ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI
L.m Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist.
WHĐ (28.01.2022) - Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh
em là muối cho đời” (Mt 5, 13). Ở đây, chắc chắn Chúa Giêsu đã dùng thuật
ngữ “muối” theo nghĩa tốt, bởi vì trong Kinh Thánh muối mang nhiều ý nghĩa khác
nhau. Nó mang ý nghĩa xấu như trong câu chuyện sách Sáng Thế kể lại việc Thiên
Chúa phạt một phụ nữ, “Bà vợ ông Lót ngoái
lại đằng sau và hoá thành cột muối” (St 19, 26). Như vậy, muối là một dụng
cụ trừng phạt. Các vùng đất có muối tức là nhiễm mặn, là đất hoang, “không ai gieo vãi, không chi nảy chồi, không
cọng cỏ nào mọc lên, giống như cảnh tàn phá ở Xơ-đôm, Gô-mô-ra, Át-ma và
Xơ-vô-gim, những thành mà Đức Chúa đã phá đổ trong cơn thịnh nộ và lôi đình của
Người” (Đnl 29,22). Kẻ chiến thắng rắc muối xuống thành phố bại trận để
không ai ở đó được như sách Thủ Lãnh thuật lại: “A-vi-me-léc đã chiếm được thành, tàn sát tất cả dân cư, rồi triệt hạ và
rắc muối lên thành” (Tl 9, 45).
Phần chúng ta, với tư cách là những người được thánh hiến,
những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên “muối cho đời”
nghĩa là đem lại lợi ích đến cho mọi người theo các ý nghĩa tốt của muối trong
Kinh Thánh. Những ý nghĩa này xuất phát từ các đặc tính và công dụng hữu ích của
muối. Nó có vị mặn, có tính hòa tan trong nước, và phải trải qua thanh luyện mới
có được màu trắng tinh khiết. Từ các đặc tính này muối được sử dụng để bảo tồn
thực phẩm, tạo nên hương vị thơm ngon cho thức ăn, và thanh tẩy chất độc.
Vậy, trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta tìm hiểu những đặc
tính và công dụng này của muối diễn đạt những ý nghĩa tượng trưng nào về đời sống
thánh hiến, đời sống của những người bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu.
I-TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI
THIÊN CHÚA
1-Muối tượng trưng
cho sự trung tín trong giao ước với Thiên Chúa
Vì yêu thương, Thiên Chúa muốn ký kết một giao ước tình bạn
với con người. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với Aaron và
dòng dõi của ông là các tư tế, những người được thánh hiến để chuyên lo phụng sự
Thiên Chúa, và Ngài gọi giao ước này là “giao
ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Đức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi”
(Ds 18, 19). Giao ước này bắt nguồn từ câu chuyện về cuộc phản loạn của dân
Israel, và Thiên Chúa đã giáng tai họa xuống trên dân. Lúc bấy giờ theo lời ông
Môsê, “ông Aaron cầm bình hương, chạy đến
giữa công hội, thì này tai hoạ đã bắt đầu hoành hành trong dân. Ông đốt hương
và làm nghi thức xá tội cho dân. Ông đứng giữa kẻ chết và người sống, tai hoạ
liền chấm dứt” (Ds 17, 12-13). Sau
đó theo lời Thiên Chúa phán, Aaron và gia tộc ông “là những người được dâng hiến, thuộc về Đức Chúa, để chuyên lo phục vụ
Lều Hội Ngộ” (Ds 18, 6). Ông cùng với
các con ông sẽ thi hành chức vụ tư tế trong mọi việc liên quan tới bàn thờ và
những gì sau bức màn trướng. Và Thiên Chúa nói: “Ta ban chức tư tế cho các ngươi như dịch vụ và hồng ân” (Ds 18, 7),
rồi Thiên Chúa kết luận: “Đó là giao ước
muối muôn đời tồn tại trước nhan Đức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds
18, 19). Từ câu chuyện này, các học giả về văn hóa và tôn giáo Do Thái cho rằng:
“Muối là dấu chỉ của sự trung tín trong tình bạn và sự liên đới giữa những người
cùng ngồi ăn chung với nhau trong một mối dây liên kết thánh thiêng”.[1]
Trong vùng Palestin, người ta xem chức năng quan trọng nhất
của muối là bảo tồn thực phẩm, kế đến nó mới là gia vị.[2]
Giao ước mà Thiên Chúa ký kết với các tư tế được gọi là giao ước muối bởi vì nó
phải tồn tại vĩnh viễn. Vậy các tư tế có trách nhiệm làm cho Dân Thiên Chúa
trung tín trong việc giữ giao ước với Thiên Chúa. Họ phải có sự thánh thiện,
chuyên chăm cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa,luôn sống trong tình bằng
hữu với Thiên Chúa, có như thế họ mới có thể trở thành những người trung gian để
chuyển cầu cho Dân.
Chúa Giêsu gọi chúng ta, những người được thánh hiến, là “muối”
bởi vì Ngài cũng muốn chúng ta đi vào giao ước tình yêu với Ngài, sống thân mật
với Ngài, trở nên bạn hữu thân thiết của Ngài.Và nhất là Ngài muốn chúng ta
trung thành mãi mãi với những gì chúng ta đã khấn hứa, trở nên những người
trung gian có trách nhiệm sống thánh thiện,
hy sinh để cầu nguyện cho mọi tín hữu khác cũng sống trung tín với Chúa, giống
như bổn phận của các tư tế thời Cựu ước
đối với dân Israel, Dân riêng của Thiên Chúa.
2-Muối là dấu chỉ của
việc được thánh hiến cho Thiên Chúa, dành riêng cho Thiên Chúa
Muối có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống các nghi thức
dâng hiến lễ phẩm cho Thiên Chúa. Người ta gọi đó là “muối của giao ước với
Thiên Chúa”. Trong sách Lêvi, Thiên Chúa đã phán: “Các ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các ngươi dâng tiến; các ngươi
không được để lễ phẩm các ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa các
ngươi; các ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của các ngươi” (Lv 2,
13). Như vậy muối là một phương thế để đóng dấu ấn trên mọi lễ vật dâng cho
Thiên Chúa, để nói lên việc chúng thuộc về Thiên Chúa.
Trong nghi thức dâng hương, việc bỏ muối vào hương đã làm
cho hương trở thành hương thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa, như lời Đức
Chúa đã phán với ông Môsê: "Ngươi
hãy lấy các thứ hương chất: tô hợp hương, hương loa, phong tử hương, các hương
chất và nhũ hương nguyên chất; số lượng mỗi thứ sẽ đồng đều. Ngươi sẽ lấy các thứ hương chất đó chế thành
hương để đốt: hợp chất các hương này sẽ là sản phẩm của thợ làm hương; hương đó
sẽ là hương pha muối, nguyên chất, và là hương thánh. Đối với các ngươi, đó sẽ
là một vật rất thánh. Các ngươi sẽ không
được chế hương theo kiểu ấy mà dùng: đối với ngươi, đó sẽ là một vật thánh,
dành riêng cho Đức Chúa ” (Xh 30, 34-37).
Cũng theo ý nghĩa này, mà ngôn sứ Êdêkien nói đến việc xát
muối cho trẻ sơ sinh Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên đứa trẻ được Thiên
Chúa yêu thương và chăm sóc (Ed 16, 4). Trong nghi thức làm phép nước thánh của
Giáo hội vào các thánh lễ ngày Chúa Nhật cũng có việc linh mục bỏ muối vào nước.
Vị linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Thiên
Chúa toàn năng, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu khẩn mà thánh hóa muối
này do chính Chúa dựng nên. Xưa kia Chúa đã truyền cho ngôn sứ Êlia bỏ muối vào
nước, để nước nên trong lành. Giờ đây, khi chúng con rảy nước đã pha muối nơi
nào, xin Chúa xua đuổi ma quỷ ra khỏi nơi ấy, và sai Thánh Thần đến ngự trị, để
Người gìn giữ chúng con luôn mãi” (Sách Lễ Rôma trang 1053).
Chúa Giêsu gọi chúng ta là “muối”, vì Ngài cũng muốn chúng
ta được thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Cuộc đời của chúng ta phải thuộc về
Thiên Chúa một cách trọn vẹn, phải dành riêng cho một mình Thiên Chúa thôi, như
lời thánh Phaolô nói: “Tôi muốn anh chị
em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc
Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người.
Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không
có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn
lẫn xác” (1 Cr 7, 32-34).
II-TRONG MỐI LIÊN HỆ
VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC
1-Muối mặn tượng
trưng cho sự thánh thiện và khôn ngoan có ảnh hưởng trên người khác
Chúa Giêsu nói trong bài giảng trên núi: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà
nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc
quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5, 13). Khi Chúa Giêsu sử dụng
từ “muối” để nói về các môn đệ của mình, Ngài đã nhìn vào đời sống của họ. Ngài
không nói họ trở nên muối, nhưng trở nên mặn hơn, đúng hơn là giữ được vị mặn,
bởi vì họ đã là muối rồi. Muối cần thiết cho thức ăn để làm cho nó có đậm đà
hương vị. Trở nên giống như muối ngụ ý rằng một người có một sự hiện diện theo
cách thức đặc biệt, một lối sống làm cho đức tin của những người khác thêm mạnh
mẽ, khích lệ tha nhân kiên trì trong đời sống cầu nguyện, và phục vụ với tấm
lòng bác ái yêu thương. Thánh Phaolô đã xem muối là biểu tượng cho sự khôn
ngoan: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với
người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn
mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” (Cl 4,
5-6). Giá trị của muối ở chỗ nó tác động trên những vật khác. Như muối làm cho
thức ăn thêm thơm ngon, người môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi làm lan tỏa
hương thơm thánh thiện cho thế gian này, bằng cách đem đến niềm vui, lòng nhiệt
thành và niềm hy vọng cho thế giới. Muối thì khác với thức ăn, nó làm cho thức
ăn thêm đậm đà. Cũng vậy, những người sống đời thánh hiến phải sống khác với thế
gian, theo nghĩa chúng ta không được phép để cho tinh thần thế gian tác động
trên mình, đừng để mình chạy theo lối sống của người đời và suy nghĩ theo não
trạng của thế gian như lời thánh Phaolô đã nói: “Anh em đừng có rập theo đời này” (Rm 12, 2).
Nếu muối không thể dùng để ướp mặn các vật khác, nó sẽ thành
vô dụng. Đây là tình trạng khi tâm hồn chúng ta thiếu sự thánh thiện và khôn
ngoan phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi theo một cách thức
thiêng liêng để thưởng nếm, đón nhận sự thánh thiện và khôn ngoan phát xuất từ
việc để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mình. Sau đó chúng ta sẽ làm cho thế
gian thưởng nếm điều này. Nếu chúng ta từ chối việc trở nên muối đất để ướp mặn
thế giới này, đức tin của chúng ta sẽ thành trì trệ. Nếu chúng ta cũng chạy
theo lối sống ích kỷ chỉ lo hưởng thụ mà thôi như mọi người khác, có lẽ chúng
ta sẽ mất đi khả năng làm chứng cho Chúa Kitô.[3]Bởi
vì người môn đệ được đánh giá theo ảnh hưởng họ có trên những người khác.
2-Muối hòa tan trong
nước như hạt lúa gieo vào lòng đất
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết
đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt
khác” (Ga 12, 24). Hạt muối cũng giống như hạt lúa. Khi nấu một món canh,
chúng ta bỏ muối vào nồi cho món canh thêm hương vị đậm đà. Nếu hạt muối mặn
nhưng không chịu hòa tan vào nước canh thì nó cứ nằm trơ trọi một mình dưới đáy
nồi, và món canh vẫn nhạt nhẽo vô vị. Hạt muối hòa tan thì nó mới làm cho món
ăn có hương vị. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống
mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12, 25). Thuật
ngữ “mất” ở đây là đánh mất ý nghĩa của cuộc đời mình. Ý nghĩa của muối là ướp
mặn cho đời, nếu muối vì sợ hòa tan nên cứ trơ trơ ra đó thì nó đã đánh mất ý
nghĩa của sự hiện hữu của nó. “Nó đã
thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”
(Mt 5, 13).
2-Muối hòa tan tượng
trưng cho lối sống ẩn khuất, khiêm tốn của người môn đệ
Khi ví người môn đệ như “muối”, Chúa Giêsu muốn họ sống
trong ẩn khuất, khiêm tốn, chớ có phô trương các việc lành của mình ra cho
thiên hạ thấy. Chúa nói: "Khi làm việc
lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi
bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín
đáo. . . .. Và khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng
Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. . . .. Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch,
chải đầu cho thơm, để không ai thấy là
anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 1-17). Họ phải
hòa tan “cái tôi” của mình, phải hủy mình ra không giống như hạt muối tan ra
trong nồi canh. Thật vậy, khi nếm một món canh, người ta thưởng thức được hương
vị mặn mà của nó, người ta biết có muối ở trong canh, nhưng người ta không nhìn
thấy hạt muối bởi vì nó đã hòa tan vào trong canh. Tuy nhiên, cũng giống như nắm
men trong ba thúng bột, người ta không thấy men đâu cả, nhưng nó đã làm cho “tất cả bột dậy men" (Lc 13, 21).
Thánh Phaolô cũng hiểu như vậy: “Anh em
không biết sao? Chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột!” (1Cr 5,
6). Những người sống đời thánh hiến càng sống khiêm tốn, nhỏ bé, kín đáo càng
làm cho Nước Thiên Chúa được phát triển, và ảnh hưởng của họ trên trần gian
càng mạnh mẽ. Chúng ta đã thấy gương của chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống ẩn
khuất, khiêm tốn trong Dòng Kín nhưng đã đóng góp rất lớn cho công việc truyền
giáo đến nỗi đã được tôn phong làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Hơn thế nữa,
“con đường thơ ấu” của chị đã khơi dạy nơi bao tâm hồn một quyết tâm sống thánh
thiện, yêu thương, chấp nhận hủy bỏ “cái tôi” của mình để luôn khiêm tốn, cậy
trông vào Thiên Chúa là Cha. Vì thế, chị còn trở thành một vị Tiến sĩ của Hội
Thánh nữa.
3-Muối hòa tan tượng
trưng cho sự hòa hợp và hiệp nhất
Khi mời gọi chúng ta: “Anh
em hãy giữ muối trong lòng anh em và sống hòa thuận với nhau” (Mc 9, 50),
Chúa Giêsu muốn nói đến tính hòa tan của muối, một biểu tượng cho sự hy sinh bản
thân để sống hòa hợp và hiệp nhất với mọi người. Thật vậy nguyên nhân của tranh
chấp bất hòa là sự tham lam, ích kỷ, chỉ muốn vơ vét cho bản thân như lời thánh
Giacôbê đã nói: “Bởi đâu có chiến tranh,
bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của
anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn
mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh
em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4, 1-2). Như thế, Chúa mời gọi
chúng ta noi gương của Ngài: hy sinh bản thân để sống giống như anh em khác,
nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân như lời thánh Phaolô nói: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình,
nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những
tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức
Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn hủy mình ra không, mặc lấy thân
nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 4-7). Chúa
Giêsu Kitô chính là hạt muối từ trời xuống, Ngài đã “hòa tan” chính mình trong
thân phận phàm nhân. Ngài đã tự hủy mình ra không đến nỗi trở nên giống hệt mọi
người khác ở Nadarét, khiến người ta chỉ biết ông Giêsu là “bác thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các
ông Giacôbê, Giô-xết, Giuđa và Simôn” (Mc 6, 3). Như vậy, những người sống
đời thánh hiến không được phép đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi vượt trội những
người khác, cũng không được tỏ ra mình là con người đặc biệt, tách mình ra khỏi
mọi người theo kiểu “biệt phái”. Chúng ta hãy sống khiêm tốn như hạt muối hòa
tan trong biển cả là cộng đoàn, theo lời thánh Biển Đức nói: “Bậc khiêm nhường thứ tám là đan sĩ không làm
gì ngoài luật chung của đan viện và gương lành các vị cao niên” (Tu luật Biển
Đức chương 7). Nếu tu sĩ nào cũng sống như thế sẽ tạo nên sự hiệp nhất trong cộng
đoàn tu trì.
4-Muối tượng trưng
cho sự thử thách và thanh tẩy
Chúa Giêsu nói: “Quả
thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối" (Mc 9, 49).
Ở đây, lửa và muối nói đến sự thanh luyện qua những thử thách và việc từ bỏ. Thật
vậy, theo bản chất của muối thì muối luôn luôn mặn và hòa tan trong nước. Tuy
nhiên, muối vẫn có thể trở thành vô dụng nếu muối bị nhiễm độc và dơ bẩn. Hơn nữa,
chỉ khi muối đã trở nên tinh khiết rồi nó mới có thể được dùng để thanh tẩy những
vật khác, như sách Các Vua quyển thứ hai 2, 21 thuật lại việc ngôn sứ Êlisa ném
muối xuống dòng nước gần thành Giêricô và thanh tẩy nó, làm cho nước được thanh
sạch để dân cư trong thành có thể uống được.
Những người sống đời thánh hiến cũng phải thanh tẩy bản thân
và những công việc trần thế của mình, để có thể thánh hóa những người sống
chung quanh mình. Những công việc trần thế tự chúng là tốt, nhưng chúng không
có giá trị tuyệt đối. Hơn nữa, công việc của con người bị tội lỗi gây thương
tích rồi. Chúng có tính hàm hồ: có thể hữu ích, cũng có thể làm hại. Con người
thật sự có quyền trên vũ trụ, trên hành vi của chính mình nhờ đặc ân tự do,
nhưng đồng thời mỗi người đều có kinh nghiệm đã bị tội khống chế vì lạm dụng tự
do. Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này” (Rm 12,2) nghĩa là “đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo,
khiến sinh hoạt con người vốn quy hướng về việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ
con người, lại biến thành phương tiện phạm tội” (Hiến chế Mục vụ “Vui mừng
và Hy vọng”, số 37). Như vậy, những người sống đời thánh hiến phải thanh tẩy bản
thân và mọi sinh hoạt trần thế của mình đang bị lâm nguy vì kiêu ngạo, và ích kỷ.
Chúng ta thanh tẩy chúng nhờ đời sống cầu nguyện và hy sinh, từ bỏ những dính
bén có thể nguy hại cho các lời khấn và chấp nhận những thử thách, đau khổ do
Chúa gửi đến khi thi hành bổn phận hàng ngày, như lời Chúa Giêsu nói với các
môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà
theo” (Mt 16, 24). Chỉ với điều kiện này, những người sống đời thánh hiến mới đủ
khả năng thánh hoá mình và làm ích cho tha nhân.
Qua việc học hỏi và nghiền ngẫm những lời Kinh Thánh nói về
muối, chúng ta đã hiểu được ước muốn của Chúa Giêsu khi Ngài nói với chúng ta:
“Anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13).
Là “muối” nghĩa là những người sống đời thánh hiến phải có vị
mặn thánh thiện và khôn ngoan, có đời sống cầu nguyện thâm sâu để có thể trung
tín với các lời khấn là giao ước tình yêu với Chúa, để thuộc trọn về Chúa, dành
cả cuộc đời cho một mục đích duy nhất là tìm Chúa, và gặp Chúa rồi thì đem Chúa
đến cho người khác. Là “muối” nghĩa là chúng ta phải sống mầu nhiệm kenosis: tự hủy mình ra không như muối
hòa tan trong nước, để có thể sống âm thầm, hy sinh, khiêm tốn, hòa hợp, và hiệp
nhất với mọi người. Là “muối” nghĩa là chúng ta phải trải qua thanh luyện, phải
chịu thử thách, đau khổ, phải từ bỏ những dính bén độc hại, và vác thập giá
hàng ngày để có được màu trắng tinh khiết của muối.
Xin Chúa trợ giúp chúng ta, để một khi hiểu được ý Chúa rồi
thì chúng ta cũng đem ra thực hành lời Chúa đã nói: “Anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13).
Trích Nội san Linh Đạo Đan Tu “Hạt Giống Chiêm Niệm”, số 17 năm 2015.