YÊU
CHO ĐẾN CÙNG
Một
cái nhìn mục vụ và giáo hội học về Độc thân Linh mục
Lm. Ngô Quang Trung lược dịch một vài đoạn theo bản tiếng Anh tác phẩm "Từ trái tim chúng tôi" của Đức Hồng Y Robert Sarah
“Khi Chúa
Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha,
Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương
họ đến cùng” (Ga 13,1). Những lời này của tác giả Tin mừng Gioan đã long trọng
dẫn nhập lời cầu nguyện hiến tế của Chúa Giêsu sau Bữa ăn tối cuối cùng vào Thứ
Năm Tuần Thánh. Những lời này thổ lộ những tâm tình sâu thẳm, thật là thích hợp
cho bất kỳ suy tư nào về mầu nhiệm chức linh mục.
Làm sao chúng ta
có thể tiếp cận chủ đề này mà không cảm thấy run rẩy? Điều quan trọng là chúng
ta cần dành thời giờ và mở cửa tâm hồn để đón nhận hơi thở của Chúa Thánh Thần.
Chức linh mục, theo lời của cha xứ Ars, là tình yêu của trái tim Chúa Giêsu.
Chúng ta không được biến nó thành một chủ đề chính trị, của trận chiến ý thức hệ,
hay sự vận động chính trị. Chúng ta cũng không thể thu giảm nó vào vấn đề về kỷ
luật hoặc sắp xếp mục vụ.
Trong những tháng
gần đây, chúng ta đã thấy xảy ra rất nhiều sự vội vàng, rất nhiều sự phấn khích
xung quanh Thượng hội đồng giám mục vùng Amazon. Trái tim giám mục của tôi hết
sức lo lắng. Tôi đã thấy nhiều linh mục bị mất phương hướng, mất tinh thần và bị
tổn thương trong sâu thẳm đời sống tinh thần của các ngài bởi những thách thức
quá mạnh đối với giáo thuyết của Giáo hội. Hôm nay tôi muốn nói với các ngài một
lần nữa rằng: Đừng sợ! Như Đức Bênêđictô XVI đã nhắc lại:
Linh mục là một hồng
ân của Trái tim Chúa Kitô: một hồng ân cho Giáo hội và cho thế giới. Từ trái
tim của Con Thiên Chúa tràn ngập tình yêu, tuôn chảy tất cả những điều tốt đẹp
của Giáo hội. Đặc biệt cũng từ đó xuất phát ơn gọi của những người, được Chúa Giêsu
chiếm đoạt, sẵn sàng từ bỏ mọi sự một cách không do dự để phục vụ dân Kitô
giáo, theo mẫu gương người Mục tử Nhân Lành.[1]
Anh em linh mục
thân mến, tôi muốn nói với anh em một sự thật thẳng thắn. Có đôi khi anh em cảm
thấy như bị lạc lối, chán nản, và tràn ngập đau khổ. Một cảm giác tồi tệ của sự
bị bỏ rơi và cô đơn ghim chặt lấy tâm hồn anh em. Trong một thế giới đang bị
xói mòn bởi tình trạng bất tín và thờ ơ, người tông đồ không thể tránh khỏi đau
khổ: một linh mục rực cháy lửa đức tin và nhiệt tình tông đồ nhanh chóng nhận
ra rằng thế giới mà các ngài đang sống, có thể nói, đã bị đảo lộn. Tuy nhiên, mầu
nhiệm sâu thẳm trong tâm hồn có thể cho anh em sức mạnh để sống giữa thế gian.
Và luôn luôn, người phục vụ “chỉ một điều duy nhất cần thiết”, phải luôn
cố gắng đặt Chúa vào trọng tâm cuộc đời mình, điều này mang lại một chút ánh
sáng soi chiếu vào bóng tối.
Trong chức linh mục,
tính liên tục mang ý nghĩa bí tích của tình yêu người Mục tử Tốt lành đang bị
đe dọa. Vì vậy, tôi lên tiếng để mọi nơi trong Giáo hội, trong tinh thần đồng
trách nhiệm (synodality) thực sự, hãy cùng bình tĩnh suy tư và cầu nguyện
về thực tại thiêng liêng của bí tích Truyền Chức Thánh để có thể bắt đầu đổi mới.
Và tôi cầu mong những người ở cả hai bên: chúng ta đừng quá nóng vội! Chúng ta
không thể thay đổi mọi thứ trong một vài tháng. Trừ khi các quyết định của
chúng ta bắt nguồn từ sự suy chiêm lâu dài, còn không, nó sẽ có tương lai giống
như các khẩu hiệu và những bài phát biểu chính trị, sẽ mau chóng rơi vào quên
lãng.
Đức Giáo hoàng
danh dự Bênêđictô XVI đã tặng cho chúng ta một món quà rất đặc biệt, một lectio
divina, trong đó ngài quay trở về các nguồn Kinh Thánh để trình bày mầu nhiệm
chức linh mục [2]. Đối với tôi, trong tinh thần khiêm tốn,
tôi muốn có một cái nhìn mục vụ về bí tích này.
Suy tư mục vụ của
chúng ta không được giới hạn vào các sự kiện hiện tại thuần túy hoặc thu giảm
thành một phân tích xã hội học. Người ta luôn cần phải nuôi dưỡng các suy tư
này trong chiêm niệm và cấu trúc nó thông qua thần học. Nhưng những suy tư này
cũng phải thật cụ thể. Thật vậy, tôi cũng đã nhận thấy rằng một số người cảm thấy
rất hài lòng trong việc vạch ra các nguyên tắc lý thuyết mà lại không đặt trên
cơ sở thực tế. Do đó, trong việc trình bày thần học về chức linh mục, chỉ bàn
riêng đến vấn đề độc thân là không đủ. Cũng thật cần thiết phải tìm hiểu tương
quan cụ thể với giáo hội học và mục vụ của vấn đề này.
Trong thời gian
Thượng hội đồng giám mục vùng Amazon, tôi đã dành thời gian để trực tiếp lắng
nghe mọi người cũng như nói chuyện với các nhà truyền giáo dày dặn kinh nghiệm.
Những cuộc trao đổi này đã giúp tôi xác tín rằng khả năng phong chức cho những
người đàn ông có gia đình sẽ là một thảm họa mục vụ, dẫn đến sự hỗn loạn về
giáo hội học và làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về chức linh mục. Hôm nay
tôi muốn trình bày với anh em những suy tư của tôi xoay quanh ba điểm liên quan
đến vấn đề này.
Một Thảm họa về Mục vụ
Chức linh mục: cửa ngõ mang dấu ấn bản thể học đi vào lời “thưa vâng” của Chúa Kitô Thượng Tế
Chúng ta có thể
tóm tắt những suy tư của Đức giáo hoàng danh dự bằng một vài từ ngữ: Chúa Giêsu
tỏ lộ cho chúng ta trong con người của Ngài sự toàn vẹn của chức linh mục. Người
ban cho nó ý nghĩa đầy đủ đối với những gì đã được loan báo và phác họa một
cách thô sơ trong Cựu Ước. Trọng tâm của sự mặc khải này rất đơn giản: một linh
mục không hẳn chỉ là một người thực hiện nhiệm vụ dâng lễ. Nhưng ngài phải là một
người hiến dâng chính bản thân mình như một của lễ hy sinh bằng tình yêu, theo
gương Chúa Kitô. Do đó, Đức Bênêđictô XVI cho thấy rõ ràng và dứt khoát rằng chức
linh mục là một trạng thái của đời sống. “Một vị linh mục phải loại bỏ khỏi các
ràng buộc trần tục và được dâng hiến cho Thiên Chúa, và chính xác như vậy, để
khởi đi từ Thiên Chúa, ngài luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân, cho mọi người." [3] Độc thân linh mục là sự thể hiện ý muốn
đặt mình vào sự tùy thuộc Chúa và con người. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chứng
minh rằng độc thân linh mục không phải là sự “bổ sung thiêng liêng” vào trong
cuộc đời linh mục. Đúng hơn, đời sống linh mục đích thực, về mặt bản thể, đòi hỏi
sự độc thân.
Đức Bênêđictô XVI
trong bản văn ở phần trước, cho thấy rằng sự chuyển vị từ chức tư tế của Cựu Ước
sang chức tư tế của Tân Ước, được mặc khải trong quá trình chuyển hóa từ việc
tiết chế tình dục mang ý nghĩa chức năng sang một sự tiết chế mang ý nghĩa bản thể.
Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ có một giáo hoàng nào thể hiện mạnh mẽ sự cần thiết
của độc thân linh mục như thế. Chúng ta cần phải nghiền ngẫm những suy tư của một
người đang bước gần đến cuối đời. Vào giờ khắc quyết định này, người ta không
được xem nhẹ những lời nói đó. Đức Bênêđictô XVI cũng nói với chúng ta rằng chức
linh mục, bởi vì có liên quan đến hiến tế Thánh Lễ, nên sự ràng buộc với dây
hôn nhân là điều bất khả. Tôi muốn nhấn mạnh điểm cuối cùng này. Đối với một
linh mục, việc cử hành Bí tích Thánh Thể không chỉ là thực hiện các nghi thức.
Việc cử hành thánh lễ giả định rằng linh mục phải kết hợp toàn vẹn con người
mình vào với hi lễ tuyệt vời của Chúa Kitô dâng cho Chúa Cha, vào lời thưa vâng
trọn vẹn của Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn
con trong tay Cha” (Lc 23,46). Bây giờ độc thân là “một lời thưa vâng dứt
khoát”. Điều này có nghĩa là đặt bản thân mình vào trong bàn tay của Chúa, vào
trong tiếng “Con”…Đó là một tiếng thưa vâng dứt khoát.
Nếu chúng ta thu
giảm độc thân linh mục vào vấn về kỷ luật hoặc việc thích nghi với phong tục và
văn hóa, thì chúng ta đã cô lập chức linh mục khỏi nền tảng của nó. Theo nghĩa
này, độc thân linh mục là điều kiện thiết yếu để có thể hiểu biết đúng đắn về
chức linh mục. “Hơn nữa, một phần của chức linh mục, đích thực là làm cho chính
mình trở nên sẵn sàng cho Chúa, trong sự toàn vẹn của con người mình, và do đó,
nhận ra chính mình cũng hoàn toàn sẵn sàng phục vụ mọi người, đàn ông cũng như
phụ nữ. Tôi nghĩ rằng tình trạng độc thân là một diễn tả trọn vẹn cho tính toàn
vẹn này” [4], Đức Bênêđictô XVI mạnh mẽ tuyên bố với
hàng giáo sĩ của Giáo phận Bolzano, Ý.
Tính cách khẩn trương về mục vụ và truyền giáo của đòi hỏi độc thân
linh mục
Là một giám mục,
tôi sợ rằng kế hoạch phong chức linh mục cho những người đàn ông có gia đình có
thể tạo ra một thảm họa mục vụ. Nó sẽ là một thảm họa cho các tín hữu mà họ sẽ
được sai đến. Nó cũng sẽ là một thảm họa cho chính các linh mục.
Làm thế nào một cộng
đoàn Kitô hữu có thể hiểu được linh mục nếu họ không nhận thấy rõ ràng ngài được
tách biệt khỏi môi trường thông thường, và hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa? Làm
thế nào các Kitô hữu có thể hiểu rằng linh mục được trao ban cho họ nếu ngài
không hoàn toàn được dâng hiến cho Chúa Cha? Nếu ngài không đi vào mầu nhiệm hủy
diệt của Chúa Giêsu: Kenosis, hủy mình ra không, hoàn toàn từ bỏ bản
thân? “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 6-7). Người tự vét rỗng mình khỏi những gì vốn
là, trong một hành động tự do và tình yêu. Sự từ bỏ của Chúa Kitô dù phải chết
trên Thánh Giá không chỉ đơn thuần là một thái độ vâng lời, khiêm tốn. Đó là một
hành động hoàn toàn từ bỏ mình qua tình yêu, trong đó Chúa Con hoàn toàn hiến
thân cho Chúa Cha và cho nhân loại: đây là nền tảng của chức tư tế của Chúa
Kitô. Vì thế, làm sao một linh mục có thể giữ, duy trì và đòi hỏi quyền được
liên kết với dây hôn nhân? Làm thế nào ngài có thể từ bỏ để biến mình thành tôi
tớ cho Chúa Giêsu linh mục? Trọn vẹn dâng hiến cho Chúa Kitô là điều kiện để
hoàn toàn phục vụ mọi người. Ai không hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa thì
không thể phục vụ anh em mình một cách hoàn hảo.
Một số người phải
sống tách biệt trong vùng sâu vùng xa, trong vùng truyền giáo nghèo khổ sẽ có một
hình ảnh nào về linh mục? Có phải chúng ta có ý định ngăn cản họ khám phá sự trọn
vẹn của chức tư tế Kitô giáo không? Đầu năm 1976, khi còn là một linh mục trẻ,
tôi đi thăm viếng mục vụ đến một số ngôi làng xa xôi ở nước Guinea. Một số người
trong họ đã không được một linh mục nào đến thăm trong gần mười năm, bởi vì các
nhà truyền giáo châu Âu đã bị Sékou Touré trục xuất vào năm 1967. Tuy nhiên,
các Kitô hữu vẫn tiếp tục dạy giáo lý cho trẻ em, đọc kinh cầu nguyện hàng ngày
và lần chuỗi Mân côi. Họ đã thể hiện lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria một cách
tuyệt vời, và cùng họp nhau mỗi Chúa nhật để lắng nghe Lời Chúa.
Tôi đã có duyên
may được gặp gỡ những người đàn ông và phụ nữ này, những người đã sống đức tin
mà không được bất kỳ sự trợ giúp bí tích nào, vì thiếu linh mục. Họ được nuôi
dưỡng bởi Lời Chúa và giữ vững đức tin của họ qua việc cầu nguyện hàng ngày.
Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được niềm vui không thể tưởng tượng được của họ,
khi tôi cử hành Thánh lễ, điều mà họ đã không được đón nhận trong suốt một thời
gian dài. Cho phép tôi tuyên bố một cách mạnh mẽ và chắc chắn rằng: Tôi nghĩ nếu
người ta đã phong chức cho những người đàn ông đã lập gia đình ở mỗi làng, thì
cơn đói Thánh Thể của tín hữu đã bị dập tắt từ lâu rồi. Mọi người sẽ bị cắt đứt
khỏi niềm vui to lớn khi đón nhận một Chúa Kitô khác trong linh mục. Vì, với bản
năng đức tin, những người nghèo khó đó biết rằng, một linh mục đã từ bỏ hôn
nhân sẽ ban cho họ món quà trọn vẹn của tình yêu dâng hiến của ngài.
Đã bao lần, trong
khi đi bộ nhiều giờ giữa các ngôi làng nhỏ bé, với một chiếc cặp có bàn thờ-bỏ
túi trên đầu, dưới ánh mặt trời rực rỡ tỏa lan, bản thân tôi đã trải nghiệm niềm
vui miên man của việc dâng hiến cho Giáo hội là Hiền Thê. Khi đi qua những vùng
đầm lầy trong một chiếc ca nô tạm bợ, giữa những truông cỏ rậm rạp, hoặc trong
khi phải vượt qua những dòng chảy nguy hiểm nơi có thể bị nhấn chìm, tôi cảm thấy
phập phồng một niềm vui được dành trọn cho Chúa và được sẵn sàng trao ban cho
anh chị em của mình.
Tôi sẽ yêu mến chức
linh mục như thế nào nữa, nếu tất cả những anh em linh mục của tôi một ngày nào
đó có thể trải nghiệm sự chào đón một linh mục ở tại một ngôi làng châu Phi,
khi dân chúng nhận ra Chúa Kitô là Chàng Rể đang hiện diện trong ngài: thật là
một niềm vui bùng vỡ! Nhiều lễ hội được tổ chức! Những bài hát, những điệu vũ,
những sinh hoạt sôi động và cả những bữa ăn liên tiếp diễn ra để thể hiện lòng
biết ơn của mọi người đối với món quà chính Chúa Kitô ban tặng cho họ.
Việc phong chức
cho những người đàn ông đã có gia đình sẽ tước đi nơi những cộng đoàn Giáo hội
non trẻ đang được truyền giáo, cái cảm nghiệm được Chúa Kitô hiện diện và viếng
thăm, qua một linh mục sống độc thân. Bi kịch mục vụ sẽ rất lớn. Nó sẽ dẫn đến
một sự bần cùng hóa công cuộc truyền giáo.
Tôi tin chắc rằng
nếu đã có một số các linh mục hoặc giám mục phương Tây sẵn sàng tương đối hóa sự
cao cả và tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục, thì đó là vì họ chưa
bao giờ có kinh nghiệm cụ thể về lòng biết ơn của một cộng đồng Kitô giáo. Tôi
không nói đơn giản về mặt con người. Tôi nghĩ rằng trong lòng biết ơn này có một
trải nghiệm về đức tin. Những người nghèo khó đó sống cuộc sống giản dị có thể
nhận ra bằng con mắt đức tin, sự hiện diện của Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo hội
nơi một linh mục sống độc thân. Kinh nghiệm thiêng liêng này là nền tảng trong
cuộc sống của một linh mục. Nó dẫn đưa ngài khỏi rơi vào những hình thức giáo
sĩ trị. Đã từng trải nghiệm điều này trong bản thân tôi, tôi biết rằng các Kitô
hữu nhìn thấy qua tôi, một Chúa Kitô được trao ban cho họ, chứ không phải con
người giới hạn của tôi với những cá tính riêng và nhiều yếu kém của nó.
Không có kinh
nghiệm cụ thể này, đời sống độc thân trở thành một gánh nặng không thể mang nổi.
Tôi có cảm tưởng rằng đối với một số giám mục phương Tây hoặc thậm chí cả Nam Mỹ,
đời sống độc thân đã trở thành một gánh nặng lớn. Họ vẫn trung thành với nó
nhưng không còn cảm thấy có can đảm áp đặt lên các linh mục tương lai và các cộng
đồng Kitô hữu bởi vì chính họ đang phải chịu đựng gánh nặng đó. Tôi cảm thông với
họ. Ai có thể áp đặt gánh nặng lên người khác khi không còn yêu mến ý nghĩa sâu
xa của nó nữa? Đó không phải là hành động của Pharisêu sao?
Tuy nhiên, tôi chắc
chắn rằng người ta đã mắc một quan điểm sai lầm ở đây. Mặc dù đôi khi là một
thách đố, bậc độc thân linh mục, hiểu một cách đúng đắn, là giải thoát. Nó cho
phép linh mục được thiết lập để trở nên nhất quán trong căn tính là người phối
ngẫu của Hội Thánh.
Một kế hoạch nhằm
tước đoạt niềm vui này khỏi các cộng đồng Kitô hữu và các linh mục chắc chắn
không phải là một công việc của tình thương. Là một người con của châu Phi,
trong lương tâm tôi, tôi không thể ủng hộ ý tưởng rằng, những nhóm người đang
được rao giảng Tin mừng lại phải bị tước mất được một lần gặp gỡ một linh mục sống
trọn vẹn thiên chức của mình. Các dân tộc Amazon có quyền được trải nghiệm đầy
đủ về một Chúa Kitô là Phu Quân. Chúng ta không thể cung cấp cho họ các “linh mục
hạng hai”.
Trái lại, một
Giáo hội càng trẻ trung, thì lại càng cần phải gặp được những giá trị triệt để
của Tin Mừng. Khi thánh Phaolô khuyên dạy các cộng đồng Kitô hữu non trẻ ở
Ephêsô, Philipphê và Côlôssê, ngài không đưa ra cho họ một lý tưởng bất khả thấu
đạt, nhưng chỉ dạy cho họ tất cả những đòi hỏi của Tin Mừng: “Vậy như anh em
đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh
em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa
vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm
tạ. Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng
giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ
chứ không theo Đức Kitô.” (Cl 2, 6-8). Trong giáo huấn này chúng ta thấy
không có sự cứng nhắc cũng không có sự bất khoan dung. Tuy nhiên, Lời Chúa thì
luôn đòi hỏi hoán cải triệt để. Lời Chúa không tương thích với sự thỏa hiệp và
mơ hồ. Đó là: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả
gươm hai lưỡi” (Hr 4,12). Theo gương thánh Phaolô, chúng ta phải rao giảng
với sự rõ ràng và dịu dàng, không tạo sự hà khắc gây khiêu khích cũng như sự rụt
rè nửa vời.
Cho phép tôi một
lần nữa trình bày kinh nghiệm cá nhân của tôi. Thời thơ ấu, tôi sống trong một
thế giới hầu như xuất phát từ ngoại giáo. Cha mẹ tôi không biết đến Kitô giáo
cho đến khi họ trưởng thành. Cha tôi đã được rửa tội hai năm sau khi tôi sinh
ra. Bà tôi đã đón nhận Bí tích Rửa tội vào lúc bà qua đời. Do đó, tôi đã quen với
đạo vật linh và tôn giáo truyền thống. Tôi thấu biết những khó khăn của công cuộc
rao giảng Tin mừng: sự nhổ bỏ gây đau đớn cùng những thay đổi đến mức anh hùng
mà người mới nhập đạo phải chấp nhận liên quan đến những phong tục ngoại giáo,
lối sống và truyền thống cố hữu. Tôi tưởng tượng việc truyền giáo của làng tôi
sẽ như thế nào, nếu một người đàn ông đã có vợ được thụ phong linh mục ở đó.
Nghĩ về điều đó thôi đã làm tôi đau đớn cõi lòng. Thật là một nỗi buồn khôn xiết!
Tôi chắc chắn sẽ không trở thành một linh mục như ngày hôm nay, bởi vì giá trị
triệt để của đời sống các vị thừa sai đã cuốn hút tôi.
Làm sao chúng ta
dám tước đoạt niềm vui của mọi người về một cuộc gặp gỡ như vậy với Chúa Kitô?
Tôi coi đó là một thái độ khinh miệt. Một số người đã khai thác và nhấn mạnh sự
đối lập giữa “việc chăm sóc mục vụ bằng thăm viếng” với “việc chăm sóc mục vụ bằng
sự hiện diện”. Việc một linh mục thừa sai từ một đất nước xa xôi đến phục vụ tại
một cộng đoàn thể hiện sự quan tâm của Giáo hội hoàn vũ. Đó là hình ảnh của
Ngôi Lời viếng thăm nhân loại. Việc phong chức cho một người đàn ông đã có gia
đình ở giữa cộng đồng, cho thấy một chuyển động ngược lại: như thể mỗi cộng đồng
bị ràng buộc phải tìm một phương thế cứu rỗi trong chính nó.
Khi nhà truyền
giáo kiệt xuất Phaolô kể cho chúng ta về những chuyến viếng thăm của ngài đến
các cộng đồng ở Tiểu Á mà chính ngài thiết lập, ngài cho chúng ta mẫu gương về
một người tông đồ đến thăm các cộng đồng Kitô giáo để củng cố họ như thế nào.
Lòng thương xót của
Thiên Chúa đã trở nên hiện thực trong việc viếng thăm của Chúa Kitô. Chúng ta
đón nhận với lòng biết ơn. Đối với chúng ta, đó là một lối mở để đi vào với cả
gia đình giáo hội. Tôi sợ rằng việc phong chức cho những người đàn ông đã có vợ,
mà họ phải nhận trách nhiệm cho một cộng đồng, có thể đóng cửa chính cộng đồng
đó và cắt đứt nó khỏi tính phổ quát của Giáo hội. Làm sao một ai có thể bắt một
người đàn ông đã có vợ biến đổi cộng đồng của mình, trong khi còn đa mang cùng
vợ và con cái? Làm thế nào ông ta có thể trải nghiệm sự tự do của một người phục
vụ sẵn sàng hi sinh cho mọi người?
Chức linh mục là
một món quà được trao ban khi Ngôi Lời Nhập Thể được đón nhận. Đối với Chúa đó
không phải là nghĩa vụ, còn đối với con người đó không phải là quyền. Một cộng
đồng được truyền đạt theo cái ý tưởng cho mình có quyền được nhận Thánh Thể sẽ
không còn là môn đệ của Chúa Kitô nữa. Như tên gọi của nó, Bí tích Thánh Thể là
lời tạ ơn, là một hồng ân nhưng không, một món quà của lòng thương xót. Sự hiện
diện Thánh Thể được đón nhận với cảm xúc ngỡ ngàng và vui mừng như một món quà
vô giá. Bất kỳ người tín hữu nào nghĩ rằng họ có quyền được hưởng các ơn ấy cho
thấy họ không hiểu biết một chút nào cả.
Tôi trộm nghĩ rằng
các cộng đồng Kitô hữu ở Amazon không cho rằng mình phải được đáp ứng đầy đủ
các nhu cầu về Bí tích Thánh Thể đâu. Tôi nghĩ, đúng hơn, rằng những chủ đề này
là nỗi ám ảnh bắt nguồn từ các môi trường thần học tại các trường đại học.
Chúng ta đang phải đối phó với các dòng ý thức hệ được khai triển bởi một vài
nhà thần học, hay đúng hơn là những phù thủy học nghề, những người muốn sử dụng
đau khổ của những người nghèo làm phòng thí nghiệm cho kế hoạch thông minh của
họ. Tôi không thể cứ im lặng và để họ hành xử như vậy mãi. Tôi muốn bảo vệ những
người nghèo đó, những người nhỏ bé, những người này “không có tiếng nói”. Chúng
ta không được tước đoạt của họ sự toàn vẹn của chức linh mục. Chúng ta đừng lấy
mất ý nghĩa thực sự của Bí tích Thánh Thể mà họ hằng ấp ủ. “Chúng ta không
thể sửa lại giáo lý Công giáo về chức linh mục và luật độc thân để gọi là điều
chỉnh, hầu đáp ứng nhu cầu được cho là cảm thấy cần thiết trong một số tình huống
mục vụ khó khăn”, Đức hồng y Marc Ouellet gần đây đã nhận xét như vậy. “Trên
tất cả, tôi nghĩ rằng Giáo hội Latinh không tự đặt định truyền thống độc thân
linh mục cho riêng mình đâu, mà đặc sủng này vốn tồn tại từ thời các tông đồ và
là bí quyết, là động lực cho sứ vụ truyền giáo mạnh mẽ của Giáo hội. [5]” Điều chúng ta đang nói đến là cực kì
quan trọng. Độc thân linh mục là một động lực mạnh mẽ của công cuộc truyền
giáo. Đặc sủng đó làm cho các nhà truyền giáo đáng được tin cậy. Triệt để hơn,
nó giúp các ngài được tự do, để sẵn sàng đi bất cứ đâu và dám mạo hiểm mọi sự
vì các ngài không còn bị giam hãm bởi bất cứ nơi chốn nào cả.
Trong ánh sáng của truyền thống Giáo hội
Một số người sẽ
nghĩ rằng những suy tư của tôi là sai lầm. Họ nói với tôi rằng độc thân linh mục
chỉ là một kỷ luật được áp đặt các cho các giáo sĩ của Giáo hội Latinh vào một
thời xa xưa thôi.
Tôi đã đọc những
lời tuyên bố như vậy, đã được lặp đi lặp lại trên các báo chí. Sự trung thực
trong lịch sử bắt buộc tôi phải tuyên bố rằng họ đã sai lầm. Các nhà sử học
nghiêm túc cho biết rằng từ thế kỷ thứ bốn trở đi, các công đồng đã nhắc đến sự
bắt buộc tiết chế tình dục đối với các linh mục. Chúng ta phải luôn chính xác.
Nhiều người đàn ông đã có vợ được thụ phong linh mục trong thiên niên kỷ đầu
tiên. Nhưng kể từ ngày thụ phong, họ buộc phải kiêng quan hệ tình dục với vợ.
Điều này thường xuyên được nhắc lại qua các công đồng chung, dựa trên một truyền
thống đã có từ thời các tông đồ. Có thể nào không hình dung được rằng nếu Giáo
hội tự ý cố chấp đưa ra kỷ luật tiết chế tình dục cho giáo sĩ mà lại không gây
ra sự phản đối chung nơi những người mà luật này tác động sao? Ngày hôm nay các
nhà sử học nhấn mạnh một điều là, đã không hề có các cuộc phản đối khi Công đồng
Elvira, vào đầu thế kỷ thứ bốn, quyết định loại trừ khỏi hàng giáo sĩ các giám
mục, linh mục và phó tế bị nghi ngờ có quan hệ tình dục với vợ của họ. Việc một
quyết định gay gắt như vậy không làm dấy lên một sự phản đối nào chứng tỏ rằng
luật độc thân giáo sĩ không phải là điều gì mới. Giáo hội vừa mới bước ra khỏi
thời kỳ bách hại. Một trong những mối quan tâm đầu tiên của Giáo hội là cần phải
thiết định lại một quy luật vốn đôi khi đã bị buông lỏng trong hoàn cảnh xáo trộn
của thời kì tử đạo, và luật đó đã được phục hồi hết sức tốt đẹp.
Chức linh mục là
lời đáp trả cho một tiếng gọi cá nhân. Đó là kết quả của một tình yêu thân thiết
đến từ Thiên Chúa, mà chúng ta có thể tìm thấy nguyên mẫu trong ơn gọi của
Samuel (1 Sm 3). Một người không trở thành linh mục bởi vì anh cần phải đáp ứng
nhu cầu của cộng đồng, và rồi bất cứ ai cũng có thể chiếm giữ vị trí đó. Chức
linh mục là một tình trạng sống. Đó là kết quả của một cuộc đối thoại mật thiết
giữa Thiên Chúa Đấng kêu gọi và tâm hồn đáp trả: “Lạy Thiên Chúa, này con
đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10, 7). Không gì có thể can thiệp vào
cuộc trò chuyện từ-trái-tim-đến-trái-tim này. Giáo hội chỉ xác thực hóa lời đáp
trả ấy. Tôi vẫn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với vợ của một người đàn ông được
phong chức linh mục? Cô ấy sẽ ở vị thế nào? Có một ơn gọi để làm vợ của một
linh mục không? Chức linh mục, như chúng ta đã thấy, giả định một sự trao hiến
trọn cuộc đời mình, giải thoát chính mình như Chúa Kitô đã sống. Nó giả định
người ta phải trở nên một món quà tuyệt đối của bản thân dành cho Thiên Chúa và
một quà tặng trọn vẹn của bản thân cho anh chị em mình. Vậy thì còn nơi nào nữa
để dành cho các liên hệ vợ chồng? Công đồng Vatican II đã trình bày phẩm giá của
bí tích Hôn phối là con đường đúng đắn để nên thánh qua đời sống vợ chồng. Tuy
nhiên, tình trạng đời sống như vậy giả định rằng vợ chồng đặt mối quan hệ gắn kết
của họ lên trên tất cả. Để phong chức một người đàn ông đã có vợ, một linh mục
sẽ làm suy giảm phẩm giá của hôn nhân, đồng thời thu giảm chức linh mục thành một
công việc [một viên chức].
Phải nói gì về sự
tự do mà con cái của hai vợ chồng được quyền ao ước một cách chính đáng? Chúng
cũng phải theo đuổi ơn gọi của cha chúng hay sao? Làm thế nào bất cứ ai có thể
áp đặt cho những đứa con này một lối sống mà chúng không muốn chọn? Chúng có
quyền tận hưởng tất cả những nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của chúng.
Liệu các linh mục đã kết hôn có đáp ứng được tất cả những đòi hỏi này không?
Người ta có thể lập
luận rằng Kitô hữu Đông phương vẫn luôn quen với những tình huống này rồi và nó
không xảy ra vấn đề gì. Điều đó là sai. Vào một thời gian xa xưa, Kitô giáo
Đông phương cho phép những người đàn ông đã kết hôn trở thành linh mục được
quan hệ tình dục với vợ của họ. Kỷ luật này đã được đưa vào trong Công đồng
Trullô năm 691. Sự kiện lạ thường này xuất hiện là do hậu quả của một nhầm lẫn
trong việc sao chép các điều khoản giáo luật của Công đồng Carthage trước đó,
nhóm họp vào năm 390. Hơn nữa, những thay đổi quan trọng hơn của Công đồng cuối
thế kỷ thứ bảy này không phải là xóa bỏ sự tiết dục đối với các linh mục mà là
giới hạn việc sinh hoạt tình dục trong những thời kỳ trước khi cử hành các Mầu
Nhiệm Thánh. Như vậy, mối liên hệ thuộc bản thể giữa việc thi hành tác vụ linh
mục và sự tiết chế vẫn được nhìn nhận và duy trì. Có ai muốn quay trở lại việc
thực hành đó không? Chúng ta phải lắng nghe những lời chứng từ các Giáo hội
Công giáo Đông phương. Nhiều người trong các Giáo hội này đã phát biểu rõ ràng
rằng đời sống linh mục gặp rất nhiều căng thẳng với công việc gia đình. Trong
nhiều thế kỷ qua, tình trạng này vẫn có thể tồn tại được nhờ vào sự hiện hữu
các mối dây giữa “các gia đình linh mục”, trong đó những đứa trẻ nam được giáo
dục để tham gia vào ơn gọi của người cha trong gia đình, còn các cô con gái thường
kết hôn với một linh mục tương lai. Nếu cần phải lượng giá thì có thể nói kiểu
cách sinh hoạt như thế này (modus operandi) không thể đem lại phẩm giá
và tự do cho mỗi người được. Các giáo sĩ kết hôn phương Đông luôn gặp khủng hoảng.
Việc ly hôn của các linh mục đã trở thành nguyên do gây ra căng thẳng trong
sinh hoạt đại kết giữa các Tòa Thượng phụ Chính thống.
Trong các cộng đồng
Giáo hội Đông phương tách biệt, chỉ có sự hiện diện của các tu sĩ trổi vượt về
đức hạnh mới có thể làm cầu nối, giúp cho một giáo sĩ đã kết hôn được cộng đoàn
dân Chúa đón nhận. Có nhiều Kitô hữu Chính thống không bao giờ đi xưng tội với
một linh mục đã kết hôn. Cảm thức đức tin (sensus fidei) mách bảo cho
người tín hữu nhận ra có một điều gì đó khiếm khuyết trong các giáo sĩ không sống
bậc độc thân tận hiến.
Tại sao Giáo hội
Công giáo cho phép sự hiện diện của một số giáo sĩ đã kết hôn trong Giáo hội
Đông phương được hội nhập với Rôma? Dưới ánh sáng của các tuyên bố mới đây
trong Huấn Quyền về mối tương quan bản thể giữa chức linh mục và tình trạng độc
thân, tôi nghĩ rằng mục đích của sự chấp nhận này là để thúc đẩy sự tiến triển
dần dần đối với việc thực hành đời sống độc thân, sẽ diễn ra, không phải bằng
con đường kỷ luật, mà đúng hơn bằng những lý do thiêng liêng và mục vụ phù hợp.
__________________
[1] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Kinh Truyền Tin ngày
13, tháng Sáu 2010
[2] Nội dung này được đặt ở phần đầu sách
[3] Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ Truyền Dầu tại
Đền thờ thánh Phêrô, thứ Năm Tuần Thánh, 4 tháng 9, năm 2009.
[4] Bênêđictô XVI, huấn từ với hàng giáo sĩ
Giáo phận Bolzano-Bressanone, ngày 6 tháng 8, năm 2008.
[5] Marc Cardinal Ouellet, trong cuộc phỏng vấn
với Jean-Marie Guénois, Le Figaro, 28 tháng Mười, 2019
Nguồn: gpcantho.com