40 NĂM FAMILIARIS CONSORTIO

Gioan Lê Quang Vinh
Văn phòng Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình

WHĐ (20.01.2022) - Trong bài giảng Thánh Lễ tuyên thánh hai Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói “Thánh Gioan Phaolô II là "Giáo hoàng của gia đình”. Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, trong bài nói chuyện tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sàigòn ngày 13 tháng 10 năm 2019, đã nhấn mạnh: “Điều Đức Gioan Phaolô II băn khoăn rất lớn là về gia đình, bởi vì mọi người đều là con của một gia đình, thành người từ trong chiếc nôi của gia đình”.

Là “Giáo hoàng của gia đình”, Đức Gioan Phaolô II đã để lại một di sản lớn lao liên quan đến các vấn đề mà mọi gia đình ngày hôm nay thấy gần gũi. Ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngài tuyên bố thiết lập Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và Học viện Cao đẳng về Hôn nhân và gia đình tại đại học Latêranô. Và một loạt các bài Giáo lý của ngài nhiều năm sau đó là về Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình. Đối với ngài, gia đình là “môi trường của tình yêu, là môi trường của sự sống”.

Đặc biệt, hai năm sau khi Đức Gioan Phaolô II lên ngôi Giáo hoàng (ngày 16 tháng 10 năm 1978) ngài chọn chủ đề cho Thượng Hội đồng Giám mục đầu tiên của triều đại Giáo hoàng của ngài (26 tháng 9 đến 25 tháng 10 năm 1980) là “Gia đình Kitô hữu”. Vào ngày 22/11/1981 Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn Gia đình “Familiaris Consortio” mà chúng ta đang kỷ niệm 40 năm (1981-2021).

Tông huấn “Familiaris Consortio” (FC) trình bày ánh sáng và bóng tối trong gia đình ngày nay, những ảnh hưởng từ bên ngoài tác động đến gia đình, rồi trình bày mầu nhiệm hôn nhân Kitô giáo và những giáo huấn thực tế về gia đình.

Mục lục

I. GIÁ TRỊ CỦA GIA ĐÌNH. 1

II. SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH. 2

     1. Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị 3

     2. Phục vụ sự sống. 4

     3. Dự phần vào việc phát triển xã hội 6

     4. Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. 8

III. QUYỀN LỢI VÀ VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ.. 8

IV. GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM HỘI THÁNH


I. GIÁ TRỊ CỦA GIA ĐÌNH

Số 13 của Tông huấn FC mở ra cái nhìn toàn cảnh về giá trị của hôn nhân Công giáo: “Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giê-su Kitô, vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người. (…) Hôn nhân của những người đã chịu phép rửa tội trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.”

Chính nền tảng ấy làm cho hôn nhân Công giáo, “hôn nhân giữa những người đã chịu phép rửa là một trong bảy Bí Tích của Tân Ước. (…) Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội Thánh Ngài, qua dấu chỉ bí tích.”

Hôn nhân Công giáo là bí tích diễn tả tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, một tình yêu kết hiệp nhiệm mầu. Việc thông hiệp vợ chồng cũng nhiệm mầu đến nỗi Tông huấn dạy rõ ràng: “hôn nhân cũng là một biểu tượng thật của biến cố cứu độ, nhưng theo cách thế riêng. Đôi bạn dự phần vào đó với tư cách là đôi bạn, là hai vợ chồng, đến nỗi hậu quả đầu tiên và tức khắc của bí tích hôn nhân không phải là ân sủng siêu nhiên nhưng là mối dây liên kết hôn nhân Kitô giáo, là việc hai người thông hiệp với nhau theo cách thức đặc biệt Kitô giáo.” “Chính là những đặc tính thông thường của mọi tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố đặc tính ấy, nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng trở thành lời diễn tả những giá trị thật sự của Kitô giáo”

Thế nhưng những giá trị hôn nhân gia đình có nhiều nguy cơ bị tàn phá. Nguyên nhân của tình trạng ấy có thể được nhìn thấy rõ ràng trong xã hội ngày nay. Nhưng điều đặc biệt là Tông huấn FC chỉ ra một cách sâu xa và rõ ràng những nguyên nhân gây đổ vỡ. Đó là “sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình” và “trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn, như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những sự sống mới: người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, nhưng lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.” (FC 6)

Trong thời đại mà nhiều giá trị nền tảng bị phá đổ, trong đó giá trị gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Giáo hội khẳng định lại giá trị không những là truyền thống mà còn có nguồn gốc sâu xa là chính Thiên Chúa, để vừa đặt hôn nhân gia đình vào đúng chỗ mà Thiên Chúa định liệu vừa thôi thúc con cái Giáo hội kiên trì và can đảm thi hành sứ mạng cao quý của mình.

II. SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH

Tông huấn Familiaris Consortio bắt đầu Phần thứ Ba “Những Bổn Phận của Người Kitô Hữu” bằng lời xác quyết: “Trong ý định của Thiên Chúa Sáng Tạo và Cứu Chuộc, không những gia đình khám phá ra “căn tính” của nó, cái nó “là”, mà còn khám phá ra “sứ mạng” của nó, cái nó có thể và phải “làm”. (FC 17) Đó là “sứ mạng phải mỗi lúc một trở nên cái nó là, nghĩa là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu đang vươn lên và sẽ hoàn tất trong Nước Thiên Chúa – như mọi thực tại được sáng tạo và cứu chuộc.” (FC 17).

Tông huấn FC xác định các sứ mạng chính yếu của gia đình Công giáo bao gồm: Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị; Phục vụ sự sống; Dự phần vào việc phát triển xã hội; Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Đây là một dàn bài rất thiết thực cho các khóa đào tạo trong Giáo hội địa phương, như các lớp Giáo lý Hôn nhân, đào tạo tông đồ gia đình… miễn là thích nghi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và môi trường.

1. Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị

Nét chính yếu của sứ mạng này là “trung thành sống thực tại của sự hiệp thông - thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị.” (FC 18). Tiến trình này đòi một yếu tố cốt lõi và là sức mạnh của gia đình, đó là tình yêu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại điều ngài đã viết trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người”: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó” [số 45].

FC tái khẳng định sự hiệp thông bất khả phân ly của khế ước hôn nhân “được thiết lập và phát triển giữa đôi bạn: nhờ khế ước của tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ “không còn phải là hai nhưng là một xác thịt” và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau.”

Lời giáo huấn sau đây nói lên tầm quan trọng của mối hiệp thông trong hôn nhân. Chính nhờ Thiên Chúa thanh luyện và nâng lên hàng Bí tích, hôn nhân có vai trò đặc biệt trong chương trình Cứu độ:

“Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, (…)  Nhưng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa nắm lấy cái đòi hỏi đó, củng cố nó, thanh luyện nó và nâng nó lên cao, bằng cách dùng Bí Tích Hôn Phối mà đưa nó đến chỗ toàn thiện: Chúa Thánh Thần được đổ tràn xuống khi cử hành bí tích, đã trao tặng cho đôi bạn Kitô hữu một sự hiệp thông mới, hiệp thông trong tình yêu là hình ảnh sống và thực của sự duy nhất hết sức độc đáo đang làm cho Hội Thánh trở thành thân mình mầu nhiệm không thể phân chia của Đức Kitô.”

Sự hiệp thông trọn vẹn ấy trình bày cho con cái Giáo hội và cho thế gian thấy rõ Hôn nhân Công giáo là vĩnh viễn: “Bắt nguồn từ trong sự trao ban trọn vẹn và đích thân giữa hai vợ chồng, cũng như do lợi ích của con cái đòi hỏi, sự bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mặc khải của Ngài” (FC 20)

Từ sự hiệp thông trọn vẹn và cao cả đó, người nam và người nữ thi hành sứ mạng của mình trong Giáo hội lữ hành, và được Giáo hội dạy phải sống đúng nhân phẩm và vai trò được trao cho họ. Vai trò người phụ nữ được Giáo hội nhìn nhận và đề cao đúng như chương trình mà Thiên Chúa đã định: “Rồi Thiên Chúa lại bày tỏ phẩm giá của người nữ cách cao cả hết sức có thể khi chính Ngài mặc lấy xác thịt từ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a mà Hội Thánh tôn kính như Mẹ Thiên Chúa, gọi Mẹ là E-và mới và giới thiệu Mẹ như là kiểu mẫu của người nữ đã được cứu chuộc.”

Tông huấn FC cũng nói rõ: các nghị phụ Thượng Hội Đồng “phàn nàn hết sức” về tình trạng “kỳ thị hạ nhục đang làm phương hại và xúc phạm trầm trọng đến một số loại phụ nữ đặc biệt, chẳng hạn như những người vợ không con, các quả phụ, những người vợ ly thân, ly dị, những người mẹ độc thân và những tình trạng khác nữa.” (FC 24)

Giáo hội mời gọi người nam sống đúng vai trò và nhân vị của mình. Tông huấn FC trích lời Thánh Ambrôsiô: “Con không phải là chủ của nàng nhưng là chồng nàng; nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ… Hãy đáp lại những chú ý nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng”. Người nam phải sống với vợ mình bằng một “tình bạn trong ngôi vị thật đặc biệt”.

Tông huấn cũng dạy cách đối xử với con cái và người cao niên trong gia đình. Đức Thánh Cha viết: “Giữa lòng gia đình như một cộng đồng các ngôi vị, cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho đứa con, bằng cách phát huy lòng quí chuộng sâu xa đối với phẩm giá ngôi vị của nó, cũng như phát huy sự kính trọng thật to lớn đối với những quyền lợi của nó, những quyền lợi mà người ta phải phục vụ một cách quảng đại”. (FC 26).

Đối với người cao niên, “thay vì bị gạt ra khỏi gia đình hoặc bị coi như một gánh nặng vô ích, người già vẫn được hội nhập vào cuộc sống gia đình, tiếp tục dự phần vào đó một cách tích cực và có trách nhiệm – dù vẫn phải tôn trọng sự độc lập của gia đình mới – và nhất là người ấy thi hành một sứ mạng quý báu là trở nên chứng nhân cho quá khứ và nguồn mạch khôn ngoan cho các người trẻ và cho tương lai.” (FC 27). Tông huấn đưa ra lời nhận định sâu sắc: “Cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy rõ bậc thang các giá trị nhân bản, nó cho thấy sự tiếp nối các thế hệ và là một bằng chứng tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau trong Dân Thiên Chúa.”

2. Phục vụ sự sống

Tình yêu vợ chồng phục vụ sự sống và mở ngỏ cho sự sống là một trong những điểm quan trọng trong luân lý Kitô giáo. Tông huấn FC khẳng định điều này: “Chính vì thế mà mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh.” (FC 28). Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Việc thông truyền sự sống và quan trọng và đầy ý nghĩa, nhưng Giáo hội minh định một điều khác quan trọng hơn. Đó là “Sự phong nhiêu được nới rộng và làm giàu bằng tất cả mọi kết quả của đời sống luân lý thiêng liêng và siêu nhiên mà người cha và người mẹ đều được mời gọi trao ban cho con cái họ, và qua chúng, cho Hội Thánh và thế giới.” (FC 28).

Tông huấn nêu lên vai trò của Hội Thánh trong việc bảo vệ giá trị căn bản này: “Hội Thánh biết rõ rằng mình đã lãnh nhận sứ mạng đặc biệt phải giữ gìn và bảo vệ phẩm giá cao cả của hôn nhân và trách nhiệm hệ trọng của việc thông truyền sự sống con người.”

Thượng Hội Đồng kế thừa và gìn giữ giáo huấn của Hội Thánh: “Bởi thế, trong cuộc họp vừa qua, các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã tuyên bố rõ ràng như sau : “Thượng Hội Đồng Giám Mục, hiệp nhất trong đức tin và Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô xác nhận mạnh mẽ những gì đã được nêu ra trong Công đồng Va-ti-ca-nô II (×. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 50) và sau đó trong thông điệp Sự Sống Con Người, mà cách riêng là xác nhận rằng tình yêu vợ chồng phải là tình yêu hoàn toàn nhân bản được dành riêng cho đôi bạn và mở ra đón nhận sự sống” (Thông điệp, số 11, ×. 9 và 12).

Hội Thánh Công giáo bảo vệ sự sống bởi xác tín rằng “sự sống con người, dù có yếu ớt và đầy đau khổ, vẫn luôn luôn là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa tốt lành.” Và số 30 của Tông huấn FC có thể được xem là tuyên ngôn cho thái độ bảo vệ sự sống: “Hội Thánh lên án như là một xúc phạm nặng nề đối với phẩm giá con người và đối với sự công bằng, tất cả các hoạt động của những chính phủ hay những công quyền khác nhằm giới hạn một cách nào đó sự tự do của đôi bạn trong các quyết định của họ về con cái. Bởi thế, mọi vũ lực mà các quyền bính dùng để bắt buộc ngừa thai, và bắt buộc cả đến việc làm tuyệt đường sinh hay phá thai cố ý, đều phải bị lên án cách tuyệt đối và phải hết sức từ bỏ.”

Tông huấn cũng cho thấy đường hướng mục vụ trong việc chuẩn bị cho các đôi sắp cưới nhau: đó là giáo dục và thông truyền cho họ biết quan điểm luân lý của Hội Thánh: “khi đôi bạn bằng cách thuận theo những thời kỳ không thụ thai, tôn trọng mối dây bất khả phân ly giữa hai mặt kết hợp và truyền sinh của tính dục con người, họ đã coi mình là những “người thừa hành” ý định của Thiên Chúa và họ sử dụng tính dục như những “kẻ hưởng dùng”, theo tác động đầy năng lực từ nguyên thuỷ của việc trao hiến “trọn vẹn” chứ không hạ giá hay làm sai lạc.”

“Việc chọn theo những nhịp tự nhiên bao gồm sự chấp nhận thời gian của ngôi vị ở đây là chu kỳ của người nữ, và cũng là chấp nhận sự đối thoại, sự kính trọng lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm chung, sự tự chủ” (FC 32). Ở đây Tông huấn nhắc lại lời Đức Giáo hoàng Phaolô VI: “Việc dùng lý trí và ý chí tự do để làm chủ bản năng lẽ tất nhiên đòi phải có một sự khổ chế, vì chỉ có thể những biểu lộ tình yêu trong đời sống vợ chồng mới có thể điều hoà trong khuôn khổ, nhất là trong việc giữ sự tiết dục định kỳ. Những kỷ luật ấy, kỷ luật riêng của sự thanh khiết giữa đôi bạn không những không làm hại gì cho tình yêu vợ chồng mà còn đem lại cho tình yêu ấy một giá trị nhân bản rất cao.”

Cũng trong viễn tượng hôn nhân thông truyền sự sống, Tông huấn FC dạy rằng cha mẹ có quyền và bổn phận giáo dục con cái. Cha mẹ cần phải làm sao để cho “trẻ em lớn lên trong một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất”, dạy cho con cái mình “có được ý thức về sự công bằng đích thực, vì chỉ có sự công bằng ấy mới đưa đến sự kính trọng phẩm giá ngôi vị của từng người.” Tông huấn nhắc nhở tế nhị “việc phục vụ giáo dục của cha mẹ càng phải cương quyết nhắm đến một nền văn hoá tính dục là một sự phong phú của toàn thể ngôi vị (…); cha mẹ Kitô hữu cần dành một sự chú ý và chăm sóc đặc biệt để nhận ra những dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa muốn mời gọi họ giáo dục sự trinh khiết, như một hình thức tuyệt vời của sự tự hiến làm nên chính ý nghĩa cho tính dục con người.” (FC 37).

Trong việc giáo dục con cái, Tông huấn dạy: “Gia đình phải đào tạo cho con cái bước vào đời sống, giúp cho mỗi người con biết chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình tùy theo ơn gọi đã nhận được từ Thiên Chúa.” (FC 51)

Việc đào luyện đức tin cho con cái là điều quan trọng không thể lơ là trong việc giáo dục con cái. Tông huấn FC viết: “Phải tuyệt đối bảo đảm cho cha mẹ được quyền chọn một nền giáo dục phù hợp với đức tin của họ”, và “Hội Thánh và quốc gia có bổn phận đem lại cho các gia đình sự trợ giúp cần thiết để họ có thể thực hành các nhiệm vụ giáo dục của họ cách thích hợp.” (FC 38).

Một cách sâu sắc và rộng mở hơn, Tông huấn khuyên dạy “Các gia đình Kitô hữu còn có thể mở rộng hơn để sẵn sàng đón nhận và chịu trách nhiệm trông nom những trẻ em mất cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi.” Như thế các gia đình Kitô hữu không chỉ thực thi mệnh lệnh bác ái Kitô giáo mà còn mở rộng việc giáo dục đức tin cho các trẻ em khác ngoài con cái của riêng mình.

3. Dự phần vào việc phát triển xã hội

Trong Tông huấn FC, số 42, Đức Thánh Cha trích dẫn lời Thánh Công Đồng chung Vaticanô II trong Hiến chế Mục Vụ: “Đấng Tạo hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người”, nên gia đình trở thành “tế bào đầu tiên và sống động của xã hội”.

Trước hết, các đức tính mà con người có được trong đời sống gia đình như “kính trọng, công bằng, ý thức đối thoại, tình yêu” khi đưa vào xã hội sẽ khích lệ và giúp phát triển xã hội. Lời Thánh Công Đồng dạy: “gia đình là “nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp đỡ nhau trở nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hoà hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội” làm cho gia đình “làm chủ và chiếu toả những năng lực phi thường có thể kéo con người ra khỏi sự vô danh, thức tỉnh con người ý thức lại phẩm giá của mình” trước thực trạng xã hội đang đầy dẫy tình trạng “phi nhân hóa” với nhiều hậu quả tiêu cực “dưới biết bao hình thức “chạy trốn” – như uống rượu, dùng ma tuý, hoặc cả đến nạn khủng bố” (FC 42).

Gia đình còn dự phần vào việc phát triển  xã hội như thế nào? Tông huấn viết: “Gia đình, dù biệt lập hay kết thành hiệp hội, đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là lo cho những người nghèo và trong mọi trường hợp, lo cho những người và những tình cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được.” (FC 44). “Gia đình Kitô hữu được mời gọi lắng nghe lời khuyến dụ của thánh Tông Đồ: “Hãy ân cần cho khách trọ nhà”, và do đó, theo chân Đức Kitô và với tình bác ái của Ngài, họ còn được mời gọi hãy tiếp rước những anh chị đang gặp cảnh thiếu thốn” (FC 44)

Ngoài ra, “chính các gia đình là những kẻ đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng còn nâng đỡ và bảo vệ chúng một cách tích cực.” (FC 44)

Tông huấn cũng cho thấy rõ “Hội Thánh công khai và mạnh mẽ đứng ra bảo vệ các quyền của gia đình chống lại những lạm dụng không thể dung thứ của xã hội và của nhà nước. Về phần các nghị phụ THĐGM, trong những quyền lợi của gia đình, các ngài đề cập đến nhiều quyền khác nhau của gia đình.

Hội Thánh luôn bảo vệ con cái mình, và đặc biệt bảo vệ hôn nhân gia đình vì Hội Thánh ý thức đây là định chế đầu tiên và quan trọng trong việc duy trì dòng giống loài người và loan truyền Nước Chúa.

Có lẽ câu trích dẫn từ số 47 của FC tóm tắt được vai trò gia đình Công giáo đối với xã hội: “Gia đình Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi của mình đối với những vấn đề xã hội, mà ưu tiên là lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Chính vì thế, khi bước theo Chúa trong một tình yêu thương đặc biệt đối với tất cả mọi người nghèo, gia đình Kitô hữu phải lưu tâm riêng đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả, những ai bị đau ốm, nghiện ngập hoặc không có gia đình.”

Điều thú vị là ở cuối chương về sứ mạng gia đình đối với xã hội, Tông huấn đưa ra việc giáo dục con cái dựa trên các giá trị nền tảng của Học Thuyết Xã Hội Công giáo: “Cống hiến cho con cái một mẫu mực đời sống được xây dựng trên những giá trị: sự thật, tự do, công bình và tình yêu”. Và điều này góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

4. Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh

Gia đình có một trách nhiệm mang tính cách Hội Thánh, đó là “xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, bằng cách dự phần vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh.” (FC 49). Chính “Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình”, cho nên “gia đình Kitô hữu cũng hoà nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh đến độ được dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội Thánh theo cách riêng của mình”. (FC 49)

Tông huấn FC nêu rõ: “Gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh với một tư thế riêng biệt và độc đáo”. Giáo huấn của Thánh Công Đồng được nhắc lại: “Gia đình Kitô hữu làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Hội Thánh, qua tình yêu vợ chồng, qua sự quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung tín của gia đình cũng như qua sự hợp tác thân ái giữa mọi thành phần trong gia đình”. Như thế, vai trò quan trọng của gia đình trong Hội Thánh chính là loan báo Tin Mừng.

Ở đây chúng ta thấy khía cạnh mục vụ được Đức Thánh Cha đề cập trong Tông huấn FC: “ngay việc chuẩn bị hôn nhân đã có tính chất của một hành trình đức tin; quả vậy, đó là một cơ chế đặc biệt giúp cho những người đính hôn khám phá lại và đào sâu đức tin đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội và được nuôi dưỡng nhờ việc giáo dục Kitô giáo. Bằng cách ấy, họ công nhận và đón nhận một cách tự do ơn gọi sống theo gương Đức Kitô và phục vụ Nước Thiên Chúa trong chính bậc sống hôn nhân của mình.” (FC 51).

III. QUYỀN LỢI VÀ VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ

Như phần trên có trích dẫn, phẩm giá và vai trò người phụ nữ được đề cao trong Tông huấn FC: “Thiên Chúa lại bày tỏ phẩm giá của người nữ cách cao cả hết sức có thể khi chính Ngài mặc lấy xác thịt từ Đức Trinh Nữ Maria mà Hội Thánh tôn kính như Mẹ Thiên Chúa, gọi Mẹ là Evà mới và giới thiệu Mẹ như là kiểu mẫu của người nữ đã được cứu chuộc.” (số 22)

Trong Tông huấn này, Giáo hội một lần nữa xác quyết mạnh mẽ rằng “Về phụ nữ, trước hết cần phải ghi nhận rằng, phẩm giá và trách nhiệm của họ bình đẳng với phẩm giá và trách nhiệm của người nam”. (số 22).

Giáo hội dạy rằng sự bình đẳng ấy “biện minh cho việc người nữ dấn thân vào các vai trò xã hội”, nhưng không nhất thiết chỉ khi phụ nữ dấn thân như thế người phụ nữ mới thật sự bình đẳng với nam giới, mà “cần phải nhìn nhận rõ ràng vai trò làm mẹ và lo việc gia đình của phụ nữ có giá trị so với tất cả những vai trò công cộng và tất cả những chức nghiệp khác”, bởi lẽ Giáo hội nhận ra “ý nghĩa độc đáo, không thể thay thế được của việc lao động ở nhà và của việc giáo dục con cái” (số 22).

Tông huấn FC còn nhấn mạnh rằng khi con người loại bỏ sự phân biệt nghề nghiệp, công việc, để nhìn nhận rằng mọi việc làm đều có giá trị như nhau, đều có trách nhiệm và quyền lợi như nhau, thì “hình ảnh của Thiên Chúa trong người nam và người nữ nhờ đó mà được chiếu sáng hơn.” Khi không phân biệt nghề nghiệp và khi bình đẳng với nam giới, “không có nghĩa là phụ nữ phải từ bỏ nữ tính của mình hay phải bắt chước tính khí nam giới”, nhưng là đề cao nhân tính thật sự của người phụ nữ.

Hội Thánh không chấp nhận thái độ “nhìn con người không phải như một ngôi vị, nhưng như một đồ vật, một món hàng mua bán, để phục vụ cho lợi thú ích kỷ và lạc dục mà thôi” (FC 23). Giáo hội muốn con người tôn trọng nhân phẩm của nhau, nhất là nhân phẩm người phụ nữ. Và do đó, không được lạm dụng phụ nữ dưới bất cứ hình thức nào.

IV. GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM HỘI THÁNH

Vì mang phẩm giá cao quý bắt nguồn từ Thiên Chúa, gia đình có bổn phận sống chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa trong lòng Hội Thánh, sống mầu nhiệm Hội Thánh. Gia đình có một trách nhiệm quan trọng và lớn lao: “Giữa các trách nhiệm căn bản của gia đình Ki-tô hữu, có một trách nhiệm có thể nói là có tính cách Hội Thánh, vì trách nhiệm này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, bằng cách dự phần vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh.” (FC 49)

Mẹ Hội Thánh thực hiện nhiều điều có tầm quan trọng lớn lao cho gia đình: “Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Ki-tô hữu, bằng cách thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình.” Đến lượt mình, gia đình Ki-tô hữu cũng hoà nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh đến độ được dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội Thánh theo cách riêng của mình. (…) Do đó, không những họ “nhận được” tình yêu của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng “được cứu rỗi”, mà còn được mời gọi “truyền đạt” cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Kitô, để như thế họ trở nên một cộng đồng, “cứu rỗi” người khác.” Nói một cách đơn giản hơn, gia đình cần phải sống Tin Mừng, làm chứng cho Tin Mừng và loan báo Tin Mừng.

Tông huấn cũng tinh tế khi dạy rằng “việc gia đình tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh phải được thực hiện một cách cộng đồng; vợ chồng phải phục vụ Hội Thánh và thế giới với tư cách là đôi bạn, cũng như cha mẹ và con cái phải phục vụ Hội Thánh và thế giới với tư cách là gia đình.”

Sứ mạng và vai trò của gia đình có thể tóm gọn như sau: Gia đình là:

1) Cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng.

2) Cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa.

3) Cộng đồng phục vụ con người.

Việc chuẩn bị hôn nhân có tầm quan trọng lớn lao, định hướng cho gia đình tương lai, do đó Giáo lý hôn nhân phải củng cố đức tin cho các cặp vợ chồng sắp cưới: “Ngay việc chuẩn bị hôn nhân đã có tính chất của một hành trình đức tin; quả vậy, đó là một cơ chế đặc biệt giúp cho những người đính hôn khám phá lại và đào sâu đức tin đã lãnh nhận trong phép rửa tội và được nuôi dưỡng nhờ việc giáo dục Ki-tô giáo. Bằng cách ấy, họ công nhận và đón nhận một cách tự do ơn gọi sống theo gương Đức Ki-tô và phục vụ Nước Thiên Chúa trong chính bậc sống hôn nhân của mình.” (FC 51).

Và khi cử hành Bí tích Hôn phối, đôi vợ chồng được tràn đầy ơn thánh để chu toàn sứ vụ mình và sống đúng phẩm giá hôn nhân: “Đôi bạn Ki-tô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng, để chu toàn xứng đáng các bổn phận trong bậc sống của họ; khi chu toàn sứ mạng hôn nhân và gia đình của họ với sức mạnh của bí tích này, họ được đổ tràn tinh thần của Đức Ki-tô, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy, đức mến và càng ngày họ càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hoá lẫn nhau; và bởi đó, họ cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa” (FC 56)

Để sống Bí tích Hôn nhân, đôi bạn cần thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Giao hòa, bởi vì “Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên Thập giá” (FC 57).

Đối với Bí tích Giao hòa: “Việc cử hành bí tích này có được một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống gia đình: qua đức tin, đôi bạn và mọi thành phần trong gia đình khám phá được rằng, tội lỗi chống lại giao ước với Thiên Chúa cũng như giao ước giữa đôi bạn và sự hiệp thông gia đình; giờ đây họ được đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa “giàu lòng nhân từ”

Tông huấn FC khuyến khích các gia đình cầu nguyện chung với nhau. Kinh nguyện gia đình “có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa Tội và Hôn Phối đã đem lại.” Và kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống này được diễn giải như một ơn gọi từ Thiên Chúa mà đến và được thực hiện như một câu trả lời hiếu thảo cho tiếng gọi ấy” (FC 59)

Ngoài ra, Tông huấn cũng dành một phần nói đến những gia đình đang gặp khó khăn. Đó là những gia đình có hoàn cảnh đặc thù như phải di cư chẳng hạn, những gia đình có cuộc hôn nhân hỗn hợp và những hoàn cảnh “trái quy tắc”. “Hội Thánh tuyên xưng rằng mình trung thành với Đức Ki-tô và với bản chất đích thực của mình; đồng thời, với một lòng từ mẫu, Hội Thánh cúi mình lo cho con cái, cách riêng là những người con đã bị người phối ngẫu hợp pháp của họ rầy bỏ mà không do lỗi của họ.”

Tông huấn kết thúc bằng lời phó thác và chúc lành của Đức Thánh Cha: “Tôi xin ký thác mọi gia đình cho Ngài, cho Mẹ Maria, cho thánh Giuse. Tôi xin đặt Tông Huấn này trong tay các Ngài để thưa Anh em đáng kính và các con yêu quí, chính các Ngài sẽ trao nó lại cho Anh em và các con, để các Ngài mở rộng tấm lòng của Anh em và các ơn trong ánh sáng mà Tin Mừng đang chiếu toả trên mỗi gia đình ! Tôi hứa liên lỉ cầu nguyện cho tất cả và từng người, và với tất cả tấm lòng của tôi, tôi xin gởi đến Anh em và các con Phép lành Toà Thánh nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

Sàigòn, ngày Lễ Chúa Kitô Vua 2021
Kỷ niệm 40 năm Tông Huấn Familiaris Consortio
Gioan Lê Quang Vinh