TỪ LOAN BÁO PHÚC ÂM ĐẾN TRUYỀN GIÁO VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA

Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

 

Mục lục

1. Dẫn nhập. 1

2. Nhìn chung về ý nghĩa, giá trị, ích lợi của ba việc loan báo Phúc Âm, truyền giáo, tân Phúc âm hóa. 2

3. Riêng Việc loan báo Phúc Âm cứu rỗi từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XVI 2

       a. Ý nghĩa. 2

       b. Người loan báo Phúc Âm trong thời kỳ 16 thế kỷ đầu. 3

       c. Việc thực hiện loan báo Phúc Âm trong thời kỳ 16 thế kỷ đầu. 3

4. Riêng Việc truyền giáo từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XXI 4

       a. Ý nghĩa cụm từ truyền giáo. 4

       b. Người truyền giáo trong thời kỳ II (Từ thế kỷ XVI - XXI) 5

       c. Việc thực hiện truyền giáo từ thế kỷ XVI - XXI 6

5. Riêng Việc tân Phúc âm hóa từ thế kỷ XXI 8

       a. Ý nghĩa Tân Phúc Âm Hoá theo nghĩa riêng từng chữ. 9

       b. Ý nghĩa cụm từ Phúc âm hóa. 9

6. Để kết


1. Dẫn nhập

Năm 2018 Giáo hội Việt Nam có một biến cố đáng quan tâm và ghi nhớ đó là “cuộc Hội Thảo loan báo Tin Mừng: được thanh tẩy và được sai đi”, tại Trung tâm mục vụ Huế. Đáng quan tâm và ghi nhớ thứ nhất, vì đã chọn một đề tài liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa được thanh tẩy được sai đi và loan báo Phúc Âm. Xin lưu ý, trong bài viết này tôi dùng Phúc Âm thay thế cho Tin Mừng, bởi vì từ Phúc Âm được dùng phổ biến trong Giáo hội Việt Nam từ đầu cho tới thập niên 1990, sau đó mới được thay bằng từ Tin Mừng và dùng cho đến nay. Rồi bất ngờ năm 2014 trong Bản Tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 80, trong bài “Đọc Tông Huấn Evangelii Gaudium”, Đức cha Phêrô Khảm đã đơn phương lội ngược dòng để dịch là Niềm Vui Phúc Âm. Cha Stêphanô Huỳnh Trụ, chuyên viên về từ ngữ Công Giáo đã cho biết rằng: “Phúc Âm với ý nghĩa triết lý Đông Phương rất sâu sắc, có thể diễn tả nội dung đúng hơn Tin Mừng”. Vì thế tôi chọn từ Phúc Âm để khi còn phải dịch Nouvelle Evangelisation thì dịch là tân Phúc âm hóa, chứ khỏi phải dịch là Tin Mừng hóa mới, nghe có vẻ giả cầy - Đáng quan tâm và ghi nhớ thứ hai, vì cuộc Hội Thảo quy tụ được mọi thành phần Dân Chúa, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân... tất cả 123 người thuộc 23/26 giáo phận. Đáng quan tâm và ghi nhớ thứ ba, vì tất cả đều đóng góp những kinh nghiệm đa dạng và phong phú về: Loan báo Phúc Âm, truyền giáo, tân Phúc âm hóa, nêu lên cả những cái tốt cũng như thiếu sót.

Tôi may mắn được Đức cha Anphongsô Long gửi tặng tập tài liệu và xin tôi góp ý. Nhìn chung, đa số các bài trình bày về loan báo Phúc Âm và truyền giáo hơn là Tân Phúc Âm hoá: Bài của đức cha chủ tịch dùng 10 lần từ truyền giáo và 52 lần từ Tân Phúc Âm hoá; còn bài của cha Lê Công Đức thì không thấy bóng từ truyền giáo nào, mà bất ngờ nêu câu hỏi: “Tân Phúc âm hóa đã qua rồi hay chưa tới?”. Tôi sửng sốt vì nhớ cách đây mới 8 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII năm 2012 về tân Phúc âm hóa thì cả hội nghị đã kết luận chọn tân Phúc âm hóa là “tầm nhìn hay nhãn quan” (Vision) của Giáo hội hiện tại và tương lai. Đây cũng là “khẩu lệnh” (mot d'ordre) cho việc mục vụ trong Giáo hội (xem Kết luận số 24). Tôi sửng sốt nên chờ tìm hiểu rồi góp ý sau.

Đến tháng 7 năm 2020 Đức cha Stêphanô Thiên đi họp “Hội thảo lần hai về loan báo Phúc Ân tại Vĩnh Long về, ngài có cho tôi một tập sách nhỏ 118 trang khổ bỏ túi, do Đức cha Anphongsô Long tặng ngài, ngài thấy cuốn sách thuật lại 15 câu chuyện rất hay đức Phanxicô trò chuyện với ông Giovanni Valente về truyền giáo ngày nay. Tôi đã đọc ngay và thấy gồm những câu nói, suy nghĩ, giáo huấn... rất lý thú, thực tế, ngắn gọn, gây sốc, lại có tính cách dí dỏm hài hước, chẳng hạn như:

- Giáo hội hoặc là đi ra, hoặc không còn là Giáo hội nữa,

- Việc truyền giáo của Giáo hội không phải là chiêu dụ tín đồ, chiêu dụ tự bản chất luôn là bạo lực, kể cả khi nó ngụy trang hay hành xử bằng đôi găng tay êm ái,

- Đừng để truyền giáo được thực hiện như thể đó là một hoạt động kinh doanh,

- Có thể có một hình thức truyền giáo “cưỡi ngựa xem hoa?”

- Đào một cái giếng, thiết kế các sân bóng cho trẻ em, nữ tu làm nữ hộ sinh có phải là truyền giáo không?

- Sau khi trao đổi với Đức cha Stêphanô Thiên về tân Phúc âm hóa, ngài khuyến khích tôi viết bài giúp độc giả hiểu chính xác hơn về loan báo Phúc Âm, truyền giáo, tân Phúc âm hóa. Tôi xin vâng.

2. Nhìn chung về ý nghĩa, giá trị, ích lợi của ba việc loan báo Phúc Âm, truyền giáo, tân Phúc âm hóa.

Tại sao lại chọn ba cụm từ này? Xin tóm lược: Thiên Chúa vì yêu thương đã sáng tạo loài người, nhưng loài người đã nghe ma quỷ cám dỗ để không phục Thiên Chúa. Ngài vẫn yêu thương và sai Chúa Giêsu xuống thế làm người vừa để loan báo Phúc Âm cứu rỗi, vừa đích thân thực hiện việc cứu rỗi. Rồi Chúa lập Giáo hội để sai Giáo hội tiếp tục việc cứu rỗi cho đến tận thế. “Chính Chúa Giêsu, Phúc âm hóa của Thiên Chúa, đã là sứ giả Phúc Âm đầu tiên và vĩ đại nhất” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi số 7), “Chúa Giêsu hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Còn Giáo hội Chúa đã thiết lập ở trần gian thì phải đối mặt với nhiều sân khấu xã hội và văn hóa khác nhau cho đến tận thế, vì vậy mà Giáo hội bắt đầu loan báo Phúc Âm, rồi truyền giáo và tân Phúc âm hóa, Giáo hội thực hiện trong 3 thời kỳ liên tiếp nhau suốt 21 thế kỷ qua. Bây giờ ta đi vào từng việc một.

3. Riêng Việc loan báo Phúc Âm cứu rỗi từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XVI

a. Ý nghĩa

Loan báo Phúc Âm cứu rỗi dịch từ tiếng la tinh annunctio Evangelii (rút từ sách Isaia (Lc 4,16) và Phúc Âm Thánh Mc 16,15) có nghĩa là rao giảng, truyền bá Phúc Âm hoặc Tin Mừng. Chữ Tin Mừng là chữ nôm dễ hiểu nhưng chỉ có nội dung đơn giản là tin chiến thắng, tin vui, tin lành. Còn chữ Phúc Âm là chữ hán từ xưa các vị thừa sai đã dùng, nhưng đến thập niên 1990 thì bị thay thế bằng chữ Tin Mừng. Theo cha Stêphanô Huỳnh Trụ chuyên gia về ngôn ngữ, “tiếng Phúc Âm có nội dung rất phong phú, sâu sắc, bao hàm nhiều điều tốt đẹp may mắn trời đất cho, để con người được thoả mãn mơ ước của mình, lại gần với triết lý văn hóa Đông Phương có Ngũ Phúc, nhất là có thể hội nhập với giáo lý Kitô giáo trong Tám Mối Phúc”. Phúc Âm ở đây là tin vui cứu rỗi hoặc cứu chuộc. Cứu rỗi là kéo ra khỏi sự dữ, sự hư hỏng do tội lỗi và phục hồi sự toàn vẹn. Cứu chuộc là giải thoát bằng chuộc lại cái mình đã mất hoặc là đền bù để khỏi bị phạt. Đó là ý nghĩa giá trị, ích lợi của cụm từ loan báo Phúc Âm, không gì thay thế được.

b. Người loan báo Phúc Âm trong thời kỳ 16 thế kỷ đầu

Người loan báo Phúc Âm đầu tiên là Chúa Giêsu Kitô, Con Một của Thiên Chúa được sai xuống thế làm Người, để vừa loan báo Phúc Âm vừa dùng cả cuộc đời để thực hiện việc cứu rỗi loài người. Sau khi hoàn tất việc cứu rỗi, Ngài trao quyền và sai các Tông Đồ đi loan báo Phúc Âm cho muôn dân. Các Tông Đồ họp thành Giáo hội của Chúa chọn các giám mục, linh mục, phó tế, và cũng sai họ đi tiếp tục công việc của các ngài. Các ngài theo lối cha truyền con nối để trao lại cho nhau trách nhiệm và giáo thuyết, vì Giáo hội chưa tổ chức đại chủng viện để đào tạo. Như vậy, từ Chúa Giêsu với các Tông Đồ là những người đánh cá, bình dân, không trí thức, không quyền lực, không giàu sang... chỉ có niềm tin vào Phúc Âm Chúa Giêsu và tình yêu thương muốn cứu rỗi mọi người; nhóm nhỏ đó đã làm đảo lộn cả đế quốc Rôma và sau này cả thế giới. Còn Kitô hữu giáo dân thì chưa được đào tạo để tham gia.

c. Việc thực hiện loan báo Phúc Âm trong thời kỳ 16 thế kỷ đầu

Suốt 16 thế kỷ đầu Giáo hội Chúa phải đối mặt với nhiều sân khấu xã hội và văn hóa khác nhau:

c.1. Xã hội và văn hóa của Do Thái và đế quốc Rôma.

Khi Chúa Giêsu loan báo Phúc Âm cứu rỗi của Ngài thì giáo quyền Do Thái và chính quyền Rôma cấm đoán và bách hại, Ngài sẵn sàng chịu tử đạo để làm chứng, còn các tông đồ bị bắt bớ thì di tản đi khắp đế quốc Rôma. Khi được tự do các ngài tập họp nhau thành giáo đoàn, tổ chức giảng Phúc âm, dự lễ Thánh Thể sống yêu thương bằng chia sẻ của cải cho nhau. Khi bị đế quốc Rôma bách hại thì hàng trăm ngàn Kitô hữu đã chịu tử đạo. Khi không còn được tử đạo, nhiều Kitô hữu hợp lại thành tu viện để tập sống theo 3 lời khuyên Phúc Âm (dòng Biển Đức).

c.2. Xã hội và văn hóa của dân Mandi.

Khi đế quốc Rôma tan rã và bị dân Mandi xâm chiếm, Giáo hội đã chinh phục các vua và dân Mandi theo Phúc Âm một cách tập thể ồ ạt, Giáo hội không có người để dạy Phúc Âm cho họ, nên Giáo hội tổ chức cho họ dự lễ Chúa nhật, đọc kinh sáng tối, lần chuỗi, đi đàng thánh giá, ăn chay... dân Chúa phát triển mỗi ngày một đông đến nỗi sang thế kỷ XII, Âu Châu trở thành một Thế giới Kitô giáo (Chrétienté).

c.3. Sân khấu xã hội và văn hóa theo chủ nghĩa nhân văn

Đầu thế kỷ XIV Giáo hội phải đối mặt với chủ nghĩa nhân văn (humanisme) đề cao tự do và chủ nghĩa cá nhân, chống giáo sĩ, chạy theo thế tục hoá. rồi các tệ nạn như gia đình trị, giáo sĩ trị, virus phong kiến quan liêu xâm nhập hàng giáo sĩ, gây gương xấu tới đỉnh cao trong Giáo hội, chẳng hạn vụ buôn bán ân xá để lấy tiền xây Đền Thờ Thánh Phêrô và Toà Thánh Vatican. Linh mục Luther đã phản đối và ly khai với Tòa Thánh năm 1520. Mãi đến năm 1545 Công đồng Trentô mới họp để cải tổ: lập đại chủng viện để đào tạo giáo sĩ, soạn sách giáo lý Rôma cho giáo dân, soạn sách lễ, sách phụng vụ giờ kinh cho giáo sĩ. Cuộc ly khai của Giáo hội Tin Lành kéo theo cả 40 triệu Kitô hữu, gây chia rẽ thù nghịch, có khi dẫn tới chiến tranh, khiến nhiều Kitô hữu Công Giáo cũng như Tin Lành phải di tản sang Mỹ châu, Úc châu, Á châu - khi Kitô hữu gặp tại địa phương những dân tộc chưa biết gì về Phúc Âm thì họ muốn truyền giáo cho họ. Và có lẽ từ đó mà từ truyền giáo được dùng để truyền đạo cho nhau.

4. Riêng Việc truyền giáo từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XXI

Vào đầu thế kỷ XVI các nước Âu châu như, Bồ đào nha, Tây ban nha, Pháp, Anh ... muốn đi khám phá để tìm đất đai của cải và buôn bán. Họ là Kitô hữu gặp được ở các địa phương mới khám phá như Mỹ châu, Phi châu, Á châu. có nhiều dân tộc chưa biết gì về Phúc Âm và chưa được khai hóa, họ xin Giáo hội sai giáo sĩ, tu sĩ cùng đi với họ đến truyền giáo cho họ.

a. Ý nghĩa cụm từ truyền giáo.

Từ điển công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2011) cắt nghĩa truyền giáo: “Truyền là đem của người này mà trao cho người khác, giáo là đạo. Truyền giáo là phổ biến đạo. Truyền giáo có gốc từ tiếng Latinh missio do động từ mittere có nghĩa là sai đi”. Người Pháp hiểu mission là sứ vụ nghĩa là việc sai đi để thực hiện, và missionaire là người được dùng để sai đi chu toàn sứ vụ (theo Từ Điển Larousse 1999). Khi một số nước Âu châu theo Kitô giáo như Bồ đào nha, Tây ban nha, Pháp, Anh . khám phá thế giới mới ở Mỹ châu, Phi châu, Á châu. Họ vừa có tham vọng tìm đất đai của cải và buôn bán, vừa gặp nhiều dân tộc chưa biết gì về Phúc Âm, về Kitô giáo, họ xin Giáo hội sai giáo sĩ tu sĩ đi với họ đến để truyền giáo, truyền đạo. Do đó mà có sự tranh giành nhau và Giáo hội phải lập ra Bộ truyền giáo để can thiệp 1622, tiếng Latinh là Congregatio de propaganda fide nghĩa là bộ truyền bá đức tin, propaganda có nghĩa là hành động có tổ chức nhằm tuyên truyền để dư luận chấp nhận một tư tưởng hay giáo thuyết nào đó (theo từ điển Larousse). Giáo hội chọn truyền giáo trong một sân khấu xã hội và văn hóa Âu châu đang bị chủ nghĩa nhân văn thời trung cổ và thời “Thế Kỷ ánh sáng” xâm nhập, nó đề cao tự do, cá nhân chủ nghĩa, duy thế tục, duy vật vô thần. rồi truyền giáo còn bị lạm dụng và bị gán cho nhiều ý nghĩa không tốt như chiêu dụ tín đồ, chiếm đất, thực dân. Do đó sau Công Đồng Vatican II năm 1967 Đức Phaolô VI đã thay thế cụm từ truyền giáo bằng cụm từ Phúc âm hóa. Như vậy, Giáo hội toàn cầu đã dứt khoát với truyền giáo và chú tâm vào sứ vụ loan báo Phúc Âm và Phúc âm hóa các dân tộc từ 1967. Còn ở Giáo hội Việt Nam thì sao?

Về ý nghĩa truyền giáo ở sân khấu Giáo hội Việt Nam thì có nhiều cái độc đáo và phức tạp. Trước hết từ truyền đạo đã có mặt trong Khâm Định Việt Sử: “năm 1533 đời vua Lê Trang Tôn, có một thừa sai Tây Phương tên là I-Nê-Khu đã theo đường biển vào truyền đạo tại hai làng Ninh Cường và Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định”. Điểm độc đáo thứ hai là các vị thừa sai dòng tên (Cha Đắc Lộ) đã sáng tạo và hoàn thành chữ Quốc ngữ để các ngài có thể giảng đạo bằng tiếng Việt. Nhưng về sau, truyền giáo đụng chạm với các nước Kitô Giáo Âu châu, đụng chạm đến cả phong tục và văn hóa của vua quan Việt Nam khiến truyền giáo mang nhiều ý nghĩa không tốt, lẫn lộn. Theo cha Huỳnh Trụ “Missio được dịch ra là: Sứ vụ, sứ mạng, truyền giáo, thừa sai, khiến nhiều người lẫn lộn, chẳng hạn sứ vụ không thể thay thế truyền giáo, không ai nói cánh đồng truyền giáo là cánh đồng sứ vụ, Giáo hội phát sinh từ sứ vụ chứ không phải từ truyền giáo...” Cha còn thêm rằng: “Nói truyền đạo đúng hơn truyền giáo, vì truyền đạo để giữ đạo và sống đạo, không ai nói truyền giáo là dạy giáo để giữ giáo hay sống giáo”. Và ai cũng biết Chúa Giêsu và các Tông đồ không lập một tôn giáo mới, không truyền đạo hay truyền giáo, chỉ loan báo Phúc âm cứu rỗi mà thôi.

Thực ra muốn hiểu cho thấu đáo ý nghĩa truyền giáo phải để giờ đọc cuốn “Nhật Ký Truyền Giáo: Dân Làng Hồ” của Linh mục Dourisboure (Thừa sai Pháp) suốt gần 40 năm truyền giáo bằng sống “ba cùng” với đồng bào Tây Nguyên (1929); và đọc cuốn “Nhật Ký Truyền Giáo: Giọt Nắng Đồi Trọc Kông chro” (2017) của hai nữ tu dòng Đa Minh, cũng sống “ba cùng” trong 10 năm để truyền giáo như vậy, đến nỗi cha Adrien Launay trong bài mở đầu tập Dân Làng Hồ đã viết: “Tất cả những ai có dịp đọc tác phẩm này đều hết lời ca ngợi, và tôi biết đã từng có người quỳ xuống dâng lời khẩn nguyện sau khi đọc lại trang nào đó trong quyển hồi ký này, mắt đẫm lệ (xem Dân Làng Hồ trang 6).

Ngày nay Kitô hữu Việt Nam chỉ là thiểu số chiếm 8% trong đa số các người lương: theo Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, đạo Cao đài, Hòa hảo, Tin lành...họ tự hào có đạo trước các Kitô hữu nữa. Chúng ta cảm nghĩ gì khi họ nghe ta “dốc toàn lực để truyền giáo cho họ?” Đang khi Công đồng Vatican II, nhất là Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới thứ XIII năm 2012 chọn “khẩu lệnh” cho Giáo hội tại Á Châu là Phúc âm hóa họ bằng đối thoại với các tôn giáo, với văn hóa, và với người nghèo.” Thực sự, cụm từ truyền giáo được dùng từ đầu thế Kỷ XVI lúc đầu mang ý nghĩa tốt đẹp là loan báo Phúc Âm, rất thích hợp với xã hội nhiều tính nhân văn thời đó, nhưng sau truyền giáo vì hoàn cảnh chính trị đã bị lây nhiễm những ý nghĩa không tốt, có mùi tuyên truyền để chiêu dụ tín đồ, xâm phạm phong tục tín ngưỡng, chẳng hạn thành kiến “theo đạo là bỏ thờ cúng ông bà” mà tới nay vẫn chưa được xoá nhoà. Mặc dù cụm từ truyền giáo được quen dùng từ 400 năm nay nhưng nó đã không hội đủ điều kiện mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn nêu ra về nội dung để tạo một từ chuyên biệt. Đó là: “mỗi ý phải có một từ để gọi, từ ấy phải riêng về ý ấy, từ ấy phải làm cho dễ nhớ đến ý ấy”. Đây là ý nghĩa, giá trị và ích lợi của cụm từ truyền giáo, có những cái hay và có những cái thiếu sót, không ích lợi, cần chọn lựa.

b. Người truyền giáo trong thời kỳ II (Từ thế kỷ XVI - XXI)

Trong thời kỳ này người truyền giáo vẫn là các giáo sĩ, tu sĩ của các dòng như Đa minh, Phanxicô, dòng tên. Các ngài được nhà dòng đào tạo, học ngôn ngữ phong tục của các nơi mà các ngài được sai tới. Sau Công Đồng Trentô các ngài còn nhờ các đại chủng viện và các đại học công giáo trau dồi về triết học, thần học, kinh thánh, mục vụ. để loan báo Phúc Âm và truyền giáo. Và sau Công Đồng Vatican II, Kitô hữu giáo dân được mời gọi sống đúng phẩm giá người được thanh tẩy và được sai đi” trong Giáo hội để cộng tác với giáo sĩ trong công việc Phúc âm hóa. Như vậy người truyền giáo trong thời kỳ này bao gồm giáo sĩ, tu sĩ và cả Kitô hữu giáo dân và chỉ sau Công Đồng Vatican II họ mới được kêu gọi tham gia tích cực hơn về mọi mặt.

c. Việc thực hiện truyền giáo từ thế kỷ XVI - XXI

c.1. Việc thực hiện truyền giáo ở các miền đất truyền giáo

Vào đầu thế kỷ XVI các nước Kitô giáo như Bồ đào nha, Tây ban nha, Pháp, Anh. khám phá ra thế giới còn nhiều vùng đất ở Mỹ châu, Á châu, Phi châu. có những dân tộc chưa biết gì về Phúc Âm, về Kitô giáo, họ xin Giáo hội sai tu sĩ, giáo sĩ đến loan báo Phúc âm. Giáo hội xin các dòng tu chuẩn bị tu sĩ giáo sĩ, cho họ học ngôn ngữ, phong tục để dễ hòa nhập và tổ chức dạy văn hóa, xây trường học nhà thương. Nơi nào mà chính quyền và dân chúng không có sẵn những tôn giáo, phong tục không phù hợp với Phúc âm thì dễ dàng đón nhận Phúc âm, và việc truyền giáo đem lại kết quả tốt, chẳng hạn ở Mỹ châu, Phi châu tỉ lệ Kitô giáo là hơn 50%, ở Phi Luật Tân là 80%, nơi nào có những chính quyền theo một tôn giáo phong tục không phù hợp với Phúc âm thì chính quyền xã hội chống đối, cấm đoán, bách hại, việc truyền giáo không phát triển và tỉ lệ người theo Kitô giáo rất kém, chẳng hạn Ấn Độ theo đạo Hindu chỉ có 1,2%, Nhật Bản theo đạo Shinto 0,39%, Trung Quốc theo Khổng Giáo 0,7%, Việt Nam theo Phật Giáo, theo Đạo ông bà 8%... cái khó khăn nhất là nhà vua và xã hội cho rằng truyền giáo là tuyên truyền đạo ngoại lai, là không thờ trời đất, thần thánh, ông bà tổ tiên, là đạo chiêu dụ các tín đồ tiếp tay cho thực dân. Mặc dầu các dòng tu và Giáo hội đã lập Bộ Truyền giáo năm 1622 để giúp đỡ giải quyết các khó khăn suốt 400 năm nay, nhưng làm sao kể hết được những niềm vui Phúc âm và những nỗi đau gian khổ của các thừa sai truyền giáo: Cuốn sách “Giáo hội Việt Nam Thời Các Thánh Tử Đạo”, sách “Dân Làng Hồ”, sách “Hạt Nắng Đồi Trọc Kông Chro” chỉ nói lên được chút xíu về “mầu nhiệm giao thoa giữa ân sủng Thiên Chúa và tự do con người” trong việc loan báo Phúc âm.

Đó là nói chung về việc truyền giáo được các dòng tu và Giáo hội đã lập ra. Bộ Truyền giáo năm 1622 thực hiện trong các miền mới được khám phá trên thế giới.

c.2. Còn riêng ở Việt Nam, ta có thể tóm lược việc truyền giáo được thực hiện trải qua 3 thời kỳ:

- Thời kỳ đặt nền móng (1600 - 1630).

Điểm đặc biệt ở Việt Nam là sách Khâm Định Việt Sử có ghi: “Năm 1533 đời Lê Trang Tông có một thương nhân tên I-Nê-Khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và ở Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”. Đầu thế Kỷ XVII các giáo sĩ Dòng Tên mới thực truyền giáo và đặt nền móng. Các ngài đã để lại cho Giáo hội bốn công việc đáng ghi nhớ: Thứ nhất Cha Đắc Lộ cùng các bạn Việt Nam đã phiên âm Tiếng Việt theo vần Latinh để làm thành chữ quốc ngữ ngày nay, với cuốn từ điển Việt-Bồ-La và cuốn “Phép giảng Tám ngày” giúp học và dạy tiếng Việt dễ dàng hơn để giảng đạo; Thứ hai các ngài thường nhắm làm quen với các quan chức có ảnh hưởng lớn trong xã hội, tặng đồng hồ, máy móc khoa học hấp dẫn... để vừa được bảo vệ và được giúp đỡ khi làm việc; Thứ ba giúp dân chúng từ bỏ mê tín, dị đoan, bùa phép, đa thê., lập thành họ đạo để người theo đạo sống đạo, đào tạo các thầy giảng (thầy giảng Anrê Phú Yên); thứ bốn, các ngài để lại cho miền Bắc gần 300.000 giáo hữu và miền Nam khoảng 50.000. Các cha dòng Tên chưa gặp công khai cấm đạo và bách hại, và đất nước đang trong thời kỳ phân tranh giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn.

- Thời kỳ xây dựng trong thử thách (1630 - 1820).

Về sân khấu xã hội giữa thế Kỷ XVII nhà Trịnh muốn dẹp nhà Nguyễn nhưng mãi đến thế Kỷ XVIII nhà Tây Sơn lên cầm quyền dẹp nhà Nguyễn ở Miền Nam rồi dẹp cả nhà Trịnh ở Miền Bắc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên Nguyễn Ánh là cháu của chúa Nguyễn Định Vương thoát nạn và tìm cách khôi phục nhà Nguyễn nhờ sự yểm trợ của Pháp. Nhà Tây Sơn biết tin đó nên cấm đạo gắt gao (biến cố người công giáo phải trốn trong rừng La Vang 1798). Nguyễn Ánh nhờ người Pháp giúp khôi phục nhà Nguyễn và lên ngôi hiệu là Gia Long (1802). Vua Gia Long không cấm đạo, nhưng 3 vua con là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thì ra tay cấm đạo, cho đạo công giáo là tà đạo, đạo ngoại lai, theo Tây, không thờ trời đất, thờ vua, thờ ông bà tổ tiên. Các vua buộc các người theo đạo phải bỏ đạo, không tuân lệnh thì bị tử hình ... còn về phía Giáo hội, việc truyền giáo của nhóm cha Đắc Lộ được chuyển giao cho Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris. Rồi Toà Thánh đã lập Bộ Truyền Giáo 1652 để giúp đỡ các miền truyền giáo. Bộ gửi Đức Giám Mục Lambert de La Motte coi địa phận đàng trong (Nam Hà) và đưa giám mục Franẹois Pallu coi địa phận đàng ngoài (Bắc Hà), các ngài tổ chức Nhà Đức Chúa Trời (có thầy giảng) và Dòng Mến Thánh Giá cho nữ tu (1670). Để lo dạy giáo lý, coi các bệnh xá, làm thuốc nam chữa bệnh.

Năm 1742 sắc lệnh Tòa Thánh kết án các nghi lễ thờ cúng trời đất, thần thánh, vua chúa, ông bà tổ tiên. khiến các vua chúa vu cáo người Công Giáo không thờ vua và ông bà tổ tiên, làm tay sai cho nước ngoài.

- Thời kỳ bị bách hại (1820 - 1888).

Theo truyền thống Việt Nam do ảnh hưởng Nho giáo, nhà vua là thiên tử (con trời), vua được thần thánh hóa, không ai được trái lệnh vua. Nên khi người công giáo không thờ kính vua và ông bà tổ tiên, không tuân lệnh cấm đạo của vua, thì vua coi đó là tà đạo làm đồi phong bại tục. Khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820 - 1841) vua ra chỉ cấm đạo, cô lập các thừa sai, bắt giáo sĩ và giáo dân bản xứ bỏ đạo bằng cách bước qua thập giá. Sang đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) cuộc cấm đạo giảm bớt. Nhưng đến thời vua Tự Đức (1848-1883) cuộc cấm đạo gay gắt nhất. Vua bị quân đội Pháp đe dọa can thiệp để bảo vệ quyền sống của người Pháp, nên ra nhiều chiếu chỉ cấm đạo triệt để: bắt tất cả giáo sĩ giáo dân trong cũng như ngoài nước phải bỏ đạo, phân rẽ các người công giáo ra rồi sáp nhập họ vào các làng bên lương, ai không tuân lệnh thì bị xử tử hình. Trong hoàn cảnh đó, người công giáo đã không nổi dậy hay bạo động, mà chỉ tìm cách làm chứng về niềm tin nơi Thiên Chúa. Phúc Âm của Chúa Giêsu đã được gieo cấy và vun xới suốt 300 năm bằng máu của gần 130.000 Kitô hữu.

- Thời kỳ trưởng thành (từ 1888) đến nay.

Sau khi vua Tự Đức mất (1883) vua Hàm Nghi lên ngôi phát động phong trào Cần vương để diệt giặc cứu nước, người công giáo còn bị người lương có ác cảm và nghi kỵ. Trong hoàn cảnh đó người công giáo đã không nổi dậy hoặc dùng bạo lực, chấp nhận bị bách hại, tù đày, và chịu chết vì đạo. Sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, Giáo hội ở Việt Nam có cơ hội để trưởng thành, nhưng phải cùng chung số phận với đất nước là chịu sự đô hộ của Pháp (1888), dưới thời Pháp thuộc, Giáo hội không còn bị cấm đạo, nhưng trưởng thành dưới sự hướng dẫn của bộ Phúc âm hóa các dân tộc và sự giúp đỡ của hội truyền giáo hải ngoại Paris. Giáo hội cũng đã trải qua nhiều biến cố lịch sử khó khăn và phức tạp vào năm 1945 (có chính phủ mới) năm 1954 (có cuộc di cư bắc nam) năm 1975 (có cuộc vượt biên)... Nhưng theo đức tin Kitô giáo đó là những biến cố để Giáo hội có thể có cơ hội loan báo Phúc âm và truyền giáo.

c.3. Việc thực hiện truyền giáo ở chính Âu châu

Đầu thế Kỷ XVI Giáo hội đã nhờ Công Đồng Trentô để canh tân, gửi thừa sai đi loan báo Phúc âm và còn đang đào tạo hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân về giáo lý, về phụng vụ, nhưng Giáo hội vẫn đang đối mặt với sân khấu xã hội và văn hóa đã ô nhiễm vì virus phong kiến thời trung cổ, lại còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của “Thế Kỷ ánh sáng”, cả hai loại virus đều đề cao tự do cá nhân chủ nghĩa, loại trừ tôn giáo, chạy theo thế tục hóa. xã hội đó đã tiến tới cuộc Cách mạng Pháp (1789), mở đường cho chủ nghĩa bình đẳng tự do phóng túng, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản nổi lên bóc lột giới công nhân vô sản. Và khi các nước tư bản công giáo như Pháp và Đức không giải quyết được các tranh chấp quyền lợi thì chiến tranh thế giới thứ I (1914 - 1918) và thứ II (1939 - 1945) bùng nổ. Rồi năm 1917 cuộc Cách mạng xô viết lật đổ chế độ Nga hoàng và lập chế độ cộng sản duy vật vô thần. Đến 1949 cách mạng Trung Quốc thiết lập chế độ Cộng hòa nhân dân, theo chủ nghĩa cộng sản, rồi cộng sản Trung Quốc nhập với cộng sản Liên Xô thành khối cộng sản, đối nghịch với khối tự do của thế giới, gây ra chiến tranh lạnh, đe doạ hoà bình của cả nhân loại - trong bối cảnh sân khấu xã hội thế giới bị phân hóa như vậy, Giáo hội lúc đó đang ở tình trạng nội bộ chia rẽ Công Giáo và Tin Lành, Giáo hội lại chưa kịp cải tổ phát triển thần học cũng như chú giải Kinh Thánh để đáp ứng những đòi hỏi mới về khoa học (Vụ ông Galilê) về công bằng xã hội (vụ bóc lột người vô sản), về thái độ đối với các tôn giáo và văn hóa (kỳ thị, tự đắc tự tôn). Giáo hội chỉ khiêm tốn làm những việc có thể như lên tiếng kết án các tội ác chiến tranh, lo cứu trợ các nạn nhân, nhất là cầu nguyện cho thế giới thoát khỏi chiến tranh. Và Thiên Chúa đã can thiệp cho Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập Công Đồng Vatican II để làm đẹp Giáo hội và để Giáo hội góp phần làm đẹp thế giới.

5. Riêng Việc tân Phúc âm hóa từ thế kỷ XXI

Tới đây ta đã tìm hiểu ý nghĩa, giá trị, ích lợi của hai việc trong hai thời kỳ mà Giáo hội phải đối mặt với nhiều sân khấu xã hội và văn hóa khác nhau. Sang thời kỳ thứ ba Giáo hội phải đối mặt với sân khấu xã hội và văn hóa Âu châu đã bị lây nhiễm virus của “chủ nghĩa nhân văn” (từ thế kỷ XIV) và của “thế kỷ ánh sáng” (thế kỷ XVIII), sân khấu của một xã hội xa lìa Phúc âm, rời bỏ Giáo hội, chạy theo duy vật vô thần, chủ trương tất cả chỉ là tương đối... Vì thế mà sau Công Đồng Vatican II năm 1967 Giáo hội phải chọn Phúc âm hóa, rồi sân khấu bị ô nhiễm đó lây lan khắp các châu lục, trở thành toàn cầu hóa, khiến năm 2012 Giáo hội phải chọn tân Phúc âm hóa.

a. Ý nghĩa Tân Phúc Âm Hoá theo nghĩa riêng từng chữ

Tân là: Mới, thay đổi cho mới, những cái mới, những gì mới xuất hiện. - Phúc là: Những sự tốt lành, điều may mắn, những điều tốt đẹp trời đất ban để thoả mãn nguyện của con người. - Âm là: Tiếng phát ra bởi vật thể bị chấn động, tin tức. - Hóa là: Dạy, giáo dục, thay đổi biến chất - Nếu đặt hóa sau danh từ thì hóa có nghĩa là chuyển biến trạng thái hay tính chất của vật, làm cho trở thành, biến thành, làm cho thấm nhuần (theo cha Stêphanô Huỳnh Trụ). Muốn hiểu đến nơi đến chốn tân Phúc âm hóa ta cần hiểu 3 từ: Phúc âm hóa trước đã.

b. Ý nghĩa cụm từ Phúc âm hóa

Người có uy tín và thẩm quyền nhất giúp ta hiểu là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Bởi vì ngài đã nối ngôi Đức Gioan XXIII để hoàn tất Công Đồng Vatican II, và đến năm 1967 ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ III. Đức Phaolô VI là giáo hoàng đầu tiên dùng Phúc âm hóa, chính ngài đã biên soạn hết sức công phu và phong phú Tông huấn về Phúc âm hóa, trong đó có 7 chương bao quát mọi vấn đề liên quan đến Phúc âm hóa. Tông huấn ra đời vào 8 - 12 - 1975 trong bối cảnh đất nước ta vừa thay đổi với biết bao bận tâm lo lắng. Cho nên mãi tới thập niên 2000, tôi gặp được cha thư ký TGM Đà Lạt, ngài đã chia sẻ cho tôi tài liệu về học hỏi Tông huấn và cả bản văn dịch Tông huấn của giáo phận Đà Lạt.

Ở đây tôi chỉ xin tóm lược 3 điểm độc đáo giúp hiểu ý nghĩa Phúc âm hóa là gì, người Phúc âm hóa là ai, những việc phải làm để thực hiện việc Phúc âm hóa:

a) Phúc âm hóa là một từ có thể xác định tất cả sứ mệnh của Chúa Giêsu, là một tổng hợp đầy đủ ý nghĩa, nội dung, các cách thức để Phúc âm hóa như Chúa Giêsu đã quan niệm và thực hiện (Tông huấn số 6, 7). Tông huấn định nghĩa “Phúc âm hóa là mang Phúc âm vào tất cả mọi môi trường nhân loại và nhờ tác động của Phúc âm làm biến đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại (Tông huấn 18).

b) Người Phúc âm hóa là toàn thể mọi thành phần trong Giáo hội. Ở thời kỳ I và II người Phúc âm hóa chỉ là giáo sĩ, tu sĩ, viên chức chuyên môn... giáo dân không có chỗ đứng. Tông huấn kể rõ mọi thành phần Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, gia đình, giới trẻ. dầu là người đã được loan báo, truyền giảng Phúc Âm, tất cả vẫn luôn phải Phúc âm hóa. Tông huấn còn nhắc nhớ tất cả đều phải được đào tạo nghiêm chỉnh và thích đáng (Tông huấn chương VI).

c) Những việc phải thực hiện để Phúc âm hóa: Việc cốt yếu trước hết là làm chứng cho người khác biết Thiên Chúa là Cha, đã sai Chúa Giêsu là Con cùng với Chúa Thánh Thần đến cứu rỗi loài người sa ngã, giải thoát và thăng tiến họ để họ trở thành con cái của Thiên Chúa. (Tông huấn chương III) làm chứng bằng biến đổi chính cuộc sống của mình theo Chúa Giêsu, sống theo các mối Phúc thật: Hiền lành, thương xót... Không chỉ loan báo hay tuyên truyền. (Tông huấn chương IV).

Ta vừa học hỏi về Phúc âm hóa, công việc đã xảy ra trước đây vào năm 1975, nghĩa là cách đây 50 năm rồi, bây giờ ta tìm hiểu về tân Phúc âm hóa. Ta đã biết sân khấu xã hội và văn hóa đang đổi thay mau chóng không thể ngờ được, vì thế mà Giáo hội buộc phải họp Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XIII để bàn về tân Phúc âm hóa năm 2012, tính đến nay đã 8 năm qua, để đối phó với những thách đố mới. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XIII để lại cho ta hai tài liệu: Tài liệu làm việc năm 2011 và “Sứ điệp gửi dân Chúa của Thượng Hội Đồng để tân Phúc âm hóa (2012). Nên nhớ Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đầu tiên dùng tân Phúc âm hóa khi ngài sang công du sang Châu Mỹ La Tinh, rồi Đức Biển Đức XVI và đức Phanxicô cả hai tiếp tục tổ chức hội nghị về tân Phúc âm hóa. Ở đây chỉ xin tóm lược những điểm độc đáo về tân Phúc âm hóa mà trước đây Thượng Hội Đồng lần Thứ III chưa nói tới thôi:

a) Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XIII cho biết Giáo hội phải khẩn cấp tân Phúc âm hóa, vì bên trong Giáo hội nhiều nơi đã được loan báo Phúc âm và truyền giáo nhưng còn thiếu sót, nông cạn, kém hiệu lực; bên ngoài Giáo hội bị tác động bởi một xã hội và văn hóa Âu Châu theo chủ nghĩa nhân văn (humanism) và “thế Kỷ ánh sáng” (Siècle des lumières) nhằm dẹp bỏ tôn giáo, chủ trương duy tương đối, coi Thiên Chúa đã chết, muốn cho con người được tự do cá nhân lên ngôi. Ảnh hưởng lây lan sang cả 5 Châu và trở thành toàn cầu hóa. Đạo và đời ngày càng xa cách đối nghịch. Giáo hội có sứ mệnh và bổn phận vừa lo tân Phúc âm hóa chính mình vừa lo tân Phúc âm hóa thế giới (xem Tài liệu làm việc 2011, chương I).

b) Thượng Hội Đồng Giám Mục lần Thứ XIII lưu ý về những người thực hiện tân Phúc âm hóa gồm mọi thành phần trong Giáo hội, dù họ đã được loan báo Phúc âm và truyền giáo rồi nhưng họ vẫn luôn luôn phải tự tân Phúc âm hóa, để góp phần với nhau xây dựng cho Giáo hội một bộ mặt mới, một cách hiện diện mới; không phải giống như một “Thế giới Kitô giáo” hay một “Vùng đất truyền giáo” xưa thời trung cổ, đã lỗi thời lạc hậu rồi, mà các nghị phụ nói tới một Giáo hội mẫu mực mới, có thể là: Một Giáo hội tại gia (domestique), một Giáo hội của đại chúng (Populaire), một Giáo hội là bệnh viện dã chiến, một Giáo hội là nhà chung (Maison de Dieu), là “cái giếng đầu làng” (un puits de village)... nơi mọi người dễ gặp gỡ nhau để trò chuyện thoải mái (xem Tài liệu làm việc năm 2011 chương I).

c) Thượng Hội Đồng mời gọi mỗi Kitô hữu tân Phúc âm hóa mình không phải chỉ biến đổi mình để theo một tôn giáo, một lý thuyết, nhưng bằng cách chú tâm đi vào chiều sâu để gặp gỡ, tiếp xúc, tạo mối tương quan cá vị, hiệp thông với một người là Chúa Giêsu, là lời sống động của Thiên Chúa đã nhập thể, và Người cũng là chính Phúc âm. Cuộc gặp gỡ này đem đến cho cuộc đời họ một chân trời mới là gặp gỡ được Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt họ vào mối tương quan với Chúa Cha để họ trở thành con Thiên Chúa. Ở Việt Nam ta chưa quen đi vào chiều sâu của cuộc gặp gỡ cá vị này với Chúa Giêsu để ta có kinh nghiệm thân mật với Chúa. Có thể nói như đức Phanxicô đã so sánh ta giống “như người cưỡi ngựa xem hoa”. (xem Tài liệu 2011 chương II).

d) Thượng Hội Đồng không những muốn mỗi Kitô hữu đi vào chiều sâu tâm hồn mình để gặp gỡ, có tương quan cá vị thân mật với Chúa Giêsu mà còn muốn mỗi người cùng với Giáo hội mở rộng tâm trí và tâm hồn đến toàn diện, toàn bộ (holistic) của đời sống con người, đó là các phương diện văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, kỹ thuật, tôn giáo, sinh thái hay môi trường... Kitô hữu phải biến đổi bản thân mình theo Phúc âm để còn có thể biến đổi các bối cảnh trên theo đúng tinh thần Phúc âm. Nhất là Việt Nam ở Á châu, các nghị phụ nhắn nhủ tân Phúc âm hóa đất nước mình bằng đối thoại với các nền văn hóa, các tôn giáo, và những người nghèo (xem Tài liệu làm việc chương I và III).

6. Để kết

Tôi đã cố gắng tìm cách giúp độc giả hiểu cho thật rõ ràng cụ thể ý nghĩa, giá trị, ích lợi của các cụm từ loan báo Phúc Âm, truyền giáo, tân Phúc âm hóa, nhờ đó độc giả chỉ cần dùng lương tri và dõi theo sự hướng dẫn của các giám mục thế giới mà chọn lựa xem mình phải thực hiện những gì để trước hết bản thân mình được biến đổi theo Phúc Âm Chúa Giêsu “trong nhiệt tình mới, trong những phương pháp mới, trong những cách diễn tả mới,” nhờ đó mình có thể biến đổi mọi người và thế giới theo Phúc âm. Thượng Hội Đồng đã chọn tân Phúc âm hóa năm 2012 là “tầm nhìn” (vision) cho Giáo hội hôm nay và ngày mai, và đã coi tân Phúc âm hóa là “huấn lệnh” (mot d'ordre) cho mục vụ hiện tại và tương lai của Giáo hội.

Để giúp độc giả luôn nhớ tân Phúc âm hóa mình, xin độc giả vui lòng xét mình dựa theo “những bộ ba” sau đây, bộ ba nào biến đổi mình nên tốt thì theo, bộ ba nào biến đổi mình thành tồi thì tránh:

1) Ba nguyên nhân của mọi hư hỏng: Tiền, quyền, tình.

2) Ba cái lầm chết người: Tưởng mình giỏi nhất, tưởng ai cũng thương mình, tưởng không ai biết việc sai mình làm.

3) Ba cái nghèo làm nghèo sứ vụ: Nghèo liên đới, nghèo lời khen, nghèo sáng kiến.

4) Ba loại lời không được phép có nơi cửa miệng: Lời dơ bẩn, lời chê bai, lời gây chia rẽ.

5) Ba thực hành để nuôi sự thánh thiện: Chầu Mình Thánh Chúa, đọc sách thiêng liêng, lẫn chuỗi.

6) Ba cố gắng cần cho sự lớn lên mỗi ngày: Dứt ngay cơn giận, xua tan bất hòa, thật lòng hồi tâm.[1]

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ

Chúa Nhật 15 - 11 - 2020

(Lễ Các Thánh Tử Đạo VN).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)
(Cập nhật lúc 11h30, ngày 18.6.2021)



[1] Trích từ bài '“Linh mục và những bộ ba” của linh mục Jb. Trong sách Kỷ yếu Đại chủng viện Huế, 25 năm hoạt động 1994 - 2019