THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
BÀI 6: LINH ĐẠO CỦA ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE – ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG MẾN THÁNH
GIÁ
Nhóm Nghiên Cứu
Linh Đạo Mến Thánh Giá
WHĐ, 27-05-2020 – Cảm thức tâm linh luôn âm vang nơi tâm hồn con người, nhất là nơi người
Kitô hữu, bởi ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy thôi thúc họ tìm kiếm và kết hợp với
Thiên Chúa. Người ta vẫn thường gọi đường dẫn đến sự gặp gỡ với Đấng Siêu Việt
này là con đường tâm linh mà truyền thống tu đức Kitô Giáo gọi là linh đạo. Tuy
vậy, có lẽ cũng cần một khái niệm để hiểu nghĩa của từ này.
Theo Từ Điển Công Giáo, Linh Đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên
Chúa, Đấng Thánh Thiện, qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần[1].
Trong một định nghĩa khác, linh đạo “là một cách thế sống và thể hiện Tin Mừng.
Linh đạo giống như những phương pháp và những kim chỉ nam, để giúp Kitô hữu đem
hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Kitô
ngày một hoàn hảo hơn, cho các tín hữu cũng như cho lương dân”[2].
Trong lòng Giáo Hội,
qua mọi thời đại, dù cách thức sống linh đạo đặc thù của mỗi Kitô hữu rất phong
phú và đa dạng, nhưng mọi linh đạo đều xuất phát từ nguồn mạch duy nhất là Đức
Kitô và Phúc Âm của Người, để tìm cách hoạ lại một khía cạnh trong đời sống
phong phú vô tận của Người: chiêm niệm trên núi, rao giảng về Nước Thiên Chúa,
chữa lành bệnh nhân và người tàn tật, kêu gọi người tội lỗi hoán cải, chúc lành
cho trẻ em và thi ân giáng phúc cho mọi người...[3].
Khi chọn lựa cho
mình phương thế nên thánh bằng việc hướng trọn cái nhìn và con tim về Đức
Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, Đức Cha Pierre Lambert khao khát gắn chặt đời mình với
Người bằng một tình yêu thực tiễn và phi thường, đến độ sẵn lòng dâng tiến, trao gửi và cống hiến trọn
vẹn con người mình, để Chúa dùng theo
cách Người muốn, hầu tiếp nối sự hy sinh đau khổ của Người[4].
Một trải nghiệm
tâm linh thường chịu ảnh hưởng không ít từ nền văn hóa, hoàn cảnh xã hội. Do
đó, vài nét phác hoạ về bối cảnh Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII, sẽ giúp hiểu rõ hơn
những giá trị tinh thần, những ký ức tâm linh của Đức Cha Pierre Lambert. Từ
đó, có thể hiểu, cách quân bình và sâu sắc, con đường thiêng liêng mà Đức Cha
đã mở lối và bước đi. Cho đến nay, có biết bao thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá vẫn
luôn tiếp bước trên con đường này khi chọn Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối
tượng duy nhất cho cuộc đời mình.
Thế kỷ XVII được
xem là thế kỷ vĩ đại về nhiều phương diện. Đây là thời kỳ vẻ vang của lịch sử
nước Pháp về mặt chính trị, quân sự, văn chương và nghệ thuật. Cuộc đời Đức Cha
Pierre Lambert de la Motte nằm gọn trong lòng thế kỷ này (1624-1679). Ngài sinh
ra và lớn lên dưới triều đại Vua Louis XIII (trị vì từ năm 1610-1643) và chọn
hướng đi cho cuộc đời của mình dưới triều đại Vua Louis XIV (trị vì từ năm
1643-1715). Điều đáng lưu ý, Vua Louis XIII được mệnh danh là “Vua Công Chính”[5] và
Vua Louis XIV, vị Vua mà các sử gia đã tặng biệt hiệu là “Louis Đại Đế”, “Vua Mặt
Trời”[6]. Đây
là hai vị Vua Công Giáo và sùng đạo.
Nhìn sâu vào thực
tế nước Pháp thời đó, các sử gia phát hiện thêm điều này là vẻ hào nhoáng bề
ngoài kia che đậy nhu cầu bức thiết của một xã hội cần được Phúc Âm chiếu rọi,
để thúc đẩy mọi người hoán cải và sống công chính thánh thiện. Thật vậy, thế kỷ
XVII của nước Pháp được đánh dấu bởi những cuộc hoán cải kỳ diệu và sự thấm nhuần
tinh thần Phúc Âm.
I. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO HỘI PHÁP THẾ KỶ XVII
Từ đầu thế kỷ
XVII, tinh thần Phúc Âm đã thấm nhập sâu rộng vào đời sống Giáo Hội Pháp qua ba
cửa ngõ chính: các tác phẩm tu đức, lòng sùng kính Mẹ Maria và hoạt động của
các Dòng tu.
Những tác phẩm tu
đức đã góp phần hữu hiệu, hun đúc được nhiều tâm hồn thánh thiện:
- Sách Gương Chúa Giêsu: được viết vào thế kỷ
XV, nhưng đã chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống người Công Giáo thế kỷ
XVII. Chúng ta được biết Pierre Lambert ham đọc và suy niệm quyển sách này từ
thuở thiếu thời[7].
- Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức của Thánh
Francois de Sales (1608). Tác phẩm này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng
trong lịch sử tu đức, vì thánh nhân đặc biệt quan tâm hướng dẫn cách nên thánh
cho các Kitô hữu sống giữa đời.
- Những tác phẩm
thần bí của Thánh nữ Têrêsa Avila, được phiên dịch và phổ biến rộng rãi: Con Đường Hoàn Thiện (1566- 1567, xuất bản
năm 1583), Lâu Đài Nội Tâm (1577).
2. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria
Từ thời Thánh
Bênađô (1091-1153), Vua Thánh Louis IX (1214-1270) và Thánh nữ Jeanne d'Arc
(1412-1431), nước Pháp sống trong bầu khí rất sùng kính Đức Mẹ Maria. Truyền thống
lâu đời ấy đạt tới cao điểm vào thế kỷ XVII: Vua Louis XIII long trọng dâng cả
nước Pháp cho Đức Mẹ ngày 10/02/1638. Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria đã chiếm một
vị trí rất đặc biệt trong đời sống Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII, vì thế, một tác
giả phải thốt lên: “Nước Pháp là lãnh địa của Đức Mẹ và là vương quốc tôn kính
Đức Mẹ nhiều nhất trên khắp cả thế giới”[8].
Trong bầu khí đó,
Đức Cha Lambert cũng có lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt, qua việc siêng
năng lần hạt Mân Côi và hành hương kính viếng các nhà thờ được dâng kính Đức Mẹ.
Ngài còn chỉ thị cho các chị em Mến Thánh Giá “lần hạt Mân Côi”, như một việc đạo
đức của ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc[9]. Vào cuối
năm 1671, trước khi lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ ở Đàng Trong, ngài dạy
các ứng sinh hãy làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ và Thánh Giuse để xin ơn soi
sáng[10].
Chính ngài cùng với Đức Cha Francois Pallu, đã tôn vinh Đức Mẹ với tước hiệu đầy
vinh dự “Đấng Sáng Lập các miền truyền giáo của chúng tôi”[11].
Sinh hoạt của các
dòng tu cũng thổi vào Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII một luồng sinh khí mới. Đó là
những dòng mới như Dòng Tên, Dòng Bé Mọn... và những dòng kỳ cựu nhưng được
canh tân như Dòng Biển Đức, Dòng Xitô, Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô... Sự đóng
góp của các dòng tu rất đa dạng nhưng tập trung vào hai lãnh vực chính: truyền
giáo cho lương dân và huấn luyện đời sống đạo đức cho dân Chúa. Trong lãnh vực
thứ hai này, đáng kể nhất:
- Những sinh hoạt
của các Hiệp Hội như: Hiệp Hội Thánh Mẫu do Dòng Tên thành lập; Hiệp Hội Thánh
Thể do ông Henri de Levis thành lập dưới sự cố vấn của Dòng Phanxicô và Dòng Tên; và Hội Nguyện Đường do Hồng Y Pierre de Bérulle.
- Giáo dục đời sống
văn hóa và đời sống đức tin cho giới trẻ do một số dòng tu đảm trách.
- Trau dồi và đào
sâu đời sống cầu nguyện trong các nhà tĩnh tâm do tu sĩ hoặc giáo dân hướng dẫn.
Theo nhận định của một sử gia, thế kỷ XVII là thời đại hoàng kim của phong trào
tĩnh tâm và nguyện ngắm có phương pháp[12].
Giáo Hội Pháp thế
kỷ XVII thật phong phú về tinh thần hăng say phấn khởi, về đời sống cầu nguyện,
về chủ nghĩa anh hùng và các nhân đức thầm kín[13]. Chỉ
trong giai đoạn đó, nước Pháp đã cống hiến cho Giáo Hội ít nhất 27 vị thánh và
chân phước được tuyên phong chính thức, và biết bao tâm hồn đạo đức thánh thiện
khác dấn thân phục vụ Giáo Hội.
II. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC BẬC THẦY ĐẠO ĐỨC
Vị linh hướng đầu
tiên của Đức Cha Pierre Lambert là cha Julien Hayneuve, thuộc Dòng Tên có thế
giá qua “đời sống siêu thoát trần gian, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa,
khiêm nhường thẳm sâu, nguyện ngắm cao siêu...”[14]. Chính
ngài đã khai tâm cho Pierre Lambert về đời sống cầu nguyện, xin ơn soi sáng của
Chúa Thánh Thần và sống trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Kitô: “Ngôi Lời Nhập
Thể phải điều khiển chúng ta như đã điều khiển nhân tính của Người”[15]. Tư
tưởng này của cha Hayneuve được phản ánh rõ nét trong quan niệm tu đức của Đức
Cha Lambert.
2. Ông Jean de Bernières de Louvigny (1602-1659)
Ông Jean de
Bernières, một giáo dân đạo đức, là bạn đồng hương của Thánh Jean Eudes và Đức
Cha Pierre Lambert. Ông nổi bật giữa Giáo Hội vùng Normandie và cả nước Pháp với
một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc và tinh thần tông đồ nhiệt thành, thể hiện bằng
những việc:
- Xây Ẩn Viện
Caen làm nơi tĩnh tâm để cổ võ việc nguyện ngắm.
- Lập Hiệp Hội Khổ
Nhục để phát huy đức khiêm nhường và tinh thần khổ chế, và lập hội giúp đỡ người
nghèo khổ bệnh tật.
- Tận tình yểm trợ
chương trình truyền giáo ở Canada. Các bài huấn đức ông giảng cho thành viên Hiệp
Hội Thánh Thể hoặc cho môn sinh tại Ẩn Viện Caen được thu thập và xuất bản với
nhan đề: “Người Kitô Hữu Nội Tâm”. Chính Đức Cha Francois Pallu đặc biệt giới
thiệu quyển sách này với các cha Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris để
làm tài liệu giảng dạy và sách thiêng liêng cung cấp đề tài nguyện ngắm[16].
Giáo huấn và
gương sáng của ông Jean de Bernières ghi đậm nét trên tâm hồn Đức Cha Lambert,
mặc dầu quan niệm tu đức và phương pháp nguyện ngắm của ông có vài điểm hơi
thái quá.
Thánh Jean Eudes
là gạch nối quan trọng giữa linh đạo trường phái Pháp và Đức Cha Pierre
Lambert. Thánh nhân là môn đệ trực tiếp của Đức Hồng Y de Bérulle, đã sống
trong Hội Nguyện Đường 20 năm (từ 1623-1643) trong nhiệm kỳ Bề Trên của Đức Hồng
Y và cha Condren; còn Đức Cha Lambert là môn đệ của Thánh Jean Eudes, đã từng cộng
tác với ngài trong việc mở chủng viện đào tạo các linh mục tại Rouen. Ảnh hưởng
của thánh nhân trên Đức Cha Lambert thuộc ba lãnh vực: Tu đức, mục vụ và xã hội[17].
Một vị linh hướng
khác của Đức Cha Lambert là cha Simon Hallé, đã hướng dẫn ngài vào đời sống khổ
hạnh là đặc điểm nổi bật của Dòng Bé Mọn. Các tu sĩ Dòng Bé Mọn tạo được ảnh hưởng
tốt tại Pháp trong thế kỷ XVII. Khi Đức Cha Lambert sang Thái Lan, tiếp xúc với
giới tăng ni Phật Giáo Tiểu Thừa, ngài liên tưởng tới Dòng Bé Mọn có nếp sống
khổ hạnh, gần giống như họ.
Đức Cha Pierre
Lambert là một người con chân chính của Giáo Hội Pháp thế kỷ XVII. Nhưng người
con ấy đã tiếp nhận gia sản tinh thần của Mẹ Giáo Hội một cách sáng tạo để trở
thành vị chủ chăn thánh thiện của Giáo Hội Việt Nam, và người cha tinh thần của
nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Tính kế thừa và tính sáng tạo của Đức Cha Lambert sẽ
nổi bật lên rõ nét hơn nữa trong phần trình bày tổng hợp về linh đạo của ngài[18].
Linh đạo Đức Cha
Lambert, tổng hợp kinh nghiệm thiêng liêng và quan niệm tu đức của ngài, được
phản ánh sâu sắc và phong phú trong các bút tích ngài để lại. Nguồn mạch cho đời
sống thiêng liêng của ngài là Đức Kitô, xoay quanh trọng tâm là Đức Kitô, rập
theo khuôn mẫu là Đức Kitô, và hướng về cùng đích là Đức Kitô[19]. Do
đó, chúng ta có thể nói được rằng, linh đạo của Đức Cha Lambert mang đặc tính
Kitô trung tâm. Linh đạo ấy, tập trung vào ba chiều kích chiêm niệm, khổ chế và
tông đồ, hướng dẫn đời sống thiêng liêng và hoạt động truyền giáo cho các thừa
sai và người nữ tu Mến Thánh Giá.
1. Tâm hồn chiêm niệm
Đức Cha Lambert
de la Motte có một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc: từ thời trẻ tuổi, ngài có thói
quen nguyện ngắm mỗi ngày[20] và
trải qua những cuộc tĩnh tâm 30 hoặc 40 ngày. Kinh nghiệm sa mạc này được lặp lại
nhiều lần trong đời ngài, kể cả trong thời gian làm Giám Mục thừa sai tại Châu
Á[21].
Nhờ ân sủng thần
bí Chúa ban, từ lúc thiếu thời, tâm hồn Đức Cha đã sớm trở nên nhạy bén và tỏ
ra ngoan nguỳ trước những tác động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, lúc mới lên
chín tuổi tại Lisieux, ngài được ơn Chúa soi sáng để hình dung ra một Hội Dòng
gồm Những Người Yêu Mến Thánh Giá. Ba mươi năm sau, trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày
tại Ayutthaya vào năm 1663, vị Giám Mục thừa sai đầu tiên của miền Đông Á lại
được thôi thúc để thành lập một Hiệp Hội mang tên Những Người Yêu Mến Thánh
Giá. Cuộc tĩnh tâm này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lộ trình thiêng
liêng của Đức Cha Lambert, làm phát sinh nơi ngài “một ước nguyện lớn lao là chứng
tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô”[22].
Với tâm hồn chiêm
niệm, vị tông đồ thừa sai chân chính luôn cảm nhận được lòng thương xót của
Thiên Chúa, Đấng tốt lành hằng soi tỏ cho ngài biết phải sống thế nào cho đẹp
lòng Ngài. Trong cuộc hành trình đến miền truyền giáo, Đức Cha Lambert thường
xuyên có được những cảm nghiệm nội tâm sâu sắc về sự tác động của Thiên Chúa
trong tâm hồn, như ngài từng chia sẻ với vị linh hướng của mình: “...con phải
thưa với cha rằng, dường như Thiên Chúa toàn năng làm chủ nội tâm và các hoạt động
của nội tâm chúng ta. Cách Ngài tác động trong chúng ta thật là tuyệt đối,
không còn có vấn đề vận dụng ý chí để muốn, nhưng một khi linh hồn thấy, hoặc cảm
nghiệm được thánh ý Thiên Chúa thì hướng ngay về đó, chẳng những không cần suy
nghĩ gì cả, mà còn cảm thấy thích thú một cách khôn tả nữa”[23].
Đối với Đức Cha,
cuộc hành trình thừa sai này còn là một cuộc hành hương đặc biệt, giúp ngài nhận
thức được những đòi hỏi của Thiên Chúa trong việc hoán cải không ngừng, để có
được một đời sống hoàn hảo, thánh thiện, xứng hợp với bậc sống. Bên cạnh đó, việc
vun trồng đời sống nội tâm sâu sắc luôn là nhu cầu thiết yếu để tâm hồn vị thừa
sai ngày càng trở nên nhạy bén và trung thành với tác động của ân sủng[24].
2. Thái độ nội tâm
Đức Cha Lambert
xác tín rằng, Chúa Thánh Thần hằng cư ngụ và hoạt động trong nội tâm mỗi người,“để
tiếp nối những hoạt động mà Ngài đã thực hiện trong nội tâm Chúa Giêsu Kitô”[25].
Khi nhận thức được sự hiện diện và linh hoạt của Thần Khí trong nội tâm, linh hồn
sẽ có thái độ nội tâm thích hợp, đó là “hoàn toàn chú tâm vào việc lắng nghe Thần
Khí”[26]. Nhờ
đó, linh hồn sẽ nhận được tác động của Thần Khí và “chỉ cần làm theo sự thôi
thúc của Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ ở lại và cư ngụ trong họ”[27].
Lắng nghe Thần
Khí là thái độ tất yếu trong cầu nguyện cũng như trong mọi hoạt động của nội
tâm. Chính Thần Khí Đức Giêsu Kitô không ngừng thôi thúc những tâm hồn luôn
khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và hướng dẫn họ cách thức thờ phượng đẹp lòng
Ngài. “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng
trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,23-24). Việc lắng nghe Thần Khí cũng là cách
thức tìm kiếm Thiên Chúa trong Thần Khí
và Chân Lý, giúp các tâm hồn thiện chí dễ dàng đi vào trong tương quan mật thiết
với Thiên Chúa, qua Con Một yêu dấu của Ngài, được chìm sâu trong sự hiện diện
của Ngài, được tan biến trong Ngài và liên lỉ được Thần Khí của Ngài linh hoạt.
Cũng chính trong Thần Khí và Chân Lý mà mọi tâm
tình, trạng thái, hoạt động của con người được hướng dẫn đến một sự kết hợp trọn
vẹn với Thiên Chúa. Trong hành trình thừa sai cũng như trong các hoạt động truyền
giáo, Đức Cha Lambert luôn chú tâm tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đối
với ngài, mỗi chặng dừng chân trên hành trình truyền giáo là một dịp tĩnh tâm để
lắng nghe Thần Khí[28].
2.2. Chiêm ngắm Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh
Tình yêu đối với
Đấng chịu đau đớn, hấp hối và chết trên
giá gỗ còn gợi lên trong tâm trí Đức Cha Lambert tước hiệu đặc biệt của
Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Ba chữ “Chịu-Đóng-Đinh” là sáng kiến đầy ý
nghĩa đã được ngài thêm vào sau tên Chúa Giêsu, trong khẩu hiệu ngài thường viết
đầu lá thư: “Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng- Đinh phải là đối tượng duy nhất của
lòng trí chúng ta”[29]. Quả
vậy, kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Cha Pierre Lambert là một kinh nghiệm về
tình yêu phi thường dành riêng cho Đức Kitô Chịu-Đóng- Đinh. Chính tình yêu ấy
là linh hồn và động lực của đời sống chiêm niệm, khổ chế và tông đồ của ngài.
Với khuynh hướng
tập trung vào đối tượng duy nhất là Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, Đức Cha
Lambert còn tìm ra những nguyên tắc hữu hiệu cho đời sống nội tâm, những phương
pháp cầu nguyện đặc biệt, đồng thời cũng khám phá được những bí quyết thánh
thiêng, mới mẻ, đem lại lợi ích thiêng liêng cho tâm hồn: “Thật vậy, chúng ta
hãy nhìn xem ở đâu mình có thể nhận được nhiều ánh sáng hơn để chiếu soi cho
trí hiểu, nhiều tình yêu hơn để nung nấu ý chí, và nhiều đề tài hơn để nhắc
chúng ta nhớ lại nghĩa vụ của mình đối với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta? Có gì
có thể sánh với việc liên lỉ nhìn thấy Chúa hiện diện, chịu đau đớn, hấp hối và
chết trên giá gỗ? Nếu chúng ta muốn giục lòng tin, cậy, mến là ba nhân đức hướng
thần, điều gì có khả năng gây nhiều ấn tượng hơn là việc liên lỉ nhìn ngắm cảnh
tượng đó”[30].
Việc chiêm ngắm ấy
cũng đem lại cho đời sống thiêng liêng một hiệu quả chắc chắn, đó là khi linh hồn
chỉ tập trung vào Đức Giêsu- Kitô Chịu-Đóng-Đinh, chỉ nhìn thấy những đau đớn của
Người trên Thánh Giá, thì sẽ kết hợp với Thiên Chúa một cách rất đặc biệt[31]. Mặt
khác, nhờ ân sủng nhận được qua việc chiêm ngắm ấy, chúng ta sẽ học được cách
làm chủ hoàn toàn mọi đam mê của mình, “để từ nay chỉ làm vui lòng Chúa Chịu-Đóng-Đinh,
và chỉ tìm kiếm những điều có thể làm cho mình yêu mến Chúa hơn”[32]. Thật
vậy, đây là cách thực hành thánh thiện của người môn đệ Chúa Giêsu trong việc
nguyện ngắm, là bí quyết lớn nhất của đời sống nội tâm và trọn lành, và là nét
đặc thù trong linh đạo của Đức Cha Lambert.
Việc liên lỉ
chiêm ngắm Đấng Chịu-Đóng-Đinh trên Thánh Giá không những làm phát sinh nơi Đức
Cha những trực giác hoặc những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc, mà còn hình
thành nơi ngài một phương pháp nguyện ngắm đặc biệt. Đó là nguyện ngắm thụ động. Đức Cha quan niệm rằng: “Sự trọn lành của
nguyện ngắm hệ tại việc kết hợp hiện tại và thụ động với Thiên Chúa luôn hiện
diện nơi linh hồn [...]. Bởi vì linh hồn khi bị lôi kéo vào sự nguyện ngắm thụ
động, thì luôn luôn tìm được những đề tài mới mẻ để tập trung vào các thuộc
tính của Thiên Chúa, mang lại cho linh hồn một sự vui thích và mãn nguyện không
thể tưởng tượng được”[33].
Tâm thế thụ động
trong lúc nguyện ngắm là thái độ nội tâm cần thiết, là yếu tố quyết định cho sự
kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô. Đặc biệt, theo kinh nghiệm của Đức Cha Lambert,
trong trạng thái cho Chúa Kitô mượn lấy thân xác, để Người tiếp tục thực hiện
việc hãm mình đền tội cho nhân loại, Đức Cha nhận thấy rằng: “Thiên Chúa, Cha của
Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các
đau đớn của Con mình; sự kiện Chúa Cha hằng hữu ưng nhận như thế, phải là quy tắc
hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế
hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài”[34].
Trong chiều kích
chiêm niệm của Đức Cha Lambert, tâm thế
thụ động là một đề tài quan trọng, xuyên suốt trong các kinh nghiệm thiêng
liêng và quan niệm tu đức của ngài. Đó là thái độ của một tâm hồn luôn đặt mình
dưới tác động của Thần Khí để “hoàn toàn mặc lấy Chúa Kitô, hoàn toàn tan biến
trong Người và liên lỉ được Thần Khí của Người linh hoạt, hoàn toàn bị hủy ra
không và luôn luôn giữ vai trò thụ động chứ không phải vai trò chủ động trong mọi
sinh hoạt”[35].
Tinh thần chiêm
niệm của Đức Cha Lambert cũng được diễn tả trong các bản luật mà ngài soạn thảo
cho Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta cũng như
cho Dòng Nữ Mến Thánh Giá, và trong chính lá thư mà ngài viết cho hai chị nữ tu
Mến Thánh Giá đầu tiên. Mức tối thiểu ngài đòi hỏi các nữ tu Mến Thánh Giá là
suy niệm mỗi ngày một giờ, theo bài soạn sẵn đọc cho mọi người nghe. Đối với Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến
Thánh Giá, ngài xin anh chị em suy niệm mỗi ngày nửa giờ về cuộc đời đau khổ của
Chúa Giêsu[36].
Ngài cũng khuyến khích các tín hữu khác suy niệm về sự thương khó Chúa, ít nhất
vào các ngày lễ buộc[37].
Như được trình
bày trên đây, chiều kích chiêm niệm của Đức Cha Lambert diễn tả tình yêu phi
thường đối với Đấng Chịu Đóng- Đinh, là động lực thúc đẩy những ai muốn bước
theo linh đạo Mến Thánh Giá trong những hành động cụ thể: thông phần cuộc khổ nạn
của Đức Kitô và tiếp nối cuộc đời đau khổ của Người. Đó là khía cạnh thực tiễn
của tình yêu trong linh đạo của Đức Cha Lambert, là chiều kích khổ chế mà chúng
ta sẽ bàn tới sau đây.
Với bản chất yếu
đuối và với khuynh hướng thích tìm sự dễ dãi, trong một thế giới của khoái lạc,
hưởng thụ như hiện nay, con người khó chấp nhận sự khuôn mình theo những đòi hỏi
hiển nhiên thường tình trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong mọi thời đại và trong
mọi hình thức sống, việc thực hành khổ chế luôn là điều cần thiết và có giá trị
cho sự thăng tiến, phát triển của con người, cả về mặt tinh thần lẫn thể xác,
phương diện nhân bản lẫn tu đức, đời sống tự nhiên lẫn đời sống siêu nhiên.
Trong lãnh vực đời
sống đức tin, khổ chế là cách thức giúp người Kitô hữu quy hướng cuộc sống của
mình về Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì họ, để qua Người họ đạt đến sự trọn
lành, đến cùng đích tuyệt đối của mình là Thiên Chúa. Quan điểm này có thể được
minh chứng nơi cuộc đời của Vị Đại diện Tông Tòa tiên khởi Đàng Trong và là Đấng
Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá.
Sau khi cảm nghiệm
tình yêu phi thường của Đức Giêsu Kitô trên Thánh Giá, Đức Cha Lambert được
thôi thúc đáp lại tình yêu ấy bằng những thực hành thiết thực, để diễn tả tình
yêu đặc biệt và lớn nhất của ngài dành riêng cho Đấng Chịu-Đóng-Đinh. Đó là ý
nghĩa và giá trị của chiều kích khổ chế trong linh đạo Đức Cha Lambert được thể
hiện qua những đặc điểm sau đây.
1. Khổ chế biểu hiện tình yêu thực tiễn đối với
Thánh Giá Con Thiên Chúa
Trong Bản Luật viết
cho Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta, Đức Cha
Lambert đã nêu lên một chân lý: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người
[...] là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu Kitô mà thôi”. Theo đó, “lòng đạo đức
chân thật và vững chắc dựa trên Thánh Giá Chúa Cứu Thế, mà mỗi người phải vác cả
trong tâm hồn lẫn ngoài thể xác, [...] là con đường cứu độ diễm phúc và chắc chắn...”[38].
Chân lý ấy là nền tảng cho những quan niệm tu đức của Đức Cha về việc thực hành
khổ chế trong đời sống Kitô hữu cũng như trong hành trình bước theo Đấng Chịu-Đóng-Đinh
của những người yêu mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô.
1.1. Tình yêu đối với Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh
Trong Tông huấn Vita Consecrata, Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II xác nhận: “Việc chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là một nguồn
cảm hứng cho tất cả các ơn gọi, là khởi điểm của mọi ân điển, tiên vàn là ơn
Thánh Thần được trao ban, cũng như ơn sống đời thánh hiến” (VC 23). Cũng vậy,
trong kinh nghiệm của Đức Cha Lambert, việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô trên
Thánh Giá đã khơi nguồn cảm hứng và làm phát sinh nơi ngài một tình yêu đặc biệt
đối với Đấng Chịu-Đóng-Đinh: “Tôi đã có một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một
tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, tôi xin Người soi tỏ cho
biết có thể làm cách nào để biểu lộ mối tình ấy”[39].
Tình yêu đối với
Chúa Giêsu trên Thánh Giá chiếm một vị trí quan trọng và tuyệt đối trong tâm hồn
cũng như trọn cuộc sống của Đức Cha Lambert. Theo ngài, tất cả mọi ước muốn của
con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn[40]. Đó
quả là thú vui chân thật, thánh thiện và duy nhất của những tâm hồn hằng chiêm
ngắm Đức Kitô trên Thánh Giá và ước ao được sống kết hợp với Người cách đặc biệt.
1.2. Phổ biến tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con
Thiên Chúa
Tình yêu phi thường
đối với Chúa Giêsu Kitô còn thúc đẩy Đức Cha thành lập các Hiệp Hội Những Người
Yêu Mến Thánh Giá, để “phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá
Con Thiên Chúa”[41].
Ngài cũng thao thức cho các tín hữu tại các nơi thuộc miền truyền giáo của các
thừa sai, hằng ngày chuyên cần cầu nguyện và nhiệt tình thực hành những hy sinh
để diễn tả tình yêu dành cho Đức Kitô trong một cách thức sống động và thiết thực
nhất[42].
Nhiều lần trong lúc nguyện ngắm, Đức Cha Lambert được soi sáng để thấy rằng:
“... trên đời này không có gì làm sáng danh Thiên Chúa hơn việc thành lập Hội
Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá...”[43].
Trong thư gửi Đức
Giáo Hoàng Clêmentê IX, ngày 12/10/1670, Đức Cha viết: “Con cũng đệ trình lên Đức
Thánh Cha bản luật sống của hai tổ chức: Một tổ chức đã được khởi xướng để giúp
ích cho dân Kitô Giáo trong những địa sở của các miền truyền giáo. Thật vậy, vì
có những người mang nặng một tình yêu đặc biệt đối với cái Chết và Thập Giá của
Chúa Giêsu, nên không có gì hợp lý bằng việc cổ võ lòng sùng kính vững chắc như
thế”[44].
Đức Cha thật sự
tâm đắc và say mê đời sống của Những Người Mến Thánh Giá mà ngài được soi sáng
và được thúc đẩy để thành lập. Đối với ngài, đời sống của họ “là một hoạ ảnh
hoàn hảo của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô khi còn ở trần gian”[45].
2. Khổ chế mang tính cách tự nguyện
Khổ chế mang tính
cách tự nguyện nơi Đức Cha Lambert là nhằm thông phần Thập Giá Đức Kitô, bằng
những đau đớn vất vả bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với thánh ý
Thiên Chúa. Theo đó, tình yêu dành riêng cho Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh phải là một
động lực phi thường thúc đẩy con tim hướng
đến sự hy sinh tự nguyện và yêu mến.
2.1. Thông phần Thập Giá Đức Kitô
Chúa Giêsu nói với
các môn đệ: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Thầy, là vì Thầy hy sinh mạng sống mình
[...]. Mạng sống của Thầy không ai lấy đi được, nhưng chính Thầy tự hy sinh mạng
sống mình” (Ga 10,18). Khổ chế là cách thức chết đi trong mọi sự để chỉ sống
cho một mình Thiên Chúa. Đó là cách thức mà Đức Cha Lambert đã tự nguyện thực
hành trong suốt cuộc đời. Càng đau khổ, Đức Cha càng sống tinh thần khổ chế
cách triệt để hơn trong sự thông phần với Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Ngài luôn
xác tín, Thiên Chúa đòi hỏi ngài phải đi theo con đường hẹp cho đến chết, cả về
lý thuyết lẫn thực hành[46].
Với niềm say mến
đặc biệt Đức Kitô trên Thập Giá, Đức Cha cảm nhận được từ trong nội tâm, một sự
ràng buộc ngày càng chặt hơn vào Thánh Giá của Người. “Ơn hướng chiều và trực
giác đặc biệt về Thánh Giá” là quà tặng ân sủng Thiên Chúa ban đã thúc đẩy ngài
có những thực hành cụ thể như ngài đã từng chia sẻ với Đức Cha Pallu, người bạn
đồng hành của mình. Chúng tôi “nguyện ngắm mỗi đêm hai tiếng đồng hồ, từ một đến
ba giờ sáng, để suy gẫm về những đau khổ của Chúa và những lý do thúc đẩy Người
chịu đựng vì chúng tôi. Sau đó, chúng tôi thông dự phần nào vào những đau khổ của
Người như một của lễ hy sinh bé nhỏ, đó là khi đọc mỗi câu trong Thánh vịnh Sám
Hối (Tv 50) thì đánh tội năm roi. Chúng tôi nhận được nhiều ơn, và tiếc rằng
không được biết việc đạo đức này sớm hơn”[47].
Đức Cha còn được
nhận biết: “Ý định của Con Thiên Chúa
trong việc thành lập Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá Đức
Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta, là để tái hiện sự đau đớn và ân sủng gắn liền với cuộc
Thương Khó của Người”[48], bằng
việc “chuyên chú suy gẫm cuộc Thương Khó và thông dự những nỗi khổ đau của Người
hằng ngày trong suốt cuộc đời”[49].
2.2. Tâm tình vâng phục bên trong
Để thông phần với
Thập Giá của Đấng Cứu Thế, người tông đồ sống khổ chế không chỉ bằng những thực
hành mang tính tự nguyện như thế, mà còn sẵn lòng đón nhận những khó khăn, thử
thách trong cuộc sống và do sứ vụ. Là một thừa sai Tông Tòa, Đức Cha cũng nhận
thức được rằng: “Vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ chịu đói, chịu khát,
chịu mệt mỏi; chịu người ta thù ghét, nói xấu và hất hủi bằng ngàn cách mà các
tôi tớ Chúa đang rao giảng Phúc Âm trong Thần Khí của Người được vinh dự lãnh
nhận.. .[Và với thái độ] hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa thì còn cái chết
nào đáng được ngưỡng mộ và thầm kín hơn cái chết do bị ám sát, bị đói, chết do
cùng cực, bệnh tật hoặc đầu độc vì Thiên Chúa của mình”[50].
Trong thư gửi cha
Simon Hallé, năm 1671, Đức Cha đã bộc lộ tình trạng nội tâm của mình trước quyết
định của Tòa Thánh trong việc bác bỏ Hội Tông Đồ. Mặc dù vui lòng chấp nhận,
nhưng ngài vẫn cảm thấy được thôi thúc phải “khuôn mình một cách sâu sát theo
thái độ bên trong và bên ngoài của Đức Giêsu Kitô đau khổ,” để “sát tế tất cả
các năng khiếu của linh hồn và thân xác”, chứ không chấp nhận sống một đời sống
tầm thường[51]. Và
trong tâm thế tùng phục triệt để thánh ý Chúa, ngài sẵn lòng đón nhận thập giá
mà Thiên Chúa đã dọn sẵn nơi miền truyền giáo Đàng Trong: “Ngày mai con sẽ lên
đường đi tới nơi thực hiện dự tính ấy, và con rùng mình khi thấy những thập giá
được dọn sẵn cho con tại đó. Tuy nhiên, con thấy rõ rằng, Chúa Cứu Thế muốn con
chịu đựng các thập giá ấy, vì những động lực làm con say mê. Con xin tùng phục
triệt để thánh ý Chúa”[52].
Thật vậy, do lời
khấn vâng phục nội tâm mà người thừa sai có được một tâm thế sẵn sàng cần thiết
để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Bởi vì khi “tự ràng buộc vào đức vâng lời tột
cùng, người ấy không bao giờ được hành động theo sự thúc đẩy của bản tính tự
nhiên và lý trí, nhưng chỉ do sự thúc đẩy nội tâm”[53].
3. Khổ chế gắn liền với nhân đức thờ phượng
3.1. Suy tôn Thánh Giá Con Thiên Chúa và kết hợp với
công nghiệp cứu độ của Người
Trong sự kết hợp
với Thánh Giá Con Thiên Chúa, khổ chế diễn tả thái độ thờ phượng sâu thẳm và đầy
tâm tình sốt mến của tâm hồn khát khao tìm kiếm để làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Theo cách thực hành khổ chế của Đức Cha Lambert, các việc hy sinh, hãm mình,
đánh tội... luôn được thực hiện vào giờ nguyện ngắm buổi chiều hay ban đêm,
trong sự kết hợp với các kinh nguyện đặc biệt, để long trọng suy tôn Hy Lễ
Thánh Giá cao cả của Chúa, để tưởng niệm những cực hình đau đớn Con Thiên Chúa
đã chịu, và dâng sự hy sinh ấy như của lễ thơm tho ngào ngạt, kết hợp với ý hướng
của Chúa chúng ta khi Người chịu hành hình. Đặc biệt, vào Chúa Nhật Lễ Lá và bốn
ngày tiếp theo, việc đền tội như trên phải làm gấp đôi, vào ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh, phải làm gấp ba, để tôn kính đặc biệt hơn thời gian cực thánh và ngày
Con Thiên Chúa chịu Thương Khó và chịu Chết[54].
Đó là những thực
hành mà Đức Cha Lambert quy định cho mình và cho Những Người Mến Thánh Giá cũng
như cho con cái tinh thần của ngài. Mục đích của Dòng Nữ Mến Thánh Giá cũng được
Đức Cha xác định rõ ràng, là đặc biệt chuyên chú tưởng nhớ và noi theo cuộc Thương
Khó của Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày như phương thế thuận lợi nhất để đạt tới sự hiểu
biết và yêu mến Người[55].
3.2. Thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân lý
(Ga 4,23)
“Vì chúng ta
không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu nguyện
thay cho chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26). Theo Đức Cha
Lambert, Chúa Kitô đóng vai trò chủ động trong những hoạt động của chúng ta bằng
sự linh hoạt của Thần Khí Người. Chúng ta cần có thái độ nội tâm xứng hợp đó là
giữ vai trò thụ động trong mọi sinh hoạt, nghĩa là chỉ làm theo quan điểm đức
tin, theo sự thôi thúc thuần tuý của ân sủng và Thần Khí Đức Giêsu Kitô đang sống
trong ta. Ý tưởng này được Đức Cha đề cập nhiều lần trong các Bút Tích của
ngài.
Khi sống trong ân
sủng, chính Thần Khí cư ngụ trong tâm hồn chúng ta để tiếp nối những hoạt động
mà Người đã thực hiện trong nội tâm Chúa Giêsu Kitô[56]. Cũng
chính Thần khí Đức Kitô thôi thúc chúng ta thực hiện việc tôn thờ Thiên Chúa
cách tuyệt hảo[57]. Dựa
vào nền tảng trên đây, chúng ta có thể hiểu được quan niệm của Đức Cha Lambert:
những thực hành hy sinh, đánh tội nhằm suy tôn Thánh Giá Con Thiên Chúa và kết
hợp với công nghiệp cứu độ của Người là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và
Chân Lý theo đúng cách Người muốn.
Đức Cha cũng xác
tín rằng: “Khi một tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý, thì
chắc chắn sẽ gặp được Ngài”[58]. Những
thực hành khổ chế hay việc hãm mình bề trong và bề ngoài như là những phương thế
tuyệt đối cần thiết để đến với Thiên Chúa, và như những tâm thế hữu hiệu để Thần
Khí Đức Kitô có thể linh hoạt cách trọn vẹn trong linh hồn những người chỉ ước
ao yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa hơn nữa[59].
4. Khổ chế bổ túc điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế
bàn thờ là phải có sự đau khổ
4.1. Hiệp nhất với hy tế bàn thờ của Con Thiên Chúa
Sự tiếp nối cuộc
đời lữ thứ hy sinh của Đức Kitô trong một thân xác có khả năng chịu đựng đau khổ
là cách thức để bổ túc hy tế bàn thờ của Con Thiên Chúa. Chính thân xác do Chúa
Kitô mượn lấy để thực hành những việc hãm mình đền tội sẽ trở thành những lễ vật
được thần hoá. Bởi Chúa Cha, khi nhìn vào thân xác do Chúa Kitô mượn lấy, thì
chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình[60].
Khi linh hồn kết
hợp với Chúa Kitô và để cho tinh thần liên lỉ thâm nhập vào tinh thần của Chúa
Kitô, hoàn toàn tan biến trong Người, thì chính Chúa Kitô, không những chiếm lấy
các năng lực của linh hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác người ấy, để
tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện
theo ý muốn qua các lễ vật được thần hóa đó[61]. Và bằng
sự kết hợp với những lễ vật thánh như thế mà Chúa Kitô sẽ hoàn tất hy lễ hoàn hảo
của Người.
Là một thừa sai
Tông Toà, Đức Cha ý thức sâu xa những đòi hỏi của bậc sống và số phận của người
môn đệ Chúa Giêsu. Ngài cảm thấy hạnh phúc được “trở nên một lễ vật hiến dâng,
một lễ vật được chiếu nhận và với số phận sẽ bị tan biến vào một ngày nào
đó...”[62]. Ý
thức ấy luôn hướng dẫn Đức Cha có thái độ sẵn sàng khuôn mình theo ý muốn của
Thiên Chúa trong mọi tình huống và trong mọi sự để dâng tiến hy tế bé mọn của
mình hiệp với hy tế của Con Thiên Chúa trên bàn thờ.
4.2. Tiếp nối cuộc đời đau khổ của Đức Kitô
“Mọi hạng người đều
có nghĩa vụ tối cần: phải biết ơn Chúa Cứu Thế, Đấng đã gánh chịu nhiều nỗi đau
thương. Vậy, không một ai phải bị loại trừ, bất luận thuộc phái tính hay địa vị
nào, miễn là họ nhiệt tình khao khát uống chén đắng Con Thiên Chúa”[63].
Trong kinh nghiệm thiêng liêng của mình, nhiều lần Đức Cha được thúc đẩy thực
hành những việc hãm mình đền tội hoặc dâng những hy sinh phi thường trong một
khoảng thời gian nhất định để cầu xin Chúa Giêsu “vui lòng tiếp nối nơi ngài
các việc hy sinh trong cuộc đời đau khổ của Người”. Đức Cha tin rằng: “Con
Thiên Chúa tiếp tục cuộc đời đau khổ của Người bằng con đường tuyệt vời ấy”[64].
Cũng vậy, Đức Cha Lambert nhắn nhủ con cái mình: “mục đích chính của Tu Hội các
con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô...”[65].
Tiếp nối cuộc đời
lữ thứ hy sinh lao nhọc của Chúa Kitô là yếu tố quan trọng được nhận biết từ
trong kinh nghiệm thiêng liêng và trong quan niệm tu đức của Đức Cha Lambert. Đức
Cha đề cập đến yếu tố này nhiều lần và diễn tả nhiều cách trong một số Bút Tích
của ngài.
5. Khổ chế theo mục đích luân lý tu đức
5.1. Sống đời đền tội công khai
Phát xuất từ nhận
thức sâu xa về sự yếu hèn, tội lỗi của mình, Đức Cha Lambert cảm thấy cần phải
quyết tâm sống đời đền tội công khai bằng những thực hành cụ thể. Vì thế, tất cả
những việc hy sinh, đánh tội của chính Đức Cha Lambert hay của Những Người Mến
Thánh Giá, được thực hành trong ý thức là để hãm mình, đền tội cho chính mình
và cầu nguyện cho tha nhân[66].
Theo Đức Cha, “chúng ta phải hối tiếc đến hơi thở cuối cùng vì đã hiểu biết quá
ít, yêu mến quá ít, tôn thờ quá ít, tạ ơn quá ít Đấng Tạo Hóa của chúng ta”[67]. Mỗi
ngày chúng ta phải xét xem, “chúng ta đã dành bao nhiêu giờ để nguyện ngắm, làm
việc hãm mình đền tội và hy sinh cho mục đích đó?”[68].
Hơn nữa, sự quyết
tâm sống đời đền tội toàn diện là để có được bí quyết “chết đẹp và sống tuyệt vời”[69] cho
Chúa Kitô. Thế nên, sống đời khổ hạnh, sống đời đền tội công khai còn là điều
kiện thiết yếu để chúng ta đạt tới sự trọn lành theo bậc sống của mình[70].
Mục đích luân lý
tu đức của những thực hành khổ chế là làm cho thân xác phục tùng tinh thần và
tinh thần phục tùng Thiên Chúa[71]. Việc
chế ngự thân xác là cách thức cụ thể và là đòi hỏi căn bản để đạt được những mục
tiêu thiêng liêng hay những giá trị tinh thần của khổ chế. Nếu một người sống
theo bản tính tự nhiên hoặc theo lý trí thuần tuý, không thể gọi là một Kitô hữu
đích thực. Do đó, trong ý hướng của Đức Cha Lambert, Những Người Mến Thánh Giá
được mời gọi mỗi ngày thông phần các đau khổ của Đức Giêsu Kitô bằng việc chế
ngự thân xác[72].
Chế ngự thân xác
còn là để chết đi đối với chính mình, chết đi đối với thế gian, “nghĩa là đối với
các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời”[73], để chỉ sống
cho một mình Thiên Chúa. “Bởi lẽ chúng ta thường yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn
khi phải chết đi đối với một xu hướng xấu, so với khi chịu chết để tuyên xưng Đức
Tin, lý do là đề tài này không quan trọng và ràng buộc bằng sự tử vì đạo. Và
chính trong nghĩa này mà người ta có thể nói rằng cả cuộc đời người Kitô hữu là
một cuộc tử vì đạo liên lỉ, bởi không thể là một môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu
Kitô, nếu không từ bỏ mình và chết đi trong mọi hoàn cảnh đối với những ước muốn
của bản thân và cái tôi của mình”[74].
Không chỉ là việc
chế ngự thân xác, khổ chế còn là việc sẵn sàng đón nhận những đau khổ vất vả,
là những thập giá hàng ngày của thân phận con người, như những phương thế đích
thực để đạt được thiên đàng. Vì không gì làm ta xa sự dính bén thế gian và
không gì làm ta chạy đến Chúa liên lỉ bằng những đau khổ. Cho nên phương thế
duy nhất để thắng bản tính tự nhiên là cố gắng sống một cách phù hợp với Vị Thủ-Lãnh
Đội-Mão-Gai, để Thiên Chúa hoàn toàn thống trị trong ta[75].
6. Khổ chế mang ý hướng tông đồ
Khi đặt chân đến
Ayutthaya, Thái Lan, Đức Cha Lambert được thôi thúc để thành lập một Hiệp Hội gồm
những người tông đồ đích thực, những nhà truyền giáo chân chính và những Kitô hữu
hoàn hảo, để cải tổ Kitô Giáo tại đây và cách riêng để chấn chỉnh đời sống sa
sút của các thừa sai trong miền truyền giáo. Những ai gia nhập Hiệp Hội này phải
có một đời sống trổi vượt và “nhiệm vụ chính yếu của các tâm hồn thánh thiện ấy
là năng trao đổi với Thiên Chúa về những phương thế làm sáng danh Ngài và cứu độ
anh chị em đồng loại. Hãm mình đền tội cho chính mình và cho muôn dân”[76].
Vị thừa sai Tông
Tòa là hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô. Theo gương Thánh Phaolô Tông Đồ,
ngài chỉ biết một mình Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá (x. 1Cr 2,2),
vì thế ngài không thể trở thành một thừa sai Tông Tòa đích thực, nếu không là một
hy lễ đau khổ xứng với bậc sống của mình. Khổ chế là yếu tố thuộc căn tính của
nhà thừa sai và là phương thế hữu hiệu cho lời chứng của ngài về Chúa Kitô và về
Phúc Âm của Người[77].
Chuyển cầu cho
lương dân cùng người tội lỗi ăn năn trở lại và cho Giáo Hội được mọi điều cần
thiết là một trong những mục đích của Đức Cha Lambert từ khi có ý tưởng về Hiệp
Hội mang tên Những Người Mến Thánh Giá.
Trong bản xét mình
của các thừa sai, nhiệm vụ chuyển cầu cũng được đề cập đến: “Chúng ta có cầu
xin Thiên Chúa chấm dứt các cuộc ly giáo, lạc giáo và ban ơn hoán cải cho tội
nhân và lương dân, cách riêng cho những người được trao phó cho chúng ta
không?”[78]. Về
phần mình, để góp phần làm sáng danh Thiên Chúa và cứu rỗi anh chị em đồng loại,
Đức Cha cũng ý thức, ngài phải mang trong nội tâm “một tinh thần liên lỉ sám hối
đền tội, tạ ơn và chuyển cầu hơn nữa cho muôn dân đạt được sự hoàn thiện”[79].
Chuyển cầu cho lương dân cùng người tội lỗi ăn năn trở lại cũng là đặc nét
trong sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá.
Khổ chế là yếu tố
quan trọng trong linh đạo của Đức Cha Lambert, linh đạo Mến Thánh Giá. Những
người tập sự sẽ tìm thấy nơi đây phương thế tuyệt vời giúp chế ngự tật xấu và
rèn luyện nhân đức; những người đang tấn tới sẽ tìm thấy phương thế kết hợp với
Thiên Chúa mỗi ngày một hơn; những người thành toàn sẽ tìm thấy phương thế đạt
tới sự hiệp nhất mật thiết với Đức Giêsu Kitô chịu Khổ Nạn”[80]. Dù hình
thức khổ chế nào, thì đó cũng là một đòi hỏi thực tiễn của đời sống chiêm niệm,
vì trái tim phải được thanh luyện để có khả năng lắng nghe, chiêm ngắm Chúa và
kết hợp với Người. Nơi Đức Cha Lambert, khổ chế cũng như cầu nguyện, luôn là điều
kiện và phương thế cần thiết cho hoạt động tông đồ, như chúng ta sẽ thấy trong
phần trình bày về chiều kích tông đồ trong linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert.
Khi lãnh nhận
thiên chức linh mục, nhất là chức Giám Mục Đại Diện Tông Toà, Đức Cha Pierre
Lambert ý thức mình là người tông đồ của Chúa Kitô qua sự ủy nhiệm của Giáo Hội.
Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris do ngài cùng với Đức Cha Francois Pallu và Nhóm Bạn
Hiền sáng lập, là một hội đời sống tông đồ. Cũng thế, Đại Gia Đình Mến Thánh
Giá do Chúa soi sáng riêng cho ngài lập ra, là một Dòng gồm những người tông đồ.
Đức Cha Pierre Lambert là khuôn mặt tiêu biểu nhất cho cả hai tổ chức đó, vì
ngài có một tâm hồn nhiệt thành, sống chết cho ơn gọi thừa sai và có ý niệm trổi
vượt về đời sống người tông đồ. Chính quan niệm và kinh nghiệm của ngài về lãnh
vực này đã đúc kết nên tinh thần thâm thúy cho người tông đồ thừa sai và làm mẫu
mực cho con cái của ngài.
1. Hồn tông đồ
Theo Đức Cha
Pierre Lambert, chiêm niệm và hoạt động bổ túc cho nhau và đan kết vào nhau.
Chiêm niệm phải là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của việc kết
hiệp sâu xa với Thiên Chúa. Khi nói đến những đức tính cần có của các thừa sai,
Đức Cha khẳng định, họ phải quyết tâm cách chân thành vươn tới sự trọn lành của
người Kitô hữu, và phải thực hành quyết tâm ấy trước khi dấn thân vào những
nghĩa vụ cao cả của người tông đồ. Do những đòi hỏi cần thiết đối với đức tính
của người tông đồ, nên đối với Đức Cha “một người có thiện chí, sốt sắng và đạo
đức thì chưa đủ, nhưng còn cần phải trải qua 10 năm liên tục chuyên chăm nguyện
ngắm thân tình với Chúa và phục vụ tha nhân, bằng không thì e rằng đời sống nội
tâm của các thừa sai ấy sẽ sa sút”[81]. Trong
kinh nghiệm bản thân, nhiều lần Đức Cha Lambert cũng đã khuyên dạy các thừa sai
của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện
làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”[82]. Đức Cha
còn tự nhủ rằng: “Người tông đồ thừa sai hãy làm mọi việc trong khuôn khổ ơn gọi
của mình theo sự thúc đẩy nội tâm. Sự thúc đẩy này luôn gắn liền với bậc sống của
người được Chúa kêu gọi thật sự vào đời sống tông đồ”[83].
Với Đức Cha
Lambert, nguyện ngắm không chỉ là một phương thế cần thiết và hữu hiệu để kết
hiệp với Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng đạt tới sự trọn
lành nội tâm, nhưng còn là một nguồn cung cấp ánh sáng soi dẫn hành động thực
tiễn trong lãnh vực tông đồ. Suốt đời, ngài đã triệt để áp dụng nguyên tắc:
luôn hành động dưới sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, biểu hiện trong những trực
giác và xác tín nội tâm mà ngài cảm nhận được khi nguyện ngắm.
Một yếu tố khác
chứng tỏ tính thực tiễn, trong phương pháp nguyện ngắm theo linh đạo của Đức
Cha Lambert, là thái độ nài xin trước mặt Thiên Chúa để chuyển cầu cho tha
nhân. Việc chuyển cầu này là một nhiệm vụ chính yếu của người nữ tu Mến Thánh
Giá. Chính Đức Cha Lambert đã truyền dạy cho con cái ngài: “...hằng ngày dâng
việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các
con và các hy sinh của các con, để cầu xin [Thiên Chúa] ban cho lương dân và những
Kitô hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại”[84]..
1.2. Đời sống trổi vượt phi thường
Để có thể đạt tới
sự trọn lành, người tông đồ “phải sống đời đền tội hơn, khổ hạnh hơn và nguyện
ngắm nhiều hơn; nếu không, [người ấy] không thể chu toàn các nghĩa vụ của một
thừa sai Tông Tòa đích thực”[85]. Đức
Cha Lambert còn nhận thấy rằng: “Tôi sẽ không đạt được sự trọn lành cao độ mà
Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi nơi tôi, nếu tôi không thể hiện ra bên ngoài ý nghĩa của
ba lời khấn nội tâm mà tôi tuân giữ hết sức mình với sự trợ giúp của ơn thánh
Chúa.. ,”[86]. Đó
là cách thức mà Đức Cha tin rằng: Thiên Chúa đòi hỏi những thực hành hy sinh,
hãm mình để sống đời đền tội công khai của ngài, phải mang lại hiệu quả thiết
thực. Sự nhận biết này thôi thúc ngài thực hành những việc hãm mình: “Kiêng thịt
và ăn chay suốt đời”, để đền bù phạt tạ lòng nhân lành của Thiên Chúa “bị xúc
phạm mọi ngày quanh năm”[87].
Như thế, người
tông đồ thừa sai còn phải là người có đời sống trổi vượt. Một đời sống phóng
túng hoặc tầm thường sẽ không xứng đáng và không có ích gì trong một bậc sống
phi thường của vị thừa sai. Đời sống trổi vượt ấy sẽ không ngừng thúc đẩy người
tông đồ “liên lỉ dâng lên Thiên Chúa những hy sinh để được thông dự vào nhân
tính thánh thiện, đau khổ, chịu đóng đinh, hiến tế của Chúa Kitô và mang đầy tư
tưởng của Thiên Chúa, hầu xứng đáng nhận lãnh vinh dự lớn lao và lòng thương
xót tột đỉnh, là được chết trên cây gỗ do tay một lý hình với mục đích bảo vệ
Phúc Âm thánh của Người, vì phần rỗi của tha nhân và vì tình yêu tinh tuyền
dành cho Thiên Chúa”[88].
Do những đòi hỏi
của đời sống phi thường như thế mà tình yêu của nhà thừa sai Tông Tòa đích thực
không bao giờ được phép tàn lụi. Để có thể trung thành với ơn kêu gọi trong bậc
sống thánh thiện này, người tông đồ phải luôn tự nguyện đặt mình dưới sự thôi
thúc của tình yêu đối với Đấng Chịu-Đóng-Đinh. Nhờ đó, họ có thể hoàn toàn phó
thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, chấp nhận bị chi phối bởi tình yêu tinh
tuyền dành cho Chúa và tha nhân.
Từ bỏ là điều kiện
tất yếu thuộc bản chất ơn gọi của người tông đồ. Thật vậy, để đạt tới một đời sống
trổi vượt của một bậc sống phi thường, người tông đồ phải trả giá bằng chính bản
thân và tất cả những gì mình sở hữu. Đó “không phải là những của cải bên ngoài,
nhưng chính là những năng lực của linh hồn mà Thiên Chúa đòi hỏi phải từ bỏ”[89].
Nói cách khác, “cốt lõi của sự từ bỏ phải là từ bỏ mọi hoạt động của tinh thần
để chỉ làm theo thánh ý Thiên Chúa do Ngài tỏ cho thấy qua sự thôi thúc nội
tâm, là điều không bao giờ thiếu, nếu vị ấy trung thành với ân sủng. Không có sự
từ bỏ này vị ấy không thể làm được gì mang tính anh hùng trong các nghĩa vụ do
Thiên Chúa giao phó”[90].
Người tông đồ thực
hành sự từ bỏ là để có thể hành động trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Kitô
và sẵn sàng vâng theo mệnh lệnh của Người. Thêm nữa, việc “từ bỏ các của cải
bên trong”, như đã mô tả trên đây, sẽ giúp người tông đồ dễ dàng phó thác mọi sự
trong tay Thiên Chúa khi phải đối diện với những khó khăn thử thách mà Đức Cha
Lambert nói rõ là những “sự dữ bên ngoài và bên trong”[91].
Đòi hỏi lớn lao của
sự từ bỏ là một cuộc chết đi liên lỉ, “chết đi trong mọi hoàn cảnh đối với những
ước muốn của bản thân và cái tôi của mình”[92]. Sự chết
đi như thế là thái độ dứt khoát để khước từ những gì không phù hợp với bậc sống
của người tông đồ, và để nhờ đó mà người tông đồ có thể đạt tới sự trọn lành
như Chúa muốn. Ngược lại, nếu không từ bỏ, người tông đồ sẽ trở nên kẻ bất
trung trong chính bậc sống của mình. Đức Cha Lambert đã quả quyết: “Thập giá lớn
nhất và là một trong những sự bất trung nghiêm trọng nhất mà những người đã được
Chúa kêu gọi trong những con đường
bí nhiệm của Chúa
đã vấp phải, là không hành động bằng tất cả sự từ bỏ như Chúa mong ước, theo
cách Chúa hành động trong họ”[93].
Từ bỏ hay ghét bỏ
chính mình giúp người tông đồ khám phá ra “một phương thế để trút bỏ bản tính
hoàn toàn hư đốn và thay vào đó một con người phù hợp với bản tính Thiên Chúa”[94], bằng
không, người ấy sẽ không được Thần Khí của Ngài linh hoạt trọn vẹn. Đối với những
người sống theo Thần Khí, Thiên Chúa đòi hỏi sự lệ thuộc hoàn toàn nơi Ngài qua
Đức Giêsu Kitô. Để một khi đã kết hợp với Chúa Giêsu Kitô bằng một sự hiệp nhất
rất đặc biệt trong một bậc sống phi thường, vị thừa sai không còn tự mình hành
động nữa. Hoặc “nếu phải hành động, linh hồn sẽ hỏi Thần Khí Chúa Giêsu Kitô
đang ngự trong mình, điều gì Thần Khí muốn nó thực hiện nhờ Người”[95].
Thật vậy, người
tông đồ phải “hoàn toàn luỵ phục sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” và
không được làm gì theo ý riêng là ý của xác thịt. Như thế “hành động một cách
thụ động trong nội tâm” có nghĩa là ngoan ngùy đón nhận tác động của Chúa Thánh
Thần với một trái tim đã được thanh luyện. Nói cách khác, Thiên Chúa đòi hỏi
nơi người tông đồ thái độ nội tâm cần thiết, là “...chết đi đối với chính mình
và mọi sự trên thế gian, [và] chỉ sống trong Đức Giêsu Kitô”[96], đến
độ như Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống mà
là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đó là “bí quyết chết đẹp và sống tuyệt
vời”, đòi hỏi người tông đồ phải quyết tâm sống đời đền tội toàn diện; để trong
mọi sự, người ấy “chỉ làm theo quan điểm đức tin, theo sự thôi thúc thuần túy của
ân sủng và Thần Khí Đức Giêsu Kitô”[97].
Theo Đức Cha
Lambert: “Người ấy phải luôn luôn hành động một cách thụ động trong thâm tâm,
vì tự coi mình như một thừa tác viên được linh hoạt bởi Thần Khí của Chúa Giêsu
Kitô và Hội Thánh; và với tư cách đó, linh hồn phải cẩn thận không tự ý làm gì
cả, nhưng phải đi theo hoặc làm theo những trực giác được ban cho mình, do sự kết
hợp với dòng ảnh hưởng thần bí đáng tôn thờ này”[98]. Đức Cha
cũng quả quyết: “Nếu không đi theo đường hướng đó, chắc chắn các hoạt động của
nhà truyền giáo sẽ tiêm nhiễm xu hướng sống theo bản tính tự nhiên hoặc theo sự
khôn ngoan thế gian là kẻ thù của đời sống Phúc Âm”[99].
2. Sống sứ vụ tông đồ thừa sai
Người tông đồ phải
đặt Chúa Kitô làm trung tâm của mọi hoạt động. Từ quan điểm Kitô trung tâm quen
thuộc, Đức Cha Pierre Lambert nhìn người tông đồ trong mối liên hệ mật thiết với
Chúa Kitô, trong sự tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người. Vì Chúa Kitô đã cứu độ
thế giới bằng hy sinh, thì người tông đồ cũng có sứ mạng “tiếp nối cuộc đời lữ
thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế”, bằng cách tự nguyện và chủ động
“dâng tiến, trao gởi và cống hiến thân xác (tôi) cho Đức Giêsu Kitô”[100] vì
mục đích ấy. Theo đó, đời sống của người tông đồ sẽ luôn tập trung vào Chúa
Kitô trong cuộc khổ nạn bằng một tình yêu thực tiễn.
2.2. Hoàn tất mọi việc thay cho Chúa Kitô
Trong quan điểm
Kitô trung tâm như vừa trình bày trên đây, mọi sinh hoạt của người tông đồ sống
linh đạo của Đức Cha Lambert là tiếp nối và “hoàn tất những gì còn thiếu trong
các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl
1,24). Đức Cha Pierre Lambert ý thức mình đang đi trong linh đạo của Thánh
Phaolô, là linh đạo đặc biệt thích hợp cho linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert:
tập trung vào Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Theo linh đạo
này, Đức Cha Lambert quan niệm, chính Đức Kitô sử dụng người tông đồ để tiếp nối
công cuộc cứu chuộc của Người bằng đời sống đức tin, bằng những thực hành hãm
mình, đền tội; bằng những hy sinh cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Các khía cạnh
này của đời sống người tông đồ đều bao hàm đau khổ và gian truân thử thách.
Trong cái nhìn của đức tin, đời sống ấy luôn luôn được bao trùm dưới bóng Thánh
Giá Đức Kitô Cứu Thế, như yếu tố cần thiết đem lại hiệu năng của việc tông đồ.
Đức Cha Lambert cũng cảm nghiệm: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại
của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường
của thừa tác viên”[101].
2.3. Thông dự vào tinh thần trung gian với Đức Kitô
Thiên Chúa đã
dùng Đức Kitô làm trung gian giao ước mới và vĩnh cửu, đem lại cho loài người
ơn tha tội, ơn nghĩa tử, ơn bình an và hiệp nhất để làm thành Nhiệm Thể Người
là Hội Thánh. Người tông đồ sống theo linh đạo của Đức Cha Lambert được mời gọi
thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Kitô. Tinh thần đó phải được thể hiện
trong đời sống cụ thể bằng cách phấn đấu liên lỉ, để sống trong trạng thái được
giải hòa với Thiên Chúa và mọi người; thực thi giới luật bác ái và tha thứ,
cách riêng đối với kẻ thù ghét và làm hại mình; đồng thời kiến tạo hòa bình và
hòa giải trong môi trường mình sống và hoạt động[102].
Người tông đồ
cũng phải có tinh thần canh tân, thích nghi, khổ chế, nghèo khó, để chung mọi của
cải và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Không cậy dựa vào tiền bạc và sự thông
thái của mình hoặc thế lực quan quyền vua chúa. Trái lại, người tông đồ chỉ dùng
mọi phương thế chứa đựng trong Phúc Âm, đó là rao giảng lời Thiên Chúa với lòng
tín thác vô biên vào sức mạnh thần linh, với tinh thần bác ái vô hạn dành cho mọi
người, kể cả những kẻ chống đối, với tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để
minh chứng tình yêu và với tâm hồn cầu nguyện liên lỉ.
Đức Cha Pierre
Lambert cũng nhấn mạnh rằng: người tông đồ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm sẽ có
thái độ hiền lành, khiêm nhường khi tiếp xúc với tín đồ các tôn giáo bạn; nên đối
xử với những Phật tử như “những người đã có màu sắc chân lý Kitô Giáo” và phải
kính trọng, bắt chước những đức tính cao quý của họ[103]. Chính Đức
Cha đã sống Phúc Âm đến cực điểm và thể hiện ở mức độ trổi vượt mẫu người tông
đồ phác họa trên đây. Ngài là một trong những vị thừa sai nổi bật của thời đại
mới[104].
Đến đây, chúng ta
đã phân biệt ba chiều kích làm nên linh đạo của Đức Cha Pierre Lambert, nhưng
trong thực tế, ba chiều kích ấy gắn liền và đan xen với nhau, không thể tách rời.
Thật vậy, tinh thần chiêm niệm dẫn tới tinh thần khổ chế và tinh thần tông đồ một
cách tất yếu. Tinh thần khổ chế là bí quyết và động lực cần thiết cho đời sống
chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Mỗi chiều kích cũng như toàn bộ linh đạo của Đức
Cha Lambert đều mang đặc tính Kitô trung tâm, tập trung vào Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh
và cuộc Thương Khó của Người. Cả ba hình thức: chiêm niệm - khổ chế - tông đồ của
linh đạo Đức Cha Lambert đều được thôi thúc bởi tình yêu dành cho Đức
Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh trong sự hiến dâng trọn vẹn để nên đồng hình đồng dạng
với Người.
Tất cả những điều
trình bày trên đây chứng tỏ linh đạo của Đức Cha Lambert tập trung cái nhìn và
trái tim vào dung nhan Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Bởi đó, linh đạo này không bị
mai một với thời gian, nhưng luôn sống động và được truyền lại cho hậu duệ của
Đức Cha Pierre Lambert, những người sống theo linh đạo Mến Thánh Giá.
Đời sống và sức
phát triển kỳ lạ của Dòng Mến Thánh Giá, trong lòng Giáo Hội Việt Nam và Châu Á
qua suốt dòng lịch sử đầy thử thách, là một dấu hiệu chứng tỏ sự thích hợp linh
đạo của Đức Cha Lambert với tâm hồn người phụ nữ Việt Nam và Châu Á, là mẫu người
có sự bén nhạy đặc biệt đối với huyền nhiệm tình yêu và đau khổ, là hai yếu tố
có khả năng cộng tác vào ơn cứu độ con người. Thập Giá Đức Kitô chính là quyển
sách mạc khải huyền nhiệm ấy.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 116 (tháng 1 & 2 năm 2020)
Xin đọc thêm:
[1] HĐGMVN, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công
Giáo, “Linh Đạo” trong Từ Điển Công Giáo,
Tôn Giáo, 2016, tr.533.
[2] Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Dẫn Vào Lịch Sử Linh Đạo, trang mạng
Giáo Phận Đà Lạt, simonhoadalat.com,
truy cập 06/2020
[4] X. Nhóm NCLĐMTG, “Những Trực Giác Mới Của Một Nhà Thừa Sai Nhận Được Trong Lúc Nguyện Ngắm..., 1668” (Bài Tự Sự), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., I,4, tr.58.
[5] Vua Louis XIII của Pháp, tại wikipedia.org
[6] Ch. Duffy, Siege Warfare: The fortress in the early modern world, 1494-1660, p.247.
[7] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử-Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, 1998, số 2, tr.8.
[9] X. Nhóm
NCLĐMTG, “Luật Tu Hội Các Trinh Nữ Và Phụ Nữ Đạo Đức...” (Luật Tiên Khởi),
trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha
Pierre Lambert de la Motte..., sđd., IV,6, tr.30.
[10] Cf. A.
Launay, Histoire de la mission de
Cochinchine, Documents historiques I (1658-1728), Paris, Téqui, 1923, p.96.
[12] P. Pourrat, La spiritualité Chrétienne III. Les Temps Modernes, Première Partie: de la Renaissance au Jansénisme, Paris, 1947, pp.127.154.
[17] Cf. H. Bremond, Histoire littéraire du sentiment religieux France, tome III: la
Conquête mystique, L'école Franẹaise, Paris 1935, pp.641-644.
[19] X. Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ Về Cuộc Hành Trình Bất
Thành Sang Trung Hoa, 1663” (Suy Nghĩ 2), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte...,
sđd., 14-18, tr.138.
[20] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 22.
[21] Cf. H. Chappoulie, Aux origines d'une Église. Rome
et les missions Indochine au XVII siècle, Paris, 1943, pp.141-142.
[22] Nhóm
NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,1, tr.58.
[23] Nhóm
NCLĐMTG, “Thư Gửi Cha Hallé, 15/03/1661” (Thư I Hallé), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre
Lambert de la Motte..., sđd., 3-5, tr.108.
[24] X. Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ Về Các Đức Tính...,
1661” (Suy Nghĩ 1), trong Tuyển Tập Bút
Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3, tr.115.
[25] Nhóm NCLĐMTG, “Một Thừa Sai Phải Hành Động Thế
Nào? 1665” (Hành Động), trong Tuyển Tập
Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 9, tr.162.
[26] Nhóm NCLĐMTG, “Việc Nguyện Ngắm Của Một Thừa Sai
Tông Toà” (Nguyện Ngắm 4), trong Tuyển Tập
Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 12, tr.151.
[27] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Nguyện Ngắm, 06/09/1662” (Nguyện
Ngắm 1), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo)
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 5, tr.46.
[28] X. Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử-Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte (Tiểu Sử),
sđd., 8, tr.15.
[29] Đây là khẩu hiệu mà ngài kế thừa của linh đạo
trường phái Pháp: “Chúa Giêsu-Kitô phải
là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” (J. Guennou, op.cit.,p.112).
[30] Nhóm
NCLĐMTG, “Sự Tập Chú Nội Tâm Và Liên Lỉ... 1665” (Tập Chú Nội Tâm), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre
Lambert de la Motte..., sđd., 7-9, tr.168.
[33] Nt., 3-4, tr.167.
[34] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”,sđd., I,11, tr.59.
[35] Nhóm NCLĐMTG, “Cảnh Báo Về Những Cám Dỗ..., 1662” (Cảnh Báo 1), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3, tr.119.
[36] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., V,3, tr.66.
[37] X. Nghị quyết Công Nghị Đàng Ngoài 1670, điều 21, trong A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin, Documents Historiques, tome I, Paris, Téqui, 1927, p.97.
[38] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến
Thánh Giá.., 1668” (Luật Tại Thế), trong Tuyển
Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., I,1-4,
tr.87.
[39] Nhóm
NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., 1,1-2, tr.58.
[44] Nhóm
NCLĐMTG, “Thư Đệ Trình Đức Giáo Hoàng Clêmemtê IX, 1670” (Thư Clêmemtê), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre
Lambert de la Motte..., sđd., 22-24, tr.99.
[46] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Đức Cha Héliopolis, 1668” (Thư Pallu), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., III, tr.80.
[47] Nt., III,2, tr.79.
[50] Nhóm NCLĐMTG, “Dốc Lòng Của Một Thừa Sai Tông
Tòa, 1663” (Dốc Lòng 2), trong Tuyển Tập
Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 28.33,
tr.132-133.
[51] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Cha Hallé, 1671” (Thư
II Hallé), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo)
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 3-5, tr.190.
[54] X.
Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,7.V,4, tr.59.66.
[56] X.
Nhóm NCLĐMTG, “Hành Động”, sđd., 9, tr.162.
[58] Nhóm
NCLĐMTG, “Động Lực Thúc Đẩy Một Thừa Sai Tông Tòa..., 1663” (Động Lực), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre
Lambert de la Motte..., sđd., 1, tr.124.
[59] X. Nhóm NCLĐMTG, “Vài Trực Giác Nhận Được Trong Cuộc Tĩnh Tâm..., 1663” (Trực Giác), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 4, tr.142.
[60] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,4.11, tr.58-59.
[61] X. nt., VI,9, tr.69.
[62] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Nguyện Ngắm, ngày 07/09/1662” (Nguyện Ngắm 2), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 1, tr.48.
[63] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., IV,1-3, tr.
[64] Nt., VII.5.8, tr.71.72.
[65] Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Bà Anê và Bà Paula, 1670” (Bức Tâm Thư), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 8, tr.41.
[66] X. Nhóm NCLĐMTG, “Nguyện Ngắm 1”, sđd., 7, tr.46.
[67] Nhóm NCLĐMTG, “Dốc Lòng 2”, sđd., 39, tr.133.
[68] Nhóm NCLĐMTG, “Bản Xét Mình Của Một Thừa Sai Tông Tòa, 1666” (Xét Mình), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 26, tr.174.
[69] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 2”, sđd., 21, tr.139.
[70] X. Nhóm NCLĐMTG, “Hiệu Quả Tình Yêu Tinh Tuyền Trong Tâm Hồn , 1664” (Tình Yêu Tinh Tuyền), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 21, tr.158.
[71] Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô - Maria Lambert de la Motte,1998, số 31, tr.56.
[72] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư II Hallé”, sđd., 4, tr.190.
[73] Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 10, tr.41.
[74] Nhóm NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 9-10, tr.156.
[75] X. Nhóm
NCLĐMTG, “Thư Gửi Giáo Đoàn Đàng Trong, 1664” (Thư I Đàng
Trong), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre
Lambert de la Motte..., sđd., 20.27, tr.146-147.
[77] X.
Nhóm NCLĐMTG, “Đau Khổ”, sđd., 1-2, tr.181.
[81] Nhóm NCLĐMTG, “Suy Nghĩ 1”, sđd., 3, tr.115.
[85] Nhóm
NCLĐMTG, “Tình Yêu Tinh Tuyền”, sđd., 21, tr.158.
[89] Nhóm
NCLĐMTG, “Dốc Lòng 2”, sđd., 13, tr.130.
[93] Nhóm
NCLĐMTG, “Kinh Tạ Ơn, 1670”, trong Tuyển
Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 2,
tr.188.
[98] Nhóm
NCLĐMTG, “Trực Giác”, sđd., 6, tr.142.
[100] Nhóm
NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., I,4, tr.58.
[101] J. Guennou, op.cit., p.142.
[102] X. Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, sđd., V,6, tr.67.
[103] Cf. B. Jacqueline, L'esprit missionnaire chez Mgr. Lambert de la Motte, Saint- Lô,
1996, pp.223-224.
[104] Cf. J. Guennou, op.cit., p.208.