, tình yêu đích thực gặp gỡ chúng ta, tiếp nhận chúng ta và biến đổi chúng ta. Chứng tá của các thánh chứng minh cho điều đó.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã sống lòng tin bằng cách trung thành theo Chúa Giêsu Con Mẹ, cũng giúp chúng ta bước đi trên con đường của Ngài bằng cách quảng đại xả thân cho Chúa và cho các anh chị em khác.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (13/9/2015) - Đức tin là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu biến cố Đức Giêsu, trong hành trình đi đến Cesarea di Filippo, chất vấn các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8, 27) . Họ trả lời như những gì mà dân chúng đã nói: có người cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, kẻ khác lại cho là Ê-li-a và hay là một tiên tri vĩ đại nào đấy. Dân chúng cảm mến Đức Giêsu, họ xem Ngài như “một Đấng Thiên Sai”, nhưng họ vẫn chưa nhận biết Ngài là Đấng Mêsia, Đấng đã được loan báo và mọi người chờ đợi. Đức Giêsu ngước nhìn các môn đệ và hỏi: “Còn anh em bảo Thầy là ai” (c.29). Đây là câu hỏi quan trọng nhất, qua đó Đức Giêsu nhắm trực tiếp đến các môn đệ là những kẻ theo Ngài, để trắc nghiệm đức tin của họ. Phêrô nhân danh tất cả, đã la lớn tiếng với sự chân chất: “Thầy là Đức Kitô” (c.29). Đức Giêsu đã được đánh động bởi đức tin của Phêrô và nhận ra rằng đức tin ấy là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha. Và rồi Ngài đã mạc khải cách rõ ràng cho các môn đệ điều đang chờ đợi Ngài ở Giê-ru-sa-lem, nghĩa là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều...bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (c.31)

Lắng nghe những điều này, chính bản thân Phêrô, người vừa tuyên xưng niềm tin của mình rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mê-si-a, đã cảm thấy bực bội. Ông đã kéo Thầy ra một bên và trách Ngài. Và Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? Đến lượt mình, Ngài trách mắng Phêrô với những lời lẽ đầy nghiêm khắc: “Sa-tan, xéo ra đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c.33). Đức Giêsu nhận ra nơi Phêrô, cũng như các môn đệ khác – và nơi mỗi người chúng ta! – sự cần thiết phải có ân sủng của Thiên Chúa Cha để chống lại cám dỗ này của ma quỷ, vốn muốn tách rời chúng ta khỏi ý muốn của Thiên Chúa. Tuyên bố mình sẽ phải chịu đau khổ và bị giết chết để rồi sẽ trỗi dậy, Đức Giêsu muốn làm cho những ai bước theo Ngài hiểu rằng Ngài là một Đấng Mêsia khiêm nhượng và là đầy tớ. Ngài là Tôi trung phục tùng Lời và Thánh Ý Chúa Cha, cho đến nỗi hiến dâng toàn thể mạng sống của chính mình. Vì thế, Ngài hướng về phía đám đông đang ở đó, tuyên bố rằng ai muốn làm môn đệ của Ngài thì phải trở nên tôi tớ, như chính Ngài đã trở nên tôi tớ, và tiên báo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c.34).

Dấn mình bước theo Đức Giêsu có nghĩa là vác thập giá chính mình để đồng hành với Ngài trên hành trình, một hành trình không thoải mái vì không phải là một hành trình dẫn đến thành công hay là vinh quang chóng qua, nhưng là một hành trình dẫn dắt đến sự tự do đích thực, sự tự do vốn giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và khỏi tội lỗi. Cần phải thực hiện một sự chối từ dứt khoát với não trạng thế gian vốn cậy dựa vào “chính bản thân mình” và chính những lợi lộc như trung tâm của sự hiện hữu. Không, đây không phải là điều Đức Giêsu muốn từ chúng ta! Thay vào đó, Đức Giêsu mời gọi ta hiến dâng chính mạng sống mình vì Ngài và vì Tin Mừng, để nhận lại được sự sống mới và chân thực. Tạ ơn Đức Giêsu, chúng ta xác tin rằng con đường này đưa dẫn tới sự sống lại, tới cuộc sống tròn đầy và chung cục cùng với Thiên Chúa. Quyết định bước theo Ngài, Thầy Chí Thánh và là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã trở nên tôi tớ vì tất cả, đòi buộc chúng ta bước theo sau Ngài và lắng nghe lời Ngài một cách chăm chú và hãy nhớ: mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng và nhận lãnh các Bí Tích.”

Nơi quảng trường này, có những người trẻ đang ở đây, nam cũng như nữ. Cha chỉ đặt một câu hỏi cho chúng con: Chúng con có bao giờ cảm thấy ước muốn bước theo Đức Giêsu ngày càng sát sao hơn không? Hãy suy nghĩ. Hãy cầu nguyện. Và hãy để Thiên Chúa ngỏ lời với chúng con.

Đức Trinh Nữ Maria, Người đã bước theo Đức Giêsu cho đến Cal-va-ri-ô, xin Mẹ hãy giúp đỡ chúng ta thanh luyện thường xuyên đức tin của mình, để kết hợp mật thiết với Đức Ki tô và Tin Mừng của Ngài.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (16/9/2012) - Trở thành người tôi tớ

Anh chị em thân mến,

Vào Chúa Nhật này, khi Phúc Âm tra vấn chúng ta về bản tính đích thực của Chúa Giêsu, chúng ta thấy mình như được đưa đi cùng với các môn đệ để đến con đường hướng về các làng xung quanh Xêdarê Philípphê. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Các con bảo Thầy là ai?" (Mc 8:29). Khoảnh khắc Người chọn đặt câu hỏi này không phải là không quan trọng. Chúa Giêsu đang phải đối mặt với một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời Người. Người đang lên Giêrusalem, đến nơi diễn ra các sự kiện trung tâm của ơn cứu độ của chúng ta: sự đóng đinh và phục sinh của Người. Tại Giêrusalem, sau những biến cố này, Giáo hội cũng sẽ ra đời. Và tại thời điểm quyết định này, Chúa Giêsu trước tiên hỏi các môn đệ của mình: "Người ta bảo Thầy là ai?" (Mc 8:27). Họ đưa ra những câu trả lời rất khác nhau: Gioan Tẩy Giả, Êlia, hay một trong những tiên tri! Ngày nay, cũng như qua nhiều thế kỷ, những người gặp Chúa Giêsu trên con đường của riêng họ cũng đưa ra những câu trả lời của riêng họ. Đây là những cách tiếp cận có thể hữu ích trong việc tìm ra con đường đến với chân lý. Nhưng mặc dù không nhất thiết là sai, nhưng chúng vẫn chưa đủ, vì chúng không đi vào cốt lõi của câu hỏi Chúa Giêsu là ai. Chỉ những ai sẵn lòng theo Người trên con đường của Người, sống trong sự hiệp thông với Người trong cộng đoàn các môn đệ của Người, thì mới có thể thực sự biết Người là ai. Cuối cùng, Phêrô, người đã ở với Chúa Giêsu một thời gian, đưa ra câu trả lời của mình: "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8:29). Tất nhiên đó là câu trả lời đúng, nhưng vẫn chưa đủ, vì Chúa Giêsu cảm thấy cần phải làm rõ điều đó. Người nhận ra rằng mọi người có thể sử dụng câu trả lời này để thúc đẩy các kế hoạch không phải là của Người, để nuôi dưỡng những hy vọng thế tục sai lầm về Người. Người không để mình bị giới hạn trong các thuộc tính của đấng cứu thế mang tính loài người mà nhiều người mong đợi.

Bằng cách nói với các môn đệ rằng Ngài phải chịu đau khổ và bị giết, rồi sống lại, Chúa Giêsu muốn họ hiểu được bản tính thực sự của Người. Người là Đấng Mêsia chịu đau khổ, Đấng Mêsia phục vụ, chứ không phải là một đấng cứu thế chính trị chiến thắng. Người là Người Tôi Tớ vâng theo ý muốn của Cha mình, thậm chí hy sinh mạng sống. Điều này đã được tiên tri Isaia báo trước trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Do đó, bản chất Chúa Giêsu trái ngược với kỳ vọng của nhiều người. Những gì Người nói thật sự gây sốc và khó chịu. Chúng ta có thể hiểu được phản ứng của Phêrô khi ông quở trách Người, từ chối chấp nhận rằng Thầy của mình phải chịu đau khổ và chết! Chúa Giêsu nghiêm khắc với Phêrô; Ngài khiến ông nhận ra rằng bất kỳ ai muốn trở thành môn đệ của Người phải trở thành người tôi tớ, giống như Người đã trở thành Người Tôi Tớ.

Theo Chúa Giêsu có nghĩa là vác thập giá của mình và bước đi theo bước chân Người, trên con đường khó khăn không dẫn đến quyền lực hay vinh quang trần gian, mà thậm chí nếu cần, là sự từ bỏ bản thân, mất mạng sống mình vì Chúa Kitô và Phúc âm để cứu lấy mạng sống. Chúng ta được đảm bảo rằng đây là con đường dẫn đến sự phục sinh, đến cuộc sống đích thực và vĩnh viễn với Thiên Chúa. Chọn bước đi theo bước chân Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở thành Tôi tớ của mọi người, đòi hỏi phải ngày càng gần gũi Người hơn, lắng nghe lời Người một cách chăm chú và rút ra từ đó nguồn cảm hứng cho mọi việc chúng ta làm. Khi công bố Năm Đức tin, dự kiến bắt đầu vào ngày 11 tháng 10 tới (2012), tôi muốn mỗi tín hữu đổi mới dấn thân của mình để thực hiện con đường hoán cải chân thành này. Vì vậy, trong suốt Năm này, tôi thực sự khuyến khích anh chị em suy ngẫm sâu sắc hơn về đức tin, tiếp thu đức tin một cách có ý thức hơn và phát triển lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Phúc âm của Người.

Anh chị em thân mến, con đường mà Chúa Giêsu muốn hướng dẫn chúng ta là con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ lộ vào đúng thời điểm mà, trong nhân tính của Người, Người dường như yếu đuối nhất, đặc biệt là qua sự nhập thể và trên thập giá. Đây là cách Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Người; Người trở thành tôi tớ của chúng ta và hiến mình cho chúng ta. Đây chẳng phải là một mầu nhiệm tuyệt vời, một mầu nhiệm đôi khi khó chấp nhận sao? Chính Thánh tông đồ Phêrô phải mãi sau này mới hiểu ra điều đó.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Giacôbê cho chúng ta biết rằng việc chúng ta bước theo dấu chân Chúa Giêsu, nếu muốn chân thực, đòi hỏi những hành động cụ thể đến mức nào. “Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2:18). Nhiệm vụ cấp thiết của Giáo hội là phục vụ và của các Kitô hữu là trở thành những tôi tớ đích thực theo hình ảnh của Chúa Giêsu. Phục vụ là yếu tố nền tảng trong bản sắc của những người theo Chúa Kitô (x. Ga 13:15-17). Ơn gọi của Giáo hội và của mỗi Kitô hữu là phục vụ người khác, như chính Chúa đã làm, một cách tự do và vô vị lợi. Do đó, trong một thế giới mà bạo lực liên tục để lại dấu vết chết chóc và hủy diệt, thì việc phục vụ công lý và hòa bình là điều cấp thiết để xây dựng một xã hội huynh đệ, để xây dựng tình đoàn kết!

Anh chị em thân mến, tôi đặc biệt cầu xin Chúa ban cho khu vực Trung Đông này những người phục vụ hòa bình và hòa giải, để mọi người có thể sống trong hòa bình và có phẩm giá. Đây là một chứng từ thiết yếu mà các Kitô hữu phải đưa ra ở đây, hợp tác với tất cả những người thiện chí. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy trở thành những người kiến tạo hòa bình, bất kể anh chị em ở đâu.

Phục vụ cũng phải là trọng tâm của đời sống cộng đồng Kitô hữu. Mọi chức thánh, mọi vị trí trách nhiệm trong Giáo hội, trước hết và trên hết là phục vụ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Đây là tinh thần hướng dẫn những người đã chịu phép rửa tội với nhau và tìm thấy sự thể hiện cụ thể trong cam kết hiệu quả phục vụ người nghèo, người bị ruồng bỏ và người đau khổ, để phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người có thể được bảo vệ.

Anh chị em thân mến, những người đang đau khổ về thể xác hoặc tinh thần, những đau khổ của anh chị em không phải là vô ích! Chúa Kitô, Người Tôi Tớ, muốn gần gũi với những người đau khổ. Người luôn gần gũi với anh chị em. Trên con đường của riêng anh chị em, xin anh chị em luôn tìm thấy những người xung là dấu chỉ cụ thể của sự hiện diện yêu thương của Người, Đấng sẽ không bao giờ từ bỏ anh chị em! Hãy luôn hy vọng vì Chúa Kitô!

Và xin tất cả anh chị em, những người đã đến tham dự thánh lễ này, hãy cố gắng ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn, Đấng đã trở thành Tôi tớ của mọi người vì sự sống của thế giới. Xin Chúa ban phước cho Lebanon; xin Người ban phước cho tất cả mọi người trong khu vực Trung Đông yêu dấu này, và xin Người ban cho họ món quà bình an của Người. Amen.

WHĐ (16/9/2012)