ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Quảng trường thánh Phêrô
Chúa nhật, ngày 13/9/2015
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu biến cố Đức Giêsu, trong hành trình đi đến Cesarea di Filippo, chất vấn các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8, 27) . Họ trả lời như những gì mà dân chúng đã nói: có người cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, kẻ khác lại cho là Ê-li-a và hay là một tiên tri vĩ đại nào đấy. Dân chúng cảm mến Đức Giêsu, họ xem Ngài như “một Đấng Thiên Sai”, nhưng họ vẫn chưa nhận biết Ngài là Đấng Mêsia, Đấng đã được loan báo và mọi người chờ đợi. Đức Giêsu ngước nhìn các môn đệ và hỏi: “Còn anh em bảo Thầy là ai” (c.29). Đây là câu hỏi quan trọng nhất, qua đó Đức Giêsu nhắm trực tiếp đến các môn đệ là những kẻ theo Ngài, để trắc nghiệm đức tin của họ. Phêrô nhân danh tất cả, đã la lớn tiếng với sự chân chất: “Thầy là Đức Kitô” (c.29). Đức Giêsu đã được đánh động bởi đức tin của Phêrô và nhận ra rằng đức tin ấy là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha. Và rồi Ngài đã mạc khải cách rõ ràng cho các môn đệ điều đang chờ đợi Ngài ở Giê-ru-sa-lem, nghĩa là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều...bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (c.31)
Lắng nghe những điều này, chính bản thân Phêrô, người vừa tuyên xưng niềm tin của mình rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mê-si-a, đã cảm thấy bực bội. Ông đã kéo Thầy ra một bên và trách Ngài. Và Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? Đến lượt mình, Ngài trách mắng Phêrô với những lời lẽ đầy nghiêm khắc: “Sa-tan, xéo ra đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c.33). Đức Giêsu nhận ra nơi Phêrô, cũng như các môn đệ khác – và nơi mỗi người chúng ta! – sự cần thiết phải có ân sủng của Thiên Chúa Cha để chống lại cám dỗ này của ma quỷ, vốn muốn tách rời chúng ta khỏi ý muốn của Thiên Chúa. Tuyên bố mình sẽ phải chịu đau khổ và bị giết chết để rồi sẽ trỗi dậy, Đức Giêsu muốn làm cho những ai bước theo Ngài hiểu rằng Ngài là một Đấng Mêsia khiêm nhượng và là đầy tớ. Ngài là Tôi trung phục tùng Lời và Thánh Ý Chúa Cha, cho đến nỗi hiến dâng toàn thể mạng sống của chính mình. Vì thế, Ngài hướng về phía đám đông đang ở đó, tuyên bố rằng ai muốn làm môn đệ của Ngài thì phải trở nên tôi tớ, như chính Ngài đã trở nên tôi tớ, và tiên báo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c.34).
Dấn mình bước theo Đức Giêsu có nghĩa là vác thập giá chính mình để đồng hành với Ngài trên hành trình, một hành trình không thoải mái vì không phải là một hành trình dẫn đến thành công hay là vinh quang chóng qua, nhưng là một hành trình dẫn dắt đến sự tự do đích thực, sự tự do vốn giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và khỏi tội lỗi. Cần phải thực hiện một sự chối từ dứt khoát với não trạng thế gian vốn cậy dựa vào “chính bản thân mình” và chính những lợi lộc như trung tâm của sự hiện hữu. Không, đây không phải là điều Đức Giêsu muốn từ chúng ta! Thay vào đó, Đức Giêsu mời gọi ta hiến dâng chính mạng sống mình vì Ngài và vì Tin Mừng, để nhận lại được sự sống mới và chân thực. Tạ ơn Đức Giêsu, chúng ta xác tin rằng con đường này đưa dẫn tới sự sống lại, tới cuộc sống tròn đầy và chung cục cùng với Thiên Chúa. Quyết định bước theo Ngài, Thầy Chí Thánh và là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã trở nên tôi tớ vì tất cả, đòi buộc chúng ta bước theo sau Ngài và lắng nghe lời Ngài một cách chăm chú và hãy nhớ: mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng và nhận lãnh các Bí Tích.”
Nơi quảng trường này, có những người trẻ đang ở đây, nam cũng như nữ. Cha chỉ đặt một câu hỏi cho chúng con: Chúng con có bao giờ cảm thấy ước muốn bước theo Đức Giêsu ngày càng sát sao hơn không? Hãy suy nghĩ. Hãy cầu nguyện. Và hãy để Thiên Chúa ngỏ lời với chúng con.
Đức Trinh Nữ Maria, Người đã bước theo Đức Giêsu cho đến Cal-va-ri-ô, xin Mẹ hãy giúp đỡ chúng ta thanh luyện thường xuyên đức tin của mình, để kết hợp mật thiết với Đức Ki tô và Tin Mừng của Ngài.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng gợi nhắc hôm nay ở Nam Phi Giáo Hội sẽ phong chân phước cho ông Samuel Benedict Daswa, người cha của gia đình, bị sát hại năm 1990 vì niềm tin vào Tin Mừng. Trong cuộc đời của mình, ông đã luôn bày tỏ một sự nhất quán khi đảm nhận một cách can đảm những lập trường của Kitô hữu và khước từ những thói thường của nhân thế và dân ngoại. Chứng tá của ông nâng đỡ một cách đặc biệt các gia đình trong việc loan báo sự thật và bác ái của Đức Ki tô. Sau đó, Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào nồng nhiệt đến các khách hành hương đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Nguồn: archivioradiovaticana.va