TỪ MỘT QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Vinh, 05/01/2023
WHĐ (05.01.2023) - Trong khi
thương nhớ và tiễn biệt vị Cha Chung của Hội Thánh, Đức Giáo hoàng Bênêđictô
XVI, về nơi an nghỉ cuối cùng vào ngày 05/01/2023, chúng ta đọc lại biến cố
ngài quyết định từ chức sứ vụ giáo hoàng, để hiểu được sự vĩ đại và thánh thiện
của ngài như thế nào qua bài viết này.
Những lời công bố từ nhiệm của Đức
Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 11/02/2013 trong một Công Nghị với các Hồng Y
rất ngắn gọn, cô đọng nhưng rất ý nghĩa và cảm động. Khi đọc những lời từ nhiệm
này tôi cảm thấy yêu mến Đức Giáo Hoàng hơn lúc nào hết vì qua đó ngài bộc lộ
chân dung của một vị giáo hoàng rất nhân bản, giản dị nhưng rất khôn ngoan và tự
do. Suy nghĩ về quyết định này, tôi khâm phục ngài cách sâu xa vì đây là quyết
định hệ trọng vừa mang tính can đảm và khiêm tốn, vừa có tính ngôn sứ.
Một quyết định can đảm
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã
thể hiện phẩm chất của một vị giáo hoàng can đảm, có khả năng nắm bắt những biến
chuyển của thời đại và tự mình đặt lại vấn đề, dám thay đổi, kể cả quan niệm về
giáo hoàng.
Trong lời từ nhiệm, Đức Giáo
Hoàng cho biết: “Sau khi liên lỉ xét mình
trước Nhan Thiên Chúa, tôi chắc chắn rằng sức khỏe của tôi, do tuổi cao, không
còn phù hợp với việc thi hành cách trọn vẹn sứ vụ của Thánh Phêrô. Tôi biết rất
rõ rằng sứ vụ này, do bản chất thiêng liêng của nó, phải được thi hành không chỉ
bằng lời nói và hành động, nhưng còn bằng cầu nguyện và chịu đau khổ”.
Qua lời bộc bạch này, chúng ta hiểu
được ngài từ nhiệm vì sức khỏe yếu và do tuổi cao. Đây là trường hợp đầu tiên
giáo hoàng từ nhiệm vì lý do sức khỏe và tuổi tác trong lịch sử Hội Thánh Công
Giáo. Trong quá khứ đã có hai vị giáo hoàng từ chức, đó là Đức Giáo Hoàng
Celestine V và Đức Giáo Hoàng Gregorio XII. Cả hai có những hoàn cảnh và lý do
khác nhau. Đức Celestine V từ nhiệm năm 1294 vì cảm thấy không thể chiều theo
các áp lực của vua Carlo d’Angiò và các đại điền chủ có ý lợi dụng ý tốt của
ngài. Còn Đức Giáo Hoàng Gregorio XII từ nhiệm năm 1415 do Công Đồng Costanza
đòi hỏi để đảm bảo sự hiệp thông của Hội Thánh bên Tây Phương.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV thể
hiện lòng can đảm trong việc phá vỡ một quan niệm đã “hóa thạch” từ bao thế kỷ
qua trong Hội Thánh. Theo quan niệm này, giáo hoàng, với tư cách là người kế vị
thánh Phêrô, phải thi hành sứ vụ mục tử của mình cho đến hơi thở cuối cùng, dù
có đau yếu hay già nua. Ngay cả Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người tiền
nhiệm của ngài và được ngài rất kính trọng, cũng vẫn giữ quan niệm này và thi
hành sứ vụ Phêrô theo chiều hướng đó.
Tất cả những điều này được xây dựng
trên một quan niệm thần học về quyền bính giáo hoàng đã được hình thành từ bao
thế kỷ qua trong Hội Thánh. Do ảnh hưởng yếu tố lịch sử - xã hội và chính trị ở
Tây Phương, một thời thần học công giáo quá nhấn mạnh quan niệm Hội Thánh theo
chiều kích hữu hình, phẩm trật và cơ cấu, như xã hội hoàn hảo (societas
perfecta) nên đã rất đề cao vai trò và quyền bính giáo hoàng là tối thượng, như
nguyên lý và thủ lãnh không thể thay thế. Khuynh hướng này nhằm chống lại các
bè rối, sự chia rẽ và để bảo vệ sự tồn tại và hiệp nhất của Hội Thánh.
Với Công Đồng Vaticanô II, quyền
tối thượng trên tất cả các chủ chăn và tín hữu của giáo hoàng vẫn được bảo toàn
trọn vẹn, là Đại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Hội Thánh, nhưng đồng
thời Công Đồng đặt quyền tối thượng của giáo hoàng trong sự liên hệ và hiệp nhất
với quyền tối thượng của giám mục đoàn trong Hội Thánh[1].
Theo
định hướng của Công Đồng này, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có sự phân định và
chọn lựa khác hơn so với các vị tiền nhiệm trong lúc giáo hoàng về già. Đối với
ngài, chức vụ hay quyền bính trong Hội Thánh, kể cả giáo hoàng, xét cho cùng là
để phục vụ lợi ích chung Hội Thánh, chứ không phải cho mình. Chức vụ đó do
Thiên Chúa ban và được tuyển chọn bởi Hồng Y Đoàn. Quyền bính đó không phải là
vĩnh viễn. Nếu xét chức vụ giáo hoàng được ban vì lợi ích chung của Hội Thánh,
thì trong hoàn cảnh tuổi cao sức yếu, hoặc khi không có khả năng thi hành tốt sứ
vụ của mình, giáo hoàng có thể quyết định từ nhiệm, để nhường chỗ cho người
khác thay thế.
Như thế, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô
XVI đã vượt trên chính mình và lịch sử để thực hiện điều đó. Đúng hơn, phải nói
rằng thực ra ngài đã áp dụng giáo huấn Công Đồng Vaticanô II về giáo hoàng, được
luật hóa trong Bộ Giáo Luật 1983 điều 332, khoản 2 quy định: “Nếu xảy ra trường hợp Đức Giáo Hoàng Rôma từ
nhiệm, việc từ nhiệm phải được tự do và phải được bày tỏ cách hợp thức thì mới
hữu hiệu, nhưng không cần được bất cứ ai chấp nhận”. Đây quả là một quyết định
có tính đột phá và đầy can đảm!
Nhưng là một quyết định khiêm tốn và tự do
Dù trước đó người ta vẫn gán cho
ngài là con người bảo thủ và là “hồng y thép”, nhưng trong triều đại của mình,
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bộc lộ rõ nét ngài là một con người nhân bản,
khiêm tốn và giản dị. Chúng ta nhớ lại trong lời đầu tiên ngỏ với thế giới sau
khi được bầu làm giáo hoàng, ngài nhìn nhận: “Tôi chỉ là người thợ đơn sơ và hèn mọn trong vườn nho của Thiên Chúa”[2].
Khác với vị tiền nhiệm của mình,
Đức Bênêđictô XVI ít được truyền thông thu hút hơn. Nhưng từng bước một ngài đã
cho thấy năng lực thực sự của mình trong giáo huấn, quản trị và dám đương đầu với
những bão tố mà không hề bị suy yếu và lung lay. Ngài khiêm tốn trong cách thể
hiện mình; giản dị trong lối giao tiếp nhưng lại rất nồng nhiệt trong các cuộc
gặp gỡ, nhất là đối với giới trẻ. Ngài không thích dùng lời hoa mỹ, hoặc chạy
theo những hình thức hoành tráng bên ngoài và chiều theo thị hiếu của dân chúng
để thu phục lòng họ. Nhưng ngài thể hiện một nhân cách vững vàng, đúng như lời
Chúa nói với Phêrô: “Con là Ðá, trên đá
này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”
(Mt 16,15). Vốn là một nhà thần học vĩ đại và uyên bác của thế kỷ, ngài là người
rất đam mê với vẻ đẹp chân lý kitô giáo và kiên nhẫn trình bày chân lý đó cho
con người đương thời bằng nhiều cách thế tri thức và sư phạm khác nhau. Trong
các sách vở, bài giảng và giáo huấn, ngài cho thấy khả năng diễn đạt các chân
lý kitô giáo cách trong sáng, minh bạch, dễ hiểu nhưng lại vô cùng sâu sắc. Đọc
những bài giảng của ngài, ta có cảm tưởng đây là bài giảng của các giáo phụ, có
tầm cỡ giống thánh Augustinô. Ngài là người dẫn đưa con người cùng thời về lại
với những điều chính yếu. Gia tài tinh thần mà ngài cống hiến cho Hội Thánh là
cả một kho báu vẫn chưa được khai thác hết.
Quyết định từ nhiệm là một hành
vi khiêm tốn khi ngài nhận biết mình và thời cuộc. Ngài còn rất minh mẫn về
tinh thần để nhìn nhận sứ vụ và thách đố của Hội Thánh. Con người đó đã yêu mến
Hội Thánh bằng cả cuộc đời dấn thân không mệt mỏi, nay cần phải tiên liệu tương
lai cho Hội Thánh. Ngài ý thức mình bị giới hạn về khả năng thể lý lẫn tinh thần,
và đã đến lúc cần phải rút lui vào bóng tối để cầu nguyện và hưu dưỡng, dành chỗ
cho người khác trẻ hơn, năng nổ hơn và có khả năng hơn. Lời công bố của ngài
cho thấy điều đó: “Tuy nhiên, trong thế
giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều thay đổi mau chóng, một thế giới đặt
ra những vấn đề khẩn thiết cho đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của
Thánh Phêrô và để loan báo Tin Mừng, cần có sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác;
và trong ít tháng qua, tôi thấy sức khỏe sa sút đến mức không thể chu toàn sứ vụ
được trao phó cho tôi cách cân xứng. Vì lý do đó, với ý thức rất rõ về tính
nghiêm trọng của quyết định này, cùng với tất cả tự do, tôi từ nhiệm sứ vụ Giám
mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, sứ vụ mà các Đức hồng y đã trao cho tôi từ
ngày 19 tháng 4 năm 2005”.
Đức Giáo Hoàng hoàn toàn tự do và
tự chủ khi quyết định từ nhiệm một địa vị cao nhất trong Hội Thánh. Trên phương
diện nhân loại, địa vị hay quyền lực vẫn là cái đeo bám chúng ta luôn mãi và
không dễ dàng để dứt bỏ nó khỏi chúng ta nếu không có sự tự do nội tâm. Phải là
một người khiêm tốn, tự do, thanh thoát đậm chất Tin Mừng mới có thể có những
quyết định lớn lao như thế.
Và có tính “ngôn sứ”
Khi nói về quyết định từ nhiệm của
Đức Giáo Hoàng, linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa
Thánh, bày tỏ tâm tình và cảm xúc của mình: “Cá nhân tôi, tôi đã nhận thông báo về việc từ nhiệm của Đức Giáo
Hoàng bằng tấm lòng khâm phục sâu xa, về sự dũng cảm cả thể của việc từ nhiệm
này, đối với sự tự do trong tinh thần của Đức Thánh Cha cũng như đối với mối
quan tâm lớn lao về trách nhiệm thừa tác vụ của Ngài. Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cao cả về sự tự do thiêng liêng, về
đức khôn ngoan cao cả liên quan đến việc quản trị của Hội Thánh trong thế giới
ngày nay”.
Nếu khi nghe tin Đức Giáo Hoàng từ
chức, ai cũng ngạc nhiên đến độ không thể tin được, bởi quyết định đó có tính bất
ngờ, đột phá, cải cách, đúng hơn phải nói có tính “ngôn sứ”. Nghĩa là qua hành
vi này, con người đương thời đọc thấy một sứ điệp quan trọng cho bản thân và mở
ra một viễn cảnh mới cho tương lai. Hành vi từ nhiệm của ngài là một hành động
được thực hiện trong sự phân định khôn ngoan và trong lời cầu nguyện. Vì thế,
hành vi đó được soi sáng từ Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy như lời
‘sấm ngôn” của một tiên tri trong Kinh Thánh với loài người. Hành vi đó mang
tính giáo huấn và đánh động mọi con tim trên thế giới. Có thể nói đó là một bài
giảng hùng hồn nhất bằng hành động.
Đối với Hội Thánh, với sự kết
thúc chủ động và tự do, triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI mở ra một tiền lệ mới
cho Hội Thánh cũng như tạo nên một quang cảnh “thông thoáng” hơn cho các vị
giáo hoàng tương lai trong việc từ chức.
Đối với mọi người, nhất là những ai
nắm giữ địa vị trong Hội Thánh và xã hội, hành vi từ nhiệm này là bài học đáng
học hỏi. Không nên tham quyền cố vị! Không nên nắm giữ quyền lực mãi như Lão Tử
căn dặn. Quyền bính không phải là cái gì để theo đuổi và bám víu vì tự thân nó,
mà là để phục vụ lợi ích chung. Phải biết rút lui khi mình không còn khả năng để
thi hành sứ vụ và biết nhường chỗ cho người khác lên thay thế mình vì lợi ích
chung.
Đức Bênêđictô XVI quả là một mẫu
gương rạng ngời đối với quyền bính trong Hội Thánh và xã hội. Bài học đó là bài
học đáng được các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị noi theo.
Như thế, triều đại Giáo Hoàng của
ngài khép lại bằng một quyết định chủ động và đặc biệt này như là một dấu ấn đi
vào lịch sử Hội Thánh. Chúng ta biết ơn ngài vì sự cống hiến lớn lao cho Hội
Thánh và cho con người hôm nay. Tôi thực sự ngưỡng mộ, biết ơn, thương tiếc
ngài và cầu nguyện cho ngài sớm được hưởng Thánh Nhan Chúa. Santo subito!