TỪ SINH THÁI NHÂN VĂN ĐẾN SINH THÁI TOÀN
DIỆN
Lm. Phaolô Nguyễn
Minh Chính
WGPQN (1.10.2020)
– Sinh thái (ecology, écologie) là từ ghép lần đầu tiên được nhà động vật học
người Đức là Ernst Heinrich Philipp August Haeckel sử dụng trong cuốn Anthropogenie oder Entwickelungsgeschichte
des Menschen (Môn nguồn gốc loài người hay sự tiến hóa của con người),
xuất bản năm 1874. Từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp là oikos (οἶκος, ngôi nhà hoặc
nơi ở) và logia (λογία, môn học), ban đầu chỉ là kiến thức hay môn khoa
học về các vật thể sống với môi trường của nó, sau này nói về các mối tương
quan giữa các nguồn tài nguyên, môi trường và chính con người như là một “mạng
lưới sự sống” phức tạp và độc nhất. Hiện nay, vấn đề sinh thái trở nên mối quan
tâm hàng đầu về luân lý lẫn khoa học của nhân loại. Chúng ta đang sống trên một
hành tinh mà loài người đang thống trị. Dân số thế giới sẽ đạt đến 9,7 tỷ người
vào năm 2050 so với 7,7 tỷ hiện nay, với sự gia tăng gấp đôi dân số ở vùng hạ
Sahara, châu Phi, theo như báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2019. Sự tăng trưởng
dân số thế giới kéo theo tiêu thụ “hết nấc” sẽ đe dọa môi trường sống. Hành
tinh đang lâm nguy và tương lai của nó nằm trong tay chúng ta. Vì thế, cơn khủng
hoảng sinh thái đã đặt một thách thức lớn cho thần học cũng như huấn quyền Giáo
hội mặc cho Ludwig Feuerbach mai mỉa: “Đối với các Kitô hữu thì thiên nhiên, thế
giới chẳng giá trị gì chẳng ích lợi gì. Các Kitô hữu chỉ nghĩ đến họ, đến ơn cứu
rỗi linh hồn họ”.[1]
Thông điệp Laudato Si’ của
Đức Phanxicô, ký ngày 24 tháng Năm 2015, ra đời trong nỗ lực gióng lên tiếng
chuông cảnh báo về khủng hoảng sinh thái hiện nay. Tuy nhiên, mối bận tâm về thiên
nhiên và sự lưu ý đến người nghèo không phải là không liên quan gì với nhau.
Nhân loại được tạo dựng trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa và với các thụ
tạo của Thiên Chúa: “mọi sự được liên kết
với nhau”. Vì thế, vấn đề môi trường không tách rời những vấn đề khác như
quyền con người, cuộc chiến chống lại những bất công về kinh tế và xã hội: một
“sinh thái toàn diện”. Trong sứ điệp Ngày thế giới hòa bình năm 1990, Đức Gioan
Phaolô II khẳng định: “Ta sẽ không đạt đến một sự cân bằng sinh thái đúng nếu
không tấn công trực tiếp vào các hình thức cấu trúc của sự đói nghèo hiện diện
trên thế giới”.[2]
Và đây cũng là thông điệp đầu tiên của Đức Phanxicô nhắm đến “sinh thái toàn diện” (écologie intégrale), nối kết việc chăm sóc thế giới tự nhiên với sự công bình dành cho người nghèo và những người dễ tổn thương nhất. Thông điệp ra đời để báo hiệu một kairos, một thời điểm đúng đánh thức suy tư, thay đổi và hoán cải sinh thái để bắt đầu sống tinh thần Laudato Si’: một tinh thần huynh đệ có thể nghe được tiếng thét của trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Và như là những người được Thiên Chúa ủy thác quyền quản lý trái đất, mọi người cùng nhau xây dựng một xã hội thật sự công bình, văn minh, hạnh phúc và một môi trường sống an toàn thật sự chứ không như một khẩu hiệu.
I. LAUDATO SI’ – CHÚC TỤNG CHÚA QUA VẠN VẬT
1. Nhan đề và nội dung
Gần đây, trong bài “Jesuit and Franciscan” trên tuần san Osservatore Romano, Hồng Y Seán O’Malley viết: “Tôi luôn thích câu chuyện về một tu sĩ dòng Tên và một tu sĩ dòng Phanxicô đang đi trên đường, bỗng một anh thanh niên kè tới hỏi: “Thưa quý cha, có thể nào nói cho con biết phải đọc tuần cửu nhật nào để có được chiếc BMW không ạ?”. Ông Phanxicô hỏi: “BMW là cái gì?” Và ông dòng Tên hỏi “Còn tuần cửu nhật là thế nào?”. Chúng ta đã có một giáo hoàng thách đố những phạm trù này và kết hợp tinh thần dòng Tên và Phanxicô thành một”.[3] Sự nối kết gần gũi hơn nữa giữa Thánh Phanxicô và tu sĩ dòng Tên Jorge Mario Bergoglio, được minh họa ngay tiêu đề của thông điệp về sinh thái này: Laudato Si’.[4]
“Laudato Si’ ” (Chúc tụng Chúa), là phương ngữ vùng Umbria, được trích dẫn từ bài “Thánh ca thụ tạo” có từ thế kỷ XIII của Thánh Phanxicô, cũng được gọi là “Thánh ca Anh mặt trời và Chị mặt trăng”: một cái nhìn về công trình tạo dựng như một gia đình thân thiết, gọi mặt trời là anh, mặt trăng là chị và trái đất là mẹ. Trong khi đó, nhãn quan kỹ thuật xem thế giới tự nhiên chỉ như là sự vật để chúng ta khai thác sử dụng cho lợi ích của chúng ta. Đức Phanxicô trích dẫn thần học gia Romano Guardini: “Não trạng kỹ thuật xem thiên nhiên như là một trật tự vô cảm, một thân thể lạnh lùng với những dữ kiện, một ‘sự cho đi’ thuần tuý, một đối tượng của tiện ích, là nguyên liệu thô cần được uốn nắn thành hình thù hữu dụng; tương tự như vậy, chủ thuyết này nhìn vũ trụ như là một ‘không gian’ thuần tuý, có thể ném các vật thể vào đó với một thái độ dửng dưng hoàn toàn” (LS 115).[5]
“Laudato Si’ ”, hạn từ này hầu như xuất hiện mỗi đầu dòng khi Thánh Phanxicô ngợi khen những công việc kỳ diệu của Thiên Chúa qua các thụ tạo trên thế gian:
Chúc tụng Chúa qua các loài thụ tạo,
Đặc biệt là qua Anh Mặt Trời
Chúc tụng Chúa qua Chị Mặt Trăng
Và các tinh tú, trên bầu trời
Ngài đã làm cho chúng trở nên
Sáng láng, quý giá và đẹp đẽ.
Chúc tụng Chúa qua Anh Gió
Và không khí, bầu trời quang tạnh hay mây mù …
Chúc tụng Chúa qua Chị Nước
Rất hữu ích và khiêm tốn, quý giá và tinh sạch
Chúc tụng Chúa qua Anh Lửa
Nhờ anh chiếu sáng đêm tối và rực rỡ …
Ngay trong phần dẫn nhập của thông điệp, có một phần từ số 11- đến 12 mang tựa đề “Thánh Phanxicô Assisi”. Hiển nhiên, Đức Phanxicô muốn các độc giả hiểu Thánh Phanxicô đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống và tư tưởng của ngài. “Tôi không muốn viết Thông điệp này mà không hướng đến nhân vật có sức hút và mời gọi này. Tôi đã chọn danh hiệu của ngài làm sự hướng dẫn và động lực khi tôi được chọn làm Giám mục của Rôma. Tôi tin rằng Thánh Phanxicô là mẫu gương hoàn hảo cho việc chăm sóc những gì bị tổn thương và một nền sinh thái toàn diện vui tươi, đích thực” (LS 10). Quan niệm “sinh thái toàn diện” của ngài lấy cảm hứng từ tư tưởng của Thánh Phanxicô: “Ngài đặc biệt quan tâm đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đến người nghèo và những người bị bỏ rơi…. Ngài cho chúng ta thấy mối dây liên kết không thể tách rời giữa việc quan tâm đến thiên nhiên, công lý cho người nghèo, dấn thân xã hội và sự bình an nội tâm…. Thánh Phanxicô giúp chúng ta hiểu rằng một nền sinh thái toàn diện mời gọi mở lòng ra cho các chủng loại vượt ra khỏi ngôn ngữ của toán học và sinh học, và kết nối chúng ta với bản chất con người” (số 10-11).
Sự nhạy cảm sinh thái của Thánh Phanxicô đã gợi ý cho Đức Phanxicô về sinh thái toàn diện, Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng dưới nhiều mặt trận: ô nhiễm và thay đổi khí hậu, mất đa dạng sinh thái, sự bất bình đẳng toàn cầu cả về kinh tế lẫn nguồn tài nguyên. Những khủng hoảng này không riêng lẻ nhưng đan kết cùng nhau chặt chẽ. “Môi trường con người và môi trường tự nhiên xuống cấp cùng nhau; chúng ta không thể đấu tranh chống suy thoái môi trường nếu chúng ta không đi vào những căn nguyên có liên hệ đến suy thoái con người và xã hội” (số 48)
Thông điệp chia làm 6 chương với 246 số, được xây dựng trên giáo huấn xã hội của Giáo Hội và kết hợp nhiều tư tưởng của Giáo hội Công giáo Rôma như phẩm giá con người, tính liên đới, quyền quản lý (trái đất), công ích, chọn lựa người nghèo. Nhiều chủ đề được bàn đến suốt thông điệp, được tóm gọn trong số 16 như: mối tương quan gần gũi giữa người nghèo và sự mỏng manh của hành tinh; niềm xác tín rằng mọi thứ trong thế giới có liên hệ với nhau; phê bình các khuôn mẫu và dạng thức quyền lực mới xuất phát từ công nghệ; lời mời gọi tìm kiếm những cách hiểu khác về nền kinh tế và sự phát triển; giá trị đúng đắn cho mỗi thụ tạo; ý nghĩa nhân bản về sinh thái học; sự cần thiết phải có cuộc tranh luận thẳng thắn và trung thực; trách nhiệm nghiêm trọng của chính sách quốc tế và địa phương; nền văn hoá vất bỏ và đề xuất một lối sống mới.
2. Phương pháp trình bày
Kể từ thông điệp Mater et Magistra (số 236) của Đức Gioan Phaolô II, giáo huấn xã hội thường áp dụng phương pháp 3 bước “Xem – Xét – Làm”. Theo phân tích của thần học gia Leonardo Boff, cấu trúc của thông điệp Laudato Si’ cũng tuân thủ theo phương pháp này của giáo hội. Các suy tư thần học nối kết với thực hành: xem, xét, làm và thêm phần cử hành.[6]
Sau khi nhắc đến Thánh Phanxicô là nguồn cảm hứng chính để viết nên thông điệp, Đức Phanxicô đã bước sang giai đoạn “xem” (see). Ngài trình bày những gì đang xảy ra trong ngôi nhà của chúng ta (từ số 17-61): “chúng ta cần có một cái nhìn thật thẳng thắn vào sự thật là ngôi nhà chung của chúng ta đang rơi vào trong tình trạng hư nát nghiêm trọng” (61). Ngài thật sự đau buồn khi nhìn nhận rằng: “Chưa bao giờ chúng ta lại làm tổn thương nặng nề và đối xử tệ hại với ngôi nhà chung của chúng ta như trong suốt hai trăm năm qua” (53).
Phần “xét” (judgment) hoàn toàn có tính thần học. Thông điệp dành một phần lớn không gian cho “Tin mừng về sáng tạo”, từ số 62 đến 100. Đức Kitô nhập thể và phục sinh với thế giới và toàn thể vũ trụ, Ngài là thước đo cho sự trưởng thành của tất cả mọi sự (83). Trong phần này, Đức Phanxicô trích dẫn cha Pierre Teilhard de Chardin (chú thích 53) như là người tiền hô cho nhãn quan vũ trụ này. Ngài cũng trích dẫn Đức thượng phụ Bartholomew của Giáo hội chính thống cho rằng “tội lỗi chống lại tạo dựng là tội chống lại Thiên Chúa” (7). Thông điệp kết thúc phần này với phân tích cho thấy “cần thiết phải thay đổi đường hướng và cách hành động … giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy của sự tự huỷ diệt hiện đang nhấn chìm chúng ta” (163). “Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một kế hoạch chung” (164).
Giai đoạn thứ ba là “làm” (act), nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau của khía cạnh xã hội và giáo dục với môi trường. Thông điệp cũng nhấn mạnh đến chính trị và kinh tế phải phục vụ cho công ích và tạo điều kiện để hoàn thiện con người (số 189-198). Cần có cuộc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo theo đề nghị của nhà sinh học Edward O. Wilson.[7] Tất cả mọi tôn giáo nên “đối thoại với nhau hướng tới việc chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo” (201).
Giai đoạn cuối cùng là “cử hành” (celebrate). Sự “cử hành” xảy ra trong bối cảnh “hoán cải sinh thái” (216) và cũng liên quan đến “linh đạo sinh thái”. “Di sản phong phú của linh đạo Kitô giáo, hoa trái của kinh nghiệm cá nhân và cộng đoàn trong suốt 20 thế kỷ, góp phần quý báu trong việc đổi mới nhân loại…. nền linh đạo ấy thúc đẩy chúng ta nuôi dưỡng niềm đam mê bảo vệ thế giới” (216). Kinh nghiệm thần bí ấy thúc đẩy con người sống “sự cân bằng sinh thái: trong nội tâm với chính mình, liên đới với người khác, với thiên nhiên và các loài sinh vật khác, và ở mức độ tâm linh là với Thiên Chúa” (210).[8] “Ít là nhiều” (minus est plus) dường như là sự thật và rằng chúng ta vẫn có được hạnh phúc với một chút chút cái gì đó chứ không cần phải nhiều thật là nhiều đến độ dư thừa dẫn đến hoang phí. “Thế giới là một mầu nhiệm đầy vui tươi cần được chiêm ngưỡng bằng niềm hoan hỷ và lời ca tụng” (12) chứ không phải sở hữu thật nhiều cái gì đó.
II. PHIÊN TÒA SINH THÁI
1. Cáo buộc của nguyên đơn Lynn White.
Trong Kinh Thánh, sách Sáng thế ký chép rằng Thiên Chúa nói với con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (Stk 1,28). Vào năm 1967 Lynn White xuất bản một bài báo mà trong đó ông đã bảo vệ quan điểm cho rằng cơn khủng hoảng sinh thái bắt nguồn từ Kitô giáo phương Tây[9], cáo buộc Kitô giáo chịu trách nhiệm về cơn khủng hoảng môi trường đang gia tăng. Trong bài báo, ông cho rằng vì Sáng thế ký đã khẳng định quyền thống trị của con người trên thụ tạo nên đưa đến sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
“Cuối cùng, Thiên Chúa tạo dựng Ađam và sau khi suy nghĩ cũng đã dựng nên Eva để giúp người đàn ông đỡ cô đơn. Người đàn ông đặt tên cho các loài thú, như vậy thiết lập quyền thống trị trên chúng. Thiên Chúa hoạch định tất cả vì lợi ích và quyền cai trị của con người: không một thứ gì trong tạo dựng vật lý có mục đích nào khác ngoài phục vụ con người. Và cho dù thân xác con người được tạo dựng bằng đất sét, nhưng đơn giản con người không phải là một phần của thiên nhiên: con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đặc biệt là trong hình thức phương Tây của nó, Kitô giáo là tôn giáo nhân trung luận nhất trên thế giới”.[10] Carl Amery, một văn sĩ người Đức, cũng đã đặt tựa cho cuốn sách của mình: Das Ende der Vorsehung. Die gnadenlosen Folgen des Christentums[11] (Cái kết của Quan phòng. Những hệ quả tàn nhẫn của Kitô giáo). Ông cũng cho rằng Kitô hữu đặc biệt chịu trách nhiệm về cơn khủng hoảng sinh thái trên thế giới. Kitô giáo là tất cả sự dữ của xã hội phương Tây hiện đại. Kitô giáo tìm kiếm Nước Trời và chỉ chấm dứt khi chinh phục toàn thế giới, dưới chiêu bài bành trướng kỹ thuật hay cách mạng toàn cầu.[12]
Như vậy, White và những người theo chủ trương của ông cho rằng nhân trung luận Kitô giáo và niềm tin vào sự thống trị của con người trên các loài thụ tạo là cội nguồn lịch sử cho việc xem thiên nhiên là đối tượng trong khoa học và kỹ thuật hiện đại. Và vì thế, niềm tin Kitô giáo là nguồn gốc của sự tàn phá môi trường bắt đầu ở phương Tây. Tuy nhiên, xin được nói thêm là White đã kết thúc bài viết với một chuyển hướng bất ngờ. Ông nhắc đến Thánh Phanxicô Assisi như “một người cấp tiến vĩ đại nhất trong lịch sử Kitô giáo kể từ Đức Kitô”, như là một mẫu gương cho một truyền thống Kitô giáo khác không nhìn các thụ tạo khác như là đối tượng, nhưng là những anh chị em. Ông muốn quảng bá tính khiêm hạ của Thánh Phanxicô rộng rãi để nhân loại có thể ca tụng Thiên Chúa cùng với “Anh Kiến và Chị Lửa”. White kêu gọi đặt Thánh Phanxicô làm bổn mạng các nhà sinh thái học. Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như vậy vào năm 1979,[13] và Đức Phanxicô đã biến thánh nhân thành nhân vật trung tâm của thông điệp giáo hoàng đầu tiên hoàn toàn dành riêng để nói về vấn đề sinh thái.
Tiểu sử Thánh Phanxicô đầy những mẫu chuyện mà trong đó thánh nhân vui vẻ giao tiếp với những thụ tạo khác, chẳng hạn như giảng Tin Mừng cho cá nước chim trời. Nếu bạn muốn một câu chuyện rừng xanh mà trong đó con người sống hòa đồng với phần còn lại của các loài thụ tạo thì hãy tìm đến câu chuyện của Thánh Phanxicô với Con sói ở Gubbio. Thánh nhân thuần hóa một con sói đã làm cả thành phố khiếp sợ. Câu chuyện trông giống như chuyện cổ tích Công giáo nếu không có sự kiện là vào năm 1872 người ta tìm thấy một bộ xương lớn thuộc họ Chó (Caninae) khi khai quật thánh đường San Francisco della Pace.[14]
2. Câu trả lời của bị cáo.
Đối mặt với những tấn công này, vấn đề cần phải tranh luận là có phải lệnh truyền đầu tiên của Thiên Chúa nói rằng con người hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị thế giới, có phải là nguyên nhân chính cho khủng hoảng sinh thái hiện nay không?
Trong nghiên cứu giải thích lịch sử về đoạn sách Stk 1,28, sử gia Jeremy Cohen phản bác luận điểm của Lynn White. Theo Cohen, “người Do Thái và các Kitô hữu tiền hiện đại hiếm khi sử dụng đoạn Kinh Thánh này (thậm chí không bao giờ sử dụng!) để biện minh cho sự khai thác môi trường một cách vị kỷ”.[15] Trái lại, nhãn quan Kinh Thánh luôn khích lệ một thần học và linh đạo bắt nguồn từ trong tình yêu, sự hòa bình và công bình đối với toàn thể công trình tạo dựng.[16] Đàng khác, các sử gia về môi trường cũng không quên lưu ý rằng mối liên hệ giữa loài người với thiên nhiên có một lịch sử phức tạp, vượt qua ranh giới của Kitô giáo.[17] Và rằng thế giới này đâu chỉ có các Kitô hữu!
Lời cáo buộc phát xuất từ đoạn sách Sáng thế ký nhưng câu trả lời cho vấn đề này lại cũng nằm trong sách Sáng thế ký. Thật vậy, con người không làm chủ thụ tạo nhưng là người quản lý và cũng là cộng sự của Thiên Chúa. Giáo lý về sáng tạo nằm trong sách Sáng thế ký thậm chí nhấn mạnh trách nhiệm của con người đối với thế giới quanh mình.[18] Và thêm một điều rất hiển nhiên nữa là: công trình tạo dựng không phải chỉ cho con người. Thế giới này hiện hữu vì vinh quang Thiên Chúa. Trung tâm của tạo dựng không phải là con người theo nhân trung luận tuyệt đối mà là Thiên Chúa: mọi sự hiện hữu vì Thiên Chúa và có ý nghĩa trong Thiên Chúa.
Trái đất không phải thuộc về nhân loại để có thể làm theo ý mình tùy thích. Nó là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và như là những người được Thiên Chúa ủy thác chúng ta có bổn phận phải chăm sóc nó thay cho Thiên Chúa. Nhân loại sẽ phải tính sổ với Thiên Chúa về những hành vi của mình với trái đất. Thiên Chúa ban cho con người nhiều quyền hạn nhưng không phải là vô giới hạn. F. B. Welbourn liệt kê ra những giới hạn mà Thiên Chúa đặt định cho dân Israel khi sử dụng thiên nhiên:[19] không được ăn huyết của các loài vật (Lv. 17,10-14); không được gặt cho tới sát bờ ruộng (Lv 19,9); người trồng cây chỉ được thu hoạch trái từ cây 5 năm tuổi (Lv 19, 23-25); không được sử dụng cây ăn trái để làm công trình vây hãm thành (Đnl 20, 19-20); không được nấu thịt dê con trong sữa dê mẹ (Đnl 14, 21); không được bịt mõm bò đang đạp lúa (Đnl 25, 4); gặp tổ chim thì không được bắt chim mẹ lẫn chim con (Dt 22, 6); không được thường xuyên để đất hoang (Lv 25, 1-12); mọi thuế thập phân của đất đều thuộc về Thiên Chúa (Lv 27, 30-33). Như vậy đã rõ ràng không phải “ý muốn của Thiên Chúa là con người khai thác thiên nhiên theo mục đích của mình” như White đã cáo buộc. Kitô giáo, trái với cáo buộc của Lynn White, không lấy con người làm trung tâm (anthropocentric) mà Thiên Chúa là trung tâm (theocentric). Sự liên kết của chúng ta với phần còn lại của tạo dựng giúp chúng ta tránh khỏi sự cai trị có tính áp bức. Quyền thống trị (dominion) không có tính độc tài, chúng ta không là chúa tể của tạo dựng: đó chỉ là quyền cai quản được ủy thác, quyền cai quản có trách nhiệm phải tính sổ lại. Là những người quản lý của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được triệu hồi để giải thích về cách chúng ta cư xử với trái đất của Ngài.[20]
Trong thông điệp, Đức Phanxicô cũng khẳng định rằng Kinh Thánh không đời nào có chỗ cho chủ trương khai thác bạo tàn: “Các lề luật có trong Kinh Thánh đều đào sâu các mối tương quan, không chỉ giữa các cá nhân mà còn với các thực thể sống khác. “Khi anh (em) thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy... Nếu trên đường đi, anh (em) gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh (em) không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 4,6). Cũng theo những dòng này, thì việc nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy không chỉ có ý dành cho con người, mà còn “để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 23,12). Rõ ràng, Kinh Thánh không có chỗ cho chủ nghĩa nhân chủng tàn bạo không quan tâm gì đến các loài thụ sinh khác” (LS 68)
Thêm vào đó, Calvin B. DeWitt, giáo sư môi trường học ở Đại học Wisconsin, lý luận rằng từ giáo lý về sáng tạo ta có thể phân biệt bốn nguyên tắc sinh thái cơ bản:
– Nguyên tắc bảo tồn (principle of preserving): như Đấng Sáng Tạo đã bảo tồn và duy trì thế giới hiện hữu, vì thế nhân loại phải chăm sóc công trình tạo dựng và gìn giữ chúng khỏi bị tàn phá. “Gìn giữ” (keep) dịch từ Shamar trong tiếng Hípri có nghĩa là sự gìn giữ yêu thương, chăm sóc và vững bền.
– Nguyên tắc ngày “Sabát” (principle of “Shabbat”): công trình tạo dựng phải được phép nghỉ ngơi trên sự khai thác các nguồn tài nguyên. Xuất Hành 20 và Đệ nhị luật 5 đòi phải dành riêng một ngày trong bảy ngày để người và vật nghỉ ngơi, đất đai cũng vậy.
– Nguyên tắc sinh sôi (Fruitfulness principle): mọi thụ tạo đều được Thiên Chúa chúc lành để sinh hoa kết trái nên chúng ta vui hưởng sự sinh sôi của thụ tạo, chứ không phá hủy chúng. Như ông Nôê đã không tiếc thời gian công sức để cứu mọi loài khỏi sự tuyệt chủng, chúng ta cũng vậy.
– Nguyên tắc hành động có giới hạn (Limits principle): vai trò của con người trong công trình tạo dựng là có giới hạn; có những giới hạn cho các hoạt động của mình mà con người không thể vượt qua. Cũng như biển cả bao la và được Thiên Chúa chúc phúc để sinh sôi nảy nở và gia tăng các sinh vật trong đó nhưng nó cũng có giới hạn về kích cỡ.[21]
3. Hai khuynh hướng chú giải
Ngay cả khi chú giải các bản văn Kinh Thánh đơn thuần thì cũng có hai khuynh hướng đối nghịch nhau.
Trong bản văn thứ nhất (Stk 1,28), tương quan với thiên nhiên dựa trên cách đọc theo mặt chữ và khá hạn chế của chương thứ nhất sách Sáng thế ký. Con người được giới thiệu sau tất cả những yếu tố khác, cây cối và thú vật, và là đỉnh điểm của công trình sáng tạo, là “hình ảnh” của Thiên Chúa. Chúa đã truyền cho Ađam làm chủ tạo dựng và gia tăng dân số. Trái lại, trong chương hai (Stk 2,15), con người được xác định như là “người canh giữ” đất đai của Thiên Chúa trên trái đất. Ta thấy ở đây quan niệm về công trình tạo dựng vẫn còn có tương quan trực tiếp với nguồn gốc Thiên Chúa của mình,[22] Đấng vẫn còn hiện diện và còn làm việc: hành động tạo dựng chưa chấm dứt trong thời gian, công trình tạo dựng vẫn chưa cố định nhưng còn tiếp tục. Vì thế, công trình tạo dựng không chỉ tốt đẹp trong yếu tính vì chúng hiện diện là do ý muốn của Thiên Chúa, nhưng còn là chứng nhân cho Đấng Tạo Dựng (Tôma Aquinô, Bonaventura, Vatican I): quan sát công trình tạo dựng cho phép suy ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và khi gia tăng sự hiện diện của mình trong thế giới, Thiên Chúa đã ký kết nhiều giao ước với dân mình. Trong số đó, giao ước với ông Nôê đặc biệt có ý nghĩa vì nó không chỉ có con người mà còn tất cả mọi thụ tạo. Và giao ước đạt nhất chính là sự nhập thể của Con Thiên Chúa, Thiên Chúa làm người và như thế chia sẻ tình trạng con người. Đức Kitô, được xem như là đỉnh điểm của tạo dựng, là phiên bản hoàn hảo nhất, đã mời gọi chúng ta yêu thương và phục vụ những thụ tạo khác.
Trong hai lối chú giải thần học của sách Sáng Thế Ký, chú giải thứ hai được chọn từ trong di sản của các giáo hoàng trước đây.[23]
III. CON NGƯỜI “THỐNG TRỊ” HAY “CANH GIỮ”?
Nếu mối bận tâm về sinh thái trái đất được biểu lộ rõ ràng trong giáo thuyết của Giáo hội Công giáo từ Thông điệp Caritas in veritate của Đức Bênêđictô XVI (29 tháng Sáu 2009), thì sự chú ý đến các vấn nạn môi trường, nhất là qua chủ đề bảo vệ công trình tạo dựng, đã gia tăng mạnh mẽ từ năm 1979 khi Đức Gioan Phaolô II công bố Thánh Phanxicô Assisi là bổn mạng các nhà môi trường học. Kể từ khi ấy, sự dấn thân của Giáo hội trong việc bảo vệ môi trường gia tăng đáng kể với các phong trào mới trong các tín hữu với sự đồng hành của các hội đồng giám mục, giới trí thức và khoa học Công giáo.
Trong sách Sáng thế ký và nhiều văn bản thuộc truyền thống Kitô giáo mô tả thế giới được tạo dựng cho con người. Con người là giống loài duy nhất được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và thế giới được đặt dưới hành động của con người. Tuy nhiên, phải hiểu việc con người làm chủ và sở hữu thiên nhiên như thế nào? Sự phân biệt giữa con người và thiên nhiên được mô tả trong Sáng thế ký: mỗi bên được tạo dựng ở thời điểm khác nhau theo niên đại tạo dựng (Stk 1): như thế con người đối diện với thiên nhiên sinh động (nature vivante như thú vật và cây cỏ) và thiên nhiên phi sinh tính (nature inerte như nước, vầng sáng…). Con người làm hoàn thiện vũ trụ và chiếm một vị trí trung tâm trong vũ trụ. Bản dịch Bible de Jérusalem sử dụng động từ “soumettre” (đặt bên dưới, bắt tùng phục) trong Stk 1,28. Từ này có ý nghĩa vì nó giả định sự độc lập của thiên nhiên. Bản văn gốc theo hướng nghĩa này vì động từ kabash trong tiếng Hípri có nghĩa đầu tiên là “đi trên” (marcher sur). Vì thế, thiên nhiên ở bên dưới con người là hữu thể đạt kết quả hơn, vì thế thống trị và điều khiển những yếu tố khác. Vị trí nhân trung thuyết theo Sáng thế ký này được lập lại trong các bản văn khác của Kinh Thánh. Thiên Chúa nói với ông Nôê và các con ông: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh hãi khiếp sợ các ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi” (Stk 9,1-3). Như vậy, dưới hình ảnh của một nông gia canh tác đất đai, con người nhận lấy thiên nhiên để làm cho nó sinh hoa kết trái: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực” (Stk 1,29-30).
Nhân trung thuyết này đã được Đức Phaolô VI cật vấn dưới một nhãn quan cấp tiến trong thông điệp Populorum Progressio năm 1967: “Ở ngay trang đầu của Kinh Thánh, chúng tôi đọc được lời này: “Hãy lan tràn khắp mặt đất và hãy khắc phục trái đất”. Lời đó dạy chúng ta rằng tất cả vũ trụ này được tạo dựng nên cho con người; con người có bổn phận phải dùng tài năng của mình để tăng giá trị của vũ trụ, và dùng việc làm của mình mà hoàn thành vũ trụ để hưởng dụng. Trái đất đã được tạo dựng nên để cung cấp phương tiện sinh sống và khí cụ tiến bộ cho mỗi người, thì mỗi người có quyền tìm thấy ở trong đó những điều cần thiết cho mình” (PP 22). Như vậy, sự thống trị chỉ để làm tăng giá trị của vũ trụ và ở mức độ cần thiết cho phép con người sinh sống và phát triển. Và trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II (1965) lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính chất cộng đoàn nhân loại trong ơn gọi của con người: “Thực vậy, khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (GS 57). Sự thống trị này được tặng ban cho con người để nuôi sống toàn thể nhân loại và hoàn tất công cuộc tạo dựng, phục vụ anh em.
Tuy vẫn duy trì tiên đề nhân trung thuyết nhưng “đối tác” thiên nhiên của con người cũng mặc lấy bóng dáng của Thiên Chúa. Thiên nhiên phản ảnh quyền năng của Thiên Chúa nên mối tương quan giữa con người với tạo dựng này nằm dưới bóng dáng bảo hộ của Thiên Chúa. Vì thế, hiến chế Gaudium et Spes đã nói: “con người có thể và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được tạo vật do Chúa ban, nên con người coi chúng như xuất phát từ tay Chúa và kính trọng chúng. Ðang khi cảm tạ Thiên Chúa là Ðấng Ban Ơn vì các tạo vật ấy cũng như đang khi sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do, con người thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết nhưng lại sở hữu tất cả” (GS 37). Trong nhãn quan này, tương quan giữa con người và tạo dựng phản ảnh mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: “Ðối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (GS 34)
Đến năm 1991, Đức Gioan Phaolô II thêm vào trong Thông điệp Centensimus annus rằng con người: “tưởng mình có quyền sử dụng trái đất một cách độc đoán, bắt nó hoàn toàn lệ thuộc ý muốn của mình, như thể trái đất không hề có một hình thức và một mục đích từ trước do Thiên Chúa định đoạt và con người có thể phát triển mà không được phản bội. Thay vì chu toàn vai trò là người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, con người tự thay thế Thiên Chúa, và như vậy đưa tới sự phản loạn của thiên nhiên, một thiên nhiên bị hà hiếp hơn là được cai quản do con người” (CA 37). Thiên nhiên, công trình tạo dựng này có thể phản ứng lại trước những hành động bất thường của con người.
Năm 2013, Đức Phanxicô đào sâu suy tư này khi nói rằng con người là người canh giữ (gardien) công trình tạo dựng. Ngài nối kết sự quản trị được ban tặng cho con người với ý tưởng là người bảo vệ thiên nhiên và kể từ đó tư tưởng này đã đi vào trong các bản văn chính thức của Giáo Hội: “Tôi muốn đòi hỏi những ai đóng vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội, cũng như những người thiện chí rằng: do ý định của Thiên Chúa khắc ghi trong thiên nhiên, chúng ta là “những người canh giữ” công trình tạo dựng, những người canh giữ tha nhân, canh giữ môi trường; xin đừng cho phép những dấu hiệu tàn phá và chết chóc đồng hành với bước tiến lên của thế giới chúng ta!”[24]
Như vậy, sự chuyển hướng nhân trung thuyết từ chỗ con người làm chủ (homme-maître) đến con người canh giữ (homme-gardien) đã cung cấp cho Giáo Hội câu trả lời đầu tiên cho những phê bình của White. Câu trả lời chủ yếu dựa trên hai lập luận: ý tưởng bắt khuất phục (soumission) là điều lạ lẫm với Kitô giáo; cách dịch những câu trong Sáng thế ký được giải thích sai. Quan điểm sau đã được Đức cha Stenger,[25] Giám mục giáo phận Troyes, giải thích: “Phải đặt lại những câu này trong ngữ cảnh đặc thù của lịch sử dân tộc Do Thái khi bị lưu đày ở Babylone. Giavê đã bỏ rơi họ, khiến họ phải chịu thử thách và suy yếu về dân số. Chính trong ngữ cảnh này mà ta phải hiểu câu: “Hãy sinh nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (Stk 1,28) trong ý muốn tái lập một dân tộc. Cũng vậy, “Hãy thống trị cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Stk 1,28) phải được hiểu theo ngôn ngữ của thời đại đó, thời đại mà “thống trị” (dominer) được quy cho người đứng đầu gia đình (từ đó có từ tiếng Latinh là dominus). Như vậy, “thống trị” phải được hiểu trong cấu trúc gia đình gia trưởng phụ quyền, có bổn phận phải chăm sóc cho các thành viên gia đình sống cùng nhau. “Hãy thống trị nó” (Stk 1,28) được hiểu là “Hãy làm chủ nó”. Câu gây tranh cãi này trong sách Sáng Thế Ký phải được đưa gần hơn đến câu tiếp theo là “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (Stk 2,15), một điều gì đó rất gần với kết luận của Hội nghị Rio về phát triển bền vững: khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được chấp nhận trong khuôn khổ nó không làm hại đến các thế hệ tương lai.
IV. TỪ SINH THÁI NHÂN VĂN ĐẾN SINH THÁI TOÀN DIỆN
1. Sinh thái nhân văn
Quan niệm về “Sinh thái nhân văn” đã được Đức Gioan Phaolô II đề cập đến trong Thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis, từ số 14 đến 17, nói về mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt là bổn phận của nhân loại đối với thế giới được tạo dựng: “Đấng Tạo Hóa muốn con người thông hiệp với thiên nhiên như người “chủ” và “người bảo vệ” thiên nhiên một cách thông minh và cao quý, chứ không phải như “kẻ khai thác” và “phá hoại” thiên nhiên không nương tay.”[26]
“Ngoài sự tàn phá một cách vô lý môi trường thiên nhiên còn phải nhắc tới ở đây sự tàn phá còn nặng nề hơn nữa đối với môi trường nhân loại, thế mà người ta còn chưa có một sự chú ý đúng mức về môi trường con người này. Trong khi người ta bận tâm chính đáng, mặc dù còn chưa đạt tới mức độ cần thiết, nhằm bảo vệ chỗ cư trú thiên nhiên của các chủng loại thú vật khác nhau đang bị đe dọa tuyệt chủng, bởi vì người ta nhận thức rằng mỗi loại có phần đóng góp riêng của mình cho sự quân bình chung của trái đất, thì người ta lại quan tâm quá ít trong việc bảo vệ các điều kiện luân lý của một thứ “sinh thái nhân văn” đích thực. Không phải chỉ có trái đất được Thiên Chúa ban cho con người và con người phải sử dụng nó trong sự tôn trọng ý hướng nguyên thủy, tốt đẹp của Đấng Tạo Hóa, nhưng cả con người cũng được Thiên Chúa ban cho chính mình và như vậy con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà mình đã lãnh nhận.”[27]
Tư tưởng sinh thái của Đức Phanxicô chịu ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II, người mà Đức Phanxicô đề cập đến trong thông điệp của mình đến gần 40 lần. Quan niệm “sinh thái nhân văn” của Đức Gioan Phaolô II đã ảnh hưởng đến “sinh thái toàn diện” của Đức Phanxicô. Khi hình thành quan niệm “sinh thái toàn diện”, Đức Phanxicô cũng chịu ảnh hưởng của Đức Bênêđictô XVI, được đề cập đến hơn 30 lần trong thông điệp. Trong giáo huấn của mình, Đức Bênêđictô XVI thường lập lại những vấn đề khủng hoảng sinh thái đặc biệt như: tính trách nhiệm liên thế hệ và giải pháp chung cho những vấn đề toàn cầu ngày nay (nghèo đói, chiến tranh, thảm họa thiên nhiên). Trong thông điệp Caritas in Veritate, Đức Bênêđictô XVI chạm tới những vấn đề này: “Con người giải thích và kiến tạo môi trường tự nhiên nhờ văn hóa; văn hóa này, đến phiên mình, được xác định từ sự tự do mang ý thức trách nhiệm, luôn chú tâm vào những nguyên tắc của lề luật luân lý. Dự kiến cho một sự phát triển toàn diện con người không được quên những thế hệ kế tiếp, phải dựa trên tình liên đới và công bằng liên thế hệ phải chú ý đến các bình diện thực đa dạng – môi sinh, pháp lý, kinh tế, chính trị và văn hóa.”[28]
Như vậy, đối với các vị giáo hoàng này thì “sinh thái của con người” hay “sinh thái nhân văn” có nghĩa rất gần với luật tự nhiên cổ điển, nghĩa là con người sở hữu một thiên thiên phải được hiểu đúng bản chất của nó và con người phải sống theo đó để đạt được hạnh phúc đích thực. Và hẳn nhiên, điều cơ bản nhất mà luật tự nhiên đòi hỏi chính là làm điều lành tránh điều dữ. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, bản tính tự nhiên của con người nghiêng chiều về điều thiện hảo, chân lý, cái đẹp.
Từ quan niệm về “sinh thái nhân văn” của các giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô đã triển khai ý niệm “sinh thái toàn diện”: mọi sự được liên kết với nhau.
2. Sinh thái toàn diện
Sinh thái toàn diện là chủ đề chính của Laudato Si’, được triển khai suốt thông điệp khi hạn từ này được đề cập đến và dưới nhiều hình thức khi sử dụng câu “mọi sự được liên kết với nhau”. Chương bốn (LS 137-162) của thông điệp bắt đầu câu trả lời tích cực của Đức Phanxicô về cơn khủng hoảng sinh thái có tiêu đề là “Sinh thái toàn diện”, mở đầu với “một tầm nhìn chạm tới mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu” bao gồm cả “chiều kích nhân bản và xã hội của nó” (LS 137).
Trước hết, sinh thái toàn diện là một cách hiểu giúp ta nhận thức mối quan hệ hỗ tương (interconnection) giữa các sự vật. Đức Phanxicô nói nhận thức này bắt nguồn từ trong Kinh Thánh: “Các lề luật có trong Kinh Thánh đều đào sâu các mối tương quan, không chỉ giữa các cá nhân mà còn với các thực thể sống khác” (LS 68). Sự đa dạng của các thụ tạo trong “các mối tương quan đa dạng của chúng” cùng nhau chuyển tải sự thiện hảo của Thiên Chúa (LS 86). Như thế, “mỗi thụ tạo đều có một mục đích riêng của nó. Không có gì là vô ích. Toàn bộ vũ trụ vật chất nói về tình yêu của Thiên Chúa, lòng trìu mến vô biên của Ngài dành cho chúng ta” (LS 84).
Nền tảng cho nhãn quan về sự liên tương giao của tất cả mọi sự này chính là Thiên Chúa ba Ngôi, Đấng tạo dựng mọi sự. “Các Ngôi Vị Thiên Chúa là mối tương quan hỗ tương, và thế giới, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, là một mạng lưới các mối tương quan. Các thụ tạo hướng về Thiên Chúa, và lần lượt mọi sinh vật đều hướng về hữu thể khác, để trong toàn thể vũ trụ chúng ta có thể tìm thấy vô vàn mối tương quan thường hằng và đan quyện vào nhau cách âm thầm” (LS 240).
Nếu Đức Phanxicô hiểu mối quan hệ hỗ tương này giữa các thụ tạo với nhau và giữa các thụ tạo với Thiên Chúa bắt nguồn từ trong Kinh Thánh thì ngài cũng hiểu rằng nhãn quan này cũng có nơi những người ở bất kỳ niềm tin nào. Ngài trích dẫn tác giả thần bí Hồi giáo mật tông (phái Sufi) Ali al-Khawas, mời gọi cuộc gặp gỡ với thần thánh khi lắng nghe: “những gì được nói qua tiếng gió thổi qua, những cành cây lắc lư, tiếng nước chảy róc rách, tiếng côn trùng, tiếng cửa kêu cót két, tiếng chim hót hay âm thanh của sáo diều, tiếng thở dài của người bệnh, tiếng rên la của người phiền não...” (LS 233, chú thích số 159). Và trong Phật giáo có quan niệm tương duyên hay duyên khởi (Pratītyasamutpāda), là sự tương tác trong sự hiện hữu liên tục của mọi sự vật, và sự tương liên, tương tác trong sự hủy diệt của mọi sự vật. “Nếu cái này tồn tại, thì cái kia tồn tại; nếu cái này đoạn diệt, thì cái kia cũng đoạn diệt".
Bên cạnh đó, Đức Phanxicô cũng rút ra những giáo huấn xã hội trước đây của Giáo Hội, đặc biệt là của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Tư tưởng triết học của Jacques Maritain cũng đã tác động trên quan niệm của Đức Phanxicô. Chủ thuyết nhân bản toàn diện (Humanisme intégral) của Jacques Maritain đã gây ảnh hưởng trên triết lý xã hội của thế kỷ XX cũng như giáo huấn xã hội của Giáo Hội.
Dù không đề cập đến tác phẩm Jacques Maritain, nhưng dường như rằng nhãn quan Kitô giáo về nhân bản toàn diện của triết gia người Pháp này ít ra cũng có tác động gián tiếp đến cách tiếp cận những vấn đề đương thời được trình bày trong Laudato Si’. Nhân bản toàn diện nhấn mạnh đến giá trị tối thượng của con người trong tương quan với các yếu tố quyết định xã hội và kinh tế của hiện hữu nhân sinh. Con người được hiểu như là một tổng thể thống nhất, không bỏ qua hay giảm thiểu giá trị của bất kỳ chiều kích nào.[29] Sự toàn diện trong tư tưởng của Jacques Maritain được diễn tả qua sự quan tâm đến hai chiều kích của hiện hữu nhân sinh: “Chuyển động dọc hướng về đời sống vĩnh cửu (đang hiện diện và đã bắt đầu ở đây) và chuyển động ngang mà qua đó bản thể và sức mạnh sáng tạo của con người được biểu lộ dần trong lịch sử. Hai chuyển động này cần phải được theo đuổi cùng lúc”.[30] Mối tương quan hỗ tương giữa hai loại hoạt động này được hiểu là toàn diện vì chiều kích ngang được ghi sâu vào trong chiều kích dọc. Nhân bản toàn diện “không chỉ tìm kiếm một nền văn minh về kỹ nghệ nhưng là một nền văn minh con người toàn diện (kỹ nghệ có thể là những điều kiện vật chất) và gợi ý của tin mừng”.[31] Một cách tiếp cận như thế ăn khớp với tư tưởng của Đức Phanxicô trong Laudato Si’. Rõ ràng Đức Phanxicô nói về Thiên Chúa như là mục đích tối thượng của con người nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng mục đích này được thực hiện trong thế giới này, nghĩa là, trong thực tại trần thế.
Dù luôn nhấn mạnh đến tính cách duy nhất của con người trong thế giới được Thiên Chúa tạo dựng, Đức Phanxicô vẫn cho rằng con người cũng chỉ là một phần cấu thành trong thiên nhiên. Nhãn quan này chịu ảnh hưởng của Thánh Phanxicô mà đối với Đức Phanxicô là “mẫu gương hoàn hảo cho việc chăm sóc những gì bị tổn thương và một nền sinh thái toàn diện vui tươi, đích thực. Ngài là thánh bảo trợ cho tất cả những ai đang nghiên cứu và hoạt động trong lãnh vực sinh thái, Ngài cũng được rất nhiều người không phải là Kitô hữu yêu mến. Ngài đặc biệt quan tâm đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đến người nghèo và những người bị bỏ rơi” (LS 10). Chịu ảnh hưởng từ Thánh Phanxicô, ta thấy Đức Phanxicô quan tâm đến công trình tạo dựng và những người nghèo nhất, nhấn mạnh đến mối dây ràng buộc giữa con người và phần còn lại của thế giới được tạo dựng. Điều này được minh họa từ trích dẫn Bài ca mặt trời trong đoạn mở đầu của thông điệp, nói lên mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên sinh động và bất động, toàn thể sáng tạo như là một gia đình. “Ngôi nhà chung của chúng ta là người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống, là người mẹ tuyệt vời luôn mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta. “Lạy Thiên Chúa của con, Chúc tụng Chúa qua người Chị của chúng con là Mẹ Trái Đất, người nuôi dưỡng và chi phối chúng con, là người sản sinh hoa trái phong phú với biết bao hoa thơm cỏ lạ” (LS 1)
Mục đích thật sự của Laudato Si’ vượt qua những đánh giá về khoa học, kỹ thuật, chính trị hay kinh tế. Ngài nói mục đích chính là đưa “mọi người sống trên hành tinh này” đi vào “cuộc đối thoại với mọi người về ngôi nhà chung của chúng ta” (LS 3). Và cuộc đối thoại đó phải đi xa hơn vấn đề giữ cho nhiệt độ tăng dưới 2 độ Celsius, hay năng lượng tái tạo, hoặc giảm thiểu ô nhiễm hay rác thải. Đối với ngài, nó phải bao gồm những yếu tố liên quan trong hạn từ “sinh thái toàn diện”, không chỉ nhắm đến ngôi nhà chung của chúng ta mà còn tất cả những bạn cùng phòng trong ngôi nhà chung đó mà chúng ta được kêu gọi tôn trọng và đối xử như những người anh em và chị em.
“Sinh thái học toàn diện bao gồm việc dành thời gian để khôi phục sự hoà hợp thanh bình với công trình tạo dựng, suy tư về lối sống và lý tưởng của chúng ta, chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa đang sống giữa chúng ta và xung quanh chúng ta”. Sinh thái toàn diện đòi hỏi sự tham gia các giác quan: “nhìn vào mắt tha nhân, lắng nghe điều họ nói, cảm nhận sự vững chãi của một thân cây và hơi ấm của đất dưới ánh mặt trời, nghe tiếng lùa của gió trên ngọn cỏ, tiếng gọi của chim trời và tiếng thì thầm của con suối, cảm nhận được hương nồng ấm của đất đai màu mỡ, mùi ẩm mốc của đầm lầy và tín hiệu sắc bén nơi xạ hương của con cáo. Khi nhìn thế giới cùng với những liên kết này, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn và khác đi. Than, dầu và khí đốt thiên nhiên không còn là những nguồn tài nguyên dấu ẩn để được khám phá và đốt đi. Chúng ta sẽ thấy được những chiều kích trọn vẹn của chúng như là một phần của hệ thống khí hậu trái đất giúp duy trì nhiệt độ trái đất mà trong đó con người sống và nền văn minh phát triển, khi chúng loại bỏ khí carbon khỏi bầu khí quyển và cô lập nó dưới mặt đất. Chúng ta sẽ thấy động vật hoang dã không còn là những kẻ tấn công ăn thịt, làm hại con người. Chúng ta có thể hòa nhập vào mối liên tương quan sinh thái mà trong đó chúng ta tùy thuộc vào”.[32]
V. HOÁN CẢI SINH THÁI: MỘT CỬ HÀNH
Laudato Si’ được viết ra để giúp chúng ta “hoán cải sinh thái” (LS 216), đưa đến một “linh đạo sinh thái” đích thực.[33] Tại sao phải “hoán cải sinh thái” (conversion écologique)? Bởi vì “những căn nguyên mang tính đạo đức và thiêng liêng của các vấn đề môi trường, là những điều đòi hỏi chúng ta tìm kiếm giải pháp không chỉ về mặt công nghệ mà còn về một sự thay đổi của nhân loại; bằng không chúng ta đang giải quyết thuần tuý về mặt triệu chứng” (LS 9).
Trước hết, hoán cải sinh thái trước hết phải quay đi khỏi tính vị kỷ và cá nhân chủ nghĩa quá đáng và thay thế sự tiêu thụ với sự hy sinh, lòng tham với sự quảng đại, sự phung phí với sự chia sẻ” (LS 9). Nhiều vấn đề xã hội đến từ “nền văn hoá quy ngã, tìm sự thoả mãn tức thời của thời đại chúng ta” (LS 162) dẫn chúng ta đến hành động khai thác vị lợi hơn là tôn trọng thiên nhiên và tha nhân.
Thứ đến, hoán cải sinh thái liên quan đến việc phục hồi tính nhạy cảm của lương tâm bởi vì đã có nhiều lương tâm bị tê liệt, không còn nghe thấy tiếng “khóc thét của trái đất và kêu gào của người nghèo” (LS 49). Việc giáo dục lại lương tâm này không chỉ là chẩn đoán và vượt thắng những thất bại của quá khứ nhưng còn là từ chối những ngụy giải pháp dễ dãi hay những giải pháp phiến diện. Sự thức tỉnh lương tâm này liên quan nhiều hơn đến việc lắng nghe điều Thiên Chúa đã nói với chúng ta về sự tốt đẹp của thế giới và tha nhân, đồng thời có thái độ biết ơn về món quà là thế giới này cũng như sự nhưng không của nó bằng cách bắt chước lòng quảng đại của Thiên Chúa. (LS 220-221)
Thứ ba, sự hoán cải sinh thái liên quan đến nhận thức rằng chúng ta có thể làm sự khác biệt. Sự khác biệt liên quan đến nhận thức rằng “một liên đới có tính hoàn cầu và mới mẻ” thật là cần thiết để cùng nhau xây dựng và tái dựng ngôi nhà chung của chúng ta với nền sinh thái toàn diện (LS 13, 14). Đức Phanxicô nêu ra một số các quốc gia đã có những cải tiến môi trường như sông suối được làm sạch, rừng được khôi phục, phong cảnh được làm đẹp hơn, và những nguồn năng lượng tái tạo tiên tiến. Tất cả chứng tỏ rằng “con người vẫn có khả năng can thiệp tích cực.” (LS 58)
Một khi đã quay đi với những lối hành xử xưa cũ, nhạy cảm với những thái độ đúng, làm việc cùng nhau, Đức Phanxicô muốn giúp chúng ta trưởng thành trong “linh đạo sinh thái”, đem đến một nền văn hóa sinh thái đích thực.
Trước hết là nhận thức về giới hạn của chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất có trước chúng ta và đã được ban tặng cho chúng ta ”(67). Điều này có nghĩa rằng chúng ta không thể khẳng định sự thống trị tuyệt đối trên thụ tạo nhưng chỉ là người quản lý. Nếu không có một linh đạo nhìn nhận tính tối thượng của Đấng tạo dựng thì “kết cục của nó sẽ là tôn thờ các quyền lực trần thế, hay chính bản thân chúng ta chiếm đoạt vị thế của Thiên Chúa, thậm chí đến mức công bố một quyền vô hạn để chà đạp lên công trình tạo dựng của Ngài”. (75)
Thứ đến, linh đạo sinh thái đòi hỏi một sự đào tạo hay giáo dục sinh thái đúng đáng, biết quý trọng và ngạc nhiên về vẻ đẹp và món quà tặng của tạo dựng (12), nhận thức rằng mỗi hữu thể sống khác đều có một giá trị nội tại và mục đích (69, 84); và một “nền đạo đức sinh thái” giúp con người lớn lên trong “tính liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn.” (210)
Thứ ba, linh đạo sinh thái dẫn đến một lối sống ngôn sứ và chiêm niệm – một cách hiểu khác về chất lượng cuộc sống – tuân theo một bài học cổ xưa là nguyên tắc “minus est plus” - ít là nhiều (222). Sự đơn giản, tiết độ và chừng mực cho phép chúng ta bằng lòng với một chút ít, đánh giá cao những điều nho nhỏ, biết ơn và đồng thời cũng tách khỏi về mặt tinh thần những gì chúng ta có, để giải phóng ta khỏi sự nô lệ cho vật chất hầu có thể sống cách đầy đủ hơn (223).
Cuối cùng, nó đưa đến khả năng sống chung cùng nhau như anh chị em, nhận biết rằng mình cần người khác và chia sẻ trách nhiệm vì ngôi nhà gia đình chung của chúng ta (228-9). Không có tình liên đới bằng hữu này, các nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn và điều tiếp theo sẽ là những cuộc chiến vì xung đột lợi ích, đi ngược lại với nền văn hóa đích thực là chăm sóc môi trường và chăm sóc nhau (229).
Một hoán cải và linh đạo sinh thái như thế đang là thách thức ở mức độ cá nhân, ở mức độ cộng đồng, văn hóa, xã hội và toàn cầu, nó hiển nhiên đòi hỏi hơn nữa. Nhưng Đức Phanxicô không giục chúng ta nhắm đến quá nhiều trên chiều dài của hành trình cần thiết để đi từ nơi chúng ta đứng đến nơi chúng ta muốn ở đó, nhưng mỗi lần chỉ nhắm đến một bước. Ngài nói “sinh thái toàn diện” bao gồm “những nghĩa cử đơn giản mỗi ngày, chúng phá vỡ lý luận của bạo lực, khai thác và ích kỷ” (230). Nó có liên hệ đến “con đường nhỏ của tình yêu” là con đường “không bỏ lỡ một lời nói tử tế, một nụ cười hay một nghĩa cử nhỏ bé để gieo rắc bình an và tình bạn”. Mọi sự tưởng chừng như nhỏ bé ấy đều tạo nên sự khác biệt.
LỜI KẾT
Trong buổi đọc kinh chung trưa Chúa Nhật, 17 tháng Năm 2020, Đức Phanxicô tuyên bố bắt đầu tuần lễ “Laudato Si’” trên khắp thế giới và sẽ kết thúc vào đúng ngày kỷ niệm 5 năm thông điệp, 24 tháng Năm 2020. Ngài nói: “Trong thời gian đại dịch toàn cầu này, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi suy tư và dấn thân đều có thể tạo nên và củng cố những thái độ xây dựng cho việc chăm sóc công trình tạo dựng”. Với Laudato Si’, Đức Phanxicô đã “khai trương một kỷ nguyên mới trong lối tiếp cận của Hội thánh Công giáo về thế giới tự nhiên. Thế giới của động vật, cây cối, núi non và sông biển là thành phần của tin mừng Thiên Chúa dành cho chúng ta; chúng biểu lộ và tham dự vào lịch sử cứu độ”.[34] Vấn nạn nền tảng hôm nay không phải là môi trường nói riêng mà đúng hơn là “loại thế giới nào mà chúng ta để lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cháu là những người hiện giờ đang lớn lên?” (LS 160).
Không còn là khủng hoảng khoa học, kinh tế hay kỹ thuật, sinh thái hiện nay là vấn đề của luân lý, tinh thần và văn hóa. Đức Gioan Phaolô II quy trách nhiệm cho việc thiếu tôn trọng đối với tất cả mọi sự sống và sự toàn vẹn của tạo dựng.[35] Thần học gia Jean Zizioulas, Tổng giám mục Tổng giáo phận Pergame của Giáo hội Chính thống, cũng nói về cơn khủng hoảng văn hóa khao khát một thiên hướng - một éthos (ἦθος). “Điều chúng ta cần không phải là một “éthique” (đạo đức) mà là một “éthos”; không phải là chương trình hành động mà là một thái độ, một não trạng; không phải là luật pháp mà là một nền văn hóa”.[36] “Có rất nhiều thứ cần thay đổi, nhưng trên hết vẫn là con người chúng ta phải thay đổi. Chúng ta thiếu ý thức về cội nguồn chung, sự thuộc về hỗ tương và tương lai chia sẻ với mọi người. Ý thức cơ bản này có thể thúc đẩy sự phát triển những xác tín, thái độ và lối sống mới. Thách đố lớn về văn hóa, thiêng liêng và giáo dục vẫn đang ở phía trước và đòi hỏi chúng ta một con đường canh tân dài lâu” (LS 202). “Ta đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự chết, chúc lành và chúc dữ! Nhưng ngươi hãy chọn lấy sự sống ngõ hầu ngươi được sống, ngươi và dòng giống ngươi” (Đnl 30, 19).
Sinh thái toàn diện là một trong những đóng góp chính của Laudato Si’. Nó triển khai cách đánh giá của Giáo hội Công giáo về những mối liên hệ từ mức độ xã hội cho đến sinh thái. Sinh thái toàn diện không đơn thuần là một nguyên tắc luân lý; nó là cách nhìn để cảnh báo và quan tâm hơn đến các kết nối hỗ tương (interconnections). Thế giới không là bộ sưu tập những đối tượng trơ ì để con người thao túng. Sinh thái toàn diện gợi hứng cho chúng ta đào sâu hơn, tìm kiếm để hiểu về những mối liên tương quan phức tạp và tinh tế đã duy trì sự sống của công trình tạo dựng, gồm cả sự sống của chúng ta. Một khi bắt đầu hiểu về sự phức tạp của công trình tạo dựng, chúng ta có thể yêu mến nó sâu xa và bảo vệ nó. Biết, yêu và chăm sóc thiên nhiên là tất cả những phần hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa ba ngôi trong tạo dựng.
Nguồn: gpquinhon.org
[1] FEUERBACH L., L’essence du christianisme (1841),
bản dịch của J.-P. OSIER, coll. Théorie, Paris, Maspero, 1973, tr. 451.
[2] GIOAN PHAOLÔ II, “La Paix avec Dieu
créateur, la paix avec toute la création”, Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình,
8.12.1989, trong Doc. Cath. 1997
(87, 1990) số 11.
[3] Hồng Y SEÁN O’MALLEY, OFM Cap. “Jesuit
and Franciscan”, Osservatore Romano,
Friday, 31 tháng Bảy 2020, tr. 6
[4] Xem thêm XUE JIAO ZHANG, “How St.
Francis Influenced Pope Francis’ Laudato Si”, trong CrossCurrents, Volume 66, Issue1, March 2016, tr. 42-56
[6] https://leonardoboff.org/2015/06/18/the-magna-carta-of-integral-ecology-cry-of-the-earth-cry-of-the-poor/
[8] BOFF LEONARDO, COSTA GIACOMO,
GIACCARDI CHIARA, GIRAUD GAËL, MAGATTI MAURO, ZANOTELLI ALEX, Curare madre terra, Commento all'enciclica
Laudato si' di papa Francesco, EMI, Bologna, 2015.
[9] L. WHITE Jr., “The Historical Roots
of Our Ecological Crisis”, Science,
vol. 155, n° 3767, 1967, tr. 1203-1207. Về phê bình lập luận này, xem
BOUMA-PREDIGER S., The Greening of
Theology: The Ecological Models of Rosemary Radford Ruether, Joseph Sittler,
and Jürgen Moltmann, Atlanta, Scholars Press, 1995, tr. 2-5.
[12] Xem JACQUES ELLUL, Théologie et Technique. Pour une
éthique de la non-puissance, ed. Yves Ellul và Frédéric Rognon
(Geneva: Labor et Fides, 2014), tr. 299.
[13] GIOAN PHAOLÔ II, Bula Inter Sanctos Proclaiming Saint Francis
of Assisi as Patron of Ecology, November 29, 1979.
[14] Xem ADRIAN HOUSE, Francis of Assisi, Paulist Press,
2003, tr. 181. Nhiều câu chuyện về thánh Phanxicô và thú vật được kể lại trong
sách này từ trang 177 đến 182.
[15] COHEN J., “Be Fertile and Increase, Fill the Earth and Master It”: The Ancient
and Medieval Career of a Biblical Text, Ithaca, Cornell Univ. Press, 1989,
tr. 5.
[16] Xem W. GRANBERG-MICHAELSON, Tending the Garden: Essays on the
Gospel and the Earth, Grand Rapids, MI, Eerdmans, 1987; MURRAY R., The Cosmic Covenant: Biblical Themes of
Justice, Peace and the Integrity of Creation, London, Sheed & Ward,
1992; E. FOLEY và R. SCHREITER, The
Wisdom of Creation, Collegeville, MN, Liturgical Press, 2004; PERDUE
L.G., Wisdom Literature: A
Theological History, Louisville, KY, Westminster John Knox Press, 2007.
[17] Chẳng hạn xem Glacken
C.J., Traces on the Rhodian Shore:
Nature and Culture in Western Thought from Ancient Times to the End of the
Eighteenth Century, Berkeley, Univ. of California Press,
1990 ; Schama S., Landscape and
Memory, Toronto, Random House of Canada, 1995; Coates P., Nature : Western Attitudes Since
Ancient Times, Berkeley, Univ. of California Press,
1998 ; Williams M., Deforesting
the Earth : From Prehistory to Global Crisis, Chicago, Univ. of
Chicago Press, 2003.
[20] Xem STEVE BISHOP, “Green theology
and deep ecology: New Age or new creation?”, Themelios 16 (3) (1991): 8-14.
[21] CALVIN B. DEWITT, “Ecology and
Ethics: Relation of Religious Belief to Ecological Practice in the Biblical
Tradition”, trong Biodiversity and
Conservation 4:838-848; và trong N. S. Cooper and R. C. J. Carling,
eds., Ecologists and Ethical
Judgements. London: Chapman & Hall.
[23] Xem LOUISE ROBLIN, “L’écologie
chrétienne de l’encyclique Laudato Si’”, trong Ecologie & politique, Editions Le Bord de l’eau, 2019/1 N° 58,
tr. 151-168
[24] http://w2.vatican.va/content/francesco/fr/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130319_omelia-inizio-pontificato.html
[25] Cuộc trò chuyện giữa Đức cha STENGER
và JEAN-PIERRE RIBAULT với BERTRAND SAJALOLI ngày 26 tháng Ba 2006, Institut Catholique de Paris.
[31] J. MARITAIN, “Christian Humanism”,
trong The Social and Political
Philosophy of Jacques Maritain: Selected Readings, J. W. EVANS và L. R.
WARD chủ biên, Image Books, Garden City 1965, tr. 168.
[32] VINCENT MILLER, “Integral ecology:
Francis’s spiritual and moral vision of interconnectedness”, trong The Theological and Ecological Vision of
Laudato Si': Everything is Connected, Bloomsbury Publishing, 2017.
[33] Phần này lược dịch bài phát biểu của
Tổng giám mục Bernardito Auza, Sứ thần và Quan sát viên thường trực của Tòa
Thánh tại Liên hiệp quốc, trong cuộc hội thảo về “Khát vọng tuổi trẻ và khẩn cấp khí hậu”, ngày 11 tháng Bảy 2019, tại
New York. Xem tại
https://holyseemission.org/contents/statements/5d28df2e6d908.php
[35] GIOAN PHAOLÔ II, “La Paix avec Dieu créateur, la paix avec
toute la création”, sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 8/12/ 1989, trong Doc.
Cath. 1997 (87, 1990) số 6-7.
[36] ZIZIOULAS J., “Preserving God’s
Creation: Three Lectures on Theology and Ecology”, trong King’s Theological Review 13
(1990), tr. 5.