VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG THỜI ĐẠI NGÀY
NAY
Thiên Triệu
WHĐ (10.11.2020)
– Giải Templeton được Sir John Templeton thành lập năm 1972 nhằm tôn vinh những
cá nhân có công trong việc phát triển đời sống tâm linh của nhân loại. Giải
Templeton được sánh với giải Nobel hằng năm về nhiều lãnh vực nhưng không quan
tâm đến lãnh vực tâm linh. Từ khi thành lập đến nay, giải Templeton đã được
trao cho nhiều nhà khoa học, triết gia, thần học gia, giáo sĩ, nhà văn…
Những người nhận
giải Templeton thường có bài phát biểu quan trọng, thể hiện tầm nhìn sâu sắc của
họ về vai trò của sự sống tâm linh trong thế giới. Chúng tôi trân trọng giới
thiệu hai bài phát biểu của Đức Ông Tomas Halik, linh mục Công giáo, và của
Lord Jonathan Sacks, Rabbi Do Thái.
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC ÔNG TOMAS HALIK
Đức Ông Tomas Halik là một linh mục Công
giáo, triết gia và thần học gia người Tiệp Khắc. Cha là giáo sư môn Xã hội học
tại Đại học Thánh Carôlô ở Praha, và từ năm 1989 đến nay, cha được mời thuyết
trình tại nhiều đại học và các hội nghị quốc tế trên thế giới. Cha được trao giải
thưởng Templeton năm 2014.
1. Hôm nay tôi được gia nhập gia đình những người lãnh giải Templeton
trong niềm vui, sự kính trọng, lòng biết ơn, nhất là với ý thức về trách nhiệm
và sự cam kết tinh thần.
Lúc ban đầu, cách
đây hơn 40 năm, giải Templeton được mô tả là giải thưởng cho “sự tiến bộ trong
tôn giáo”. Vào thời điểm đó, nhiều người lấy làm khó chịu về sự nối kết giữa
“tiến bộ” và “tôn giáo”. Nhiều tín hữu tin rằng trong tôn giáo, không cần có sự
tiến bộ vì tôn giáo chỉ là người canh giữ và bảo vệ trật tự vững chắc trong xã
hội. Nhiều người-không-tin lại cho rằng tôn giáo không thể có bất kỳ tiến bộ
nào, và chủ nghĩa thế tục là tiếng nói cuối cùng của sự tiến hóa về mặt văn
hóa. Một thế hệ sau, Jurgen Habermas tuyên bố rằng ngày nay chúng ta đang sống
trong một thế giới hậu-thế-tục (post-secular).
Đó là một thế giới
kỳ lạ. Nó hàm chứa nhiều ngạc nhiên bất ngờ đối với người có niềm tin tôn giáo
cũng như người không tin. Nói tổng quát là hiện tượng tôn giáo không chết đi
nhưng đang được biến đổi. Không những các “tôn giáo mới” và những phong trào
tôn giáo được hình thành, nhưng những tôn giáo cũ cũng đang biến đổi và đảm nhận
những vai trò mới, về văn hóa và chính trị. Nơi đâu các tôn giáo truyền thống bị
bóp nghẹt thì chính hiện tượng thế tục lại trở thành tôn giáo. Không lạ gì khi
nhiều vị đại diện của các tôn giáo cũ và “chủ thuyết vô thần mới” bắt đầu thấy
lo sợ.
2. Lần đầu tiên đến thăm nước Anh cách nay gần nửa thế kỷ, tôi đến từ một
đất nước ở đó thứ tôn giáo do Nhà nước áp đặt quyết liệt được gọi là “chủ thuyết
vô thần khoa học”. Không những tự do tôn giáo hoàn toàn bị đàn áp nhân danh hệ
ý thức vô thần khoa học, mà cả tự do sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu khoa học
cũng bị đàn áp như thế. Tôi đã thật hạnh phúc khi được phép đi thăm nước Anh, một
đất nước với truyền thống Kitô giáo khoan dung lâu đời, một Kitô giáo khôn
ngoan và vui tươi của Chesterton và C.S.Lewis.
Nửa thế kỷ đã qua
đi. Những chiếc xe buýt chạy quanh Luân Đôn với thông điệp “Thiên Chúa có lẽ
không hiện hữu” được dán bên thành xe, và mệnh đề “Anh quốc là nước Kitô giáo”
đang gây tranh cãi và phản kháng dữ dội. Không, tôi không kinh hãi. Tôi luôn cố
gắng tìm hiểu người khác hơn là kêu gọi chiến tranh văn hóa. Theo một nghĩa nào
đó, tôi còn cực đoan hơn ngài Dawkins. Tôi xác tín rằng Thiên Chúa trong chủ
trương vô thần của Dawkins – một Thiên Chúa được hiểu như một giả thuyết khoa học
ngây ngô – Thiên Chúa ấy không chỉ có lẽ không hiện hữu mà dứt khoát là không
hiện hữu. Chắc chắn đó không phải là vị Thiên Chúa mà tôi tin. Đó không phải là
vị Thiên Chúa mà nhân danh Ngài, chúng tôi chiến đấu chống lại thứ chủ thuyết
vô thần gắn liền với quyền lực chính trị.
Không, không phải
tôn giáo đúng nghĩa, hoặc khoa học, kể cả cách giải thích vô thần về khoa học
đã gây ra những khó khăn, nhưng thay vào đó là những con người với trí tuệ khép
kín, họ cần phải đàn áp và hạ nhục những niềm tin khác để truyền bá niềm tin của
họ. Lịch sử Đông Âu cho thấy tôn giáo hay chủ thuyết vô thần đều có thể bị sa
vào cơn cám dỗ quyền lực. Tôi chỉ đơn giản mong ước rằng khi thứ “chủ thuyết vô
thần” mới già tuổi hơn và trưởng thành hơn, ít ra nó cũng sẽ khoan dung như
Kitô giáo tại châu Âu ngày nay.
3. Thế nhưng Kitô giáo Tây phương ngày nay đang ở đâu, nó mang hình thái
nào, và tầm nhìn của nó về tương lai ra sao? Tôi không ngạc nhiên khi những mệnh
đề như “Anh quốc là nước Kitô giáo” hay “Châu Âu là lục địa Kitô giáo” có thể
gây bão. Một đàng, có nhiều chứng cứ lịch sử và xã hội biện minh cho lập trường
này. Nói cho cùng, chính đặc tính thế tục của xã hội cũng là hoa quả của Kitô
giáo, và theo một nghĩa nào đó, cả chủ thuyết vô thần tại Âu châu cũng là hiện
tượng Kitô giáo. Đàng khác, những mệnh đề như “Anh quốc là nước Kitô giáo” hay
“Châu Âu là lục địa Kitô giáo” lại khiến chúng ta đặt câu hỏi: Nói như thế
nghĩa là gì? Nói như thế sẽ đưa đến những kết luận nào? Mô hình Kitô giáo nào
có thể giúp cho thế giới của chúng ta trở thành nơi tốt đẹp hơn cho sự sống mọi
người – cả Kitô giáo và ngoài Kitô giáo, cả các tín hữu cũng như người vô thần?
Chúng ta đã chứng
kiến sức mạnh của những biểu tượng tôn giáo có thể trở thành sức mạnh hủy diệt
và nguồn bạo lực như thế nào khi nó gắn với những lợi ích chính trị. Bây giờ cần
phải hỏi: Làm thế nào để sức mạnh đức tin có thể được vận dụng để kiến tạo một
nền văn hóa của sự tôn trọng lẫn nhau, một nền văn minh trong đó sự khác biệt
không bị coi là mối đe dọa nhưng là giúp nhau thêm phong phú. Tiến bộ nào có thể
xảy ra trong tôn giáo để chúng ta được hưởng một nền văn hóa chia sẻ thay cho nỗi
sợ hãi vì sự va chạm giữa các nền văn minh? Các tôn giáo (nhất là Kitô giáo) có
thể làm gì để biến đổi tiến trình toàn cầu hóa thành một nền văn hóa của thông hiệp?
4. Vào thời điểm tôi đến thăm nước Anh lần đầu, mùa hè năm 1968, xe tăng
của Nga tiến vào đất nước tôi, đè bẹp niềm hi vọng của (phong trào) Mùa Xuân
Praha, hi vọng được hưởng chút tự do và dân chủ. Tôi chỉ có thể đến Anh quốc lần
thứ hai sau sự sụp đổ của đế quốc Xô-viết, vốn được cai trị bằng sự phối hợp giữa
chủ nghĩa đế quốc Nga lỗi thời và hệ ý thức “vô thần khoa học”.
Ngày nay không chỉ
những nước ở Trung Âu và Đông Âu mới quan tâm theo dõi những nỗ lực của nhà cầm
quyền tại điện Kremlin để khôi phục vương quốc xưa. Hệ ý thức “vô thần khoa học”
đã chết từ lâu tại Nga, nhưng chủ nghĩa quốc gia Nga lỗi thời và những giấc mơ
đế quốc vẫn còn rất mạnh. Trong Đệ nhị thế chiến, Stalin, một trong những người
bách hại tôn giáo tàn ác nhất của lịch sử nhân loại, nhận ra rằng người dân Nga
không sẵn sàng chết cho thứ hệ ý thức Cộng sản “vô thần khoa học”, thế là ông
ta cố gắng sử dụng Chính thống giáo và chủ nghĩa quốc gia Nga để cứu đế quốc.
Ngày nay chúng ta nhìn thấy cảnh những ông KGB ngày xưa hôn kính ảnh Chúa Kitô
và ảnh Đức Mẹ. Liệu các vị lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Nga có được sự can đảm
của các tiên tri trong Kinh Thánh để nói với những nhà lãnh đạo Nga ngày nay rằng:
Trước hết các ông phải vứt bỏ khỏi tâm trí các ông những con quỷ trong tác phẩm
Những người bị quỷ ám của
Dostoievski, rồi mới đem lễ vật hi sinh đến Nhà Chúa?
Trong ánh sáng của
những phát triển nguy hiểm tại Đông Âu, chúng ta phải ý thức trách nhiệm của
mình trong việc bảo tồn và thúc đẩy dự phóng vĩ đại về một châu Âu hiệp nhất. Sự
toàn vẹn chính trị mạnh mẽ của châu Âu là sự bảo vệ duy nhất đối với các dân tộc
Âu châu, không những chống lại những nguy hiểm bên ngoài nhưng hơn thế nữa, chống
lại sự bùng nổ của chủ nghĩa man di bên trong, chống lại chủ nghĩa quốc gia cực
đoan, chủ trương bành trướng nước lớn và chủ trương bài ngoại đã từng ngóc cái
đầu xấu xa của nó trong các quốc gia Âu châu.
Nếu cơn cám dỗ
nguy hiểm của chủ trương ích kỷ quốc gia và chủ nghĩa cô lập thắng thế tại châu
Âu, dẫn tới sự sụp đổ của EU (Europian Union), thì các quốc gia châu Âu sẽ
không có được chủ quyền lớn hơn nhưng thay vào đó, sẽ phải đối mặt nhiều hơn với
những sức mạnh của hỗn mang và hủy diệt từ bên trong.
Nếu ngôi nhà
chung Âu châu thực sự là nhà, nó không thể chỉ được đặt nền trên việc quản trị
và giao thương. Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi sinh
tâm linh và tinh thần của xã hội. Hệ thống Cộng sản trong đó văn hóa bị kiểm
soát bởi hệ ý thức đã không thể tồn tại trong thị trường toàn cầu của các ý tưởng.
Thế nhưng điều gì sẽ xảy đến cho một xã hội mà ở đó văn hóa đánh mất chiều kích
tâm linh và thay vào đó, bị thống trị bởi nền công nghệ giải trí và thương mại?
Trong sự trỗi dậy
của châu Âu, các Giáo hội đã đóng vai trò chủ chốt trong việc kiến tạo nền văn
hóa phối hợp sứ điệp Kinh Thánh với sự minh triết của Hi Lạp và hệ thống pháp
lý của Rôma. Nhưng hình thức đó của Kitô giáo – Christianitas, Kitô giới – nay
đã thuộc về quá khứ. Kitô giáo không còn là ngôn ngữ chung của các quốc gia Âu
châu. Châu Âu của tương lai sẽ là bản nhạc đa âm còn phong phú hơn. Kitô giáo
ngày nay chỉ còn là một trong nhiều tiếng nói. Đừng hỏi rằng tiếng nói nào sẽ lớn
hơn trong châu Âu ngày mai, nhưng thay vào đó hãy hỏi xem tiếng nói nào đóng
góp nhiều hơn cho nền văn hóa sống chung dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn
nhau.
Sứ điệp trung tâm
của Kitô giáo là: Thiên Chúa là tình yêu và Thiên Chúa Ba Ngôi chính là cộng đồng
chia sẻ. Niềm tin vào một Thiên Chúa là tình yêu và cộng đồng chia sẻ không phải
là một giả thuyết khoa học nhưng là một cam kết tinh thần với những hàm ngậm hiển
nhiên về chính trị và văn hóa. Đó là sự cam kết chấp nhận tính đa nguyên của thế
giới chúng ta và không ngừng nỗ lực để biến đổi tính đa nguyên đó thành nền văn
hóa của thông hiệp, chia sẻ và làm phong phú lẫn nhau. Kitô giáo không cần là
ngọn cờ bay cao hơn tại châu Âu, nhưng châu Âu và thế giới cần đến những con
người đem lại cho hai từ tình yêu ý
nghĩa sâu xa vốn có trong sứ điệp căn để của Phúc Âm.
5. Văn hóa Kitô giáo Tây phương của chúng ta và giai đoạn Khai sáng quan
trọng trong lịch sử đã dẫn đến ý tưởng vĩ đại về sự khoan dung.
Khoan dung là
cách dịch thế tục của giáo huấn Phúc Âm về tình yêu thương đối với kẻ thù. Thế
nhưng khi những ý niệm tôn giáo được dịch sang ngôn ngữ và ý niệm thế tục thì
thông thường nó bị đánh mất một điều gì đó. Để khoan dung với một người láng giềng
khó chịu, tôi không cần phải yêu thương người đó. Tôi chỉ cần không biết đến
người đó, bởi vì tôi không quan tâm đến họ. Mỗi chúng ta đều có cuộc đời của
mình, lối sống của mình, chân lý của mình.
Một mô hình nào
đó về “chủ trương đa văn hóa” dựa trên nguyên tắc khoan dung sẽ không dẫn đến một
cộng đồng dân cư hay láng giềng, nhưng chỉ dẫn đến một hỗn hợp các ghettos khép
kín. “Hãy để mọi người sống như họ thích bao lâu nó không làm phiền hoặc giới hạn
người khác”. Chắc chắn đây là tình trạng nhân bản hơn tình trạng cãi vã thường
xuyên hay thậm chí gây chiến liên tục, thế nhưng liệu đó có thể là giải pháp
lâu dài không? Thứ khoan dung đó chỉ tốt cho những người sống bên cạnh nhau chứ không phải cho
những người sống với nhau.
Vấn đề là thế giới
chúng ta, “ngôi làng toàn cầu” đã trở nên quá chật chội để chỉ sống bên cạnh
nhau, không gây phiền toái. Dân số gia tăng và dù chúng ta thích hay không
thích thì càng ngày càng có nhiều người “khác” chúng ta. Hàng rào ngôi nhà
chúng ta không còn quá xa như xưa. Chúng ta có thể nhìn vào bếp ăn và ngửi thấy
mùi thơm nồi súp từ bàn ăn của nhà khác. Chúng ta không thể không biết đến những
gia đình trước đây chẳng có liên hệ gì. Mô hình khoan dung được kiến tạo cho một
thế giới khác, một kiến trúc đô thị khác. Nhưng những đô thị này không còn như
xưa. Chúng ta sống với nhau,
dù thích hay không, vì thế phải tìm những luật lệ khác cho sự sống chung này chứ không chỉ đơn giản là coi người
khác như không ở trong vòng thân hữu của mình.
6. Nhưng vòng thân hữu của chúng ta đã bị vi phạm rồi. Sự gần gũi như thế
(về không gian) thường dẫn đến những xung đột. Người ta không thể quay đi khi đối
diện với bạo lực. Cần phải che chở và bảo vệ người vô tội. Do đó phải đưa má mình ra, chứ không phải má
của kẻ khác, nếu có hi vọng ngăn cản cái ác; những người mà chúng ta phải bảo vệ,
chúng ta có trách nhiệm với họ.
Thế nhưng chúng
ta có thể và phải làm tất cả để sự việc không đi tới mức độ đó. Tại nhiều nơi bị
đe dọa, vẫn có thời giờ cho việc ngăn ngừa và chế ngự bạo lực, thời giờ cho đối
thoại.
Đối thoại liên
tôn thường diễn ra dưới hình thức các hội nghị - cơ hội cho những đại diện có học
thức thuộc các tôn giáo gặp gỡ nhau. Dĩ nhiên những cuộc gặp gỡ như thế có thể
được dùng như một dấu hiệu quan trọng, nhưng nó lại có một điểm yếu: dần dần
hình thành một văn hóa ngầm giữa các “chuyên viên đối thoại”, họ hiểu nhau tốt
hơn là những người cực đoan trong cộng đồng của họ. Hầu hết mọi người đều thích
liên hệ với những người chịu lắng nghe và đón nhận mình. Nhưng liệu những người
tham gia các cuộc gặp gỡ đó có đủ tầm nhìn và can đảm để tác động lên những người
trong cộng đoàn của họ không, những người nhìn các tín hữu và các tôn giáo khác
với đủ thứ thành kiến, sợ hãi và căm ghét? Và phải chăng một trong những bổn phận
nền tảng của các nhà lãnh đạo tôn giáo lại không phải là có sự can đảm mang
tính ngôn sứ để chống lại việc sử dụng tôn giáo nhằm phục vụ quyền lực, và chống
lại tất cả những ai gây bất công và bạo lực đối với người vô tội?
7. Cách nay hai ngàn năm, người ta hỏi vị rabbi Do Thái: Ai là người thân
cận của tôi? Câu hỏi đó vẫn còn rất khẩn thiết cho ngày nay. Chúa Giêsu đã đảo
ngược câu hỏi cách đáng ngạc nhiên. Đừng hỏi ai là người thân cận của tôi nhưng
hãy trở nên người thân cận của người khác! Hãy gần gũi với người khác, nhất là
những ai cần được giúp đỡ và yêu thương. Hãy trao tặng tự do cho những người đang
mòn mỏi trong thứ ngục tù của căm ghét và tội lỗi bằng cách bày tỏ sự tha thứ
và sẵn sàng hòa giải.
Lời Chúa Giêsu
kêu gọi sống tình yêu vô điều kiện, yêu thương cả kẻ thù, lời kêu gọi ấy xem ra
vô lý đối với những ai nhìn tình yêu như một tình cảm, một cảm xúc. Thế nhưng
tình yêu là điều gì đó vĩ đại hơn thế. Đó là một không gian an bình trong tâm hồn
và đời sống mà chúng ta trao tặng cho người khác để họ là chính họ. Chỉ trong
không gian yêu thương và đón nhận đó, chúng ta mới có thể khám phá sự thật về
chính mình, phát triển phần tốt đẹp nhất nơi mình. Nhưng tình yêu luôn là bước
đi quyết liệt và liều lĩnh. Bất cứ ai yêu thương đều phải liều chấp nhận bị tổn
thương.
Chỉ ở đó tôi mới
có thể trả lời câu hỏi về tương lai của đức tin. Tôi tin vào một đức tin mang
thương tích. Điều then chốt trong đức tin Kitô của tôi là một cảnh đặc biệt
trong Phúc Âm theo thánh Gioan – cuộc gặp gỡ giữa Tông đồ Tôma và Đức Kitô Phục
sinh. Trong lòng Tôma cũng như trong tâm trí nhiều người ngày nay, đức tin và
nghi ngờ đang xung đột lẫn nhau. Chỉ khi Chúa Giêsu cho Tôma thấy vết thương của
Người thì ông mới kêu lên: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!
Thế giới chúng ta
đầy thương tích. Tôi xác tín rằng những ai khép mắt lại trước những vết thương
của thế giới thì người ấy không có quyền nói rằng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa
của con. Một tôn giáo mà không biết gì đến nỗi đau và bất hạnh của con người
thì tôn giáo ấy chỉ là thuốc phiện của nhân dân. Một Thiên Chúa không mang
thương tích là vị Thiên Chúa đã chết. Khi ai đó nói với tôi về Thiên Chúa của họ,
tôi hỏi lại: Có phải là Thiên Chúa Tình yêu, chịu thương tổn vì những khổ đau của
nhân loại không? Tôi không muốn tin vào vị Thiên Chúa nào khác.
Gần đây tôi đọc
Nhật ký thiêng liêng của Mẹ Têrêxa Calcutta, người đầu tiên lãnh giải
Templeton. Trước đây tôi đã biết bà sống thế nào, cụ thể là phục vụ người
nghèo, người đau yếu, hấp hối. Bây giờ tôi lại biết những đêm tối của bà, những
đêm tối của linh hồn, những nghi nan của đức tin, trải nghiệm về sự im lặng của
Thiên Chúa. Bà mang lấy thập giá của tình liên đới gấp đôi. Ban ngày bà là một
nữ tu phục vụ những người cần được chữa lành vết thương và xoa dịu cơn đói thể
xác. Ban đêm bà lại chia sẻ đêm tối của những ai cảm thấy mình xa cách ánh sáng
của Thiên Chúa và chịu đựng sự trống rỗng của linh hồn.
Vâng, “sự phát
triển của tôn giáo” là ở đó. Đó là sự liên kết chiều sâu thiêng liêng và tình
liên đới rộng mở với tất cả những ai đang đau khổ.
Alexander
Solzhenitsyn, một người lãnh giải Templeton khác, từng trả lời câu hỏi về điều
gì sẽ tiếp theo chủ nghĩa Cộng sản, ông nói (đó là) một thời kỳ chữa lành lâu
dài, rất lâu dài. Trước câu hỏi về điều gì sẽ đến sau giai đoạn nhiều tín hữu
và cả người không tin đều cho rằng nói về Chúa là điều dễ dàng, tôi kì vọng đó
sẽ là hành trình lâu dài, rất lâu dài để đi vào chiều sâu. Và tôi đặt hi vọng ở
đó.
DIỄN VĂN CỦA RABBI LORD JONATHAN SACKS
Lord Jonathan Sacks (sinh năm 1948) là một
rabbi Do Thái, giáo sư môn Tư tưởng Do Thái tại đại học New York, đại học
Yeshiva, King’s College London. Ông được trao giải Templeton năm 2016 vì những
đóng góp cho những nghiên cứu và suy tư về vai trò của tôn giáo và những giá trị
tâm linh.
Tôi tự nhủ giải
thưởng này không phải là sự nhìn nhận về quá khứ cho bằng trách nhiệm đối với
tương lai, và bài diễn văn này hướng tới tương lai đó. Đây là thời điểm quyết định
trong lịch sử. Nhìn vào bất cứ đâu, về chính trị, tôn giáo, kinh tế, môi trường,
đều có sự bất an và bất ổn. Không quá đáng khi nói rằng tương lai của phương
Tây và hình thái độc đáo về tự do mà phương Tây khai phá suốt bốn thế kỷ qua
nay đang rơi vào nguy hiểm.
Hôm nay tôi muốn
nhìn vào một hiện tượng định hình phương Tây, lúc đầu đã dẫn đến sự vĩ đại
nhưng nay lại đưa đến khủng hoảng. Có thể tóm tắt trong một từ: gia công, thuê ngoài (outsourcing). Nhìn
ở bề mặt, không gì có thể tốt đẹp và hiệu quả hơn (về sản xuất). Đó là nền tảng
của kinh tế hiện đại. Chính lý thuyết của Adam Smith về phân chia lao động và của
David Ricardo về lợi thế so sánh (comparative advantage) nói lên điều đó, kể cả
khi bạn giỏi hơn tôi về mọi sự, cả hai chúng ta đều có lợi nếu bạn làm điều bạn
giỏi nhất và tôi làm điều tôi giỏi nhất và chúng ta giao thương với nhau. Câu hỏi
là: Có giới hạn nào không? Có những gì mà chúng ta không thể và không nên thuê
ngoài?
Vấn đề nổi lên do
những kỹ thuật mới và truyền thông toàn cầu rất nhanh chóng. Thế nên thay vì
gia công trong một nền kinh tế thì chúng ta gia công giữa các nền kinh tế.
Chúng ta đã thấy việc gia công sản xuất tại các nước có giá nhân công rẻ. Chúng
ta đã thấy việc gia công các dịch vụ. Đây được coi như ý tưởng tốt, như thể
phương Tây nói với thế giới: các anh sản xuất, còn chúng tôi tiêu thụ. Nhưng liệu
chuyện đó có bền vững lâu dài không?
Rồi các ngân hàng
bắt đầu gia công các rủi ro, cho vay vượt khả năng vì tin tưởng rằng giá cả sẽ
tăng không ngừng hoặc tệ hơn nữa, dù nó có sụt giảm trầm trọng thì đó là vấn đề
của ai khác chứ không phải của tôi.
Còn một hình thức
thuê ngoài nữa mà ít ai để ý: thuê trí nhớ.
Các máy tính và điện thoại thông minh của chúng ta đã phát triển những bộ nhớ
ngày càng lớn hơn, từ kilobyte đến megabyte rồi gigabyte, đang khi trí nhớ của
chúng ta và con cái chúng ta ngày càng nhỏ hơn. Thật thế, ngày nay tại sao lại
phải bận tâm ghi nhớ bất cứ điều gì trong khi chúng ta có thể tìm thấy trong
nháy mắt trên Google hay Wikipedia?
Thế nhưng ở đây
tôi nghĩ chúng ta đã phạm một sai lầm. Chúng ta lẫn lộn lịch sử với ký ức, vốn
không giống nhau. Lịch sử là để trả lời cho câu hỏi “Điều gì đã xảy ra?”, còn
ký ức trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Lịch sử là về những sự kiện, ký ức là về
căn tính. Lịch sử là câu chuyện của nó (his-story). Chuyện đó xảy đến cho ai
khác chứ không phải tôi. Ký ức là chuyện của tôi, là quá khứ làm nên con người
tôi, di sản mà tôi là người canh giữ cho thế hệ sẽ tới. Không có ký ức thì
không có căn tính. Và không có căn tính, chúng ta chỉ còn là bụi đất trên bề mặt
của vô biên.
Vì thiếu ký ức,
chúng ta đã quên mất một trong những bài học quan trọng nhất phát sinh từ những
cuộc chiến tranh tôn giáo trong thế kỷ 17 và 18 và sự phát sinh tự do mới tiếp
theo sau. Cho dù nghe có vẻ cổ xưa nhưng đúng là: Xã hội tự do là sự thành tựu tinh thần. Không có sự tự chế, không
có khả năng trì hoãn sự thỏa mãn bản năng, và không có những tập quán tinh thần
mà chúng ta gọi là nhân đức, thì cuối cùng chúng ta đánh mất tự do.
Đó là điều Locke
muốn nói khi ông đối nghịch tự do (liberty)
với sự buông thả (licence): liberty
là tự do làm điều mình phải làm, còn licence là tự do làm điều mình muốn. Đó là
điều mà Adam Smith lưu ý khi ông viết cuốn The
Theory of Moral Sentiments trước khi viết cuốn The Wealth of Nations. Đó là điều Washington muốn nhắc khi nói,
“Quyền con người chỉ có thể được bảo đảm trong một dân đạo đức”. Và Benjamin
Franklin khi nói, “Chỉ có một dân tộc đạo đức mới có thể hưởng tự do”. Còn
Jefferson viết, “Một dân tộc xét như một xã hội đào tạo con người đạo đức, và mọi
thành viên trong đó phải có trách nhiệm với xã hội của mình”.
Ở một thời điểm
nào đó, phương Tây đã bỏ rơi niềm tin này. Khi tôi đến Cambridge vào thập niên
1960, lúc đó giáo trình triết học được gọi là Khoa học luân lý, nghĩa là cũng
giống như Khoa học tự nhiên, luân lý là điều khách quan, hiện thực, thành phần
của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên tôi sớm nhận ra rằng hầu như chẳng ai tin vào
điều đó nữa. Luân lý chẳng là gì khác hơn sự diễn tả cảm xúc, hoặc một tình cảm
chủ quan, hoặc trực giác riêng tư, hoặc chọn lựa tự lập. Trong những giới hạn,
đó là bất cứ điều gì tôi chọn. Thật vậy, chẳng còn gì để nghiên cứu ngoài ý
nghĩa của từ ngữ. Đối với tôi, điều này không phải là văn minh cho bằng sự sụp
đổ của văn minh.
Tôi đã dành nhiều
năm để nghiên cứu xem điều gì đã xảy ra. Luân lý đã bị tách thành hai phần và
được trao cho những cơ chế khác. Có những chọn lựa luân lý và có những hậu quả
của chọn lựa luân lý. Chính luân lý lại được trao cho thị trường. Thị trường
cho chúng ta những chọn lựa, và chính luân lý chỉ là một tập hợp những chọn lựa,
ở đó đúng hay sai chẳng có ý nghĩa gì cao hơn việc ước muốn được thỏa mãn hay
không thỏa mãn. Kết quả là chúng ta thấy ngày càng khó hiểu tại sao có những điều
chúng ta muốn làm, có thể làm và có quyền hợp pháp để làm nhưng lại không nên
làm vì nó không công bằng hoặc không xứng đáng hoặc không trung thành hoặc
không có ý nghĩa: tắt một lời, thiếu đạo đức. Đạo đức học bị giảm thiểu thành
kinh tế học.
Xét về những hậu
quả của các chọn lựa, người ta trao cho Nhà nước. Những chọn lựa xấu dẫn đến hậu
quả xấu: các tương quan bị đổ vỡ, trẻ em không được chăm sóc, những căn bệnh trầm
cảm, những cuộc đời phí phạm. Thế nhưng chính quyền sẽ lo chuyện đó. Hãy quên
đi chuyện hôn nhân là mối dây thiêng thánh giữa vợ và chồng. Hãy quên đi chuyện
trẻ thơ cần môi trường sống yêu thương và an toàn. Hãy quên đi chuyện các cộng
đoàn sẽ nâng đỡ chúng ta khi cần thiết. Phúc lợi người dân được trao cho Nhà nước.
Đối với lương tâm vốn từng đóng vai trò lớn trong đời sống luân lý, lương tâm
đó cũng có thể được trao cho những cơ quan điều hành. Như thế, khi giảm thiểu
chọn lựa luân lý cho khoa kinh tế, chúng ta cũng chuyển những hậu quả của chọn
lựa cho chính trị.
Xem ra điều đó vận
hành tốt, ít ra là trong một hay hai thế hệ. Nhưng hiện nay các vấn đề đã xuất
hiện và không thể chỉ giải quyết bằng thị trường hay Nhà nước. Chỉ xin ghi nhận
một ít việc: Tình trạng thất nghiệp tiếp theo sau việc gia công sản xuất và dịch
vụ; thất nghiệp sẽ gia tăng hơn nữa khi trí tuệ nhân tạo thay thế phán đoán và
kĩ năng của con người. Lợi tức thấp thúc đẩy vay mượn và nợ nần và làm cho người
ta không muốn tiết kiệm hay đầu tư. Việc hạ thấp mức sống, trước hết trong giới
lao động, rồi đến giới trung lưu. Sự bất ổn trong công việc, kể cả với những
người có bằng tốt nghiệp. Các gia đình trẻ không đủ khả năng mua nhà. Sự đổ vỡ
của hôn nhân đưa đến những vấn đề nghèo khổ và trầm cảm nơi trẻ em. Sự sụt giảm
mức sinh nở khắp châu Âu dẫn đến sự gia tăng di dân chưa từng có, ngày nay đó
là cách duy nhất để phương Tây giữ vững dân số, và sự thất bại có tính hệ thống
trong việc giúp di dân hội nhập. Việc đánh mất gia đình, cộng đoàn, căn tính, vốn
là những gì đem lại cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những thời điểm khó khăn.
Và những việc khác nữa.
Tại sao các vấn đề
trên lại không thể giải quyết? Trước hết, vì đó là những vấn đề toàn cầu, còn
các chính phủ chỉ ở tầm mức quốc gia. Thứ hai, đó là những vấn đề lâu dài đang
khi thị trường và chính trị dân chủ tự do chỉ là ngắn hạn. Thứ ba, vì những vấn
đề trên tùy thuộc sự thay đổi thói quen ứng xử mà thị trường và chính trị lại
không có chức năng này. Trên hết mọi sự là vì những vấn đề trên không thể được
giải quyết bằng thị trường và chính trị. Bạn không thể “gia công, thuê” lương
tâm. Bạn không thể rũ bỏ trách nhiệm luân lý.
Khi bạn làm việc,
bạn nêu cao những kì vọng mà lại không thể đáp ứng. Khi những kì vọng không được
đáp ứng, xã hội sẽ chứa đầy những bực bội, giận dữ, sợ hãi, chán nản, nguyền rủa.
Dân chúng bắt đầu đi tìm nương náu nơi những suy nghĩ ma thuật và ngày nay có
thể là một trong bốn hình thái: cực hữu, cực tả, cực đoan tôn giáo, và chủ
trương tục hóa hiếu chiến. Cực hữu tìm cách trở về quá khứ huy hoàng vốn không
bao giờ có. Cực tả tìm kiếm thứ tương lai không tưởng, chẳng bao giờ thành. Những
kẻ cực đoan tôn giáo tin rằng bạn có thể đem ơn cứu độ đến nhờ bạo lực. Những
người chủ trương tục hóa hiếu chiến lại tin rằng cứ gạt bỏ tôn giáo thì sẽ có
hòa bình. Tất cả đều là ảo tưởng và theo đuổi những ảo tưởng đó sẽ gây nguy hiểm
cho chính những nền tảng của tự do. Tuy nhiên chúng ta đã thấy, kể cả trong nền
chính trị Anh quốc và Hoa Kỳ, những hình thái xấu xí và phi lý mà tôi chưa bao
giờ nghĩ sẽ gặp trong đời. Chúng ta đã thấy nơi những khuôn viên đại học ở Anh
và Mỹ sự bỏ rơi tự do học thuật nhân danh quyền không được xúc phạm người khác,
để không chấp nhận bị chất vấn bởi những quan điểm mà mình không đồng ý. Đó là
sự phản bội trí thức trong thời đại chúng ta và nó rất nguy hiểm. Vậy có con đường
nào khác không?
Có hai hiện tượng
làm tôi say mê từ lâu. Một là sự kiện lạ lùng: bị tụt hậu so với Trung Quốc cả
ngàn năm, phương Tây đã vượt lên, kiến tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, thị
trường tự do và xã hội tự do. Thứ hai, sự kiện không kém lạ lùng là người Do
Thái và Do Thái giáo vẫn tồn tại hai ngàn năm sau khi Đền thờ thứ hai bị phá hủy,
họ mất hết mọi sự làm nền cho hiện hữu của họ như được mô tả trong Kinh Thánh:
đất đai, nhà cửa, tự do, Đền thờ, vua chúa, các tiên tri và tư tế.
Cả hai trường hợp
có chung lời giải thích. Đó là đối nghịch với cái gọi là gia công, thuê ngoài,
(ở đây) là nội tâm hóa điều trước đây ở bên ngoài. Bất cứ nơi đâu người Do Thái
cầu nguyện thì đó là Đền thờ. Mỗi lời cầu nguyện là một hy tế, mỗi người Do Thái
là một tư tế, mỗi cộng đoàn là một mảnh của Giêrusalem. Điều tương tự cũng xảy
ra với Hồi Giáo khi giải thích jihad (thánh
chiến) không phải là cuộc chiến tranh về thể lý ngoài chiến địa nhưng như cuộc
chiến thiêng liêng trong linh hồn.
Một hiện tượng song
hành xảy ra trong Kitô giáo sau thời Cải Cách, nhất là phái Calvin trong thế kỷ
16 và 17 đã biến đổi Hòa Lan, Scotland, Anh Quốc thời Cách mạng và Hoa Kỳ thời
lập quốc.
Đây là điều mà
Max Weber gọi là tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Thẩm quyền bên ngoài của Giáo
Hội được thay thế bằng tiếng nói bên trong của lương tâm. Nhờ đó mạng lưới tín
nhiệm rộng rãi được hình thành, và đây là nền móng cho những vận hành của thị
trường. Chúng ta đã quá quen việc đối nghịch vật chất với thiêng liêng đến nỗi
đôi khi quên rằng từ tín dụng (credit)
phát xuất từ động từ tiếng La tinh credo (tin),
và quỹ tín thác (confidence), điều kiện
thiết yếu của đầu tư và tăng trưởng kinh tế, có gốc từ là fidentia, nghĩa là niềm tin, sự tin tưởng.
Điều nổi lên từ
Do Thái giáo và Kitô giáo hậu-Cải cách là tính cách con-người-hướng-nội. Hầu hết
các xã hội trong hầu hết lịch sử đều có khuynh hướng, hoặc hướng về truyền thống,
hoặc hướng tới người khác. Người ta làm việc này việc kia vì theo truyền thống
hoặc vì người khác làm như thế.
Tính cách hướng nội
thì khác. Họ trở thành những người tiên phong, những nhà canh tân, những người
sống sót. Họ có kỷ luật. Họ chấp nhận làm việc vất vả và đối diện thử thách. Họ
ý thức mình phải có trách nhiệm với khách hàng, với nhân viên, với những người
đầu tư cũng như với công chúng, vì chỉ như thế họ mới tồn tại lâu dài. Họ không
làm những chuyện ngu xuẩn như tạo kế toán giả, thế chấp liều lĩnh, cung cấp
data (dữ kiện) giả, vì họ biết rằng không thể giả dối hoài. Họ không vì thành
công hiện tại (giả dối) mà đánh mất tương lai, vì họ có ý thức trách nhiệm với
tương lai. Họ có khả năng vượt lên trên cơn cám dỗ của bản năng. Họ làm tất cả
những điều đó vì tiếng gọi bên trong, có người gọi đó là lương tâm, có người bảo
là tiếng Chúa.
Những nền văn hóa
như thế sẽ trẻ trung mãi. Sẽ không cạn kiệt năng lực, vốn là điều tạo ra sự suy
đồi và gục ngã của các đế quốc và siêu cường khác trong lịch sử. Thế nhưng
phương Tây, theo cách nói của Hoàng hậu Elas trong Frozen, đã đánh mất điều này. Tính hướng nội bị thay thế bằng hướng
ngoại. Phương Tây đã “cho thuê ” trách nhiệm, giảm thiểu đạo đức học thành kinh
tế và chính trị học. Điều đó có nghĩa là chúng ta lệ thuộc vào thị trường và
nhà nước, những sức mạnh chúng ta rất khó kiểm soát. Và một ngày kia, hậu duệ của
chúng ta sẽ nhìn lại và hỏi, tại sao phương Tây lại để mất điều vĩ đại mình đã
đạt được?
Mọi nhà quan sát
những biến chuyển lớn của lịch sử, từ các tiên tri của Israel đến các nhà hiền
triết của Hồi Giáo, từ Giambattista Vico đến Stuart Mill, từ Bertrand Russell đến
Will Durant, đều đã nói cùng một chuyện: các nền văn minh bắt đầu chết khi nó
đánh mất niềm đam mê đạo đức đã đưa nó đến thành công. Điều đó đã xảy ra với Hi
Lạp và Rôma, và cũng có thể xảy ra cho tất cả phương Tây. Những dấu hiệu thấy
rõ là: mức sinh sản giảm, đạo đức suy đồi, bất bình đẳng gia tăng, mất tín nhiệm
vào các cơ chế xã hội, kẻ giàu sống buông thả, người nghèo tuyệt vọng, các nhóm
thiểu số không thể hội nhập, người ta không chấp nhận những hi sinh trong hiện
tại vì thiện hảo của tương lai, mất niềm tin vào những tôn giáo cổ xưa và không
có gì để thay thế vào đó. Đây là những tín hiệu nguy hiểm và chúng ta đang nhìn
thấy.
Có một lối thoát,
đó là hãy hướng nội trở lại. Điều đó có nghĩa là tái khám phá chiều kích đạo đức
nối kết thiện ích của chúng ta với thiện ích của người khác, làm cho chúng ta
có ý thức cộng đồng về thiện ích chung. Điều đó cũng có nghĩa là tái khám phá
chiều kích tâm linh, giúp chúng ta thấy được sự khác biệt giữa cái chúng ta có
và cái chúng ta là; phẩm giá của chúng ta vượt lên trên những gì mình có và sở
hữu. Điều đó còn có nghĩa là nhớ lại rằng điều quan trọng không phải là thỏa
mãn những ước vọng của mình nhưng là tìm xem đâu là ước vọng cần thỏa mãn. Điều
đó còn có nghĩa là khơi lại ký ức và căn tính tập thể để xã hội trở thành một
mái ấm hơn là nhà nghỉ. Tóm lại, điều đó có nghĩa là hiểu ra rằng có những điều
chúng ta không thể và không nên cho thuê ngoài, có những trách nhiệm mà chúng
ta không thể và không nên đùn đẩy cho người khác.
Đừng vứt bỏ những
điều đã từng làm cho phương Tây thành vĩ đại, và làm như thế không chỉ vì tiếc
nuối quá khứ huy hoàng nhưng là vì tương lai đầy thách đố, đó là món nợ của
chúng ta với thế hệ con cháu. Nếu chúng ta cứ để mọi sự trôi đi thế này, nếu
chúng ta tiếp tục quên rằng một xã hội tự do là sự thành tựu tinh thần và điều
đó tùy thuộc vào trách nhiệm của chúng ta, thì điều sẽ xảy ra là – dù là Nga,
Trung Quốc, ISIS hay Iran – sẽ chẳng có dân chủ và đương nhiên không có tự do.
Chúng ta cần khôi phục những chiều kích đạo đức và tinh thần bằng ngôn ngữ của
thế kỷ 21 này, sử dụng những phương tiện truyền thông của thế kỷ này, không phải
để gây chia rẽ nhưng là để nối kết.
Những chiều kích
đạo đức và tinh thần của nhân loại chính là những gì mà giải Templeton hướng tới,
và bằng cách khai triển những chủ đề này ở tầm vóc toàn cầu, cùng với những người
khác, tôi hi vọng có thể trả lại phần nào vinh dự mà tôi được đón nhận hôm nay.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)