TỪ NGỮ CÔNG GIÁO TRONG MỘT SỐ TỤC NGỮ, CA DAO TIẾNG VIỆT
Linh mục Giuse Vũ Văn Khương
Tóm tắt: Đối với người Công giáo, Đạo không phải một
cái gì cao siêu vượt lên sinh hoạt đời thường, nhưng đi vào trong sinh hoạt đời
thường, làm cho đời thường bớt dần tính “thường” hơn. Chính vì thế, cho dù khi
du nhập, Việt Nam đã thấm nhiễm các yếu tố Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo,
thì Công giáo vẫn ghi lại những dấu ấn riêng của mình góp phần làm cho văn hóa
nước ta thêm phong phú. Các từ ngữ Công giáo trong một số tục ngữ ca dao có mặt
trong nhiều lãnh vực đời sống mà bài nghiên cứu là một phần khẳng định cho nhận
định đó.
1. Đặt vấn đề
Tiến sĩ Nguyễn Huy Thông viết: “Cả một kho tàng ca dao, tục ngữ Công giáo cũng đã được lưu hành để phản
ánh về phong tục, tập quán của cộng đoàn này.” [8]. Đây là một nhận định
có phần “rộng rãi” vì các đơn vị có thể được gọi là ca dao, tục ngữ Công giáo tại
nước ta có số lượng tương đối hạn chế. Tuy nhiên, phát biểu của nhà nghiên cứu
uy tín về Công giáo tại Việt Nam này đã cung cấp một sự nhìn nhận chính thức
mang tính học thuật cho sự hiện diện những “ca dao, tục ngữ Công giáo” trong
kho tàng văn học dân gian Việt. Bài viết của chúng tôi lựa chọn những ca dao, tục
ngữ chứa những từ ngữ được dễ dàng nhận biết có nguồn gốc Công giáo để nghiên cứu.
2. Các ca dao tục ngữ
về lao động sản xuất
Bên cạnh những câu ca dao, tục ngữ nói về lao động sản xuất
rất phổ thông như:
Tháng chạp là tháng trồng
khoai,
Tháng giêng trồng đậu,
tháng hai trồng cà....
Thì cũng có những câu mang đặc trưng Công giáo mà người đọc
dễ dàng nhận ra. Chẳng hạn nói về thời hạn mùa vụ trồng bí của bà con:
Lễ Rosa thì tra hạt bí
Lễ Các thánh thì đánh
bí ra.
Theo kinh nghiệm của người nông dân vùng Công giáo, cứ lễ
Rôsa thì tra hạt ươm giống, lễ Các Thánh thì đánh cây giống xuống ruộng thì hợp
với thời tiết và mùa vụ của giống cây trồng này.
Hay nói về thời gian mùa vụ cấy lúa vụ chiêm đông xuân, thì
có:
Lễ Các Thánh gánh mạ
đi gieo
Lễ Sinh Nhật giật mạ
đi cấy…
Trong các câu ca dao – tục ngữ về lao động sản xuất này,
chúng ta nhận thấy có các từ ngữ vốn là các biệt ngữ Công giáo như: lễ Rôsa
(vào ngày 07 tháng 10 dương lịch), lễ Các Thánh (vào ngày 01 tháng 11 dương lịch),
lễ Sinh Nhật (còn gọi là lễ Giáng Sinh hay lễ Noel tổ chức vào ngày 25 tháng 12
dương lịch). Đây là tên gọi các ngày lễ Công giáo đã vượt qua ranh giới của
ngôn ngữ phụng vụ (ngôn ngữ tôn giáo), đi vào trong ngôn ngữ sinh hoạt đời thường
ở một mức độ “phi biệt ngữ hóa” khá cao là ca dao – tục ngữ.
3. Các câu ca dao – tục
ngữ về tình yêu, hôn nhân, gia đình
Cũng như lãnh vực về thời tiết và lao động sản xuất, mảng về
tình yêu hôn nhân gia đình là một mảng khá phong phú về số lượng sáng tác trong
kho tàng ca dao – tục ngữ Việt Nam.
Khảo sát mảng ca dao tục ngữ này, chúng tôi xác định được một
số đơn vị từ ngữ Công giáo, ví dụ:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi
chờ lấy nhau
Nội dung câu ca dao: Nhắc nhở các đôi nam nữ giữ lòng trinh
tiết, là luật bắt buộc đối với những ai chưa bước vào đời sống hôn nhân.
Amen, lạy Đức Chúa
Trời
Xin cho bên Đạo, bên Đời lấy nhau.
Nội dung câu ca dao: lời
cầu xin hàm chứa tinh thần phản kháng trước truyền thống của Giáo hội Công giáo
về việc hạn chế kết hôn giữa người có đạo và người không có đạo.
Em lạy Đức Chúa Ba Ngôi
Em lấy được vợ em
thôi nhà thờ.
Nội dung câu ca dao:
Câu ca dao vui có ý nhắc nhở các chàng trai ngoài Công giáo chỉ theo đạo với mục
đích cưới vợ.
Giải thích các từ ngữ Công giáo:
Amen (阿门, Amen, Amen, Amen)[1]:
Từ gốc Hipri với nghĩa đúng thật như
vậy, ước gì được như vậy. Vì thế, Amen có thể được dùng để diễn tả sự trung
tín của Thiên Chúa, sự chân thật, vững vàng trong các lời hứa của Ngài và lòng
trông cậy của con người đối với Ngài (3: số 1062).
Trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách tiên tri Isaia có kiểu
nói “Thiên Chúa của Amen”, nghĩa là Thiên Chúa Chân Thật (x. Is 65,16). Amen còn biểu lộ sự đồng tình
với một lời nói (x. Gr 28,6), chấp nhận một sứ mệnh (x. Gr 11,5), thừa nhận một
cam kết (x. Ds 5,22) và kết thúc một lời nguyện hay một lời tôn vinh Thiên
Chúa (x. Tv 41,14).
Trong Tân Ước, Amen được
Chúa Giêsu dùng như là công thức mạc khải, nhấn mạnh những gì Người nói là chính
Lời của Thiên Chúa (x. Mt 6,2). Amen được
sách Khải Huyền dùng như tước hiệu của Chúa Giêsu: “Người là Amen của Thiên
Chúa vì Người thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa” (Kh 3,14). Trong Phụng vụ,
Amen được cộng đoàn sử dụng như công thức để hiệp thông với chủ tế, tin nhận và
tôn vinh Thiên Chúa (3: số 1345).
Đạo (宗 敎,
Religio, Religion, Religion): Tôn giáo. Thường dùng trống có nghĩa là đạo Thiên
Chúa (Công giáo): Theo đạo (theo
Công giáo), Người có đạo (người Công giáo), Nhà thờ đạo (nhà thờ Công giáo), Bỏ
đạo (bỏ Công giáo). [6:388].
Đời (Monde
laique): Bên ngoại hay bên ngoài (đối với bên đạo, tức Công giáo): Cô ấy đã trở về đời. [6:447]
Đức Chúa Trời (天 主,
Deus, God, Dieu): Từ do linh mục Alexandre de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ) đặt
trong tiếng Việt để gọi Đấng Tối Cao của người Công giáo, có ý hội nhập văn hóa
với danh xưng Ông Trời trong văn hóa thờ Trời của người
Việt Nam. Từ ngữ Công giáo tiếng Việt còn một danh xưng đồng nghĩa nữa thường
dùng hơn là Thiên Chúa.
Đức Chúa Ba
Ngôi (天
主
聖
三,
Trinitas, Trinity, Trinité): Khái niệm duy chỉ có nơi Kitô giáo về Đấng Tối
Cao. Một Thiên Chúa duy nhất mà có ba ngôi vị là Cha – Con – Thánh Thần, còn gọi
là Tam Vị Nhất Thể. Ba Ngôi Vị chỉ là một Thiên Chúa, vì mỗi Ngôi Vị đều có trọn
vẹn bản thể duy nhất và không thể phân chia (3: số 48). Niềm tin này khởi đi từ
mạc khải của Đức Giêsu rằng Thiên Chúa duy nhất (x. Mc 12,29) và cũng là
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19); còn gọi là Thiên Chúa Ba Ngôi hay Chúa Ba Ngôi.
Nhà thờ: (教堂,
Ecclesia, Church, Église): còn gọi là thánh đường hay giáo đường, khác với nhà
thờ họ, nhà thờ tổ của tín ngưỡng thờ kính Tổ tiên. Nhà thờ Công giáo được xây
dựng theo các quy định buộc phải tuân thủ đã ghi trong Giáo Luật (3: số 1215 -
1222), có cấu trúc gồm phần cung thánh và phần dành cho giáo dân. Phần cung
thánh gồm có bàn thờ để cử hành Thánh lễ, giảng đài để công bố Lời Chúa, nhà Tạm
để cất giữ Mình Thánh Chúa. Nhà thờ vừa là nơi cộng đoàn giáo hữu quy tụ để thờ
phượng Thiên Chúa, cử hành các Bí tích, vừa tượng trưng cho sự hiện diện của Hội
Thánh toàn cầu trong địa phương đó.
4. Ca dao, tục ngữ về
đời sống tôn giáo
Giốc một lòng trông một
Đạo
Nội dung tục ngữ:
Răn dạy người tín hữu trung thành giữ đức tin và luật đạo.
Có thực mới vực được Đạo.
Nội dung tục ngữ: Muốn
giữ được luật đạo thì đời sống vật chất phải khả dĩ ổn định đã. Câu tục ngữ này
thường bị coi là mang ý nghĩa tiêu cực.
Đi đạo lấy gạo ăn ngay
Hay
Đi đạo lấy gạo mà ăn
Nội dung tục ngữ:
Theo đạo chỉ vì lợi ích vật chất chứ không có niềm tin tâm linh, tôn giáo. Ý
nghĩa tiêu cực.
Xưa kia chỉ biết kêu
trời,
mà nay đã biết gọi Trời
là Cha,
trần gian chẳng phải
là nhà,
đi về vĩnh cửu gặp Cha
trên trời.
Nội dung ca dao: Câu
ca dao nói lên niềm vui của người tìm thấy chân lí đức tin trong Công giáo khi
theo đạo; thấy được Ông Trời vẫn tôn kính theo văn hóa giờ không còn xa lạ
nhưng là cha của mình, và thấy được lời hứa quê hương vĩnh cửu ở đời sau.
‘Thiếu Nhi Thánh Thể
nhiệm mầu
Tôn sùng rước lễ nhà
chầu viếng thăm
Nội dung ca dao:
Giáo huấn tinh thần đạo đức tôn sùng Mình Thánh Chúa Giêsu cho các cháu thiếu
nhi Công giáo.
Các thầy đọc tiếng La
Tinh
Các cô con gái thưa
kinh dịu dàng
Nội dung ca dao:
Nói lên vẻ đẹp của phụng vụ Công giáo.
Để dễ nhớ các ngày lễ trong năm, dựa vào bài ca dao “Tháng
giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà...”, người Công
giáo vùng Bùi Chu – Phát Diệm có bài ca dao 12 tháng lịch phụng vụ như sau (Bài
ca dao này sử dụng các tháng âm lịch để tính ngày lễ. Đây là điều hiếm.):
Tháng giêng ăn tết ở
nhà
Tháng hai ngắm đứng,
tháng Ba ra mùa,
Tháng Tư tập trống rước
hoa,
Kết đèn làm trạm chầu
giờ tháng Năm.
Tháng Sáu kiệu ảnh Lái
tim
Tháng Bảy chung tiền
đi lễ Phú Nhai,
Tháng Tám đọc ngắm Văn
Côi,
Trở về tháng Chín xem
nơi chồng mồ.
Tháng Mười mua giấy
sao tua
Trở về Một Chạp sang
mùa ăn chay.
Giải thích một số từ
ngữ Công giáo:
Ảnh Lái tim: Lái tim là từ cũ của Trái tim. Ảnh/tượng Trái tim là cách gọi
vắn gọn của ảnh/tượng Trái tim Chúa Giêsu. Tháng Sáu trong lịch Công giáo là
tháng kính Trái tim Chúa Giêsu nên các xứ họ đạo có các cử hành kiệu rước tượng/ảnh
Trái tim Chúa để tôn kính.
Cha (天 主父,
Deus Pater, God the Father, Dieu-Père): cách gọi tắt của “Chúa Cha” là danh của
Ngôi thứ nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong dân Israen, Thiên Chúa được gọi là “Cha”, vì là đấng tạo
dựng trần gian (x. Đnl 32,6). Ngài cũng được gọi là cha của vua Israen (x. 2Sm
7,14) và của người nghèo (x. Tv 68,6).
“Chúa Giêsu đã mạc khải
Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng có: Ngài là Cha (...) trong tương
quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong tương quan với Cha
của Người” (3: số 240).
Chầu giờ: Cách gọi
quen của Giờ Chầu, tức một phiên
(không hẳn là một tiếng) tôn kính Thánh Thể của các tín hữu. Làm trạm chầu giờ là việc làm các
trạm trên đường đi kiệu trong ngày lễ Sangti tôn kính Thánh thể.
Chồng mồ: Trong
nghi thức nguyện giỗ cầu hồn cho người qua đời, ở một số giáo xứ xưa kia có làm
giả áo quan, nhà mồ đặt giữa nhà thờ để người giáo dân có lòng thương cảm, sốt
sắng hơn khi cầu nguyện.
Mùa ăn chay: Thường
gọi là Mùa Chay, khoảng thời gian phụng vụ kéo dài 40 ngày từ thứ Tư lễ Tro đến
trước lễ Phục Sinh. Đây là mùa cầu nguyện, sám hối để các tín hữu dọn mình mừng
lễ Chúa sống lại cách hiệu quả hơn.
Ngắm đứng: Nghi
thức tôn giáo của riêng Công giáo tại Việt Nam do linh mục Alexandre de Rhodes
khởi xướng từ đầu thế kỉ XVII, để giúp người giáo dân có tâm tình hơn khi đọc
ôn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Ngắm Văn Côi:
Cách đọc kinh Văn Côi (hoa hồng) kính Đức mẹ theo cung ngâm.
Nhà Chầu: Nơi đặt
Bánh Thánh (Mình Thánh Chúa Giêsu) để giáo dân tôn kính. Thường thiết kế như một
tủ nhỏ.
Phú Nhai: Tên một
xứ đạo lớn ở giáo phận Bùi Chu, thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngày 8
tháng 8 dương lịch (nếu tính âm lịch thì thường rơi vào tháng Bảy) là lễ kính
thánh Đa Minh, quen gọi là lễ Đầu Dòng, một lễ được các địa phận Dòng tổ chức
trọng thể, nhất là ở nhà thờ Phú Nhai, tập trung nhiều giáo sĩ và giáo dân tham
dự.
Ra mùa: Nói tắt của
“Ra mùa Chay” hay “Ra mùa Thương Khó”, tức lễ Phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại,
kết thúc mùa Chay (hay mùa Thương Khó).
Rước hoa: Lễ nghi
kiệu rước tôn kính Đức Mẹ Maria tổ chức đặc biệt vào tháng Năm dương lịch (nếu
tính âm lịch thì thường rơi vào tháng Tư). Gọi là rước hoa, kiệu hoa hay tháng
Hoa vì các cuộc kiệu rước trong tháng này điểm đặc trưng nổi bật là việc trang
hoàng nhiều hoa lá, nhưng thực chất vẫn là rước và kiệu Đức Mẹ.
Rước lễ: Nghi
thức Công giáo chỉ việc các tín đồ cung kính đón nhận và ăn Bánh Thánh (hiểu là
Thân thể Chúa Kitô).
Thầy: Từ xưng gọi
dành cho những người đi tu phục vụ Giáo Hội ở nhiều giai đoạn, thứ bậc khác
nhau, trước khi làm linh mục. Sau khi làm linh mục thì gọi là cha. Chẳng hạn:
Thầy già, thầy dòng, thầy La Tinh, thầy lý đoán, thầy triết, thầy thần, thày giảng,
thầy phó tế...
Thiếu nhi Thánh Thể:
Tên gọi của một tổ chức mang tính chất rèn luyện đời sống đạo đức, nhất là gắn
liền với việc tôn sùng Thánh Thể Chúa Giêsu, cho các thiếu nhi Công giáo.
Thưa kinh: Đọc
kinh ở phần đáp. Một số kinh hoặc lễ nghi Công giáo được chia làm hai phần: phần
Xướng và phần Đáp, được đọc theo lối: người chủ sự đọc phần Xướng, sau đó cả cộng
đoàn thưa phần Đáp; hoặc hai phần này chia ra hai bè nam – nữ.
5. Ca dao, tục ngữ về
đời sống xã hội, cách đối nhân xử thế
Thứ nhất hết linh hồn
hết ý
Cùng hết lòng yêu quý
Chúa Trời
Thứ nhì cư xử trên đời
Thương yêu giúp đỡ những
người cận lân
Nội dung ca dao:
Nhắc người giáo dân sống kính Chúa, yêu người như lời Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn
lớn, giới răn đệ nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy: Ngươi phải yêu mến đồng
loại ngươi như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật cùng các tiên tri đều quy về
hai giới răn ấy.” (Mt 22,37-40).
Anh em cùng một đức
tin
Hãy vì danh Chúa dằn
mình nhịn nhau
Làm gì đừng để Chúa
đau
Nữa mai họp mặt, nói
sao với Ngài
Nội dung ca dao:
Nhắc nhở các giáo hữu là người đồng đạo, hãy biết nhường nhịn nhau để xây dựng
đời sống đoàn kết.
Người dại làm lại lỗi
xưa
Như chó liếm lại chỗ vừa
mửa ra
Nội dung ca dao:
Ngựa quen đường cũ, người xấu thì khó bỏ đường tà, dễ dàng quay lại.
Câu ca dao lấy ý từ sách Châm ngôn trong phần Kinh Thánh Cựu
Ước: “Như con chó trở lại đống nó vừa mửa, cũng vậy, kẻ ngu xuẩn trở về với sự
điên dại của nó.” (Cn 26,11).
Lạc đà qua dễ lỗ kim
Hơn nhà trọc phú đi
tìm nước Cha
Nội dung ca dao:
Của cải vật chất, nếu không biết chia sẻ sẽ là một rào cản cho đời sống tâm
linh.
Câu ca dao này xuất phát từ chương 19 sách Tin Mừng Mátthêu:
Có chàng thanh niên nhà giàu đến tìm Đức Giêsu hỏi về lẽ sống khôn ngoan để đạt
được Nước Trời. Sau khi Chúa Giêsu hỏi và biết anh giữ đời sống luân lí chu
toàn thì Ngài yêu cầu anh: “Anh hãy
về bán hết tài sản chia cho người nghèo và theo Ta”. Tức thì anh buồn rầu bỏ
đi. Tác giả Mát-thêu chú giải lí do anh bỏ đi vì anh có nhiều của cải nên anh
tiếc không bán đi chia cho người nghèo. Sau đó, Chúa Giêsu buồn rầu quay lại
nói với các tông đồ: “Người giàu vào
nước Thiên Chúa khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (bởi vì họ chọn của
cải hơn là chọn Thiên Chúa và người nghèo).
Mau nghe chậm nói ai
ơi
Lại thêm chậm giận,
Chúa Trời mới vui.
Nội dung ca dao: Nhắc
nhở đức từ tốn, khiêm nhường, hiền lành.
Cuộc đời hoa cỏ không
dài
Hôm nay tươi tắn, ngày
mai vô lò
Còn có áo đẹp Chúa lo
Con người lọ phải sầu
lo hình hài.
Nội dung ca dao:
Nhắc nhở lòng an nhiên tự tại, đừng quá lo lắng về hình hài bên ngoài, vì như
hoa cỏ ngắn ngủi nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn cho nó tươi đẹp.
Thức khuya dậy sớm dãi
dầu
Ăn bánh lao khổ cơ cầu
lắm khi
Chúa ban dầu có ở nghì
Ngủ thì yên giấc, ăn
gì cũng ngon.
Nội dung ca dao:
Gần giống với nội dung các câu ca dao trên, nói về lòng tin cậy phó thác vào ơn
Chúa quan phòng.
Chúa Trời đã có điều
răn
Làm con hiếu kính song
thân trọn tình
Suốt đời được hưởng
phước lành
Đất đai, cơ nghiệp, tiền
trình không lo.
Nội dung ca dao:
Dạy về lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ người trên, đây không chỉ là điều răn
buộc nhưng còn là công việc mang lại nhiều ơn phước.
Nước mà chia rẽ sao
yên
Nhà mà chia rẽ sẽ
nghiêng ngửa nhà.
Nội dung ca dao:
Câu ca dao lấy ý từ lời của Chúa Giêsu trong sách Phúc âm theo thánh
Marcô: “Nước nào chia bè chống lại
nhau, thì không thể vững được. và nhà nào chia bè chống lại nhau, thì nhà ấy
không thể vững được.” (Mc 3, 24-25).
Giải thích một số từ ngữ Công giáo:
Điều răn: Khoản, luật của Thiên Chúa buộc tín hữu phải thi hành.
Đức tin (信 徳,
Fides, Faith, Foi): Đức: ơn; Tin: đón nhận, nghe theo. Đức tin: ơn đón nhận,
vâng theo.
Theo giáo lý: Đức
tin là nhân đức siêu nhân Đức Chúa Trời ban cho ta để ta tin kính Đức Chúa Trời
và tin những điều Hội Thánh dạy.
Linh hồn (靈 魂,
Anima, Soul, Âme): Linh: phần thiêng liêng; Hồn: sự sống. Linh hồn: sự sống
thiêng liêng của con người.
Linh hồn con người được Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp (x. St
2,7) chứ không do cha mẹ sinh ra. Khi còn sống tại thế, linh hồn và thân xác kết
hợp mật thiết với nhau như một ngôi vị hay chủ thể duy nhất. Khi chết linh hồn
sẽ tách rời thể xác, nhưng sẽ tái hợp với nhau trong ngày tận thế theo một dạng
thức mới như Đức Giêsu phục sinh (3: số 365, 366).
Nước Cha hay
Nước Thiên Chúa (天 主國,
Regnum Dei, Kingdom of God, Royaume de Dieu): 1. Tình trạng đời sống của các
tín hữu tại trần gian nhưng trong ân sủng của Thiên Chúa: mến Chúa yêu người
cách trọn vẹn. 2. Nước thiên đàng ở đời sau.
Chúa Trời: x. Đức Chúa Trời (đã giải thích
ở trên).
Ngoài ra còn có các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về đặc điểm
vùng miền, như: Cha Phú Nhai, khoai chợ Chùa (Phú Nhai là tên một
xứ đạo lớn Xuân Trường, Nam Định quê hương của nhiều vị giám mục và linh mục
đang phục vụ trong Giáo Hội tại Việt Nam; chợ Chùa thuộc huyện Nam Trực, Nam Định
là nơi có khoai ngon nổi tiếng).
Hay nói về tâm trạng
riêng:
Em như một đóa hoa đào
Mẹ cha muốn phước bắt
vào nhà tu
Trăm nghìn lạy Chúa
Giêsu
Nhà tu đừng hóa nhà tù
giam em.
Hầu hết các cha mẹ người Công giáo đạo đức đều ước mong con
cái của mình đi tu tạo phước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có “ơn gọi” đi tu
nên mới có tiếng than vãn đầy tâm trạng nhưng cũng có chút hài hước của một cô
gái bị “ép” đi tu như trên.
Các câu ca dao trên cũng chứa các từ ngữ Công giáo như:
“Cha” (từ gọi linh mục), “nhà tu” (nhà dòng), “Chúa Giêsu”.
6. Kết luận
Đối với người Công giáo, Đạo không phải một cái gì cao siêu
vượt lên sinh hoạt đời thường, nhưng đi vào trong sinh hoạt đời thường, làm cho
đời thường bớt dần tính “thường” hơn. Chính vì thế, cho dù khi du nhập, Việt
Nam đã thấm nhiễm các yếu tố Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, thì Công giáo vẫn
ghi lại những dấu ấn riêng của mình góp phần làm cho văn hóa nước ta thêm phong
phú. Các từ ngữ Công giáo trong một số tục ngữ ca dao có mặt trong nhiều lãnh vực
đời sống mà bài báo nghiên cứu là một phần khẳng định cho nhận định đó.
Hướng nghiên cứu này có thể được mở rộng ra nhiều lãnh vực
khác của ngôn ngữ Việt Nam qua các tác phẩm văn học viết như: tiểu thuyết, truyện
ngắn, thi ca. Tác giả mong rằng có dịp tiếp tục đề tài để trình bày về sự tiếp ứng
văn hóa Việt và Công giáo biểu thị qua ngôn ngữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam - những chặng đường, Nxb Từ điển Bách
khoa, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Thúy Giang (2013), Mối quan hệ giữa từ ngữ nhà Phật và từ ngữ đời sống trong tiếng Việt (trường
hợp các từ Tâm, Nhân, Duyên), Luận văn Thạc sĩ, Đại học Hải Phòng.
3. Hội đồng giám mục Việt Nam (2010), Sách giáo lý của Giáo hội Công giáo,
Nxb. Tôn giáo.
4. Vũ Văn Khương (2001), “Mấy nhận xét khi đọc cuốn Gốc và nghĩa từ Việt thông dụng”, Tạp
chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4.2001.
5. Vũ Văn Khương (2005), “Thử tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của mấy danh từ và tập tục trong mùa Vọng”, Tập
san số 1 - K.2004, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.
6. Vũ Văn Khương (2006), “Giá trị của phụng vụ trong đời sống tín hữu”, Tập san Hiệp thông Hải
Phòng, số 7 – 2006.
7. Vũ Văn Khương (2006), “Mùa Chay, thử tìm hiểu gốc và nghĩa của mấy từ ngữ liên quan”, Tập
san số 2 - khóa K.2004, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.
8. Vũ Văn Khương - Nguyễn Công Đức (2015), “Ngôn ngữ và tôn giáo – các định hướng
nghiên cứu”, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 5, Hà Nội, tr.84 –
93
9. Vũ Văn Khương (2017), Đặc điểm vay mượn của lớp từ ngữ Công giáo tại Việt Nam (qua
khảo sát các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tại Việt Nam)”, Tạp chí
Ngôn ngữ và Đời sống, số 9. Hà Nội, tr.36 – 41
10. Vũ Văn Khương (2018), Từ ngữ Công giáo trong một số tục ngữ, ca dao tiếng Việt, Tạp
chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 7, Hà Nội, tr.41 – 46
11. Vũ Văn Khương (2018), Sự chuyển hóa của lớp từ ngữ Công giáo vào tiếng Việt toàn dân, Tạp
chí Ngôn ngữ, số 10, Hà Nội, tr.52 – 60
12. Vũ Văn Khương (2020), Từ ngữ Công giáo trong các bản
kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học,
Học viện Khoa học xã hội
13. Vũ Văn Khương (2021), Từ ngữ Công giáo gốc Ấn Âu có cấu
tạo Hán Việt, Hội thảo Hán Nôm toàn quốc năm 2021, Viện Hán Nôm.
14. Lê Thị Lâm (2019), Đặc
điểm từ ngữ nhà Phật trong tiếng Việt, Luận án tiến sĩ ngôn ngữ, Học viện
KHXH, Hà Nội.
15. Đinh Kiều Nga, Ảnh
hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam, (đăng trên:
http://btgcp.gov.vn)
16. Thanh Nghị (1951), Việt Nam Tân từ điển, NXB. Thời Thế, Sài Gòn
17. Chương Thâu, Vài ý kiến về Công giáo với nền văn hóa Việt
Nam, Tạp chí Sông Hương, số 142, tháng 12 - 2000.
18. Nguyễn Huy Thông , Những đóng góp của đạo Công giáo đối với văn hóa Việt, đăng
trên: http://www.conggiaovietnam.net
19. Nguyễn Thế Thuấn (1976), Kinh Thánh Cựu Tân Ước, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, HCM.
20. Stêphanô Huỳnh Trụ (2012), Tìm hiểu Từ vựng Công giáo, Sách lưu hành nội bộ
21. Hà Huy Tú (2002), Tìm Hiểu nền văn hóa Thiên Chúa giáo, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
Nguồn: gphaiphong.org (29.11.2021)