ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

BÀI GIẢNG

Quảng trường Các Anh Hùng, Budapest, Hungary

Chúa nhật, ngày 12/9/2021

[hình và video]

Tại Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Người: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8, 29). Câu hỏi này đòi các môn đệ đưa ra một quyết định và đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình theo Thầy của họ. Họ đã biết rõ về Chúa Giêsu, họ không còn là những người mới bắt đầu: họ đã quen thuộc với Người, đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, bị ấn tượng bởi giáo huấn của Người, và đi theo Người bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa suy nghĩ như Người. Họ phải đi bước quyết định đó, từ ngưỡng mộ Chúa Giêsu đến bắt chước Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, Chúa cũng nhìn vào từng mỗi người chúng ta và hỏi: “Thật sự đối với con, Ta là ai”? Đối với con Ta là ai? Câu hỏi này, được đặt ra cho mỗi người chúng ta, không chỉ đòi một câu trả lời nhanh chóng lấy từ sách giáo lý, nhưng là một câu trả lời từ kinh nghiệm cá nhân, từ cuộc sống của mỗi người.

Câu trả lời này canh tân đổi mới chúng ta như là các môn đệ của Chúa, qua 3 bước, những bước mà các môn đệ Chúa Giêsu đã thực hiện và cả chúng ta cũng có thể làm. Đó là loan báo về Chúa Giêsu, phân định với Chúa Giêsu, và bước theo Chúa Giêsu.

1. Loan báo về Chúa Giêsu. Trả lời cho câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai”?, thánh Phêrô đáp thay cho các môn đệ khác: “Thầy là Đấng Kitô”. Chỉ bằng vài lời, thánh Phêrô trả lời tất cả; câu trả lời chính xác, nhưng rồi, thật ngạc nhiên, Chúa Giêsu “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (câu 30). Tại sao lại cấm nghiêm ngặt như thế? Lý do chính xác là bởi vì gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế, là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Luôn có nguy cơ là rao giảng về một ý tưởng cứu thế sai lầm, theo ý tưởng của con người chứ không phải của Thiên Chúa. Do đó, từ giây phút đó, Chúa Giêsu bắt đầu mặc khải về căn tính của Người, căn tính được thể hiện trong mầu nhiệm vượt qua, điều chúng ta tìm thấy trong Thánh Thể. Chúa giải thích rằng sứ vụ của Người sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vinh quang phục sinh, nhưng chỉ sau khi chịu sỉ nhục trên thập giá. Nói cách khác, nó sẽ được mặc khải theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói với chúng ta, “nó không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” (1 Cr 2, 6). Chúa Giêsu cấm các môn đệ nói về căn tính Thiên sai của Người, nhưng Người không cấm họ nói về thập giá, điều đang chờ đợi Người. Thánh sử lưu ý, thực tế là Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy “cách công khai” (Mc 8,32) rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (câu 31).

Trước những lời gây sốc này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể bị thất vọng và kinh ngạc. Chúng ta cũng muốn một Đấng Mêsia quyền năng hơn là một tôi tớ bị đóng đinh. Thánh Thể đang ở trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa là ai. Việc này không chỉ được thực hiện bằng lời nói, nhưng một cách cụ thể, tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa như Bánh được bẻ ra, như Tình yêu bị đóng đinh và trao tặng. Chúng ta có thể thêm vào nhiều nghi lễ, nhưng Chúa luôn ở đó, trong sự đơn sơ của chiếc Bánh để mình được bẻ ra, được phân phát và được ăn. Để cứu chúng ta, Đức Kitô đã trở thành tôi tớ; để ban cho chúng ta sự sống, Người đã chấp nhận cái chết. Chúng ta cũng nên để cho mình bị kinh ngạc trước lời loan báo khó chấp nhận đó của Chúa Giêsu. Và điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.

2. Phân định cùng với Chúa Giêsu. Phản ứng của thánh Phêrô trước lời loan báo của Chúa chính là phản ứng của con người: ngay khi thập giá, viễn cảnh đau đớn, xuất hiện, chúng ta nổi loạn. Sau khi vừa tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, thánh Phêrô bị sốc bởi những lời của Thầy và cố khuyên Chúa đừng đi theo con đường đó. Ngày nay, như trong quá khứ, thập giá không phải là thứ thời trang hoặc điều hấp dẫn. Tuy nhiên, nó chữa lành chúng ta từ nội tâm. Đứng trước Chúa bị đóng đinh, chúng ta trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm hữu ích, một cuộc xung đột gay gắt giữa “suy nghĩ theo cách của Chúa” và “suy nghĩ như con người”. Một mặt, chúng ta có cách suy nghĩ của Thiên Chúa, đó là cách lý luận của tình yêu thương khiêm nhường. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa tránh xa sự áp đặt, phô trương và hiếu thắng, và luôn nhắm đến điều tốt đẹp của người khác, thậm chí đến mức hy sinh bản thân. Mặt khác, chúng ta có cách nghĩ của con người: đây là sự khôn ngoan của thế gian, gắn liền với danh dự và đặc quyền, hướng đến uy tín và thành công. Ở đây, bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý và tôn trọng nhiều hơn từ người khác thì được xem là quan trọng và sức mạnh.

Bị lóa mắt bởi lối suy nghĩ đó, thánh Phêrô kéo riêng Chúa Giêsu ra và trách móc Người (x. câu 32). Cả chúng ta cũng có thể đã kéo Chúa “sang một bên”, đẩy Người vào một góc trong trái tim mình và tiếp tục nghĩ mình là người sùng đạo và đáng kính, và tiếp tục đi theo cách riêng của mình và không để mình được hướng dẫn bởi cách suy nghĩ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh nội tâm này, bởi vì Người muốn chúng ta, giống như muốn các Tông đồ, chọn Người. Có bên của Chúa và phe của thế gian. Sự khác biệt không phải là giữa người sùng đạo hay không, nhưng sự khác biệt quan trọng là giữa Thiên Chúa thật sự và vị thần của “cái tôi” của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng âm thầm ngự trị trên thập giá, thật khác xa với vị thần giả mà chúng ta muốn trị vì bằng quyền lực để khiến kẻ thù của chúng ta câm lặng! Chúa Giêsu Kitô, Đấng chỉ tỏ mình bằng tình yêu, khác biết bao với tất cả các vị cứu thế mạnh mẽ và chiến thắng được thế giới tôn thờ! Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta; Người không hài lòng với những tuyên bố về đức tin, nhưng yêu cầu chúng ta thanh tẩy đời sống tôn giáo của mình trước thập giá của Người, trước Bí tích Thánh Thể. Thật tốt cho chúng ta khi dành thời gian chầu Thánh Thể để chiêm ngưỡng sự yếu đuối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để chầu Thánh Thể. Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu Bánh Hằng Sống chữa lành sự khép kín của chúng ta và mở lòng ra để chia sẻ; xin Người chữa chúng ta khỏi sự cứng nhắc và sự quy kỷ của chúng ta; xin Người giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ gây tê liệt khi bảo vệ hình ảnh của chúng ta, và soi sáng cho chúng ta đi theo Người đến bất cứ nơi nào Người muốn dẫn đưa chúng ta đi. Và chúng ta đến với bước thứ ba.

3. Đi theo Chúa Giêsu. “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy!” (câu 33). Bằng mệnh lệnh nghiêm khắc này, Chúa Giêsu đưa thánh Phêrô trở về với chính mình. Bất cứ khi nào Chúa yêu cầu điều gì, thì thực tế Người đã ở sẵn để giúp thực hành điều đó rồi. Do đó, thánh Phêrô nhận được ân sủng để lùi lại và một lần nữa lùi lại phía sau Chúa Giêsu. Hành trình của Kitô hữu không phải là một cuộc chạy đua hướng tới thành công; nó bắt đầu bằng cách lùi lại, tìm tự do bằng cách không cần phải là trung tâm của mọi thứ. Thánh Phêrô nhận ra rằng trung tâm không phải là Chúa Giêsu của mình, mà là Chúa Giêsu thậtsự. Thánh nhân sẽ tiếp tục vấp ngã, nhưng từ lần tha thứ này đến lần tha thứ khác, ngài sẽ nhận thấy khuôn mặt của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và từ sự ngưỡng mộ trống rỗng đối với Chúa, thánh nhân sẽ noi gương Chúa cách cụ thể.

Lùi lại sau Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó là tiến bước trong cuộc sống với sự tin tưởng vững chắc của chính Chúa Giêsu, biết rằng chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là theo bước Thầy, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10, 45). Đó là đi ra mỗi ngày để gặp gỡ các anh chị em của chúng ta. Ở đó Thánh Thể thúc đẩy chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một Thân thể, sẵn sàng chia sẻ bản thân mình vì người khác.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta, như Thánh Thể đã biến đổi các vị thánh vĩ đại và can đảm mà anh chị em tôn kính. Tôi đặc biệt nghĩ đến thánh Stephanô và thánh Elizabeth. Giống như các ngài, chúng ta đừng hài lòng với sự ít ỏi; xin cho chúng ta đừng bao giờ hài lòng với một đức tin dựa trên nghi lễ và sự lặp lại, nhưng càng ngày càng cởi mở hơn với sự mới mẻ khó chấp nhận được của Thiên Chúa chịu đóng đinh và phục sinh, là Bánh được bẻ ra để ban sự sống cho thế giới. Bằng cách này, chính chúng ta sẽ vui tươi và mang lại niềm vui cho người khác.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế này đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng quan trọng hơn, là sự khởi đầu của một hành trình khác. Vì bước đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là luôn luôn nhìn về phía trước, đón nhận thời gian ân sủng, và bị thách đố bởi câu hỏi của Chúa đối với chúng ta, các môn đệ của Người: Đối với con Ta là ai?

Nguồn: vaticannews.va/vi/