Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ban Nghiên Huấn
THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 7/2025
BÀI I: TINH THẦN CỘNG TÁC VÀ HIỆP NHẤT TRONG SINH HOẠT MỤC VỤ
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Sự hiệp thông nội bộ góp phần tạo ra tình liên đới giữa các Giáo hội địa phương. Việc chú ý tới các nhu cầu địa phương là điều chính đáng và cần thiết, nhưng sự hiệp thông đòi hỏi các Giáo hội địa phương cởi mở đón tiếp lẫn nhau và cộng tác với nhau, để trong sự khác biệt, họ có thể gìn giữ và tỏ bày rõ ràng mối giây hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Sự hiệp thông đòi hỏi phải hiểu biết lẫn nhau và một đường lối truyền giáo có phối hợp, mà không làm tổn hại sự độc lập và các quyền của các Giáo hội, theo truyền thống thần học, phụng vụ và thiêng liêng của riêng từng Giáo hội. Tuy nhiên lịch sử cho thấy rằng các mối chia rẽ thường đã làm tổn thương sự hiệp thông của các Giáo hội tại Á Châu.[1]
Tông huấn về Á Châu kêu gọi sự cộng tác và hiệp nhất giữa các Giáo hội Châu Á như là các thế để khai triển đường lối truyền giáo cách phù hợp với hoàn cảnh Á Châu, từ đó chúng ta cũng có thể nói đến về sự cộng tác và hiệp nhất trong các sinh hoạt mục vụ liên giáo xứ trong cùng một giáo hạt hay giáo phận.
Lời kêu gọi sự cộng tác và hiệp nhất sinh hoạt mục vụ liên giáo xứ hơn bao giờ hết, đang điều cần thiết đối với các giáo xứ để củng cố và làm sáng tỏ bản chất truyền giáo và ơn gọi của mình. Sự đa dạng văn hóa ngày càng tăng trong nhiều giáo xứ trong các Giáo phận có dân nhập cư từ các địa phương khác luôn là động lực thúc đẩy các giáo xứ kiến tạo mối hiệp thông để công việc mục vụ không tạo ra sự mâu thuẫn nhưng có sự hiệp nhất mang tính đa dạng, được gọi là công giáo tính.
Thánh bộ Giáo sĩ trong Huấn thị “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội thánh” đã nhấn mạnh: giáo xứ được hình dung như đáp ứng cho một nhu cầu mục vụ rõ rệt, cụ thể là đem Tin Mừng đến với dân chúng bằng việc thông truyền đức tin và cử hành các Bí tích, nguyên nghĩa của từ “giáo xứ” cho thấy rõ ý nghĩa của cơ chế này: giáo xứ là một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà[2]. Tuy nhiên, trong thời đại tính di động gia tăng và nền văn hóa kỹ thuật số mở rộng các ranh giới của đời sống. Một mặt, ngày nay người ta ít gắn bó hơn trong một khung cảnh địa lý rõ ràng và cố định, mà lại sống trong “một ngôi làng toàn cầu và đa nguyên” [3]. Cho nên, Giáo xứ tự thấy mình ở trong một bối cảnh mà sự ràng buộc về lãnh thổ rõ ràng càng ít đi, trong khi những điểm nối kết càng ngày càng gia tăng và những mối tương quan liên vị có nguy cơ tan biến vào một thế giới ảo không còn có một dấn thân hay trách nhiệm nào với người thân cận của mình nữa[4]. Điều đáng lưu ý là những thay đổi văn hóa đó và những mối quan hệ biến chuyển theo lãnh thổ, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đang thúc đẩy Hội thánh phân định lại cách mới mẻ về cộng đoàn, “đó là nhìn thực tại bằng con mắt của Thiên Chúa, trong nhãn quan hiệp nhất và hiệp thông’[5].
1/ Sự hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo xứ là cách thể để là Giáo xứ truyền giáo.
“Từ lúc khai sinh, giáo xứ được hình dung như đáp ứng cho một nhu cầu mục vụ rõ rệt, cụ thể là đem Tin Mừng đến với dân chúng bằng việc thông truyền đức tin và cử hành các Bí tích. Vì thế, nét đặc trưng cụ thể của giáo xứ là một nơi thờ phượng, một dấu chỉ của việc Chúa Phục Sinh luôn hiện diện giữa Dân Người”[6]. Vì thế, người mục tử phải hướng dẫn để mỗi người tín hữu khám phá ơn gọi của Bí tích Rửa tội mà họ đã lãnh nhận. Nhờ ơn Thánh tẩy họ trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô và trở thành nhà thừa sai rao giảng Tin Mừng, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chỉ rõ rằng: “Mặc dù giáo xứ phải được xây dựng hoàn hảo hơn và được hội nhập vào rất nhiều hình thức khác nhau, giáo xứ vẫn là một tổ chức thiết yếu quan trọng hàng đầu trong cơ cấu hữu hình của Hội thánh”, nhờ đó “việc Loan báo Tin Mừng trở thành là trục trung tâm của mọi hoạt động mục vụ, đòi hỏi của việc Loan báo Tin Mừng là cơ bản, quan trọng nhất, và ưu tiên”[7].
Để sống đúng bản chất của Giáo xứ, các tin hữu trong giáo xứ cần phải hiểu “lãnh thổ giáo xứ không chỉ là một không gian địa lý, mà còn là bối cảnh nơi đời sống con người được thể hiện qua các mối quan hệ, qua việc phục vụ lẫn nhau và qua truyền thống lâu đời”[8]. Vì thế, “bất cứ hoạt động mục vụ nào mà chỉ giới hạn trong lãnh thổ của giáo xứ đều trở nên lỗi thời”[9], bởi nó chỉ mang tính bảo tồn không nói lên sự năng động của Giáo xứ, một yếu tố cần thiết để giáo xứ thể hiện bản chất đích thật của mình đó là truyền giáo.
Để có thể thực hiện đúng tinh thần truyền giáo, người tín hữu cần khám phá tình huynh đệ trong mối tương quan với tha nhân, yếu tố này rất quan trọng và cần thiết vì sứ vụ Loan báo Tin Mừng, gắn bó mật thiết với các mối quan hệ nhân linh[10]. Do đó “giáo xứ cần phải là ‘nơi chốn’ đặc biệt cho sự gắn kết mọi người với nhau và nuôi dưỡng các mối tương quan cá nhân lâu bền, từ đó giúp người ta cảm nhận mình thuộc về và được yêu thương”[11], điều này đòi hỏi phải kiến tạo nơi giáo xứ một nền “văn hóa gặp gỡ” “lấy con người làm trung tâm nên thúc đẩy việc đối thoại, liên đới và cởi mở đón nhận người khác”[12]. Một trong những cách thế giúp Giáo xứ có thể hình thành nền văn hóa gặp gỡ đức thánh cha Phanxicô khích lệ hãy coi Giáo xứ như một đền thánh, vì Giáo xứ “vốn có đặc điểm như các Đền Thánh bởi tinh thần hiếu khách, đời sống cầu nguyện và thinh lặng giúp canh tân tâm linh, việc cử hành Bí tích Hòa giải và chăm lo cho người nghèo khổ. Các cuộc hành hương của giáo xứ tới những Đền Thánh là những phương thế quý giá có thể giúp củng cố tình hiệp thông huynh đệ, và khi trở về giáo xứ, mọi người cởi mở và hiếu khách hơn”[13], vì như Thánh điện của Thiên Chúa, giáo xứ được mời gọi “vươn ra đến với mọi người, không trừ ai, cần phải nhớ rằng người nghèo và người bị loại trừ phải luôn luôn chiếm vị trí ưu tiên trong lòng Hội thánh”[14].
Giáo xứ là “một cộng đoàn của các cộng đoàn”[15], cho nên giáo xứ hiện hữu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, vì thế để là Thánh điện của Chúa Giáo xứ được mời gọi hiệp thông và hiệp nhất. “Khi mỗi thành phần đều nhìn nhận vai trò bổ túc của mình trong việc phục vụ cộng đoàn, một mặt, người ta sẽ thấy được thừa tác vụ được thực hiện trọn vẹn qua sự cộng tác giữa cha sở và các linh mục phụ tá của ngài, đàng khác, người ta cũng nhận ra những đặc sủng khác nhau của các thầy phó tế, những người thánh hiến và giáo dân cùng cộng tác để xây dựng thân thể duy nhất của Chúa Kitô”[16]
Sự hiệp nhất Giáo xứ trước tiên được tỏ qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, các thực hành nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, việc tìm hiểu về về đức tin Công giáo qua lời giảng dạy và việc học giáo lý, lời kêu gọi xây dựng Giáo hội như một cộng đồng được yêu thương và kiến tạo mối tương quan liên đới những người dễ bị tổn thương nhất đều là những chiều kích thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Vì thế, tất cả các tín hữu sống trong một giáo xứ cụ thể đều cần được tiếp cận với việc thực hành mọi chiều kích của đức tin Công giáo như là tiếp cận với các nhóm văn hóa đa dạng hiện diện trong giáo xứ, tìm cách đạt được sự thống nhất trong sự đa dạng giữa các cộng đoàn tín hữu từ các nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Giáo xứ phải là một cộng đồng Thánh Thể, có nghĩa là chính nơi cộng đồng nầy tình huynh đệ được thể hiện cách rõ nét qua việc hiệp nhất và hiệp thông, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI đã khẳng định: “Dân Thiên Chúa trên hành trình tiến về Nước Trời được nuôi dưỡng không ngừng bằng Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch của hiệp thông và hiệp nhất”[17]. Trong sự hiệp thông và hiệp nhất này, “người mục tử, khi quảng đại phục vụ đàn chiên, cũng phải dạy dỗ các tín hữu sao cho mỗi thành viên trong cộng đoàn cảm thấy mình có trách nhiệm và trực tiếp tham gia để đáp ứng các nhu cầu của Hội thánh, bằng nhiều hình thức trợ giúp khác nhau trong tình liên đới, mà giáo xứ cần để chu toàn bổn phận mục vụ một cách tự do và hiệu quả”[18].
2/ Sự hiệp thông và hiệp nhất trong mối tương quan liên giáo xứ
Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới XVI đã nhấn mạnh: “Giáo hội nhận được từ Chúa Kitô hồng ân và trách nhiệm để trở thành chất men hữu hiệu của các mối liên kết, các mối tương quan và tình huynh đệ của gia đình nhân loại, để làm chứng về ý nghĩa và mục đích cuộc hành trình của Giáo hội trong thế giới. Ngày nay, Giáo hội đảm nhận trách nhiệm này trong một thời đại bị đè nặng bởi cơn khủng hoảng về sự tham gia, nghĩa là cơn khủng hoảng khi nhiều người cảm thấy mình không phải là một phần hay là tác nhân của một vận mệnh chung, và bởi lối hiểu mang tính cá nhân chủ nghĩa về hạnh phúc và ơn cứu độ”[19]. Với nhận định này, việc các giáo xứ thể hiện tinh thần liên đới trong công việc mục vụ là điều cần thiết để tăng cường tính hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo hội, giải phóng tư tưởng tự hào giáo xứ mang dáng dấp cá nhân chủ nghĩa.
Công việc mục vụ được thực thi trong khung cảnh liên giáo xứ thể hiện tính hiệp hành của Giáo hội. Tinh hiệp hành nói đến một “phong cách đặc trưng định hình đời sống và sứ vụ của Giáo hội, diễn tả bản chất của Giáo hội như một Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước và quy tụ trong đại hội được Chúa Giêsu triệu tập trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin mừng. Tính hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và hành động hằng ngày của Giáo hội. Cách sống và hành động này được thực thi qua việc cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể, qua tình huynh đệ hiệp thông, cũng như qua tinh thần đồng trách nhiệm và sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội ở mọi cấp độ và trong sự phân biệt giữa các thừa tác vụ và các vai trò khác nhau”[20].
Trong đường hướng hiệp hành này, Thánh bộ Giáo sĩ đề nghị: “Hoạt động mục vụ cần đi ra ngoài ranh giới địa dư của giáo xứ, tạo sự hiệp thông trong Hội thánh cách rõ ràng cụ thể hơn nhờ biết phối hợp giữa những thừa tác viên và các đặc sủng khác nhau, xây dựng giáo xứ trở thành tác nhân ‘chăm sóc mục vụ cùng nhau’, phục vụ cho giáo phận và sứ mạng của giáo phận. Đó là một hoạt động mục vụ, nhờ việc hợp tác hữu hiệu và sống động giữa các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, cũng như giữa các cộng đoàn giáo xứ trong khu vực hay trong vùng, cùng nhau quan tâm tìm kiếm xác định những vấn đề, những khó khăn và thách đố về việc Loan báo Tin Mừng, tìm cách kết hợp các cách thức, phương thế, ý kiến và phương tiện thích hợp để giải quyết các vấn đề ấy. Một dự phóng truyền giáo chung như thế có thể được soạn thảo và thực hiện liên hệ đến bối cảnh xã hội và địa lí gần gũi, nghĩa là trong những cộng đoàn gần nhau hay có cùng những điều kiện văn hóa xã hội như nhau, hoặc có liên quan đến các lãnh vực mục vụ gắn kết với nhau, chẳng hạn trong một nhóm phối hợp thiết yếu việc chăm sóc mục vụ giới trẻ, các trường đại học và ơn gọi, như đã có trong nhiều giáo phận”[21].
Việc liên kết mục vụ liên Giáo xứ thể hiện tính hiệp hành của Giáo hội, một Giáo hội không đóng khung kép kín, nhưng thể hiện tính “năng động đi ra” qua việc “hợp tác giữa các cộng đoàn giáo xứ khác nhau và sống tình hiệp thông được củng cố giữa giáo sĩ và giáo dân, như thế giáo xứ mới được định hướng một cách hữu hiệu hướng đến sứ vụ Loan báo Tin Mừng, là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa; một Dân vốn đang lữ hành trong lịch sử như là ‘gia đình của Thiên Chúa’ trong đó các thành viên cùng liên kết làm việc để cho toàn thể Thân mình Hội thánh phát triển”[22].
Sự liên kết mục vụ liên giáo xứ có thể hướng đến lãnh vực huấn giáo, chẳng hạn chương trình huấn luyện Giáo lý viên, trong việc chia sẻ nguồn lực đáp ứng nhu cầu dạy Giáo lý của các Giáo xứ; cùng lên chương trình giáo lý dành cho những người khuyết tật, các lớp học tình thương. Liên kết mục vụ giới trẻ liên giáo xứ để cùng nhau tìm phương pháp giúp các bạn trẻ vượt qua tâm lý cảm thấy bị đè nén bởi các truyền thống gia đình và tìm cách chạy trốn theo tiếng mời gọi của nền văn hoá đã được toàn cầu hóa,[23] hay là giúp các bạn trẻ vượt qua cám dỗ đề cao cái đẹp, đẻ tránh điều mà đức Phanxicô nhắc nhở: “Nền văn hoá hiện nay trình bày hình mẫu con người gắn liền với hình ảnh của người trẻ. Người đẹp là người có vẻ trẻ trung, tìm cách che đi dấu vết của thời gian. Quảng cáo luôn dùng thân xác của người trẻ để bán sản phẩm. Hình mẫu của cái đẹp là hình mẫu trẻ trung, nhưng hãy coi chừng, vì đó chẳng phải là lời khen ngợi dành cho người trẻ. Điều đó chỉ có nghĩa là người lớn muốn cướp lấy tuổi trẻ về cho mình, chứ không phải họ tôn trọng, yêu thương và chăm sóc người trẻ”.[24]
Liên đới mục vụ Giáo xứ còn là môi trường trao đổi kinh nghiệm giữa các Hội Đồng mục vụ Giáo xứ trong việc cộng tác với tinh thần đồng trách nhiệm với các vị chủ chăn trên nhiều lãnh vực nhất là việc truyền giáo truyền giáo. Quả thật, “trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, giáo xứ như người lữ hành của niềm hy vọng mang lấy trong mình một không gian tin cậy, nơi đó mọi người tìm thấy niềm vui, tình huynh đệ, sự công bằng và tình bác ái, trở thành dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa”[25]. Không gian Giáo xứ sẽ được nới rộng lan tỏa tình huynh đệ để mọi người đều có thể đến kín múc niềm vui và hy vọng được thể hiện qua việc liên kết chia sẻ kinh nghiệm mục vụ giữa các Hội đồng mục vụ giáo xứ của các Giáo xứ. Ngoài ra Hội đồng mục vụ Giáo xứ Liên giáo xứ cũng có thể trao đổi với các cha xứ để cùng nhau thiết kế chương trình hành hương chung giữa các giáo xứ, các đoàn thể….
Tóm lại, Giáo xứ được coi như một cộng đoàn gia đình, nơi đó “người ta cảm nghiệm được sự phong phú của các mối tương quan giữa những người hiệp nhất với nhau trong sự khác biệt về tính tình, giới tính, tuổi tác và vai trò” [26]. Trong sự phong phú này, mọi thành phần trong Giáo xứ được “thôi thúc mở rộng các khả năng tham gia và thực thi tinh thần đồng trách nhiệm trong sự khác biệt của tất cả những người đã được rửa tội, nam cũng như nữ”, nhờ sự tham gia này, Giáo xứ diễn tả tính chất của Giáo hội: một cộng đoàn hợp tác và duy nhất[27].
Ngoài ra, trong một Giáo hội phẩm trật một mặt chúng ta phải minh định rằng: “Giáo hội không thể được hiểu nếu Giáo hội không được bén rễ trong một lãnh thổ cụ thể, trong một không gian và thời gian nơi hình thành kinh nghiệm chung về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ”,[28] cho nên sự hiện hữu một giáo xứ lịch sử là điều cần thiết không thể không có khi nói đến Giáo hội Chúa Kitô. Tuy nhiên, Giáo xứ lịch sử không thể là một giáo xứ biệt lập như một ốc đảo, đơn quạnh nhưng giáo xứ luôn lớn lên và phát triển hướng đến sự viên mãn trong tính hiệp hành của Giáo hội. Điều đó có nghĩa, Giáo xứ còn được hiểu như một “nơi chốn” không còn thuần túy về mặt không gian địa lý nữa, “nhưng trong thời đại chúng ta, nó còn gợi lên sự thuộc về một mạng lưới tương quan”. “Giáo hội được kêu gọi sống trong những bối cảnh này, xây dựng lại đời sống cộng đoàn, định dạng cho các thực tại không tên, và đan kết các mối tương quan huynh đệ. Nhằm mục đích đó, ngoài việc trân trọng các cấu trúc vẫn còn thích đáng, cần có ‘tinh thần sáng tạo truyền giáo’ để khám phá những hình thức chăm sóc mục vụ mới và xác định những tiến trình chăm sóc cụ thể”[29].
Trong viễn cảnh này, các Giáo xứ liền kề trong một Giáo hạt được khuyến khích nên tạo một mạng lưới liên kết khởi đầu từ Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, kế đến các đoàn thể, các giới… Thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ để lắng nghe những đóng góp, những sáng kiến trong việc phát triển sự cộng tác và hiệp thông, hầu làm cho các cộng đoàn Giáo xứ thực sự trở thành nơi chốn loan báo Tin Mừng cách có hiệu quả.
--------------
BÀI II: LOAN BÁO TIN MỪNG QUA HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI - DIỄN TẢ LÒNG XÓT THƯƠNG
Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Loan báo Tin Mừng là sứ mạng cốt yếu của Giáo hội, và sứ mạng này phải trở thành một lối sống thấm đẫm tình bác ái. Giáo hội được mời gọi trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới bị thương tổn và chia rẽ, như Công đồng Vatican II xác quyết rằng, “Trong Đức Kitô, Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người.” (Lumen Gentium, 1). Chính khi phục vụ người nghèo, đồng hành với người bị lãng quên và chăm sóc những vết thương của nhân loại, người Kitô hữu làm cho Tin Mừng trở nên sống động, gần gũi và đáng tin cậy hơn.
1/ Bác ái – Hình thức cụ thể của loan báo Tin Mừng
Bác ái làm cho Tin Mừng trở nên gần gũi và khả tín hơn. “Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm mà tôn vinh Cha các con trên trời” (Mt 5,16). Loan báo Tin Mừng không phải là công bố một hệ thống giáo lý nhưng trước hết là chia sẻ một kinh nghiệm gặp gỡ và sống tình yêu cứu độ. Khi các Kitô hữu thực thi bác ái, Tin Mừng trở nên gần gũi và khả tín hơn vì được xác thực bằng chứng tá đời sống:
“Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy ‘mùi của đàn chiên’ và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đoàn này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và sự chịu đựng tông đồ. Loan báo Tin Mừng phần lớn hệ tại sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian.” (Evangelii Gaudium, 24).
Đời sống bác ái giúp lời rao giảng tránh nguy cơ sáo rỗng, đồng thời diễn tả niềm hy vọng mà Kitô giáo mang đến cho thế giới.
Bác ái đáp lại các nhu cầu và cơ cấu bất công. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4,18). Thế giới vẫn chất chứa nhiều hình thức nghèo khổ, bất công và loại trừ. Loan báo Tin Mừng đòi hỏi Kitô hữu không thể làm ngơ trước những vết thương xã hội mà phải cùng người nghèo chia sẻ gánh nặng, khởi đi từ sự lắng nghe: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người thời nay, nhất là của những kẻ nghèo khổ và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (Gaudium et Spes, 1). Hoạt động bác ái vì thế là câu trả lời thực tế cho sứ mạng đụng chạm đến những nguyên nhân bất công và mời gọi biến đổi xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
Bác ái như thành phần của sứ vụ Giáo hội. Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Hoạt động bác ái không phải là phần phụ trợ nhưng là lối sống làm chứng cho tình yêu Tin Mừng mà Giáo hội được sai đi công bố và thực thi giữa lòng thế giới. Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên vì người nghèo, việc rao giảng Tin Mừng, tự nó là hình thức cơ bản của đức ái, sẽ có nguy cơ bị ngộ nhận hay bị nhấn chìm bởi đại dương những lời nói hằng ngày nuốt chửng chúng ta trong cái xã hội truyền thông hôm nay (Evangelii Gaudium, 199). Bác ái chính là nhịp cầu nối kết các cộng đoàn Kitô hữu với những người xa lạ, biến sự khác biệt thành cơ hội gặp gỡ và hiệp thông. Qua đó, Giáo hội sống ơn gọi là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất gia đình nhân loại (Lumen Gentium, 1).
2/ Lòng thương xót – Trung tâm của sứ vụ Giáo hội
Đức Kitô – dung mạo thương xót của Chúa Cha. Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã bày tỏ trọn vẹn dung mạo thương xót của mình: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Chính cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là lời mời gọi con người trở về với Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã làm người để cứu chuộc con người và làm cho con người tham dự vào đời sống Thiên Chúa (Ad Gentes, 3). Qua Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đón nhận và trở nên chứng nhân cho lòng thương xót ấy trong mọi hoàn cảnh của đời sống.
Giáo hội được sai đi để loan báo và thực thi lòng thương xót. Sứ mạng của Giáo hội bắt nguồn từ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19). Sứ mạng này không dừng lại ở việc giảng dạy nhưng phải được thể hiện qua hành động cụ thể của lòng thương xót. Giáo hội được sai đi để mang Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Lumen Gentium, 17). Vì thế, việc phục vụ người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội, và những ai đau khổ là cách Giáo hội sống trung thành với căn tính mình. Giáo hội không thể và không được đứng ngoài công cuộc đấu tranh cho công lý (Evangelii Gaudium, 183). Trong Giáo hội, mỗi người tín hữu được mời gọi sống đức tin thực thi công bình.
Thực thi bác ái như dấu chỉ Tin Mừng. Hoạt động bác ái, dù âm thầm hay công khai, đều là những dấu chỉ cụ thể về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa giữa trần gian: “Tất cả những gì anh em làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Thực thi bác ái vì vậy không phải là một việc tùy chọn hay phụ trợ mà là con đường sống Tin Mừng, làm cho thế giới nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đang hoạt động. Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo là một tiêu chuẩn của đời sống Kitô hữu.
3/ Hoạt động bác ái: Con đường phân định và thao luyện tinh thần
Phân định Kitô giáo trong hoạt động bác ái. “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Thực thi bác ái đòi hỏi khả năng phân định để nhận ra nhu cầu thật sự của tha nhân và cách đáp trả phù hợp với Tin Mừng. Phân định là nhân đức giúp chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cứu trợ hình thức để lắng nghe và phục vụ cách khiêm nhường và hiệu quả. Chúng ta cần lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và tự hỏi mình xem chúng ta có thực sự lắng nghe họ không” (Evangelii Gaudium, 187).
Hoạt động bác ái như một của lễ hiến dâng. Thực thi bác ái Kitô giáo không chỉ là hành động nhân đạo mà là hiến dâng chính cuộc sống trong tự do và yêu thương: “Hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Đó là cách mỗi người đáp lại tình yêu Thiên Chúa đã thương xót chúng ta trước. Đáp lại tình yêu Chúa dành cho mình, người môn đệ tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Bác ái Kitô giáo vì thế trở thành một kiểu mẫu của hiến dâng đời sống cho Thiên Chúa và anh chị em mình.
Hiệp thông cầu nguyện và dấn thân xã hội. “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Hoạt động bác ái Kitô giáo không thể tách rời khỏi đời sống cầu nguyện. Hiệp thông cầu nguyện giúp người tín hữu gắn bó với Thiên Chúa và nhận ra Ngài nơi người nghèo và người bị bỏ rơi. Cầu nguyện là điều thiết yếu cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đồng thời, cầu nguyện cũng mở lòng chúng ta ra cho sự hiệp thông với Hội thánh toàn cầu và các sáng kiến bác ái trên thế giới. Nhờ đó, cộng đoàn tín hữu trở nên nơi huấn luyện và thực hành tình liên đới Kitô giáo.
Tóm lại, loan báo Tin Mừng đòi hỏi người môn đệ đi ra khỏi sự an toàn khép kín để đến với anh chị em đang sống trong cảnh nghèo, bất công và cô đơn. Hoạt động bác ái là dấu chỉ và khí cụ thiết yếu của Tin Mừng. Khi Giáo hội thực sự sống và chia sẻ lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo hội trở nên “dấu chỉ hy vọng” cho một thế giới đang khao khát công lý và hòa bình. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
Hồi tâm
1) Trong giáo xứ tôi hôm nay, đâu là những “vết thương” và “tiếng kêu” cụ thể của người nghèo, người bị quên lãng, người đau khổ mà tôi có thể lắng nghe và chạm đến?
2) Hoạt động bác ái của giáo xứ tôi hiện nay đang làm chứng cho Tin Mừng và lòng thương xót của Chúa như thế nào?
3) Tôi sẵn sàng hiến dâng điều gì – thời gian, công sức, tài năng, vật chất, tài chính – để xây dựng một giáo xứ thật sự là “dấu chỉ và khí cụ” của lòng thương xót Chúa cho mọi người?
----------------
Bài III: TÂM THẾ BÌNH AN VÀ CHIA SẺ TIN MỪNG: CHIA SẺ ĐỜI SỐNG & KINH NGHIỆM SỐNG ĐỨC TIN
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
Chủ đề Thường huấn của Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2025 là: “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng Trên Hành Trình Sống Đức Tin Với Niềm Hy Vọng.” Nhưng làm thế nào loan báo Tin Mừng khi tâm hồn người chia sẻ còn buồn bã? Làm sao sống đức tin với niềm hy vọng khi người Kitô hữu còn thất vọng nghi nan? Cho nên sự bình an trong tâm hồn là yếu tố tiên quyết để Kitô hữu có thể sống đức tin một cách tròn đầy, có thể chia sẻ Tin Mừng Cứu độ của Chúa cho tất cả mọi người. Như Lời Chúa đã phán: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Chúa đã ban bình an cho chúng ta trước khi sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng, và nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ có được một tâm thế bình an trong đời sống đức tin cũng như trong cuộc loan báo Tin Mừng.
Bình an của Chúa trao ban cho chúng ta là như thế nào? Chúa đã phán: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27). Bình an theo kiểu thế gian là đi tìm kiếm sự an tâm thân xác cùng với những giá trị ngoại thân. Con người thế gian tìm kiếm bình an nơi tiền tài danh vọng quyền lực. Con người thuộc thế gian suốt đời chỉ lo cơm áo gạo tiền, vui chơi giải trí, tranh giành cướp đoạt… Chỉ lo vị kỷ mà không biết đến tha nhân và biết sống với Chúa.
Người con Chúa luôn luôn tìm sự bình an nơi Chúa, sự bình an đích thực mà chỉ có Chúa mới đem lại cho chúng ta. Bình an Chúa đem đến cho chúng ta một niềm vui sâu thẳm bền lâu. Dù trần gian còn nhiều gian nan thử thách nhưng người con Chúa sẽ có được một sự bình an nội tâm đích thực, bình an mà Chúa đã trao ban: “… để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 15/5/2019, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Sự bình an mà Chúa Giêsu ban tặng không phải là sự vắng mặt của thử thách, nhưng là một sự hiện diện đầy tin tưởng, giúp ta đối diện với mọi thử thách. Khi có bình an trong tâm hồn, ta có thể làm chứng cho Tin Mừng mà không sợ hãi.” Bản tường trình Tổng kết giai đoạn 1 của Thượng Hội đồng (2023), số 31 cũng khẳng định: “Một cộng đoàn biết đón nhận và sống trong bình an của Chúa là nơi các tín hữu có thể can đảm làm chứng, kể cả trong thử thách. Bình an nội tâm là nền tảng cho một Hội thánh thừa sai.”
Đức cố Giáo hoàng Phanxicô dạy rằng, tâm thế bình an đến từ cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô và là nền tảng để chia sẻ Tin Mừng: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai để Chúa cứu độ mình thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn sầu, khỏi sự trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh” (Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 6). Tài liệu Làm việc cho giai đoạn lục địa (DCS - Document for the Continental Stage, 2022) cũng nói rằng, việc loan báo Tin Mừng bắt đầu từ một nội tâm biết lắng nghe, sống bình an trong Chúa Thánh Thần: “Chúng ta được mời gọi trở thành những người lắng nghe Lời Chúa, mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và đi trong bình an, để có thể trở thành một Hội thánh truyền giáo thực sự” (DCS, 30).
Khi có được tâm thế bình an trong Chúa, chúng ta mới đích thực là người môn đệ của Chúa, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng Chúa cách hiệu nghiệm, chúng ta có thể chia sẻ Lời Chúa qua đời sống đức tin của chúng ta, bằng lời nói cũng như bằng hành động, nơi một cộng đoàn gia đình cụ thể cũng như với tất cả mọi người. Tài liệu Làm việc cho giai đoạn lục địa có một định nghĩa rõ ràng về việc chia sẻ Tin Mừng qua kinh nghiệm sống đức tin: “Chia sẻ đức tin không phải chỉ là giảng dạy giáo lý, nhưng là làm chứng bằng đời sống hằng ngày, từ kinh nghiệm bản thân, với niềm vui, lòng khiêm tốn và tâm thế bình an ” (DCS, 81). Đức cố Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên đề cập đến mối liên hệ giữa tâm thế bình an nội tâm và việc chia sẻ Tin Mừng qua đời sống và kinh nghiệm sống đức tin. Ngài nhấn mạnh việc chia sẻ Tin Mừng không phải bằng lý thuyết, mà là đời sống và kinh nghiệm sống đức tin. Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2022, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô mời gọi: “Người môn đệ loan báo Tin Mừng là người bình an trong tâm hồn vì biết mình được Chúa yêu thương, và chính tình yêu ấy thúc đẩy họ ra đi đến với tha nhân. Chúng ta không truyền bá một học thuyết, nhưng là chia sẻ một cuộc gặp gỡ đã làm biến đổi cuộc đời mình.” “Loan báo Tin Mừng không phải là áp đặt một chân lý, nhưng là chia sẻ một niềm vui, làm chứng bằng đời sống, một chứng tá sống động về Chúa Kitô phục sinh” (Evangelii Gaudium, số 121).
Một điển hình cụ thể đó là trong giờ sinh hoạt của các Cộng đoàn Cơ bản - như Cộng đoàn Gia Đình Chúa hay Cộng đoàn Gia Đình Cùng Theo Chúa, Thừa Sai Chúa Kitô: Mở đầu với lời kinh xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, sau đó là lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ Tin Mừng qua đời sống ơn phước hằng ngày. Người tham dự sẽ chia sẻ đời sống và kinh nghiệm sống đức tin của mình với tất cả anh chị em. Người tham dự làm chứng tá đức tin qua việc chia sẻ Tin Mừng, qua sự động viên hướng dẫn giúp đỡ lẫn nhau, qua việc sống yêu thương bác ái trợ giúp tha nhân. Cộng đoàn sống và loan báo Tin Mừng bằng lời nói cũng như bằng hành động, sống yêu thương để Tin Mừng được lan tỏa qua cách sống, nâng đỡ trợ giúp lẫn nhau trên hành trình đức tin cũng như luôn tìm kiếm bình an của Chúa để có thể mang niềm vui Tin Mừng đến với mọi người.
Để có được sự bình an nội tâm và là người môn đệ đích thực của Chúa, chúng ta cũng cần phải có một tinh thần siêu thoát, như Lời Chúa dạy: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10, 9-10). Đức Phanxicô trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Marta, ngày 20/09/2018: "Để theo Chúa Giêsu, phải có một tâm hồn tự do, không bị trói buộc bởi của cải, địa vị hay đam mê. Người môn đệ đích thực là người sống trong tinh thần siêu thoát, để Thiên Chúa làm chủ đời mình."
Tóm lại, người môn đệ Chúa luôn luôn bước đi theo Cứu Chúa Phục sinh với một đời sống mới trong Tình thương của Chúa, sống đơn sơ hiền lành khiêm nhường như Chúa (Mt 11, 29), luôn luôn biết cho đi là hơn nhận lãnh, trở nên khí cụ bình an yêu thương, chia sẻ niềm vui Tin Mừng bình an của Chúa với tất cả mọi người.
“… Bước theo Chúa bước đi trên đường mới
Với tình thương dựng xây nên thế giới
Sống khiêm nhu nhân ái mở nụ cười
Tâm bình an giữa muôn nơi nghịch cảnh.
Bước theo Chúa chấp nhận những dấu đanh
Thân bắt bớ hy sinh, không lo sợ
Xóa bất công bằng thương mến hiền lành
Chịu chết đi – sinh sôi … thời chọn lựa…”
Chúa Giêsu đã thắng thế gian với những sự ác - sự dữ - sự tội - bằng cách làm cho muôn vật được hòa giải, “… nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên Trời.” (Cl 1, 20b). Người môn đệ của Chúa cũng phải sống theo gương Thầy: sống một đời yêu thương hy sinh, khiêm nhu hiền lành, sống với tâm thế bình an để chia sẻ Tin Mừng của Chúa với vạn vật vũ trụ con người.
Hồi tâm:
1) Trong đời sống đức tin hằng ngày, đâu là những nguyên nhân khiến tâm hồn bạn đánh mất sự bình an nội tâm? Bạn đã làm gì - hoặc có thể làm gì - để tìm lại sự bình an đích thực nơi Chúa Giêsu?
2) Bạn đã từng cảm nghiệm được niềm vui hay ơn ích nào khi chia sẻ đức tin bằng lời nói hay việc làm cho người khác? Điều gì nâng đỡ bạn trong những lúc e ngại hay thất vọng khi loan báo Tin Mừng?
3) Theo bạn, một cộng đoàn đức tin sống “tâm thế bình an” và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả sẽ mang những dấu hiệu cụ thể nào? Bạn đã và đang góp phần xây dựng cộng đoàn đức tin bạn đang sống như thế ra sao?
------------
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn về Á châu số 26
[2] Thánh bộ Giáo sĩ, huấn thị “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh”, số 7
[3] Nt số 8.
[4] Nt số 9
[5] Nt số 10
[6] Nt so 7
[7] Th. GH Gioan Phaolo II, Diễn văn trước Tham dự viên Khoáng đại Hội nghị Bộ Giáo sĩ (20.10.1984), s. 3 và 4: Insegnamenti VII/2 (1984), 984 và 985;
[8] Nt số 16
[9] Nt
[10] X. Thư gửi Diognetus V, 1-10: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, Tập 1, Tubingae 1901, 398
[11] NT số 25
[12] NT số 25
[13] Cf. ĐGH Phanxicô, Christus Vivit (25.03.2019), s.238,
[14] Thánh bộ Giáo sĩ, huấn thị “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh”, số 32
[15] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 28
[16] Thánh bộ Giáo sĩ, huấn thị “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh”, số 28
[17] Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần Thứ XVI, Văn kiện chung kết ngày 26-10-2024, số 16.
[18] Thánh bộ Giáo sĩ, huấn thị “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh”, số 40
[19] Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần Thứ XVI, Văn kiện chung kết ngày 26-10-2024, số 20.
[20] Nt số 30.
[21] Thánh bộ Giáo sĩ, huấn thị “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh”, số 123.
[22] Đức Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus vivit) số 231.
[23] Nt số 80,
[24]Nt Số 79.
[25] Lm Antôn Hà Văn Minh, Canh Tân Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Để Giáo Xứ Trở Thành Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/canh-tan-hoi-dong-muc-vu-giao-xu-de-giao-xu-tro-thanh-nguoi-lu-hanh-cua-niem-hy-vong
[26] Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần Thứ XVI, Văn kiện chung kết ngày 26-10-2024, số 35
[27] Nt số 36
[28] Nt số 110
[29] Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần Thứ XVI, Văn kiện chung kết ngày 26-10-2024, số 109