UB Phụng tự

30/11/2017

UỶ BAN PHỤNG TỰ
Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam


 
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH 
 
1. Định hướng thành lập
   Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã chính thức thành lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam vào ngày 24 tháng 11 năm 1960 qua Sắc chỉ Chư Huynh Đáng Kính (Venerabilium nostrorum). Ngày 4 tháng 12 năm 1963, văn kiện đầu tiên của Công đồng Vaticanô II được công bố là Hiến chế về Phụng vụ: “Sacrosanctum Concilium” (Thánh Công đồng). Hiến chế này không chỉ nhấn mạnh việc cử hành phụng vụ, là “chóp đỉnh” mọi sinh hoạt của Giáo hội và là “nguồn” mọi sức mạnh và ơn thánh cho Giáo Hội (x. PV 7), mà còn mời gọi tín hữu tham gia tích cực vào buổi cử hành phụng vụ. Hơn nữa, Lời Chúa cũng là một ưu tư lớn của Công đồng trong các buổi cử hành phụng vụ (x. PV 24). Từ đây, sinh hoạt phụng vụ trong Giáo Hội có những đổi thay. 
 
   Ngay từ sau khi ban hành Hiến chế Phụng vụ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có những sáng kiến để thực hiện việc canh tân phụng vụ tại Việt Nam theo như chỉ thị của Công đồng Vaticanô II và các văn kiện của Tòa Thánh được công bố sau đó. Trong các thư chung, Hội đồng Giám mục đã nói về việc canh tân phụng vụ như: thư ngày 01.08.1964, ngày 01.04.1965, ngày 27.09.1965; Và nhất là trong một số bản tường trình hằng năm cho Tòa Thánh về việc thực thi công cuộc canh tân phụng vụ, cũng là những hoạt động tích cực của Hội đồng Giám mục Việt Nam như: bản Báo cáo cho Bộ Phụng tự về sinh hoạt phụng vụ sau cuộc họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 05-12/01/1972. Nội dung các bản tường trình này cho thấy các điểm chính sau đây:
 
    - Thiết lập Ủy ban Giám mục về Phụng vụ
    - Việc đồng tế được áp dụng ngay
    - Xác định các phần phụng vụ được dùng tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, một số tiếng của các Dân tộc thiểu số
    - Tín hữu chưa hiểu rõ các ý nghĩa thay đổi trong phụng vụ
    - Trong một số cộng đoàn dòng tu, các bản văn phụng vụ chính thức do Hội đồng Giám mục chấp thuận và được Tòa Thánh chuẩn y đã không được sử dụng, đôi khi còn tự ý thay đổi.

Từ những mối ưu tư và quan tâm đến việc tham dự Phụng vụ của người giáo dân trước việc canh tân Phụng vụ của Giáo hội, cũng như việc thống nhất bản văn dùng trong Phụng vụ nơi các cộng đoàn Giáo xứ và Dòng tu, mà Uỷ Ban Giám mục về Phụng Vụ được thiết lập.
 
2. Những biến cố và các mốc lịch sử quan trọng
    Năm 1968, Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam đã xin Tòa Thánh một số năng quyền để thực thi ngay trước khi các sách phụng vụ và các nghi thức được Tòa Thánh tu chính và công bố. Chúng ta ghi nhận một vài điểm: 
 
   - Với Sắc Lệnh (Decretum typicum) mang số @ [1] Prot. 787/64 ngày 15-6-1964, Tòa Thánh cho phép Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam được dùng tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác của các dân tộc ít người.
 
   - Ngày 15.05.1967, chuẩn y bản dịch Sách Nghi thức Thêm sức [2]
   - Ngày 22.04.1971, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng Việt Sách Lễ Rôma theo ấn mẫu Latinh thứ nhất, được tu chính sau Công đồng Vaticanô II [3]. 
   - Ngày 07.04.1988, Tòa Thánh đã chuẩn y cho phép dùng tạm bản văn Thánh lễ tiếng Việt kính Thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các Bạn tử đạo [4]. 
   - Ngày 07.01.1994, Tòa Thánh đã chấp thuận tạm thời bản văn tiếng Việt Thánh lễ dịp Tất Niên và Tân Niên âm lịch.
   - Ngày 10.05.2005, chuẩn y bản dịch Nghi thức Thánh lễ [5]
   - Ngày 20.02.2008, chuẩn y bản dịch Nghi thức cử hành hôn nhân [6]
 
   Ngày nay, Hội đồng Giám mục đã cho tu chính lại dần dần các bản dịch trước đây, bắt đầu với Sách lễ Rôma (1992) và hiện thời đang xem xét lại bản văn này và sẽ cập nhật hóa theo Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu lần thứ III. 

3. Thời gian và sự kiện chính thức thành lập Uỷ ban
    Ngày 24.01.1968, Ủy ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã được chính thức thành lập. Ủy ban hoạt động tích cực cho việc dịch thuật các Sách phụng vụ sang tiếng Việt, giúp Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam và các Giám mục trong các vấn đề phụng vụ. Ủy ban cũng cho xuất bản một nguyệt san mang tên Phụng Vụ. Ủy ban Phụng tự tiếp tục hoạt động trong suốt thời gian từ năm 1975 tới nay, với các vị Chủ tịch Ủy ban: 
 
   1/ 1968 - 1980 : Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên, Giám mục Gp. Phú Cường
   2/ 1980 – 1986 : Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, Giám mục Phó Gp. Long Xuyên
   3/ 1986 – 1995 : Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Gp. Đà Lạt
   4/ 1995 – 1998 : Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục Gp. Cần Thơ
   5/ 1998 – 2003 : Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn
   6/ 2004 – 2016 : Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Gp. Phú Cường
   7/ 2016 – nay : Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn,  Giám mục Gp. Bà Rịa
 
    Trong cuộc họp đại Hội thường niên tháng 10.2000, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chấp thuận Bản quy chế của Ủy ban. 

4. Hoạt động
   Hiện nay, Ủy ban dành đa số thời gian cho việc dịch thuật các sách phụng vụ. Khoảng hơn mười năm gần đây, mỗi Giáo phận có ủy ban phụng tự, hoặc ít nữa là có một linh mục đặc trách về lãnh vực này.
 
   Hàng năm, Đức Cha Chủ tịch Uỷ Ban Phụng tự mời gọi và tập trung các thành viên làm việc trên những sách phụng vụ tại Văn phòng HĐGMVN, gồm nhưng việc cụ thể sau:
     - Dịch thuật, đọc và góp ý chỉnh sửa những tài liệu như: Sách lễ Rôma, Sách bài đọc, sách các nghi thức….
     - Biểu quyết thống nhất ý kiến đệ trình Hội đồng Giám Mục Việt Nam xin Bộ Phụng tự phê chuẩn.

II. NHÂN SỰ
 
  1.  Đức Cha Chủ Tịch: Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục giáo phận Bà Rịa
        Đức Cha cố vấn: Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Gp. Phú Cường và nguyên Chủ tịch Uỷ Ban Phụng Tự.
  2. Thư ký: Lm. Giuse Vũ Văn Hoàng
  3. Các Thành viên:
    • Lm. Phêrô Nguyễn Kim Long
    • Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy
    • Lm. Giuse Cao Đình Phương
    • Lm. Giuse Nguyễn Văn Thịnh
    • Lm. Phêrô Nguyễn Văn Võ
    • Lm. Phêrô Nguyễn Văn Chính
    • Lm. Matthêu Phạm Trần Thanh
    • Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
    • Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
    • Lm. Giuse Đỗ Quang Khang
    • Thầy Phêrô Nguyễn Đình Diễn
    • Lm. Vinh sơn Phạm Xuân Hưng
    • Lm. Matthêu Vũ Văn Lượng
 
III. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
 
   - Địa chỉ: Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, Tp.HCM, Phòng 503.
   - Email: vpuybanphungtu@gmail.com
   - Website: uybanphungtu.org
 
Footnote
[1] @ là ký hiệu để chỉ các bản dịch tiếng Việt của các sách phụng vụ trước Công đồng Vaticanô II. Tòa Thánh chuẩn y cho phép dùng tạm cho tới khi các sách phụng vụ được tu chính theo các chỉ thị của Công đồng Vaticanô II và được dịch sang tiếng bản xứ. 
[2] Sắc lệnh số @ Prot. A. 344/67, x. Notitiae 3 (1967) 215. 
[3] Sắc lệnh số Prot. 953/71, x. Notitiae 7 (1971) 257. 
[4] Sắc lệnh số Prot. CD 269/88, x. Notitiae 24 (1988) 327. 
[5] Sắc lệnh số Prot. 2228/03/L.
[6] Sắc lệnh số Prot. 1407/06/L. 
Thư ký Ủy Ban Phụng Tự
Cập nhật ngày 29/11/2017
TIN LIÊN QUAN
LỊCH PHỤNG VỤ